Chúa nhật Thứ IV Mùa Chay, Năm C (Lc 15, 1-3. 11-32)

DẪN

Trình thuật Tin mừng (Lc 15, 1-3. 11-32), được mang nhiều tên gọi: Người con hoang đàng – Người Cha nhân hậu – Chuyện người Cha và hai người con…

Hẳn trình thuật này tên gọi thì nhiều nhưng ý nghĩa quan trọng của trình trình thuật vẫn là: Lòng Chúa nhân hậu.

I. KIÊN NHẪN

Chuyện kể rằng, người cha có hai người con trai. Để chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp cho con cái, ông đã gầy dựng cơ nghiệp cho hai con với tâm nguyện “của cha là của con” (Lc 15, 31).

Vậy mà, một ngày kia, sóng gió gia đình nổi lên khi người con thứ đòi chia gia tài và muốn tự giải quyết cuộc đời mình bằng cách bỏ nhà trẩy đi phương xa để sống riêng. Theo quan niệm người Do Thái lúc bấy giờ, trong một gia đình, chỉ khi nào người cha mất đi thì các con mới chia nhau gia tài. Cách ứng xử của người con thứ chẳng khác nào anh mong cho cha mình mau chết.

Lòng người cha đau đớn nhưng vì tôn trọng tự do của người con thứ nên ông đã chấp nhận chia gia tài để anh sống riêng. Thế là, ngay từ lúc người con thứ bước chân ra khỏi nhà cũng là lúc người cha sống những ngày mòn mỏi đợi chờ anh ta sám hối quay về với mái ấm gia đình.

Hình ảnh người cha gợi lên hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo dựng muôn điều tốt đẹp cho con người và ban cho họ làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo với vinh quanh danh dự chẳng thua kém thần mình là mấy. Vậy mà, con người đã lạm dụng quyền tự do của mình để tự định đoạt cuộc đời. Thế nên, họ đã lâm vào cảnh hư ảo và phải mang án chết. Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn đợi chờ con người quay về với Chúa.

II. TỰ HẠ

Chuyện tiếp theo, người con thứ sau khi đã phung phí tài sản của cha vào những cuộc ăn chơi đàng điếm, anh đã phải đi làm công cho một ông chủ với công việc chăn heo.

Đối với người Do Thái thời ấy, heo là con vật ô uế, nên họ không bao giờ nuôi heo mà chỉ có người dân ngoại mới nuôi heo. Vậy là, người con thứ đã tử bỏ người cha, từ bỏ gia đình để đi làm công cho người ngoại và hàng ngày tiếp xúc với con vật ô uế. Tất nhiên, anh ta luôn ở trong tình trạng ô uế. Tệ hơn thế, khi cơn đói dày vò, anh ta muốn ăn thức ăn dành cho heo những vẫn không được ăn. Anh đã thua cả heo, con vật ô uế. Anh lao xuống tận đáy sâu của vực thẳm tội lỗi.Thật là bi đát!

May thay, trong cơn cùng khốn, một chút lương tâm trong anh đã trỗi dậy và khai sáng cho anh nhớ về gia đình: trong gia đình anh, biết bao người đầy tớ được cha anh đối xử nhân ái và được sống sống tốt đẹp; vậy mà giờ đây phận là con của người cha giàu có và nhân hậu mà anh lại phải sống trong tình trạng nhầy nhụa bi thảm. Để giải cứu cơn đói, anh đã quyết định “đứng lên” quay về nhà mình và chỉ giám mong được cha đối xử với anh như người làm công. Anh đã chuẩn bị cho ngày về bằng một bài diễn văn: “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, chăng đáng còn gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công vậy” (Lc 15, 18-19).

Người cha đã hằng mong mỏi ngóng chờ người con quay về. Vừa trông thấy con còn ở đàng xa, ông đã vội chạy ra đón anh, “ôm cổ anh ta và hôn lấy, hôn để” (Lc 15, 20) và không để anh đọc hết bài diễn văn. Ông đã không thể hiện tư thế của một người cha uy nghi quyền thế khiến mọi kẻ phải lạy lục xin ông ban phát ân huệ. Trái lại, ông đã tự hạ mình, nhanh chân chạy đến đỡ lấy người con tội lỗi quay về. Tình thương của người cha đã làm cho người con tội lỗi nghẹn ngào không nói được hết lời xin lỗi.

Hình ảnh người cha gợi lên hình ảnh của Thiên Chúa. Dù bao phen con người lầm lỗi phản nghịch Chúa, bỏ Người chạy theo thần của dân ngoại, nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc con người sống ngụp lặn trong tội lỗi. Biết bao lần, Người dùng các ngôn sứ, các thủ lãnh để hướng dẫn dân Chúa trở về với nẻo chính đường ngay và sau cùng Thiên Chúa còn tự hạ mình mang thân phận con người để cứu độ con người cách toàn diện.

III. CỨU ĐỘ

Người cha vui sướng xiết bao khi người con hoang đàng trở về với mái ấm gia đình. Ông tuyên bố: “Con ta đây chết mà nay đã sống lại, đã mất mà nay đã tìm thấy” (Lc 15, 24) và chỉ thị cho gia nhân: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dẹp vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!” (Lc 15, 22, 23).

Người cha ban áo đẹp nhất cho người con để từ nay anh phải rũ đi chiếc áo quá khứ cũ rách của nếp sống tội lỗi để mặc lấy chiếc áo lễ hội tràn đầy niềm vui và hạnh phúc; ban nhẫn cho người con là biểu hiện ban quyền bính, uy thế danh dự của gia đình vương giả; ban dép cho người con là biểu hiện phục hồi lại quyền tự do (người nô lệ không đi dép); ban dê đã “vỗ béo” chứ không ban dê gầy hay dê nào cũng được là biểu hiện người cha đã cho “vỗ béo” dê để sẵn sàng mở tiệc khi người con hoang trở về.

Hình ảnh người cha gợi lên hình ảnh Thiên Chúa cứu độ con người cách toàn diện. Thiên Chúa đã dọn sẵn hạnh phúc thiên đàng và chờ đợi người tội lỗi ăn năn thống hối quay về, Người “không muốn cho kẻ dữ phải diệt vong nhưng muốn họ bỏ đường tà để được sống” (Ed 18, 23). Ai trở về cùng Thiên Chúa sẽ được cải tử hoàn sinh “chết mà nay đã sống lại, đã mất mà nay đã tìm thấy” (Lc 15, 24).

Tiệc vui đoàn tụ đã khai mở, mọi người “bắt đầu ăn mừng” (Lc 15, 24) nhưng sóng gió gia đình lại tiếp tục nổi lên. Người con trưởng xuất hiện. Sau một ngày vất vả nơi đồng áng, về đến nhà trông thấy cảnh tượng cha mừng người em trở về, anh đã không thể chấp nhận nổi; anh không những không vào nhà mà còn buông lời xúc phạm người cha: “Còn thằng con của cha đó…” (Lc 15, 30). Thế mới lộ ra, bấy lâu nay, tuy sống gần bên cha gia nhưng người con trưởng chỉ sống tương quan với cha mình người chủ với tớ…

Lúc này, người cha lại phải xuống nước với anh: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất của những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ vì em con đây đã hết mà nay đã sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 31-32).Vậy là, người cha lại phải kiên nhẫn và hạ mình trước người con trưởng để mong anh quảng đại như cha sẵn sàng đón nhận em.

Một lần nữa, Thiên Chúa lại tiếp tục kiên nhẫn, hạ mình và chờ đợi để cứu độ muôn người.

KẾT

Lòng nhân hậu của Thiên Chúa Chúa được Đức Giê-su diễn tả qua một dụ ngôn về một gia đình người cha và hai người con.

Câu chuyện gia đình ba cha con đã khép lại nhưng chưa có hồi kết (không biết người con trưởng sẽ ra sao). Hẳn hồi kết ấy sẽ do mỗi người tín hữu phải góp phần mình để hoàn thành bằng sự quyết tâm đứng lên sau những lần vấp ngã để trở về cùng Thiên Chúa là cha nhân hậu, đồng thời quảng đại với mọi người.

Thiên Chúa đang chờ đợi tất cả chúng ta hoàn tất dụ ngôn.