WASHINGTON (CNS) - Bốn người Công giáo: Thượng nghị sĩ Hoa kỳ Ted Kennedy, Bác sĩ Pedro Jose Greer Jr., người chăm sóc sức khỏe cho kẻ nghèo và không nhà cửa, nữ diễn viên và vũ công Chita Rivera, cựu Tổng thống Ái nhĩ lan Mary Robinson, cùng với 12 người khác đã được trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống Hoa kỳ hôm 12 tháng 8 vừa qua. Đây là vinh dự công dân cao quý nhất nước Mỹ.

Các vị được chọn tưởng thưởng huân chương “vì sự nghiệp của họ là những nhân tố tạo ra đổi thay” trong nhiều lãnh vực khác nhau, như nghệ thuật, thể thao, y tế và chính trị.

Trong nghi lễ cử hành tại Phòng Phía Đông tòa Bạch cung, Tổng thống Barack Obama khi giới thiệu những vị đầu tiên được ông trao tặng Huân chương Tự do có nói rằng “điều đoàn kết chúng ta lại là một niềm tin… hầu hết những người Mỹ có niềm tin rằng cuộc đời chúng ta ra sao là do chúng ta hình thành nên nó.”

Ông nói rằng mỗi vị được tuyên dương là “một tấm gương về một cuộc đời đã sống tốt đẹp.”

Ông Obama đứng cạnh mỗi vị và trao tặng huân chương trong khi các thành tích cá nhân của vị đó được tuyên đọc. Ông cũng trao một tấm plaque cho các thành viên trong gia đình đến nhận lãnh vinh dự thay cho thân nhân họ.

Bác sĩ Greer là phụ tá viện trưởng phụ trách học vụ tại Phân khoa Y học trường Đại học Quốc tế Florida. Ông đã thành lập Camillus Health Concern, điều hành do Little Brothers of the Good Shepherd (Tiểu đệ dòng Chúa Chiên Lành) để cung ứng sự chăm sóc sức khỏe mỗi năm cho khoảng 10 ngàn bệnh nhân không nhà cửa tại Miami.
Tổng thống trao huân chương cho Bs. Pedro Jose Greer


Ông cũng thành lập Bệnh viện Thánh Gioan Bosco (St. John Bosco Clinic), cung ứng sự chăm sóc y tế căn bản cho các trẻ em và người lớn bất hạnh tại vùng Little Havana ở Miami.

Bà Robinson là nữ tổng thống đầu tiên của Ái nhĩ lan (Ireland) từ năm 1990 đến 1997. Sau đó bà giữ chức Cao Ủy Liên hiệp quốc về Nhân quyền trong 5 năm, và tiếp tục hoạt động cho công cuộc chăm sóc sức khỏe toàn cầu cũng như bảo vệ nhân quyền giữa thời toàn cầu hóa.

Thượng nghị sĩ Kennedy, là đảng viên Dân chủ bang Massachusetts, được vinh danh vì các thành tích của ông trong suốt 46 năm phục vụ tại Thượng viện, đặc biệt là sự nghiệp liên quan đến giáo dục, dân quyền và y tế. Buổi lễ trao tặng Huân chương Tự do này được cử hành chỉ một ngày sau khi người chị ruột của ông là bà Eunice Kennedy Shriver qua đời. Năm 1984 bà cũng nhận được huân chương này vì công cuộc thành lập và điều hành các Thế vận hội Đặc biệt.

Hồi tháng 5 năm 2008, Kennedy được chẩn đoán là có u ung thư trong não bộ, và kể từ đó ông không thường xuyên có mặt tại Washington. Trong buổi lễ này ông cũng không tới dự, nhưng các con đã đại diện ông. Bà Kara Kennedy, con gái ông, đã thay mặt ông nhận lãnh huân chương.

Người Công giáo thứ tư là vũ công và nữ diễn viên Chita Rivera, được tuyên dương vì đã “phá bỏ những rào cản và linh hứng cho cả một thế hệ phụ nữ đi theo bước chân của bà.” Năm 2002 bà cũng là người gốc Hispanic đầu tiên được Trung tâm Kennedy vinh danh. Từ lâu bà được coi là một người Công giáo đạo hạnh.

Trang mạng internet của bà thuật lại câu chuyện về những lời đồn đãi hồi năm 1955 rằng bà và nam diễn viên Ricardo Montalban có một mối tình ngoại hôn với nhau khi hai người đóng chung trong cuốn phim "Seventh Heaven." Người ta thường thấy hai người cùng rời rạp hát với nhau sau các buổi trình diễn.

Trang mạng nói: “Còn lâu mới có chuyện ngoại tình, mà chỉ là việc hai diễn viên Công giáo cùng rời rạp hát để đến tham dự thánh lễ tại một nhà thờ nằm trên đường 42.”

Các vị được tuyên dương khác biệt nhau về xứ sở sinh sống cũng như những thành công về chuyên môn. Họ đại diện cho những thế giới khoa học, toán học, tiêu khiển, nhân đạo, các hoạt động về dân quyền, tôn giáo, nhân loại học, thể thao, pháp luật, y khoa, gây quỹ bác ái và chính trị.

Những vị được vinh danh gồm có một người Mỹ da đỏ, các cư dân Mỹ khác, các công dân của nước Bangladesh, Nam Phi, Anh quốc, Ái nhĩ lan, cùng một vị giữ hai quốc tịch Bahamas và Hoa kỳ.

Một vị là Tổng giám mục Anh giáo Desmond Tutu thuộc Nam Phi, được Obama mô tả là “người ca trưởng của lương tâm chúng ta.”

Sau đây là danh sách các vị khác:

- Thẩm phán hồi hưu Sandra Day O'Connor, người phụ nữ đầu tiên trong Tối cao Pháp viện Hoa kỳ;

- Diễn viên Sidney Poitier, giữ song tịch Bahamas và Hoa kỳ, đã giữ chức vụ đại sứ Bahamas tại Nhật bản;

- Nancy Goodman Brinker, người sáng lập tổ chức Susan G. Komen Race for the Cure;

- Nhà vật lý lý thuyết Stephen Hawking, công dân nước Anh;

- Cầu thủ môn tennis Billie Jean King;

- Mục sư Joseph Lowery, nhà lãnh đạo nhân quyền;

- Chuyên gia nhân chủng học Joseph Medicine Crow, người sau cùng còn sống của Bộ lạc Plains Indian được vinh danh như là “chiến trưởng” của bộ tộc;

- Muhammad Yunus, nhà kinh tế và hoạt động chống nghèo đói tại Bangladesh;

- Bác sĩ Janet Davison Rowley, người nghiên cứu căn bệnh ung thư và chuyên gia di truyền học.

Hai vị được tuyên dương sau khi đã qua đời là:

- Harvey Milk, được coi là người công khai luyến ái đồng giới đầu tiên trên toàn quốc được đắc cử vào chức vụ tại một thành phố lớn, bị ám sát năm 1978;

- Jack Kemp, cựu cầu thủ chuyên nghiệp môn football, nghị sĩ, thứ trưởng bộ gia cư và được đề cử tranh chức phó tổng thống Hoa kỳ, mới mất hồi tháng 5 vừa qua.