Chúa nhật Thứ 3 Mùa Chay, Năm C (Lc 13, 1-9)

Dẫn

Thường thấy ở đời, khi ai bị sự cố xấu, thì người ấy dễ bị người đời dèm pha lời ra tiếng vào đại để: đáng đời, đáng kiếp, cho mày chết…

Trái lại, lẽ thiêng liêng, Chúa không muốn cho kẻ dữ phải diệt vong, nhưng muốn nó bỏ đường tà để được sống.

I. Lễ Đời

Cuộc sống chứng kiến nhiều tai nạn bất thần chụp xuống khiến người bị nạn không thể biết đâu mà tránh.

- Những người Ga-li-lê bị quan tổng trấn Phi-la-tô giết khiến máu đổ ra hòa lẫn máu tế vật họ đang dâng (Lc 13, 1).

- Mười tám người bị thác Si-lô-ê đổ xuống đè chết không kịp trăng thối (Lc 13, 4).

- Những trận động đất, những đợt núi lửa phun trào, những cơn sóng thần ập đến giết chết hàng triệu người.

- Những tan nạn giao thông, những sự cố nghề nghiệp xảy đến giết chết biết bao sinh mạng cách lạ kỳ.

- Chiến tranh cũng đã gây bao cảnh li biệt tang thương đã cướp đi vô số sinh linh cách phi lí.

Con người đã giới hạn khi lý giải những hiện tượng trên:

Khoa học cho là mọi vật không tự nhiên sinh ra và mất đi mà chúng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác và trong quá trình họat động tương tác nảy sinh và ảnh hưởng đến nhau.

Thần bí lại cho là trong mỗi hiện tượng thiên nhiên đều mang dáng dấp của một vị thần. Khi thần ấy nổi giận thì con người sẽ bị vạ lây.

Dân gian thường giải thích những hiện tượng kém may mắn bằng hai chữa “xui - xẻo” và ngày nay người trẻ thường gán cho số phận: “hên – xui”!

Đạo đức thông thường cho rằng mọi sự do nhân quả, gieo quả tốt thì gặt quả tốt, gieo quả xấu thì gặt quả xấu.

Người tín hữu luôn được mời gọi trở về với Chúa Đấng là nguồn sự sống, là nguồn mọi phúc lành. Người là Cha giàu lòng thương xót đã tạo dựng muôn điều tốt đẹp cho con người.

II. Ý Chúa

Thuở tạo dựng Thiên Chúa tạo dựng muôn lòai muôn vật thật tốt đẹp và ban cho con người quyền thay mặt Chúa cai quan và tiếp tục tạo dựng thiên nhiên.

Từ khi con người phạm tội, đất sinh ra gai góc, thiên nhiên đã gây khó khăn cho con người. Bản thân mình, con người cũng phải đổ mồ hôi xót con mắt mới có của ăn. Từ khi con người phạm tội với Chúa thì họ cũng quay ra phạm tội với nhau. Thậm chí, con người còn cả gan hủy họai cả tình máu mủ huynh đệ, tình vợ chồng tha thiết mặn nồng.

Để tái lập trật tự cho con người, trên núi Si-nai, qua ông Mô-sê, Thiên Chúa mạc khải Danh mình là “Đấng Hiện Hữu” (Xh 3, 14). Dân Chúa sẽ tôn vinh Danh Chúa đến muôn dời.

Tương quan giữa Thiên Chúa và dân Người đã được tái xác định và gắn bó. Dân Chúa đã được cùng thanh tẩy bởi nước biển Đỏ và nhận ra sự quan phòng kỳ diệu của Người qua hình ảnh áng mây và cột lửa. Ban ngày Chúa ngự trong đám mây để chê cho dân đỡ nắng. Ban đêm Chúa thể hiện nơi cột lửa để soi sáng chỉ đường cho dân. Ngày ngày họ cùng được ăn một thức ăn thiêng liêng, cùng uống một dòng nước từ tảng đá linh thiêng (x 1Cr 10, 1-5). Khi đến thời điểm quyết định, Người đã cho dân bước vào đất hứa hòan thành hành trình bốn mươi năm sa mạc.

Vâng phục thánh ý Chúa, người tín hữu lọai trừ mọi sự mê tín dị đoan. Họ Mọi sẽ hướng mọi hiện tưởng xảy ra trong cuộc đời theo sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa.

Ấy vậy mà thời gian đã làm mờ dần đi kỷ niệm. Dân Chúa lại bất trung thất tín, nhiều lần kêu ca phản kháng. Thiên Chúa đã sai Con của Người, Đức Giê-su Ki-tô đến trần gian để trực tiếp giảng dạy cho dân.

Hôm nay, tiếp xúc với nhóm người tự cao tự đại tự cho mình là những người công chính, Đức Giê-su đã đưa họ về với cách nhìn, cách nghĩ thiện chí: không thể tưởng mình đang đứng vững mà lạnh lùng xem thương người khác mà phải khiêm tốn sám hối tội lỗi của chính mình. Như người chủ vườn kiên nhẫn chờ đợi cây vả sinh hoa kết quả, Chúa vẫn đang chờ đợi kẻ dữ bỏ đường tà quay về với Chúa đón nhận ơn tha thứ để được cứu độ.

III. Lời mời

Tai nạn, khốn khó là việc rất khó lường trong đời người. Người bi quan thường đầu hàng trước khó khăn. Người yếm thế thường tìm cách đổ lỗi cho hòan cảnh. Người mê tín thì gán cho thần linh. Người buông xuôi thì phó cho thời vận hên xui… Những cách giải quyết vừa nêu không mấy tích cực.

Người thiện chí “thà đốt lên ngọn lửa còn hơn ngời nguyền rủa bóng tối”. Họ sẽ từng bước giải quyết vấn đề và khó khăn chính là cơ hội cho người ta biết mình và thăng tiến.

Trên đàng thiêng liêng, người tín hữu được mời gọi:

- Khiêm tốn nhận mình đã đắc tội với Chúa, đã làm điều dữ trái mắt Chúa, và đã gây phiền tóai cho mọi người.

- Mọi nẻo đường tà không bước vào, cốt làm sao giữ được lời Chúa. Chính lời Chúa là mối bận tâm trong đời.

- Trọn niềm tin tưởng, ký thác đường đời cho Chúa. Người sẽ sống và họat động trong cuộc đời người tin.

- Tuyệt đối trông cậy nơi Chúa. Ngoài Chúa ra không có thần nào khác. Trông cậy vào Chúa sẽ không phải thất vọng.

- Đáp lại tình yêu nhiệm mầu của Chúa với tất cả trí khôn và sức lực. Trong mọi sự, Chúa sẽ biến sự dữ thành sự lành cho những ai yêu mến người.

Kết

Mọi đau khổ trong đời, tuy người ta chưa thể lý giải thấu đáo, nhưng kỳ thực mọi sự đều có lý lẽ.

Người tín hữu lần về những đổ vỡ ban đầu của con người với Thiên Chúa mà suy xét những hậu quả vẫn đang diễn ra.

Sám hối là bước chân đầu tiên để người tín hữu trở về với Thiên Chúa và với nhau.