Trong điện thư được ký bởi Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Thánh Cha đã biểu lộ sự “đánh giá chân thành dành cho công trình đầy ý nghĩa hướng tới những công việc phi thường về khoa học và văn hóa của cha Matteo Ricci, người con cao cả của vùng đất này.”
Điện văn, được đọc khi khai mạc hội nghị kéo dài ba ngày và kết thúc vào hôm Chúa nhật, đã ghi nhận “tình yêu sâu sắc dành cho Giáo hội và lòng nhiệt thành truyền giáo đến người dân Trung Hoa” của vị thừa sai.
Trong một lá thư được gửi hôm tháng Năm vừa qua cho Đức Giám Mục Claudio Giuliodori của Macerata, vào lúc bắt đầu sự chuẩn bị lễ kỷ niệm 4 thế kỷ ngày mất của cha Ricci, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh tới “sự sáng tạo và khả năng phi thường” của vị giáo sĩ Dòng Tên, nhờ đó mà cha đã “kết hợp hài hòa giữa nền văn minh Trung Hoa cổ đại, cao quý với tính mới lạ của Kitô giáo.”
Đức Thánh Cha còn nêu bật “chiến lược mục vụ” của vị thừa sai, người đã sống 28 năm tại Trung Quốc, và “tình yêu sâu sắc mà vị giáo sĩ dành cho người dân Trung Hoa, lịch sử của họ, cũng như văn hóa và truyền thống tôn giáo lâu đời của đất nước Trung Quốc”, điều đã tạo nên sứ vụ tông đồ, hay có thể nói, một sự tiên tri.
Sứ mệnh
Sinh ra tại Macerata vào ngày 06-10-1552, vị “Tông Đồ Trung Quốc” tương lai đã gia nhập Dòng Tên năm 18 tuổi, nơi ngài sớm khám phá được ơn gọi truyền giáo của mình.
Trước khi được thụ phong linh mục, Matteo Ricci đã thỉnh cầu bề trên cho phép mình được đến miền Viễn Đông xa xôi để truyền giáo. Từ đó, ngài đến Bồ Đào Nha và bắt đầu những chuẩn bị đầu tiên của mình cho chuyến truyền giáo phương Đông. Lên tàu ở Lisbon cùng 14 vị thừa sai Dòng Tên khác, đến ngày 13-09-1578 thầy Ricci đặt chân tới Goa, Ấn Độ, nơi Thánh Phanxicô Xaviê qua đời và được chôn cất.
Thầy Ricci trải qua nhiều năm ở Ấn Độ với công việc dạy học trong những trường Dòng Tên trước khi được thụ phong linh mục. Thánh lễ mở tay đầu tiên của cha Ricci là vào ngày 26-07-1580.
Không lâu sau đó, vị thanh tra Dòng Tên phụ trách kinh lý miền Nam Á và các vùng phụ cận (bao gồm cả Trung Quốc và Nhật Bản) là Linh mục Alessandro Valignano đã yêu cầu cha Ricci đến Macao, một thuộc địa của Bồ Đào Nha ở Trung Quốc, để nghiên cứu ngôn ngữ Trung Quốc và chuẩn bị cho chuyến hành trình vào mẫu quốc Trung Hoa lục địa, nơi mà thời đó những người phương Tây không thể hiểu được.
Sự chờ đợi kéo dài để xin nhập cảnh Trung Quốc đã diễn ra ngày 10-09-1583. Cha Ricci và người đồng hành của mình là Linh mục Michele Ruggiere đến Triệu Khánh, Trung Quốc, nơi đây họ bắt đầu xây dựng căn nhà và nhà thờ đầu tiên và hoàn thành vào năm 1585. Một cộng đoàn nhỏ Dòng Tên ít lâu sau đó đã chuyển tới Thiều Quan.
Cha Ricci được Hoàng đế Minh Thần của Triều đại nhà Minh tiếp đón nồng hậu và phong cho ngài làm quan trong triều tại Tử Cấm Thành. Ngài được bá quan văn võ của triều đình chào đón.
“Hãy trở thành người Hoa để đến với người Hoa” là phương pháp truyền giáo sáng tạo của cha Ricci, trong đó hoàn thiện khả năng thích ứng với các tập tục và truyền thống bản địa để trở nên gần gũi hơn với những người mình có sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Phương pháp “hội nhập văn hóa” được nhà thừa sai Dòng Tên chọn đã sinh hoa trái khi cha Ricci có thể đối thoại với mọi tầng lớp, từ những quan lại quyền cao chức trọng cho đến các người nghèo khổ. Tất cả họ đều bị ấn tượng bởi lòng tôn trọng lớn lao của nhà truyền giáo dành cho Khổng giáo và nền văn hóa Trung Hoa.
Kiến thức và sự hiểu biết về khoa học của cha Ricci cũng đã tạo nên được sự ngưỡng mộ lớn lao. Ngài đã mang đến Trung Quốc môn toán học đại số và hình học, đóng góp vĩ đại vào sự phục hưng trong các lĩnh vực địa lý, bản đồ và thiên văn học cho người Hoa.
Ngoài việc giảng dạy rất nhiều chuyên ngành khoa học và nhân học ở Trung Quốc, ngài còn để lại vô vàn các tác phẩm vĩ đại, như “Luận thuyết về Tình bạn”, “Bản Đồ Trung Hoa Đại Lục”, luận thuyết “Khái niệm chính thống về Thiên Chúa”, “Những Phê Bình” và “Những Lá Thư từ Trung Hoa”. Đó là một số các công trình vĩ đại góp phần quyết định cho sự phát triển nền tảng của bộ môn Trung Hoa Học Hiện Đại và truyền bá tri thức Phương Tây vào Trung Quốc, cũng như toàn bộ phía Đông.
“Li Madou” - tên của Cha Matteo Ricci trong tiếng Trung Quốc - qua đời ở Bắc Kinh vào ngày 11-05-1610, thọ 58 tuổi. Cha Ricci đã được chính hoàng đế Trung Hoa đại lục đặc cách hủy bỏ truyền thống không cho phép chôn cất người nước ngoài ở Trung Quốc. Nhà vua đã cấp một mảnh đất riêng để xây phần mộ cho vị thừa sai Dòng Tên như một cử chỉ bày tỏ lòng kính trọng cao nhất đối với sự thông thái và tình yêu mà cha Matteo Ricci dành cho người dân Trung Quốc.