Buôn người là một ngành thương mại và buôn bán chuyên chuyển dịch hay đưa người đi di dân hợp pháp hay bất hợp pháp, trong đó có cả các sinh hoạt lao động hợp pháp và cưỡng bức lao động. Tuy nhiên, theo nghĩa hẹp, hạn từ này thường được sử dụng để chỉ việc tuyển dụng, chuyên chở, chứa chấp và tiếp nhận người nhằm mục đích bắt họ làm nô lệ, đĩ điếm, lao động cưỡng bức (trong đó có vấn đề lao động để trả nợ) và làm tôi mọi.

Tháng Ba vừa qua, Văn Phòng Ma Túy và Tội Ác Của Liên Hiệp Quốc (viết tắt trong tiếng Anh là UNODC) đã phát động Chiến Dịch Trái Tim Lam (Blue Heart) để chống lại việc buôn người này, một kỹ nghệ đầy tội ác mà lợi nhuận lên đến khoảng giữa 5 và 9 tỉ mỹ kim một năm. Hội Đồng Âu Châu tuyên bố rằng “Việc buôn người đã đạt tới tầm mức dịch bệnh trong hơn mười năm qua, với một thị trường thế giới hàng năm ước chừng lên tới 42.5 tỉ mỹ kim”. Các nạn nhân của việc buôn người thường được tuyển dụng qua cưỡng bức, lừa đảo, dối trá, lạm dụng quyền hành, hay thẳng thừng bắt cóc.

Như trên đã nói, các nạn nhân này thường bị buộc làm đĩ điếm hay các hình thức bóc lột về tính dục khác, bị buộc phải lao động hay phục dịch, làm nô lệ hay các thực hành tương tự như nô lệ và tôi đòi. Đối với các trẻ em, việc bóc lột có thể là buộc làm điếm, buộc làm con nuôi quốc tế bất hợp pháp, kết hôn sớm, hay tuyển dụng làm lính trẻ con, đi ăn xin, phục vụ thể thao (các hình thức nài lạc đà nhỏ tuổi hay cầu thủ bóng đá con nít)…

Hiện nay, việc buôn người đã diễn ra trên bình diện quốc tế, nên ngoài cơ quan UNODC trên đây, ta còn thấy rất nhiều các cơ quan quộc tế khác chung tay đánh phá các kế hoạch của bọn buôn người này, trong đó có cơ quan OSCE (viết tắt của Organization for Security and Co-operation in Europe). Cơ quan này cung cấp một cái khung đa quốc gia để chống lại tệ nạn quốc tế này khắp vùng Bắc Đại Tây Dương, Âu Châu, Nga và Trung Á.

Buôn người khác với việc chuyển lậu người (people smuggling) là hình thức trong đó người ta tự ý trả một lệ phí cho tổ chức chuyển lậu để được đưa tới một nơi mình muốn. Trong hình thức sau, ta không thấy có sự lừa đảo. Khi đã tới nơi định đến, người được chuyển lậu hết còn bị trói buộc. Ngược lại, nạn nhân của buôn người trở thành nô dịch, các điều kiện trong món nợ giao kèo có tính bóc lột rất cao. Có thể nói kẻ buôn người lấy đi hết các nhân quyền căn bản của nạn nhân.

Các nạn nhân này thường bị lừa dối hay rù quyến bằng những hứa hẹn hão huyền hay bị cưỡng bức bằng thể lý. Một số kẻ buôn người sử dụng các chiến thuật cưỡng bức và thao túng bao gồm lừa đảo, đe dọa, giả vờ yêu, cô lập hóa, dọa dùng và dùng thật sức mạnh thể lý, nợ nần, hay các hình thức lạm dụng khác. Những người khao khát tìm đường tới các nước khác có thể bị những tên buôn người nhòm ngó và ngầm cho hiểu rằng họ sẽ được thong dong sau khi qua được bên kia biên giới.

Buôn người đã trở thành một kỹ nghệ có lợi nhuận cao. Tại một số khu vực như Nga, Đông Âu, Hồng Kông, Nhật Bản và Colombia, việc buôn người được các tổ chức tội ác lớn kiểm soát. Tuy nhiên, phần đông, việc buôn người do những hệ thống nhỏ điều khiển, mỗi nhóm phụ trách một khâu: khâu tuyển dụng, khâu chuyên chở, khâu quảng cáo… Lợi nhuận cao một phần vì vốn đầu tư ít, việc bị truy tố lại tương đối hiếm.

Các nạn nhân của việc buôn người lại là những người nghèo khổ nhất, ít quyền lực nhất. Phần lớn họ thuộc các khu vực nghèo, các sắc tộc thiểu số, người rời cư (displaced persons) như người bỏ nhà hay tị nạn. Phần đông việc buôn phụ nữ là dành cho mãi dâm qua những hứa hẹn có việc làm tốt hay cơ hội học hành cao. Các trẻ em bị buôn bán vì cha mẹ nghèo, phải bán con để trả nợ hay để có tiền sinh sống. Tại Tây Phi, các trẻ em bị buôn thường đã mất cha hay mẹ vì bệnh AIDS. Hàng ngàn trẻ trai cũng bị cưỡng bức trở thành lính trẻ con. Diễn trình nhận con nuôi cũng phát sinh ra nạn buôn trẻ thơ và các phụ nữ đang mang thai giữa Tây Phương và các nước đang phát triển… Đàn ông cũng trở thành nạn nhân của việc buôn người để phục vụ trong các ngành lao động không có tay nghề và có tính cưỡng bức, một ngành được Cơ Quan Lao Động Quốc Tế ước lượng trị giá tới 31 tỉ mỹ kim.

Theo báo cáo của UNODC, các địa điểm thông thường nhất tiếp nhận nạn buôn người là Thái Lan, Nhật Bản, Do Thái, Bỉ, Hòa Lan, Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Còn các nơi xuất phát thông thường nhất của nạn buôn người là Thái Lan, Trung Hoa, Nigeria, Albania, Bulgaria, Belarus, Moldova và Ukraine.

Vì là ngành buôn bán bất hợp pháp, nên con số thống kê khó mà chính xác. Tuy nhiên, theo ước lượng của Bộ Ngoại Giao Mỹ, khoảng từ 600,000 tới 800,000 đàn ông, đàn bà và trẻ em bị buôn bán qua các biên giới quốc tế mỗi năm; khoảng 70% trong số này là phụ nữ và con gái, và có tới 50% là vị thành niên. Đa số các nạn nhân này phục vụ kỹ nghệ tình dục. Bộ này cũng cho rằng hình thức buôn người cho việc cưỡng bức lao động, đôi khi trên ngay quê hương nạn nhân, là điều hiện rất khó theo dõi. Người ta cũng ghi nhận việc gia tăng nhanh chóng ngành mãi dâm tại Campuchia và Bosnia cũng như Kosovo sau khi lực lượng NATO cũng như Liên Hiệp Quốc vào tiếp thu các khu vực ấy. Nhiều chỉ trích đã được đệ nạp lên hai cơ quan này, nhưng họ vẫn chưa nghiêm chỉnh cứu xét vấn đề.

Người ta cũng lưu ý tới một hình thức buôn người có tính tôn giáo. Nhóm Cực Đoan trong Giáo Hội Mormon tại Mỹ và Canada đã từng liên lụy tới việc buôn bán các phụ nữ dưới tuổi qua biên giới các tiểu bang và biên giới quốc tế giữa Mỹ và Canada, phần lớn là để có thể tiếp diễn các thực hành đa thê của họ dưới hình thức đa hôn.

Các cố gắng nhằm giảm thiểu việc buôn người

Các chính phủ, các hiệp hội quốc tế, và các tổ chức phi chính phủ thẩy đếu đang nỗ lực nhằm chấm dứt nạn buôn người với nhiều mức thành công khác nhau. Về phía các tổ chức liên chính phủ, ta thấy có OSCE đã nhắc trên đây. Năm 2003, tổ chức này thiết lập ra một cơ chế chống buôn người nhằm mục đích gây ý thức của công chúng đối với vấn đề và bồi đắp một ý chí chính trị nơi các quốc gia hội viên để đối phó hữu hiệu với vấn đề ấy.

Các hành động của OSCE được phối hợp bởi Văn Phòng Đại Diện Đặc Biệt Chống Lại Việc Buôn Người. Từ năm 2006, Văn Phòng này đặt dưới sự điều khiển của Bà Eva Biaudet, cựu dân biểu và Bộ Trưởng Y Tế và Các Dịch Vụ Xã Hội của Phần Lan. Văn phòng này đảm nhiệm việc huấn luyện các cơ quan chấp pháp thi hành việc chống buôn người, cổ động các chính sách nhằm nhổ tận gốc nạn tham nhũng và tội ác có tổ chức. Văn Phòng cũng tới thăm nhiều quốc gia, và nếu những quốc gia này yêu cầu, sẵn sàng trợ giúp việc soạn thảo cũng như thi hành các chính sách chống buôn người.

Về phía các chính phủ, thì hành động có thay đổi. Có nước ban hành các luật lệ đặc thù nhằm loại việc buôn người khỏi vòng pháp luật. Nhiều chính phủ cũng khai triển các hệ thống hợp tác giữa các cơ quan chấp pháp của nhiều quốc gia và với các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, nhiều quốc gia hiện bị chỉ trích là không chịu làm gì cả hay đưa ra các biện pháp không hữu hiệu, trong việc nhận diện và che chở các nạn nhân của việc buôn người.

Về phần Liên Hiệp Quốc, năm 2000, đã chấp thuận Công Ước Chống Tội Ác Có Tổ Chức Liên Quốc Gia, quen gọi là Công Ước Palermo và hai nghị định thư: Nghị Định Thư Nhằm Phòng Ngừa, Loại Bỏ và Trừng Phạt Nạn Buôn Người, Nhất Là Phụ Nữ Và Trẻ Em; và Nghị Định Thư Chống Việc Chuyển Lậu Di Dân Bằng Đường Bộ, Đường Biển Và Đường Hàng Không. Tất cả các văn kiện này đều có chứa các điều của luật quốc tế hiện hành nhằm chống lại nạn buôn người.

Công Ước Của Hội Đồng Âu Châu Về Hành Động Chống Nạn Buôn Người đã được Hội Đồng này chấp thuận ngày 16 tháng Năm năm 2005. Mục đích của Công Ước là phòng ngừa và chống trả nạn buôn ngừa. Công Ước này bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1 tháng Hai năm 2008. Từ trước đến nay, trong số 47 nước hội viên của Hội Đồng Âu Châu, đã có 21 nước ký vào Công Ước và 17 nước phê chuẩn nó.

Về phần các tổ chức phi chính phủ, ta thấy các tổ chức nhân quyền như Ân Xá Quốc Tế, Chống Nô Lệ Quốc Tế và Canh Chừng Nhân Quyền đều tổ chức nhiều chiến dịch chống việc buôn người. Ngoài ra, còn nhiều tổ chức phi chính phủ khác như CAST (Coalition to Abolish Slavery and Trafficking) thành lập năm 1998, đặt trụ sở tại Los Angeles; AAT (Alliance Anti Traffic), thành lập năm 2007 tại Pháp; Somaly Mam Foundation, thành lập năm 2007 tại Liên Hiệp Quốc với sự hỗ trợ của các cơ quan UNICEF, UNIFEM, và IOM, tổ chức này có điểm đặc biệt là khích lệ các nạn nhân buôn người trở thành các nhà tranh đấu cho việc thay đổi (dưới quyền điều khiển của Somaly Mam, một nhà tranh đấu nổi tiếng người Campuchia, tổ chức này được sự cộng tác của các nhân vật nổi tiếng quốc tế như Susan Sarandon, Daryl Hannah, Diane von Furstenberg, và Hillary Clinton); Redlight Children Campaign, thành lập năm 2002, đặc biệt chống việc buôn bán trẻ em…

Quan điểm của Tòa Thánh

Một số nhà tranh đấu xã hội gần đây lên tiếng chống lại việc quá chú trọng tới hình thức buôn người trong lãnh vực khai thác tình dục, mà sao lãng các hình thức buôn người khác. Tuy thế, phải nhận rằng lãnh vực bóc lột tình dục trong nạn buôn người là trầm trọng và lớn lao hơn cả. Chính vì thế, càng ngày người ta càng chú tâm đến lãnh vực này nhiều hơn.

Đối với nạn buôn người nói chung, Tòa Thánh Vatican và nhiều nhóm nữ tu Công Giáo từ lâu vốn hoạt động tích cực để chặn đứng tệ nạn này và gần đây, chính Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã gửi một thông điệp cho một hội nghị về vấn đề này vừa được tổ chức tại Rôma trong tháng Sáu, trong đó, ngài nhắc lại rằng vấn đề chặn đứng nạn buôn người là một ưu tiên đối với Giáo Hội.

Ngài chủ truơng: cần phải tạo ra một “ý thức đổi mới về giá trị khôn lường của sự sống và một dấn thân mỗi ngày một can đảm hơn đối với việc bảo vệ nhân quyền và vượt qua các lạm dụng đủ mọi loại”

Vấn đề trên cũng đang được bàn luận ở Anh. Một bản hướng dẫn của Viện Kitô Giáo công bố hồi tháng Sáu cho thấy Dự Luật Kiểm Soát và Tội Ác của chính phủ có đưa ra một số thay đổi luật lệ quan trọng liên quan đến nạn mãi dâm tại Anh và Wales. Các thay đổi này nhằm đặc biệt vào việc buôn người phục vụ tình dục.

Một trong các điều của dự luật này dự liệu rằng người mua dâm sẽ phạm tội nếu mua dâm từ một người bị bó buộc hành nghề bằng bạo lực, bằng lừa đảo hay đe dọa.

Ý niệm dùng bạo lực bao hàm việc cưỡng bức cả bằng các phương tiện tâm lý, như khai thác tình thế khốn khó của một ai đó. Viện Kitô Giáo cho rằng đây là một vi phạm phát sinh trách nhiệm pháp lý nghiêm nhặt, nghĩa là người mua dâm sẽ phạm tội bất kể họ biết hay không biết người hành nghề mãi dâm kia bị bó buộc.

Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng” của Công Đồng Vatican II có nhắc đến vấn đề buôn người. Công Đồng nhắc nhở mọi người nhớ tới bổn phận phải trở thành người lân cận của mọi người và thúc giục mọi người hãy giúp đỡ những người đang bị bỏ rơi và đau khổ. Những lạm dụng như bắt người làm nô dịch và đĩ điếm được mô tả là vi phạm tới nhân vị con người. Coi con người “chỉ như dụng cụ kiếm lời, hơn là những con người tự do và có trách nhiệm” là một sự nhục mạ và chuốc độc toàn bộ xã hội nhân bản (số 28).

Gần đây hơn, Đức Tổng Giám Mục Agostino Marchetto, thư ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Chăm Sóc Mục Vụ cho Di Dân và Người Du Lịch, có nói truyện tại một hội nghị tổ chức tại Vienna vào tháng Hai năm 2008 về chủ đề buôn người. Ngài nhìn nhận rằng giải pháp dễ dãi hiện không có. Xử lý các vụ lạm dụng nhân quyền kiểu này đòi một phương thức không những lưu tâm tới quyền lợi tốt nhất của nạn nhân mà còn phải trừng phạt công bằng những người được hưởng lời nhờ nó.

Ngài cũng khuyến cáo: cần phải đưa ra các biện pháp phòng ngừa như là gây ý thức của công chúng đối với vấn đề này. Mặt khác, cũng cần phải xử lý đối với các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này, trong đó có cả các yếu tố kinh tế. Đây không phải là một vấn đề dễ dàng gì, nhưng một giải pháp đúng đắn sẽ có ảnh hưởng tốt đối với hàng triệu cuộc đời đang chơi vơi.

Cũng nên nhớ tại Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám Mục Agostino Marchetta cũng đã nhân danh Tòa Thánh lên tiếng về vấn đề buôn nguời này. Ngài cho rằng vấn đề này là một vấn đề bao gồm nhiều chiều kích khác nhau và là hiện tượng nhục nhã nhất của thời đại này. Hiện tượng này sở dĩ không giải quyết được là do một số quốc gia không chịu ban hành các luật lệ đặc thù, do nạn nhân không biết gì về quyền lợi của họ, do cấu trúc xã hội và văn hóa và do các tranh chấp có vũ trang.

Ngài cho biết Tòa Thánh luôn luôn ý thức được tầm nghiêm trọng của tội ác buôn người. Năm 1970, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã lập ra Ủy Ban Giáo Hoàng (nay là Hội Đồng) Chăm Sóc Mục Vụ Di Dân và Người Du Lịch cũng là để theo dõi vấn đề các nạn nhân của nạn buôn người, được coi như nô lệ trong thời đại mới. Trong viễn tượng này, Hội Đồng Giáo Hoàng đã tổ chức hai Hội Nghị Thế Giới: hội nghị đầu nói về việc giải thóat các phụ nữ ngoài đường phố và hội nghị thứ hai nói về các trẻ em bụi đời. Từ hai hội nghị này, đã xuất hiện ấn phẩm chỉ dẫn về việc chăm sóc mục vụ cho những người bụi đường, đưa ra các đề nghị cụ thể để chống lại việc buôn người.

Đức TGM nói thêm: Hội Đồng cũng đã khuyến khích các Hội Đồng Giám Mục các nước đưa ra các sáng kiến cũng như vận động các nam nự tu sĩ, các giáo dân cũng như các hiệp hội và phong trào Công Giáo tham gia chiến dịch chống lại tệ nạn buôn người cũng như giúp đỡ các nạn nhân của tệ nạn này. Các Hội Đồng Giám Mục tại Nigeria, Ái Nhĩ Lan và Tây Ban Nha đã rất tích cực đáp ứng bằng cách ban hành các thư mục vụ chú trọng tới hoàn cảnh địa phương, đưa ra các biện pháp cụ thể như lắng nghe nạn nhân, cung cấp các phương tiện cần thiết giúp họ thoát được cảnh lạm dụng tình dục,tạo ra các nhà an toàn, khuyến khích việc huấn đạo (counseling) nhằm tái tích nhập nạn nhân vào xã hội cũng như giúp họ trở lại quê hương mà vẫn sống còn được.

Trên hết, Tòa Thánh nhấn mạnh rằng mọi cố gắng nhằm đương đầu với các hoạt động tội ác và bảo vệ các nạn nhân của chúng phải bao gồm “cả đàn ông lẫn đàn bà và phải đặt nhân quyền ở tâm điểm mọi chiến thuật”. Phía cầu của việc bóc lột tình dục, tức khách hàng mà phần lớn là đàn ông, cũng cần phải được giáo dục; điều này đòi họ một hiểu biết tốt hơn về các động lực hầu có thể giải quyết được các lý do của việc bạo hành đối với phụ nữ. Cùng một thái độ đó phải được đem áp dụng vào các hình thức buôn người khác thí dụ các hình thức đấu thầu đệ nhị đẳng (subcontracting) bất hợp pháp chỉ nhằm bóc lột các điều kiện lao động.

Ngoài ra, đối với các nước có tranh chấp vũ trang như Sierra Leone hay Liberia, Giáo Hội chìa bàn tay của mình cho các cựu binh lính trẻ em là những người rất dễ bị bóc lột ngay khi rời bỏ hàng ngũ dân quân, giúp các em tái nhập về phương diện xã hội và kinh tế, hàn gắn các vết thương của họ và nâng đỡ các gia đình và cộng đoàn của họ.

Điều đặc biệt là Đức Tổng Giám Mục Marchetta khuyến cáo Liên Hiệp Quốc nên cổ vũ việc thành lập các chương trình bồi thường, bằng tiền lời và tài sản tịch thu được từ các tay buôn người.