Rome (CNA).- Trái với những lời bình luận được gán cho một giáo trưởng Do thái, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ không bị cấm cản khi đeo thánh giá đi vào khu vực thánh thiêng của Bức Tường thành Phía Tây Jerusalem (còn gọi là Bức Tường Than Khóc).

Hôm qua, thứ Ba, tờ báo Jerusalem Post trích dẫn lời giáo trưởng Shmuel Rabinovitch là người trông coi các vấn đề phụng tự tại Tường Thành Phía Tây nói rằng Đức giáo hoàng không nên đeo thánh giá khi thăm viếng khu vực này.

Theo tường trình của báo Jerusalem Post, thì vị giáo trưởng nói trên đã phát biểu rằng: “Đi vào vùng Tường Thành Phía Tây mà mang theo các biểu tượng tôn giáo, như cây thánh giá, là điều không thích hợp.” (Xin coi nguyên văn tin của báo Jerusalem Post sau bản tin này)
Bức Tường Than Khóc (hay Tường Thánh Phía Tây) tại Jerusalem


Ông Mordechay Lewy, đại sứ của Israel cạnh Tòa thánh đã đưa ra một bản tuyên bố để làm sáng tỏ vấn đề và nói rằng lời trích dẫn đăng trên báo Jerusalem Post là “sai lạc”.

Đại sứ Lewy nói rằng Israel sẽ “tôn trọng, theo lẽ đương nhiên, các biểu tượng tôn giáo của Đức thánh cha và đoàn tùy tùng của ngài, đúng theo luật lệ hiếu khách và phẩm cách” như thể thức đã áp dụng đối với Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II khi ngài thăm viếng Israel năm 2000.

Bản tuyên bố của ông đại sứ nói tiếp: “Điều này đã được chính Giáo trưởng Shmuel Rabinovitch khẳng định với một viên chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại giao của Jerusalem.”

Đức giáo hoàng Bênêđictô dự trù sẽ thăm viếng Bức Tường thành Phía Tây vào ngày 12 tháng 5, một phần của cuộc tông du Thánh Địa của ngài.

Bản tin của báo The Jerusalem Post:

Giáo trưởng tại Bức Tường thành Phía Tây nói ĐGH không nên đeo thánh giá tại khu vực này

THE JERUSALEM POST - Trước khi Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI thăm viếng Israel vào tháng 5 sắp tới, giáo trưởng Shmuel Rabinovitch đã nói rằng đến khu vực này mà đeo thánh giá là điều không thích hợp.

Đức giáo hoàng luôn luôn đeo thánh giá trong mọi lần xuất hiện công khai. Theo dự kiến ngài sẽ thăm viếng Bức Tường thành Phía Tây vào ngày 12 tháng 5 sau khi hội kiến với các nhà lãnh đạo Hồi giáo tại Dome of the Rock.

Sau cuộc thăm viếng, bao gồm cả việc hội họp với giáo trưởng Shmuel Rabinovitch, Đức giáo hoàng dự trù sẽ hội kiến với hai vị giáo trưởng cao cấp của Israel là Yona Metzger và Shlomo Amar.

Trong một cuộc phỏng vấn của báo The Jerusalem Post hôm thứ Hai giáo trưởng Rabinovitch nói rằng: “Lập trường của tôi là vào khu vực Bức Tường thành Phía Tây mà đem theo các biểu tượng tôn giáo, gồm cả thánh giá, là điều không thích hợp. Tôi có cảm tưởng hệt như một người Do thái mà đi vào một nhà thờ mà choàng khăn trùm đầu (tallit) và đeo những hộp da đựng các bản chép Thánh kinh (phylacteries) vậy.”

Rabinovitch có trách nhiệm trông coi các nghi thức phụng tự tại khu vực Bức Tường thành Phía Tây.

Ông Wadie Abunassar, phối trí viên truyền thông chuyến viếng thăm Đất Thánh của Đức giáo hoàng tuyên bố để trả lời cho các bản tin nói rằng Đức giáo hoàng sẽ không cởi bỏ thánh giá: “Trong những ngày tới, tôi có ý định sẽ thảo luận vấn đề này với các nhân viên của Đức giáo hoàng. Tôi không thể tưởng tượng nổi chuyện Đức thánh cha sẽ cởi bỏ cây thành giá của ngài.”

Trong cuộc viếng thăm lịch sử vùng Thánh Địa năm 2000, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô đã cầu nguyện tại Bức Tường thành Phía Tây, nhét vào khe hở nơi tường một bản cầu nguyện viết tay. Các hình ảnh ghi lại cuộc viếng thăm này rõ rệt cho thấy ngài có đeo một cây thánh giá bằng vàng trong lúc cầu nguyện.

Bất kể tiền lệ đó, Rabinovitch vẫn duy trì lập trường của mình, chống lại việc đeo các biểu tượng tôn giáo. Trong những năm vừa qua đã có ít nhất hai vụ Rabinovitch ngăn chặn hàng giáo sĩ Kitô giáo có đeo thánh giá, không cho tới Bức Tường thành Phía Tây.

Vào tháng 11 năm 2007, ông từ chối một nhóm các giám mục nước Áo do tổng giám mục Vienna là Christoph Schonborn hướng dẫn, không cho đi vào khu vực khi các vị giáo sĩ này từ chối không chịu tháo hoặc giấu thánh giá của họ đi.

Lúc đó, Rabinovitch tuyên bố với báo The Jerusalem Post rằng “thánh giá là một biểu tượng làm đụng chạm đến cảm xúc của người Do thái.”

Tháng 5 năm 2008, một nhóm giáo sĩ người Ireland, thuộc cả hai giáo hội Công giáo và Tin lành, cũng bị ngăn cản không được thăm viếng vì cùng một lý do như thế.

Rabinovitch cũng phản đối về các biện pháp an ninh ngăn không cho tín đồ được vào Kotel (Bức Tường thành Phía Tây) nhiều giờ trước và trong khi thăm viếng của Đức giáo hoàng.

Rabinovitch nói: “Các nhà chức trách cảnh sát và Shin Bet (Cơ quan An ninh Israel) đã gặp tôi và trình bày một vài nhu cầu về an ninh trong cuộc thăm viếng, gồm cả việc đóng lại khu vực không cho người ta đến cầu nguyện.”

“Suốt 42 năm qua, đã không có người nào bị cấm cản không cho đến cầu nguyện tại Bức Tường thành Phía Tây, và với thánh ý của Đức Chúa, sẽ mãi mãi không ai bị như thế. Cần phải đạt tới một giải pháp để có được an ninh thích hợp cho giáo hoàng mà không làm mất quyền lợi của mọi người muốn đến cầu nguyện. Bức Tường thành Phía Tây là của tất cả mọi người.”

Một viên chức cao cấp của Giáo hội Công giáo đáp lại rằng các biện pháp an ninh cho Đức giáo hoàng là vấn đề nội bộ của Israel và không phải chuyện của Giáo hội.

Trước năm 1967, khi Bức Tường Than Khóc còn dưới quyền kiểm soát của Jordan, người Do thái bị cấm không được đên đó cầu nguyện. Trong cuộc chiến tranh 6 ngày, Israel chiếm được vùng phía đông Jerusalem, gồm cả Bức Tường Than Khóc, khỏi tay người Jordan và từ đó khu vực này được mở ra cho mọi tôn giáo đến cầu nguyện.