Trích lời chuyên gia về lao động và di dân châu Á, ông John Walsh, từ Đại học Shinawatra, Bangkok, tác giả Brown cho rằng các chính phủ trong vùng đang cần đầu tư vào lúc kinh tế chậm lại.

Mà Trung Quốc là một trong vài quốc gia lớn trên thế giới đang có tiền để đầu tư. Nhưng lao động nhập cư từ Trung Quốc lại là một nan đề cho các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam.

Bài báo nhắc đến công trình bauxite ở Tây Nguyên với sự có mặt của công nhân Trung Quốc.

Ông John Walsh được trích lời nói rằng dù không khái quát hóa, ông cũng thấy "có tinh thần bài Trung Quốc" ngay gần bề mặt của quan hệ.

"Người Việt Nam còn nhớ cuộc chiến 1979 với Trung Quốc và lịch sử thời đế quốc (Trung Hoa). Khi mà kinh tế kém đi thì các định kiến dễ trở thành quan trọng và những kẻ mỵ dân sẽ có thể thổi ngọn lửa lên".

Nhưng bài Trung Quốc không phải chỉ là chuyện Việt Nam, vì ông Walsh cũng chỉ ra rằng ngay cả ở Singapore cũng có thái độ đó, với chuyện dân chúng coi thường những lao động đến từ Trung Quốc lục địa, vì họ không biết tiếng Anh và có cách hành xử thô thiển.

Mặt khác, bài báo cũng trích lời một doanh nhân Đức đã rời cơ sở làm ăn từ TQ sang VN nói rằng ở TQ, điều tệ nhất là "không có gì đảm bảo", từ cách các quan chức ra quyết định cho đến chính sách thuế.

Quyền lực mềm

Bà Jennifer Richmond, Giám đốc chuyên về TQ tại công ty tình báo số liệu Stratfor, Texas thì còn nhìn vào "quyền lực mềm" của làn sóng xuất cảng lao động của TQ.

Theo bài Richmond, chính sách của chính quyền Trung Quốc gồm ba phần. Một là chuyển dần các công nghệ cần nhiều năng lượng ra nước ngoài, gồm cả việc xây dựng những cơ sở sản xuất bên ngoài nhưng cũng để thu lợi và kích cầu trở lại trong nước.

Hai là họ muốn giải quyết nhu cầu dư thừa lao động và thất nghiệp mà kinh tế TQ không kham nổi.

Ba là dùng công nhân TQ gửi ra các nước ngoài như một sự bành trướng của quyền lực 'cứng' và 'mềm'.

Theo bà, về lâu dài, những cộng đồng hình thành do công nhân TQ lập ra có thể tác động đến văn hóa nước chủ nhà, thậm chí 'lật đổ' vị thế của văn hóa, phim ảnh Hàn Quốc vốn đang ăn khách.

Về mặt thực tiễn, bà Jennifer Richmond cho rằng các công ty TQ cũng thấy tiện lợi trong việc dùng công nhân và công nghệ của chính mình để giảm bớt nguy cơ hiểu lầm do bất đồng ngôn ngữ, văn hóa.

Nhưng chính sách này đang vấp phải sự phản đối từ các cộng đồng địa phương dù công khai hay ngấm ngầm.

Không chỉ Việt Nam mà cả Lào, Campuchia, Papua New Guinea và cả châu Phi đều có hiện tượng va chạm với công nhân TQ.

Tại Campuchia, trong một vụ cách đây không lâu, một bảo vệ người Khmer đã bắn vào nhóm biểu tình TQ ở Phnom Penh.

Ở Papua New Guinea gần đây cũng xảy ra xung đột giữa công nhân TQ và công nhân bản xứ.

Vấn đề công nhân TQ cũng dễ biến thành chuyện chính trị. Tại châu Phi, đã có nhân viên công ty đầu tư của TQ bị bắt cóc trong xung khắc chính trị.

Hậu quả chính trị

Tuy vậy, các nhà quan sát cho rằng chính Việt Nam là nơi có hậu quả chính trị nặng nề nhất với giới cầm quyền bản xứ trong vụ để công nhân TQ vào làm việc.

Bài báo viết: "Tại Việt Nam, chính quyền do đảng Cộng sản nắm hiểu rằng họ không thể nào coi thường việc nhập cư hợp pháp cũng như bất hợp pháp của lao động TQ mà không phải chịu các hậu quả chính trị nội địa."

Bài trích lời ông Patrick Keefe, nhà nghiên cứu tại The Century Foundation, Washington, tác giả của cuốn 'The Snakehead: An Epic Tale of the Chinatown Underworld and the American Dream', đề cập đến hiện tượng buôn người và chuyển lao động TQ ra nước ngoài.

Ông cho rằng dù làn sóng người Hoa rời lục địa đi kiếm ăn và định cư tại các nước Đông Nam Á đã có một lịch sử lâu đời, hiện tượng lao động TQ sang Đông Nam Á gần đây lại có một tầm vóc mới.

Đặc biệt, với Việt Nam, Patrick Keefe nói: "Nếu cả một thế hệ di dân đang ào vào các nước như Việt Nam trong bối cảnh rất riêng biệt của các dự án đầu tư TQ, nó chắc chắn tạo ra một loạt thách thức mới cho các chính phủ sở tại".

Tại Việt Nam từ vài năm qua, quan hệ với Trung Quốc trở nên phức tạp vì cả lý do tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải. Đã có các cuộc xuống đường cuối 2007 của thanh niên Việt Nam phản đối Trung Quốc.

Tàu tuần tra của Trung Quốc cũng liên tục bắt giữ và phạt tiền ngư dân Việt Nam ngoài vịnh Bắc Bộ.

Tuy thế, về mặt chính thức, hai đảng cầm quyền ở Trung Quốc và Việt Nam vẫn là đồng chí và chia sẻ với nhau tình đoàn kết thân mến hiếm thấy.

(Source: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/07/090710_chineseworkers.shtml)