Suy niệm Mùa Chay
Bài giảng trên núi... Sọ

Càng đến gần Tuần Thánh, mọi người lại càng hướng về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và cao điểm của hành trình thương khó là cái chết của Ngài trên thập giá. Thần học và truyền thống đã nói nhiều về những đau đớn thể chất và tinh thần của Đức Giêsu, Đấng muốn mang trọn vẹn thân phận của loài người để biến đau khổ thành ơn cứu độ... Những giáo lý và truyền thống đó vẫn còn nguyên giá trị.

Thế nhưng, Mùa Chay này, tôi bỗng nghĩ rằng mình phải trực tiếp lắng nghe tiếng Chúa chứ không thông qua một ai, dù cho đó là truyền thống đáng kính của Giáo Hội.

Tôi tự nhủ rằng giáo huấn của Thầy thì nhiều và câu nào cũng có giá trị, nhưng những lời cô đọng nhất ắt phải là những lời trối trăn khi cái chết gần kề. Thật như vậy, trên thập giá, mỗi câu nói của Chúa Giêsu không chỉ là bản tóm lược các giáo huấn của Ngài, mà còn nói lên rõ ràng rằng Ngài đã sống những điều Ngài dạy từng giây từng phút trong trọn cuộc đời mình. Tôi đã biết nhiều người thầy dạy: 'Hãy làm điều tôi nói, đừng làm điều tôi làm'. Tôi không đủ kiến thức để biết được từ cổ chí kim có bao nhiêu bậc thầy sống trọn vẹn điều mình dạy, nhưng khi lắng nghe những lời trăn trối của Thầy Giêsu, tôi biết rằng Thầy của tôi là vị thầy đã sống không sai một li những điều Ngài dạy dỗ các môn sinh mình. Thế rồi tôi khám phá một sự thật làm tôi ngỡ ngàng: Thập Giá là nơi mà hạnh phúc của Đức Giêsu lên cao đến tuyệt đỉnh, và từ đó tôi hiểu rằng cuộc đời của Ngài ở thế gian là một cuộc đời hạnh phúc.

Lời nói của tôi hẳn gây chói tai. Người ta ghi khắc trong đầu tôi một Đức Kitô bất hạnh giữa thế gian này, và rồi dạy tôi phải đối diện với cuộc đời với bộ mặt u sầu đau khổ nếu tôi muốn làm một môn đệ Chúa Kitô. Nhưng những lời trăn trối của Thầy buộc tôi phải nhớ lại Hiến Chương Nước Trời, một hiến chương đặt hạnh phúc của tôi lên hàng tối thượng.

Lời dạy dỗ đầu tiên được ghi lại trong Tân Ước là bài giảng mà Đức Giêsu thực hiện trên một ngọn đồi thành Ca-phac-na-um. Bài giảng khởi sự bằng tám mối phúc của một con người. Và nơi đồi Calvê, Chúa Giêsu cũng nói 8 lời, và mỗi lời đều chứng tỏ rằng Ngài đã sống từng mối phúc một. Chúa Giêsu đã đi đến tuyệt đỉnh của hạnh phúc nhân loại lúc Ngài hấp hối trên thập giá, bởi vì Bài Giảng Trên Núi Galilê đã được hoàn tất nơi Bài Giảng Trên Núi Sọ.

1. Phúc cho ai có tinh Thần nghèo khó: "Lạy Cha, Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46)

Chúa Giêsu đã sống nghèo vật chất: "con chim có tổ, con cáo có hang, nhưng Con Người...". Nhưng hơn cả nghèo vật chất, Ngài nghèo khó tinh thần. Ngài không có một ý muốn của Ngài, một tình cảm của Ngài, một lời nói của Ngài... Trọn đời Ngài, Ngài chỉ thực hiện ý muốn của Cha, chỉ truyền thông tình yêu của Cha, chỉ chuyển lại những lời Ngài nghe Cha nói. Người nghèo là một người hoàn toàn lệ thuộc một ai khác. Đức Giêsu hoàn toàn lệ thuộc Chúa Cha: ngay cả mạng sống, ngay cả linh hồn, Ngài cũng phó thác cho Cha... Trên thập giá, Ngài đã khó nghèo đến tuyệt đỉnh: Ngài hạnh phúc đến tuyệt đỉnh.

2.Phúc cho ai hiền lành : "Này Bà, đây là Con Bà" (Ga 19, 26)

Chúa Giêsu là Đấng "hiền lành và khiêm nhường trong lòng". Hành động Trên Núi Sọ cho thấy cách thể hiện cao độ của sự hiền lành đó. Ngài mong mỏi Đức Mẹ chia sẻ trọn vẹn cuộc khổ nạn của Ngài và trở thành Đấng “Đồng Công Chuộc Tội”. Thế nhưng đường Ngài đưa Mẹ đi vẫn là con đường hiền lành chứ không phải là con đường áp đặt thô bạo. Trước giây phút phải vĩnh viễn xa lìa người Mẹ, Ngài giao Mẹ cho người môn đệ yêu thương để nối tiếp mình chăm sóc Mẹ. Trên thập giá Ngài đã đòi hỏi Đức Mẹ đến tột độ trong một thái độ hiền lành cũng tuyệt đỉnh: Ngài đã có phúc đến tuyệt đỉnh.

3. Phúc cho ai sầu khổ : "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của Con, sao Ngài bỏ rơi Con!" ( Mt 27, 46 ).

Ngài đã sầu khổ: sầu khổ cho những người bơ vơ như đàn chiên không chủ chăn, sầu khổ cho những người thấp cổ bé miệng bị gạt ra ngoài lề xã hội, sầu khổ cho những kẻ cứng lòng tin... Sầu khổ vì những kẻ nhân danh đạo đức lên án Ngài, sầu khổ vì một môn đệ phản bội Ngài, sầu khổ vì những tông đồ bỏ rơi Ngài, và nỗi sầu khổ cay đắng nhất là thấy chương trình của Cha dường như thất bại đến độ Người bỏ rơi Ngài và Ngài phải kêu van... dù cho lời kêu van ấy là câu khởi đầu cho một bài ca cảm tạ ngợi khen (Tv 22). Trên thập giá, Đức Giêsu đã sầu khổ đến tuyệt đỉnh: Ngài hạnh phúc đến tuyệt đỉnh.

4. Phúc cho ai khao khát : "Tôi khát" (Ga 19, 28)

Trong cuộc đời Chúa, Ngài đã có lần khát nước thực sự, chẳng hạn bên bờ giếng ở Samaria... Nhưng điều Ngài khao khát nhất, ấy là khao khát sự công chính, khao khát các linh hồn. Ngài sẵn sàng trao máu mình để cho mọi người sống bằng sự sống của Ngài, thế mà đến cuối đời, có vẻ như không ai nhận lấy sự sống ấy: Cơn khát của linh hồn và cơn khát trong thể lý đã lên đến tột đỉnh trên Núi Sọ, khiến Ngài phải mở miệng than vãn lần đầu tiên và duy nhất trong đời: "Tôi Khát". Trên thập giá, cơn khát của Ngài đã lên đến tuyệt đỉnh: Ngài đã hạnh phúc đến tuyệt đỉnh.

5. Phúc cho ai có lòng thương xót: "Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên Đàng"(Lc, 23, 43).

Suốt đời, bất cứ lời nói hành vi nào của Ngài cũng đầy tâm tình xót thương. Chính vì lòng xót thương mà Ngài buộc phải làm phép lạ; chính vì xót thương mà Ngài đã khóc cho Lazarô và cho Giêrusalem, chính vì xót thương mà Ngài đã bảo vệ cho người nữ ngoại tình, chính vì xót thương mà Ngài đã tha thứ cho Phêrô trước khi ông chối Ngài... Nhưng lòng thương xót ấy đạt đến cao điểm khi Ngài hứa đồng hành về Thiên Đàng với một kẻ trộm mà không hề thắc mắc gì về tội lỗi của người ấy: Ngài chỉ biết rằng người ấy là một kẻ bị đóng đinh bên cạnh Ngài, như Ngài. Trên thập giá, lòng thương xót của Ngài đạt đến tuyệt đỉnh: Ngài đã hạnh phúc đến tuyệt đỉnh.

6. Phúc cho ai có lòng trong sạch: "Này Anh, đây là Mẹ anh". (Ga 19,27)

Có lòng trong sạch nghĩa là không bao giờ có một ý nghĩ nào sai lệch. Người có lòng trong sạch là người mà lời nói luôn trung thực với ý nghĩ mình. Trong xã hội loài người, không thiếu gì trường hợp người ta nghĩ một điều mà lại nói một điều khác, vì cả nể, vì tư lợi, hay vì sợ hãi. Ngài là Đấng mà suốt đời "Có thì nói có và không thì nói không". Khi trao phó thánh Gioan cho Mẹ mình, Đức Giêsu thực sự muốn Mẹ Ngài yêu thương Gioan như yêu thương chính Ngài, và qua Gioan, tất cả nhân loại trở nên thực sự anh em Ngài. Ý nghĩ tha thiết nhất của Ngài tuôn ra thành lời nói cũng thiết tha nhất. Trên thập giá, lòng trong sạch của Ngài đã lên đến tuyệt đỉnh: Ngài hạnh phúc đến tuyệt đỉnh.

7. Phúc cho người xây dựng hoà bình: "Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" ( Lc 23, 34 )

Trong sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha ghi lại một chân lý muôn đời: "Những biến cố trong cuộc sống hàng ngày chứng tỏ rõ ràng rằng sự tha thứ và hòa giải cần thiết biết bao cho sự canh tân cá nhân và xã hội". Muốn xây dựng hòa bình, bình an, điều đòi hỏi tối cao là phải tha thứ, và cái tha thứ khó thực hiện nhất là tha thứ cho kẻ làm hại mình. Chúa Giêsu xây dựng Hoà Bình bằng cách tha thứ, và hơn thế nữa, Ngài cầu nguyện để xin Cha cũng tha thứ cho họ. "Hãy yêu kẻ thù, và cầu nguyện cho kẻ bách hại". Lời nói ngược đời này đã được chính Ngài thực hiện đến tuyệt đỉnh trên thập giá để kiến tạo hoà bình: Ngài hạnh phúc đến tuyệt đỉnh.

8. Phúc cho kẻ bị bách hại vì lẽ công chính. "Mọi sự đã hoàn tất". ( Ga 19, 30)

Cứ như thể Chúa Giêsu nói lời kết thúc cho bài giảng khởi sự trên núi Galilê và đến Núi Sọ mới chấm dứt. Cuộc đời Ngài là một cuộc đời bị bách hại vì lẽ công chính. Bị bách hại ngay từ ngày Ngài nhìn thấy đền thờ Cha Ngài 'biến thành hang kẻ trộm' và vắng bóng Thiên Chúa. Bị bách hại trong anh em nghèo khó của Ngài: "Ta đói các người không cho ta ăn, Ta khát các ngươi không cho Ta uốn...". Bị bách hại vì lời Ngài bị coi là chói tai và họ ném đá Ngài. Và để cho ‘mọi việc hoàn tất’ cuộc bách hại ấy đã đưa Ngài lên Núi Sọ. Trên thập giá, cuộc bách hại đã đi đến cùng, đã được hoàn tất: Hạnh phúc của Ngài ở đấy đã hoàn hảo.

Trong ngôn ngữ Phúc Âm, tuyệt đỉnh của hạnh phúc là được kết hiệp với Thiên Chúa, và sự kết hiệp này còn được gọi là 'hưởng Nước Trời' hoặc 'chết cho xác thịt'. Và chúng ta lại thấy sự trùng hợp giữa những lời thốt lên ở cả hai ngọn núi. Tại Galilê, mối phúc của người nghèo khó (thứ nhất) và của người bị bách hại (thứ tám) được kết bằng : "vì Nước Trời (hiện nay) là của họ". Trên Núi Sọ, lời "phó thác linh hồn" (tương ứng với nghèo khó) và lời "mọi sự hoàn tất" (tương ứng với bách hại) đều được tiếp nối bằng "rồi ngài tắt thở".

Khi một người hấp hối thì không còn tâm trí đâu mà kìm hãm miệng lưỡi mình, điều khiển phản ứng mình; chính vì thế mà trên thập giá con người thật của Đức Giêsu được bộc lộ không che chắn: Tám Mối Phúc Thật toát lên qua 8 lời nói cuối cùng của Ngài, lúc Ngài hưởng niềm hạnh phúc tuyệt đỉnh. Những lời này làm chứng cho giáo huấn của Ngài: Hiến Chương Nước Trời là con đường để cho môn đệ Ngài cảm nhận hạnh phúc khi họ chịu đóng trên thập giá như Ngài.

Tôi biết rằng những suy tư của mình rất gượng ép, rất chủ quan, và không có một cơ sở thần học nào. Nhưng có một điều hẳn không chủ quan tí nào, đó là Chúa Giêsu trên thập giá đã đạt đến tuyệt đỉnh của hạnh phúc trần gian. Nếu thập giá chỉ là khổ đau thì Ngài đã không đem thập giá mà bắt môn sinh Ngài vác. Tại sao chúng ta cứ nhất định biến Thầy Chí Thánh của mình thành một tay sadique, một kẻ bạo tàn thích gây đau đớn cho những người mình thương? Chính thập giá là nơi duy nhất mà Kitô hữu sẽ tìm thấy hạnh phúc, với điều kiện là phải chấp nhật "trút linh hồn". Cái mất mát lớn nhất của Kitô hữu là không nhìn thấy hạnh phúc của mình trên thập giá: họ tiếp tục sống đời sống của những người chưa bao giờ cảm nghiệm thập giá, để rồi rao giảng một Đức Kitô tách rời với thập giá, nghĩa là một Đức Kitô vô phúc.

Nếu đến giờ này chúng ta vẫn còn nghĩ rằng thập giá là điều khổ nhục mà mỗi Kitô hữu phải nai lưng gánh chịu, để đền tội (chẳng lẽ Chúa Giêsu chưa đền đủ?), để lập công (chẳng lẽ chúng ta được cứu nhờ công trạng mình chứ không phải nhờ Chúa Giêsu?) hầu mai sau được hưởng phước đời đời; nếu ta nghĩ như thế, thì có nghĩa là chúng ta chưa hiểu gì về tám mối phúc thật mà Chúa Giêsu đã sống; và tội nghiệp hơn nữa, chúng ta không cảm nhận được cái hạnh phúc tuyệt đỉnh nơi thập giá. Có lẽ vì thế ngay từ Chúa Nhật thứ II mùa Chay, Giáo Hội đã nhắc lại trong bài đọc II lời kêu gào của thánh Phaolô trong khi ngài đang ở tù, đang bị đóng đinh, đang cảm nếm hạnh phúc: "Tôi đã nói nhiều lần và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại: có nhiều người sống đối nghịch với Thập giá Đức Kitô" (Pl 3, 18)

Trong Tuần Thánh, và nhất là vào ngày Thứ Sáu Tôn Vinh Thánh Giá, Kitô hữu mọi nơi thường hát: "Vinh quang của ta là Thánh Giá Chúa Kitô, nơi Người ơn Cứu Độ của ta..." Lời hát này sẽ mãi là một ‘sáo ngữ’ ngày nào bạn và tôi chưa chịu đóng đinh với Chúa trên thập giá để cảm nếm được cái hạnh phúc tuyệt đỉnh của một người nghèo, hiền lành, đói khát, sầu khổ, trong sạch, bình an, xót thương và bị bách hại. Và nếu hạnh phúc Thánh Giá của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh - của hôm nay - chưa trở thành thành hiện thực trong mỗi một chúng ta, thì e rằng hạnh phúc Sống Lại của ngày Chúa Nhật Phục Sinh - của mai sau - sẽ chỉ là một ảo tưởng.