Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành |
Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành là một trong bốn đền thờ cả (basiliques majeures), sắp theo ngôi thứ (préséance) như sau:
- Tổng Vương cung Thánh đường thánh Jean de Latran (archibasilique Saint-Jean de Latran) là nhà thờ chính tòa Roma và cả thế giới.
- Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, ở Vatican, có mộ thánh Phêrô.
- Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành, trên thông lộ Ostienne, có mộ thánh Phaolô.
- Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả, nơi có thánh tích hang đá Bê Lem.
Thánh Phaolô được an táng trong một ngôi mộ cổ nằm trên thông lộ Ostienne, ở ngoài tường thành Aurélien. Vì vậy đền thờ mang tên ngoại thành.
Ngày 23-6, đền thờ thánh Phaolô ngoại thành mang hình ảnh Giáo hội Việt Nam. Trên cung thánh, Đức hồng y và các vị giám mục Việt Nam làm thành hình bán nguyệt. Cộng đoàn dân Chúa Việt Nam tại Roma và Paris xuất thân từ giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Saigon dự thánh lễ. Theo linh mục Thiện Tĩnh, ‘‘đoàn giám mục Việt Nam ‘‘Ad limina’’ với một đội ngũ đầy đủ và phong phú:
- Thứ nhất: phong phú về số lượng với con số 31 đức cha từ 25 giáo phận thuộc 3 giáo tỉnh (Hà Nội, Huế và Saigon), chưa kể giáo phận Phát Diệm còn trống tòa.
- Thứ hai: phong phú về chức vụ. Có Đức cha chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, có Đức Hồng y, quý Đức Tổng giám mục và quý Đức cha đặc trách 15 ủy ban thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam.
- Thứ ba: phong phú về tuổi tác và năm tấn phong giam mục. Cao tuổi nhất là Đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên (1927), thứ đến là các Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Đức cha Nguyễn Thanh Hoan, Đức cha Phanxicô-Xavier Nguyễn Văn Sang (1932). Ít tuổi nhất là Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên (1960), rồi đến Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri và Đức cha Vincentê Nguyễn Văn Bản (1956). Số năm làm giám mục dài nhất là Đức cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa (tấn phong năm 1975). Số năm làm giám mục ngắn nhất là Đức cha Vincentê Nguyễn Văn Bản (tấn phong năm 2009).
Ca khúc nhập lễ ‘‘Lên Đền Thánh’’ của linh mục Thành Tâm do các nam nữ tu sĩ ở Roma và giáo dân từ Giáo xứ Việt Nam Paris đồng ca đã thể hiện ý nghĩa của thánh lễ: ‘‘Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên đường, đường đưa ta đi lên đền Chúa ta.’’
Trong phần giảng thuyết, Đức cha Bùi Văn Đọc đã nhắc lại sứ vụ của các giám mục:
‘‘Hôm nay, tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, kỷ niệm 2000 sinh nhật của thánh Phaolô, chúng tôi cần phải xác tín sứ mạng ‘‘Đến với muôn dân’’ (ad Gentes) của chính chúng tôi.’’
‘‘Rõ ràng sứ mạng của chúng tôi là một sứ vụ tôn giáo không phải là một nhiệm vụ chính trị, như Chúa Giêsu khẳng định trước mặt Philatô: ‘‘Nước ta không thuộc về thế gian này.’’(xin xem toàn văn bài giảng của Đức cha Bùi Văn Đọc trong phần phụ lục)
Bài giảng thuyết của Đức cha Bùi Văn Đọc diễn tả niềm vui và hy vọng của các Đức cha trong Hội đồng Giám mục Việt Nam đã phản ảnh trung thực quan điểm của Tòa Thánh qua huấn từ của ĐTC Bênêdictô XVI gửi Đức Hồng y và các Đức Giám mục Việt Nam ngày 27-6-2009:
‘‘Sự phát triển ơn gọi linh mục và tu sĩ, nhất là đời sống nữ tận hiến, là ân sủng của Thiên Chúa dành cho Giáo hội Việ Nam.’’
Linh mục Trần Anh Dũng, trưởng đoàn hành hương của Giáo xứ Việt Nam vùng Paris và là giám đốc Đắc Lộ Tùng Thư đã chọn thời điểm đầy ý nghĩa này để phát hành tác phẩm thứ 16: Thoáng nhìn Giáo hội Công giáo Việt Nam (1533-2010) và tác phẩm thứ 17: Thư chung Hội đồng Giam mục Việt Nam (1980-2010).
Theo linh mục Trần Anh Dũng, Thoáng nhìn Giáo hội Công giáo Việt Nam (1533-2010) là ‘‘tài liệu nghiên cứu chiều dày công việc truyền giảng Tin Mừng trên non sông đất Việt xuyên suốt ba thời kỳ:
I -Thời kỳ Bảo trợ (126 năm, từ 1533 đến 1659)
II - Thời kỳ Giám mục Đại diện Tông tòa (300 năm, từ 1659 đến 1959).
III - Thời kỳ Giám mục Chính tòa: Thiết lập hành Giáo phẩm Việt Nam (50 năm: từ 1960 đến 2010).’’
Tác phẩm 680 trang này được phát hành ngày 29-6-2009, nhân dịp Hội đồng Giám mục Việt Nam viếng mộ hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô.
Bìa sách là tập hợp họa cảo (esquisse) màu nâu tượng trưng truyền thống dân tộc. Các họa tiết (motifs) giới thiệu cộng đoàn giáo dân, hàng linh mục tư tế và đền thánh.
Đức TGM Ngô Quang Kiệt |
Công trình biên khảo của linh mục Trần Anh Dũng thể hiện giáo huấn của vị tông đồ dân ngoại, được Đức TGM Ngô Quang Kiệt nhắc lại trong bài giảng ‘‘Tâm tình bên mộ thánh Phaolô’’ tại Roma sáng ngày 24-6-2009:
"Thánh Phaolô gần gũi vì vẫn hiện diện giữa chúng ta, trong Giáo hội mà Chúa đã đặt ngài làm nền tảng, một nền tảng vững chắc như lời Chúa hứa (x. Mt 16, 18), dù 2000 năm qua bao thế lực đen tối không ngừng gào thét, rung chuyển để mong phá hủy, nhưng trên nền tảng của ngài, tòa nhà Giáo hội vẫn luôn đứng vững. Ngài vẫn hiện diện trong Giáo hội mà chúng ta được hiệp thông, đặc biệt tình hiệp thông càng mãnh liệt hơn trong những ngày này, khi Hội đồng Giám mục Việt nam thực hiện cuộc viếng mộ ngài và gặp gỡ với Đấng kế vị của ngài. Ngài vẫn hiện diện trong ngôi nhà thờ dâng kính ngài, ngôi nhà thờ tượng trưng cho tòa nhà Giáo hội, để đón tiếp chúng ta hôm nay, như xưa ngài đã đón tiếp Chúa Giêsu và đoàn môn đệ đến thăm nhà ngài, một cuộc viếng thăm mà Chúa Giêsu ưu ái dành cho người tông đồ trưởng.’’
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA BÙI VĂN ĐỌC
TẠI ĐỀN THỜ THÁNH PHAOLÔ NGOẠI THÀNH
Đức Cha Bùi Văn Đọc, Giám mục Mỹ Tho |
Trước sự phức tạp của tình hình thế giới, trước những thế lực gằng co chống đối nhau luôn muốn lôi kéo chúng tôi về phía họ, chúng tôi phải làm gì, nói gì ? Điều đó là một gánh nặng rất lớn, là một vấn đê không đơn giản chút nào, chúng tôi phải giữ gìn lời ăn tiếng nói. Khi chọn thái độ dè dặt thận trọng, chúng tôi phải chịu đựng những lời phê phán nặng nề, nhiều khi rất bất công. Xin dành lại cho sự phán xét của Thiên Chúa.
Điều quan trọng đối với chúng tôi là không ngừng đối diện với Chúa, lắng nghe Chúa, để cho Chúa thanh tẩy tâm hồn và môi miệng, như Chúa đã giơ tay chạm phải miệng Giêrêmia và phán: ‘‘Đây Ta đặt lời ta vào miệng ngươi’’. Chúng tôi phải can đảm và mạnh dạn đón nhận sứ mạng, tiếp tục để cho Thiên Chúa sai bảo: ‘‘Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói.’’
Rõ ràng sứ mạng của chúng tôi là một ‘‘sứ vụ tôn giáo’’, không phải là một nhiệm vụ chính trị, như Chúa Giêsu khẳng định trước mặt Philatô: ‘‘Nước Ta không thuộc về thế gian này’’. Quả thật, nếu Nước Thiên Chúa thuộc về thế gian này, thì người ta có thể lôi cuốn chúng tôi theo quan điểm chính trị của họ. Nhưng Nước Thiên Chúa không thuộc về thế gian này, nên chúng tôi không dựa vào thế lực nào cả, chỉ dựa vào Chúa, dựa vào Phêrô và đấng kế vị Phêrô mà Chúa đã đặt làm đầu chúng tôi.
Sứ vụ chính yếu của chúng tôi ngày hôm nay vẫn là sứ vụ loan báo tin mừng. Tin mừng đó là tin mừng về Chúa Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại. Tin mừng về một Thiên Chúa Tình yêu đã chiến thắng sự dữ, tội ác và hận thù, chiến thắng sự chết là kẻ thù lớn nhất của loài người. Tin mừng mở ra niêm hy vọng cho tất cả thế giới, cho mọi người, đặc biệt là những kẻ bé mọn.
Đó chính là lý do sự lạc quan của chúng tôi, của nhiều người trong anh em chúng tôi. Chúng tôi vẫn tươi cươì, vẫn làm việc hăng say, hết lòng phục vụ Dân Chúa và những người chưa biết Chúa. Chúng tôi hãnh diện và sung sướng nói với những người chúng tôi phục vụ như thánh Phêrô: ‘‘Anh em thân mến, tuy không thấy Đức Giêsu Kitô, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, bởi đã nhận được môt thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.’’
Hôm nay, tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, kỷ niệm 2000 năm sinh nhật của thánh Phaolô, chúng tôi cần phải xác tín sứ mạng ‘‘đến với muôn dân ’’ (ad Gentes) của chính chúng tôi. Đã có một thời, cách đây khoảng 50 năm, có rất nhiều người ước ao được hiện diện, được rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu tại các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, các nước Đông Âu, Trung Hoa lục địa, mà không được mãn nguyện. Bây giờ, chính chúng tôi được hiện diện, được rao giảng Tin mừng trong một nước cộng sản, anh chị em hãy khích lệ chúng tôi rao giảng Tình yêu của Thiên Chúa bằng‘‘lời nói và hành động’’ cho mọi người, không trừ một ai.
Nếu có ai không thích cộng sản, người ấy không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ. Chúa chỉ đòi hỏi chúng tôi ‘‘cam đảm nói lên sự thật khi cần ’’, dù phải trả giá bằng mạng sống. Chúng tôi không thể vừa căm ghét người khác, vừa rao giảng Tin mừng Tình yêu cho họ, vì như thế là tự mâu thuẫn. Những người ‘‘ngoại giáo mới’’, thuộc thời đại chúng ta, trong đó có người cộng sản, cũng là một trong những đối tượng mà Thiên Chúa muốn chinh phục bằng tình yêu. Có người sẽ nói rằng, đó là ảo tưởng, là điều không thể được, giống như việc bà Elisabeth, vợ của thầy tư tế Zacaria sẽ sinh con trai tuy tuổi đã già. Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể được. Sứ thần của Chúa đã nói với Zacaria: ‘‘Ông sẽ được vui mừng hớn hở, vì nhiều người cũng được hỉ hoan ngày con trẻ chào đời.’’
Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, trong lá thư gửi cho Giáo hội tại Trung Hoa, đã biểu lộ ‘‘niềm hy vọng lớn lao‘’ do tin vào Chúa Giêsu Phục sinh. Ngài đã mạnh dạn nói với mọi người trong Giáo hội, không phân biệt phe phái, kêu gọi mọi người hãy hợp nhất, hãy một lòng loan báo Tin mừng Chúa Kitô. Không phái Đức Thánh Cha không biết những khó khăn, những bách hại mà nhiều người trong Giáo hội hầm trú đã chịu đựng.
Tại Đền thờ thánh Phaolô hôm nay, chúng tôi như nghe tiếng thúc giục của vị tông đồ dân ngoại: ‘‘Hãy mạnh dạn loan báo Chúa Kitô, đứng sợ, hãy mở toang mọi cánh cửa cho Chúa.’’