CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY C
+++
A. DẪN NHẬP
Thiên Chúa dựng nên con người có hồn có xác. Ngài còn ban cho họ lý trí và tự do để sống theo thánh ý Ngài. Tự do là tặng phẩm vô giá Thiên Chúa đã tặng ban cho con người để họ tự do trung thành với Chúa hay phản bội Ngài. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. Vì thế, tự do là con dao hai lưỡi, nếu biết dùng nó cho đúng thì sống, mà dùng sai thì chết.
Chính vì con người có quyền tự do nên họ đã phạm tội chống lại Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, Ngài vẫn yêu thương con người khi họ còn ở trong vòng tội lỗi, Ngài kiên nhẫn chờ đợi, kêu mời và tạo mọi điều kiện để họ trở về sống trong ân tình của Ngài. Dụ ngôn đứa con hoang đàng hôm nay nói lên chân lý đó.
Thánh Luca đặc biệt nói về lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa qua ba dụ ngôn, mà dụ ngôn người con hoang đàng là sâu sắc hơn cả. Con người yếu đuối và hay sa ngã.. Nguyên tổ Adong Evà đã sử dụng sai tự do của mình, đã sa ngã, nhưng Chúa vẫn thứ tha. Rồi đến lượt con cháu ông bà cũng đi vào vết xe cũ đó, nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi, kêu gọi họ trở về để được ơn tha thứ. Đavít, Madalena, Phaolô, Augustinô, Charles de Foucauld… đã đi vào con đường tăm tối và đã được giải thoát sang vùng ánh sáng tự do.
Có lẽ mỗi người đều sẽ phải nếm nỗi chua xót vì đã sử dụng tự do sai trái ! Tất cả đã đúc thành cái giá cắt cổ mà Con Thiên Chúa phải trả thay bằng chính mạng sống mình. Bài học sâu sắc của đứa con hoang đàng đã trở thành tiêu biểu cho những người dám chân thành và cam đảm làm cuộc trở về với Người Cha Nhân Hậu.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Gs 5,9-12
Trong 40 năm trên đường về Đất Hứa, Thiên Chúa đã nuôi dưỡng dân Do thái bằng manna, ai muốn ăn bao nhiêu thì ăn, không bị hạn chế, nhưng khi đã đặt chân lên Đất Hứa rồi, mannna thôi rơi, và dân bắt đầu ăn thổ sản trong xứ.
Cuộc xuất hành về Đất Hứa đã kết thúc, họ mừng lễ Vượt Qua đầu tiên để tạ ơn Chúa đã thực thi lời hứa trong giai đoạn quyết định vừa qua. Từ nay, lễ Vượt qua được ấn định vào ngày 14 tháng Nisan hàng năm giúp dân Do thái luôn nhớ đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với họ.
Trong cuộc hành trình về quê trời, Mình Thánh Chúa là manna được Thiên Chúa ban cho loài người, một thứ thần lương nhiệm mầu nuôi sống linh hồn chúng ta và đem chúng ta đến sự sống đời đời.
+ Bài đọc 2: 2Cr 5, 17-21
Thiên Chúa là Đấng trung thành và thương xót, đã dùng Đức Kitô mà giao hòa chúng ta với Người, đã gánh tội của chúng ta và làm cho chúng ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cho chúng ta được tái sinh nhờ Bí tích rửa tội để sống một đời sống mới.
Nhưng điều đã được thực hiện dứt khoát một lần trong Đức Kitô còn phải được thực hiện nơi từng người: đó là tầm quan trọng của sứ mạng hòa giải được giao phó cho các vị Tông đồ. Do đó, Giáo hội có sứ mạng làm cho những ơn ích của sự hòa giải ấy được đến với mọi người.
+ Bài Tin mừng: Lc 15,1-3.11-32
Thiên Chúa luôn giầu lòng thương xót và tha thứ đối với tất cả mọi người. Thánh Luca đã diễn tả lòng thương xót đó qua 3 dụ ngôn:
- Dụ ngôn con chiên lạc (Lc 15,4-7).
- Dụ ngôn đồng tiền bị mất (Lc 15,8-10).
- Dụ ngôn đứa con hoang đàng (Lc 15,1-3.11-33).
Trong dụ ngôn người con hoang đàng này, ta thấy người cha có hai đặc điểm: tôn trọng tự do của con, sẵn sàng chia gia tài cho con, và nhất là sẵn sàng tha thứ, luôn mong đợi con trở về ngay khi nó chưa hối lỗi. Người con thứ không phải là mẫu mực một kẻ tội lỗi hồi tâm: anh ta không có vẻ ăn năn thống hối thực sự, anh ta chỉ đi theo hướng có lợi, nghĩa là trở về cho khỏi bị chết đói.
Tuy thế, Thiên Chúa là người Cha tốt lành và nhẫn nại, Ngài tìm mọi cách để cứu chúng ta. Ngài đợi chờ chúng ta qua nhiều năm tháng dài. Ngài vui sướng đón nhận chúng ta vào cánh tay Ngài vì chúng ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Tình thương dạt dào, đó là lời mời gọi của Cha trên trời dành cho hết mọi người con của Ngài, dù họ biết bao lỗi lầm, dù họ chưa sẵn sàng trở về với Ngài.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Trở về với Cha nhân hậu
I. BA MÀN CỦA MỘT VỞ KỊCH
Theo giáo thuyết của các giáo sĩ Do thái thì những người thu thuế và tội lỗi bị tách ra khỏi cộng đồng tôn giáo và xã hội Do thái. Nhưng ở đây những người này lại đến gần Đức Giêsu để nghe Ngài giảng và họ còn mời Ngài đến dùng bữa tại nhà mình.
Thấy thái độ Đức Giêsu đón tiếp những người thu thuế và tội lỗi trái với giáo thuyết của Do thái, nên biệt phái và luật sĩ là những người chủ trương giữ luật rất khắt khe đã kêu trách Đức Giêsu. Họ kêu trách Ngài về hai điểm:
a) “Ông này đón tiếp những người tội lỗi”: Người Do thái hành động theo châm ngôn sau: Thiên Chúa yêu thương những người công chính và gớm ghét những người tội lỗi. Bởi vì Thiên Chúa gớm ghét người tội lỗi nên người Do thái cũng phải làm như thế. Nhưng ở đây Đức Giêsu làm ngược lại: Ngài đón tiếp các tội nhân.
b) “Và cùng ăn với chúng”: Không những tiếp đón những người tội lỗi mà Đức Giêsu còn đi xa hơn: là cùng ăn với họ. Thông thường bữa ăn diễn tả thân hữu liên đới giữa con người với nhau. Vì thế, ở đây với hai thái độ “Cùng ăn với họ” Đức Giêsu cho thấy Ngài muốn hiệp thông với chính những người tội lỗi. Ngài muốn cứu giúp những người tội lỗi và chính Ngài là nơi nương tựa cho những kẻ bị bỏ rơi.
Trong chương 15, ta thấy Đức Giêsu đã kể ra 3 dụ ngôn có ý nhằm vào luật sĩ và biệt phái vì họ tự cho mình là công chính mà khinh khi những người tội lỗi và những người bị loại trừ.. Ba dụ ngôn ấy là:
- Con chiên lạc (Lc 15,4-7).
- Đồng tiền bị mất (Lc 15,8-10).
- Đứa con hoang đàng (Lc 15,11-32).
Ba dụ ngôn này được ngắt nhịp bằng một điệp khúc ca tụng tình thương Thiên Chúa được bầy tỏ nơi Đức Giêsu; tình thương ấy dành cho những người không được yêu thương và không đáng yêu, những người một cách gián tiếp lên án sự nghiệt ngã và nghiêm khắc mà những kẻ tự phụ là công chính dành cho họ. Phụng vụ hôm nay không ghi lại hai dụ ngôn trên mà chỉ ghi lại dụ ngôn thứ ba là dụ ngôn đứa con hoang đàng, tức là dụ ngôn về tình phụ tử. Dụ ngôn này thật quí báu, do được một mình Luca kể lại, vì nó đặc biệt phù hợp với tinh thần của sách Tin mừng này.
Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, những nhân vật được nêu ra ở đây có tính cách ám chỉ:
- Người kia tức là người cha: ám chỉ Thiên Chúa.
- Người con cả: ám chỉ dân Do thái, cách riêng các luật sĩ và biệt phái.
- Người con thứ: ám chỉ người có tội.
1. Màn thứ nhất: Người cha chia gia tài
Theo luật của người Do thái, người cha không được tự do phân chia gia tài mình tùy ý thích, đứa con cả đương nhiên được hai phần ba, đứa con thứ một phần ba (Đnl 21,1). Theo phong tục của nhiều dân tộc, người con chỉ được phép chia gia tài khi người cha đã chết. Cha còn sống mà đòi chia gia tài, chẳng khác nào muốn nguyền rủa cho cha chết sớm ! Nhưng đứa con thứ bất hiếu trong dụ ngôn này đã đòi cha chia gia tài sớm. Nó làm thế như có ý nói: “Cha hãy cho tôi ngay bây giờ phần gia tài mà trước sau gì tôi cũng được lãnh khi cha chết, và hãy để tôi đi ra khỏi nhà này”.
Người cha không tranh luận gì, ông muốn tôn trọng sự tự do của nó. Ông cũng hiểu rằng nếu con ông cần được một bài học thì nó phải có một bài học đắt giá, và ông đã chia gia tài cho nó. Tức khắc đứa con lấy phần riêng của nó và bỏ nhà ra đi.
2. Màn thứ hai: Đứa con thứ ra đi và trở về
Nhận được phần gia tài rồi, hắn lên đường đi đến một phương xa, chơi bời trác táng, giao du với những quân du côn, với những cô gái đĩ điếm. Tiêu xài như thế thì đến núi cũng phải lở. Chẳng bao lâu hắn đã tiêu xài hết tiền của, đồng thời nạn đói cũng xẩy ra tại miền ấy. Hắn phải đi kiếm việc làm cho qua ngày, nhưng tìm được việc làm đâu có dễ, hắn chỉ xin được chăn heo, mà đối với người Do thái chăn heo là một điều xấu hổ, mất phẩm giá, vì heo là một con vật ô uế (Đnl 14,8).
Sống trong cảnh nhục nhã và túng thiếu đến cùng cực, hắn mới hồi tâm lại: ở nhà cha tôi thiếu gì của ăn, đến đứa đầy tớ cũng còn thừa cơm bánh, còn tôi ở đây thì phải cùng cực, muốn ăn cám heo người ta cũng không cho ăn. Ở trong hoàn cảnh này thì vô phương giải quyết, chỉ còn cách trở về kiếm miếng cơm cho khỏi chết. Hắn nghĩ thế này: tôi sẽ trở về xin lỗi cha và chỉ dám xin cho ở nhà cha với phận mọn là đứa tôi tớ thôi, đâu dám nghĩ đến chuyện được nhận lại làm con. Nhưng làm một tên nô lệ mạt trong nhà, một tên đầy tớ ở thuê, một tên lao động công nhật trong nhà cha, theo một nghĩa, thì nô lệ là một phần tử trong gia đình, nhưng đầy tớ ở thuê thì có thể bị đuổi sau khi chủ báo trước một ngày vì nó không thuộc về gia đình chút nào.
Sau khi đã suy nghĩ rất hung, hắn lên đường trở về, và mọi điều dự đoán của hắn đều sai hết. Thánh Luca đã mô tả: ”Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói: ”Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng đáng gọi là con cha nữa…” Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ”Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con tay đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng.
3. Màn thứ ba: Người anh cả giận dữ
Đáng buồn thay, khi về đến nhà thấy người ta đang liên hoan ăn mừng người con thứ đã trở về, người anh cả giận điên lên không chịu vào nhà. Anh không chịu vào nhà vì anh không thể tha thứ cho người em lầm lỡ. Anh không chịu vào nhà vì anh sợ quyền lợi của anh bị xâm phạm. Anh không chịu vào nhà vì anh không thể hiểu được tấm lòng nhân hậu của người cha.
Hóa ra, bấy lâu nay anh sống trong nhà cha mà như ở bên ngoài: anh không trái lệnh cha chỉ để làm tròn bổn phận chứ không phải vì yêu mến cha. Anh không hề gọi người em mình là “em tôi” mà là “thằng con của cha kia”. Anh không cảm thông với người em lầm lỡ, cũng không chia sẻ nỗi khổ của người cha mất con. Anh ta là người tự tôn, sẵn sàng đạp kẻ nào đã ngã xuống rãnh bùn hôi thối càng ngã sâu hơn nữa.
II. BA MÀN KỊCH ĐỐI VỚI CHÚNG TA
1. Thiên Chúa giầu lòng thương xót
Thiên Chúa là người cha giầu lòng thương xót, chỉ biết thi ân giáng phúc muôn vàn cho con người một cách quảng đại và bao dung tha thứ, và rất tôn trọng con người hơn những người cha tôn trọng tự do con cái. Ngài không thẳng tay trừng phạt, chỉ biết nhẫn nại chờ đợi đứa con trở về. Vừa khi thấy nó trở về, Ngài chạy lại ôm chằm, hôn nó một hồi lâu, không cần nghe nó xin lỗi, vì nó trở về chỉ vì thống khổ, không sống được nữa, nó chỉ mong về được ăn cho no, thoát khổ, thoát chết.
Thái độ của người cha thật tuyệt vời, ông không để cho nó kịp mở miệng xin làm đầy tớ. Ông đã lên tiếng trước. Chiếc áo dài tượng trưng cho việc được tôn trọng, chiếc nhẫn tượng trưng cho quyền bính, vì nếu ai cho kẻ khác chiếc nhẫn ấn tín của mình thì cũng như ủy quyền cho người đó thay thế mình. Đôi giầy là dấu hiệu làm con khác với nô lệ vì con cái trong gia đình mới mang giầy, còn nô lệ thì không. Và một yến tiệc được bầy ra để mọi người ăn mừng đứa con đi hoang nay đã trở về nhà cha.
Ta thường gọi dụ ngôn này là dụ ngôn “đứa con hoang đàng”, nhưng có lẽ phải gọi là dụ ngôn “Người cha nhân hậu” mới đúng, vì nó cho ta biết về tình yêu của người cha hơn là về tội của người con.
Người cha hẳn đã mỏi mắt trông chờ đứa con trở về nhà, vì ông trông thấy con từ đàng xa. Khi con gặp cha thì cha liền tha thứ cho con và không một lời trách móc. Có nhiều cách tha thứ, có sự tha thứ được ban cho như một ân huệ, và tệ hơn nữa là khi một kẻ nào đó được tha thứ nhưng bao giờ cũng kèm theo một dấu hiệu, một lời nói, một ngăm đe rằng tội người ấy vẫn còn giữ đó.Hôm nay đứa con đi hoang biết mình đáng bị trừng phạt. Do đó, nếu người cha trừng phạt thì nó cũng sẵn sàng chịu đựng. Lòng nó nhẹ đi. Nhưng nó không vui. Chính sự tha thứ của người cha mới đem lại cho nó niềm vui thực sự.
Truyện: Tổng thống Abraham Lincoln.
Một lần kia, Lincoln được hỏi ông sẽ đối xử thế nào với quân phiến loạn miền Nam, khi họ thua trận và trở lại liên hiệp với Hoa kỳ ? Người hỏi câu ấy nghĩ rằng ông sẽ báo thù họ ghê gớm, nhưng Lincoln trả lời: ”Tôi sẽ đối xử với họ dường như chưa bao giờ họ ly khai với chúng tôi”.
Đây là một dụ ngôn có tầm vóc thần học. Dụ ngôn của ân huệ Chúa ban cho con người. Dụ ngôn về tình yêu nhưng không Cha ban cho mọi người, dầu tội lỗi mấy đi nữa. Cha muốn họ tham dự niềm vui, muốn mời gọi họ khám phá ra tình huynh đệ chân chính. Làm sao không nhìn ra qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn trao tặng cho chúng ta bí mật trong cách cư xử và đời sống của Ngài ? Ngài là người Con được Cha sai đến loan báo sự hòa giải cho các tội nhân. Đó là những người mà Đức Giêsu khắc họa hình ảnh nơi người em và đó cũng là những người được mời gọi nhận ra chính mình nơi hình ảnh của người anh (Fiches dominicales).
Truyện: Đứa con hoang đàng của Phật giáo.
Trong giáo lý nhà Phật cũng có câu chuyện gọi là “Dụ ngôn người con hoang đàng”. Câu chuyện kể về một người con bỏ cha, lên đường đi đến một nơi xa xôi sinh sống theo sự tự do phóng khoáng của mình. Vì ăn chơi thái quá anh trở nên nghèo khổ. Người cha ở nhà, sau bao năm tháng chờ đợi không thấy con trở về, đành lên đường đi tìm con. Sau nhiều năm tìm kiếm, hỏi han, người cha đã tìm ra được tung tích của người con mình. Nhưng người con lại không thể nào nhận ra được cha nó, một ông già đầy quyền lực và cao sang. Người con vẫn tiếp tục từ chối và lẩn trốn. Người cha rất đau lòng để con mình lẩn trốn như vậy, nhưng ông ra lệnh cho gia nhân theo dõi cậu, mướn cậu vào nhà làm việc cho ông. Sau đó, người cha vứt bỏ quần áo sang trọng, ngọc ngà của mình đi, đóng vai một người đầy tớ để có cơ hội gần gũi và chinh phục người con. Qua nhiều năm thân thiết người cha đã chinh phục được trọn vẹn tình cảm của cậu. Sau cùng vào cuối đời, người cha mới tiết lộ cho biết anh là con của ông và được quyền thừa kế tất cả gia tài của cha để lại.
(Nguyễn văn Thái, Sống lời Chúa giữa dòng đời, năm C, tr 128)
Câu chuyện này không khác gì lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người. Thiên Chúa luôn yêu thương tìm kiếm con người. Còn con người cứ lẩn trốn, để rồi sau cùng, Thiên Chúa phải sai Con Một xuống thế, làm người đầy tớ đau khổ (Is 53,10-12), dùng cái chết của mình để thuyết phục và nói cho con người biết chức vị làm con cái Thiên Chúa của mình với quyền thừa kế hạnh phúc đời đời trên Nước Trời (Ga 3,16-17).
2. Người con di hoang đã mất nay lại tìm thấy
Người con thứ được xác định là một tay ăn chơi trác táng… Nhưng khi đã hết nhẵn tiền thì anh mới cảm thấy hối tiếc cho bản thân mình. Nỗi đau của bản thân khiến anh nhận ra được nỗi đau mà anh đã gây ra cho người cha của anh. Do đó, anh tự nhủ “Tôi sẽ trở về với cha tôi, và xin lỗi người”. Đây là một quyết định can đảm vì đã thất bại và còn vác mặt về mà xin lỗi thì thật là xấu hổ.
Đúng thế, thật dễ dàng trở về nhà, khi bạn là một người anh hùng, với chiến công và vinh quang. Nhưng đứa con hoang đàng không có một chiến công nào để đem về cho anh, anh không hề có thành quả nào, để nhờ đó, anh xứng đáng được khen ngợi, đón tiếp và yêu thương. Anh đang trở về nhà, với đôi bàn tay trống rỗng. Tệ hơn nữa, anh đang trở về nhà, lòng nặng trĩu xấu hổ và nhục nhã.
Nhưng thật ngạc nhiên, khi người cha nhìn thấy anh trở về đang tiến lại với ông, ông liền chạnh lòng thương, và một phút sau đó, cha con đã ôm chầm lấy nhau. Người cha đã không chỉ chấp nhận cho anh trở về, mà còn đón tiếp anh nữa. Tất cả tội lỗi của anh đều được tha thứ.
Phát hiện vĩ đại nhất mà người con hoang đàng đã nhận ra đó là anh vẫn được yêu thương, trong tình trạng tội lỗi của anh. Người cha không bao giờ ngừng yêu thương anh. Trong tấm lòng nhân hậu của người cha, anh luôn đuợc yêu thương, đó không những là một điều tốt, nhưng khi vẫn được yêu thương ngay trong tình trạng tội lỗi, thì quả là một cảm nghiệm tuyệt vời.
Sự tha thứ của Thiên Chúa không phải là sự tha thứ lạnh lùng, nửa vời, nhưng là sự tha thứ nồng ấm và quảng đại. Thiên Chúa không chỉ tha thứ cho chúng ta, mà Ngài còn yêu thương chúng ta, và để cho chúng ta nhận biết được tình yêu thương đó (McCarthy).
“Giây phút người con hoang đàng quỳ gối và khóc lóc, anh ta đã biến cảnh lãng phí tài sản của mình bên những cô gái điếm, cảnh chăn heo và thèm khát những thức ăn của heo, trở thành những giây phút đẹp đẽ và thánh thiện trong cuộc đời của mình. Hầu hết mọi người khó mà thấu hiểu được ý tưởng đó. Tôi dám nói rằng người ta phải chịu cảnh tù tội, thì mới thấu hiểu được điều đó. Nếu như vậy, thì có thể thời gian sống trong tù thật đáng giá”(Oscar Wilde).
Truyện: Chúa quên hết tội rồi
Một bà già thường đến gõ phòng cha xứ, kể cho ngài nghe rằng đêm qua Chúa mới hiện ra với bà. Để làm bà nản lòng đừng đến nữa, Cha xứ bảo:”Lần sau nếu Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Ngài “Cha xứ con có tội gì nặng nhất ? sau đó tới kể cho tôi nghe”. Mấy ngày sau, bà già không đến nữa. Cha xứ mừng thầm vì bà đã trúng kế của Ngài. Nhưng một tuần sau đó, bà già trở lại.
- Thưa cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con.
- Thế bà có hỏi Ngài không ?
- Thưa có chứ.
Cha xứ bắt đầu hồi hộp:
- Bà hỏi thế nào ?
- Thì con hỏi y như Cha đã bảo: ”Cha xứ con có tội gì nặng nhất” ?
Cha xứ càng hồi hộp thêm:
- Vậy Chúa có trả lời không ?
- Có chứ.
Bây giờ thì cha xứ lo lắng thật sự:
- Chúa nói sao ?
- Chúa nói: ”Ta đã quên hết rồi.
Cha xứ thở phào nhẹ nhõm.
(Kể theo ĐHY PX Nguyễn văn Thuận)
3. Người anh cả bất hợp tac
Người anh cả trở về nhà và anh thực sự buồn rầu vì em của anh đã trở về. Người anh cả đại diện cho các giáo sĩ Do thái tự kiêu, tự mãn, họ thà xem thấy tội nhân bị tiêu diệt hơn là được cứu. Anh ta trách em về những lầm lạc của nó. Đây là một dấu chỉ cho thấy anh ta không hiểu lòng tốt của cha. Bao lâu anh này còn quá tự tín vào bản thân và những công trạng của mình, ganh ghét và khinh bỉ, đầy chua xót và giận dữ, không hoán cải và giao hòa với cha và với em mình, thì bàn tiệc chưa thể hoàn toàn là bữa tiệc liên hoan mừng cuộc gặp gỡ và tái ngộ.
Thái độ của người anh cả đối với người em trai phản ảnh lại thái độ của người biệt phái đối với tội nhân. Mặc dù là những người rất đạo đức, nhưng họ vẫn cho rằng tội lỗi xứng đáng bị kết án hơn là cứu độ. Nhưng lòng đạo đức có công dụng gì, nếu nó không làm cho người ta trở nên thương cảm hơn đối với những kẻ bị sa ngã ? Nếu chúng ta tự nhận thấy mình thông cảm với người anh cả, thì điều này càng chứng tỏ rằng tính cách người biệt phái đó đang ở trong chúng ta. Người anh cả này ghen tức chỉ muốn ông bố giết quách đứa em đi cho bõ ghét, không thể tha thứ được.
Truyện: Người cha giết con
Nhà truyền giáo T.R. Stevenson ở Thượng hải kể: một thương gia giầu có ở Quảng đông có hai con trai. Người con lớn thường kết bè tụ đảng với bọn bất lương phá phách xóm làng. Một lần, quá túng, hắn dẫn cả một băng về cướp ngay tại nhà mình. Khi tội hắn bị lộ, người cha cho người đến nói với hắn: nếu biết đường cải tà qui chính thì sẽ được tha. Người nhắn còn bảo đây là lần gia ân cuối cùng của ông chủ. Hắn chầm chậm đứng lên và quay về nhà cha. Một bữa tiệc đón tiếp xem ra cũng vui vẻ, nhưng trong đĩa thức ăn của hắn có bỏ thuốc độc. Hắn chết ngay đêm đó, nhưng người cha không bị ra tòa vì theo luật Trung hoa, cha có quyền giết con.
Từ câu chuyện này, các nhà truyền giáo thường đem đối chiếu với đoạn 15 Tin mừng theo thánh Luca mà chúng ta đọc hôm nay.
Suy nghĩ về dụ ngôn này, chúng ta dễ cảm thông với người con hoang đàng và dễ lên án thái độ cố chấp của người anh cả. Nhưng rồi sự suy nghĩ ấy lại đưa chúng ta đến một suy nghĩ khác:
Nói người phải nghĩ đến ta
Suy đi nghĩ lại hóa ra chính mình.
Người cha có hai người con: người con đây là ai ? Và đứa con hoang đàng chỉ ai ? Các nhà chú giải không đồng ý kiến.
Các nhà chú giải thời xưa cho rằng: người con cả chỉ người Do thái, con hoang đàng chỉ dân ngoại.
Ngày nay quan niệm đó hầu như bị bỏ, mà còn hai ý kiến sau đây:
- Một ý kiến cho rằng: con cả chỉ người biệt phái, con hoang đàng chỉ tội nhân. Người biệt phái lẩm bẩm kêu trách Chúa vì thái độ đối với tội nhân.
- Ý kiến thứ hai cho rằng: con cả chỉ người lành, con hoang đàng chỉ tội nhân. Kẻ lành không hiểu được thái độ Chúa đối với tội nhân trở lại.
Xem chừng người ta nghiêng về ý kiến thứ nhất.
Chúng ta là hạng người nào ? Dầu là anh cả, dầu là đứa con hoang đàng, tất cả đều phải sám hối, đều phải trở về, đừng cứng lòng trước ơn Chúa. Trong cuốn Au Gré de Sa Grâce, linh mục André Louf có đề cập đến không những kẻ tội lỗi cứng lòng (pécheurs endurcis) mà còn những người ngay chính (justes endurcis) cũng cứng lòng nữa. Người con hoang đàng là hình ảnh của những người tội lỗi, còn người anh cả có thể là hình ảnh của những người ngay chính cứng lòng. Người tự coi mình công chính, đạo đức mà cứng lòng và tự mãn thì thật khó mà sám hối, trở về.
Có lẽ thái độ của người anh tự coi mình công chính và ganh tị là hình ảnh gợi cho tất cả chúng ta, những người cảm thấy mình làm mọi sự đều đúng, đều tốt đẹp và đạo đức. Chúng ta biết mình là người tốt nên dễ dàng phê phán những người khác. Chúng ta đã mang trong mình tự mãn vì nghĩ rằng Thiên Chúa đang ngự trị trong đời sống của mình.
Chúng ta đã ở vào giữa Mùa Chay, chỉ còn một thời gian nữa là đến lễ Phục sinh. Mùa Chay là mùa được kêu mời trở lại, chúng ta hãy can đảm nhận khuyết điểm, sai phạm của mình, để mạnh dạn trở về cùng Chúa, cùng Giáo hội của Ngài. Thiên Chúa nhân từ trong vai người cha nhân hậu và yêu thương hôm nay, bảo đảm cho sự lầm lỗi của con người yếu đuối, sẽ được tha thứ. Ngài là Cha của tất cả mọi người, Ngài đang chờ đợi từng người một trở về. Đừng nghĩ rằng tội lỗi mình quá nặng, nên không thể giao hòa với Chúa. Cũng đừng cho rằng ân sủng của Chúa không đủ để phục hồi tội lỗi của mình. Hãy thống hối, hãy trở về, sẽ được thứ tha hết mọi lỗi lầm lớn nhỏ. Hãy tạ ơn Chúa, vì tạ ơn là có khả năng ý thức mình là kẻ có tội, và từ đó tập chú vào lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.
+++
A. DẪN NHẬP
Thiên Chúa dựng nên con người có hồn có xác. Ngài còn ban cho họ lý trí và tự do để sống theo thánh ý Ngài. Tự do là tặng phẩm vô giá Thiên Chúa đã tặng ban cho con người để họ tự do trung thành với Chúa hay phản bội Ngài. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. Vì thế, tự do là con dao hai lưỡi, nếu biết dùng nó cho đúng thì sống, mà dùng sai thì chết.
Chính vì con người có quyền tự do nên họ đã phạm tội chống lại Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót, Ngài vẫn yêu thương con người khi họ còn ở trong vòng tội lỗi, Ngài kiên nhẫn chờ đợi, kêu mời và tạo mọi điều kiện để họ trở về sống trong ân tình của Ngài. Dụ ngôn đứa con hoang đàng hôm nay nói lên chân lý đó.
Thánh Luca đặc biệt nói về lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa qua ba dụ ngôn, mà dụ ngôn người con hoang đàng là sâu sắc hơn cả. Con người yếu đuối và hay sa ngã.. Nguyên tổ Adong Evà đã sử dụng sai tự do của mình, đã sa ngã, nhưng Chúa vẫn thứ tha. Rồi đến lượt con cháu ông bà cũng đi vào vết xe cũ đó, nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi, kêu gọi họ trở về để được ơn tha thứ. Đavít, Madalena, Phaolô, Augustinô, Charles de Foucauld… đã đi vào con đường tăm tối và đã được giải thoát sang vùng ánh sáng tự do.
Có lẽ mỗi người đều sẽ phải nếm nỗi chua xót vì đã sử dụng tự do sai trái ! Tất cả đã đúc thành cái giá cắt cổ mà Con Thiên Chúa phải trả thay bằng chính mạng sống mình. Bài học sâu sắc của đứa con hoang đàng đã trở thành tiêu biểu cho những người dám chân thành và cam đảm làm cuộc trở về với Người Cha Nhân Hậu.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA
+ Bài đọc 1: Gs 5,9-12
Trong 40 năm trên đường về Đất Hứa, Thiên Chúa đã nuôi dưỡng dân Do thái bằng manna, ai muốn ăn bao nhiêu thì ăn, không bị hạn chế, nhưng khi đã đặt chân lên Đất Hứa rồi, mannna thôi rơi, và dân bắt đầu ăn thổ sản trong xứ.
Cuộc xuất hành về Đất Hứa đã kết thúc, họ mừng lễ Vượt Qua đầu tiên để tạ ơn Chúa đã thực thi lời hứa trong giai đoạn quyết định vừa qua. Từ nay, lễ Vượt qua được ấn định vào ngày 14 tháng Nisan hàng năm giúp dân Do thái luôn nhớ đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với họ.
Trong cuộc hành trình về quê trời, Mình Thánh Chúa là manna được Thiên Chúa ban cho loài người, một thứ thần lương nhiệm mầu nuôi sống linh hồn chúng ta và đem chúng ta đến sự sống đời đời.
+ Bài đọc 2: 2Cr 5, 17-21
Thiên Chúa là Đấng trung thành và thương xót, đã dùng Đức Kitô mà giao hòa chúng ta với Người, đã gánh tội của chúng ta và làm cho chúng ta được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cho chúng ta được tái sinh nhờ Bí tích rửa tội để sống một đời sống mới.
Nhưng điều đã được thực hiện dứt khoát một lần trong Đức Kitô còn phải được thực hiện nơi từng người: đó là tầm quan trọng của sứ mạng hòa giải được giao phó cho các vị Tông đồ. Do đó, Giáo hội có sứ mạng làm cho những ơn ích của sự hòa giải ấy được đến với mọi người.
+ Bài Tin mừng: Lc 15,1-3.11-32
Thiên Chúa luôn giầu lòng thương xót và tha thứ đối với tất cả mọi người. Thánh Luca đã diễn tả lòng thương xót đó qua 3 dụ ngôn:
- Dụ ngôn con chiên lạc (Lc 15,4-7).
- Dụ ngôn đồng tiền bị mất (Lc 15,8-10).
- Dụ ngôn đứa con hoang đàng (Lc 15,1-3.11-33).
Trong dụ ngôn người con hoang đàng này, ta thấy người cha có hai đặc điểm: tôn trọng tự do của con, sẵn sàng chia gia tài cho con, và nhất là sẵn sàng tha thứ, luôn mong đợi con trở về ngay khi nó chưa hối lỗi. Người con thứ không phải là mẫu mực một kẻ tội lỗi hồi tâm: anh ta không có vẻ ăn năn thống hối thực sự, anh ta chỉ đi theo hướng có lợi, nghĩa là trở về cho khỏi bị chết đói.
Tuy thế, Thiên Chúa là người Cha tốt lành và nhẫn nại, Ngài tìm mọi cách để cứu chúng ta. Ngài đợi chờ chúng ta qua nhiều năm tháng dài. Ngài vui sướng đón nhận chúng ta vào cánh tay Ngài vì chúng ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy. Tình thương dạt dào, đó là lời mời gọi của Cha trên trời dành cho hết mọi người con của Ngài, dù họ biết bao lỗi lầm, dù họ chưa sẵn sàng trở về với Ngài.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Trở về với Cha nhân hậu
I. BA MÀN CỦA MỘT VỞ KỊCH
Theo giáo thuyết của các giáo sĩ Do thái thì những người thu thuế và tội lỗi bị tách ra khỏi cộng đồng tôn giáo và xã hội Do thái. Nhưng ở đây những người này lại đến gần Đức Giêsu để nghe Ngài giảng và họ còn mời Ngài đến dùng bữa tại nhà mình.
Thấy thái độ Đức Giêsu đón tiếp những người thu thuế và tội lỗi trái với giáo thuyết của Do thái, nên biệt phái và luật sĩ là những người chủ trương giữ luật rất khắt khe đã kêu trách Đức Giêsu. Họ kêu trách Ngài về hai điểm:
a) “Ông này đón tiếp những người tội lỗi”: Người Do thái hành động theo châm ngôn sau: Thiên Chúa yêu thương những người công chính và gớm ghét những người tội lỗi. Bởi vì Thiên Chúa gớm ghét người tội lỗi nên người Do thái cũng phải làm như thế. Nhưng ở đây Đức Giêsu làm ngược lại: Ngài đón tiếp các tội nhân.
b) “Và cùng ăn với chúng”: Không những tiếp đón những người tội lỗi mà Đức Giêsu còn đi xa hơn: là cùng ăn với họ. Thông thường bữa ăn diễn tả thân hữu liên đới giữa con người với nhau. Vì thế, ở đây với hai thái độ “Cùng ăn với họ” Đức Giêsu cho thấy Ngài muốn hiệp thông với chính những người tội lỗi. Ngài muốn cứu giúp những người tội lỗi và chính Ngài là nơi nương tựa cho những kẻ bị bỏ rơi.
Trong chương 15, ta thấy Đức Giêsu đã kể ra 3 dụ ngôn có ý nhằm vào luật sĩ và biệt phái vì họ tự cho mình là công chính mà khinh khi những người tội lỗi và những người bị loại trừ.. Ba dụ ngôn ấy là:
- Con chiên lạc (Lc 15,4-7).
- Đồng tiền bị mất (Lc 15,8-10).
- Đứa con hoang đàng (Lc 15,11-32).
Ba dụ ngôn này được ngắt nhịp bằng một điệp khúc ca tụng tình thương Thiên Chúa được bầy tỏ nơi Đức Giêsu; tình thương ấy dành cho những người không được yêu thương và không đáng yêu, những người một cách gián tiếp lên án sự nghiệt ngã và nghiêm khắc mà những kẻ tự phụ là công chính dành cho họ. Phụng vụ hôm nay không ghi lại hai dụ ngôn trên mà chỉ ghi lại dụ ngôn thứ ba là dụ ngôn đứa con hoang đàng, tức là dụ ngôn về tình phụ tử. Dụ ngôn này thật quí báu, do được một mình Luca kể lại, vì nó đặc biệt phù hợp với tinh thần của sách Tin mừng này.
Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, những nhân vật được nêu ra ở đây có tính cách ám chỉ:
- Người kia tức là người cha: ám chỉ Thiên Chúa.
- Người con cả: ám chỉ dân Do thái, cách riêng các luật sĩ và biệt phái.
- Người con thứ: ám chỉ người có tội.
1. Màn thứ nhất: Người cha chia gia tài
Theo luật của người Do thái, người cha không được tự do phân chia gia tài mình tùy ý thích, đứa con cả đương nhiên được hai phần ba, đứa con thứ một phần ba (Đnl 21,1). Theo phong tục của nhiều dân tộc, người con chỉ được phép chia gia tài khi người cha đã chết. Cha còn sống mà đòi chia gia tài, chẳng khác nào muốn nguyền rủa cho cha chết sớm ! Nhưng đứa con thứ bất hiếu trong dụ ngôn này đã đòi cha chia gia tài sớm. Nó làm thế như có ý nói: “Cha hãy cho tôi ngay bây giờ phần gia tài mà trước sau gì tôi cũng được lãnh khi cha chết, và hãy để tôi đi ra khỏi nhà này”.
Người cha không tranh luận gì, ông muốn tôn trọng sự tự do của nó. Ông cũng hiểu rằng nếu con ông cần được một bài học thì nó phải có một bài học đắt giá, và ông đã chia gia tài cho nó. Tức khắc đứa con lấy phần riêng của nó và bỏ nhà ra đi.
2. Màn thứ hai: Đứa con thứ ra đi và trở về
Nhận được phần gia tài rồi, hắn lên đường đi đến một phương xa, chơi bời trác táng, giao du với những quân du côn, với những cô gái đĩ điếm. Tiêu xài như thế thì đến núi cũng phải lở. Chẳng bao lâu hắn đã tiêu xài hết tiền của, đồng thời nạn đói cũng xẩy ra tại miền ấy. Hắn phải đi kiếm việc làm cho qua ngày, nhưng tìm được việc làm đâu có dễ, hắn chỉ xin được chăn heo, mà đối với người Do thái chăn heo là một điều xấu hổ, mất phẩm giá, vì heo là một con vật ô uế (Đnl 14,8).
Sống trong cảnh nhục nhã và túng thiếu đến cùng cực, hắn mới hồi tâm lại: ở nhà cha tôi thiếu gì của ăn, đến đứa đầy tớ cũng còn thừa cơm bánh, còn tôi ở đây thì phải cùng cực, muốn ăn cám heo người ta cũng không cho ăn. Ở trong hoàn cảnh này thì vô phương giải quyết, chỉ còn cách trở về kiếm miếng cơm cho khỏi chết. Hắn nghĩ thế này: tôi sẽ trở về xin lỗi cha và chỉ dám xin cho ở nhà cha với phận mọn là đứa tôi tớ thôi, đâu dám nghĩ đến chuyện được nhận lại làm con. Nhưng làm một tên nô lệ mạt trong nhà, một tên đầy tớ ở thuê, một tên lao động công nhật trong nhà cha, theo một nghĩa, thì nô lệ là một phần tử trong gia đình, nhưng đầy tớ ở thuê thì có thể bị đuổi sau khi chủ báo trước một ngày vì nó không thuộc về gia đình chút nào.
Sau khi đã suy nghĩ rất hung, hắn lên đường trở về, và mọi điều dự đoán của hắn đều sai hết. Thánh Luca đã mô tả: ”Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói: ”Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng đáng gọi là con cha nữa…” Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ”Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con tay đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng.
3. Màn thứ ba: Người anh cả giận dữ
Đáng buồn thay, khi về đến nhà thấy người ta đang liên hoan ăn mừng người con thứ đã trở về, người anh cả giận điên lên không chịu vào nhà. Anh không chịu vào nhà vì anh không thể tha thứ cho người em lầm lỡ. Anh không chịu vào nhà vì anh sợ quyền lợi của anh bị xâm phạm. Anh không chịu vào nhà vì anh không thể hiểu được tấm lòng nhân hậu của người cha.
Hóa ra, bấy lâu nay anh sống trong nhà cha mà như ở bên ngoài: anh không trái lệnh cha chỉ để làm tròn bổn phận chứ không phải vì yêu mến cha. Anh không hề gọi người em mình là “em tôi” mà là “thằng con của cha kia”. Anh không cảm thông với người em lầm lỡ, cũng không chia sẻ nỗi khổ của người cha mất con. Anh ta là người tự tôn, sẵn sàng đạp kẻ nào đã ngã xuống rãnh bùn hôi thối càng ngã sâu hơn nữa.
II. BA MÀN KỊCH ĐỐI VỚI CHÚNG TA
1. Thiên Chúa giầu lòng thương xót
Thiên Chúa là người cha giầu lòng thương xót, chỉ biết thi ân giáng phúc muôn vàn cho con người một cách quảng đại và bao dung tha thứ, và rất tôn trọng con người hơn những người cha tôn trọng tự do con cái. Ngài không thẳng tay trừng phạt, chỉ biết nhẫn nại chờ đợi đứa con trở về. Vừa khi thấy nó trở về, Ngài chạy lại ôm chằm, hôn nó một hồi lâu, không cần nghe nó xin lỗi, vì nó trở về chỉ vì thống khổ, không sống được nữa, nó chỉ mong về được ăn cho no, thoát khổ, thoát chết.
Thái độ của người cha thật tuyệt vời, ông không để cho nó kịp mở miệng xin làm đầy tớ. Ông đã lên tiếng trước. Chiếc áo dài tượng trưng cho việc được tôn trọng, chiếc nhẫn tượng trưng cho quyền bính, vì nếu ai cho kẻ khác chiếc nhẫn ấn tín của mình thì cũng như ủy quyền cho người đó thay thế mình. Đôi giầy là dấu hiệu làm con khác với nô lệ vì con cái trong gia đình mới mang giầy, còn nô lệ thì không. Và một yến tiệc được bầy ra để mọi người ăn mừng đứa con đi hoang nay đã trở về nhà cha.
Ta thường gọi dụ ngôn này là dụ ngôn “đứa con hoang đàng”, nhưng có lẽ phải gọi là dụ ngôn “Người cha nhân hậu” mới đúng, vì nó cho ta biết về tình yêu của người cha hơn là về tội của người con.
Người cha hẳn đã mỏi mắt trông chờ đứa con trở về nhà, vì ông trông thấy con từ đàng xa. Khi con gặp cha thì cha liền tha thứ cho con và không một lời trách móc. Có nhiều cách tha thứ, có sự tha thứ được ban cho như một ân huệ, và tệ hơn nữa là khi một kẻ nào đó được tha thứ nhưng bao giờ cũng kèm theo một dấu hiệu, một lời nói, một ngăm đe rằng tội người ấy vẫn còn giữ đó.Hôm nay đứa con đi hoang biết mình đáng bị trừng phạt. Do đó, nếu người cha trừng phạt thì nó cũng sẵn sàng chịu đựng. Lòng nó nhẹ đi. Nhưng nó không vui. Chính sự tha thứ của người cha mới đem lại cho nó niềm vui thực sự.
Truyện: Tổng thống Abraham Lincoln.
Một lần kia, Lincoln được hỏi ông sẽ đối xử thế nào với quân phiến loạn miền Nam, khi họ thua trận và trở lại liên hiệp với Hoa kỳ ? Người hỏi câu ấy nghĩ rằng ông sẽ báo thù họ ghê gớm, nhưng Lincoln trả lời: ”Tôi sẽ đối xử với họ dường như chưa bao giờ họ ly khai với chúng tôi”.
Đây là một dụ ngôn có tầm vóc thần học. Dụ ngôn của ân huệ Chúa ban cho con người. Dụ ngôn về tình yêu nhưng không Cha ban cho mọi người, dầu tội lỗi mấy đi nữa. Cha muốn họ tham dự niềm vui, muốn mời gọi họ khám phá ra tình huynh đệ chân chính. Làm sao không nhìn ra qua dụ ngôn này, Đức Giêsu muốn trao tặng cho chúng ta bí mật trong cách cư xử và đời sống của Ngài ? Ngài là người Con được Cha sai đến loan báo sự hòa giải cho các tội nhân. Đó là những người mà Đức Giêsu khắc họa hình ảnh nơi người em và đó cũng là những người được mời gọi nhận ra chính mình nơi hình ảnh của người anh (Fiches dominicales).
Truyện: Đứa con hoang đàng của Phật giáo.
Trong giáo lý nhà Phật cũng có câu chuyện gọi là “Dụ ngôn người con hoang đàng”. Câu chuyện kể về một người con bỏ cha, lên đường đi đến một nơi xa xôi sinh sống theo sự tự do phóng khoáng của mình. Vì ăn chơi thái quá anh trở nên nghèo khổ. Người cha ở nhà, sau bao năm tháng chờ đợi không thấy con trở về, đành lên đường đi tìm con. Sau nhiều năm tìm kiếm, hỏi han, người cha đã tìm ra được tung tích của người con mình. Nhưng người con lại không thể nào nhận ra được cha nó, một ông già đầy quyền lực và cao sang. Người con vẫn tiếp tục từ chối và lẩn trốn. Người cha rất đau lòng để con mình lẩn trốn như vậy, nhưng ông ra lệnh cho gia nhân theo dõi cậu, mướn cậu vào nhà làm việc cho ông. Sau đó, người cha vứt bỏ quần áo sang trọng, ngọc ngà của mình đi, đóng vai một người đầy tớ để có cơ hội gần gũi và chinh phục người con. Qua nhiều năm thân thiết người cha đã chinh phục được trọn vẹn tình cảm của cậu. Sau cùng vào cuối đời, người cha mới tiết lộ cho biết anh là con của ông và được quyền thừa kế tất cả gia tài của cha để lại.
(Nguyễn văn Thái, Sống lời Chúa giữa dòng đời, năm C, tr 128)
Câu chuyện này không khác gì lịch sử cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người. Thiên Chúa luôn yêu thương tìm kiếm con người. Còn con người cứ lẩn trốn, để rồi sau cùng, Thiên Chúa phải sai Con Một xuống thế, làm người đầy tớ đau khổ (Is 53,10-12), dùng cái chết của mình để thuyết phục và nói cho con người biết chức vị làm con cái Thiên Chúa của mình với quyền thừa kế hạnh phúc đời đời trên Nước Trời (Ga 3,16-17).
2. Người con di hoang đã mất nay lại tìm thấy
Người con thứ được xác định là một tay ăn chơi trác táng… Nhưng khi đã hết nhẵn tiền thì anh mới cảm thấy hối tiếc cho bản thân mình. Nỗi đau của bản thân khiến anh nhận ra được nỗi đau mà anh đã gây ra cho người cha của anh. Do đó, anh tự nhủ “Tôi sẽ trở về với cha tôi, và xin lỗi người”. Đây là một quyết định can đảm vì đã thất bại và còn vác mặt về mà xin lỗi thì thật là xấu hổ.
Đúng thế, thật dễ dàng trở về nhà, khi bạn là một người anh hùng, với chiến công và vinh quang. Nhưng đứa con hoang đàng không có một chiến công nào để đem về cho anh, anh không hề có thành quả nào, để nhờ đó, anh xứng đáng được khen ngợi, đón tiếp và yêu thương. Anh đang trở về nhà, với đôi bàn tay trống rỗng. Tệ hơn nữa, anh đang trở về nhà, lòng nặng trĩu xấu hổ và nhục nhã.
Nhưng thật ngạc nhiên, khi người cha nhìn thấy anh trở về đang tiến lại với ông, ông liền chạnh lòng thương, và một phút sau đó, cha con đã ôm chầm lấy nhau. Người cha đã không chỉ chấp nhận cho anh trở về, mà còn đón tiếp anh nữa. Tất cả tội lỗi của anh đều được tha thứ.
Phát hiện vĩ đại nhất mà người con hoang đàng đã nhận ra đó là anh vẫn được yêu thương, trong tình trạng tội lỗi của anh. Người cha không bao giờ ngừng yêu thương anh. Trong tấm lòng nhân hậu của người cha, anh luôn đuợc yêu thương, đó không những là một điều tốt, nhưng khi vẫn được yêu thương ngay trong tình trạng tội lỗi, thì quả là một cảm nghiệm tuyệt vời.
Sự tha thứ của Thiên Chúa không phải là sự tha thứ lạnh lùng, nửa vời, nhưng là sự tha thứ nồng ấm và quảng đại. Thiên Chúa không chỉ tha thứ cho chúng ta, mà Ngài còn yêu thương chúng ta, và để cho chúng ta nhận biết được tình yêu thương đó (McCarthy).
“Giây phút người con hoang đàng quỳ gối và khóc lóc, anh ta đã biến cảnh lãng phí tài sản của mình bên những cô gái điếm, cảnh chăn heo và thèm khát những thức ăn của heo, trở thành những giây phút đẹp đẽ và thánh thiện trong cuộc đời của mình. Hầu hết mọi người khó mà thấu hiểu được ý tưởng đó. Tôi dám nói rằng người ta phải chịu cảnh tù tội, thì mới thấu hiểu được điều đó. Nếu như vậy, thì có thể thời gian sống trong tù thật đáng giá”(Oscar Wilde).
Truyện: Chúa quên hết tội rồi
Một bà già thường đến gõ phòng cha xứ, kể cho ngài nghe rằng đêm qua Chúa mới hiện ra với bà. Để làm bà nản lòng đừng đến nữa, Cha xứ bảo:”Lần sau nếu Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Ngài “Cha xứ con có tội gì nặng nhất ? sau đó tới kể cho tôi nghe”. Mấy ngày sau, bà già không đến nữa. Cha xứ mừng thầm vì bà đã trúng kế của Ngài. Nhưng một tuần sau đó, bà già trở lại.
- Thưa cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con.
- Thế bà có hỏi Ngài không ?
- Thưa có chứ.
Cha xứ bắt đầu hồi hộp:
- Bà hỏi thế nào ?
- Thì con hỏi y như Cha đã bảo: ”Cha xứ con có tội gì nặng nhất” ?
Cha xứ càng hồi hộp thêm:
- Vậy Chúa có trả lời không ?
- Có chứ.
Bây giờ thì cha xứ lo lắng thật sự:
- Chúa nói sao ?
- Chúa nói: ”Ta đã quên hết rồi.
Cha xứ thở phào nhẹ nhõm.
(Kể theo ĐHY PX Nguyễn văn Thuận)
3. Người anh cả bất hợp tac
Người anh cả trở về nhà và anh thực sự buồn rầu vì em của anh đã trở về. Người anh cả đại diện cho các giáo sĩ Do thái tự kiêu, tự mãn, họ thà xem thấy tội nhân bị tiêu diệt hơn là được cứu. Anh ta trách em về những lầm lạc của nó. Đây là một dấu chỉ cho thấy anh ta không hiểu lòng tốt của cha. Bao lâu anh này còn quá tự tín vào bản thân và những công trạng của mình, ganh ghét và khinh bỉ, đầy chua xót và giận dữ, không hoán cải và giao hòa với cha và với em mình, thì bàn tiệc chưa thể hoàn toàn là bữa tiệc liên hoan mừng cuộc gặp gỡ và tái ngộ.
Thái độ của người anh cả đối với người em trai phản ảnh lại thái độ của người biệt phái đối với tội nhân. Mặc dù là những người rất đạo đức, nhưng họ vẫn cho rằng tội lỗi xứng đáng bị kết án hơn là cứu độ. Nhưng lòng đạo đức có công dụng gì, nếu nó không làm cho người ta trở nên thương cảm hơn đối với những kẻ bị sa ngã ? Nếu chúng ta tự nhận thấy mình thông cảm với người anh cả, thì điều này càng chứng tỏ rằng tính cách người biệt phái đó đang ở trong chúng ta. Người anh cả này ghen tức chỉ muốn ông bố giết quách đứa em đi cho bõ ghét, không thể tha thứ được.
Truyện: Người cha giết con
Nhà truyền giáo T.R. Stevenson ở Thượng hải kể: một thương gia giầu có ở Quảng đông có hai con trai. Người con lớn thường kết bè tụ đảng với bọn bất lương phá phách xóm làng. Một lần, quá túng, hắn dẫn cả một băng về cướp ngay tại nhà mình. Khi tội hắn bị lộ, người cha cho người đến nói với hắn: nếu biết đường cải tà qui chính thì sẽ được tha. Người nhắn còn bảo đây là lần gia ân cuối cùng của ông chủ. Hắn chầm chậm đứng lên và quay về nhà cha. Một bữa tiệc đón tiếp xem ra cũng vui vẻ, nhưng trong đĩa thức ăn của hắn có bỏ thuốc độc. Hắn chết ngay đêm đó, nhưng người cha không bị ra tòa vì theo luật Trung hoa, cha có quyền giết con.
Từ câu chuyện này, các nhà truyền giáo thường đem đối chiếu với đoạn 15 Tin mừng theo thánh Luca mà chúng ta đọc hôm nay.
Suy nghĩ về dụ ngôn này, chúng ta dễ cảm thông với người con hoang đàng và dễ lên án thái độ cố chấp của người anh cả. Nhưng rồi sự suy nghĩ ấy lại đưa chúng ta đến một suy nghĩ khác:
Nói người phải nghĩ đến ta
Suy đi nghĩ lại hóa ra chính mình.
Người cha có hai người con: người con đây là ai ? Và đứa con hoang đàng chỉ ai ? Các nhà chú giải không đồng ý kiến.
Các nhà chú giải thời xưa cho rằng: người con cả chỉ người Do thái, con hoang đàng chỉ dân ngoại.
Ngày nay quan niệm đó hầu như bị bỏ, mà còn hai ý kiến sau đây:
- Một ý kiến cho rằng: con cả chỉ người biệt phái, con hoang đàng chỉ tội nhân. Người biệt phái lẩm bẩm kêu trách Chúa vì thái độ đối với tội nhân.
- Ý kiến thứ hai cho rằng: con cả chỉ người lành, con hoang đàng chỉ tội nhân. Kẻ lành không hiểu được thái độ Chúa đối với tội nhân trở lại.
Xem chừng người ta nghiêng về ý kiến thứ nhất.
Chúng ta là hạng người nào ? Dầu là anh cả, dầu là đứa con hoang đàng, tất cả đều phải sám hối, đều phải trở về, đừng cứng lòng trước ơn Chúa. Trong cuốn Au Gré de Sa Grâce, linh mục André Louf có đề cập đến không những kẻ tội lỗi cứng lòng (pécheurs endurcis) mà còn những người ngay chính (justes endurcis) cũng cứng lòng nữa. Người con hoang đàng là hình ảnh của những người tội lỗi, còn người anh cả có thể là hình ảnh của những người ngay chính cứng lòng. Người tự coi mình công chính, đạo đức mà cứng lòng và tự mãn thì thật khó mà sám hối, trở về.
Có lẽ thái độ của người anh tự coi mình công chính và ganh tị là hình ảnh gợi cho tất cả chúng ta, những người cảm thấy mình làm mọi sự đều đúng, đều tốt đẹp và đạo đức. Chúng ta biết mình là người tốt nên dễ dàng phê phán những người khác. Chúng ta đã mang trong mình tự mãn vì nghĩ rằng Thiên Chúa đang ngự trị trong đời sống của mình.
Chúng ta đã ở vào giữa Mùa Chay, chỉ còn một thời gian nữa là đến lễ Phục sinh. Mùa Chay là mùa được kêu mời trở lại, chúng ta hãy can đảm nhận khuyết điểm, sai phạm của mình, để mạnh dạn trở về cùng Chúa, cùng Giáo hội của Ngài. Thiên Chúa nhân từ trong vai người cha nhân hậu và yêu thương hôm nay, bảo đảm cho sự lầm lỗi của con người yếu đuối, sẽ được tha thứ. Ngài là Cha của tất cả mọi người, Ngài đang chờ đợi từng người một trở về. Đừng nghĩ rằng tội lỗi mình quá nặng, nên không thể giao hòa với Chúa. Cũng đừng cho rằng ân sủng của Chúa không đủ để phục hồi tội lỗi của mình. Hãy thống hối, hãy trở về, sẽ được thứ tha hết mọi lỗi lầm lớn nhỏ. Hãy tạ ơn Chúa, vì tạ ơn là có khả năng ý thức mình là kẻ có tội, và từ đó tập chú vào lòng yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.