ĐỒNG HÀNH VỚI DÂN TỘC: MỘT CƠ HỘI LỚN

VietCatholic xài “đồ cũ”

Tối 29-04-2009 tôi vào trang mạng VietCatholic để tìm tin tức sốt dẻo thì thấy ở đầu “điểm nóng” là lá thư ngỏ của HĐGM/VN gửi Quốc Hội và các Hội đồng nhân dân sau Đại Hội các Giám mục năm 2002. Tôi nghĩ Ban Điều Hành VietCatholic cũng giống bà mẹ nhà quê thấy con đau thì đi tìm lại cái toa thuốc bác sĩ đã cho bảy tám năm về trước. Tôi đoán được tâm trạng của VietCatholic trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng do vấn đề bauxite Tây Nguyên tạo nên: bức xúc trước câu chuyện thời sự nóng bỏng, lại muốn có được một tiếng nói của lãnh đạo Công Giáo để đem ra trình làng nhưng tìm không ra, VietCatholic đành chấp nhận “xài đồ cũ” là cho đăng lại một tài liệu cách đây mới có 7 năm.

Lỡ tàu

Thật ra thì bauxite Tây Nguyên không phải là chuyện mới, vì đã được quyết định từ Đại hội Đảng khoá IX nghĩa là cách đây đã bảy tám năm. Trong số những người đầu tiên lên tiếng về vấn đề hệ trọng này, phải kể đến vị công thần của chế độ: đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng trong số các vị lãnh đạo tôn giáo, thì người đầu tiên công khai bày tỏ lập trường là hoà thượng Thích Quảng Độ vào ngày 29-03-2009. Sau khi đọc lời kêu gọi của hoà thượng, tôi thầm nghĩ: Giáo Hội Công Giáo tuyên bố “đồng hành với dân tộc” nhưng lại thêm một chuyến… lỡ tàu.

Vấn đề bauxite Tây Nguyên

Nếu bauxite Tây Nguyên không phải là chuyện mới như vừa nói trên đây, thì vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm kể từ cuộc hội thảo tại Dak Nông ngày 28-10-2008 với chủ đề “Tìm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bô-xít, sản xuất alumin và luyện nhôm tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.” Nói cho chính xác thì tại Việt Nam tuy có đến trên dưới 700 tờ báo viết (“bằng chứng” của “tự do báo chí” !), bauxite Tây Nguyên là đề tài báo chí chỉ (được phép) đề cập đến cách qua loa mà thôi. Trong khi đó, ai có điều kiện đọc các tài liệu trên mạng, thì các bài viết về đề tài này nhiều vô số kể, đặc biệt trong thời gian gần đây. Đáng lưu ý hơn cả là bản kiến nghị của một nhóm trí thức đứng đầu là giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tiếp theo sau là nhiều nhà khoa bảng, nhiều nhân vật tên tuổi ở trong cũng như ngoài nước, thuộc nhiều lãnh vực khác nhau: khoa học, kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh quốc phòng, chỉ sau 3 ngày lưu thông trên mạng đã có tới 132 chữ ký, và thêm 2 ngày nữa là trên 1000. Riêng VietCatholic trong thực tế là diễn đàn của người Công Giáo ở trong cũng như ngoài nước, thì cũng phải đợi đến trung tuần tháng 4 vừa qua mới bắt đầu lên tiếng. Nhưng cũng từ thời điểm này bauxite Tây Nguyên trở thành điểm nóng của diễn đàn với nhiều bài viết mỗi ngày.

Khi lửa Thái Hà lan đến Tây Nguyên

Gần một tháng sau phiên xử phúc thẩm (27-03-2009) khi ngọn lửa Thái Hà có vẻ như đang chùng xuống thì nó lại được thổi bùng lên qua giờ cầu nguyện của giáo xứ Thái Hà tiếp theo sau lễ chiều ngày 25-04-2009. Theo đài BBC thì vị chủ tế, cha Nguyễn Văn Khải, đã “nhấn mạnh đến những tác hại của việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên như sẽ huỷ hoại môi trường sống, nguy hiểm cho an ninh quốc gia…” Và sau đó nhiều người đã ký tên vào một đơn kiến nghị ủng hộ môi trường sống ở Tây Nguyên, phản đối dự án bauxite.

Rồi từ Việt Nam qua Mỹ

Chưa hết. Ngọn lửa đang cháy dữ dội ở Việt Nam chưa kịp dập tắt thì nó đã lan qua Mỹ. Và người cầm đuốc châm lửa chính là linh mục Lê Quang Uy: chỉ mấy ngày sau khi bài “Hãy cứu lấy Tây Nguyên” được đưa lên mạng, thì theo lời cha Uy: “Không phải dăm ba chục người, hay vài trăm người, mà là hàng ngàn người khắp mọi nơi, Bắc Trung Nam, trong nước ngoài nước, đủ mọi thành phần, già trẻ lớn bé, từ bà nội trợ đến những cô giáo, từ anh xe ôm đến ông bác sĩ, từ chị tiếp thị đến cụ già hưu trí, từ chú công nhân đến bạn sinh viên… Có người ghi tên trọn vẹn cả gia đình, vợ chồng, con cái, dâu rể, cả tên những em bé mà họ ghi rõ “chưa đi học”. Chúng tôi thoáng băn khoăn, ơ hay, “chưa đi học” thì đâu đã ý thức gì mà bảo là ủng hộ với lại chống đối một chuyện tày đình của đất nước ? Nhưng rồi chúng tôi kịp hiểu ngay: đây là chuyện ảnh hưởng cả dân tộc, cả thế hệ. Em bé tý xíu chưa biết gì, nhưng cha mẹ bé kiên quyết không muốn con cháu mình phải gánh chịu hậu quả bi đát do sự hèn nhát câm lặng của thế hệ đi trước”…

Sở dĩ lời kêu gọi của các cha Lê Quang Uy và Nguyễn Văn Khải được hưởng ứng hết sức nồng nhiệt, là vì từ lâu lắm rồi, người tín hữu Công Giáo chỉ chờ đợi một tiếng nói từ phía người lãnh đạo. Qua vụ Toà Khâm Sứ - Thái Hà, ta có thể quả quyết rằng chỉ cần người lãnh đạo dám noi gương vị Mục Tử hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, người tín hữu Công Giáo hôm nay có một đức tin đủ mạnh để sẵn sàng hy sinh vì công lý, vì sự thật. Nhất là các bạn trẻ, họ không thể hiểu được, và ngày càng tỏ ra bất bình trước sự thinh lặng, trước vẻ thờ ơ của các vị lãnh đạo tôn giáo của mình. Ta có thể nhận thấy điều đó chẳng hạn qua lời tâm sự của Cát Nguyên, tác giả bài “Vì sao đi lễ nhưng tôi không nghe giảng?” (VietCatholic 27-04-2009), hay của Gio-an Lê Quang Vinh: “Mục tử im tiếng trước bạo quyền là mục tử không nhân lành” (VietCatholic 20-04-2009).

Tất cả đều là chuyện đất

Chuyện đất Toà Khâm Sứ, đất Thái Hà, hay đất Tây Nguyên, tất cả đều là chuyện đất. Thế nhưng khi ta tranh đấu để đòi lại đất Toà Khâm Sứ hay đất Thái Hà, cho dù mục tiêu tối hậu là công lý, là sự thật, thì đối với những người ngoài Công Giáo, chúng ta chỉ tranh đấu cho quyền lợi của chúng ta. Nhưng khi ta hiệp lực tranh đấu để đất Tây Nguyên khỏi bị tàn phá, thì ta cùng với mọi giới đồng bào trong cả nước tranh đấu cho quyền tối thượng, cho sự sống còn của cả Dân tộc chúng ta. Thế thì đây là cơ hội ngàn năm một thuở để ta chứng minh rằng không phải ta chỉ đứng xa xa, tay xỏ vào túi quần, miệng hô hoán “đồng hành với Dân tộc”, nhưng trước hiểm hoạ khôn lường đe doạ sự tồn vong của Dân tộc, ta thật sự cùng một nhịp tim, cùng một hơi thở, cùng một tiếng nói với mọi giới đồng bào nhắc cho giới lãnh đạo hôm nay rằng đất nước này không phải của riêng một nhóm người nào, rằng ngay cả khi có lợi về mặt kinh tế (và điều này chưa chứng minh được), thì còn phải quan tâm đến các mặt khác nữa như môi sinh, xã hội, văn hoá, an ninh quốc phòng… rằng “Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu” đã là quá đủ.

Đảng hay Dân tộc?

Khi Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng khẳng định rằng khai thác bauxite Tây Nguyên là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà Nước (Cộng sản việt Nam), và khi các chuyên gia hàng đầu về nhiều lãnh vực khác nhau chứng minh rằng khai thác bauxtie Tây Nguyên là đưa Dân tộc đến sự tự huỷ diệt, thì mỗi người dân Việt Nam đều đứng trước một sự lựa chọn: hoặc là nhắm mắt làm ngơ cho Đảng muốn làm gì thì làm, hoặc là mạnh mẽ lên tiếng phản đối kế hoạch khai thác để đảm bảo sự sống còn cho cả Dân tộc Việt Nam.

Kết luận

Khi bị kết án là theo Tây, theo Mỹ, là đứng bên lề Dân tộc, người Công Giáo Việt Nam chúng ta nổi xung là chuyện dễ hiểu, vì kết án như vậy là có phần vội vã, hồ đồ. Nhưng hôm nay, đối diện với một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, gây những hậu quả tai hại vô cùng to lớn, không những cho thế hệ hôm nay mà còn cho nhiều thế hệ mai sau, nếu chúng ta, các tín hữu Công Giáo, vốn chiếm không dưới 7% dân số Việt Nam, mà cứ bình chân như vại, không có nổi một tiếng nói chung, thì như lời đức cha Nguyễn Văn Tân đã nói cách đây không lâu, liệu chúng ta sẽ trả lời làm sao cho các thế hệ mai sau ?

Sài-gòn, ngày 03 tháng 05 năm 2009

pascaltinh@gmail.com