Suy Niệm Đàng Thánh Giá - Via Crucis - là một trong những việc đạo đức rất được ĐTC Gioan Phaolô II mộ mến thực hiện. Nguồn gốc của lòng mộ mến nầy có thể đến từ truyền thống gia đình, từ những thực hành đạo đức tại giáo xứ nơi Đức Karol Woityla đã sinh ra và lãnh nhận bí tích rửa tội, và cách rộng rãi hơn, từ sinh hoạt đạo đức bình dân của người BaLan. Việc đạo đức “Đi Đàng Thánh Giá” trong hình thức truyền thống như chúng ta biết ngày hôm nay, đã được thành hình vào giữa thế kỷ thứ XVIII, và đã được phổ biến mau chóng tại BaLan.

Phần ĐTC Gioan Phaolô II, kể từ khi được chọn lên kế vị thánh Phêrô ở ngai toà Roma, ngày 16 tháng 10 năm 1978, Đức Gioan Phaolô II đã không bao giờ vắng mặt trong buổi Đi Đàng Thánh Giá vào tối thứ Sáu Tuần Thánh. Nhất là vào những Thứ Sáu Tuần Thánh đặc biệt, như Thứ Sáu Tuần Thánh Năm Thánh 1983-1984, để kỷ niệm 1950 năm Biến Cố Chúa chịu chết trên thập giá để ban Ơn Cứu Chuộc cho nhân loại, và Thứ Sáu Tuần Thánh của Đại Năm Thánh 2000, kỷ niệm 2000 năm Con Thiên Chúa nhập thể làm người, --- vào những Thứ Sáu Tuần Thánh đặc biệt như vậy, chính ĐTC Gioan Phaolô II là người soạn các bài suy niệm cho những Chặng Đàng Thánh Giá. Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2003 cũng là một dịp đặc biệt, bởi vì nó nằm trong khung cảnh của Năm Mân Côi, để kỷ niệm trọn 25 năm Đức Gioan Phaolô II thi hành thừa tác vụ Phêrô.

Trong những suy niệm của Đàng Thánh Giá năm 1984, Đức Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Chúa Giêsu thành Nazareth - vào cuối cuộc đời trên trần gian - phải chịu treo trên Thập giá, chịu gắn chặt vào Thập Giá. Trở nên một với Thập Giá, một dấu chỉ duy nhất của ơn cứu rỗi thế gian.” Lúc đó, ĐTC Gioan Phaolô II mời gọi mọi người hãy bước vào trong chiều kích sâu xa của Mầu Nhiệm Cứu Chuộc. Không bước vào trong Mầu Nhiệm nầy, thì sẽ không có ơn cứu rỗi cho con người; ánh sáng niềm hy vọng bị tắt mất, và con người rơi vào bóng tối của cuộc đời không hy vọng. Những lời nguyện vào cuối mỗi chặng Đàng Thánh Giá, là những lời nguyện vắn tắt, làm nổi bật một sự nghịch lý: sự bất công tột cùng trở thành nguồn mạch ân sủng và sự sống. Nói là sự bất công tột cùng, bởi vì Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là Đấng vô tội, nhưng bị kết án tử như một tên tội phạm đáng ghét.

Trong những suy niệm của Đàng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh của đại năm thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II hướng đến biến cố trung tâm được kỷ niệm trong Đại Năm Thánh: biến cố nhập thể của Con Thiên Chúa được 2000 năm. Chúa Giêsu giáng sinh làm Chiên Con không tì ố, để bị giết chết làm của lễ đền bù mọi tội lỗi của nhân lọai. Ngài được sinh ra để trở nên vị Thượng Tế dâng hiến trên bàn thờ Thập Giá hy lễ cứu chuộc nhân lọai. Năm 2000 là bình minh của ngàn năm mới, ngàn năm thứ ba của kỷ nguyên kitô. ĐTC mong ước sao cho ngàn năm mới nầy cũng được thấm nhuần trong ân sủng cứu rỗi, trở nên dấu chỉ cho tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với con người.

Giờ đây, đến thứ Sáu Tuần Thánh của Năm Mân Côi, năm 2003. Đây cũng là một năm thật đặc biệt đối với Đức Gioan Phaolô II, bởi vì trong năm Mân Côi nầy --- từ tháng 10 năm 2002 đến tháng 10 năm 2003 --- có lễ kỷ niệm trọn 25 năm ĐTC thi hành tác vụ Phêrô tại ngai toà Roma. Đây là một cử hành quan trọng cho giáo phận Roma, cho các cộng tác viên tại giáo triều Roma và cho tất cả mọi tín hữu trên thế giới. Tuy ĐTC Gioan Phaolô II đã không công bố năm kỷ niệm nầy như là Năm Thánh, nhưng tính cách của việc cử hành cũng không thua gì một Năm Thánh, với hai đặc điểm: cảm tạ và khấn xin. Trước hết là lời cảm tạ dâng lên Thiên Chúa Cha vì đã ban cho Giáo Hội một vị chủ chăn như đức Gioan Phaolô II, và thứ hai là lời khẩn xin Thiên Chúa an ủi, nâng đỡ ĐTC, soi sáng Ngài trong công việc mục vụ hằng ngày và không mệt mỏi, để phục vụ Giáo Hội toàn cầu. Những suy niệm của Đàng Thánh Giá tối thứ Sáu Tuần Thánh năm 2003, cũng đã được chính ĐTC soạn ra, nhưng không phải là mới soạn ra cho năm 2003, mà đã được ĐTC sọan ra, lúc còn là Hồng Y TGM Cracovia, trong dịp giảng phòng cho Đức Phaolô VI và giáo triều Roma tại Vatican vào năm 1976. Những suy niệm nầy đã được in thành sách lần thứ nhất vào năm 1977, với tựa đề là: Dấu Chỉ Mâu Thuẫn. Tập sách được tái bản lần thứ hai năm 2001.

Quyết định của ĐTC muốn dùng lại những suy niệm năm 1976 cho năm 2003, có một ý nghĩa sâu xa: sau 25 năm thi hành thừa tác vụ Phêrô, ĐTC trở về với những suy niệm năm 1976, trước khi bắt đầu thừa tác vụ Phêrô, dường như thể ĐTC muốn nói lên rằng “trọn cả thừa tác vụ Phêrô của ngài” là một dấu chỉ mâu thuẫn, được hiện diện trong Dấu Chỉ gây Mâu Thuẫn là Chúa Giêsu Kitô, vị hoàng tử của Hoà Bình. Chúa đến cống hiến cho nhân lọai Hoà Bình, nhưng con người đáp lại bằng hận thù; Chúa mang đến ánh sáng, nhưng con nguời lại thích bóng tối gây chết chóc; Chúa mang đến sự thật và tự do, con người lại thích dối trá và đàn áp. Để chu toàn sứ mạng đã lãnh nhận từ Chúa Kitô, ĐTC đã lên tiếng kêu gọi - cùng với những sáng kiến ngoại giao của Toà Thánh --- nhất là cùng với việc ăn chay và cầu nguyện, và khấn xin Mẹ Maria trợ giúp, --- để chiến tranh đừng xảy ra. Nhưng buồn thay, chiến tranh đã bùng nổ tại Iraq ngày 20 tháng 3 năm 2003.

Những suy niệm của ĐTC cho Đàng Thánh Giá năm 1976 được giữ nguyên. Những suy niệm đó vẫn còn giữ trọn tính cách thời sự của nó. ĐTC đã lên tiếng báo động vào năm 1976 như sau: “Thế giới đã trở thành một nghĩa địa. Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu nấm mộ. Một hành tinh đầy những ngôi mộ... Nhưng giữa những ngôi mộ rải rắc khắp các đại lục của trái đất chúng ta, có một ngôi mộ trong đó Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, đã chiến thắng sự chết bằng cái chết của Người... Hỡi Thần Chết, đâu là chiến thắng của ngươi? Những ngôi mộ mới, càng ngày càng nhiều hơn, do chiến tranh gây ra, không thể nào giết chết niềm hy vọng, cũng không ngăn cản được chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết.

Vì năm 2003 nằm trong Năm Mân Côi (tháng 10 năm 2002 - tháng 10 năm 2003), nên những suy niệm Đàng Thánh Giá của ĐTC cũng được ghi dấu bởi dấu chỉ của Đức Nữ Đồng Trinh. ĐHY Stefan Wyszynski, giáo chủ Giáo hội BaLan lúc đó, kể lại là ĐHY Karol Woityla, vào năm 1976, đã không muốn nhận lời mời của Đức Phaolô VI đến giảng phòng tại Vatican, nhưng cuối cùng chấp nhận, với lòng tín thác vào Đức Nữ Đồng Trinh Maria, bởi vì ngài cảm thấy mình là như “người con của một quốc gia đã luôn luôn thưa “Xin Vâng” với Thiên Chúa, với Giáo Hội của Chúa Kitô và với Đức Maria, Mẹ Chúa... Trong tâm tình hiệp nhất với ĐTC, chúng ta hãy suy niệm vài chặng Đàng Thánh Giá do chính ĐTC Gioan Phaolô II soạn ra.