Bài giảng trước kinh Truyền Tin

Rôma, Chủ Nhật ngày 6 tháng 12, (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha Benedict XVI giải thích: “Phúc Âm không phải là một huyền thoại,” khi ngài giảng về Phúc Âm Thánh Luca được đọc trong Chúa Nhật II Mùa Vọng.

Đức Thánh Cha đã chủ tọa buổi đọc kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật này, từ cửa sổ văn phòng ngài trông xuống Quảng Trường Thánh Phêrô, trước hàng ngàn khách hành hương.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh khi bình luận về Phúc Âm Thánh Luca (xem Lc 3, 1-6): Tác giả Phúc Âm này “mô tả rất chi tiết các tọa độ thiên văn và trần thế của các thuyết giáo của ngài.”

Thực vậy, Đức Thánh Cha nhắc đến “các dẫn giải thật dồi dào về mọi chức quyền chính trị và tôn giáo của xứ Palétin từ năm 27 đến 28 sau Chúa Giáng Sinh,” vì tác giả Phúc Âm “muốn lưu ý các người đọc và nghe là Phúc Âm không phải là một huyền thoại, nhưng là một câu chuyện lịch sử có thật, rằng Giêsu Thành Nazareth là một nhân vật lịch sử được lồng trong một khung cảnh chính xác.”

Một chủ giải được ghi bên phải giòng chữ trong cuốn sách của Đức Thánh Cha Benedict XVI về “Giêsu thành Nazareth. Từ Phép Rửa trên sông Gio-đan đến lúc Biến Hình,” (Tháng Tư, 2007) trong đó ngài viết về sự liên hệ giữa đức tin và lịch sử. Đức Thánh Cha trình bầy: “Chúa Giêsu của các Phúc Âm” như “một Giêsu lịch sử,” ngài không quên nhắc đến các nghiên cứu về các chú giải mới đây, và cũng luôn nhắc rằng “hình ảnh Chúa Giêsu chỉ có thể được hiểu qua mầu nhiệm của Thiên Chúa.”

Yếu tố thứ hai được Đức Thánh Cha Benedict XVI nêu lên “là sau lời giới thiệu lịch sử này, nhân vật Giêsu trở thành ‘Lời Chúa,’ và được trình bầy như một quyền lực xuống từ Trời và đậu trên Gioan Baotixita.”

Đức Thánh Cha dẫn chứng Thánh Ambrôsiô khi ngài viết: “Thánh Luca nói đúng về Lời Chúa xuống trên Gioan, con ông Zacharia, tại sa mạc, vì Giáo Hội đã không được khởi sự bởi con người, nhưng bởi Lời” (xem Phúc Âm Luca.)

Do đó ý nghĩa: “Lời Chúa là nhân vật thúc đẩy lịch sử diễn tiến, linh ứng cho các tiên tri, chuẩn bị đường cho Đấng Thiên Sai, và triệu tập Giáo Hội. Chính Chúa Giêsu là Lời thiêng biến thành nhục thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria: trong Người, Thiên Chúa đã mạc khải trọn vẹn, Mẹ đã nói với chúng ta, Mẹ đã cho chúng ta tất cả, Mẹ đã mở cho chúng ta các kho tàng của chân lý và lòng thương xót của Thiên Chúa.” Thánh Ambrôsiô tiếp trong lời bình luận của ngài: “Lời thực sự đã xuống, để thế gian, trước đây chỉ là sa mạc, có thể sinh hoa trái cho chúng ta.”

Đức Thánh Cha tiếp: “Đoá hoa sinh đẹp nhất đã nẩy sinh từ Lời Chúa là Đức Mẹ Đồng Trinh Maria,“ khi ngài nhắc rằng Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngày 8 tháng 12, và ngài khẳng định: “Giáo Hội luôn luôn cần thiết phải được thanh tẩy, vì tội lỗi không ngừng giăng cạm bẩy cho các thành viên.”

Đức Thánh Cha kết luận: “Trong Giáo Hội, có một cuộc chiến liên tục giữa sa mạc và cánh vườn, giữa tội lỗi làm cho đất đai khô cằn, và ân sủng vun tưới cho đất nẩy sinh bông trái đầy thánh thiện.”