Mầu nhiệm đức tin

Trong mỗi Thánh Lễ, sau khi linh mục truyền phép: bánh và rượu trở thành Mình Máu Thánh

Chúa Giêsu, ông giới thiệu cùng cộng đoàn dân Chúa: Đây là Mầu nhiệm đức tin.

Phải hiểu mầu nhiệm đức tin như thế nào đây?

1.Bữa tiệc với những người tội lỗi

Linh mục Sieger Koeder, một họa sĩ về nghệ thuật thánh, đã vẽ bức tranh „bữa tiệc với những người tội lỗi“ dựa theo tường thuật trong Phúc âm Thánh Marcô 2, 15-17). Bức tranh vẽ diễn tả những người ngồi quanh bàn bữa tiệc gồm đủ mọi thành phần, và hầu như họ không có chút gì liên quan hay biết về Bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu.

Đó là lớp người trí thức học cao suy nghĩ nhiều về khoa học thực dụng hơn là về mầu nhiệm Thánh Thể trừu tượng. Đó là lớp người sống hoài nghi luôn luôn đặt thắc mắc về những điều mắt thấy tai nghe. Đó là một cô gái điếm, mà cả phố đều nghe biết về đời sống lang thang bê bối tội lỗi. Đó là một người theo Do Thái giáo luôn luôn còn hằng mong chờ Đấng Cứu Thế đến. Đó là lớp người đến từ Phi Châu vẫn còn mang nặng tâm hồn đời sống với niềm tin tôn giáo địa phương bộ tộc của mình...

Trên bàn ăn là bánh mì và chén rượu, dấu chỉ Bí tích Thánh Thể. Ngoài ra hình ảnh Chúa Giêsu không nhìn thấy ở đây. Nhưng ở đầu bàn ăn là hình hai bàn tay đang dang mở ra hướng về phía mọi người ngồi quanh bàn.

Nhìn qua thì như vậy. Nhưng nhà họa sĩ muốn trình bày điều căn bản của bức tranh, mà hầu như người xem không mấy để ý tới: Bí tích Thánh Thể trình bày trong bức vẽ đây không là phần thưởng cho người đạo đức. Nhưng muốn mang đến cho người yếu hèn bé nhỏ sự củng cố tâm hồn, giúp họ vượt qua những thử thách trong đời sống. Tất cả mọi người muốn tham dự bữa tiệc, đều được đón tiếp. Không ai bị loại khỏi bàn tiệc. Chúa Giêsu, người chủ nhà của Bí tích Thánh Thể, mời mọi người đến dự tiệc. Bí tích Thánh Thể không đặt ra ranh giới chu vi nào. Nhưng ranh giới được nới mở rộng cho hết mọi người.

Ngắm nhìn bức tranh trong suy tư chúng ta đặt thắc mắc: ai là người xứng đáng gặp gỡ Chúa. Cùng trong Thánh Lễ chúng ta đã từng cầu nguyện“ Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con“.

Nhưng có lẽ không nên qúa chú trọng đến câu hỏi: Ai xứng đáng hay tôi có xứng đáng tiếp nhận Tấm Bánh chén rượu Bí tích Thánh Thể, mà chú ý hơn đến thắc mắc điều gì đã diễn ra trong bàn tiệc Bí tích Thánh Thể trong bức tranh này.

Đôi bàn tay giang mở ra hưóng về mọi người trong bức tranh vẽ có thể là một chỉ dẫn tìm ra câu trả lời cho thắc mắc đó.

2. Hình ảnh ẩn hiện trong đôi mắt

Với con mắt và trí hiểu thông thường của con người, mầu nhiệm Bí tích Thánh Thể vượt qúa tầm nhìn cùng suy hiểu của trí khôn.

Chúng ta không thể hiểu nổi tại sao, Chúa Giêsu lại có thể ẩn mình trong một miếng tấm bánh mì hay trong một chén rượu nho được? Tại sao Chúa Giêsu lại có thể biến đổi tấm miếng bánh mì, chén rượu nho thành thân xác và máu của Ngài, và để làm gì vậy?

Một ví dụ. Linh mục Giuse Nguyễn trọng Tước trong buổi giảng ở Đại hội Công Giáo bên Đức ngày 31.05.2009, khi nói về Bí tích Thánh Thể, đã dùng hình ảnh tấm bánh của một người mẹ mang về cho con mình, cắt nghĩa về Tấm bánh Thánh Thể.

“Một bà mẹ biết con thích ăn bánh, nên hằng tuần vào ngày thứ ba khoảng ba bốn giờ chiều, sau khi hội họp với các bà mẹ Công Gíao trong xứ đạo, bà đều mang theo về một gói qùa cho con đang chơi ngoài hàng hiên trước nhà. Nhận được gói qùa có chiếc bánh ngọt, em vui mừng ăn ngon lành. Mẹ em cũng vui mừng hãnh diện. Mẹ con cười nói kể cho nhau nghe những mẩu chuyện về con gà, con chó, luống rau ngoài vườn…

Nhưng dần dà em bé bỗng nảy sinh thắc mắc, làm sao mẹ mình hằng tuần vào ngày thứ ba khoảng ba bốn giờ chiều đi chợ về luôn có gói qùa với tấm bánh như mọi khi mang về cho mình ăn, ở đâu mẹ có như vậy??? Em thắc mắc và càng thắc mắc. Thắc mắc nhưng em vẫn nhận từ nơi mẹ em món qùa tấm bánh ăn ngon miệng.

Bỗng một hôm em nảy ra ý nghĩ xem mẹ đi đâu mà mua bánh như vậy. Vào đúng ngày thứ ba, Mẹ em đi rồi. Em nấp đàng sau bụi cây hàng dậu trước nhà xem mẹ đi tới đâu. Em khám phá ra, mẹ em đi đến phòng họp nhà xứ hội họp với các bà mẹ khác. Em hồi họp đi theo xa xa, và cúi mình nấp ở đàng sau nhà hội, cố đưa mắt nhìn xem như thế nào…

Sau những màn chào hỏi, đến mục uống nước ăn bánh. Khi đĩa bánh chuyền tới mẹ em, mẹ em một mặt cứ cười nói, một tay khéo léo kín đáo gạt miếng bánh xuống bên dưới lòng mình dưới ghế ngồi. Xong xuôi bà lại cẩn thận lấy miếng giấy sạch gói miếng bánh lại, và lại kín đáo bỏ vào túi mang về.

Tận mắt nhìn thấy cảnh tượng như thế, em vụt chạy về nhà trước. Em lại ra sân ngoài hiên chơi như mọi khi chờ mẹ về. Khi thấy mẹ về, em chạy ra ôm mẹ. Mẹ em lại cho em gói qùa như lần trước. Em vui mừng cám ơn mẹ. Sau đó em chạy ra đàng sau nhà ẩn khuất sau bức tường mở gói qùa ra ăn, nhưng em thắc mắc, tại sao mẹ lại không ăn mà lại kín đáo gói mang về cho em?

Việc cứ tiếp tục xảy ra như thế. Khi đã biết được như vậy, em nhận tấm bánh của mẹ và ăn bánh mẹ em trao cho với lòng nghẹn ngào biết ơn mẹ mình đã hy sinh nhịn ăn để có bánh mang về cho con ở nhà thích ăn bánh. Xưa kia em ăn bánh mẹ cho với lòng vui tươi của trẻ thơ ngon miệng. Nay em ăn bánh với lòng thổn thức, cảm động, nước mắt chảy thành dòng trên gò má. Em cảm thấy ngon miệng và no không phải vì bánh có mùi thơm ngon của bột của đường như lúc trứơc nữa, nhưng bây giờ chất chứa tràn đầy lòng hy sinh cùng tình yêu của mẹ em trong đó.

Em cầm tấm bánh mẹ cho trên đôi bàn tay như báu vật. Em ăn bánh với tâm tình thương nhớ mẹ. Lòng biết ơn của em kết tụ lại thành những giọt nước mắt cảm động lăn trên đôi gò má của trẻ thơ... “

Trong Bí tích Thánh Thể, qua hình tượng tấm Bánh và chén Rượu, Chúa Giêsu chỉ cho con người hình ảnh cùng cách sống lòng yêu mến và khiêm nhượng sâu thẳm. Qua hình ảnh tấm Bánh Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa muốn chỉ cho con người nhìn ra, Ngài đã yêu mến con người như thế nào, nên đã hạ mình ẩn hiện trong tấm bánh trong giọt rượu.

Chúng ta được phép tiếp nhận tấm Bánh Thánh Thể, trong đó ẩn chứa hình ảnh Thiên Chúa. Và tình yêu của Ngài được mở ra cho con người qua đó, như Thánh Gioan trong sâu thẳm của đức tin đã viết để lại: Thiên Chúa là tình yêu ( 1 Ga 4,16)

3. Thiên Chúa ở đâu

Từ xưa nay, hầu như con người chúng ta đều suy nghĩ rằng Thiên Chúa và trần gian con người xa nhau diệu vợi. Thiên Chúa, Đấng ở trên trời cao thẳm, còn dưới đất trần thế này là chỗ cư ngụ của con người. Thiên Chúa ở bên phía bờ bên kia, con người ở bên bờ bên này.

Nhưng càng như đẩy xa Thiên Chúa lên tít trời cao thẳm, con người chúng ta lại càng quay trở về mình. Càng quay trở về mình, khát vọng hướng về sức mạnh và sự tự lập lại càng nảy sinh thêm nơi con người. Lằn ranh ngăn chia cách không có bình an hạnh phúc như thế giữa với Thiên Chúa với con người làm phát sinh nơi con người ước vọng thống trị. Chính điều này gây nên cùng gieo rắc đầy dẫy những bất hạnh cho trần gian.

Trái lại, Bí tích Thánh Thể nói với con người chúng ta: Thiên Chúa không ở xa con người. Ngài không ở bờ phía bên kia, không ở trên chốn trời cao thẳm, nhưng Ngài ở sát gần con người. Gần sát hơn nữa, chúng ta không thể cắt nghĩa sự gần gũi của Thiên Chúa qua lương thực tấm bánh Bí tích Thánh Thể, mà chúng ta tiếp nhận.

Thiên Chúa luôn hằng ở sát bên con người, cả trong thời gian khủng hoảng, thời điểm sống trong nghi hoặc, sợ hãi lo âu, thời kỳ gặp đau khổ. Khi gặp thập gía đau khổ chăng ngang lối cuộc đời, con người chúng ta đâu cần phải cậy vào sức lực riêng của mình, nhưng sức mạnh của Thiên Chúa trong đời sống giúp tinh thần vững mạnh vượt qua lúc khốn khó đau khổ.

Bí tích Thánh Thể kêu mời con người chúng ta tin tưởng vào sự gần gũi sát gần của Thiên Chúa.

*********

Meister Eckhard nói lên kinh nghiệm đời sống tinh thần: “Nơi nào có đổ nát hoang tàn, nơi đó ẩn chứa niềm hy vọng vươn lên như một kho tàng qúy gía. Tại sao lại không đi tìm kiếm kho tàng tình yêu Thiên Chúa trong trái tim khô cứng hoàng tàn nơi chính trái tim lòng mình?”

Bức tranh “ Bữa tiệc với những người tội lỗi” của Sieger Koeder cắt nghĩa phần nào: Thiên Chúa cũng đi vào tận trái tim tâm hồn đổ nát hoang tàn. Khung cảnh sinh ra nơi hang chuồng súc vật Bethlehem của Chúa Giêsu nói lên Chúa đã làm người giữa trần gian như thế nào!

Lễ kính Bí tích Mình Máu Thánh Chúa Giêsu