Chúa Nhật Thứ 5 Mùa Chay, Năm C (Ga 8, 1-11).

DẪN

Chuyện đời không thiếu việc con người kết án lẫn nhau.

Tư tưởng Thiên Chúa không như tư tưởng của người đời.

Trình thuật Tin Mừng (Ga 8, 1-11) là bằng chứng: Chúa kết án tội chứ không kết án người tội lỗi.

I. ĐÁM ĐÔNG VÀO HÙA

Một buổi sáng nọ, một đám đông các kinh sư và người Pha-ri-siêu dẫn một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình đến trước mặt Đức Giê-su. (Ga 8, 3). Họ đã chất vấn Đức Giê-su về việc xét xử bà này. “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách luật, ông Mô-sê truyền dạy chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8, 5).

Mới thoáng qua thì đàm đông này xem ra có lý lẽ, nhưng sâu xa, họ đang cố tình gài bẫy Đức Giê-su hầu có cớ bắt Người. Mặt khác, dường như họ đang toa rập với nhau, âm mưu tìm cách “giết người diệt khẩu” càng sớm càng tốt để ngầm bao che cho kẻ tòng phạm, vì theo luật thì người đàn ông tòng phạm với bà ta cũng phải bị ném đá (x Ed 16, 38-40).

Đức Giê-su biết rõ tâm địa gian manh của họ. Bằng thái độ lặng thinh viết trên đất, xem ra Người không chú ý đến những người xung quanh và dường như muốn từ chối nói chuyện với họ.

Vì sự cố chấp của đám đông “họ cứ hỏi mãi” (Ga 8, 7), Đức Giê-su đã trả lời: “Ai trong các ông không có tội thì cứ lấy đá ném chị này trước đi” (Ga 8, 7). Lời Đức Giê-su đã xoáy vào tim đen của đám đông khiến họ phải suy nghĩ và đã rút êm “lần lượt bỏ đi, bắt đầu là những người lớn tuổi” (Ga 8, 9). Hẳn những viến đá mà đám đông lăm le ném người đàn bà ngoại tình nay đã ném thẳng vào lương tâm những kẻ sống hùa và buộc họ phải suy nghĩ mà thay đổi hành vi của mình.

II. CON NGƯỜI YẾU HÈN

Phần người phụ nữ, chị đã bị bắt quả tang đang ngoại tình. Tội chứng ràng rành, không còn gì để nói nên chị ta chỉ thinh lặng và cũng không thiết nghĩ đến chuyện tố cáo kẻ tòng phạm. Chị ta chỉ còn biết phó mình cho sự định đoạt của đám đông và người ta đã buộc chị phải đứng giữa đám đông để chịu xét xử.

Lẽ tự nhiên, Thiên Chúa ban cho con người khả năng giới tính để truyền sinh. Hoạt động giới tính tự nó thật tốt đẹp và phù hợp với sự quan phòng của Thiên Chúa. Tuy nhiên một khi người ta lạm dụng hoạt động này, cụ thể là thực hiện ngoài hôn nhân và trái tự nhiên thì sẽ sinh hậu quả tai hại làm hủy hoại thuần phong mỹ tục.

Ấy vậy mà, Kinh Thánh đã từng thuật những chuyện hủ hoại: Vua Đa-vít đã từng phạm tội cướp vợ (bà Bát-sa-ve) mà còn giết luôn người chồng (tướng U-ri-a) (x. 2S 11, 2 tt); hai ông thủ lãnh cùng âm mưu hành động đồi bại với bà Su-san-na vợ của ông Giô-gia-kim nhưng âm mưu không thành (x. Đn 13, 1tt); người con hoang đàng mang tiền phung phí với bọn điếm (x. Lc 15, 30); thánh Phao-lô từng than khóc vì dân thành Cô-rin-tô sống gian dâm phóng đãng (x. 2Cr 12, 21)…

Chuyện Kinh thánh đã vậy, trong gian dân những chuyện ngoại tình cũng không ít nên ngày nay, tình trạng hôn nhân thiếu chung thủy và gia đình đổ vỡ đang ngày càng gia tăng. Thế mới biết, thân phận con người yếu hèn: điều thiện muốn thì không làm nhưng điều ác không muốn thì lại làm (x. Rm 7, 19).

Bởi thế, ý thức phận người yếu hèn, người tín hữu phải luôn trông cậy ơn Chúa giải thoát “Tôi thật là một người khốn khổ! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta” (Rm 7, 24).

III. THIÊN CHÚA THƯƠNG XÓT

Đám đông đã rút đi. Nơi xét xử chỉ còn lại hai người: Thiên Chúa xót thương và con người yếu hèn.

Trước đám đông gào thét đến cuồng loạn kết án tử người đàn bà ngoại tình, Đức Giê-su đã thinh lặng và không đồng tình với đám đông la ó đang gây thêm đau khổ cho người tội lỗi.

Khi bị chất vất gay gắt, Đức Giê-su mới lên tiếng. Người không nói: Đừng ném đá chị ta. Nếu nói thế chẳng khác nào Người đã không thi hành lề luật. Đức Giê-su cũng không nói: Cứ việc ném đá chị ta. Bởi nói thế, Người đã đánh mất con chiên lạc đang đối diện với Người. Đức Giê-su đã nói: “Ai trong các ông không có tội thì cứ lấy đá ném chị này trước đi” (Ga 8, 7). Vậy là, chỉ có người vô tội mới có quyền xét xử người đàn bà ngoại tình. Nói cách khác, ở đây chỉ có Thiên Chúa làm người Đức Giê-su Ki-tô mới có quyền xét xử.

Đức Giê-su đã xét xử vụ án này ra sao? Người đã không kết án mà chỉ thương xót và khuyên bảo người đàn bà bỏ đường tội lỗi: “Tôi không kết án chị đâu! Chị về đi; từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 11).

Nếu thế, phải chăng Đức Giê-su dung túng cho kẻ có tội?

Thực ra, Đức Giê-su chỉ kết án tội chứ không kết án người có tội. Người đã cho người đàn bà phạm tội một con đường sống với điều kiện “ Chị về đi; từ nay, đừng phạm tội nữa!”.

Thiên Chúa đã đoái thương người tội lỗi. Có thể nói được: Thiên Chúa ghét tội chứ không ghét người có tội.

Chúa đã đối xử bao dung. Nếu người thẳng tay như người ta thường đối xử với nhau thì không có các vị thánh: Phê-rô, Mát-thêu, Phao-lô, Au-gút-ti-nô, Ma-ri-a Mác-đa-la… Nếu Người đối xử thẳng tay với con người như họ đáng tội thì mỗi người chúng ta chắc gì còn hiện diện trên đời.

Trước tình thương của Chúa, người tín hữu được mời gọi: tin tưởng vào lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa; sống lòng bao dung ấy bằng cách đấm ngực mình chứ đừng đấm ngực người khác; quyết tâm sửa đổi đời sống: “Đừng phạm tội nữa!”.

KẾT

Người đời dễ lâm vào tình trạng xét đoán và muốn xét xử người khác, trong khi bản thân mình tội lỗi chất đầy.

Bao lâu còn trong thân xác con người, chẳng ai dám quả quyết mình trong sạch. Thế nên người tín hữu được mời gọi cố gắng hoàn thiện bản thân và ứng xử bao dung.

Thiên Chúa thấu suốt tâm can từng gang tấc. Chỉ mình Người mới có quyền xét xử. Dầu vậy, Thiên Chúa chỉ kết án tội chứ không kết án người có tội. Người không cho kẻ dữ phải diệt vong nhưng chỉ muốn họ bỏ đường tà để được sống.