Quan điểm triết học của Edith Stein về cuộc sống sung mãn



Đúng vào ngày lễ Hòa Giải của dân Do-thái, 12.10.1891, Edith Stein được cất tiếng chào đời tại tỉnh Breslau cũ thuộc Đức Quốc, ngày nay thuộc Ba La, trong một gia đình gốc Do-thái. Từ năm 1913 đến năm 1916, bà theo học và dọn luận án tiến sĩ triết học với giáo sư Edmund Husserl, ông tổ của khoa triết học về hiện tượng luận, ở đại học Göttingen và sau đó ở đại học Freiburg. Trong các công trình nghiên cứu của mình về hiện tượng luận như thế, cô „sinh viên ưu tú siêu đẳng“ Edith Stein còn có thể khám phá một khuynh hướng triết học mới về hiện tượng luận riêng của mình, „Hiện tượng luận thực tiễn“, một khuynh hướng phát xuất từ sự tương ứng thực tiễn giữa hữu thể và ý thức.

Do hậu quả của một cuộc khủng hoảng về tâm linh đưa đẩy, kể từ năm 1917 Edith Stein đã bắt đầu tiếp cận và tìm hiểu triết học cũng như giáo thuyết Kitô giáo. Năm 1922 bà đã được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Từ năm 1923 đến 1931, bà dạy môn văn chương Đức ngữ và môn sử học tại tỉnh Speyer, đồng thời bà cũng dịch thuật các tác phẩm của thánh Thomas Aquinô và của ĐHY John Henry Newman ra Đức ngữ. Chính qua công trình dịch thuật này bà đã đào sâu và hiểu rõ được tư tưởng triết học và giáo thuyết Công Giáo hơn. Vì thế, sau hai lục cá nguyệt dạy môn nhân chủng học nặng tính cách triết và thần học tại đại học Sư phạm ở Münster thuộc bắc Đức, thì vào tháng 10 năm 1933 Edith Stein đã xin gia nhập tu viện các Sơ Dòng Kín Carmelô ở Köln với tên Dòng là Schwester Teresia Benedicta a Cruce (Sơ Tê-rê-xa Bê-nê-đíc-ta Thánh Giá).

Chính thời gian ở Köln 1936/37, Edith Stein đã soạn thảo tác phẩm chính của bà „Endliches und ewiges Sein. Versuch eines Aufstiegs zum Sinn des Seins“ (Sự hữu hữu hạn và sự hữu vĩnh cửu. Lược khảo về sự vươn lên tới ý nghĩa sự hữu) để phân tích và tranh luận với các đại triết gia trong lịch sử triết học nhân loại, như: Aristote, thánh Augustinus, thánh Thomas Aquinô và Heidegger, được xuất bản năm 1950 và tái bản lần thứ bốn vào năm 2006.

Sau đêm kinh hoàng (Kristallnacht) vào tối ngày mồng 9 rạng ngày 10.11.1938: Dân quân Đức Quốc Xã ra lệnh đốt phá tất cả nhà cửa, Đền thờ, các tiệm buôn và tàn sát người Do-thái (Pogrom), nữ tu triết gia Edith Stein phải ẩn trốn sang một nhà con của Dòng Carmelô ở nước láng giềng Hòa Lan. Chính ở đây bà đã soạn thảo trước hết một tác phẩm bình giải những những tác phẩm thuộc thần bí học của Đấng Sáng Lập Dòng là thánh Gioan Thánh Giá, „Die Kreuzeswissenschaft“ (Khoa học về Thánh Giá), xuất bản năm 1942. Ngày 2.8.1942, lấy cớ các Giám Mục Hòa Lan đã ra Thư Luân Lưu chống lại sự bắt bớ và tàn sát người Do-thái ở Đức, quân đội Đức Quốc Xã của nhà độc tài Hitler đã tràn vào xâm chiếm Hòa Lan và bắt tất cả người Do-thái sinh sống tại đây và giải nộp về Đức để hành hình, trong số đó có Sơ Edith Stein. Ngày 9.8.1942, Sơ cùng với người em gái của Sơ là cô Rosa bị sát hại bằng hơi độc tại trại tập trung Auschwitz, một trong các lò sát sinh người Do-thái khủng khiếp nhất của chế độ diệt chủng Đức Quốc Xã được xây dựng trên đất Ba Lan.

Năm 1987 Sơ Edith Stein – Teresia Benedicta a Cruce được Giáo Hội tôn phong lên bậc Chân Phước và năm 1998 Sơ được tôn phong Hiển Thánh. Một năm sau đó, năm 1999, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vinh danh thánh nữ Edith Stein làm Thánh Quan Thầy bảo hộ Âu Châu.

Trong tác phẩm chính „Endliches und ewiges Sein“ của bà, Edith Stein đã thay đổi về phương diện luận cứ từ Aristote và thánh Thomas Aquinô sang tới Husserl, và sau cùng là sang tới thánh Augustinus. Và mục đích nhằm đạt tới của tác phẩm là sự cộng tác vào việc củng cố và xây dựng „philosophia perennis“ (nền triết học vĩnh cửu), một sự nhận thức triết học vượt ra khỏi phạm trù thời gian.

Trong vòng ảnh hưởng triết học của thánh Augustinus, thì lý thuyết về hữu thể theo khuynh hướng Aristote-Thomas được gắn liền với lý thuyết về nhân vị và rồi khởi đầu từ lý thuyết đó, ý nghĩa của hữu thể được khai triển. Nhờ thế, lý thuyết về hữu thể đã giải mã được vấn nạn khó khăn về sự hiện hữu của con người, một vấn nạn được coi như là điểm nhận diện của thế kỷ XX. Tuy Edith Stein đã có chủ ý đi sát khuynh hướng triết học đầy thách đố của Heidegger, nhưng bà chỉ muốn áp dụng một cách thật sâu xa ý nghĩa thời gian tính (die Zeitlichkeit) đối với sự hiện hữu của con người và minh chứng sự hiện hữu đó vượt lên trên biên giới của sự chết. Nói cách khác, tuy cũng chịu ảnh hưởng của phạm trù thời gian tính như bao tạo vật khác, nhưng sự chết đối với con người không phải là điểm chấm tận sau cùng. Chết không phải là hết. Sau cái chết thể xác của mình, con người vẫn tiếp tục hiện hữu, nhưng trong một chiều kích mới, hoàn toàn vượt ra khỏi ảnh hưởng của phạm trù thời gian và không gian.

Ngay lúc khởi đầu, Edith Stein đã nhận thức được hiện tượng luận đương thời qua sự tách biệt khỏi Descartes và Kant như là một sự khởi đầu mới mẻ mang tính cách thời đại. Lần đầu tiên, bà nối kết cả hai vấn nạn độc lập, vâng đối lập nhau, về sự hữu (das Sein) cũng như về sự nhận thức (das Erkennen) lại với nhau. Chính Edith Stein đã nổ lực bình giải „nền triết học non trẻ của thế kỷ XX“ và nền triết học thời trung cổ như hai khuynh hướng triết học liên tiếp nối gót nhau trong dòng tư tưởng đầy biến động và đa phức của nhân loại. Trong đó, sự phân tích về sự hữu hữu hạn đã vượt lên trên vấn nạn cảm giác để đi tới sự hữu vĩnh cửu, một sự hữu mà quan điểm triết học của thánh Thomas Aquinô cho rằng đã được suy diễn bằng „analogia entis“ (sự loại suy về sự hiện hữu), và suy luận ra một sự kiện tam diện trong công trình sáng tạo, đó chính là sự đồng nhất giữa thể xác, linh hồn và tinh thần của ngôi vị con người.

Vì thế, người ta chỉ có thể phân tích bản ngã con người một cách toàn diện trong khuôn khổ của sự hữu và sự vô hữu, của thời gian tính và vĩnh cửu. Thời gian là điểm tựa hay phương tiện cho một sự vận hành nguyên thủy (Urbewegung) bước vào trong sự hữu, ngược lại với cái hư vô. Sự hữu mang tính cách thời gian tính là sự biến dịch (Werden), một sự hữu dĩ nhiên không bao giờ trở thành một sự hữu hoàn toàn bất động trong chính mình. Bởi vậy, „sự hữu ấy cần đến thời gian“ – với sự đặc thù, nghĩa là „hiển thể tính luôn tiếp diễn rực sáng lên một cách mới mẻ“ của nó xuất hiện trong hiện tại. Tuy nhiên, cũng chính điểm hiện tại lại biểu hiện cho thấy nó là một sự khiếm khuyết, vì thế bản ngã con người ở trong đó cũng không phải là tất cả cái đã hiện hữu và cái sẽ hiện hữu. Bản ngã con người hiện hữu theo thời gian tính trong một dòng chảy đầy biến động không ngừng.

Nhưng cũng chính vì thế, tự bản chất của nó bản ngã con người phải bó buộc loại bỏ „ý tưởng về sự hữu thuần túy, một sự hữu tự bản chất là sự vô hữu, và từ sự vô hữu thì không thể phát xuất được gì cả“. Bản ngã có thể bao gồm từ sự hữu „mỏng dòn“ được gắn liền với khoảnh khắc thời gian và luôn treo lủng lẳng trên hố sâu hư vô của nó cho tới sự hữu viên mãn và hạnh phúc. Người ta có thể gọi đó là một sự tăng trưởng, trong đó tất cả mọi khả năng đều được hiện thực trong hành động, và là một nơi tất cả mọi sự đều là hiện tại. Từ tính chất „mong manh mỏng dòn và phân hóa của sự hữu tạo vật“ biến đổi một cách lô-gíc thành sự hiện hữu trọn vẹn của một hữu thể luôn hiệp nhất với yếu tính của mình trong mọi khoảnh khắc, là năng lực hoàn toàn được hiện tại hóa một cách trọn vẹn. Vì thế, điều này càng mang một ý nghĩa đầy tính cách suy tư, chứ không phải một sự luân chuyển triền miên trong sự hữu, nói cách khác: đây là một sự viên mãn đầy đủ, còn kia là một sự khiếm khuyết trong sự hữu. Dĩ nhiên, bản ngã lưỡng diện – được pha trộn giữa sự hữu và sự vô hữu – có thể tự bình giải chính mình từ sự hữu trọn vẹn nguyên thủy và có thể thấu triệt được sự trống rỗng của chính mình. Sự hữu „kinh sợ trước sự hư vô và đòi hỏi không chỉ sự nối tiếp vô tận sự hữu của nó, nhưng còn cả sự chiếm hữu đầy đủ (Vollbesitz) sự hữu“. Bởi vậy, theo Edith Stein – khác với Heidegger – con người đòi hỏi nơi chính mình sự phong phú sung mãn và không tiếp cận với sự hư vô, dù trong tâm trí hay trong cuộc sống thực tiễn, vì tiếp cận với sự hư vô trước hết có nghĩa là mở đường cho sự chết thể lý xâm nhập vào.

Vì thế, nếu theo Heidegger chính sự sợ hãi dẫn đưa con người „đến trước sự hư vô“, thì trái lại theo Edith Stein chính sự chính xác rõ ràng của sự hữu được phát triển cao tột độ dẫn đưa con người vốn triền miên quanh quẩn trong sự trống rỗng „đến trước sự hữu“. Nếu sự hư vô luôn là mối đe dọa nguy hiểm cho sự hiện hữu của con người là một điều bất khả phủ nhận, thì một đàng khác cũng không thể phủ nhận được rằng sự chính xác rõ ràng của sự hữu – một điều mà mỗi người đều cảm nghiệm được trong cuộc sống của mình – là một câu trả lời cho sự hiện hữu của con người. „Trong sự hữu của tôi, tôi va chạm vào một sự hữu khác không phải là sự hữu của tôi, nhưng là điểm tựa, là lý do của sự hữu của tôi, vì vốn tự trong nội tại của nó sự hữu của tôi là bất khả kham và thiếu căn cứ“.

Gắn liền với điều vừa đề cập tới là một sự phân biệt quan trọng: Con đường đức tin có thể nhận thức được nguyên lý ấy trong sự hữu vĩnh cửu của Thiên Chúa. Còn con đường nhận thức triết học tuy được coi là khiếm khuyết và bất toàn, nhưng lại hợp lý: Sự hữu hữu hạn cần đến một sự hữu vĩnh cửu và được coi như là sự hữu đối diện với nó và là nguồn gốc của nó, tức một sự hữu xuất phát tự chính mình, độc nhất, độc lập và là chính mình; bởi vì theo nguyên tắc luận lý, cái chi hữu hạn thì cần tới cái vô hạn, cái chi bất toàn thì cần tới cái hoàn hảo tuyệt đối. Nói cách khác, tự bản chất cái hữu hạn hay cái bất toàn thì không thể tự hữu được. Cũng tương tự như thế, thời gian tính – do tính khả tri giác của nó – cần đến sự vĩnh cửu như điểm tựa của nó. Sau cùng, tính cách hữu hạn cần đến chiều kích vô hạn. Và sự cần thiết này không chỉ là một sự ao ước, nhưng là được phát xuất từ sự cảm nghiệm thực tiễn trong tư duy. Edith Stein tham chiếu thánh Augustinus, người đã biểu thị điểm tựa và lý do đột biến của tính cách hữu hạn của yếu tính thẳm sâu nhất của mình như là một cái chi bất khả lý hội, như là một điều mà các phạm trù nhận thức nhân loại bất khả đạt tới. Nơi đây, một vòng đen khoanh tròn „sự kế cận tất nhiên“ kia cũng như „sự bất khả tri“. Đi sâu vào tri thức, người ta sẽ nhận thức được rằng sự hiện hữu của Thiên Chúa tự hiện thực như là một sự phát xuất từ chính trong nội tại của Người, vì thế là nguyên lý cho tất cả mọi sự hiện hữu khác. Nhưng nếu là nguyên lý cho tất cả mọi hiện hữu khác, thì sự hiện hữu của Thiên Chúa không tùy thuộc vào bất cứ sự hiện hữu nào khác, nhưng là „sự vận hành vĩnh cửu trong chính mình, là sự tự-tạo-dựng-nên-chính-mình vĩnh cửu xuất phát từ tận đáy sâu thẳm sự hữu bất tận của chính mình như là sự hiến dâng của bản ngã vĩnh cửu cho một sự hữu vĩnh cửu và một sự đón-nhận-chính-mình vĩnh cửu tương ứng và một sự lại-trao-ban-chính-mình vĩnh cửu“.

Triết học thay đổi vị trí nguyên nhân hữu ngã (personalen Grund) bằng khái niệm vào trong khoảng cách lý thuyết. Một điều chắc chắn đối với Edith Stein, đó là: con đường dẫn đến đức tin băng qua việc làm sáng tỏ được „bản thể Thiên Chúa“, tức băng qua việc đặt vấn đề trên con đường nhận thức triết học. Tuy nhiên, đức tin ý thức được nguyên nhân sự hữu của nó như là sự tiếp cận Thiên Chúa một cách cá nhân. Vì thế, Edith Stein phát huy một thuyết hiện sinh mới vượt lên trên thuyết hiện sinh của Heidegger. Đó là: thay vì sợ hãi thì tin tưởng vào trí năng, thay vì vất bỏ thì thiết lập nền tảng, thay vì lo lắng thì hy vọng vào sự viên mãn, thay vì bám chặt vào chính mình thì khát vọng tìm kiếm tình yêu.

Vậy, ngôi vị con người không được xây dựng chuyên biệt bằng sự hữu một mình cũng như bằng sự nhận thức một mình, nhưng chính yếu bằng sự biến dịch trong sự gặp gỡ. Sự cảm nghiệm đầy suy tư này vượt qua sự luận lý về sự hữu của thánh Thomas Aquinô, vượt qua sự luận lý về bản ngã của Edmund Husserl, và tiến tới sự luận lý của thánh Augustinus xuất phát từ sự tương quan giữa sự cho đi và sự tiếp nhận.

____________________

Sách tham khảo:

Edith Stein: „Endliches und ewiges Sein. Versuch eines Aufstiegs zum Sinn des Seins“. Nhà xuất bản Herder 2006, 596 trang.