VATICAN (CNS) – Đức Thánh Cha Benedict XVI chính thức bầy tỏ sự hỗ trợ của ngài đối với các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn chặn việc tuyển mộ và sử dụng các trẻ em làm binh sĩ và nói ngài cầu nguyện hàng ngày cho các trẻ em đang chịu đau khổ trên khắp thế giới.

Vào cuối buổi tiếp kiến chung hàng tuần ngày 24 tháng 6, Đức Thánh Cha tiếp ông Radhika Coormaraswamy, đại biểu của Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc về Các Trẻ Em Trong Các Chiến Cuộc, ông được tháp tùng bởi Grace Akallo và Kon Kelei, hai cựu chiến binh trẻ em.

Đức Thánh Cha nói với nhóm này là ngài “hoan nghênh việc cam kết bảo vệ các trẻ em nạn nhân của bạo tàn và vũ khí."

Ngài nói, "Tôi nhớ đến tất cả các trẻ em trên thế giới, nhất là những em phải chịu đựng những sợ hãi, bị bỏ rơi, đói khát, bị hành hung, bệnh tật, và chết chóc. Đức Thánh Cha luôn luôn rất gần gũi với các nạn nhân bé nhỏ này và nhớ đến chúng trong kinh nguyện hàng ngày của ngài.”

Với Akallo, bây giờ là một sinh viên Cao Học tại Hoa Kỳ, tiếng nói của Đức Thánh Cha rất quan trọng.

Khi em bị loạn quân thuộc Kháng Chiến Quân Uganda bắt cóc năm 1996, em nói, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã công khai kêu gọi việc giải phóng em và các trẻ gái khác bị bắt đi từ một Trường Công Giáo.

Em nói, "Tiếng nói của ngài cũng đủ. Khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô lên tiếng về việc chúng em bị bắt cóc, toàn thể thế giới đều nghe biết. Ngay cả loạn quân cũng hay biết. Họ rất tức giận và hỏi, “Chúng mày là ai mà cả Đức Thánh Cha cũng đang nói về chúng mày?"

Vào buổi chiều sau khi được Đức Thánh Cha Benedict tiếp kiến, Akallo và các bạn trình bầy trong một buổi họp về nhu cầu gia tăng việc bảo vệ trẻ em trong thời chiến và cung cấp các chương trình trị liệu phục hồi cho các em đã bị bó buộc phải cầm súng.

Trong buổi họp được Cộng Đồng Sant’Egidio có trụ sở tại Rôma tổ chức, bà Coormaraswamy nói văn phòng của bà ước tính có khoảng 250.000 trẻ em hiện đang bị sử dụng làm binh sĩ trong các trận chiến và tranh chấp du kích trên thế giới.

Bà nói, “Ước tính này đã giảm đi 50.000 trong 10 năm qua, vì chiến cuộc tại Sierra Leone và Liberia.”

Vị đại biểu của Liên Hiệp Quốc cho hay các cộng đồng đức tin hết sức thiết yếu trong sự ngăn chặn việc sử dụng trẻ em trong chiến tranh và trong thể thức lâu dài nhắm giúp dỡ các trẻ em nạn nhân phục hồi sau khi chịu đựng các kinh nghiệm bi thảm vì phải tham gia vào việc giết chóc và cướp bóc, và bị bạo hành tính dục bởi các tên lính lớn tuổi hơn.

Bà nói, "Các cộng đồng đức tin là các mạng luới truyền thông.”

Họ đóng một phần quan trọng trong “một hệ thống tiên báo” chia sẻ và thông tin về các vụ bắt cóc hay ám sát trẻ em, giáo dục các phụ huynh và trẻ em về các mưu toan tuyển mộ và đảm bảo rằng các trường học do các giáo hội cai quản là “những khu vực an toàn."

Nữ tu Dòng Thánh Tâm Rosemary Nyerumbe, điều hành một trung tâm dành cho các cựu chiến binh trẻ em tại miền bắc Uganda, nói trong 21 năm chiến cuộc với Kháng Chiến Quân “không ai đề cập đến các em gái bị bắt lính,” chúng bị duy trì như các thê thiếp và cũng phải cầm súng như là binh sĩ.

Sơ Nyerumbe nói, “Giúp đỡ các em đã trốn thoát trở về một đời sống bình thường là một thách đố lớn lao. Chúng mang những dấu tích và thường bị chính gia đình chúng từ bỏ.” Sơ Nyerumbe điềi khiển Trung Tâm Thánh Monica ở Gulu, Uganda, nơi trú ngụ của các nạn nhân và giúp đỡ các trẻ gái đã trốn thoát.

Sơ nói, "Chúng ta có bổn phận phải phục hồi phẩm giá của các trẻ em này.”