JERUSALEM (CNS) - Năm nay, Cổ thành Jerusalem đông đảo người hơn mọi năm, vì Lễ Phục sinh của người Công giáo trùng với Chủ nhật Lễ Lá của Chính thống giáo và ngày chúc phước của giáo trưởng Do thái tại Bức tường thành Phía Tây vào dịp lễ Vượt qua.

Các lối đi ở chợ trời bị tắc nghẽn khi khách hành hương chen vai thích cánh đi dự thánh lễ Phục sinh cử hành tại Nhà thờ Mồ Thánh Chúa. Cùng trên lối đi đó, tín hữu các giáo hội Chính thống tới tham gia phụng vụ ngày Chủ nhật Lễ Lá, còn người Do thái thì vội vã đi tới Bức tường thành Phía Tây để dự nghi thức ban phước lành cổ truyền thực hiện do các vị cohanim, là những tư tế thuộc dòng tộc các vị thượng tế đã phục vụ tại Đền thờ Do thái theo Thánh kinh trước khi đền này bị phá hủy.

Bên trong Nhà thờ Mồ Thánh Chúa, thật không thể nào đi tới được ngôi mộ Chúa Giêsu được bởi vì hàng trăm người từ khắp nơi trên thế giới và người Công giáo địa phương cùng đến tham dự Thánh lễ Phục sinh, cử hành do Thượng phụ Latinh tại Jerusalem là Fouad Twal.

Các tín hữu địa phương thuộc Giáo hội Chính thống Coptic cũng như khách hành hương theo đạo Coptic người Ai cập – nhiều người mặc áo dài, đầu đội nón cổ truyền có kết lá dừa, nơ mầu hồng và hoa – xô đẩy chen chúc trong đám đông để tới ngôi đền thánh Coptic nhỏ bé tọa lạc phía sau ngôi mộ.

Ở phía trước ngôi mộ là đền thánh to lớn hơn của giáo hội Chính thống Hy lạp, cũng chật ních người địa phương và khách hành hương tới cử hành Chủ nhật Lễ Lá.

Đối với một số người hành hương, như Marietta Olmos, 49 tuổi, một tín hữu Công giáo gốc người Chile nay cư ngụ tại Miami, cảm thấy ở đây là phước lành chỉ có một lần trong đời người. Nhưng đối với một số người khác như Terrence McTigue, 65 tuổi, từ Mercer Island, Washington, thì đây lại là một cơn ác mộng.

Lời Olmos: “Ở đây, tôi cảm thấy như đang đứng ngay trước mặt Chúa vậy. Tôi nhận được lời chúc bình an của đức thượng phụ và nơi này, tôi có cảm nghiệm như sự hiện diện của Chúa ở khắp nơi, như dẫm chân trên những chỗ lúc xưa Người đã đứng.”

Nhưng cảm tưởng của McTigue thì lại khác. Ông nói: Các nghi thức ngày Chủ nhật Lễ Lá của Giáo hội Chính thống Hy lạp, đông người và lớn tiếng, hầu như làm chìm ngập đi thánh lễ nhỏ bé hơn của người Công giáo. Cảm thấy quá nhiều như là một sự tranh đua trong tất cả các lễ nghi phụng vụ tại giáo đường, nhưng ít cảm thấy có sự phối hợp của những cộng đồng cùng liên hệ với Thiên Chúa giáo.

Amy Rementillia 35 tuổi, một phụ nữ người Phi luật tân làm nghề gia nhân tại Tel Aviv, đứng chụp hình Phiến đá Ướp xác, ghi dấu nơi theo tương truyền là chỗ đặt xác Chúa Giêsu khi tháo đinh khỏi thánh giá. Người ta chen chúc chung quanh phiến đá, rắc những cánh hoa hồng và nước hoa hồng, cũng như lấy khăn và tượng ảnh đụng chạm vào phiến đá.

Bà nói: “Tôi muốn lặng lẽ cầu nguyện, nhưng vì quá đông người nên không thể tập trung được.”

Hai người tị nạn Phi châu gốc ở Eritrea nhẫn nại đứng gần Phiến đá Ướp xác, chờ đến phiên được cầu nguyện, trong lúc khách hành hương xông xáo hơn, vượt đi lên trước họ. Cuối cùng thì anh Haile, 48 tuổi, cũng có thể tìm được một chỗ sát cạnh phiến đá và cúi người đặt trán mình trên đó. Một lúc sau, người kia là Kido Kirane Mariam, 34 tuổi, cũng tìm được cách đến bên cạnh phiến đá.

Theo lời họ, cả hai cùng là những tín hữu Kitô giáo, đã từ Eritrea băng qua Sudan để đến tị nạn tại Israel. Haile đã ở Israel được một năm, còn Mariam được hai năm. Hiện nay có tới 17 ngàn người châu Phi đến từ Sudan, Eritrea, Congo, Nigeria và Ivory Coast để tị nạn tại Israel.

Lời của Haile: “Chúng tôi rất tri ân được tới nơi đây. Đây là nơi chỗ của Chúa Giêsu, là nơi thánh.”