Ngày 24/03/09, nhân dịp có thầy Hoàng tổng quản lý cùng với cha Tâm và cha Duy đi kinh lý Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam và Gialai Kontum, thầy Bá và tôi mau mắn tranh thủ xin đi ké. Mục đích của tôi là thăm các anh em svd mình đang làm việc ở các địa điểm đó, và luôn tiện thăm một vài gia đình thân nhân của svd.

Lái xe khoảng bốn tiếng chúng tôi vào thành phố Tuy Hoà. Tôi chợt nhớ đến và muốn ghé thăm người bạn thâm niên đang sống ở đây mà đã hơn 15 năm chưa gặp, Xuân Phúc. Xuân Phúc vốn học chung với tôi từ thủa lớp 6. Gia đình Xuân Phúc thủa đó nghèo lắm. Thời bao cấp thì đám thường dân chúng ta ai mà chẳng nghèo. Nhưng, gia đình Xuân Phúc thuộc loại nghèo đặc biệt. Gia đình đông con, bố mẹ không đủ khả năng để nuôi từng đứa, nên mạnh ai nấy tự nuôi sống mình. Lúc ông Cụ qua đời, trong một hôm tối trời ngồi dưới ngọn đèn dầu loe loét, nước mắt chảy dài, cầm tay tôi cụ Bà nói: “Miệng mồm thiên hạ răng mà ác rứa hè, họ nói bác trai chết là do bác bỏ đói. Gia đình bác nghèo không đủ ăn, nhưng làm chi mà có chuyện nớ.”

Hồi đó Xuân Phúc có nghề làm bánh nậm và bánh bột lộc, một thứ đặc sản của người Huế. Ngày ngày buổi sáng Phúc đội cái rỗ bánh trên đầu ra các khu chợ ở Đà Nẵng kiếm sống. Trưa về đi học, tối về gói bánh để sáng hôm sau ra chợ bán. Có một kỷ niệm đáng nhớ về Phúc. Lúc đó đã là cậu con trai lớp 9 rồi, sớm biết chưng diện trước phái nữ, mỗi lần đội thúng bánh ra chợ, hể gặp mấy đứa con gái quen biết hoặc con gái bạn học cùng lớp, Phúc nhanh chân lủi trốn vì mắc cỡ về cái thúng bánh trên đầu. Nghĩ mà tội nghiệp.

Phúc có một người anh trai khá đặc biệt, đó là anh Xuân Dũng. Anh Xuân Dũng học giỏi lắm. Thời nghèo đói bao cấp như vừa nói trên, anh Xuân Dũng phải đi lượm củi khô bó lại rồi đem ra chợ bán sống qua ngày. Nhưng anh có chí học hành lắm. Muốn thi vào trường Y của Huế, nhưng bị bố cấm học. Người xưa có câu cha làm thầy con đốt sách, nhưng trường hợp của anh Xuân Dũng thì lại là cha đốt sách con đi học! Ông cụ đem hết sách vở ra đốt để cậu con trai không còn tơ tưởng gì đến việc học hành nữa. Nhưng Xuân Phúc kể là anh Dũng vẫn hay trốn bố vào toilet đọc sách trong đó. Tới ngày thi, anh Dũng vẫn đẩy xe ra khỏi nhà, nhưng bỏ làm, đến trường đi thi, tối đẩy xe về nhà bình thường. Thời đó, mỗi lần có kết quả đậu vào trường đại học, tên của những thí sinh trúng tuyển được đọc trên các loa treo trên các cột điện khắp đường phố. Ông bố buổi sáng ngồi sân trước, nghe tên đứa nào trúng tuyển sao mà trùng tên thằng con trai của mình thế. Quả là một gương hiếu học.

Gia đình Xuân Phúc theo đạo Công giáo vì tôi thấy có bàn thờ Chúa Mẹ trong nhà, nhưng tôi hầu như không thấy họ đi nhà thờ bao giờ. Tôi chỉ nhớ là lúc ông Cụ qua đời thì có đưa vào nhà thờ. Anh Xuân Dũng thì hình như có kỵ rơ với Công giáo. Số là, lúc còn là sinh viên trường Y, anh phải lòng một cô gái khá xinh đẹp trong xứ, chị Hạnh. Gia đình chị Hạnh thì rất là Công giáo, có anh trai là Linh mục. Bố mẹ được người trong xứ trọng vọng, ai ai cũng kêu là ông bà Cố. Thế nhưng, buồn thay, anh Xuân Dũng bị gia đình chị Hạnh từ chối. Theo Phúc kể thì lý do là vì cái tội nghèo! Mà quả thật là nghèo. Thế là môn không đăng, hộ không đối, anh Xuân Dũng mang mối hận từ đó. Hận đời, hận tình và hận luôn cả người mang danh đạo! Nhà tu gọi khó nghèo là nhân đức, nhưng người đời cho là một sự nguyền rủa.

Sau này đỗ đạt thành bác sĩ, cũng theo Phúc kể, anh Xuân Dũng ôm mộng lớn lắm. Anh muốn phấn đấu trở thành trưởng khoa trong bệnh viện, rồi lên làm giám đốc. Mà thời đó, muốn thăng quan tiến chức thì phải vào đảng. Thế là anh trở thành đảng viên.

Phúc giờ đây cũng thuộc hàng đại gia ở Tuy Hoà, nhưng tôi thấy cũng không thiết tha gì việc nhà thờ nhà thánh. Gia đình không có bàn thờ Chúa. Phúc đãi ăn trưa, tôi đang phân vân có nên làm dấu thánh giá trước khi ăn, để tránh gia chủ khỏi ngại ngùng? Anh em svd đã làm dấu trước bữa ăn, Phúc cũng làm theo, cho dù một cách máy móc! Một cử chỉ truyền giáo nho nhỏ.

Tôi hơi dài dòng về trường hợp của gia đình Xuân Phúc vì ngày nay cũng còn đó bao nhiêu là Xuân Phúc và Xuân Dũng. Bất mãn hay bị người khác làm vấp ngã đức tin rồi xa Chúa bỏ nhà thờ. Chúng ta học được bài học nào chăng trong việc truyền giáo hoặc tái truyền giáo?

Xế chiều chúng tôi đặt chân đến nhà svd ở Kim Châu. Đó là một khu đất khá rộng với những dãy nhà cũ kỹ nghe đâu có thể hơn 100 tuổi. Nếu là ở Úc thì chắc chắn đã được liệt kê vào hạng di tích lịch sử, không còn thuộc quyền quản lý của chủ nhân mà là của nhà nước rồi. Vì là một toà nhà cũ kỹ nên tiện nghi sinh hoạt cũng hạn chế không thoải mái. Nói ra như vậy để anh em mình hiểu được phần khó khăn của anh em đang sống ở đó. Tuy nhiên với sự chăm sóc và chăm chỉ làm việc, các anh em đã biến nó thành một cộng đoàn xinh xắn. Có ao cá, vườn cây cảnh, đài đức Mẹ thật đẹp.

Mấy sào ngô xanh tươi có được là sự làm việc chăm chỉ của anh em svd cộng tác với bà con địa phương. Thầy Tuấn tâm sự bà con đây nhiệt tình lắm, làm gì họ cũng sẵn sang ra tay giúp đỡ,nhưng mình phải luôn có mặt để động viên tinh thần làm việc. Tôi cũng có ấn tượng là trẻ em cũng như bà con ở đây rất cảm tình với thầy. Không khéo như Phêrô hồi xưa trên núi, họ lại dựng cho thầy một lều gia hạn tạm trú thêm một năm ở Kim Châu! Đó phải chăng là một gương nho nhỏ về đối thoại sống, dialogue of life.

Cha Simon Nguyễn Đức Hồng, thầy Tuấn và thầy Phước vui vẻ đón tiếp. Tối hôm đó chúng tôi được khoản đãi món thịt cầy. Tuy không phải là món khoái khẩu của mình, nhưng không thể không ghi nhận sự tận tình và hiếu khách của cha Hồng, các thầy và các anh chị em giáo dân giúp việc.

Tuy ở lại Kim Châu trong một thời gian ngắn ngủi, tôi khám phá ra vài điều thú vị về địa danh gắn bó mật thiết này với dòng Thánh Giuse. Tuy không hẳn là cái nôi của dòng Giuse, nhưng có thể nói đây là nới chứng kiến sự trưởng thành lớn lên của dòng trong những thập niên kể từ 30’s trước khi dời về Nha trang. Đi đến đâu tôi cũng được nghe những người thuộc thế hệ lớn tuổi đã từng được chịu sự giáo dục của nhà dòng hết lòng ngưỡng mộ và ngợi khen tính kỷ luật và sự chuyên môn về giáo dục của các thầy Giuse một thời. Đến nay không ít những người thành công hoặc có chức vụ trong giáo quyền cũng như chính quyền đã từng thọ giáo với các thầy Giuse. Cho đến nay, Kim Châu vẫn là một vùng khó khăn, dân chúng sống chủ yếu làm nông. Chất lượng giáo dục vẫn chưa đâu sánh bằng các thầy Giuse đã một thời phục vụ địa phương này.

Hôm đi họp các dòng ở Bùi Chu do Hội đồng Giám mục VN tổ chức, một Soeur giám tập đã cao niên có nhận xét là các em tu sinh ngày ngay tuy không thích mình bị so sánh với thế hệ đi trước bằng những câu như “hồi xưa…..thế này thế nọ”, nhằm bắt các em phải sống theo giá trị của người xưa, nhưng các em vẫn có hứng thú và thích được nghe về lịch sử của dòng về thế hệ đi trước với sự hiếu kỳ. Quả thật dòng Giuse đã để lại một dấu ấn truyền giáo sâu đậm trong tâm trí của người dân địa phương. Chớ gì lịch sử đó sẽ được lưu lại để khỏi bị đi vào quên lãng. Ngày nay tuy chúng ta đã hội nhập với dòng Ngôi Lời, sống đời sống sứ vụ và linh đạo Ngôi Lời, nhưng lịch sử dòng thánh Giuse vẫn là di sản làm phong phú cho quá trình hình thành của tỉnh dòng Ngôi Lời tại VN.

Tranh thủ đi thăm một vài gia đình ông bà cố. Chúng tôi thăm bà Cố của cha Thanh và cha Minh, ông bà Cố của cha Ưng. Tuy đã cao tuổi, nhưng các ngài không mất đi tính trẻ trung hài hước.

Nhà thờ Kim Châu bên cạnh cộng đoàn svd cũng là một ngôi thánh đường có bề dày lịch sử do cha Trí, là bào đệ của cố linh mục Simon Nghi svd đảm nhiệm. Ngôi nhà thờ này là ngôi nhà thờ duy nhất trong giáo phận Qui Nhơn với hơn 100 tuổi đời. Những cánh cửa cũ kỹ to lớn với những chạm trổ, những cột trụ gỗ to chắc bên trong nhà thờ thật là ấn tượng, chứng tích lịch sử của bao nhiêu thế hệ đi trước. Nghe nói ngôi thánh đường này được liệt kê là di tích lịch sử của tỉnh.

Sáng hôm sau 25/03 Lễ Truyền Tin, cha Hồng, các anh em svd cùng với cộng đoàn sốt sắng dâng Lễ trước khi lên đường.

Rời Kim Châu khoảng 5km về hướng Bắc, nằm trên quốc lộ, chúng tôi đi ngang qua Đập Đá ghé thăm một khu đất nhỏ, một ngôi thánh đường nhỏ đang được xây dựng, giáo họ Đập Đá. Được biết sau này sẽ giao cho SVD trông coi. Tôi muốn ghé thăm Nhà Thờ Đá, đó mới là cái nôi nơi dòng thánh Giuse được sanh ra. Nghe nói địa danh đó nằm trên một ngọn đồi, giờ đây do ảnh hưởng của chiến tranh và theo thời gian đã trở thành hoang phế.

Cách thành phố Đà Nẵng 60km, chúng tôi ghé thăm giáo xứ Bình Phong, Tam Ky- Quảng Nam. Được cha xứ là anh trai của tôi đãi ăn trưa món mì Quảng mà cha Tâm order khi cách giáo xứ hai tiếng đồng hồ xe. Đi với cha Tâm chắc là khó bị chết đói lắm! Bình phong cây cối mát mẻ, anh em đánh một giấc trưa thoải mái.

Chúng tôi ghé thăm gia đình thầy Thắng, một học viên năm đầu của chúng ta tại học viện Saigon. Đời sống gia đình đơn sơ giản dị trong một khung cảnh hết sức mộc mạc, nhưng ấm áp tình hiếu khách và lạc quan của gia đình thầy – ông bà nội và song thân của thầy. Gia đình sản xuất bún tươi. Anh em nào tương lai ghé Bình Phong, Tam Kỳ, đừng bỏ qua món bún tươi của gia đình thầy Thắng.

Xế chiều thì chúng tôi đến giáo xứ Hoà Khánh, Đà Nẵng, nơi cha Ưng svd đang ở và làm việc trong vai trò cha phó. Đó là một giáo xứ lớn với khoảng bảy ngàn giáo dân, với con số lớn học sinh từ quê hoặc lao động di dân đổ về đó. Chúng tôi nghỉ đêm ở đó và sáng hôm sau cùng dâng thánh Lễ với giáo xứ.

Buổi sáng, chúng tôi lên đường về Đà Nẵng ghé thăm cộng đoàn các Soeur Phaolô ở nhà Hưu dưỡng. Không biết Soeur trực văn phòng vào báo cáo thế nào mà Soeur bề trên nhà thông báo với các Soeurs già hôm nay có Đức cha đến thăm. Báo hại các Soeurs già áo xống chỉnh tề chuẩn bị đón phép lành của Đức cha. Hoá ra cha Tâm svd nhà mình người đen đen ốm ốm, gầy thầy cơm, ngoại hình trông giống Đức cha Bùi Tuần hết sức. Các Soeurs bị một phen bé cái lầm!!! Tội nghiệp ‘đức cha Tâm’ phải đi từng Soeur để ban phép lành để không phụ lòng trông đợi của quí Soeur già.

Được hướng dẫn qua thăm một cộng đoàn Phaolô khác gần đó, thầy Hoàng quản lý và cha Huy tranh thủ xin các các Soeurs chỉ giáo về nghệ thuật nuôi cá, chăn nuôi thỏ, heo, trồng cây. Quen biết các Souer Phaolô từ thủa nhỏ, tôi không ngừng thán phục tài kinh bang tế thế của các nữ tu này trong những giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Tinh thần tự túc tự cường của giới quần thoa phụ nữ chân yếu tay mềm này đáng cho chúng ta học hỏi lắm.

Trưa 26/05 cha Ưng đề nghị chúng tôi đi thăm một địa điểm hết sức đặc biệt. Đó là mộ thầy James Đặng An, một cựu Giuse của chúng ta, mà dân địa phương quen thuộc gọi là thầy Dzack (do phát âm tiếng Pháp của chữ James). Phần mộ của thầy Dzack nằm ở trung tâm của nghĩa trang, thuộc giáo xứ Cồn Dầu - Quảng Nam, nay thuộc giáo phận Đà Nẵng.

Giáo xứ Cồn Dầu trước đây thuộc giáo phận Qui Nhơn trước khi Đà Nẵng tách thành một giáo phận khác. Thầy Dzack được cử về Cồn Dầu để trong coi tài sản của giáo phận ở đó. Theo một nhân chứng còn sống, nay đã sắp xỉ 80 tuổi, thì một hôm tối trời thầy Dzack bị một nhóm du kích dẫn ra ngoài ruộng chém đầu vì thầy từ chối không thoả mãn những đòi hỏi của họ. Chính nhân chứng sống này đã dẫn giáo dân đến thu lượm di thể của thầy về chôn cất. Thửa ruộng nơi thầy bị chém đầu chúng ta có thể thấy xa xa từ mộ phần của thầy (xem hình). Theo giáo dân sống ở đây, thầy Dzack linh lắm, họ vẫn đến khấn vái xin ơn của thầy. Hôm đó có mấy Soeurs từ Trà Kiệu cũng đến khấn xin với thầy.

Tấm bia đá trên mộ phần của thầy do thời gian đã bị xói mòn, khó khăn lắm tôi mới được được vài thông tin vắn tắt về thầy: ĐẶNG AN, DÒNG THÁNH GIUSE, MẤT NĂM 1945…. Ngoài ra còn những chi tiết khác mà không thể đọc được vì bia đá đã quá xói mòn

Cồn Dầu nằm trong khu vực nay mai có thể bị giải toả, để lại cho tư nhân làm khu du lịch sinh thái. Giáo dân Cồn Dầu đang còn trong giai đoạn căng thẳng với chính quyền về vụ giải toả đất đai này, vì nó liên quan trực tiếp đến không những chỗ ở mà còn là công việc làm ăn của họ. Dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông, di dời chỗ ở, kiếm việc gì để sinh sống là một vấn nạn nhức nhối. Nay mai nếu phải giải toả, không biết mộ phần của thầy Dzack sẽ ra sao. Riêng tôi sực nhớ đến một câu nói của thánh Joseph Freinadametz nhà truyền giáo tiên khởi của hội dòng SVD ở Trung quốc: “Trung quốc không chỉ là quê hương của tôi mà còn là chiến trường mà trên đó một kia tôi sẽ ngã xuống.” Cồn Dầu là nơi mà thầy Dzack không những sống và làm việc, mà còn là chiến trường trên đó thầy đã ngã xuống. Đúng là câu chuyện về một cuộc sống truyền giáo.

Thứ Sáu 27/03, chúng tôi lên đường hướng về vùng cao nguyên Gia Lai – Kontum.

Quả thật nỗ lực truyền giáo của Giáo hội Vietnam, đặc biệt là các hội dòng nam nữ ngày nay hầu như nhắm vào các cứ điểm vùng cao nguyên, mục tiêu không thể bỏ qua là anh chị em người dân tộc thiểu số. Trong hoàn cảnh như vậy, nhiều anh em svd cũng có những suy tư thao thức về việc đẩy mạnh công việc truyền giáo của mình ở Cao nguyên.

Trước hết chúng tôi ghé thăm xứ Thăng Thiên do cha Phêrô Nguyễn Vân Đông đảm nhiệm kiêm hạt trưởng Gialai. Thầy Phúc đang mục vụ năm ở giáo xứ này. Thầy Phúc chuyện lo giáo lý và sinh hoạt ca đoàn của giáo xứ. Cha sở Phêrô Đông là một người có đầu óc hoạt động xã hội năng nổ. Cha có công xây dựng nhà khuyết tật, mở mang cơ sở cho học sinh nghèo, và đặc biệt Cha được biết đến do chương trình chôn cất thai nhi bị cha mẹ bỏ. Đến nay cha đã thành lập được các nghĩa trang không những ở Gialai mà còn ở các tỉnh khác, chôn cất đến nay hơn 7000 thai nhi. Cha Đông tiếp đón anh em svd rất là ân cần, ngài vốn có thiện cảm với dòng Ngôi Lời chúng ta và mong mỏi sự cộng tác của svd.

Cha Đông là người kể chuyện rất có duyên và hóm hỉnh. Ngồi nghe Cha kể chuyện không biết chán. Cha kể những câu chuyện như là các đồng nhi về chọc phá giấu đồ đạc của cha, nhiều khi cha phải la mắng chúng không được quậy phá….”dù sao mình cũng là bố tụi nó mà hì hì” Cha vui vẻ kể. Những câu chuyện về sự quan phòng của Chúa và cầu xin với các thánh thai nhi Cha đã chôn cất. Trong những lúc khó khăn, cha không bao giờ quên chạy đến với họ xin trợ giúp. Các chương trình từ thiện xã hội của Cha không những được người trong nước mà cả người không công giáo ở trong cũng như ngoài nước biết đến.

Ngày hôm sau, chúng tôi lên đường đi đến Giáo xứ Thạch Mỹ nơi có thầy Thiện cũng đang mục vụ năm ở đó. Thạch Mỹ cách Gialai khoảng 20km. Đó cũng là một giáo xứ lâu đời với hơn 5000 giáo dân, đa số là gốc di cư. Giáo xứ không có linh mục, cha hạt trưởng Phêrô Đông đảm nhiệm. Mọi công việc quản lý hầu như trao phó hết cho thầy Thiện. Tội nghiệp thầy, ăn cơm thầy làm việc cha!

Cha Nguyên svd cũng vừa mới rời Thạch Mỹ sau ba tháng giúp ở đó. Sau nhiều năm chờ đợi, rốt cuộc Cha cũng đã có visa đi PNG, nhưng phải qua Philipines lấy visa. Cha Hải svd trong lúc chờ đợi làm visa đi truyền giáo ở Argentina hiện đang ở giúp giáo xứ.

Tối hôm ở Thạch Mỹ, Cha Tâm được mời chia sẻ hành trình ơn gọi với các em dự tu nam nữ của giáo xứ. Cha chia sẻ hành trình đi tu với không nhiều khó khăn, nhưng kiên trì qua cầu nguyện và tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Chúa. “Một tay bám lấy Chúa, một tay bám lấy anh em” đó là danh ngôn của Cha Tâm!

Cha Giám tỉnh và một số anh em sáng thứ Hai, 30/3/09 qua sự giới thiệu của cha Phêrô Đông đã có một cuộc gặp gỡ với Đức cha Micae Oanh giám mục Kontum. Đây là cuộc gặp gỡ lần đầu tiên của đại diện Ngôi Lời Vn với Đức cha địa phận. Cuộc gặp gỡ chỉ có tính cách xã giao và tìm hiểu.

Là người có kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở địa phận, cha Phêrô Đông đã có những lời khuyên thiết thực. Chúng ta nên từ từ cẩn trọng, không nên quá vội vàng. Chúng ta còn phải nghĩ đến sự hạn chế của chúng ta ở khía cạnh thực lực nhân sự, tài chánh và cơ sở vật chất. Đó là chưa nói đến cần phải có tham khảo và suy xét hơn nữa về hoàn cảnh văn hoá, xã hội, và kinh tế địa phương nơi chúng ta muốn truyền giáo. Trong quá khứ cũng đã từng có các dòng tu đến truyền giáo ở đây nhưng hiệu quả truyền giáo cũng còn có rất nhiều hạn chế. Phải chăng chúng ta cũng cần có sự nghiên cứu tham khảo nhghiêm túc trước khi anh em svd chúng ta dấn thân sâu vào truyền giáo ở đây.

Thiển nghĩ chúng ta có thể từng bước xây dựng công việc truyền giáo của chúng ta ở Cao nguyên trước hết bằng sự hiện diện truyền giáo. Thay vì xây dựng cơ sở riêng hoặc nhận giáo xứ svd, chúng ta hợp tác với những cơ sở có sẵn của địa phận. Qua những đóng góp mục vụ. Sự hiện diện và hợp tác của các thầy học viện làm mục vụ năm hoặc hè là một ví dụ điển hình.

Phương thức truyền giáo của chúng ta nên áp dụng phải chăng là đối thoại và xây dựng một lối sống với văn hoá nhân bản. Lịch sử truyền giáo kể từ giáo hội sơ khai, đặc biệt là giáo hội Vietnam, luôn chứng minh là đức tin công giáo lớn mạnh khi các nhà truyền giáo biết cổ võ một đời sống với những giá trị nhân bản. Lấy con người làm gốc, thăng tiến đời sống con người, để qua đó giúp con người biết hướng về Thiên Chúa là nguồn gốc của Chân Thiện Mỹ của mình. Lịch sử cũng chứng minh xây dựng những cơ sở vật chất tôn giáo đồ sộ, không phù hợp với hoàn cảnh sống khó nghèo của dân chúng địa phương, không mang đến hiệu quả truyền giáo cao, ở nhiều trường hợp nếu không muốn nói là suy thoái. Giáo hội Vietnam từ khi đất nước mở cửa 1990, con số tham gia đạo không có gia tăng đáng kể nào, mặc dù cơ sở vật chất nhà thờ được xây dựng khắp nơi, nhất là ở đô thị.

Phương thức truyền giáo qua đối thoại văn hoá không phải là điều mới lạ trong linh đạo truyền giáo của Ngôi Lời. Tấm gương truyền giáo của cha Joseph Freidanametz là một điển hình. Ngài sống cùng, sống với và sống cho người dân địa phương. Cơ sở vật chất hầu Ngài không để lại cái nào, ngoài di sản đức tin! Chúng ta không thiếu những hướng dẫn về văn hoá và hội nhập văn hoá trong văn kiện hướng dẫn cũng như tấm gương truyền giáo trong lãnh vực đối thoại này.

Cao nguyên có lẽ là địa điểm nay mai anh em svd mình sẽ nhắm tới. Chúng ta nên học hỏi gương người đi trước, nghiên cứu xem những gì là khả thể và lâu dài. Nên có một kế hoặch truyền giáo bền vững lâu dài, kẻo không chúng ta lại trở nên ăn xổi ở thì, vừa hao tốn nhân sự và tài nguyên, nhất là lãng phí thời gian. Vấn đề có lẽ không phải là khi nào nhưng là bằng cách nào chúng ta nên dấn thân truyền giáo ở Cao nguyên. Thay vì đặt câu hỏi chúng ta rồi đây sẽ làm được gì, cho bằng chúng ta sẽ có sự hiện diện truyền giáo như thế nào trong một bối cảnh như vậy. Đi chậm mà chắc, còn hơn chạy lẹ mà té nhào!

Sự hiện diện truyền giáo của các anh em mình ở Cao nguyên qua những mục vụ hè và năm trong những năm qua thực sự được đánh giá cao. Có thể nói chúng ta đã bắt đầu bằng những bước đi đúng hướng, dù là những bước đi rất nhỏ.

Cầu chúc tất cả anh em một mùa Phục sinh đầy ơn Trên.

Mùa Phục Sinh, 15/04/09.