CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN (Chúa Nhật Truyền Giáo)

Mỗi người Ki tô hữu phải là nhà truyền giáo, vì đó là bản chất của Giáo Hội. Khi nói về công việc truyền giáo, chúng ta thường nghĩ ngay đến việc loan báo Tin Mừng. Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay xác định cho chúng ta nội dung của việc loan báo Tin Mừng được cô động ở nơi lời phát biểu của Đức Giê-su: “Con Người không đến để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Nếu công việc truyền giáo được định nghĩa theo truyền thống Đông Phương “kể cho nhau nghe cuộc đời của Đức Ki tô”, thì mỗi người Ki tô hữu phải kể về cuộc đời của Đức Giê-su cho anh chị em mình không chỉ bằng lời nói mà bằng chính cuộc sống của mình, nghĩa là, tự đặt mình vào trong tình liên đới với những anh chị em chung quanh mình, biến cuộc đời mình thành cuộc đời phục vụ và những đau khổ của mình thành giá cứu chuộc muôn người. Đó là lời loan báo Tin Mừng cụ thể nhất, sống động nhất và hữu hiệu nhất.

Trong tuyến phát triển của Tin Mừng Mác-cô, chúng ta theo Đức Giê-su trên bước đường lên Giê-ru-sa-lem của Ngài, ở đó cái chết đang chờ đợi Ngài. Viễn cảnh Thương Khó ở trung tâm của Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay; hai trong số ba bài đọc: bài đọc I và bài đọc II, được mượn ở Thứ Sáu Tuần Thánh.

Is 53: 10-11 Bài đọc I được trích từ bài thơ về Người Tôi Trung chịu đau khổ. Những khốn cùng và cái chết của Người Tôi Trung đã được Thiên Chúa chấp thuận như hiến lễ xóa tội, nhờ đó muôn người nên công chính.

Dt 4: 14-16 Bài đọc II, cũng là một trong những bản văn của Thứ Sáu Tuần Thánh, được trích dẫn từ thư gởi các tín hữu Do thái. Tác giả chứng minh ở nơi Đức Giê-su vị Thượng Tế đầy lòng cảm thương, Ngài đã tự mình liên đới với nhân loại, cho đến mức chịu đau khổ và chịu chết để đưa con người đến bên lờng xót thương của Thiên Chúa.

Mc 10: 35-45 Trong Tin Mừng, Đức Giê-su trả lời cho những tham vọng của hai anh em nhà Dê-bê-đê và cho tất các môn đệ của Ngài nữa, bằng cách phác họa chân dung người tôi tớ lý tưởng, biến cuộc đời mình thành đời phục vụ và những đau khổ của mình thành giá chuộc cho muôn người.

BÀI ĐỌC I (Is 53: 10-11)

Đoạn văn này được trích từ bài ca thứ tư về Người Tôi Trung đau khổ, trong tác phẩm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị. Bài thơ nầy mô tả số phận của một người tôi trung mầu nhiệm của Đức Chúa: chịu đau khổ và bị giết chết, đoạn được tôn vinh, số phận tương tự với số phận của Đức Ki tô, một tiên trưng đầy cảm động về số phận của Ngài.

1. Hy lễ của vị ngôn sứ:

Người thuật chuyện, chắc chắn chính là vị ngôn sứ, hoàn tất suy niệm của mình về số phận đau thương của Người Tôi Trung bởi một ước nguyện mà ông ngỏ lời với Đức Chúa: “Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu”.

“Kẻ nối dõi” chắc chắn có cùng một ý nghĩa như trong nhiều đoạn văn Cựu Ước, tức là hậu duệ của tổ phụ Áp-ra-ham, chính xác hơn, đông đảo những người tín hữu được hưởng nhờ qua việc Người Tôi Trung hiến thân mình làm của lễ đền tội.

Người “sẽ được trường tồn” (cũng như xa hơn: “Người sẽ nhìn thấy ánh sáng”) có thể được hiểu ngầm ám chỉ đến sự “phục sinh”.

2. Lời đáp trả của Đức Chúa:

Lúc đó, Đức Chúa trả lời cho vị ngôn sứ bằng cách hứa ban một số phận vinh quang cho Người Tôi Trung của Ngài, vì những đau khổ mà ông đã phải hứng chịu, và nhờ ông gánh lấy tội lỗi của muôn dân mà họ được nên công chính và thánh thiện.

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su sẽ tự đồng hóa mình với “người tôi tớ”, “Ngài đến để phục vụ” và Ngài sẽ lập lại bằng những từ ngữ tương tự: “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

BÀI ĐỌC II (Dt 4: 14-16)

Bài đọc II tiếp tục trích thư gởi các tín hữu Do thái. Trong đoạn trích trước, tác giả ngôi vị hóa Lời Chúa: Lời Chúa thấu suốt lòng trí của chúng ta, xét xử tận cõi thâm sâu của tiếng nói lương tâm mỗi người chúng ta. Tiếp đó, trong đọan văn hôm nay, tác giả mang đến một viễn cảnh trấn an: Đức Ki tô là Đấng chuyển cầu lý tưởng của chúng ta, vì Ngài “thông cảm được những nỗi yếu hèn của chúng ta; vì Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta, nhưng không phạm tội”. Ngài là vị Thượng Tế tuyệt vời; Ngài đã không đơn giản băng qua Đền Thờ Giê-ru-sa-lem để đi vào nơi Cực Thánh – như vị Thượng Tế Cựu Ước – Ngài đã băng qua các tầng trời để tiến đến ngai Thiên Chúa và dẫn đưa chúng ta theo Ngài đến tận đây; vì thế, chính nhờ Ngài mà chúng ta nhận được nguồn ân sủng để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

Lời chuyển cầu đầy quyền năng của Đức Ki tô có nguồn ơn ở nơi những đau khổ mà Ngài đã chấp nhận hứng chịu khi mặc lấy thân phận con người. Bản văn âm vang bài đọc I và loan báo bài học mà Đức Giê-su cho các môn đệ Ngài trong Tin Mừng.

TIN MỪNG (Mc 10: 35-45)

Cuộc vận động của hai anh em nhà Dê-bê-đê, Gia-cô-bê và Gioan, được Mác-cô và Mát-thêu thuật lại (thánh Mát-thêu quy cuộc vận động nầy cho bà mẹ của họ). Cả hai thánh ký đều đặt tình tiết nầy ngay liền sau lời loan báo thứ ba của Đức Giê-su về cuộc Thương Khó của Ngài. Lời loan báo thứ ba nầy thì chính xác hơn hai lần loan báo trước; Đức Giê-su kể ra: Ngài sẽ phải chịu những lời nhạo báng, nhục mạ, đánh đòn và bị giết chết.

Thánh ký đã không ghi nhận bất kỳ phản ứng nào của các môn đệ, ngoài việc họ im lặng, không hiểu và chắc chắn cũng sợ hãi nữa. Ngay trước lời loan báo thứ ba về cuộc Thương Khó của Ngài này, thánh Mác-cô viết: “Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi” (Mc 10: 32).

1. Phản ứng của các môn đệ:

Cứ mỗi lần Đức Giê-su loan báo về cuộc Thương Khó và Tử Nạn sắp đến của mình, các môn đệ của Ngài luôn luôn tìm cách xua đuổi khỏi tâm trí của mình những hình ảnh đau thương và lại nghĩ đến những vấn đề về quyền hành, chức tước, bổng lộc. Sau lời loan báo thứ nhất, ông Phê-rô tìm cách ngăn cản Ngài và Chúa Giê-su yêu cầu các bạn hữu Ngài hãy từ bỏ chính mình để theo Ngài (8: 31-9: 1). Sau lời loan báo thứ hai, họ bày tỏ một thái độ hoàn toàn hờ hững đối với những lời bi thảm của Thầy mà chỉ tranh nhau về những đặc quyền đặc lợi giữa họ. Lúc đó, Chúa Giê-su đã mạnh mẽ đòi hỏi họ phải tự hạ mình “làm người phục vụ mọi người”. Sau lời loan báo thứ ba nầy, sự tương phản cũng không kém dữ dội: hai trong số họ có tham vọng riêng của mình.

2. Hai anh em nhà Dê-bê-đê:

Hai ông Gia-cô-bê và Gioan là những người thợ được gọi vào giờ thứ nhất: hai ông đã là đối tượng được chú ý một cách đặc biệt: Đức Giê-su đã chấp nhận hai ông cùng với thánh Phê-rô được tham dự vào cuộc phục sinh của bé gái ông Gia-ia; Ngài đã còn dẫn hai ông cùng với thánh Phê-rô theo Ngài lên núi Biến Hình: chỉ hai ông cùng với thánh Phê-rô Đức Giê-su đã đặt tên mới Bô-a-nê-ghê, nghĩa là “con của thiên lôi” (Mc 3: 17); sau nầy, chỉ hai ông cùng thánh Phê-rô và thánh An-rê, hỏi riêng Ngài khi nào thì Đền Thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá và những điềm báo nào về hồi chung cuộc (Mc 13: 3). Cuối cùng, chỉ hai anh em nầy cùng với thánh Phê-rô sẽ chứng kiến cơn xao xuyến tận mức của Ngài tại vườn Ghết-sê-ma-ni. Chắc chắn hai người con của ông Dê-bê-đê đã được hưởng sự gần gũi thân tình với Đức Giê-su hơn các môn đệ khác; họ mong muốn được tiếp tục sự thâm giao nầy trong Nước Chúa và chiếm những chỗ thân tình nhất bên cạnh Thầy mình. Quả thật, đầy tham vọng, họ sẳn sàng chịu đựng tất cả để đạt cho bằng được những chỗ ưu tiên nầy; nhưng dù thế nào, lòng yêu mến của họ và sự ngây thơ của họ khiến chúng ta cảm động. Liệu họ có thể đoán được rằng những chỗ mà họ thỉnh cầu trước hết sẽ là hai chỗ của hai tên cướp bị đóng đinh bên cạnh Thầy mình không?

3. Được chia xẻ cùng số phận với Ngài:

Đức Giê-su hứa với họ, họ sẽ dự phần vào vận mệnh đau khổ của Ngài: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”. “Chén” để uống là hình ảnh kinh thánh được dùng để tượng trưng những đau khổ phải chịu (Tv 75: 9; Is 51: 17-22; vân vân). Diễn ngữ “uống cạn chén” đồng nghĩa các thử thách phải chịu. Vào những giờ phút xao xuyến tận mức trong vườn Ghết-xê-ma-ni, chính Đức Giê-su sẽ nài xin Cha Ngài: “Xin cất chén nầy xa con” (14: 36). Còn về phép rửa mà Ngài sắp chịu, đó là những giờ phút cam go, những giờ phút Ngài sắp phải bị dìm ngập trong những cơn sóng đau khổ và cái chết bi thảm. Ngài sẽ chuẩn bị cho hai anh em những bách hại và phúc tử đạo; nhưng Ngài tự chối lời thỉnh nguyện của họ được ngồi bên hữu bên tả của Ngài, bởi vì đó không thuộc thẩm quyền của Ngài; vai trò của Ngài thì khác: “Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3: 17). Các môn đệ chỉ có một cách hành xử phải theo: phó thác vào bàn tay của Chúa Cha.

4. Lý tưởng phục vụ:

Lời thỉnh cầu của hai anh em nhà Dê-bê-đê đã dấy lên một làn sóng tranh dành quyền cao chức trọng giữa các môn đệ, vốn đã tiềm tàng từ lâu trong lòng họ, nhưng chưa có cơ hội để bộc phát. Đức Giê-su đã hiểu rõ rằng các ông còn nghĩ đến một vương quốc trần thế mà họ tin triều đại nầy sắp đến gần. Với một sự kiên nhẫn vô tận, không gây thất vọng cho họ, Ngài lấy lại giáo huấn của Ngài về sự thay đổi tận căn của những giá trị mà Ngài đến để thực hiện:“Ai muốn làm môn đệ của Ngài, không có tham vọng nào khác ngoài tham vọng phục vụ”. Ngài muốn Giáo Hội của Ngài không được bắt chước những xã hội trần thế. Nếu những kẻ quyền cao chức trọng trong xã hội trần thế được hưởng những đặc quyền đặc lợi, được ăn trên ngồi trước, được kẻ hầu người hạ, thì trong Giáo Hội của Ngài “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em”.

Để làm cho rõ nghĩa lý tưởng “phục vụ” nầy, Đức Giê-su còn bổ túc thêm: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”. Trong bất kỳ xã hội nào, đầy tớ là hạng người thấp kém nhất và ai cũng biết người đầy tớ phải làm những gì rồi: lắng nghe để khám phá những nhu cầu của những người khác mà tìm cách đáp ứng. Một nhà tư tưởng đã viết: “Nét tinh tế nhất của tình yêu, chính là nhận ra nhu cầu của kẻ khác”. Hơn nữa, việc phục vụ không chỉ dừng lại trong vòng anh em của mình, hay cho một tiểu số nào, mà phải trải rộng cho hết “mọi người”.

Như vậy, bài học thật sống động cụ thể, nhưng còn trở nên sống động và cụ thể hơn nữa khi được rút ra từ chính cuộc đời của Đức Giê-su: “Con Người không đến để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Những từ ngữ nầy được mượn ở nơi hình ảnh của Người Tôi Trung đau khổ mà ngôn sứ I-sai-a đệ nhị đã tiên báo trong bài đọc I. Chúa Giê-su sẽ trao ban mạng sống của mình “làm giá cứu chuộc”, nghĩa là Ngài sẽ phải trả giá cho mọi tội lỗi của nhân loại, không trừ một ai hết.