Truyện ngắn: Quán Rượu Nửa Đêm
...Quán Rượu Nửa Đêm, truyện ngắn tâm lý xã hội của Nguyễn Trung Tây bàn về những xung đột căng thẳng đến độ nghẹt thở trong gia đình Việt Nam giữa bố mẹ và con cái.Những xung đột này nảy mầm từ Việt Nam, trôi qua Biển Đông, và vươn cao thành cây cổ thụ trên vùng đất mới. Không biết bao giờ những xung đột này mới chịu tan loãng và biến mất vào trong thinh không?
Quán rượu vắng hoe vào khoảng 12 giờ đêm cũng là giờ đóng cửa. Người bartender lay gọi thằng Đình,
— Ê, dậy. Tới giờ quán đóng cửa.
Thằng Đình dụi hai mắt, ngơ ngác nhìn chung quanh, cái giầy bên chân trái đã rớt xuống sàn nhà từ hồi nào. Nó cúi xuống, nhặt lên chiếc giầy, sỏ lại vào chân,
— Ủa, tới giờ đóng cửa rồi sao?
— Mày là thằng khách cuối cùng đó con ạ. Nửa đêm rồi.
Thằng Đình móc tay vào túi quần lôi ra trong bóp một đồng, đặt lên quầy rượu. Nó đứng lên, giơ tay chào người bartender. Bóng thằng Đình đổ dài trên đường rồi biến mất sau cánh cửa của quán rượu vào lúc nửa đêm.
Ông Ricô biết thằng Đình khá lâu rồi. Lần đầu tiên nó bước vào quán rượu một mình. Thằng Đình chưa kịp mở miệng, ông nhăn mặt, xua tay,
— Ở đây không có bán kem.
Thằng Đình cười, nụ cười thông cảm,
— Tôi không ăn kem. Một ly Brandy Manhattan.
— Được, cho xem thẻ căn cước.
Thằng Đình móc bóp lấy thẻ lái xe đưa cho người bartender. Nhìn tấm hình rồi lại nhìn thằng Đình, ông Ricô không tin vào con mắt của mình, “Chúa ơi, thằng nhỏ Á Châu mặt non choẹt này đã dư tuổi uống rượu”.
Thằng Đình thỉnh thoảng ra quán. Thông thường nó đi một mình vào ban đêm khoảng 10 giờ tối. Ngồi tại quầy rượu, nó gọi một ly Brandy Manhattan, đôi khi Absolut Vodka, hút mấy điếu thuốc, rồi bỏ về vào khoảng nửa đêm lúc quán gần đóng cửa. Có một hoặc hai lần nó gục đầu ngủ quên trên quầy rượu. Khuôn mặt của thằng Đình hiện lên vài nét tinh nghịch với cái trán cao, tóc ngắn, chải với keo theo kiểu mới, sợi tóc đâm tua tủa lên trời. Cặp mắt mầu nâu, khi cười tạo nên hai đường dài nơi khóe mắt, nhưng lúc bình thường nhìn buồn thiu. Thằng Đình ít nói. Ban đầu ông Ricô tưởng nó không biết nói tiếng Anh. Khi thân với nó, ông biết tính của thằng khách trầm lặng. Nhưng nếu gặp đối tượng, đúng đề tài, thằng Đình sẽ nói, nói rất nhiều. Có mấy lần ông thấy hai ba bà khách sang trọng ngồi cạnh nó gợi chuyện, rủ đi chơi, nhưng thằng nhỏ lắc đầu nói cám ơn. Tò mò ông hỏi,
— Tao đợi mãi mà mấy bà khách sộp đó chưa bao giờ mở miệng hỏi han một câu, nói chi đến chuyện rủ đi ăn. Sao mày không đi với họ…sướng đủ điều?
Thằng Đình lười biếng, mặt không hứng khởi, không nói chi. Vào khoảng 11 giờ đêm, quán đã bớt khách, ông hay kéo ghế ngồi trước mặt nó nói chuyện. Nhờ thế ông mới biết thằng Đình đang học Cử Nhân ngành Tâm Lý. Những lúc học bài xong, rảnh rỗi, và hứng thú—theo lời nó nói—thằng Đình ra quán uống một ly rượu, rồi về nhà ngủ.
— Hồi mới gặp, tao tưởng mày là Chino.
Thằng Đình lắc đầu, bộ mặt bí hiểm,
— Tôi họ Nguyễn. Họ đó Chinos không có. Ông biết vị vua cuối cùng của Vietnamitas không?
Người bartender ngáp dài, lơ đãng nhìn người khách mở cửa bước vào quán, lắc đầu,
— Không. Nhưng coi phim The Last Emperor, tao biết Phổ Nghi là vua cuối cùng của người Trung Hoa.
Thằng Đình gõ tay xuống mặt quầy rượu,
— Ông về học lại Lịch Sử thế giới đi. Vua cuối cùng của Việt Nam là Bảo Đại. Ông ấy họ Nguyễn.
Ông Ricô trề môi, khịt mũi,
— Ai thèm học lịch sử nước mày.
Thằng Đình nhìn ông Ricô, nhếch miệng cười ruồi. Người bartender dáng người tầm thước. Bố Mễ, mẹ Ý. Đầu mũi cong xuống. Tóc đen, thẳng, cắt ngắn kiểu flat-top. Bụng khá to so với cái tuổi trung niên, có lẽ tại uống nhiều beer. Tính tình vui vẻ, thân thiện, hay nói, không giận ai lâu. Nghe thằng Đình nói ông vua cuối cùng họ Nguyễn, người pha rượu vắt cái khăn lau bàn màu trắng lên vai, đập tay thằng Đình,
— Ê, như vậy là mày thuộc về hoàng gia rồi.
Thằng Đình nhếch mép,
— Ông biết hoàng gia trong tiếng Việt Nam có nghĩa là gì không? Hoàng là hoàng đế, gia là gia đình, gia tộc. Hoàng gia có nghĩa là gia đình thuộc về hoàng đế. Nhưng tôi nghĩ hơi khác. Bên Việt Nam, chỉ có vua mới được mặc áo mầu vàng. Cho nên hoàng gia có nghĩa là gia đình có dính dáng đến mầu vàng. Ông có nhớ chất mà người ta thải ra ngoài mầu gì không?
Ông Ricô lắc đầu điệu bộ ngao ngán,
— Mày còn nhỏ mà sao ăn nói cay đắng vậy?
Những lúc máy điện toán bị trục trặc, ông Ricô nhờ thằng Đình ghé tới nhà sửa hộ. Trả công cho thằng Đình, ông nấu cho thằng nhỏ Spaghetti kiểu Ý, một món mì truyền thống gồm có thịt heo bầm vo viên trộn nhiều tỏi sống và cà chua ăn với bánh mì. Cơm dọn ra, ông với đứa con gái duy nhất đang học trung học và thằng Đình ngồi ăn tối. Con Maria có những bài toán không biết làm, sau bữa ăn hay mang ra nhờ brother Đình chỉ. Thằng Đình hình như không để ý đến con Maria. Có vài lần nó dẫn tới quán rượu một cô gái Á Châu. Về sau ông mới biết cô ta người Nhật. Nhìn cách hai đứa ngồi nói chuyện, ông biết thằng Đình mết con nhỏ. Cũng có một lần khác, thằng Đình tới quán với một người Á Châu lớn tuổi. Thoạt tiên ông tưởng là bố nó, bởi nghe thằng nhỏ gọi người này là father. Nhưng nó nói không phải.
— Ủa, vậy người đó là ai? Đừng nói với tao ông ấy là cố đạo nhé?
Thằng Đình chau mày nhìn ông Ricô, điệu bộ quan sát,
— Ông gốc Mễ, Công Giáo phải không?
Người bartender hất hàm,
— Rồi thì sao?
— Ông ta là cố đạo đó. Tôi học một lớp của ông ấy, lớp Triết.
— Mày mà không nói, tao tưởng người đó là ông già mày.
Thật là bất ngờ, sau câu nói của ông Ricô, thằng Đình nghiêm nét mặt nhìn thẳng vào mắt người bartender nói rõ từng chữ,
— Tôi không có bố.
Người bartender khựng lại,
— Xin lỗi! Tao nghe không rõ. Mày nói…mày không có bố hay là bố mày…chết rồi?
Thằng Đình nói chậm, rõ từng tiếng,
— Bố tôi còn sống, nhưng người đó không phải là bố tôi.
Người bartender giơ hai tay lên trời, điệu bộ phân bua,
— Tao không hiểu mày muốn nói chi.
Không để ý đến ông Ricô, thằng Đình lơ đãng nhìn vào ly rượu,
— Bố tôi còn sống, nhưng tôi…tôi không nhận người đó là bố.
Ông Ricô nhìn chung quanh, đèn mầu xanh đỏ chiếu hắt hiu lên một vài khuôn mặt còn sót lại trong quán rượu. Nhạc Jazz xa vắng tô đậm thêm nét vắng vẻ của quán vào lúc gần nửa đêm. Kéo ghế tới trước mặt thằng Đình, người pha rượu ngồi xuống. Trong chậm rãi ông hỏi, giọng thân tình,
— Ông bạn nhỏ, chuyện gì xảy ra vậy?
Thằng Đình cầm ly rượu lắc lắc những cục đá, đưa lên miệng. Người bartender khoác tay,
— Để tao pha cho mày một ly mới. Ly này của tao... Tao trả tiền ly này.
Thằng Đình nhìn người bartender đổ rượu ra ly. Một tay gõ nhè nhẹ lên mặt bàn gỗ, một tay nó chống cằm. Người pha rượu nhẹ nhàng đặt ly Brandy Manhattan trước mặt thằng Đình. Cầm ly rượu mới, nó không uống, nhưng lại xoay nhè nhẹ. Cuối cùng nó cầm ly đưa lên miệng uống một hơi,
— Người mà ông gọi là bố tôi vượt biển, bỏ lại mẹ tôi và tôi khi đó đang còn là một bào thai. Ông ta tới trại tỵ nạn, sau đó định cư ở Hoa Kỳ. Trong gần mười năm trời ông không viết thư về cho gia đình ngoại trừ lá thư báo tin đã tới đảo Pulao Bidong. Sau khi sinh ra tôi, mẹ tôi xoay sở làm đủ nghề. Nhưng bà ấy hiền quá, bị hết người này tới người kia gạt gẫm. Cuối cùng gia tài và sản nghiệp nhỏ nhoi của một cặp vợ chồng mới cưới tan theo mây khói. Túng quẫn, mẹ tôi đi ở đợ, làm mướn, sau cùng bế tôi đi…đi…đi ăn xin. Một thời gian đủ dài tôi được nuôi sống bởi những hạt cơm bố thí của thiên hạ. Bà ngoại tôi, một góa phụ từ hồi còn trẻ, một tay nuôi hai cô con gái nên người, không đồng ý cho mẹ tôi lấy người đó. Nhưng mẹ tôi cãi lại lời bà ngoại. Ngày hai người làm đám cưới, bà ngoại nằm ở trong nhà, quyết định không nhận mặt con rể. Sau khi cưới, bố mẹ tôi dọn nhà lên thành phố. Nghe bà con lối xóm kể chuyện gặp con gái bế thằng cháu ngoại đi ăn xin, bà ngoại đón xe lên thành phố ngồi đợi ở chợ nơi mẹ tôi ngày ngày ngửa tay xin tiền của thiên hạ. Mẹ tôi không chịu về làng nhưng chấp nhận để bà ngoại mang thằng cháu đi. Theo lời Dì Hoa, em gái duy nhất của mẹ tôi kể lại, khi đó tôi được hai tuổi, sài đụi, ghẻ lở, xanh lét như những lá trầu không bà tôi hằng ngày mang ra chợ bán. Bồng tôi về, bà ngoại nấu nước tắm với sả và phèn chua chữa bệnh ghẻ cho tôi. Bà nấu cháo pha đường, mua sữa hộp nuôi thằng cháu. Dì Hoa ngày ngày chạy qua cho tôi bú thép. Tôi lớn lên bên vườn trầu không xanh tươi sau nhà. Nhưng, hai năm sau khi tôi được bốn tuổi, bà ngoại qua đời. Dì Hoa mang tôi về nhà nuôi với ba đứa con. Ở với dì được khoảng hai năm, cả nhà dì tôi được đi sang Mỹ theo diện H.O. của chú tôi, dượng Ba. Một người bạn thân của mẹ tôi, bà ta có hai người con đang ở ngoại quốc, mang tôi về nhà. Một năm sau, bà ta bay sang Pháp đoàn tụ với con gái của mình. Cuối cùng người ta bỏ tôi vào Viện Cô Nhi Tình Thương do mấy Sơ Áo Trắng Dòng Thánh Phaolô phụ trách.
Ngày mẹ tôi nhận được giấy bảo lãnh, bà đến Viện Cô Nhi xin lại con mình. Khi đó tôi đã được mười hai tuổi. Nhìn người đàn bà xa lạ, tôi không chịu đi theo. Tôi khóc, tay bám chặt tà áo dòng trắng của Sơ Anna, người nuôi và dạy tôi học trong suốt năm năm trời. Mẹ mang tôi về ở tạm căn nhà bỏ hoang của bà ngoại. Tôi không ngừng tiếng khóc, bỏ ăn mấy ngày, rồi sốt nặng. Khi Sơ Anna đến thăm, tôi ngừng khóc, chạy ra nắm áo Sơ, đòi theo Sơ về lại Viện Cô Nhi. Trước tình cảnh đó, mẹ tôi chịu thua.
Tôi về ở lại với Sơ Anna áo trắng, không chịu đi Mỹ. Cuối cùng Sơ ôm tôi vào lòng, thủ thỉ nói, “Con đi sang đó, học giỏi, đi làm, gửi tiền về cho Sơ nuôi các em như Sơ đã từng nuôi và dạy con học. Con không đi, trong tương lai, Sơ không có tiền, Viện Cô Nhi sẽ phải đóng cửa”.
Nghe lời Sơ, tôi, mười ba tuổi bước chân lên phi cơ đi sang Mỹ. Còn hai ngày nữa, trước khi rời Việt Nam, vào một buổi chiều mẹ tôi tới Cô Nhi Viện, xin phép Sơ Anna dẫn tôi ra thăm mộ ông bà ngoại. Mẹ tôi đốt nhang cho hai ngôi mộ nằm cạnh nhau, rồi ngồi khá lâu trước mộ của bà ngoại. Cuối cùng bà quay sang tôi, gọi, “Đình...” Tôi nhìn mẹ, chờ đợi. “Mẹ…mẹ xin lỗi con”. Tôi ngơ ngác nhìn xuống tấm hình của bà ngoại trên bia mộ. Tôi nhớ lại tôi đã yên lặng, không biết nói gì. Tôi liếc nhìn thấy mắt mẹ đỏ hoe. “Mẹ vừa xin lỗi bà. Bây giờ mẹ xin lỗi con”.
Qua tới Mỹ vào năm lớp Mười Một có một lần tôi đi theo mấy thằng bạn đánh nhau với đám…đám Mễ và Mỹ đen—thằng Đình ngập ngừng, ngước nhìn ông Ricô. Tôi bị một thằng Mễ chém trúng một nhát khá sâu trên bắp tay phải. Ôm chặt lấy vết thương, tôi chạy về nhà. Bữa đó mẹ tôi về nhà sớm. Tôi thoáng thấy bà loay hoay nấu cơm trong bếp. Nhìn thấy tôi bỏ chạy lên phòng với bàn tay phải đẫm máu, bà đi theo tôi lên lầu. Tôi chạy vô phòng, đóng mạnh cánh cửa lại. Bất chợt tôi thấy cả một bầu trời rực sáng với những tia nắng lung linh nhảy múa. Quay cuồng với những đốm sáng, tôi ngã gục xuống sàn nhà, không kịp vặn chốt khóa cửa. Tôi thấy Sơ Anna mặc áo dòng trắng toát bước nhẹ vào phòng, đắp lên trán tôi miếng khăn ướt. Tôi thấy những dòng máu đỏ từ tay phải phun thẳng vào mặt và áo trắng của Sơ. Tôi hét lên, tỉnh cơn ác mộng! Mở mắt ra, tôi thấy mình đang nằm trên giường, tay băng kín. Mẹ tôi đang ngồi bên cạnh. Bà không nói gì, nhưng khẽ mỉm cười, nụ cười bao dung của Sơ Anna vào những lúc gặp tôi bị Mẹ Bề Trên phạt quỳ; nụ cười thánh thiện của Sơ Anna vào những lúc nhìn thấy tôi ngủ gật giật mình tỉnh giấc trong giờ kinh tối với các Sơ; nụ cười thiên đàng của Sơ Anna vào những lúc mang tô cháo nóng bốc mùi hành và tiêu sọ để trên đầu giường khi tôi bị bệnh. Tôi nhìn mẹ, nhìn thật lâu. Cuối cùng lần đầu tiên trong đời, vào năm mười bẩy tuổi, tôi giơ tay ra nắm bàn tay của người đàn bà đã sinh ra tôi, bế tôi đi ăn xin hai năm trời, và tôi mở miệng gọi “Mẹ ơi”...
Vết chém khá sâu khiến tôi bị sốt nặng. Ngày hôm sau mẹ tôi cáo ốm không đi làm. Bà lái xe đến trường xin phép cho tôi nghỉ học một tuần. Về lại nhà, bà mang tôi đi bác sĩ. Ông bác sĩ khâu lại vết chém, cho thuốc trụ sinh uống. Bà muốn nghỉ nguyên một tuần ở nhà với tôi; nhưng tôi nói, “Mẹ đi làm đi. Con thấy khỏe trong người rồi”. Mẹ nheo mắt cười với tôi, lại cái nụ cười bao dung của Sơ Anna! Sáng hôm sau bà đi làm, nhưng cứ khoảng hai tiếng lại gọi điện thoại về nhà. Chiều chiều bà nấu cháo với thịt heo bầm, rắc tiêu sọ và hành thơm cho tôi ăn. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy hạt mầm của tình mẫu tử nẩy lộc, đâm chồi trong lòng. Lần đầu tiên trong đời, những hờn giận với người đàn bà sinh ra tôi bắt đầu chịu bốc hơi, từ từ tan biến vào trong thinh không. Lần đầu tiên trong đời, tôi chấp nhận là mình có một người mẹ…
Thằng Đình dừng lại, trầm ngâm với dòng tư tưởng.
— Còn trước đó?
Người pha rượu lên tiếng phá vỡ bầu không khí yên lặng. Cầm tờ giấy napkin lau khóe miệng, thằng Đình nói,
— Tôi nghĩ mình là con mồ côi, không cha không mẹ…
Vo tròn tờ giấy napkin lại, thằng Đình tiếp tục,
— Vào một buổi tối trước khi rời nhà vô đại học, lấy hết can đảm tôi nhắc lại câu chuyện trước nấm mộ của ông bà ngoại. Tôi hỏi tại sao mẹ lại nói với tôi những lời nói đó trước mộ của bà ngoại. Mẹ nhìn tôi, mặt đăm chiêu xa vắng, “Hôm đó mẹ ra mộ chia tay với ông bà ngoại. Mẹ sợ không còn cơ hội về lại quê nhà thăm mồ mả ông bà. Lúc đứng trước mộ của bà ngoại, mẹ…mẹ xin lỗi bà…” Mẹ tôi dừng lại, do dự. Tôi bật miệng hỏi, “Có phải…tại mẹ…mẹ cãi lời bà không”? Mẹ lắc đầu, điệu bộ cương quyết, “Không! Mẹ không xin lỗi bà về chuyện hôn nhân của riêng mình. Cho đến ngày hôm nay, mẹ chưa có một lần hối hận đã lấy bố con. Có thể bố không yêu mẹ như mẹ yêu bố. Nhưng trong tình yêu, mẹ không hối tiếc đã yêu bố con, đã lấy bố con”. Tôi nhìn ánh mắt long lanh của mẹ, yên lặng chờ đợi. “Mẹ xin lỗi bà vì mẹ vắng mặt trong những ngày cuối đời của bà. Mẹ cũng xin lỗi bà vì đã thiếu bổn phận với con…” Mẹ tôi nuốt nước miếng, nói tiếp, “Mẹ nói cho bà ngoại biết tại sao mẹ đã quyết định…đi ăn xin. Mẹ kể cho bà ngoại nghe lại câu chuyện hồi xưa. Mẹ nói cho bà ngoại biết…
Có một thời gian con bế thằng Đình đi làm mướn, làm con sen ở đợ cho người ta. Rồi con gái của mẹ bị người ta làm nhục... Sợi dây thừng đã được treo lên đà ngang của căn nhà, đã buộc vào cổ. Đang chuẩn bị đạp cái ghế dưới chân, thằng con hai tháng nằm trên nôi tỉnh giấc, bật tiếng khóc, khóc liên tục, khóc không ngừng. Tại sao nó khóc? Con không hiểu. Mới khoảng 15 phút trước đó, con đã cho nó những dòng sữa nóng. Con đã nghĩ rằng đây là lần cuối cùng nó được áp chặt khuôn mặt vào ngực của mẹ nó, được cười tung tóe, được đạp chân no nê, được ngây thơ u ơ. Tiếng khóc của nó đã đánh thức cơn mê sảng của con. Và con quyết định bước xuống... Sau khi mẹ mang cháu ngoại của mẹ về làng, con gặp một người đàn bà. Bà ta mang con về nhà giúp việc. Con tưởng gặp được người tốt, nhưng không phải. Người đàn bà này buôn bán, không phải hàng hóa nhưng thân xác phụ nữ. Lại thêm một lần nữa, con bị ép, bị làm nhục. Lần này con hoàn toàn quỵ ngã. Con không đứng dậy nổi nữa. Con buông trôi cuộc đời... Sống trong một hoàn cảnh như vậy, làm sao con dám về làng gặp lại mẹ, gặp em mình và gặp đứa con”?...
Yên lặng chen kẽ những thánh thót lăn dài trên hai gò má của mẹ tôi. Tôi nắm lấy tay mẹ bóp nhè nhẹ...
Tối hôm đó tôi ngủ ngon, một giấc ngủ thanh bình. Trong giấc ngủ tôi nghe được những tiếng hò từ thuở xa xăm khi mẹ bế trên tay, ví dầu, à ơi ru thằng bé cọc còi thiếu sữa, thằng bé gầy gò xanh mướt. Từ đó mẹ thỉnh thoảng hiện ra trong giấc mơ. Mẹ mặc áo trắng như Sơ Anna. Tóc mẹ đen, dài thướt tha. Tay cầm đũa thần, mẹ vẩy lên không trung những ngôi sao bạc lóng lánh. Tôi chạy theo mẹ hét to, “Mẹ ơi”! Tôi cúi xuống nhặt đầy trên hai lòng bàn tay những ngôi sao mẹ ban phát từ trời cao. Những ngôi sao tràn đầy trên hai bàn tay rớt xuống, vướng vào người biến tôi thành một ngôi sao sáng chói trên bầu trời…
Ông Ricô chớp chớp mắt. Hai con mắt của người bartender long lanh phản chiếu ánh đèn mầu của quán rượu. Ông bật miệng,
— Sao mày khổ vậy!
Thằng Đình không phản ứng. Nó im lìm, lơ đãng, trầm ngâm,
— Có những lúc tôi thắc mắc ngày hôm đó nếu không té xỉu, có lẽ bây giờ mình vẫn còn mồ côi mẹ. Bởi bất tỉnh, tôi không kịp khóa lại cánh cửa. Cửa phòng của tôi rộng mở, người đàn bà đó bước vào được trong căn phòng tâm hồn. Bà dìu từng bước dẫn đưa thằng bé mồ côi lên giường. Bà thận trọng băng bó lại vết dao của thể xác và của tinh thần. Bà cẩn thận lau sạch những vết máu đỏ vẫn đang lăn dài trong trái tim và trên thân xác. Bà nhẹ nhàng đắp lên vầng trán nóng sốt miếng khăn ướt lạnh dịu mát những cơn gió nóng của giận và của hờn. Bà vẫn thế, chưa bao giờ mở miệng trách móc tôi một lời, nhưng kiên nhẫn, đợi chờ. Và tôi tỉnh lại. Và bà ta trở thành mẹ của tôi, từ thể xác cho tới tâm hồn.
Người bartender gật gù với câu nhận xét của thằng Đình.
— Còn bố mày?
Thằng Đình nhìn ông Ricô, rồi nhìn xuống mặt gỗ bóng loáng của quầy rượu. Nó ơ hờ lấy điếu thuốc nhét trên vành tai trái xuống, bật quẹt. Nó trầm tư nhìn những luồng khói trắng đang dần dần tan loãng vào trong thinh không. Thấy vậy, ông Ricô mở miệng tính nói chi đó, nhưng thằng Đình giơ tay cản lại,
— Bố tôi? Người đó bỏ mẹ tôi và tôi gần mười năm, không một lần liên lạc ngoại trừ lá thư khi mới tới đảo và giấy tờ bảo lãnh; hồi xưa, tôi tưởng bởi vì ông ta cực nhọc vất vả với đời sống mới. Về sau tôi mới biết có một thời ông ta ở với một người đàn bà, một người tình nhân cũ. Hai người chung vốn mở tiệm Phở. Tiệm ăn đông khách lắm. Nhưng cuối cùng người đàn bà gạt ông ta qua một bên, chiếm lấy tiệm Phở. Thế là ông ta trắng tay. Sau biến cố đó, ông làm giấy tờ bảo lãnh mẹ con tôi qua Mỹ. Ba năm sau ông gặp lại chúng tôi. Ngày đầu tiên ở phi trường, ông yên lặng nhìn mẹ tôi khóc, người đàn bà một thời bế con đi ăn mày. Ông yên lặng nhìn tôi, thằng bé đen đủi gầy gò như que củi mục. Mẹ tôi nói, “Bố đó. Gọi bố đi con”. Nhìn người đàn ông xa lạ, tôi không mở miệng nói một lời. Về tới nhà, ông đưa cho tôi khẩu súng nhựa. Tôi cầm lấy nhưng vẫn không chịu mở miệng. Mẹ tôi lại nhắc nhở, “Cám ơn bố đi con”. Tôi lỳ lợm cúi nhìn thảm đỏ của căn phòng khách. Ông nổi giận, tát tôi một cái, “Con cái mất dạy! Bộ mày câm hả”? Quay sang vợ, ông chất vấn, “Bà dạy con như thế à”? Mẹ tôi xanh mặt nhìn tôi quẳng lại khẩu súng. Tôi bỏ ra sân nhà, ngồi một mình.
Người bartender nhăn mặt,
— Tại sao mày lại làm như vậy?
Xoa xoa vầng trán, thằng Đình thở dài, ngập ngừng,
— Cũng…cũng…không hiểu. Tôi không hiểu tại sao hồi đó tôi lại hành động như thế...
Thằng Đình tiếp tục thở dài,
— Ngày hôm sau, ông chở hai mẹ con đi làm giấy tờ. Mang tôi tới trường, ông ghi danh cho tôi đi học. Mới tới, tôi lạc lõng với vùng đất lạ, tôi xa xăm với hai bóng người trong căn nhà của bố tôi. Nhà của dì Hoa ở gần đó. Sau khi tan trường, tôi về thẳng nhà của dì Hoa. Tôi chơi với mấy đứa em, có đứa bằng tuổi, có đứa lớn hơn, có đứa nhỏ hơn tôi. Tụi tôi dẫn nhau ra sân chơi bóng rổ, chơi ping pong, đi shopping malls, đi chơi video games, ra thư viện đọc sách. Tôi ăn cơm tối với dì Hoa, dượng Ba, và ba đứa con của họ. Gần 10 giờ đêm tôi mới chịu về nhà. Tới nhà, tôi đi thẳng lên lầu, khóa cửa phòng lại, quẳng cặp lên bàn, leo lên giường ngủ.
Bất ngờ vào một buổi tối bố tôi chặn tôi lại trước cửa nhà. Ông nói, “Mày không phải là một đứa mồ côi. Mày có nhà, có cửa, có bố, có mẹ. Tại sao mày phải đi ăn xin cơm thừa canh cặn của nhà người ta? Bố của tụi nó là một thằng đàng điếm. Con cái của nó rồi cũng chẳng đứa nào ra hồn. Tao cấm mày từ ngày mai không được liên lạc với tụi nó”.
Hồi còn thanh niên, mẹ tôi nói dượng Ba đào hoa. Tôi không biết về quá khứ đào hoa của dượng bởi không nghe ai nhắc đến, nhưng tôi biết dượng Ba thương tôi. Khi còn sống với dượng bên Việt Nam, dượng Ba thường có những hành động tỏ ra thiên vị tôi rõ ràng. Những khi đánh lộn với mấy đứa em trai, không cần biết lỗi phải của ai, dượng bắt thằng con nằm xuống, đập cho mấy roi. Riêng tôi, ông chỉ bắt quỳ gối rồi giả tảng lơ khi thấy tôi len lén đứng dậy. Có nhiều lần đi thuyền ra biển chơi, dượng chỉ mang một mình tôi đi theo. Dượng dạy cho tôi cách câu cá, bắt những con sò nằm trốn trong những hộc đá hoặc chìm sâu trên bãi cát. Dượng bày cho tôi cách làm ná bắn chim hoặc thả diều sáo vào buổi chiều. Đi đâu về, dượng hay cho tôi trái xoài hoặc khúc miá, đôi khi cây kem. Dượng nói, “Con mang ra ngoài sân ăn đi. Đừng cho ai biết”. Thỉnh thoảng dượng dẫn một mình tôi đi ăn hủ tíu. Tôi biết dượng thương tôi, nhưng không hiểu tại sao? Tôi đoán có lẽ ông thấy tôi là thằng bé mồ côi lạc loài giống như ông, bởi có một lần dượng nói với tôi, dượng không biết bố mẹ mình là ai.
Mẹ tôi nói dượng Ba và bố tôi học chung từ tiểu học cho tới khi thi Tú Tài. Sau khi đậu Tú Tài II, dượng ghi danh học Dược, rồi bỏ trường thuốc, gia nhập trường Sỹ Quan Đà Lạt. Bố tôi rớt Tú Tài I, phải đi lính. Trước năm 75, bố là lính của dượng. Dượng qua đây vài năm, đi học lại, ra trường, làm Kỹ sư trưởng trong hãng điện tử nơi bố tôi chỉ là một nhân viên Assembly. Có một lần, trước khi tôi qua Mỹ, theo lời Dì Hoa kể lại ông nhờ người em cột chèo cất nhắc đưa vào khu Kỹ sư làm Technician, nhưng dượng Ba yên lặng không nói gì. Từ đó ông tuyệt giao với dượng Ba. Từ khi tới Mỹ chưa bao giờ tôi thấy bố tôi bước chân qua nhà Dì Hoa. Ông ghét con của dì tôi, đặc biệt là hai đứa con trai. Ông nói, “Tụi nó nhìn mặt đàng điếm giống y như bố của tụi nó”.
Chiều hôm sau không thấy tôi, mấy đứa em gọi điện thoại sang. Tôi nói, “Bố tao cấm, không cho qua đó”. Tôi không để ý là ông ấy đang đứng ngay bên cạnh. Nghe nói vậy, ông giật điện thoại, tát tôi mấy cái, “Thằng lẻo mép”. Đau quá, tôi nổi giận, chụp điện thoại, tính gọi cảnh sát. Ông tóm lấy tôi, trói ghì lại. Treo tôi lên sà ngang của nhà xe, ông dùng gậy đập tôi liên tục. Mãi đến khi mẹ tôi quỳ xuống lạy sống, ông mới quẳng gậy, lái xe bỏ đi mất.
Người bartender trợn tròn mắt kinh ngạc,
— Lạy Chúa tôi, sao bố mày ác vậy?
Mặt thằng Đình lạnh băng như một tảng đá,
— Tôi không khóc trong khi đang bị treo lơ lửng giữa trời. Tôi cắn răng không cho những tiếng rên bật ra trong khi những thanh củi liên tiếp đập lên người. Tôi không nói chi khi mẹ tôi gỡ dây mang tôi xuống, cởi trói cho tôi. Nhưng tôi ốm liệt giường bởi trận đòn đó. Tôi xua tay mẹ tôi ra khi bà mang chai dầu nóng lại xoa bóp những vết bầm tím sưng đỏ trên thân thể. Tôi hất đổ tung tóe xuống sàn nhà tô cháo nóng bà mang tới. Tôi quẳng bỏ những viên thuốc bà để trên đầu giường ra ngoài khung cửa sổ. Trong suốt hai ngày liền, tôi la hét ú ớ với những cơn ác mộng. Mẹ tôi chạy sang nhà Dì Hoa cầu cứu. Sáng hôm sau khi thấy bố tôi đang ngồi cặm cụi hàn chì những cái board điện tử trong hãng, dượng Ba lái xe về thẳng nhà bố tôi. Dượng Ba lấy dầu nóng xoa bóp những vết bầm tím trên người tôi. Đỡ đầu tôi dậy, dượng lấy cháo, đút cho tôi từng thìa. Lấy thuốc khuấy tan trong ly nước, dượng nói, “Con uống thuốc đi”. Đợi tôi chìm sâu vào giấc ngủ, dượng quay ra đóng cửa phòng, rồi lái xe về thẳng lại hãng. Sau khi gặp dượng Ba, tôi bắt đầu ăn cháo và uống thuốc...
Người bartender hỏi,
— Hồi đó mày bao nhiêu tuổi?
Thằng Đình cắn môi suy nghĩ,
— Khoảng…khoảng mười bốn. Bị cấm đoán, tôi không còn có dịp trốn nhà, chạy qua dì Hoa chơi nữa. Từ đó tôi gia nhập băng đảng trong trường. Thoạt tiên tôi chỉ đi theo. Một thời gian sau, tôi bắt đầu hút xách, đánh nhau... Mỗi lần bước chân về tới nhà, gặp tôi, ông ấy mở miệng chửi. Tôi bỏ về phòng đóng cửa lại. Nhưng, gặp những lúc ông ta buồn, ngồi uống rượu một mình, xỉn, ông không bỏ qua…
…Ông Sơn giọng lè nhè, hơi thở nồng nặc mùi rượu,
— Mày đi đâu vậy?
— Con về phòng…học bài.
— Cái thứ đầu đường xó chợ du côn du đãng như mày thì làm được gì. Rồi cũng lại đi ăn mày mà thôi. Ngồi xuống đây.
Ông Sơn vẫn nói, và thằng Đình vẫn bỏ đi. Ông Sơn cao giọng,
— Mày có nghe tao nói gì không?
— Con phải về phòng học bài. Ngày mai con có bài thi.
— Không có thi cử gì hết. Tao là bố mày. Tao nói sao mày phải làm như vậy. Mày không nhớ gì sao? Bởi không có tao cho nên hồi xưa hai mẹ con mày mới đi ăn mày!
Thằng Đình dừng bước. Nó ngẩng mặt nhìn lên trần nhà. Yên lặng, từ từ quay đầu lại, nó nói từng chữ,
— Con nhớ chứ. Con biết con là con của một người ăn mày. Nhưng riêng bố, bố có biết gì không? Con thà là đi ăn mày. Con không có bố. Chưa bao giờ tôi có bố!
Thằng Đình quay bước, mở cửa đi thẳng ra khỏi nhà.
— Mày bỏ nhà đi luôn hả?
— Không. Tôi bỏ qua nhà dượng Ba. Một lúc sau, mẹ tôi len lén đi sang nhà người em. Mẹ thấy tôi đang ngồi chơi cờ tướng với thằng con lớn của dượng Ba. Nhìn tôi, mẹ cười, nụ cười bao dung. Mẹ tôi ngồi nói chuyện với dì Hoa và dượng Ba một hồi. Lúc thấy bà đứng lên đi về, tôi suy nghĩ, và tôi quyết định bỏ ngang bàn cờ tướng. Tôi cũng đứng lên, đi theo mẹ. Cả hai mẹ con cùng đi về.
— Tao không dám nói chắc, nhưng…nhưng nếu trước đó mày không tìm lại được mẹ, mày đã bỏ nhà đi luôn hay không?
Thằng Đình lại xoa xoa vầng trán, rồi nhìn ra khung cửa sổ quán bar,
— Cũng có thể lắm. Nhưng tôi biết tôi vẫn còn Sơ Anna. Bây giờ lớn rồi, đối với tôi, lời dặn của Sơ là một sứ mạng. Tôi phải đi học, phải ra trường, phải kiếm được nhiều tiền, gửi về Viện Cô Nhi. Có những lúc buồn, nằm trong phòng một mình, tôi hay thấy lại hình dáng của Sơ Anna. Tôi thấy Sơ kiên nhẫn dạy cho tôi những bài toán cộng trừ. Tôi thấy Sơ yên lặng ngồi bên đầu giường nhìn tôi nằm khóc vào đêm Giao Thừa. Tôi thấy Sơ lắc đầu nhè nhẹ không đồng ý khi tôi đánh lộn trong nhà cơm của Viện Cô Nhi, và Sơ nghiêm khắc nói, “Con không được làm như vậy”. Nhớ tới Sơ Anna, sau khi tốt nghiệp Trung học, tôi thôi không liên lạc với nhóm bạn cũ. Nhớ tới Sơ Anna, tôi ghi danh học đại học, vừa học vừa đi làm trong trường.
Trong những năm vừa qua, tôi sống nội trú, không một lần bước chân về nhà. Riêng mẹ, tôi gặp thường xuyên vào những ngày cuối tuần. Mẹ tôi mang thức ăn Việt Nam đến cho tôi...
Mấy đứa bạn hay rủ tôi về nhà của tụi nó mùa Noel. Nhưng tôi từ chối. Noel, tôi thích nằm trong phòng một mình, nghe nhạc. Tôi thích bài The Little Drummer Boy. Thằng nhỏ trong bản thánh ca nghèo quá. Nó không có gì khác hơn ngoại trừ cái trống trên đôi bàn tay. Nhưng nó vẫn hạnh phúc hơn tôi, bởi ít ra nó còn có cái trống. Tôi, tôi cảm thấy đôi tay mình trống trơn. Lật tới lật lui hai bàn tay, tôi chỉ thấy tôi với một đời sống trống trải buồn tênh. Liếc mắt nhìn lại một khoảng thời gian đã trôi qua, tôi chỉ thấy đêm đen bóng tối. Sau lễ Nửa Đêm, tôi đi về phòng, mở nhạc Giáng Sinh nghe, rồi chìm vào giấc ngủ. Có lần, vào một buổi tối trước ngày Giáng Sinh, tuyết rơi trắng xóa ngoài đường. Buồn quá, tôi lội tuyết đi lang thang một mình. Gió ngoài đường lạnh buốt đến nỗi sờ không thấy tai. Bất ngờ tôi thấy quán rượu của ông...
Người bartender nhíu mày, dáng điệu suy nghĩ. Chống tay lên cằm, ông ngập ngừng,
— Chắc…chắc tại mày buồn khi thấy gia đình người ta…xum họp quây quần với nhau chứ gì?
Thằng Đình liếc nhìn ông không nói gì. Ông Ricô lại hỏi,
— Sao không về nhà dượng Ba của mày?
Đình hít một hơi dài, rồi thở ra,
— Hồi xưa tôi tưởng đó là căn nhà của mình. Bây giờ lớn rồi, tôi không còn cảm giác đó nữa. Dì Hoa không phải là mẹ tôi. Dượng Ba thương tôi, tôi thương dượng Ba, nhưng người đó không phải là bố tôi.
Thằng Đình đổi lại tư thế. Nó đưa hay tay ra đằng sau, xoa nắn hai bờ vai một hồi,
— Vào năm thứ ba của đại học, tôi ghi danh học một lớp Triết. Vị giáo sư đứng lớp là một Linh mục người Việt Nam…
Trên bục giảng, sau khi viết lên bảng đen chữ Genesis 2—3, Cha Tiến quay xuống, tiếp tục nói,
— Một trong những ý chính mà câu chuyện trong Chương thứ 2 của Sách Sáng Thế Ký muốn trình bày, đó là, con người được sinh ra đời với hạnh phúc, trong hạnh phúc. Vườn Địa Đàng được tạo dựng trước khi con người mở mắt chào đời. Nhưng rất tiếc, theo như Chương thứ 3 của Sáng Thế Ký, hai người đầu tiên đã đi ngược lại với thiên nhiên, và họ phá vỡ thiên nhiên của căn Vườn của thế giới. Thiên nhiên nguyên thủy bị tiêu diệt, thiên nhiên mới bắt đầu hình thành. Từ đó bóng tối của bất hạnh lan tràn trên quả địa cầu. Khổng Tử của Đông Phương cũng có một cái nhìn tương tự như người Do Thái về hạnh phúc. Ông nói, “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, từ nguyên thủy, con người đã mang bản chất tốt lành, bởi vậy, mầm hạnh phúc ngập tràn trong lòng người. Đức Phật thì khác, theo như Ngài, tâm muốn sẽ không mang lại cho chúng ta điều gì khác hơn ngoại trừ niềm bất hạnh...
Thằng Đình giơ tay, ngắt ngang lời vị giáo sư,
— Cha nghĩ sao nếu có những người mới mở mắt chào đời, họ đã sống, họ đã thở ra hít vào hai buồng phổi bầu không khí của bất hạnh. Có những người họ chẳng muốn gì, nhưng bất hạnh luôn luôn gõ cánh cửa tâm hồn của họ. Trong cả hai trường hợp, con nghĩ họ là khổ, họ là bất hạnh. Hay nói ngược lại, họ là hiện thân của khổ, của bất hạnh.
Sau giờ Triết của ngày hôm đó, tôi vô văn phòng gặp Cha Tiến nhiều hơn. Tôi hỏi ông rất nhiều về tương quan giữa con người và bất hạnh. Một khoảng thời gian trôi qua, khi biết ông nhiều hơn, tôi kể cho ông nghe câu chuyện của một người có bố có mẹ, nhưng trở thành mồ côi. Sau cùng nó gặp lại mẹ, nhưng vẫn cảm thấy lạc loài không có bố. Tôi nói cho ông biết có những tối trong khi đang ngồi học bài, tự nhiên nó nổi giận với mình, nổi giận với cuộc đời. Nó muốn nổi lửa đốt cháy căn phòng và đốt cháy nó! Mùa xuân có đôi chim Cardinal làm tổ ngay cửa phòng. Chim mẹ ấp, trứng nở với chỉ một chú chim con. Chiều chiều bên khung cửa, nó thấy con chim bố đỏ rực đứng trên cành cây âu yếm nhìn con chim mẹ mỏ đỏ tha mồi về ríu rít nuôi con. Có một buổi chiều, nổi giận, nó mở cửa số vươn mình ra ngoài khung cửa bắt chim con. Nó muốn bóp nát chú chim non đang kêu chim chíp dẫy dụa trong lòng bàn tay. Vào những lúc nổi giận, nó lại thấy Sơ Anna áo dòng trắng toát. Sơ nheo mắt nhìn nó. Sơ cười bao dung, thông cảm, và Sơ lắc đầu. Sơ nói, “Con không được làm như vậy”. Nó mở cửa phòng, bỏ đi ra ngoài, hoặc lần bước tới quán bar, ngồi uống rượu. Tôi hỏi Cha Tiến, tại sao tôi đã sinh ra và lớn lên trong bất hạnh?
— Rồi ông ấy nói sao?
Ngồi thẳng lưng lên, hai tay chống cằm, Cha Tiến nhìn thẳng vào mắt thằng Đình,
— Cha không biết. Cha không có câu trả lời. Mừng cho con cuối cùng đã gặp lại mẹ. Buồn cho con vì vẫn không có bố. Giận bố con vì ông ta không tế nhị với con. Nhưng Đình à, cuộc đời là một tổng hợp của buồn và vui, khóc và cười. Nếu người ta chỉ chú trọng vào buồn và khóc quá nhiều, cuộc đời của người đó biến thành bất hạnh, tràn đầy bất hạnh. Nếu người ta chú tâm vào những khía cạnh vui và cười, cuộc đời của người đó sẽ vơi bớt đi những khổ đau. Con sinh ra trong bất hạnh, lớn lên trong bất hạnh. Nhưng con ít khi để ý đến một điều, đó là, cuộc đời bất hạnh của con cũng có rất nhiều giây phút con được sống trong hạnh phúc, sống với hạnh phúc. Bà ngoại là một hạnh phúc của con; dượng Ba là một hạnh phúc của con; Sơ Anna là một thiên thần mang đến cho con biết bao là hạnh phúc; mẹ con một thời tưới nước vun trồng cây bất hạnh trong con, nhưng người đó đã nhổ cây đi, trồng lại trong con cây hạnh phúc mới.
Đứng dậy, ông tiến sát tới cửa sổ của văn phòng, nhìn ra bên ngoài. Trời mùa xuân tháng tư với cỏ cây xanh mướt như đang hớn hở lũ lượt rủ nhau đứng dậy vươn cao. Quay mặt lại, ông nhìn thằng Đình,
— Nếu con nhắm mắt lại, đời con tràn đầy bóng tối, con hóa thành bóng tối, con là hiện thân của bóng tối. Nhưng nếu con mở mắt ra, đời con tràn đầy ánh sáng, con hóa thành ánh sáng, con là hiện thân của ánh sáng, con thành ánh sáng cho nhiều người. Nhắm mắt lại, con chỉ thấy con và niềm bất hạnh, con hóa thành bất hạnh, con là hiện thân của bất hạnh, và con tạo ra bất hạnh cho những người sống chung quanh. Mở mắt ra, con sẽ nhận thấy không phải chỉ có một mình con khổ; mẹ con khổ; bố con, người con không nhận là bố cũng khổ; bà ngoại con vào giây phút gặp mẹ con sống cuộc đời hành khất cũng khổ; dượng Ba con cũng khổ bởi ông ấy cũng là một thằng bé mồ côi; bao nhiêu em bé trong Viện Cô Nhi Tình Thương của Sơ Anna cũng khổ; cả lục địa Phi Châu người ta đang khổ. Bao nhiêu là người trên thế giới đang sống và hít thở sự khổ.
Đình à, chỉ nhờ vào một hành động nhắm hoặc mở, đời của một người sẽ đổi thay.
— Thằng nào đây? Lạy Chúa tôi, tao tưởng không bao giờ gặp lại mày nữa.
Khoác vai thằng Đình, ông dẫn nó tới quầy rượu.
— Lại đây, lại đây. Tao tặng mày một ly rượu. Ồ không, mày muốn bao nhiêu ly tao cho mày uống bấy nhiêu.
Ấn nó ngồi xuống ghế, người pha rượu nói huyên thuyên không cho thằng Đình có dịp mở miệng,
— Brandy Manhattan hay Absolut Vodka? Mày thấy không, tao vẫn nhớ gu rượu của mày. Nhìn cái ghế của mày đi, đó, nó vẫn còn nằm y nguyên chỗ cũ. Từ hồi mày biến mất khỏi thành phố, đôi khi nhìn thấy cái ghế, tao lại nghĩ tới mày, tao thắc mắc không biết thằng này đang đầu đường xó chợ ở nơi nào.
Thằng Đình cảm động trước sự ân cần của người bạn cũ. Ngồi xuống, nó cố gắng bắt kịp câu chuyện với ông Ricô,
— Xin lỗi, thành thật xin lỗi…
Chưa nói xong nó đã bị người pha rượu chặn ngang,
— Tao gọi mày hai ba lần, nhưng tổng đài nói số điện thoại đã bị cắt. Muốn kiếm mày ở nhà, tao cũng không biết địa chỉ. Thời gian đầu tiên, nhớ mày quá sức, tao buồn gần chết. Có hai ba lần tao ghé đại vào khu phố Việt Nam lêu bêu đi tới đi lui kiếm mày. Cuối cùng tao chịu thua.
Khi ông Ricô đã chịu dừng lại, thằng Đình nheo mắt, tay vuốt nhè nhẹ đầu mũi chăm chú nhìn người bartender,
— Cám ơn, cám ơn. Tôi nghĩ ông lại…lại nói quá rồi. Không có tôi, ông vẫn sống vui, sống khỏe. Xin lỗi nhé, tôi thấy ông có gầy mòn hư hao một chút nào đâu.
Người bartender bỏ ngang công việc nhìn xuống bụng. Xoa nắn cái bụng tròn căng, ông lắc đầu,
— Nữa, mày vẫn chưa bỏ được cái tật ăn nói chua cay.
Đi lại quầy rượu, ông đẩy về phía thằng Đình ly Brandy Manhattan, tay còn lại nâng cao ly beer,
— Uống mừng ngày gặp lại mày, người bạn nhỏ.
— Mừng ngày gặp lại ông, ông bạn già.
Người bartender và thằng Đình cùng đưa ly beer và ly rượu lên miệng uống một hơi. Đặt ly beer còn vương lại một chút bọt dưới đáy xuống mặt bàn, ông Ricô nhìn ly thủy tinh còn sót lại những cục đá và trái cherry đỏ của thằng Đình,
— Chà, lâu quá rồi mới uống được một ly beer ngon như ngày hôm nay. Ê, nói tao nghe mày đi đâu mà biệt tăm biệt tích hơn ba năm rồi?
Thằng Đình ngồi thẳng lưng lên, ngón tay trỏ lắc qua lắc lại,
— Hêy, không có bị gậy đi ăn mày như ông tưởng đâu. Tôi từ bên Ghana mới về.
Mắt ông Ricô trợn tròn,
— Ghana ? Ghana nào? Ghana là thành phố nào vậy?
Thằng Đình chống tay lên má trái, nghiêng người qua một bên, miệng cười, đầu lắc qua lắc lại,
— Ông về học lại Địa Lý đi. Ghana không phải là thành phố. Ghana là một quốc gia nằm ở Tây Bắc của Phi Châu.
Không phiền hà với kiểu nói châm biếm quen thuộc của thằng Đình, ông Ricô hỏi tới, giọng đượm vẻ hiếu kỳ,
— Mày làm gì bên đó?
Thằng Đình đưa hai ngón tay trỏ lên ngang với tai, vẫy vẫy,
— Tôi đi làm cho “hãng” Peace Corps.
Người bartender vỗ tay lên trán, cười,
— À! Tao hiểu rồi. Hèn chi.
— Mikô…
Ông Ricô ngắt lời,
— Ai vậy?
Thằng Đình khựng lại,
— Cô người Nhật…có ghé vào đây mấy lần. Ông quên rồi sao?
Ông Ricô nhíu mày suy nghĩ,
— Mikô người Nhật? Ai là người Nhật. À, thôi, tao nhớ ra rồi. Con nhỏ vô quán rượu mà lại uống Coke…
— Chứ chẳng lẽ uống beer…
Thằng Đình hất mặt lên cắt ngang lời nói của người pha rượu. Ông Ricô vẫy tay,
— Thôi, thôi, được rồi. Mày tiếp tục đi.
Thằng Đình dáng vẻ hài lòng, tiếp tục câu chuyện,
— Mikô thích đi du lịch. Cô ta rủ tôi tham gia Peace Corps. Ban đầu tôi cũng hơi ngần ngại... Nhưng sau một tháng ra trường, chưa có công ăn việc làm, tôi quyết định đi theo Mikô sang Ghana. Sau một tháng huấn luyện về Peace Corps, về văn hóa và ngôn ngữ của người Ghana, tụi tôi bắt đầu làm việc.
— Mày làm gì bên đó?
— Mikô làm Y tá. Cô ta tốt nghiệp Y Tá mà. Tôi dạy tiếng Anh và làm trong viện Cô Nhi. Hồi tôi mới tới, Viện Cô Nhi chưa ra đời. Tôi liên lạc với chính quyền địa phương xin được một số vật liệu. Nhờ trợ giúp của dân làng, tụi tôi xây được Viện Cô Nhi Tình Thương II đủ chỗ cho 50 em, cùng hai lớp học, Lớp Mẫu Giáo và Lớp Một. Tôi làm phụ tá cho ông Hiệu Trưởng là người địa phương…
Vừa lắng tai nghe chuyện Ghana, người bartender vừa để ý nhìn khuôn mặt của thằng Đình. Trong ánh đèn mờ mờ của quán rượu, ông thấy thằng Đình gầy hơn xưa. Ông nghĩ, “Chắc nó đen đi nhiều. Cái nắng nung da đốt thịt của Phi Châu có chừa ai đâu. Mấy con mụ khách nạ dòng hồi xưa mà gặp lại thằng này với nước da sạm nắng của dân miền Nam Địa Trung Hải, chắc lại dám về nhà bán hết tàn sản mà dâng cho nó”. Ông thấy thằng Đình đã mất bớt đi nét tinh nghịch trên khuôn mặt, thay thế vào đó là những vẻ trầm tư. “Đương nhiên năm nay nó bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Để coi… 18 tuổi nó ra trường. Thằng này học sáu năm đại học. Hôm đó mình có tham dự Lễ Ra Trường của nó mà… Ba năm đi làm bên Ghana. Chúa ơi, thằng nhãi ranh này đã 27 tuổi rồi”. Riêng cặp mắt của nó, ông thấy đã bớt đi những phiền muộn. Tóc nó vẫn cắt ngắn nhưng không còn bôi keo chải dựng lên như trước. “Chắc tại bên đó không có bán keo bôi tóc”, ông Ricô cười thầm với câu nhận xét của mình về mái tóc không keo của thằng Đình.
— Hêy nhỏ, quên, ông bạn nhỏ. Tha cho tao cái tật quen gọi mày là thằng nhỏ. Mày lớn rồi. Mày về đây bao lâu?
Thằng Đình vuốt tóc nhè nhẹ, rồi đưa hay tay thẳng lên trời bẻ lại lưng,
— Mikô và tôi về nhà nghỉ hè ba tuần. Tụi tôi đã quyết định rồi. Hai đứa sẽ quay về lại Ghana tiếp tục làm việc bên đó. Mikô về Nhật thăm nhà. Tôi về lại Hoa Kỳ thăm mẹ…
Thằng Đình dừng lại giữa chừng, không nói nữa. Tay trái của nó vẫn để yên trên mặt quầy rượu, nhưng bàn tay phải bắt đầu xoay nhè nhẹ ly rượu. Tế nhị, người bartender không nói gì. Thằng Đình trầm ngâm nhìn ly rượu đang xoay tròn chầm chậm từng vòng quay. Nó nuốt nước miếng, cục cần cổ chạy lên chạy xuống. Cuối cùng chống tay phải lên má trái, nó lại nuốt nước miếng, nhưng thôi, không xoay tròn ly rượu.
— Xin lỗi... Tôi…tôi vẫn không có bố...
Nó nói, không nhìn ai. Một thoáng do dự, một phút im lìm, rồi nó ngồi thẳng người nhìn ngay mặt ông Ricô,
— Ông bạn, có thể ông nghĩ tôi là một thằng bất hiếu. Thành thật xin lỗi! Nhưng ông biết, trong lãnh vực tình cảm, không ai ép được ai. Đồng ý không?
Thằng Đình giơ cao tay,
— Khi sinh ra một đứa con, người đàn bà trở thành mẹ, người đàn ông trở thành bố. Nhưng nếu hai người không nuôi dạy đứa bé, họ mất đi quyền làm mẹ làm cha. Mẹ cho tôi tiếng khóc chào đời. Mẹ nuôi tôi hai năm trời, và mẹ bỏ tôi cho những người đàn bà không sinh ra tôi nuôi lớn trở thành thằng bé mười hai tuổi. Khi bắt đầu nhận ra được sự hiện diện của mình trong cuộc đời, tôi chỉ thấy mẹ tôi là bà ngoại, mẹ tôi là dì Hoa, mẹ tôi là Sơ Anna. Tạ ơn Trời, cuối cùng tôi tìm lại được tình mẫu tử. Tôi không còn mồ côi mẹ nữa. Nhưng bố tôi, ông cất bước bỏ tôi ra đi ngay cả trước khi tôi chào đời. Có thể ông ta đổ lỗi là tại hoàn cảnh. Thì cũng được đi. Nhưng tới ngày gặp lại tôi, ông đòi quyền làm bố. Chuyện đó không xảy ra được. Tôi không cảm thấy người đàn ông đón tôi ở phi trường là bố. Suốt năm năm trời sống trong căn nhà của ông ta, người đó cũng không làm được điều gì khác hơn để bắt đầu cho một liên hệ tình cảm chưa bao giờ có mặt trên cuộc đời.
Thằng Đình mím môi, cương quyết,
— Tuổi thơ của tôi đã trôi qua. Tôi không sống lại được một lần nữa thời gian thơ ấu. Tôi biết có một khoảng thời gian tôi và bóng tối là một; nhưng tôi không muốn tiếp tục ngồi trong bóng tối than khóc nữa. Tôi muốn sống với ánh sáng. Và tôi đi làm cho “hãng” Peace Corps.
Chấm dứt hàng chữ cuối cùng, nhắc đến hai chữ Peace Corps, thằng Đình nhè nhẹ bỏ hai tay lên bàn. Ánh mắt dịu lại, nó vừa cười vừa xoa xoa mái tóc,
— Ông biết gì không? Trước khi sang Ghana, tôi viết thư cho Sơ Anna. Bên Ghana tôi cũng gọi điện thoại về Việt Nam nói chuyện với Sơ. Tôi nói, “Sơ ơi, con không có nhiều tiền gửi về cho Sơ nuôi các em”. Sơ cười, “Lo gì con. Có nhiều người trên thế giới gửi tiền về cho Sơ rồi”. Sơ Anna cũng nói bây giờ Sơ hết bán bánh cuốn rồi. Tôi hỏi tại sao? Sơ nói là tại vì không có ai đứng phụ bán nữa, Sơ phải dẹp gian hàng bánh cuốn buổi sáng. Ông biết tại sao Sơ nói vậy không? Hồi xưa, sáng sáng tôi phụ Sơ bày hàng bán bánh cuốn. Sơ ngồi bán, tôi chạy bàn, rửa chén đĩa. Sơ nói bây giờ Viện Cô Nhi Tình Thương nuôi được hơn 100 em. Hồi xưa, ông biết không, Mẹ Bề Trên với Sơ chỉ nuôi được khoảng 25 em.
Ông Ricô nheo mắt,
— Con Maria cứ hay hỏi tao về anh Đình?
Thằng Đình giọng hiếu kỳ,
— Giờ nó làm gì?
Ông Ricô ưỡn ngực ra, điệu bộ hãnh diện,
— Đại học năm thứ hai. Mày biết không, nó cũng học Tâm Lý.
Thằng Đình cười,
— Nó có ở nhà chiều mai không?
Người pha rượu ngập ngừng,
— Chắc có, mùa này…tao thấy…hình như nó chỉ có lớp sáng.
Thằng Đình vươn người tới, ngực dựa sát quầy rượu,
— Chiều mai tôi ghé nhà chơi được không? Ông nấu món Spaghetti truyền thống của Ý đi.
Gãi gãi đầu mũi, nó tiếp tục,
— Tiện thể tôi sẽ báo cho nó biết, nếu vẫn coi tôi là anh, nó hãy chuẩn bị mua quà cho thằng cháu của nó đi.
Người bartender mở căng đôi mắt kinh ngạc. Bây giờ ông mới nhận ra cái nhẫn vàng đeo trên ngón tay trái áp út của thằng Đình. Hai tay ôm chặt lấy má, miệng tròn há hốc, ông kêu lên,
— Lạy Chúa tôi! Mày lập gia đình lúc nào?
Thằng Đình ngửa người ra sau, hai tay khoanh lại, lưng dựa vào ghế,
— Hơn một năm rồi. Tụi tôi làm đám cưới bên Ghana, trong Nguyện Đường Thánh Phaolô của Viện Cô Nhi Tình Thương II. Xin lỗi nhé, bữa đó không mời ông. Xa quá, làm sao ông có đủ tiền mua vé đi Ghana tham dự lễ cưới.
Người bartender lắc đầu cười dòn tan, tiếng cười reo vui lồng lộng quán rượu vào lúc nửa đêm!
www.nguyentrungtay.com