Thư Hội đồng Giám mục Việt Nam
gửi Cộng đồng dân Chúa nhân chuyến viếng thăm ad limina 2009


Anh chị em thân mến,

Từ Rôma, kinh thành muôn thuở của Giáo Hội Công giáo, chúng tôi gửi đến tất cả anh chị em lời chào thân mến và lời cầu chúc chân thành. Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, ở cùng tất cả anh chị em.

I. SỰ HIỆP THÔNG TRONG GIÁO HỘI

Như anh chị em biết, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có chuyến viếng thăm ad limina để viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, từ ngày 22-6-2009 đến 4-7-2009. Trong những ngày này, chúng tôi đã cảm nhận cách sâu xa sự hiệp thông trong Giáo Hội.

Do bận rộn với công việc mục vụ, ít khi nào các giám mục Việt Nam có cơ hội sống chung với nhau suốt hai tuần, không chỉ làm việc chung mà còn gặp gỡ nhau thân tình trong các bữa ăn hoặc trong khi di chuyển. Nhờ đó, chúng tôi hiểu nhau hơn và gần nhau hơn, mối dây huynh đệ được thắt chặt, ưu tư mục vụ được chia sẻ. Đây là kinh nghiệm thật quý báu và chúng tôi thấy khi về lại Việt Nam, các giám mục cần gặp gỡ nhau thường xuyên hơn và thân tình hơn. Hiệp thông giữa các giám mục cũng hàm nghĩa hiệp thông giữa các giáo phận. Dù ở xa quê nhà trong những ngày này, chúng tôi vẫn cảm thấy gần gũi với anh chị em vì biết rằng anh chị em không ngừng cầu nguyện cho chúng tôi; ngược lại, chúng tôi cũng luôn nhớ đến anh chị em, không những trong giờ cầu nguyện chung mà cả trong khi trao đổi với nhau về các công tác mục vụ. Cũng trong mối hiệp thông này, chúng tôi đã đến viếng mộ Đức Cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, đã gặp các Đức Ông người Việt đang làm việc tại các cơ quan của Toà Thánh, đã gặp Liên Tu sĩ Việt Nam tại Roma, đã đến thăm một số nơi có liên hệ mật thiết với Giáo Hội tại quê nhà.

Sự hiệp thông trong lòng Giáo Hội Việt Nam lại càng phong phú và sâu sắc hơn khi được đặt vào trong mối hiệp thông với Giáo Hội phổ quát. Rôma là nơi mang đậm dấu ấn đức tin của Giáo Hội sơ khai, cũng là thủ đô của Giáo Hội Công giáo. Đến Rôma, chúng tôi như về nhà tổ của toàn thể Giáo Hội, cảm nhận mình thuộc về một gia đình lớn, trải rộng khắp thế giới và trải dài suốt lịch sử. Chúng tôi đã đến dâng lễ và viếng mộ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Chúng tôi đã đến thăm và trao đổi với hầu hết các Bộ và các Hội đồng Toà Thánh, cách riêng là Bộ Truyền Giáo và Bộ Ngoại Giao. Đặc biệt, ngày 27-6-2009, chúng tôi đã được yết kiến Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và ngài đã có một huấn từ quan trọng dành cho Giáo Hội Việt Nam. Ngoài ra, trong những cuộc gặp gỡ riêng với các giám mục, ngài còn ân cần thăm hỏi và bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đối với tình hình Giáo Hội Việt Nam.

II. HIỆP THÔNG, ÂN HUỆ THIÊN CHÚA BAN

Sự hiệp thông trong Giáo Hội, trước hết và trên hết, không phải là công trình của con người nhưng là công trình của Thiên Chúa. Sự hiệp thông ấy được khơi nguồn từ chính sự hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, xuyên qua bao thăng trầm của lịch sử, mối hiệp thông trong Giáo Hội vẫn không ngừng được giữ gìn, bảo vệ và phát huy. Chúng tôi xác tín điều đó khi tham dự Thánh Lễ do chính Đấng kế vị thánh Phêrô chủ sự để mừng kính trọng thể hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô. Hơn bao giờ hết, Lời Chúa nói với thánh Phêrô được công bố thật hùng hồn: “Con là Đá, trên Đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và quyền lực hoả ngục cũng không thể thắng được”. Chúng tôi như nhìn thấy ngọn lửa đức tin không những nơi Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo khác trong Giáo Hội, mà còn cả trong những người từ khắp nơi trên thế giới đến Rôma để học hành, làm việc hay du lịch. Đức tin của chúng tôi vào Thiên Chúa được nâng đỡ và sưởi ấm rất nhiều.

Chúng tôi cũng xác tín chân lý đó khi nhìn lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Trong những cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha cũng như các cơ quan của Toà Thánh, chúng tôi đều được nghe những lời khen ngợi dành cho Giáo Hội Việt Nam, trong nước cũng như hải ngoại, vì sức sống mãnh liệt của Giáo Hội được biểu lộ qua việc sống đức tin của anh chị em giáo dân, qua sự tận tụy phục vụ của các linh mục tu sĩ, qua sự phong phú về ơn gọi linh mục và tu sĩ. Ai cũng biết Giáo Hội Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn thử thách, nên lại càng vui mừng khi thấy Giáo Hội không ngừng phát triển. Tuy nhiên, như Đức Thánh Cha đã nói, chúng ta cần nhìn những thành quả đó trước hết như “ân huệ Chúa Kitô ban cho Giáo Hội của anh em”. Cách nhìn đó thúc đẩy chúng ta dâng lên Thiên Chúa tâm tình tạ ơn, cùng với lòng biết ơn các bậc tiền nhân và các chứng nhân đức tin, đồng thời cố gắng phát huy ân huệ mà Thiên Chúa ban qua chính đời sống của mình.

III. HIỆP THÔNG VÀ SỨ VỤ

Để phát huy ân huệ Thiên Chúa đã ban, huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đưa ra cho chúng ta những chỉ dẫn cụ thể.

Về bản thân các giám mục chúng tôi, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng tôi noi gương các vị mục tử mẫu mực trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam để “sống thánh thiện, khiêm tốn, đơn sơ”, thể hiện “tình yêu hiền phụ đối với Dân Chúa và tình huynh đệ thắm thiết với các linh mục”.

Đối với các linh mục, Đức Thánh Cha tỏ lòng “biết ơn các linh mục triều cũng như dòng” vì đã “hiến dâng đời mình cho Chúa” và vì “những cố gắng mục vụ nhằm thánh hoá Dân Chúa”. Và ngài nhắc nhớ các linh mục: “Để trở nên người dẫn đường chính thực, phù hợp với lòng Chúa ước mong và với giáo huấn của Giáo Hội, linh mục phải đào sâu đời sống nội tâm và lo hướng tới sự thánh thiện theo gương cha sở họ Ars”.

Nói đến sự phong phú của ơn gọi linh mục và tu sĩ tại Việt Nam, nhất là trong đời sống thánh hiến của các nữ tu, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: đó là “một ân huệ mà Chúa Kitô ban cho Giáo Hội của anh em”. Và ngài dạy chúng tôi phải “khuyến khích những đặc sủng này bằng cách vừa cổ võ vừa tôn trọng”.

Với anh chị em giáo dân, Đức Thánh Cha đặc biệt quan tâm đến đời sống gia đình và các bạn trẻ. Ngài nói: “Điều rất đáng mong ước là khi dạy cho con cái biết sống theo lương tâm ngay thẳng, trong sự trung tín và sự thật, thì gia đình trở nên trung tâm các giá trị và những đức tính nhân bản, là trường dạy đức tin và đức mến đối với Thiên Chúa”. Nhiệm vụ của các giám mục là “chú tâm đến việc đào tạo giáo dân cho tốt bằng cách phát huy đức tin và trình độ văn hoá để họ có thể phục vụ Giáo Hội và xã hội cách hữu hiệu”. Đức Thánh Cha ưu tư về giới trẻ, nhất là “những người trẻ tại nông thôn là những người đang bị cuốn hút về thành phố để theo đuổi việc học hành và tìm kiếm công ăn việc làm”. Ngài mong các giám mục “tìm ra đường hướng mục vụ thích hợp cho giới trẻ di dân trong nước.”

Đối với dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta, Đức Thánh Cha bày tỏ “lòng trân trọng sâu xa”. Ngài kêu gọi mọi thành phần trong Giáo Hội “dấn thân cách trung thành nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng”. Giáo Hội “không hề muốn thay thế Chính quyền”, chỉ muốn “trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, có thể góp phần của mình vào đời sống của dân tộc, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân”. Trong khi tham gia tích cực vào việc dân việc nước, “Giáo Hội không bao giờ miễn chước cho mình việc thực thi bác ái hiểu như các hoạt động có tổ chức của các tín hữu”. Cũng không bao giờ có tình trạng “người ta không cần đến đức bái ái của người Kitô hữu vì ngoài công bằng ra, vẫn cần và sẽ còn cần đến tình yêu”. Như vậy, tôn giáo “không gây ra mối nguy hiểm cho sự đoàn kết quốc gia, vì tôn giáo giúp đỡ các cá nhân thánh hoá bản thân và qua các tổ chức của mình, mong ước phục vụ tha nhân cách quảng đại và vô vị lợi”.

Anh chị em thân mến,

Để kết thúc lá thư này, chúng tôi xin nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói với chúng tôi: “Khi trở về nhà, anh em hãy chuyển lời chào thăm nồng nhiệt của Đức Giáo Hoàng đến các linh mục, tu sĩ nam nữ, chủng sinh, các giáo lý viên và tất cả các tín hữu, nhất là những người nghèo và những người đang đau khổ về thể xác cũng như tinh thần. Tôi nồng nhiệt khuyến khích tất cả hãy trung thành với đức tin đã lãnh nhận từ các thánh tông đồ mà chính họ là những chứng tá quảng đại trong những hoàn cảnh khó khăn… Xin Thánh Thần của Đức Kitô hướng dẫn và ban sức mạnh cho họ. Tôi trao phó anh em cho sự che chở đầy tình mẫu tử của Đức Mẹ La Vang và lời cầu bầu của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Với tâm tình quý mến, tôi vui lòng ban Phép Lành Tông Toà cho tất cả mọi người”.

Rôma, ngày 4-7-2009

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Nhơn
Chủ tịch HĐGMVN