Nghe như truyện đùa mà có thật. Vì vào thứ ba tuần rồi (2/3/2010), Đức Hồng Y Cormac Murphy-O'Connor có tham dự một cuộc tranh luận do tập san The Spectator tổ chức dưới chủ đề “Anh Quốc Nên Là Một Quốc Gia Công Giáo Một Lần Nữa”. Cùng với vị hồng y nguyên tổng giám mục Westminster này, còn có sự hiện diện của các tác giả Piers Paul Read và Dom Antony Sutch, chánh xứ Nhà Thờ Công Giáo St Benets nữa. Các vị này đứng về phe ủng hộ.

Phe chống gồm có Ngài Richard Harries, nguyên giám mục Anh Giáo của Oxford; Matthews Parris, nguyên Dân Biểu Bảo Thủ và hiện giữ một mục cho báo Times; và Stephen Pound, Dân Biểu thuộc Đảng Lao Động.

Dù quả quyết rằng Phong Trào Cải Cách “đã mang lại cho xứ sở này một mất mát lớn lao”, nhưng trọng tâm bài đóng góp của ĐHY Murphy-O'Connor's xoay quanh quan điểm đại kết. Ngài nói: “thị kiến của tôi là muốn Giáo Hội Nước Anh, hợp nhất với trọn bộ lịch sử và thiên tài của nó, được cùng hàng ngũ và hiệp thông với một tỷ hay hơn thế các Kitô hữu Công Giáo khắp thế giới, với 4,000 hay 5,000 giám mục và với Giám Mục Rôma, tức Đức Giáo Hoàng… Thị kiến của tôi đối với Giáo Hội Nước Anh có hai phương diện. Thứ nhất, Giáo Hội ấy được hợp nhất với Giáo Hội Phổ Quát, vì Công Giáo có nghĩa là Phổ Quát, và thứ hai, Giáo Hội ấy mang về cho Giáo Hội Phổ Quát các đặc điểm và thiên tài đặc thù của người Anh, vốn là một nguồn phong phú hóa cho toàn thể Giáo Hội. Nhờ thế, Giáo Hội Nước Anh là một Giáo Hội hợp nhất và mạnh mẽ. Nó hiện diện ở ngoài kia, ở nơi công trường phố thị của xã hội thế tục đang co dần của ta, một xã hội đang đi tìm ý nghĩa và hy vọng. Giáo Hội Nước Anh sẽ nói với quốc gia về niềm tin chân thực, về phẩm giá con người nhân bản từ lúc bắt đầu sự sống cho tới lúc kết thúc tự nhiên”.

Vị giáo chủ 76 tuổi trình bày Giáo Hội này sẽ như một giáo hội biết lên tiếng cho sự sống, cho người nghèo và cho mọi người không có tiếng nói. Nó sẽ là một giáo hội biết bênh vực gia đình và “tiếp tục tôn trọng và đối thoại với những ai khác biệt với chúng ta, những người thuộc các tín ngưỡng khác, những người không có đức tin, những người bất khả tri và vô thần. Giáo Hội Nước Anh (English Church) sẽ là một tiếng nói mạnh, làm chứng cho mọi điều chân thiện. Nó sẽ là một Giáo Hội được nâng đỡ không những bởi Thánh Kinh, thánh truyền và lý lẽ vốn được Giáo Hội Anh Giáo (Anglican Church) trân qúy mà chủ yếu bằng Thánh Kinh, thánh truyền, lý lẽ và thẩm quyền giáo huấn nữa. Nó sẽ thâu tóm thẩm quyền ấy bằng cách giảng dạy sự thật và vẻ đẹp của Đức Tin Kitô Giáo”.

Đức HY Murphy-O’Connor kết luận: “Như thế, tôi đã trình bày với qúy vị một thị kiến của tôi. Tôi chỉ là một ông già với một giấc mơ về một Giáo Hội Nước Anh trên mảnh đất mà chúng ta rất yêu mến này và kính thưa qúy bà và qúy ông, tôi xin thưa với qúy vị rằng đó là một giấc mơ sẽ được thực hiện”.

Nguyên văn bài phát biểu của Đức Hồng Y Murphy-O’Connor như sau:

“… hẳn qúy vị muốn biết tại sao Anh Quốc nên là một quốc gia Công Giáo một lần nữa. Nhưng thế nào là “một quốc gia Công Giáo”? Có phải có nghĩa là đòi lại các nhà thờ chính tòa có tính lịch sử. .. để rồi phải chi phí mà bảo trì chúng không? Hay là đòi quyền lực chính trị để các giám mục chỉ định ông bà thủ tướng, chứ không phải ngược lại? Nếu qúy vị hy vọng được chứng kiến một cuộc đấm đá kiểu cũ giữa Thệ Phản và Công Giáo ngày xưa, thì tôi sợ qúy vị sẽ thất vọng.

Phần lớn người Anh, nếu có lúc nào nghĩ đến vấn đề này, hẳn sẽ nói một cách quân bình rằng Phong Trào Cải Cách là một điều tốt. Phong Trào này đã đem lại giáo dục, chân lý Thánh Kinh, tư duy độc lập và tiến bộ, bởi thế, nó là một điều tốt.

Nếu theo cùng một luận lý như thế, thì nước Anh trước Cải Cách phải là cái gì xấu xa: với những giáo chủ hủ hóa và trần đời như Hồng Y Wolesey, và một hàng giáo sĩ thô lỗ và ngu dốt. Các dấu chỉ duy nhất cho thấy sự sống Kitô Giáo chỉ phát xuất từ nhóm Lollards, những nhà Thệ Phản thẳng thừng bác bỏ cái món hầm bà lằng xí cấu của các bí tích để chỉ đọc Thánh Kinh bằng tiếng Anh ngõ hầu toàn diện nước Anh được chuẩn bị đón nhận tin mừng của phong trào Thệ Phản.

Nhưng thực ra, hàng loạt các cuộc nghiên cứu đã chứng minh rằng các các giáo xứ Anh trước thời Cải Cách hết sức sống động, biết thích nghi và được lòng dân chúng. Hàng ngũ giáo dân có lòng đạo lành mạnh và sẵn sàng làm việc bác ái. Hàng giám mục không hủ hóa và chính Erasmus cũng từng nghĩ rằng nước Anh thời đầu nhà Tudor là nước sáng suốt nhất ở Âu Châu. Và còn các đan viện hòa nhịp với lòng nhiệt thành ấy nữa: với họ là giáo dục, là chăm sóc y khoa, là tính hiếu khách hoàn toàn vì tình yêu Chúa.

Cho nên theo tôi, Phong Trào Cải Cách, dù có những đóng góp tích cực, đã đem lại cho xứ sở này một mất mát lớn lao. Nó là một ngắt quãng lớn lao. Nó đào ra cả một cái hố, sâu và phân cách, giữa nhân dân nước này và quá khứ của họ. Chỉ qua đêm, cả một thiên niên kỷ hào quang Kitô Giáo, cả một thế giới của những người như Gregory, Bede, Anselm, Catherine thành Siena, Francis, Dominic, Julian thành Norwich, Bernard, Dante, tất cả những người đàn ông và đàn bà từng nuôi dưỡng tâm trí thế giới Kitô Giáo hàng nghìn năm, trở thành một miền đất xa lạ, một Thời Đại Đen Tối của Bè Lũ Giáo Hoàng.

Phong Trào Thệ Phản được thiết lập trên hai khẳng định về ơn thánh và sự cứu rỗi, và sự mạc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh. Nhưng cùng với hai khẳng định này là cả một loạt những phủ nhận và bác bỏ, như đập phá ảnh tượng, triệt hạ các thánh đường, phỉ báng Đức Giáo Hoàng và Thánh Lễ. Chủ nghĩa Thệ Phản, nhất là hình thức đặc thù tại Anh, trở thành định chế bởi việc bác bỏ Đạo Công Giáo.

Cho nên khi nói tới một quốc gia Công Giáo, ta hãy nhất trí với nhau rằng tranh chấp Cải Cách đã qua hẳn rồi. Ta không cần phải đổi chác lịch sử. Và tôi là người đầu tiên rất biết ơn đối với Giáo Hội Anh Giáo và nhiều Giáo Hội Kitô Giáo khác đã đóng góp biết bao phúc lợi cho xứ sở này suốt trong 4 trăm năm qua.

Thay vào đó, tôi xin trình bày với qúy vị một khởi điểm tốt hơn cho cuộc tranh luận của chúng ta. Qúy vị hãy trở lại với cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1982. Đối với nhiều người, hình ảnh then chốt là Đức Giáo Hoàng và Đức Tổng Giám Mục Canterbury qùy gối bên nhau trước đền Thánh Thomas a Becket để cầu nguyện. Hình ảnh ấy cảm động một cách ngoại thường. Hai Giáo Hội chúng ta đã vượt qua một đoạn đường dài để trở về với sự hợp nhất mà Chúa Kitô từng kêu gọi. Và không có gì khác kể cả tập san The Spectator có thể đẩy chúng ra xa nhau nữa. Tôi là một người phò đại kết xác tín và tận tụy, nên tôi tin rằng phong trào đại kết cũng giống như một con đường không có lối ra. Chúng ta không ở thế đua tranh nhưng cùng nhau cố gắng. Đấy không phải là một chọn lựa giữa Giáo Hội Nước Anh và nước Anh Công Giáo, mà là chọn lựa Giáo Hội tại Anh, Giáo Hội Nước Anh.

Thị kiến của tôi là một Giáo Hội Nước Anh, hợp nhất với trọn lịch sử và thiên tài của nó, đứng cùng hàng ngũ và hiệp thông với một tỷ và hơn thế những người Kitô Hữu Công Giáo khắp thế giới, với 4 hay 5 nghìn giám mục và hiệp thông với Giám Mục Rôma, tức Đức Giáo Hoàng. Chỉ mới tháng trước, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã ca ngợi “cảm kết của chúng ta đối với sự bình đẳng về cơ hội cho mọi người”; ngài thúc giục ta tham gia cuộc tranh luận toàn quốc qua một “đối thoại đầy tôn trọng nhau”; ngài cũng ca ngợi các truyền thống tự do phát biểu và trung thực trao đổi ý kiến của chúng ta. Tôi có thể sống với điều đó.

Cũng là một vinh dự cho tôi được thuyết giảng trước Nữ Hoàng cách nay mấy năm, một điều mà 50 năm trước đó hẳn không thể xẩy ra được. Thời gian đã thay đổi nhiều và tôi dám chắc Nữ Hoàng hay người kế vị ngài sẽ không quản ngại chi khi phải nói ít hơn đối với việc đề cử một vị hồng y tổng giám mục cho Canterbury.

Xin cho tôi nói rõ, thị kiến của tôi về Giáo Hội Nước Anh có hai phương diện. Thứ nhất, nó hợp nhất với Giáo Hội Phổ Quát – Công Giáo vốn có nghĩa là phổ quát – và thứ hai, Giáo Hội ấy mang lại cho Giáo Hội Phổ Quát các đặc điểm và thiên tài đặc thù của người Anh là những điều quả thực làm giầu cho toàn thể Giáo Hội.

Nhờ thế, Giáo Hội Nước Anh là một giáo hội hợp nhất và mạnh mẽ. Nó hiện diện ở ngoài kia, nơi công trường phố thị của xã hội thế tục đang co dần của chúng ta, một xã hội đang đi tìm ý nghĩa và hy vọng. Giáo Hội Nước Anh này sẽ nói với quốc gia về niềm tin chân thực, về phẩm giá con người nhân bản từ lúc khởi đầu sự sống tới khi kết thúc tự nhiên của nó. Nó sẽ rao giảng một Phúc Âm của sự sống và sự thật.

Nó sẽ nói về điều Giáo Hội bênh vực, chứ không nói nhiều về điều Giáo Hội chống đối. Nó sẽ nói cho người nghèo, cho tù nhân, một tiếng nói cho những người không có tiếng nói. Nó sẽ nói về gia đình, giúp tạo nên một quốc gia lành mạnh, và tìm cách tháo ngòi, như vị Giáo Trưởng từng nói, trái bom đặt dưới nền xi-măng từng đem sự sống gắn bó lại với nhau trên quê hương này, tức gia đình. Một nền văn hóa chỉ biết khuyến khích tính dục bất cần yêu thương, khuyến khích hôn nhân bất cần cam kết, khuyến khích con cái bất cần sự bền vững để dưỡng nuôi chúng cách xứng đáng, là một nền văn hóa cần có một Giáo Hội ở công trường phố thị; và cần một tiếng nói biết lên tiếng bảo vệ vị trí của tôn giáo trong xã hội và của Chúa, Đấng qua Chúa Kitô, tự tỏ mình ra là một Thiên Chúa của tha thứ, của chấp nhận và của yêu thương.

Nhiều người duy thế tục tin rằng Giáo Hội, và tôn giáo nói chung, chỉ là truyện kỳ dị riêng tư, không có chỗ đứng trong sinh hoạt công cộng, không được gây bất cứ ảnh hưởng nào đối với quốc gia, không ăn nhậu gì đối với một xã hội lành mạnh. Thực ra họ sợ điều gì? Giáo Hội Nước Anh sẽ là mô thức cho người ta thấy phải yêu mến Thiên Chúa và người lân cận như thế nào.

Giáo Hội Nước Anh sẽ tiếp tục tôn trọng và đối thoại với những ai khác với chúng ta, những người thuộc các tín ngưỡng khác, những người không có đức tin, những người bất khả tri và vô thần. Giáo Hội Nước Anh sẽ là tiếng nói mạnh mẽ, làm chứng cho bất cứ điều gì là thiện hảo và chân thật. Nó sẽ là một giáo hội không những được nâng đỡ bằng Thánh Kinh, thánh truyền và lý trí mà Giáo Hội Anh Giáo rất trân trọng, mà chủ yếu được nâng đỡ bởi Thánh Kinh, thánh truyền, lý trí và thẩm quyền giáo huấn. Nó sẽ thâu tóm thẩm quyền ấy bằng cách truyền dạy sự thật và vẻ đẹp trong đức tin Kitô Giáo.

Tôi xin đi vào phần kết luận. Dĩ nhiên, đáng lẽ tôi phải nói về tội lỗi, những thất bại về nhiều mặt của Giáo Hội Công Giáo, những thất bại mà tôi biết chắc các địch thù của chúng tôi trong đêm nay sẽ nhắc đến. Và tôi cũng biết rằng Giáo Hội lúc nào cũng cần được tái tạo. Nhưng đó không phải là trọng điểm ở đây. Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Nước Anh mà tôi nói đến, có sức mạnh và niềm tin chắc chắn rằng lực lượng của bóng tối sẽ không thắng nổi được mình. Như John Henry Newman từng nói, giáo hội này không thất bại vì đã được thử thách qua nhiều thời đại. Một Giáo Hội Nước Anh, trong hợp nhất với nhau, trong hiệp thông với Giáo Hội Phổ Quát, sẽ đem được Tin Mừng và ý nghĩa tới cho thế hệ chúng ta và các thế hệ sắp tới. Nó sẽ mở cửa chào đón mọi thách đố của thời đại, trong khi vẫn mạnh đủ để cưỡng lại mọi thoả hiệp với phong hóa hiện hành. Trên hết, nó sẽ và phải nổi bật về sự thánh thiện của các chi thể, về ý muốn yêu Chúa và yêu cũng như phục vụ anh em. Nó sẽ phục vụ Ích Chung.

Đêm nay, tôi thưa truyện với qúy vị trong sự khiêm hạ và tôn kính. Tiên tri Joel từng nói: “Các con trai con gái các ngươi sẽ nói tiên tri, các bô lão của các ngươi sẽ mơ nhiều giấc mơ và trai tráng các ngươi sẽ thấy nhiều thị kiến”. Tôi đã trình bày với qúy vị một thị kiến của tôi, và tôi là một ông già với giấc mơ về một Giáo Hội Nước Anh trên lãnh thổ mà chúng ta yêu thương hết mình này, thưa qúy bà và qúy ông, xin cho tôi nói điều này, đó là một giấc mơ có thể và nên trở thành một giấc mơ được thực hiện.