LTS. Vào trung tuần tháng 11 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận Sài Gòn, Gioan Baotixita Pham Minh Mẫn, đã khai mạc buổi hội thảo của 180 giáo chức Công Giáo qui tụ về tòa tổng giám mục để suy nghĩ và trao đổi về vấn đề giáo dục và thiên chức nhà giáo. Về thành phần tham dự, ngoài những giáo chức từ ngành mầm non đến đại học, còn có sự hiện diện của nhiều nhà giáo dục của các nhà mở và trường khuyết tật . Thuyết trình viên buổi hội thảo là Linh Mục Nguyễn Thái Hợp. Ðề tài thuyết trình: Thách Ðố Của Nhà Giáo Công Giáo. Vietcatholic Network thấy đây là tài liệu có nội dung sâu sắc,xin chia sẻ với quý vị độc giả.

THÁCH ÐỐ CỦA NHÀ GIÁO CÔNG GIÁO (bài 2)

2. Sứ Vụ Giáo Dục:

Từ thủa xa xưa Quản Trọng đã nói: “nếu lên kế hoạch một năm thì trồng lúa, mười năm thì trồng cây và trăm năm thì trồng người”. Với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và toàn cầu hoá kinh tế hiện nay, vai trò của giáo dục càng quan trọng hơn, vì phát triển kinh tế và khả năng cạnh tranh trong tương lai đòi hỏi một kế hoạch qui mô để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và phát triển nhân tài . Louis Gerstner, tổng quản trị công ty điện toán lừng danh IBM, đặt nổi “mối liên quan trực tiếp giữa giáo dục và thu nhập. Người có học vấn cao hơn sẽ có việc làm tốt hơn và thu nhập cũng cao hơn. Những nước có hệ thống giáo dục tốt hơn sẽ có nền kinh tế mạnh hơn và đồng thời là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm hơn trên thị trường thế giới”.

Chất xám được coi là tấm hộ chiếu của thế kỷ 21 và đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư quan trọng nhất cho phát triển . Thật vậy, tài nguyên tương lai của một quốc gia hoàn toàn tùy thuộc óc sáng tạo, khả năng nhận diện xu hướng của thế giới, kỹ năng khai thác tiềm năng của bộ não, tốc độ và tài sử dụng thông tin để tạo thêm giá trị gia tăng. Từ đó nhu cầu khẩn thiết là phải cải tổ hệ thống giáo dục ngõ hầu trả lời cho những thách đố của một xã hội biến đổi không ngừng.

Trước đây, nhà trường thường có xu hướng truyền đạt những kiến thức của thế hệ đi trước cho các thế hệ đi sau, làm như hành trang lâu bền cho người thụ huấn. Mục đích của việc học là nhằm tái tạo kiến thức và thành quả của quá khứ, nên hầu như đặt nhẹ công tác khám phá và dự phóng tương lai. Hiện nay, với tốc độ biến đổi nhanh và sâu rộng của khoa học kỹ thuật, một số kiến thức cũ trở nên lỗi thời và nhiều quan niệm mới xuất hiện. Nhà trường không thể bằng lòng với việc chỉ truyền đạt kiến thức cũ, cái đã biết và đã vượt qua, mà phải khám phá và dự phóng tương lai. Nói cách khác, cần phải học, nhưng nếu học theo kiểu cổ điển, nhất thiết sẽ không đáp ứng những nhu cầu của tương lai.

Giáo sư Hoàng Tuỵ có lý khi nhận định: “Phương châm giáo dục ngày nay không còn là cung cấp bửu bối, trang bị kiến thức chỉ để có kiến thức, mà là rèn luyện khả năng tư duy, khả năng thích ứng mau lẹ, rèn luyện đầu óc và nhân cách, để có những con người ném vào hoàn cảnh nào cũng xoay xở và vươn lên được tối đa, tự khẳng định mình đồng thời thúc đẩy cộng đoàn tiến lên” .

Giáo dục trong tương lai phải khuyến khích người thụ huấn biết tham khảo, đọc sách, suy nghĩ độc lập, có tinh thần phê phán, óc sáng tạo, nắm bắt nhanh những cái mới và can đảm nhìn nhận tính tương đối nơi số vốn kiến thức của mình, ngõ hầu cải tiến không ngừng và thích nghi tốt với tốc độ biến đổi của thế giới.

Chủ đích của giáo dục cũng không chú trọng đến việc khai thác trí nhớ của người thụ huấn và thái độ tiếp thu một cách thụ động mớ kiến thức cứng nhắc và bất biến, mà làm sao phát huy trí tưởng tượng, khuyến khích suy tư cá nhân và rèn luyện thái độ “học để học” trong suốt cuộc đời. Tính cá nhân hóa của giáo dục trong tương lai càng làm cho quan niệm “học để học” trở thành chủ đạo. Nền giáo dục tốt là chương trình giáo dục biết dự phóng, tạo điều kiện và cung cấp phương tiện để người thụ huấn phát triển tư duy sáng tạo.

Người ta kể lại rằng: “Một buổi tối, Ernest Rutherford, nhà vật lý nổi tiếng người Anh, ghé vào phòng thí nghiệm. Mặc dù đêm khã khuya, một sinh viên của ông vẫn miệt mài làm thí nghiệm. Ông hỏi anh ta: “Anh làm gì muộn vậy?”. Người học trò trả lời: “Thưa thầy, con làm thí nghiệm”. Ông hỏi tiếp: “Thế ban ngày anh làm gì?”. Anh ta hồ hởi trả lời: “Con làm thí nghiệm”. Ông thầy băn khoăn hỏi: “Và sáng sớm hôm nay anh cũng làm thí nghiệm ư?”. Người học trò gật đầu và chờ đợi lời khen thưởng của thầy. Nhưng ông thầy sa sầm nét mặt và bực bội hỏi: “Này anh, bao giờ anh mới suy nghĩ?”

Thế kỷ 21 cũng là thế kỷ của toàn cầu hoá và tự do mậu dịch. Chất lượng của hàng hóa sẽ là một trong những thước đo giá trị và chất lượng của giáo dục. Giáo dục, nhất là giáo dục ở Đại học, ngày càng gắn liền với doanh nghiệp, thị trường và xã hội. Nhờ mối tương quan hiện sinh này người ta có thể xác định tốt hơn nhu cầu, số lượng và nội dung của giáo dục. Từ đó, chúng ta sẽ ý thức rõ rệt hơn việc cần thiết cập nhật hóa kiến thức chuyên môn hấp thụ ở nhà trường.

Chính những thay đổi của khoa học kỹ thuật và yêu sách của thời đại đã đặt nổi tư duy sáng tạo. Người sinh viên học sinh cần bước đi trên đôi chân của mình, suy tư độc lập với chính bộ não của riêng mình, có tinh thần phê phán, luôn thắc mắc tra cứu và can đảm đặt lại ngay cả những câu trả lời đã được chấp nhận. Biết nhìn vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau và đặt những “câu hỏi hay” để khai mở những chân trời mới, để đưa ra lời giải quyết độc đáo và mới mẻ nhất.

Nếu xưa kia người ta thường dựa trên những tri thức và phương tiện đã có sẵn trong tay, để rồi từ đó đưa ra mục đích muốn đạt tới, xu hướng của tương lai, ngược lại, trước tiên xác định mục đích muốn đạt tới, rồi sau đó mới vận dụng tất cả mọi phương tiện đã có cũng như chưa hề có để thực hiện mục đích đó.

Phương pháp giáo dục cổ truyền thường dạy hàng triệu học sinh cần mẫn ghi bài, hết hàng này sang hàng khác và từ cột này đến cột kia. Ngày nay một số chuyên viên đề nghị nên cất giữ thông tin theo kiểu phân loại và liên hệ tương quan của bộ não. Đây là một lối tư duy mang tính phát tán tỏa lan: Cây ký ước có gốc lớn, rồi từ gốc này tỏa lan sum suê nhiều cành và mỗi cành có nhiều nhánh. Mỗi tế bào chốt cứ trên một cành và chịu trách nhiệm lưu tồn một thông tin liên quan. Cây ký ước này luôn được bổ sung bằng những cành mới. Thỉnh thoảng cũng có nhiệm vụ chặt tỉa những cành không cần thiết.

Việc cải tổ chương trình giáo dục vì vậy là một thách đố hàng đầu cho tất cả các nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển nhất. Từ mấy thập niên nay, các nước lớn như Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Nga...đều lấy mốc năm 2000 làm đích của cuộc canh tân giáo dục để thích ứng với thiên niên kỷ mới. Theo dự báo của Hiệp hội Điện tử Hoa-kỳ, trong thế kỷ tới mỗi năm nước Mỹ cần tới 140.000 chuyên viên các ngành kỹ thuật cao, nhưng con số sinh viên kỹ thuật tốt nghiệp hàng năm không đủ để đáp ứng nhu cầu này. Các công ty tại Mỹ đang vất vả truy tầm chuyên viên kỹ thuật lành nghề và phải mở cửa đón nhận những chuyên viên nước ngoài. Hiện nay khoảng 45% chuyên viên kỹ thuật có học vị tiến sĩ ở Mỹ là người nước ngoài. Chính vì vậy, hơn 3000 công ty thuộc ngành kỹ thuật thông tin và điện tử đã yêu cầu chính phủ nghiên cứu lại vấn đề đào tạo.

Ngoài ra, nếu tỷ lệ mù chữ của các nước công nghiệp phát triển đã giảm từ 3,4% vào năm 1980 xuống 1,3% vào năm 1995, cách mạng khoa học kỹ thuật đã sản xuất một lớp người “mù chữ mới”. Họ là những người không có khả năng thích ứng với những thay đổi, nhất là những thay đổi về mặt công nghệ. Chẳng hạn một số người ít học hoặc lớn tuổi tại các nước phát triển không có khả năng xoay xở và đối thoại với máy tự động trong khoảng thời gian ấn định, hoặc không sử dụng được máy vi tính, không biết mở và gởi E mail, hoặc không biết lấy thông tin trên mạng. Họ là những người “mù chữ” trước kỹ thuật tân tiến, cho dù một đôi khi có học vị cao.

Giáo dục còn có chiều kích thứ hai chú trọng đến việc tu thân, luyện tính, phát triển con người toàn diện. Đào tạo không phải chỉ truyền đạt một mớ kiến thức hay kỹ năng, mà còn là một phương pháp trị liệu những khuyết điểm và thói hư tật xấu. Quá trình giáo dục sẽ giúp con người biến đổi chính bản thân, giảm thiểu tham, sân, si và kiểm soát được những xung lực tư nhiên. Học thức có thể cho ta một số vốn, nhưng chưa làm cho ta trở thành trí giả, biết phán đoán và đánh giá sự đời người thế một cách đúng đắn.

Đây là một tiến trình bồi dưỡng và phát triển tâm linh. Đây cũng là giai đoạn xám hối, hoán cải, hồi tâm... để nhìn rõ chính con người thật của mình. Những giây phút thinh lặng, suy niệm, tâm nguyện, tập trung tư tưởng, tọa thiền... giúp con người phản tỉnh và đối diện với chính mình.

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, kinh tế thị trường... càng làm cho con người dễ bị lôi cuốn, kích thích, ham muốn nhiều hơn. Nhiều người lo sợ con người hôm nay có thể biến thành một thứ “robot”, chỉ còn những phản xạ được điều kiện hóa, chứ không thực sự tự quyết, tự chọn, tự chủ chính mình. Càng hoạt động và chạy theo thời đại, con người càng có nguy cơ tha hóa và đánh mất niềm vui nội tâm.

Nói chung nền giáo dục của các nước tiên tiến thành công trong việc chuyển đạt tri thức, nhưng đang gặp nhiều khó khăn trong trách vụ đào tạo và phát triển con người toàn diện. Có thể ví con người hôm nay như một “bệnh nhân”: lý trí và cơ thể phát triển rất nhanh, nhưng tinh thần và tâm linh thì èo ọt, thậm chí thoái hóa. Sự phát triển của kinh tế và khoa học kỹ thuật là yếu tố tích cực trong lịch sử nhân loại. Nhưng nó như con tuấn mã bất kham, cần được thuần hóa và hướng dẫn. Rất tiếc là người kỵ sĩ hiện tại quá yếu, không đủ khả năng để thuần hóa một con ngựa chứng quá mạnh. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân của cuộc khủng hoảng về giáo dục hiện nay. (Ngày mai: Thách Ðố Ðối Với Giáo Chức Công Giáo Việt Nam)