Chiều nay Hội thánh chúng ta tưởng niệm bữa Tiệc ly của Chúa. Trong bữa Tiệc ly này Chúa thực hiện bốn việc:
Một là cùng với dân tộc mình, Ngài nhắc nhớ lại cuộc Vượt qua ngày xưa.
Hai là rửa chân cho các tông đồ.
Ba là lập Phép Thánh Thể.
Bốn là nghĩ đến cuộc vượt qua mới mà Ngài sắp thự c hiện.
Dựa vào những hành vi và những tâm tình Chúa ĐG trong bữa Tiệc ly này,
I. Trước hết ta nghĩ đến sự độc ác của Pharaon, vua Ai cập: Sau khi Giuse, con tổ phụ Giacóp qua đời mấy trăm năm, các vua Pharaon mới, nhận thấy dân Do thái ngày một đông và mạnh hơn, đã sợ họ nổi loạn, nên thực hiện ý đồ làm suy yếu họ và tiêu diệt họ, bằng cách bắt người lớn làm việc cực khổ,hành hạ, đánh đập họ, nhất là bắt giết mọi trẻ nam sơ sinh của họ, để dần dần đồng hóa họ. Dân Do thái rơi vào một tình cảnh vô cùng đen tối thảm thương, chỉ còn biết khòm lưng khuất phục và ước mơ một cuộc đổi đời nhiệm lạ. Chính sách hà khắc của Pharaon phơi bày tâm địa độc ác, vô nhân mà một cá nhân, hoặc một tập thể có thể có đối với đồng loại. Tâm địa đó là điều khiến con người xấu ác hơn cả loài vật và là điều đáng xấu hổ.
II. Thế nhưng khi ngồi ăn lần cuối với các tông đồ, Đức Giêsu còn nghĩ đến hai chuyện khác quan trọng hơn: Đó là sự độc ác của vuaPharaon là hình ảnh sự thâm độc của thế gian, và cuộc vượt qua ngày xưa là hình ảnh cuộc vượt qua mà Ngài sắp thực hiện.
1. Tuy vua Pharaon tàn nhẫn, nhưng vua ấy chỉ làm khổ và giết hại được thân xác con người mà thôi, trong khi tội thế gian có thể làm hại tâm hồn và cả linh hồn con người. Bởi vì do những quan niệm, những chủ trương, những tiêu cực của thế gian, của xã hội như ta thấy ở mọi thời.
+ tâm hồn con người có thể trở nên rất hẹp hòi, ích kỷ, chẳng những với đồng loại mà còn với chính Thiên Chúa.
+ đồng thời linh hồn con ngươi có thể bị hư đi đời đời vị ghì giữ, bị tù hãm về mặt siêu nhiên: Khi thế gian tìm cách khai trừ Thiên Chúa, tấn công và làm sụp đổ các giá trị thiêng liêng, tìm cách đưa lối sống và những hấp dẫn của nó để thay thế và đè bẹp những khuynh hướng thanh cao nơi con người. Bằng nhiều thứ mật ngọt chết ruồi, đúng là thế gian đã đồng hoá nhiều linh hồn, đã dụ nhiều linh hồn vào chốn tù đầy và nguy kịch về măt siêu nhiên, và ở mọi thời, thế gian cho thấy tội thế gian luôn luôn tung hoành, lan tràn và tác hại mãnh liệt.
2. Đức Giêsu biết rõ điều đó và tâm trí ngài rạo rực hướng đến thời điểm Ngài thực hiệc cuộc vượt qua mới, để giải thoát nhân loại khỏi tội thế gian và ảnh hưởng độc hại của nó. Chính là qua các hành vi, thái độ của mình trong bữa Tiệc ly, Ngài bắt đầu thực hiệc cuộc vượt qua ấy.
+ trước hết bằng cách đem tinh thần Nước trời đến chống lại và tiêu diệt tinh thần thế gian : Trong khi thế gian tạo ra những con người ích kỷ, độc ác, thì Ngài chứng tỏ một tâm hồn khiêm nhường, bỏ mình, hiến thân một cách đáng ngạc nhiên và quá mọi ngờ tưởng - trong khi con người khép kín vào mình và chỉ lo đề cao mình thì Ngài thực sự mở rộng tâm hồn cho Thiên Chúa và cho tha nhân.
+ rồi Ngài thực hiệc cuộc Vượt qua mới bằng cách nêu gương khiêm nhường và bỏ mình qua việc rửa chân cho các tông đồ - cũng như bằng cách ban sức thiêng qua bí tích Thánh Thể, để chúng ta có khả năng nên giống như Ngài.
Vậy tuy âm thầm diễn ra trong một căn phòng bé nhỏ, bữa tiệc ly của Chúa đã trở thành thời điểm thay đổi kiếp người, đánh dấu lúc khai trương kỷ nguyên mới, với tinh thần sống đối chọi hẳn với tinh thần thế gian. Như đoàn người Do thái trong đất Ai cập vào thời Pharaon, chúng ta đang được mời gọi đi theo Đức Giêsu là Môisê mới và có mặt trong đoàn người ra khỏi thế gian, mỗi người chúng ta có chấp nhận lời mời gọi ấy không, có để cho mình được giải thoát, bằng cách bắt chước tinh thần sống của Đức Giêsu và thể hiện trong đời sống hôm nay của mình những thái độ Ngài chứng tỏ khi lập bí tích Thánh Thể và khi cúi xuống rửa chân cho các tông đồ hay không?
Bài đọc lúc chầu cuối lễ
I. ( Sau khi chủ sự đặt MTC ở bàn thờ tạm, chủ sự hoặc một người đọc ).
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
+ Ngày xưa, cũng vào tối thứ năm như hôm nay, các sự kiện diễn ra ở Giêrusalem theo hai hướng và những người trong cuộc, những người trải qua các sự kiện ấy, chia ra thành hai bên.
- một bên là các đối thủ của Chúa: sau khi cấu kết với Giuđa và bắt được Chúa, họ khoái trá vì mưu đồ đã thành công, họ ngạo mạn trong uy thế vừa được củng cố của mình, họ thẳng tay và hùa tập vùi dập một kẻ mà họ từng coi như cái gai cần phải nhổ, và vào chính hôm nhắc nhớ lại biến cố vượt qua ngày xưa, vào chính hôm toàn dân ý thức tình thương của Giavê và diễm phúc của mình trong tâm tình biết ơn và ca ngợi, họ lại đang hoàn toàn sống ngược với tư cách của những ngừơi thuộc dân riêng của Giavê: Bởi vì họ đang chà đạp tình Người, xúm lại áp bức một cá nhân thất thế cô độc.
- bởi vì họ đang đề cao cái tôi, bất chấp phẩm giá của tha nhân cần được tôn trọng và họ điên cuồng củng cố uy tín, ảnh hưởng quyền lợi của bản thân, không nghĩ gì đến Thiên Chúa và ý nghĩa sâu sắc của ngày lễ.
- Và bên thứ hai là những tông đồ và môn đệ đang thất vọng và run sợ của Chúa, nhất là chính Chúa, đấng đối chọi hẳn với các đối thủ của mình. Bởi vì Chúa đang sống đúng tâm tình của một người thuộc dân được chọn của Giavê: Biết ơn Giavê, đem cố gắng và cả mạng sống mình thể hiện điều Thiên Chúa chờ mong nơi mình. Bởi vì Chúa không ích kỷ mà hoàn toàn hiến thân. Chính trong đêm này ngày xưa, Chúa quyết định thí thân vì nhân loại. Chính nơi bí tích Thánh Thể, Chúa thiết lập trong đêm này ngày xưa, Chúa đã ban Mình Máu Chúa cho con người, đi ngược lại tinh thần kích kỷ, hẹp hòi của thế gian và thay đổi, diệt trừ tinh thần thế gian ấy.
+ Giờ đây, quỳ trước mặt Chúa, tất cả chúng con tôn kính Chúa, biết ơn Chúa và ngợi khen Chúa. Chúng con xin chân thành kết hợp với những tâm tình quảng đại của Chúa trong đêm Chúa bị bắt và đi vào cuộc thương khó.
Đứng hát bài " Lạy cha, nếu có thể"
II. Một số lời nguyện
1. Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc khổ nạn của Chúa, tội của thế gian lộ rõ với nhiều hình thức ghê tởm của nó - Xin cho Hội thánh và chúng con vừa được che chở khỏi sự lây nhiễm và tác hại của nó, vừa trở nên môi trường sống động giữ gìn và phát huy tinh thần tốt lành thánh thiện của Chúa, để góp phần lành mạnh hoá và thánh hoá thế gian. Xin cho chúng con gắn bó mất thiết với Chúa, qua việc hướng lòng về Chúa, có những giờ phút sốt sắng cầu nguyện và suy niệm lời Chúa, để vừa nhận được sự khôn ngoan và nhiều ơn thiêng giúp mình thắng vượt ảnh hưởng của thế gian, vừa ngày càng hiểu biết và thấm nhuần tinh thần sống của Chúa.
Hát Điệp khúc bài" Thày yêu chúng con" và Tiểu khúc đầu.
2. Lạy Chúa Giêsu, bí tích Thánh Thể thực là Bí tích cao cả và quý báu: vì bí tích này thể hiện mọi mặc khải cao qúy về Chúa, hiện tại hóa sự có mặt của Chúa giữa nhân loại và là Bí tích trung tâm trong Đạo. Chúng con hết lòng cảm tạ và ngợi khen Chúa vì Bí tích này. Xin cho mọi thành phần trong Hội thánh biết quý chuộng Bí tích này, năng đến với Bí tích này, để gặp gỡ Chúa một cách đích thân tuy mắt phàm không trông thấy và để tâm hồn luôn được bình an, sáng soi, nâng đỡ - dù đó là trường hợp của các linh mục dễ phải chạm chán với nhiều cam go thử thách trong sứ mạng mục tử, hoặc đó là trường hợp các tu sĩ hay giáo dân đang phải liên lỉ chống chọi với nhiều chi phối và lôi kéo của tinh thần thế tục.
Hát Tiểu khúc "Này hỡi đoàn con…..và Điệp khúc "Thày yêu chúng con".
3. Lạy Chúa Giêsu,
Qua hành vi cúi xuống rửa chân cho các tông đồ và qua lời đoc trên tấm bánh và chén rượu trong bữa Tiệc ly, Chúa đã diễn tả sự tự huỷ và thí thân của mình và để lại tấm gương về tình mến tột cùng. Xin cho chúng con hằng nhớ mình đã được cứu chuộc bằng sự thí thân của chính Chúa, mình đã là môn đệ của một vị thày yêu mến đến mức độ tuyệt đối. Xin cho trái tim chúng con đón nhận được tình mến của Chúa và đời sống, thái độ của chúng con chứng minh cho mọi người thấy rằng chúng con thuộc về một nền văn minh mới, nền văn minh của tình mến, và thấy rằng chúng con đang cố gắng vượt lên trên mọi sư ích kỷ, hẹp hỏi, mọi bất công, thù oán khi cư xử với tha nhân.
Hát Tiểu khúc "Yêu nhau chính là giới răn …"và Điệp khúc.