Tết, đôi dòng tâm sự

Tết: một thứ “all-in-one”

Có lẽ không có dân tộc nào lại có lối ‘mừng’ Tết—không, ‘ăn’ Tết—rình rang như Việt Nam mình. Bởi lẽ, với dân Việt, Tết không phải là một ngày lễ như những ngày lễ khác. Nó là ngày lễ đặc biệt nhất, trọng đại nhất, và thiêng liêng nhất. Âu cũng là một nét văn hoá tuyệt vời. Dọn dẹp nhà cửa, trưng bông, làm mứt, gói bánh, đi Tết các ân nhân, họ hàng, trang hoàng bàn thờ tiên tổ, tổ chức tất niên, đưa ông Táo, đón ông bà, cúng giao thừa, đốt pháo, xông đất, xin xâm, hái lộc, chúc tuổi, lì xì, múa lân, lắc bầu cua…thôi thì chẳng thiếu thứ gì, cứ vậy cho đến hết tháng Giêng (Tháng Giêng là tháng ăn chơi mà). Tết là dịp chúc thọ ông bà, mừng tuổi cha mẹ và tất cả mọi người, lì xì cho con cháu. Tết là ngày tưởng niệm tổ tiên và các đấng sinh thành. Tết còn là dịp tạ ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hoà, mùa màng phong nhiêu và cây trái dồi dào. Tết còn là dịp họp mặt, gặp gỡ thân nhân bè bạn, trao cho nhau những lời cầu chúc may mắn tốt đẹp nhất. Như vậy phải chăng Tết là một tổng hợp độc đáo của lễ sinh nhật, lễ Ông Bà, lễ Song Thân, lễ Hiền Phụ và Hiền Mẫu, lễ các Đẳng, lễ Tình Nhân, lễ Tạ Ơn, lễ Bằng Hữu…Một kiểu “all-in-one” của Mỹ. Nhưng dù làm gì chăng nữa, tất cả đều khởi đi từ trong khung cảnh gia đình.

Tết: có một chốn nào để trở về

Buổi chiều hôm ấy, khi trời đang còn trong đợt mưa bão mùa đông, điện thoại tay của tôi reo vang. Tên cô con gái xuất hiện trên màn hình. Có chuyện gì rồi đây. Tiếng mếu máo nghe nửa được nửa không: “Bố ơi, con bị đụng xe; xe con húc vào phía sau xe của ông già kia rồi; đụng nhẹ thôi, con và ông già đã ra khỏi xe để nói chuyện, cả hai xe đều không sao cả, nhưng ông già cứ kêu đau cổ.” Tôi hỏi thêm chi tiết để tạm lượng định tình hình. Con gái tôi mới cầm tay lái được vài tháng nay. Nó vốn ngại lái xe; đi đâu cũng chỉ thích có người chở, dù có bằng lái đã mấy năm nay. Nhưng ra trường rồi, kiếm được việc làm thì bó buộc phải lái xe thôi. Làm gì mà có tài xế nào cho quá giang đi hoài được! Tôi trấn an con gái: “Thôi, con cứ bình tĩnh, trao đổi giấy tờ với ông ấy đi, nhất là giấy tờ bảo hiểm. Sáng mai, bố sẽ gọi điện thoại nói chuyện với cô Trúc ở văn phòng Thầy Nhựt. Họ sẽ lo hết cho mình!”

Cứ mỗi khi bà xã cằn nhằn là tại sao sắm điện thoại cho con cái trong lúc xa nhà mà chẳng thấy chúng nó gọi về thăm hỏi, là tôi lặp đi lặp lại: “Em cứ yên tâm, chúng nó không gọi là tốt, bởi vì “no news” tức là “good news” mà! Hôm nay được dịp, tôi bồi them: “Em thấy chưa? Cứ mong nó gọi, hôm nay nó gọi đấy!” Bất giác, câu chuyện “Cây Táo” mà tôi đọc được ở đâu đó lại trở về trong trí nhớ để có thể hầu bạn nhân dịp Tết năm nay.

Có một cây táo mọc xum xuê bên vệ đường, nặng trĩu những trái tươi ngon. Thằng bé đi qua, thích quá, liền đến chơi ở dưới tàn cây. Và rồi hằng ngày cứ thế, nó đến chơi, ăn trái, nằm ngủ dưới bóng cây râm mát.

Thời gian lặng trôi, thằng bé nay đã lớn khôn, cậu không còn đến chơi thường xuyên dưới bóng cây táo nữa. Những bỗng một hôm, cậu bé trở về, đứng dưới gốc cây, dáng vẻ tư lự buồn bã. Thấy thế, cây táo hỏi: “Sao cậu không lại đây chơi với tôi nữa?” Cậu bé uể oải đáp lại: “Lớn rồi, đến đây chơi làm gì nữa? Tôi đang cần tiền để mua các thứ đồ chơi khác.” Cây táo đáp lại: “Rất tiếc tôi không có tiền cho cậu, nhưng cậu cứ đến đây hái trái trên cây, đem đi bán, là có tiền ngay.” Cậu bé mùng húm, leo vội lên cây, hái lấy hái để những trái táo thơm ngon, rồi vui vẻ ra đi. Nhưng cũng từ đó, không thấy cậu trở lại nữa.

Cây táo bỗng thấy buồn…Đến một hôm kia, cậu bé—nay là chàng thanh niên—lại thấy trở về, khiến cho cây táo hứng khởi hẳn lên. Nó lên tiếng mời mọc: “Đến đây chơi với tôi đi, anh thanh niên ơi!” Nhưng chàng hờ hững đáp lại: “Làm gì có thời giờ nữa mà chơi; lo cho gia đình muốn bở hơi tai ra đây nè!. Lại còn phải đi kiếm nhà cho vợ con ở nữa!” Cây táo tiu nghỉu đáp: “Rất tiếc, tôi không có nhà cửa gì để cho cậu, nhưng cậu cứ đốn cành, cắt nhánh cây này lấy gỗ làm nhà mà ở.” Thế là chàng thanh niên hí hửng mang cưa mang rìu đến đốn cành cây táo lấy gỗ dựng nhà cho mình, rồi lại vui vẻ ra đi. Cây táo cũng thấy vui lây với chàng. Thế nhưng chàng không thấy trở về nữa.

Cây táo lại đứng một mình cô đơn, buồn tủi. Một ngày hè nóng bức, chàng thanh niên bỗng lại xuất hiện, khiến cho cây táo chộn rộn hẳn lên. Nó lên tiếng mời mọc: “Anh ấy ơi, lại đây chơi với tôi đi.” Người đàn ông đáp lại: “Già rồi, buồn lắm cơ!. Bây giờ tôi chỉ muốn có một chiếc thuyền buồm đi chơi cho thảnh thơi cuộc đời.” Cây táo buồn bã đáp: “Rất tiếc, tôi chẳng cho ông được chiếc thuyền buồm, nhưng tôi còn cái thân to lớn này, ông cứ cưa đi lấy gỗ mà làm thuyền.” Thế là người đàn ông liền cưa cụt thân cây để lấy gỗ đóng thuyền. Và rồi lại hí hửng ra đi, không bao giờ trở lại.

Chẳng biết là bẵng đi bao nhiêu năm sau, người đàn ông đó một hôm lại mò về. Cây táo nghẹn ngào nói: “Bây giờ thì tôi chẳng còn gì cho ông nữa, hết cả nạc, hết cả mỡ, hết luôn cả xương… Họa chăng chỉ còn một cái gốc trơ trọi và một mớ rễ già cỗi đang chết dần chết mòn.” Người đàn ông cũng trả lời yếu xìu: “Thực ra, tôi cũng chẳng cần gì nữa, có chăng là một nơi để nghỉ chân. Mệt lắm rồi, sau bao nhiêu tháng năm dong duổi nổi trôi.” Gốc táo vui vẻ trả lời: “Nếu vậy thì được quá, cái gốc cây mòn và mớ rễ cỗi đúng là cái chỗ lý tưởng còn lại cho ông nghỉ ngơi thoải mái.” Và người đàn ông ngồi xuống. Gốc táo bỗng trào lệ mừng vui.”

xxx

Câu chuyện buồn nhưng có hậu. Nó phản ảnh cuộc đời của bạn và tôi. Cây táo kia phải chăng là ông bà hay cha mẹ ta? Lúc còn trẻ, ta thích chơi với bố, với mẹ. Khi lớn rồi, ta chỉ thích đi xa, Và rồi chỉ trở về khi thấy thật cần một thứ gì đó, hay khi lâm vào cảnh gian nan khổ sầu. Đúng là nước mắt chảy xuôi. Bởi lẽ, lúc nào cũng thế, ở đó, trước ngưỡng cửa của mái ấm gia đình, cũng vẫn có cha, cũng vẫn có mẹ, sẵn sàng giang rộng vòng tay mừng đón người con trở về, cho dù có khi với thân tàn ma dại. Ông bà vẫn ở đó; cha mẹ ta cũng vẫn ở đó. Luôn luôn ân cần. Vẫn mãi chiều chuộng.

Phải, Tết là lúc ta ôn lại bài học cũ, bài học làm người, bài học làm con. Và gia đình vẫn luôn là một nơi chốn để trở về, để ở lại!

Tết: bạn có “nghe” thấy mùi hương gì không?

Đó không phải chỉ là mùi mứt Tết, mùi bánh chưng xanh, hay mùi hương hoa quả. Đó là mùi hương của một trái tim yêu thương như câu chuyện sau đây.

Cơn gió lạnh tháng Ba tràn tới cùng bóng đêm dầy quánh phủ xuống vùng trời Dallas khi bác sĩ bước vào phòng bà Diana Blessing, vẫn còn đang lâng lâng choáng váng sau ca mổ.

Cầm chặt tay vợ, David, lặng lẽ nhưng căng thẳng, ôn lại những gì vừa mới xẩy đến. Chiều ngày 10 tháng 3 năm 1991, do biến chứng, người sản phụ mới có thai được 24 tuần đã phải nhập viện để được giải phẫu khẩn cấp lấy cháu gái sơ sinh Dana ra khỏi bụng mẹ. Chỉ dài 12 phân anh và cân nặng chỉ một cân anh, họ biết cháu Dana đã được sinh thiếu tháng một cách hết sức nguy hiểm.

Tiếng vị bác sĩ nhỏ nhẹ nhưng nặng như cả một tấn bom: “Không biết cháu bé có qua khỏi không! Chỉ có 10 phần trăm cơ may sống sót qua đêm nay. Nhưng dù có qua khỏi chăng nữa, tương lai của cháu cũng không lấy gì làm sáng sủa.” Hình như cháu sẽ không đi được, sẽ không nói được, rất có thể sẽ mù loà, rồi còn bao nhiêu thứ khác sẽ khiến cháu trở thành trì trệ tâm trí. Càng nghe, càng nản! “Thôi đủ rôì!” tiếng bà Diana nấc lên nghẹn ngào.

Nàng và David, với cháu trai Dustin 5 tuổi, đang mong có thêm được một bé gái, cho có nếp có tẻ, thành một gia đình bốn người lý tưởng. Giấc mơ đơn sơ nhỏ bé ấy đang như tàn lụi dần. Lại nữa, qua được mấy ngày, một cơn hấp hối khác tràn về: hệ thống thần kinh của bé Dana yếu đến nỗi ngay cả một cái hôn phớt và cái ve vuốt nhẹ cũng làm cho cháu không thoải mái, thành ra cha mẹ cháu, dù có thương đến mấy cũng không thể làm những cử chỉ âu yếm nhất cho cháu. Họ chỉ còn biết cầu nguyện, phó thác Diana cho Chúa, trong lúc nhìn cháu đang phấn đấu bám lấy sức sống mỏng manh dưới dòng ánh sáng của tia cực tím, vớiđủ loại dây rợ quấn quanh tấm thân bé bỏng. Thế mà như một phép lạ: vài tuần sau, cháu từ từ tăng triển về trọng lượng và sức khỏe. Sau cùng, sau hai tháng sống sót, cha mẹ cháu có thể ôm ẵm cháu lần đầu tiên như các em bé khác. Để rồi phép lạ lại tiếp tục trong hai tháng kế tiếp, trước khi cháu được rời bệnh viện về nhà. Năm năm sau, phép lạ như vẫn còn đó, khi cháu không hề biểu lộ một dấu hiệu tàn phế nào, cả về thể lý lẫn tâm lý. Thế nhưng, cái kết thúc hạnh phúc này chưa phải là chấm dứt câu chuyện của cháu.

Một buổi chiều hè oi ả năm 1996, tại Irving, Texas, nơi Dana sống với cha mẹ. Khi đó, cháu đang ngồi trên lòng mẹ, thường thì cháu cười nói huyên thuyên, nhưng hôm ấy cháu đột nhiên im lặng. Cháu đưa hai cánh tay ôm lấy lồng ngực, rồi bỗng lên tiếng hỏi: “Mẹ có ngửi thấy mùi gì không?” Mẹ cháu nhìn ra ngoài trời, thấy mây đen vần vũ, sấm chớp chập chùng. Bà nhướng mũi lên, rồi trả lới: “Mẹ ngửi thấy mùi trời mưa.” Dana nhắm nghiền mắt, rồi hỏi tiếp: “Mẹ có ngửi thấy mùi ấy không?” Một lần nữa mẹ cháu lại trả lời: “Có, mẹ thấy như sắp ướt. Mẹ ngửi thấy mùi mưa.” Nhựng, vẫn đặt tay trên ngực, Dana lắc đầu, lấy tay mơn trớn bờ vai gầy, rồi dõng dạc nói: “Không, con nghe như có mùi của Chúa. Con “nghe” thấy mùi hương của Chúa khi ngả đầu vào ngực Ngài.” Với những lời ấy, Diana và cả nhà cảm nhận sâu xa thêm những phúc lành đã nhận được từ bàn tay quan phòng của Chúa. Thì ra trong những tuần lễ đầu đời, khi những giây thần kinh của Dana còn quá nhậy cảm khiến không ai đụng được đến cháu, thì Chúa đã luôn ôm cháu vào long. Và từ lồng ngực chan chứa yêu thương của Ngài, tỏa ra một mùi hương ngây ngất mà cháu không thể nào quên.

xxx

Mùa xuân đang về ngoài kia. Những cánh hoa đào đang nhẹ bay trong gió. Tết này, sau cả năm trời nhận lãnh muôn vàn phúc lành của Chúa, cho dù hôm nay, trong hoàn cảnh nào chăng nữa, bạn có nghe thấy mùi hương của Ngài không?

XUÂN CANH DẦN

Nguyễn Kim Ngân