CÁC THỪA SAI PHÁP TỬ ĐẠO NĂM 1885 TẠI ĐÔNG ĐÀNG TRONG[1]
Trích dịch “Les missions d’Extrême Orient par un missionnnaire”
Maison Alfred Mame et fils, (Tours), 1914


Các quan lại và nhóm Văn Thân trong 6 tỉnh miền Đông Đàng Trong đã đồng loạt nổi lên chống lại những người Kitô giáo theo lệnh của Tôn Thất Thuyết. Đây không còn là một vài nhóm hành động lẻ tẻ rải rác ở đâu đấy mà là hàng nghìn người, với sự hỗ trợ của bính lính vũ trang, họ bao vây các làng mạc công giáo, đánh đập khắp nơi, không phân biệt bạn bè hay cha mẹ, đàn ông phụ nữ, kẻ chạy trốn hay kẻ chiến đấu. Họ chôn sống đàn ông, mổ bụng phụ nữ, trẻ con thì cột đá ở cổ ném xuống biển sau khi cắt mũi, môi và tay. Người thì bị cột vào thân cây chuối ném xuống sông để đừng chìm xuống quá nhanh, người thì bị thiêu sống kẻ bị phân thây.

Tám thừa sai bị sát hại. Người đầu tiên là cha Porrier[2]. Ngài đến thăm họ đạo của mình là Bàu Gốc, bị bao vây trong đêm tối từ ngày 14 đến 15 tháng Bảy. Ngày 16 ngài dâng thánh lễ vào lúc 2 giờ sáng và cho tất cả giáo dân rước lễ. Đây là của ăn đàng cho các vị tử đạo.

Vị linh mục trở về nhà mình gần nhà thờ, giáo dân tụ tập chung quanh sân. Trời hừng sáng thì nghe tiếng hò hét của các băng đảng, tiếng thảm khốc của trống và chiêng xuất trận. Giáo dân quỳ gối xuống kêu la: “Ôi! Cha ơi! Bọn chúng đến giết chúng ta kìa! … Lạy Chúa tôi! Giêsu! Maria! Giuse!”

Cha sở ban xá giải chung rồi ngài quỳ gối xuống, hướng về nhà tạm, mắt nhìn ảnh Chúa Cứu Thế, ngài chờ đợi bằng cách cầu nguyện.

Đám giết người ùa vào vườn nhà thờ hò hét man dại. Giáo dân tẩu tán tứ phía nhưng bị đẩy lùi lại, họ chạy vào trong nhà thờ. Đám lương dân đi thẳng vào nhà xứ mà không động chạm gì đến giáo dân. Cha Porrier vẫn quỳ, hướng về nhà tạm, tuyệt nhiên không động đậy, mắt nhìn chăm chú vào ảnh thánh.

Hai phát súng làm ngài gục xuống, lập tức kẻ thù bổ nhào đến ngài, họ đấm đá túi bụi, giật râu ngài. Một người chém đầu còn kẻ khác thì đâm ngài nơi ngực.

Cùng ngày, cha Guégan[3], một cựu binh trong quân đoàn của giáo hoàng (zouaves pontificaux)[4], bị giết tại Phú Hoà.

Ngày 18 tháng Bảy, cha Garin[5] đã thở hơi cuối cùng trong sự đau đớn cùng cực; vài ngày trước, các giáo dân nghĩ rằng người ta chừa giáo xứ của mình ra nên đã xin ngài trở về từ chổ trốn trên núi. Ông quan tỉnh đánh tiếng rằng ngài không phải sợ gì cả và có thể trở về nhà; vả lại, bọn văn thân và các nhóm thù nghịch với giáo dân cũng như với người Pháp đã đi xa rồi. Vị thừa sai quá tin tưởng đã trở về nhà, ngay lập tức ngài bị bao vây và rơi vào tay của các đao phủ. Sau khi lăng mạ và sỉ nhục, họ kết án ngài phải chịu xử bá đao. Ngài bị cột vào một cây cột, và cứ từng chặp, những kẻ sát nhân cầm móc và kìm rút ra từng mảng thịt còn co giật.

Không gì thiếu sót ở toà án này: sự điên dại của các đao phủ và sự chịu đựng ở nạn nhân. Cuối ngày thứ ba của cuộc hành hình thì linh hồn của vị tử đạo đã bay về trời.

Ngày 2 tháng Tám thì đến lượt cha Macé[6].

Hoạt bát, thông minh, quả quyết, đạo đức sốt sắng, Henri Macé xứng đáng là dòng dõi của những người nông dân xứ Vendée, quảng đại đến độ chấp nhận hy sinh, đôi khi bộc trực đến độ thô lỗ, con người của bổn phận luôn đặt bổn phận lên trên hết vì đó là lệnh truyền của Chúa.

Các cha Barrat[7] và Dupont[8] đã đi theo ngài trên con đường tử đạo vào ngày 3 và 4 tháng Tám.

Dầu cho giới hạn hạn hẹp của chương này, chúng tôi xin trích bức thư cuối cùng của cha Dupont gởi cho người anh với những lời lẽ cao quý và thánh thiện, tiếng kêu vang lên từ tâm hồn cháy bỏng lửa yêu mến Chúa và các linh hồn.

Gia Hựu, ngày 23 tháng Bảy 1885

Félix thân mến,

Trong bức thư cuối cùng, anh đã là một nhà tiên tri mà không hề hay biết phải không? Với tư cách là người đỡ đầu và là người anh, với trọn vẹn đức ái của một người linh mục, anh đã khuyên em tỏ ra xứng đáng với ơn gọi tông đồ, trung thành ngay cả khi phải hy sinh mạng sống! Ôi Félix! Liệu anh có tin và hiểu rằng phúc tử đạo đang ở ngay đây, ngay trước cửa, chỉ một vài giờ nữa thôi và có thể em sẽ được nhận lãnh, nghĩa là bị thiêu đốt, bị thảm sát hay phân ra hàng ngàn mảnh. Ôi anh ơi! Thật là một cơ hội! Vui sướng biết bao nhưng cũng đau đớn biết bao, khổ ải cả trong tâm hồn!

Từ chín ngày nay, tin tức khủng khiếp đến dồn dập. Ba thừa sai là các cha Garin, Poirier, Guégan, năm đến sáu ngàn giáo dân bị thảm sát với sự điên cuồng của quỷ dữ, những người còn lại thì trốn trên núi, nơi thú dữ và nhất là đói khát sẽ đến kết thúc mạng sống họ; nhà thờ bị đốt cháy, củi đốt là các giáo dân; cô nhi viện, tu viện ngập chìm trong máu. Kinh hoàng khắp nơi, chém giết khắp nơi trong tỉnh Tư Ngãi. Người Pháp đâu? … Không một bóng dáng. Mọi người mong chờ họ … Không một động tĩnh giải cứu nào! Vậy thì tất cả con cái tội nghiệp của chúng tôi cũng như các thành quả đều phải bị xoá sạch! Đau thương quá! Nhà em chứa đầy giáo dân. Khi gần chúng em họ ít sợ hãi hơn, họ tin rằng chúng em sẽ cứu thoát họ. Biết làm sao đây Chúa ơi? Chúng con sẽ cùng chết với họ.

Gặp lại sau nhé, anh thân mến. Nếu thoát được, em sẽ kể cho anh nghe nhiều chi tiết. Thật sự, có những điều tàn ác không thể tưởng được.

Nhưng cũng có thể em sẽ tử đạo! A! Ước chi đó là sự thật! Phúc cho linh hồn tôi! Xin chúc tụng Thiên Chúa!

Hãy vui mừng hát bài Te Deum; nhưng trước đó hãy than bài Miserere vì cuộc sống em đã rất khốn đốn. Nếu phải chết, Félix! Hãy nói với mọi người, em không thể kể ra hết mọi người, với cả gia đình, rằng em chết khi cầu xin họ tha thứ cho những xúc phạm và vô ơn, những thiếu sót đối với họ.

Và giờ đây cận kề cái chết.Nhờ sự giúp sức của Chúa Giêsu và Mẹ Maria, khi nhớ đến mẹ, đến Victor, đến Octavie, đến tất cả những người thân diễm phúc đã qua đời, em sẽ không quỵ ngã. …. Em thường xuyên cầu khẩn Thiên Chúa, Nữ Vương các tử đạo; Lời cầu xin của em sẽ không bị chối từ.

Tạ ơn Thiên Chúa!

Cuối cùng, anh thân mến! tạm biệt và hẹn gặp nhau nơi Thiên Chúa! Hôn tất cả mọi người và siết chặt anh có thể là lần cuối cùng.


Honoré Dupont

Đức Cha Van Camelbeke, Đại diện Tông toà Đông Đàng Trong, đã kể về cái chết của Thừa sai Iribarne[9] như sau.

“Vị thừa sai của chúng ta đã bị sát hại ngày 19 tháng 8, không xa họ đạo Quán Cau của mình. Vì không thể cầm cự được nữa khi làng mạc bị thiêu trụi và nhóm phản loạn bao vây gần sát, ngài đã quyết định tức tốc chạy trốn bằng ngựa. Ngài hy vọng tìm thấy ở cảng gần đấy một con thuyền để đi ra biển. Rủi thay không tìm thấy chiếc nào và phải quay trở về điểm xuất phát, quân thù chờ đợi ngài ở đấy. Ngài bị quật xuống ngựa và đâm hai nhát lao. Những tên đao phủ muốn ngài phải chịu đau đớn lâu hơn và làm mãn nhãn đám đông đến xem cái chết của ngài, họ trói ngài lại với sự dã man cuối cùng và khiêng ngài ra đến gần chợ. Ở đấy vị linh mục thân yêu và tội nghiệp bị chém đầu trước sự chứng kiến của đám đông khích động. Đầu ngài bị buộc vào nhánh cây lớn, còn thân mình bị chặt ra và nướng như nướng thịt. Vị thầy giảng đi theo ngài cũng cùng chung số phận, một số đông giáo dân tại chỗ cũng như thế”

Cha Châtelet[10] bị giết ngày 26 tháng Tám tại Cây Da. Lương dân đã bao vây nhà thờ và nhà xứ, có luỹ tre bao chung quanh nhưng họ đã phá ra nhiều lỗ lớn. Giáo dân vây quanh người cha tinh thần của mình, xin ngài ban ban phúc lành cuối cùng rồi rút vào trong nhà thờ để chờ đợi giây phút hiến sinh cuối cùng. Cha Châtelet trở vào nhà để ban bí tích cho khoảng mười lăm người bị thương. Ngài làm thừa tác vụ bác ái này một cách sốt sắng, chẳng hề bị xao động vì những lời nguyền rủa, phỉ báng thô tục, tiếng la hét của đám đông bao vây nhà xứ, họ đòi buộc vị thừa sai bước ra sân, quỳ gối xuống để chém đầu ngài.

Vị linh mục trả lời: “Tôi không đi đâu xa được nữa; nếu các ông muốn đầu tôi, hãy đến đây mà lấy, tôi sẽ không chống cự.”

Ngài bước ra đứng dưới hiên nhà, những lời thoá mạ lại gia tăng gấp bội; cuối cùng, khi những người khác ném vào đầu ngài tất cả những gì có được trong tầm tay thì một người leo lên phía hiên phải, tiến đến gần và đâm một nhát lao vào cha Châtelet, ngài ngã sấp mặt xuống đất; một tên nữa chém ngài hai nhát dao và nạn nhân tắt thở.

Cùng với 8 thừa sai này, gần 25.000 giáo dân bị giết. Sổ thống kê những người công giáo ở Đàng Trong cho thấy vào năm 1884 con số tín hữu là 41.234 người; đến năm 1886 thì chỉ còn 17.000 tín hữu.

Miền truyền giáo Bắc Đàng Trong không mất đi một linh mục Âu châu nào; nhưng cũng đã mất đi 10 linh mục bản xứ và 10.000 giáo dân.

Trong toàn cõi đất Trung Kỳ, từ Nam Đàng Ngoài cho đến Đàng Trong thuộc Pháp, giáo dân bị vây bắt như những con thú hoang. Người thì được các linh mục dẫn đi trốn ở Huế, người thì ở Qui Nhơn. Vài ngàn người được cứu thoát nhờ các tàu thuỷ mà Đức Cha Colombert, Đại Diện Tông Toà Tây Đàng Trong thuê mướn và gởi đi lùng xục dọc theo khắp các bờ biển.

Tuy nhiên, khi thoát khỏi cơn sợ hãi, tín hữu đã tìm cách kháng cự và các thừa sai giúp đỡ họ. Không có một sự mâu thuẫn nào giữa hành động này với thái độ của nhiều người tử đạo ngay trong xứ này, họ không kháng cự, bằng lòng đổ máu mình ra để khẳng định đức tin của mình. Chỉ có hoàn cảnh là thay đổi; trước kia, chính quyền hợp pháp gọi giáo dân ra trước toà, phán xét và kết án họ; ngày nay, những người muốn sát hại họ là những kẻ phản loạn, nổi lên chống lại người Pháp. Các tín hữu chẳng những có quyền mà có bổn phận tự vệ và bảo vệ những người già và vợ con của mình.

Những cuộc chiến đẫm máu xảy ra khắp miền truyền giáo Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã cứu sống nhiều ngàn người công giáo, không phải là không phải trả giá bằng vô số người chết.

Tuy nhiên, theo lời Thánh Kim Khẩu, Thiên Chúa nhân lành luôn trộn lẫn vài điều an ủi vào những nỗi gian truân cho các tôi tớ mình, đó là đời sống của những người công chính; bằng sự pha trộn nghịch cảnh với những niềm vui thánh thiện, Ngài vẽ nên bức tranh đầy màu sắc.

Chính đó là điều Ngài đã thực hiện ngay trong năm 1885 kinh hoàng này, vì Hội Thừa Sai đã ghi nhận có đến 19.705 người lớn là lương dân đã xin chịu phép rửa, 180.960 trẻ con sắp chết đã chịu phép rửa tội, và 205 trường hợp bội giáo đã trở lại.

Báo cáo năm 1885 của Hội Thừa Sai đã nói: “Đây chính là niềm an ủi đầu tiên cho người thợ làm việc tông đồ. Nhưng đây không phải là điều duy nhất mà Chúa ban cho Hội. Để thay thế những người đã ngã gục, Ngài đã gia tăng ơn gọi tông đồ. Hiến lễ mà các vị thừa sai của chúng ta đã dâng lên bằng chính máu mình, đã biến thành niềm vui ngọt ngào đến nỗi chúng ta cũng mong muốn được như họ.

Ta không thể tránh khỏi xúc động khi nhắc đến sự bình thản khi họ tiến đến gần giờ phút hy sinh của mình. Ta vui mừng nhìn thấy sự sốt sắng cháy bỏng và lòng tin không hề lay chuyển của họ vào Mẹ Thiên Chúa, Nữ Vương các tông đồ trong những cơn thử thách kinh khủng này. Ta thấy cảm động sâu sắc trước tâm tình khiêm cung khi họ cho mình bất xứng để đổ cả máu mình ra vì Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Chẳng phải đó là niềm an ủi lớn lao hay sao khi mà hàng nghìn giáo dân đã làm chứng cho đức tin sống động này vào những giây phút cuối cuộc sống của mình? Khi thấy đoàn lũ sát nhân đến gần, họ xúm xít quanh vị linh mục, ken kín cả nhà thờ, chiếm lĩnh toà giải tội và ao ước nhận lãnh xá giải cuối cùng trước khi đổ máu mình ra.

Xin cho hiến tế của biết bao nạn nhân này xoa dịu sự công bình của Chúa và là vật thế chấp cho sự phục sinh! Xin đổ xuống trên những người ngoại giáo mù quáng và trên chính những kẻ sát nhân ơn hoán cải!”

(Trích “BTTGPQN”)
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyểnb ngữ
--------------------------------------------------------------------------------

[1] Tiêu đề và các chú thích trong bài là của người dịch.

[2] Jean Porrier (1848-1855), tên Việt nam là Tân, sinh ngày 23 tháng Sáu 1848tại Sainte-Colombe, giáo phận Rennes, vào Chủng Viện Thừa Sai Hải Ngoại năm 1871. Thụ phong ngày 20 tháng Chín 1873, ngài nhận nhiệm vụ ngày 5 tháng Mười 1873. Đầu tiên ngài lên xứ thượng Bahnar rồi từ năm 1877 đến 1880 làm quản lý. Năm 1880 nhận sở Phú Thượng ở Quảng Nam sau đó là Văn Bân ở Quảng Ngãi. Năm 1885 khi cuộc bách hại bùng nổ, ngài ở Bàu Gốc và bị thảm sát cùng với 400 giáo dân.

[3] Louis Guégan (1849-1885), tên Việt Nam là Hoàng, sinh ngày 6 tháng Năm 1849 tại St. Vran (Côté-d’Amor). Thụ phong linh mục ngày 25 tháng Hai 1874 và đi nhận nhiệm vụ truyền giáo ngày 22 tháng Mười Một 1881. Ngài học tiếng Việt tại Sông Cát rồi sau đó được gởi đi đến Phú Hoà, Quảng Ngãi. Năm 1885, ngài bị giết ở Phú Hoà cùng với 500 giáo dân, trong đó có khoảng 40 nữ tu.

[4] Binh đoàn giáo hoàng gồm toàn những người tự nguyện gốc Pháp, Bỉ và Hoà Lan, nhằm bảo vệ Nước Toà Thánh khỏi bị nước Ý Thống Nhất sáp nhập.

[5] André Marie Garin (1854-1885), tên Việt Nam là Châu, sinh ngày 25 tháng Năm 1854 tại Mercury-Gemilly (Savoie). Thụ phong linh mục ngày 16 tháng Ba 1878 và đi nhận nhiệm vụ ngày 16 tháng Tư 1879. Ngài làm việc đầu tiên ở Quảng Ngãi và thành lập xứ Văn Bân vào năm 1880. Sau đó ngài định cư ở Phường Chuối và tử đạo tại đó.

[6] Auguste Macé (1844-1885), tên Việt nam là Sĩ, sinh ngày 19 tháng Sáu 1844 tại Bazoges-en-Pailers (Vendée). Thụ phong linh mục ngày 19 tháng Chạp 1874 và đi nhận nhiệm vụ ngày 23 tháng Chín 1875. Đầu tiên, ngài làm việc tại Phú Yên rồi sau đó được cử làm giáo sư tu từ học ở Tiểu Chủng Viện Nước Nhỉ. Nạn “Văn Thân” năm 1885, ngài đang là Bề Trên Tiểu Chủng Viện thì Chủng Viện bị tấn công, ngài bị thương và bị chém đầu vào ngày 2 tháng Tám 1885.

[7] Francois Barrat (1853-1885), tên Việt nam là Chung, sinh ngày 18 tháng Tám 1853 tại Rougé. Thụ phong linh mục ngày 20 tháng Chín 1879 và đi nhận nhiệm vụ ngày 26 tháng Mười Một. Sau khi học tiếng Việt tại Xóm Chuối, ngài được cử làm quản lý miền truyền giáo và rồi sau đó làm cha sở họ Thác Đá. Ngài bị sát hại ngày 3 tháng Tám 1885.

[8] Honoré Dupont (1859-1885), tên Việt Nam là Minh, sinh ngày 25 tháng Hai 1859 tại Andrezé (Maine-et-Loire). Thụ phong linh mục ngày 20 tháng Chín 1884 và đi nhận nhiệm vụ ngày 3 tháng Chạp. Ngài đến Gia Hựu để học tiếng Việt và năm 1885 ngài thay thế cha Geffroy đang ở Huế để trình bày tình hình với tướng Courcy. Ngài bị thảm sát ngày 3 tháng Tám 1885 trên đồi Hội Đức, nằm giữa Gia Hựu và Thác Đá.

[9] Dominique Iribarne (1859-1885), tên Việt Nam là Thành, sinh ngày 8 tháng bảy 1859 tại Ossès (Pyrénées-Atlantiques). Thụ phong linh mục ngày 17 tháng Hai 1883 và lên đường ngày 28 tháng Ba đến làm việc tại Quán Cau, Phú Yên và tử đạo tại đấy.

[10] Francois Chatelet (1855-1885), tên Việt Nam là Thuông, sinh ngày 20 tháng Tư 1855 tại St-Didier-sur-Beaujeu (Rhône). Thụ phong linh mục ngày 26 tháng Chín 1880 và đi nhận nhiệm vụ ngày 10 tháng Mười Một. Ngài ở tại Trà Kê vào năm 1885 và bị giết tại Cây Da ngày 26 tháng Tám 1885.