CHÚA NHẬT XII TN B

Trên chiếc thuyền nhân loại đang có Đấng Thiên Chúa làm người

1. Thiên Chúa lẫn trốn hay con người lãng quên ?

Tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa luôn là một thách đố cho con người. Vì thể, cuộc tìm kiếm khó khăn nhất, cuộc hành trình dai dẳng nhất chính là cuộc kiếm tìm Đấng Toàn Năng, cuộc hành hương đi tìm Tuyệt Đối (Pèlerin de l’Absolu).

Lịch sử của nhân loại được nhìn trong khung cảnh của lịch sử dân Ít-ra-en là một “khúc trường ca”, là một “chuyện dài” về mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa, mối quan hệ chẳng khác nào một “trò chơi cút-kiếm” giữa một Thiên Chúa lúc ẩn lúc hiện, khi tỏ khi mờ và một nhân loại lúc thành kính tin yêu lúc lãng quên hờ hững.

Điều thường nhận thấy, là khi thanh bình thịnh đạt, lúc “mây tạnh trời quang”, khi cuộc sống trôi đi trong phẵng lặng hạnh phúc, con người dễ tin, dễ cảm có một Thiên Chúa ở gần, có một Thiên Chúa đang ân cần săn sóc. Chỉ cần mở mắt ra ngắm nhìn vũ trụ, con người liền thấy “dấu chân Thiên Chúa” hiện nguyên hình; chỉ cần dừng lại một chút trước những kỳ quan của vũ trụ, tâm hồn con người không thể không hướng về Thiên Chúa:

Những lời Chúa phán cho ông Gióp trong BĐ 1 hôm nay là một trong những cảm nhận như thế về sự hiện hữu của một Thiên Chúa bày tỏ qua những công trình sáng tạo trong vũ trụ tạo thành mà con người có thể chiêm ngắm, nhìn rõ. Và đứng trước vẽ đẹp tạo thành, ông Gióp chỉ còn biết thốt lên:

“Trước kia con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến.”

Cũng chính với tâm tình như thế, tác giả Thánh vịnh 26 đã được PV hát lên trong đáp vịnh ca hôm nay:

Họ vui sướng vì trời yên bể lặng

Và Chúa dẫn đưa về bến mong chờ.

Ước chi họ dâng lời cảm tạ vì tình thương của Chúa,

Và vì những kỳ công Chúa đã thực hiện cho người trần”

Tuy nhiên, khi “đất bằng nổi sóng”, khi thử thách chợt về, đau thương ập đến, con người hay rơi vào cơn hoảng loạn hồ nghi: Thiên Chúa có ở đây không hay đã ra đi đâu mất rồi ? Thiên Chúa có đủ quyền năng không để cất đi những nổi oan khiên nầy, những tai ương hoạn nạn nầy, những đau thương khốn khổ nầy, hay Ngài hoàn toàn bất lực ? Thiên Chúa có thực sự công minh chính trực không hay chỉ là một vị thần bất công xảo trá ? Trong trích đoạn Tin Mừng vừa được công bố hôm nay, chúng ta thấy các tông đồ đã hoảng loạn trước cơn thịnh nộ của cuồng phong bảo táp: “Thầy ơi, chúng ta chết mất, Thầy chẳng lo gì sao ?” (TM)

Một người cha khi chứng kiến cái chết của một đứa con mới bảy tuổi đã oán than:

Ái ăn đâu, Ái ở đâu ?

Để thương để nhớ để u sầu !

Trời già độc địa làm chi bấy !

Nỡ bắt con tôi bảy tuổi đầu !

Câu chuyện của ông Gióp trong Cựu ước là một minh họa rõ nét. Khi bị thử thách dập vùi, thân tàn ma dại với cơn bịnh ung nhọt từ chân tới đầu, bấy giờ bà vợ của ông đã lên tiếng:

“Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi ? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi” (G 2, 9)

Và không phải chi riêng ông Gióp, kinh nghiệm nầy thật sự đã thường xuyên xảy ra trong lịch sử Dân Chúa. Những tháng ngày sống lầm than đọa đầy nơi Ai Cập, những lúc phải đối diện với những cái đói cái khát kinh khủng của những tháng năm lang thang trong hoang mạc trên đường về Đất Hứa, những cuộc xâm lăng của quân thù, những lần phải sống kiếp lưu đầy nơi đất khách quê người sau những lần đánh mất tổ quốc quê hương…Qua những cơn thử thách nặng nề như thế, dân Ít-ra-en biết bao lần đã lãng quên Thiên Chúa, hay chí ít, đã hoài nghi sự hiện diện của Ngài.

Thế nhưng, thường cũng chính trong những biến cố đau thương ấy, những giai đoạn đen tối ấy, Thiên Chúa đã ra tay can thiệp và bày tỏ quyền uy. Quả thật, đúng như Ngài đã từng phán với Mô-sê: “Ta đã thấy cảnh khổ cực của Dân ta bên Ai Cập, ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập…” (Xh 3,7).

Không chỉ nói suông thôi. Thiên Chúa đã ra tay hành động. Hàng loạt các biến cố tai ương, dấu lạ giáng trên Ai Cập hầu khuất phục quyền uy và lòng tự mãn kiêu căng của Pha-ra-ô để Ít-ra-en ung dung trở về Đất Hứa. Và sau đó, với cột mây, cột lửa, với biển Đỏ tách làm đôi, với manna từ trời rơi xuống và chim cút từng bầy đỗ lại cho những bữa ăn, với mạch nước tuôn trào từ tảng đá, với thành Giê-ri-cô sụp đỗ tan tành chỉ với những tiếng kèn hô vang dậy…Thiên Chúa qua “Hòm Bia Chứng Ước” đã đồng hành với dân, hiện diện bên dân trên mọi nẽo đường dựng nước.

Quả thật, Thiên Chúa nào đâu có lẫn trốn. Chỉ tại con người quá dễ lãng quên.

2. Trong chiếc thuyền nhân loại đang có Đấng Thiên Chúa làm người :

Và để dứt khoát một lần làm rõ nét chân lý nầy, Thiên Chúa đã phải “Sai Con Một giáng trần.” Thật vậy, một khi Thiên Chúa đã cất bước đi vào trần gian, đã quyết định chịu cảnh sinh ra màn trời chiếu đất, đã sẵn sàng trốn chạy trước quyền lực truy bắt của loài người, đã vui vẻ đổ mồ hôi với cái cưa, cái chàng cái đục của nghề thợ mộc tăm tối, đã nhất định chen chân trong cõi trần tục lụy khi chấp nhận chen vai sát cánh với dòng người tội lỗi bước tới dòng sông sám hối Gio-đa-nô…hay như chuyện kể của Tin Mừng hôm nay, khi Ngài ngồi đó, dựa đầu vào chân gối ngủ vùi trong cái mõi mệt sau những cây số cuốc bộ đường dài với đói khát, thiếu ăn thiếu ngủ…thì Thiên Chúa không còn “lẫn trốn trên các tầng mây”, không còn xa xôi ngăn cách trong cõi thánh thiện ngút ngàn mà đã trở nên một “Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Phải chăng, trong chiếc thuyền nhân loại đang có đó Đấng Thiên Chúa làm người !

Thiên Chúa đang có đó, đang hiện diện tại đó, đang ở đó, bên anh, bên tôi, bên những mảnh đời đau thương rách nát như Maria Ma-đa-lê-na, như Gia-kê, như Matthêô…Và còn hơn thế nữa, Ngài sẵn sàng bị treo trên Thập giá ở giữa hai người trộm cướp nơi ngã ba đường Giêrusalem để muôn dân thiên hạ nhìn thấy một Thiên Chúa gần gũi biết bao, con người biết bao, sống thực biết bao cái phận người bèo bọt, bi đát…Và để những người cũng mang kiếp đọa đầy, cũng trãi qua những nổi thống khổ thương đau, cũng hằn sâu những vết thương chí mạng…sẽ tìm được cái đáp số cho chính mình. À, thì ra Thiên Chúa cũng đi con đường đó, Thiên Chúa cũng phải kinh qua thập giá và chén đắng, cũng tiến bước trong cuộc sống đầy thương đau và cái chết trong tũi nhục… Thì ra Thiên Chúa đã yêu thương và đã yêu thương đến cùng là như thế !…

Và dĩ nhiên, Thiên Chúa không chỉ hiện diện suông, không chỉ có mặt để “say sưa chè chén với những người tội lỗi”, để làm bộ làm tịch là “Ta đây là nhà giải phóng, là giải pháp chính trị, là con đường rộng thênh thang dẫn tới bến bờ hạnh phúc” bằng những lời mị dân hay huyênh hoang rỗng tuếch. Không, Ngài đã từng làm cho tiệc cưới Cana tưởng đâu giữa chừng bẽ mặt vì thiếu rượu, đã tưng bừng cuộc vui nối tiếp cuộc vui với mấy trăm lít rượu ngon hóa nên từ nước lã; đã trả lại niềm vui đoàn tụ cho bà góa Naim khi trao sự sống cho đứa con trai vừa mới mất; đã phục hồi nhân phẩm niềm tin và hy vọng cho người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang; đã đưa những anh chàng cùi hủi tưởng đâu mãi mãi tàn đời cách ly trong hoang mạc lại được trở về cuộc sống trong rạng rỡ vui mừng; Ngài đã kéo La-da-rô bốn ngày nằm trong huyệt mộ của âm u sự chết, bừng dậy đĩnh đạc bước vào bình minh cuộc sống; Ngài đã cho mấy ngàn dân nghèo khố rách áo ôm quay quắt với cái đói trong hoang mạc được no nê thoải mái trong một bữa tiệc huynh đệ mặn nồng với chỉ vài chiếc bánh và mấy con cá nhỏ; Ngài đã cho người mù sáng mắt, người què nhảy nhót như nai, người thu thuế trở nên tông đồ, những tay dân chài dốt nát, những hạng đàn bà bị xã hội bỏ đi lại trở nên người loan tin cứu rỗi…

3. Thái độ đúng đắn của những người tin.

Và đó không chỉ là những câu chuyện đã qua của 2000 năm trước. Bởi vì khởi đi từ những “chuyện kể của Tin Mừng” đó, dọc dài suốt 20 thế kỷ qua những câu chuyện về “một Đấng Thiên Chúa đang hiện diện, đang đồng hành”, những câu chuyện về sự can thiệp và những hành động yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại cứ mãi được viết tiếp, nhân lên, nối dài qua Giáo Hội, qua những người con người mang danh hiệu Kitô hữu như Augustinô, Phanxicô Assisi, Têrêsa Hài đồng, Maximilien Kolbe, Anrê Phú Yên, Gioan Phaolô II, Mẹ Têrêsa thành Calcutta…

Chính vì thế, thái độ đúng đắn của niềm tin Kitô hữu, của chúng ta hôm nay đó là làm sao biểu tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa qua chính cuộc sống đời thường của chính mình, qua mỗi hành động và ứng xử với mọi người chung quanh. Đó chính là phương hướng sống mà thánh Phaolô đề nghị với chúng ta trong thư Cô-rin-tô được công bố trong BĐ 2 hôm nay: “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”.

Nhưng làm sao chúng ta cho điều chúng ta không có ? Làm sao chúng ta chia sẻ một kinh nghiệm mà chúng ta chưa một lần đi qua ? Làm sao chúng ta có thể làm chứng khi cuộc đời chúng ta chưa một lần trãi nghiệm ? Vì thế, điều cốt yếu trong sứ điệp Lời Chúa hôm nay đó chính là: hãy mở lòng ra với bàn Tiệc Lời Chúa và Thánh Thể hôm nay để đón nhận thật sự chân lý và sự sống được ban tặng. Đừng đến đây như một kẻ bàng quan và ra đi như một người thua lỗ. Nếu cuộc đời kitô hữu của bạn chỉ là một vòng quay quán tính đơn điệu và nhàm chán như thế, thì mãi mãi trong chiếc thuyền đời bạn, Đức Kitô cũng chỉ là một người khách lạ tầm thường “ôm đầu say sưa ngồi ngủ”, chẳng thèm quan tâm gì tới sóng to gió lớn đang vây phủ lên cuộc đời của bạn. Chúa có hay không, Chúa hiện diện hay vắng mặt, Chúa quyền năng hay tầm thường, Chúa yêu thương gắn bó hay lãnh đạm thờ ơ…với bạn và với mọi người là do niềm tin và cách thể hiện niềm tin của bạn đó. Nhưng bạn hãy tin rằng, ở bên kia bờ động đất và sóng thần, ở bên kia chiến trường đang đẩm máu, ở bên kia khủng bố và bạo lực, và ở bên kia những ồn ào phủ nhận, khước từ về sự hiện diện của một Thiên Chúa quyền năng và tình yêu, ở bên kia những những nhục mạ, chống đối và loại trừ…thì những con chim sẻ vẫn cứ hát ca, những đóa huệ sặc sỡ vẫn ung dung khoe màu, những cánh rừng non vẫn đang âm thầm vươn dậy, những tiếng khóc oa oa chào đời của bao bé thơ vẫn tiếp nối, những lời ca kinh ngọt ngào vẫn vang lên trong muôn ngàn cung thánh điện thờ…

Không, Thiên Chúa không lẫn trốn đâu ! Ngài vẫn hiện diện thương xuyên, mọi thời và mọi lúc.