ĐẸP THAY 70 NĂM SỐNG ĐỜI TẬN HIẾN !

Quy luật tự nhiên của con người, khi còn trẻ, còn làm được việc này việc kia thì kẻ lui người tới. Thời còn trai trẻ cứ mãi miết trên con đường lao động. Hạnh phúc khi mình còn làm được điều gì đó cho đời và cho người. Khi còn trẻ, người người lui lui tới tới với ta. Thế nhưng, một lúc nào đó nhìn lại, ta lại thấy thời gian qua đi quá nhanh, nhanh đến độ ta không ngờ khi nhìn lại ta đã vào tuổi “xế chiều”.

Vào cái tuổi xế chiều ấy, ta không còn làm gì được nhưng ít nhất ta cũng mãn nguyện vì ta đã làm một chút gì đó để lại cho người và cho đời. Dù chẳng là gì cả nhưng đó là chút mắm muối ta đóng góp cho đời. Sống trên cõi đời này mà không phục vụ, không hiến dâng bỗng nhiên ta thấy đời ta vô vị và tẻ nhạt.

Dẫu không còn hoạt động như thời trai trẻ nhưng còn một việc ta làm được đó là chiêm niệm và cầu nguyện. Chiêm niệm và cầu nguyện cho những người trai trẻ đang hoạt động. Dù bất cứ ơn gọi nào, dù bất cứ hoạt động nào cũng cần lắm những tâm hồn chiêm niệm và cầu nguyện.

Chiều Chúa Nhật III mùa Chay đẹp trời, tôi được dừng lại để cùng nhìn lại quãng đời 70 năm dâng hiến của một nữ tu Nữ Tử Bác Ái. Thánh lễ tạ ơn chiều nay cộng đoàn cùng hiệp ý mừng Ngân khánh khấn dòng của một chị nữa trong cộng đoàn hưu 10 Phan Đăng Lưu của các chị Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn. Tạ ơn Chúa vì muôn vàn ơn phúc mà Chúa đã tuôn đổ xuống trên 70 năm và 25 năm phục vụ của các chị. Có lẽ trân trọng với quãng đời dài hơn 30 năm phục vụ cho anh chị em bị phong ở vùng Tây Nguyên nên Giám mục giáo phận vùng Cao ấy đã về dâng lễ tạ ơn với cây đại thụ của Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn chiều hôm nay.

Khi được Giám mục phỏng vấn về nguyện ước còn lại của mình. Nữ Tu mừng Ngọc Khánh Khấn dòng của mình hôm nay móm mém trả lời: Con muốn trở lại Tây Nguyên để ở với anh chị em bị bệnh phong ! Dù không còn đi đứng như người bình thường nữa, dù giờ đây muốn đi đâu cũng chỉ quanh quẩn với chiếc xe lăn nhưng lòng vẫn nhớ đến những bệnh nhân phong dân tộc thiểu số.

Còn với nữ tu mừng Ngân Khánh Khấn Dòng hôm nay, được hỏi về cảm nhận của mình, chị chỉ biết cười và không nói nên lời vì muôn muôn vàn hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho chị trong 25 năm sống đời tận hiến. Có lẽ chị muốn nói nhiều nhưng tai nạn giao thông đã làm cho khả năng giao tiếp của chị kém hẳn. Trong Thánh Lễ, nhìn chị ráng đứng dậy mỗi lúc có thể để hiệp thông với cộng đoàn lòng tôi cảm thấy quặn đau với nỗi đau chị đang chịu. Chị đau lắm ! Chị muốn đứng nhưng đôi chân của chị không cho phép như người lành lặn được.

Tưởng chừng tóc bạc da mồi, trí quên nhiều hơn trí nhớ nhưng làm sao quên được những anh chị em bị bệnh phong mà mình đã được phục vụ. Làm sa có thể quên được những người nghèo, những người bị bỏ rơi bên lề của xã hội được. Máu của anh chị em dân tộc, máu của những anh chị em bị phong như đã thấm vào trong máu của vị nữ tu già đáng kính mừng lễ hôm nay.

Trong bài chia sẻ của mình, Đức Giám mục Giáo phận Kontum nhắn nhủ với cộng đoàn rằng vị nữ tu già ngồi xe lăn không làm được việc gì giúp ích cho cộng đoàn nữa và thậm chí còn tốn 2, 3 người phục vụ cho nữ tu già nhưng hoa quả của cộng đoàn, ơn ích của cộng đoàn là nhờ lời cầu nguyện của những cây đại thụ này đây.

Đúng như lời của Đức Cha nói, dù đi đâu, dù ở đâu mà không có đời sống cầu nguyện thì đời sống hoạt động cũng chẳng là gì cả. Đời hoạt động có ý nghĩa khi và chỉ khi nó đặt trên đời sống cầu nguyện. Vì nếu không cầu nguyện thì tất cả những hoạt động của đời tu trì sẽ đặt trên danh dự, trên vinh dự của người thừa sai. Còn nếu chìm sâu trong đời cầu nguyện thì tất cả những thành quả của cuộc đời tận hiến đều quy về Chúa. Điều này dễ dàng nhận thấy sau chặng đường dài phục vụ. Những người tìm danh mình nó sẽ khác với những người đi tìm vinh danh Thiên Chúa. Những người đi tìm vinh danh Thiên Chúa sẽ không bám víu vào những thành quả mà mình đã đạt được mà luôn luôn cầu nguyện cho những nơi mình đã được gửi đến, nơi mình đã được phục vụ. Những ngày còn lại của cuộc đời, lời cầu nguyện của nữ tu già đáng kính sẽ đẹp lòng Chúa và được Chúa nhậm lời một cách nhanh chóng.

Dù không còn làm được gì, dù chỉ ngồi trên chiếc xe lăn ở cái tuổi ngoài 90 của vị nữ tu mừng Ngọc Khánh Khấn Dòng, dù không còn đi lại bình thường, dù phải cố lê từng bước chậm như chị mừng Ngân Khánh hôm nay nhưng có một việc mà các chị làm được đó là các chị luôn luôn cầu nguyện. Hoạt động, sự phát triển của Hội Dòng có được cũng một phần nhờ vào lời cầu nguyện của những cụ già này những người đau lâu ốm dài như vị nữ tu này.

Nếu nhìn theo con mắt của con người, cảm nhận của người đời thì sự hiện diện của những cụ già này trong các nhà hưu dưỡng của các hội dòng sẽ là gánh nặng thế nhưng trong con mắt lòng tin thì sự hiện diện của những cụ già này như là ân huệ mà Thiên Chúa ban cho hội dòng. Thử hỏi, nếu như cách đây 70 năm, 80 năm không có sự hiện diện của các cụ như thế này thì làm sao Hội Dòng có được như ngày hôm nay.

Một lần nọ, chị phụ trách cộng đoàn hưu nói chuyện về các ngoại ở đây thật là vui ! U 80, U 90 để rồi tính cách hoàn toàn thay đổi. Tính các ngoại giờ đây như con trẻ vậy: Cho ăn thì lại bao chưa cho ăn, cho uống thuốc rồi thì bảo chưa cho uống … Mới 3 giờ sáng đã thức dậy lọ mọ vào nhà nguyện để dự lễ … Chùm chìa khoá cất ở trên nóc tủ thì bảo bị ăn cắp !

Tôi nói với chị phụ trách rằng đó là chuyện hết sức bình thường của đời người. Mai mốt mình già chưa chắc mình được như vậy hay là mình còn trái tính trái nết hơn nữa. (Sống thời buổi đầy hoá chất như bây giờ không biết có được lên đến “hàng năm” hay không chứ đòi đến “hàng tám”, “hàng chín” như các ngoại ở nhà hưu dưỡng này). Mình chăm sóc các cụ này như nhớ lại tất cả công ơn của các cụ đã đóng góp cho Hội Dòng.

Sống ở ngoài đời cũng vậy thôi ! Cha mẹ mình sau một đời lao nhọc lo cho con cái thì cũng phải đến lúc già, lúc lẫn. Chính những lúc ấy mới thể hiện được một con người có nhân có nghĩa hay là không. Những bà ngoại trong nhà hưu này cũng là cha là mẹ của chúng ta trong mối tình thiêng liêng trong đời tận hiến đó thôi. Chăm sóc các cụ như là đền ơn đáp nghĩa các cụ đó thôi.

Vâng ! Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, đó là đạo lý và đức tính của một con người có nhân bản.

80 năm Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn hiện diện vậy mà nữ tu hôm nay mừng lễ đã có 70 năm tận hiến ! Quả là một cuộc đời dâng hiến thật đẹp và như là những người đầu tiên góp công cho sự hình thành và phát triển của Hội Dòng.

Với cái tuổi xế chiều, ắt hẳn ta sẽ không tránh khỏi những cái gọi là “trái tính trái nết” của những “em bé có quyền đòi hỏi” như các cây cổ thụ trong Hội dòng. Thế nhưng, nhìn lại chặng đường dài của sự hình thành và phát triển, nhìn lại những năm tháng khó khăn, Hội Dòng sống được, hoạt động được là do công khó của những “em bé có quyền đòi hỏi” này. Nếu như trước đây những “em bé có quyền đòi hỏi” này mà không vun đắp, không xây dựng thì làm gì mà Hội Dòng tồn tại. Đã có những lúc người ta dốc hết công sức để lo việc đại sự thì nay trong lúc tuổi già, người ta đòi hỏi một chút xíu sự chăm sóc cũng là điều hết sức bình thường trong cái phận người mỏng manh. Có chăng là còn tình còn nghĩa trong những ngày tháng cuối đời con người có dành cho nhau hay không mà thôi.

Đại lễ của các vị đại thụ trong Hội Dòng là lời tri ân của các cụ dâng lên Thiên Chúa vì những hồng ân vô giá mà Thiên Chúa đã tuôn đổ trên cuộc đời của các cụ. Đại lễ của các cụ chúng ta cũng không quên tri ân vì tất cả mọi nỗ lực, mọi cố gắng, mọi đóng góp của cả đời người cho Hội Dòng.

Đại lễ qua đi nhưng chúng ta cùng tiếp tục dâng lời cầu nguyện cho những ngày còn lại của cuộc đời dâng hiến của các cụ là những ngày sống trong bầu khí tuyệt vời của chiêm niệm, của cầu nguyện. Và cũng nhờ lời cầu nguyện, đời chiêm niệm của các cụ mà Hội Dòng của chúng ta mới vượt qua những khó khăn, những thử thách của cuộc đời.