ÐÀ LẠT - Cùng với nạn hạn hán đang hoành hành tại Tây Nguyên và các tỉnh Trung Bộ, lượng nước tại các hồ chứa, sông suối ở các nơi đều giảm đi đáng kể.

Khi được hỏi về các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Ðà Lạt, không ai là không nhắc tới hồ Than Thở, thác Cam Ly, những cái tên không những nằm trên bản đồ du lịch thành phố mà còn đi vào thơ văn.

Thế nhưng nếu ai tới Ðà Lạt những ngày này thì sẽ chứng kiến cảnh hồ Than Thở khô cạn, trơ lòng hồ nứt nẻ. Cả chiếc hồ rộng tới 9 héc ta này không còn chút nước.

Và không chỉ hồ Than Thở, mà một địa danh nổi tiếng khác - thác Cam Ly, cũng lâm vào tình trạng khô cạn.

Ông Ðặng Ngọc Lưu, giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lâm đồng nói việc thiếu nước tại các địa danh trên năm nào cũng xảy ra:

“Vào mùa khô, thường là lượng nước ít. Mà hồ này còn có một nhiệm vụ nữa là phục vụ nước cho bà con trồng rau trồng hoa, như là một công trình thuỷ lợi.”

Thực tế, nước trong hồ Than Thở được nông dân trồng rau sống tại các phường quanh hồ tận dụng để canh tác, vì vậy nguồn nước đã thiếu lại càng khó khăn hơn.

Nạn hạn hán khiến cho số khách du lịch tới những danh lam thắng cảnh này vì vậy mà cũng giảm hẳn.

Cũng theo ông Ðặng Ngọc Lưu từ Sở Du lịch thì chính quyền tỉnh đã có kế hoạch tách chức năng thủy lợi ra khỏi địa điểm du lịch:

“Có phương án rồi, nhưng đang trong quá trình thực thi từng bước để chuyển đổi giống cây trồng ở vùng cho phù hợp nhằm tạo cảnh quan mới, tạo lại môi trường, trồng nhiều cây để khu vực đó xanh đẹp hơn. Các điểm du lịch hiện đang khai thác đều có phương án tu bổ tôn tạo.”

Không chỉ có tỉnh Lâm Ðồng mà các hồ nước tại các tỉnh Tây Nguyên khác như Gia Lai, Kontum, Daklak... đều cạn nước khi mùa khô vẫn còn tiếp tục.

Tin cho hay dòng chảy của một số sông suối ở khu vực này giảm hơn mọi năm tới cả một nửa.

Nguồn nước ngầm cũng cạn kiện, khiến trên 100 ngàn người trong khu vực thiếu nước ăn, hàng chục ngàn héc ta lúa và cây công nghiệp bị hạn nặng, có nguy cơ mất trắng.(bbc)