CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG (C)

Br 5: 1-9; Tv 126; Pl 1: 4-6, 8-11; Lc 3: 1-6

Bài Tin mừng của thánh Luca hôm nay nghe như một thầy dạy môn lịch sử. “Năm thứ mười năm dưới triều hoàng đế Tibêriô…” Chúng ta không quen với một tác giả Tin mừng dành nhiều thời gian cho dữ kiện mang tính lịch sử và địa lý này. Chúng ta vẫn đang ở những chương đầu của bản Tin mừng này và chúng ta đón nhận từ thánh Luca ấn tượng về những gì sẽ xảy ra trong suốt bản tường thuật này sẽ diễn ra tại một thời điểm cụ thể và một nơi nhất định. Theo thánh Luca, ơn cứu độ không phải là câu chuyện cổ tích của trẻ con, nhưng đó là một biến cố hết sức cụ thể trong lịch sử nhân loại.

Gioan Tẩy giả là tiếng vang loan báo sự khởi đầu của một triều đại mới; triều đại của Chúa Giêsu và sứ vụ của Người. Luca nối kết chúng ta với lời hứa được thiết lập trong quá khứ qua các ngôn sứ và giờ đây đang được hoàn thành trong hiện tại. Thời đại mà thánh Gioan loan báo sẽ kết thúc với việc Chúa Giêsu lên trời. Tiếp đó, sách Công vụ Tông đồ (tác phẩm thứ hai của thánh Luca) sẽ bắt đầu mô tả giai đoạn thứ ba khi Giáo hội mở rộng sứ vụ của Chúa Giêsu trong tương lai và cho đến thời sau hết.

Thánh Gioan Tẩy giả là một nhân vật rất quan trọng trong tất cả các sách Tin mừng, và mỗi sách đều mở đầu với việc kể về sứ vụ của ông. Ông Gioan dọn đường cho Đấng sẽ đến. Theo cách kể của thánh Luca thì thánh Gioan là một ngôn sứ như những ngôn sứ thời cựu ước. Như Chúa đã phán Lời qua các ngôn sứ xưa, thì nay Chúa cũng đang một lần nữa nói Lời qua ngôn sứ Gioan. Với sự xuất hiện của Gioan, chúng ta đi từ lời hứa trong Cựu Ước đến việc hoàn tất những lời hứa này trong Tin mừng. Ơn cứu độ mà Israel mòn mỏi chờ mong nay đã thành xác phàm và Gioan loan báo việc Người đến.

Không có sự lảng tránh hay giảm nhẹ những gì Gioan yêu cầu: “một phép rửa sám hối xin ơn tha tội…” Ông kêu gọi mọi người thay đổi đường lối nhưng không chỉ thay đổi những thứ bên ngoài, mà là hoàn toàn quay trở về (“metanoia”). Ông muốn mọi người không đi theo đường lối của riêng mình nữa, nhưng hướng về Thiên Chúa và mở lòng ra với những gì Thiên Chúa sắp thực hiện cho họ. Quay trở về như thế đòi hỏi một sự thay đổi sâu xa trong lối nghĩ và hành động của họ.

Thực ra, hầu hết nhân loại không cần ai phải nói cho biết mình là tội nhân, nhiều người trong chúng ta mang trên mình nặng trĩu những sai lầm trong quá khứ trong cuộc sống của mình. Tội lỗi đó ảnh hưởng đến việc chúng ta nghĩ gì về Thiên Chúa, về chính mình và cách thức chúng ta đối xử với người khác. Thánh Gioan Tẩy giả thường được mô tả bằng những hạn từ mộc mạc, một ngôn sứ gây kinh hãi. Nhưng thực ra thông điệp của ngài là một thứ giảm nhẹ và hoàn thành: Thiên Chúa đang đến gần cùng với sự tha thứ và sẽ làm cho chúng ta những gì mà chúng ta không thể tự thực hiện cho chính chúng ta.

Chúng ta vẫn chưa mừng sinh nhật của Hài nhi Giêsu. Thay vào đó, chúng ta đang chuẩn bị để đón một Giêsu trưởng thành, như ngôn sứ Isaia đã hứa, Người tẩy sạch tội lỗi, “…mọi xác phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.” Cũng tuyệt vời như đại lễ Giáng sinh, thánh Gioan không chỉ cho chúng ta thấy một Hài nhi Giêsu, nhưng là Đức Kitô đang đến, mà cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Người cứu độ chúng ta. Một trong những thông điệp chủ chốt của Tin mừng thánh Luca là Thiên Chúa không đến chỉ để chọn những người đạo đức mà thôi nhưng là tất cả mọi người (“mọi người phàm”); như Phép Rửa nhắc nhở chúng ta rằng ơn cứu độ của Chúa dành cho tất cả mọi người, không trừ một ai.

Vào thời của đế chế Babylon, bất cứ khi nào quốc vương du hành thì những công nhân phải đi trước để san cho bằng và lấp cho đầy những ổ gà để mặt đường bằng phẳng cho xe ngựa vua qua. Bằng cách trích dẫn Isaia: “Hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi,” thánh Gioan đã hướng tầm nhìn của chúng ta lên tấm địa đồ của cuộc đời chính chúng ta: đâu là “hố sâu,” lỗ hổng mà Đức Kitô sắp đến có thể lấp đầy? Cái gì là “núi cao” mà sức mạnh và pháo đài của nó che khuất và khiến chúng ta cảm thấy bất lực: những thói quen yếu nhược, tội lỗi, nghiện ngập, áp lực xã hội, …? Ai trong chúng ta trông chờ Đức Kitô đến với chúng ta một lần nữa trong Mùa Vọng này phải thừa nhận rằng chúng ta chưa đáp trả trọn vẹn lời công bố của Gioan tẩy Giả (và của Isaia) để dọ đường cho Chúa đến.

Vẫn còn đó những khúc quanh co riêng và chung, một “khúc đường quanh co, làm trệch hướng chúng ta khỏi lối đi thẳng mở lòng chúng ta cho Đấng Cứu Độ đi vào cuộc đời mình. Có những hố sâu của chán nản và tuyệt vọng, cũng như những núi cao của sự chống đối quan niệm của Baruc về cộng đoàn công chính. Chúng ta cần giúp đỡ, cần một gương mặt khác của Đức Kitô đến trong cuộc đời chúng ta hầu chúng ta có thể tiếp tục làm việc để hoàn tất sứ vụ của Nười trong thế giới của chúng ta. Nhưng không phải chỉ nhờ sức mạnh của chúng ta! Thánh Luca công bố sự khởi đầu của một thời đại mới với việc Đức Kitô ngự đến. Sau khi Đức Kitô hoàn tất sứ vụ của mình, cộng đoàn của Người sẽ được trao ban Thánh Thần ngõ hầu chúng ta có thể uốn thẳng “đoạn đường quanh”; lấp đầy hố sâu và bạt thấp núi cao để đón chờ Đức Kitô đến lần cuối.

Chúng ta, những người nghe bài Tin Mừng hôm nay thì đang sống trong giai đoạn thứ ba của lịch sử, thời của Giáo Hội. Và ai trong chúng ta mà chẳng thấy rằng đây là thời của căng thẳng, hoang mang, lo lắng, và đối với một số người là thời khủng bố. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta đây cũng là thời gian để rèn luyện lòng kiên nhẫn và hy vọng vào lời hứa của Tin Mừng: vương quốc của Chúa sẽ đến trọng sự viên mãn của chính nó.

Xin đừng bỏ qua bài đọc thứ nhất, trích từ sách ngôn sứ Baruc, đó đơn thuần là một áng thơ! Nhưng Giêrusalem cần nhiều hơn một hình ảnh thi ca và ngôn từ đẹp đẽ ngay lúc này, vì thành bị phá hủy và con cái bị đày sang Babylon. Những người Do Thái nhiệt thành trông ngóng để được về Giêrusalem, được mô tả như thành lý tưởng trong Kinh Thánh. Baruc hình dung ra một thời gian mà dân Do Thái tản mác sẽ trở về quê hương đích thực của mình. Đó sẽ là cuộc vượt qua mới được thực hiện nhờ mệnh lệnh của Thiên Chúa. Làm sao một kẻ thất bại được phục sinh nếu không nhờ vào việc trao ban sự sống Lời của Chúa?

Những người được phục hồi sẽ được giấu mình trong “áo choàng công chính từ Chúa.” Tấm áo họ sẽ mặc gợi nên đời sống mà họ sẽ có cùng nhau chung chia trong thành đô Giêrusalem mới. Công chính không đơn thuần là một nhân đức giữa muôn vàn nhân đức trong Kinh Thánh, nhưng là cho cộng đoàn dân Chúa, đó là nhân đức chính yếu. Nó phản ảnh chính cách thức Thiên Chúa đối xử với chúng ta. Trong một cộng đoàn được hướng dẫn bởi sự công chính thì mọi người được đối xử bình đẳng; tất cả cùng chia sẻ tài nguyên của cộng đoàn; không ai bị đói hay bị ngược đãi. Những bản tin hàng ngày nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta còn lâu mới trở thành người được khoác trên mình “áo choàng công chính.”

Thông điệp của ngôn sứ Baruc là một tin vui thực sự cho những ai đau khổ và bị bỏ rơi. Mặc cho quá khứ tội lỗi và bất trung của họ, Thiên Chúa không để họ bị diệt vong, nhưng hứa khôi phục lại đất nước và thành của họ. Chúa sẽ quy tụ con cái rải rác ở khắp bốn phương trời. Bài thánh vịnh đáp ca hôm nay ca tụng ngày trở về của dân lưu đày: “Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta những điều vĩ đại; ta thấy mình chan chứa niềm vui.”

Giêrusalem chưa bao giờ khôi phục trọn vẹn và vì thế dân tộc bắt đầu hy vọng vào một sự khôi phục kiểu khác. Mong ước của họ xoay qua việc mong chờ một Đấng Messia đến công bố vương quốc của Thiên Chúa cho thế giới. Baruc là một ngôn sứ Mùa Vọng đã chạm đến những cảm xúc sâu xa nhất nơi chúng ta cũng như sự trông chờ của chúng ta về sự viên mãn nơi Thiên Chúa. Con người tiếp tục kinh nghiệm những áp bức, sự chia rẽ, thống trị, và sự chờ mong. Hãy hình dung họ háo hức thế nào khi nghe Gioan Tẩy giả trích lại lời Isaia về Đấng Messia khi loan báo việc ngự đến của Đấng mang đến “ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Amen

Chuyển ngữ Hoàng Vinh, OP