Tình mẫu tử của Ðức Maria vào Giờ của Chúa
Bài giảng của Ðức Cha Comastri trong Tuần Tĩnh tâm Vatican Mùa Chay tại Roma
Vatican, ngày 14.03.2003 - “Giờ” của Chúa Giêsu trên thánh giá, là giờ của tình yêu tuyệt đối. Mẹ Maria đứng gần bên Con của ngài để trao ban tình yêu cho chúng ta. Ðây cũng là Giờ của tình mẫu tử của toàn thể nhân loại.
Ðây là đại ý chủ đề bài diễn giảng của Ðức Cha Comastri vào chiều thứ năm 13.03 và sáng thứ sáu 14.03 trong cuộc tĩnh tâm mùa chay của giáo triều Roma.
Ðức Cha Angelo Comastri, đứng đầu trung tâm hành hương Lorette, là vị giảng tĩnh tâm mùa chay 2003 cho Ðức Thánh Cha và giáo triều Roma, đã nhiều lần nói đến “Giờ của Chúa Giêsu” trong các bài giảng của Ngài.
“Nếu Bêlem là tia sáng đầu tiên của ánh sáng rực rỡ đã rọi chiếu khuôn mặt của Thiên Chúa, thì tất cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã không ngừng mặc khải Thiên Chúa cho chúng ta. Tuy nhiên trong cuộc đời của Chúa Giêsu, đã có những giây phút tóm tắt mọi khoảnh khắc khác, giây phút tóm tắt đó được gọi là “Giờ của Chúa Giêsu”.
Trong Phúc Âm thánh Gioan đã ghi lại một vài khoảnh khắc tuyệt vời này: lần đầu tiên,Chúa Giêsu đã nói với Mẹ của ngài về Giờ của mình. Trong tiệc cuới tại Cana, đức Maria, trong tình mẫu tử tế nhị và trinh trong của mình, đã đến gặp Chúa và nói một cách khiêm tốn với Chúa Giêsu rằng: “Con ơi, họ hết rượu rồi đấy”. Ðây là một lời cầu nguyện đẹp nhất: trình bầy sự nghèo khó của mình. Mẹ Maria quả là thầy dậy cầu nguyện. Ðáp lại, Chúa Giêsu nói với Mẹ ngài rằng: “Thưa Bà, giờ của con chưa đến”. Chúa Giêsu muốn nói với Mẹ Maria rằng: “ Thưa Mẹ, Mẹ hãy nhìn kỹ phép lạ con sắp thực hiện - và quả thực Ngài sẽ thực hiện - nhưng Mẹ cần để ý để thấy rằng phép lạ này còn biểu lộ một phép lạ khác nữa, rồi một phép lạ nữa, tất cả đều quy về Giờ của con. Phép lạ thật sự, biến đổi nước hóa thành rượu, con sẽ thực hiện vào thời điểm đó. Vậy, Mẹ ơi, với tấm lòng ngoan hiền của Mẹ, Mẹ hãy chăm chú chìn về hướng đó, hướng của Giờ của con”.
“Và khi Giờ đã điểm, Mẹ Maria đã mở rộng tâm hồn đễ sẵn sàng đón nhận. Trái tim Mẹ mở rộng thật ngoan hiền dễ dậy. Nhưng cái gì đã thực sự xẩy ra trong khoảng khắc lịch sử ấy?
“Trong Phúc Âm thánh Gioan, có một dấu chỉ rất rõ ràng mạc khải cho chúng ta ý nghĩa của cuộc khổ nạn. Trong chương 13, Phúc Âm Tình Yêu đã dẫn nhập cho câu chuyện của cuộc Khổ Nạn: “Ðức Giêsu đã yêu những kẻ thuộc về mình còn đang ở trong thế gian, ngài yêu họ đến cùng”. Ngài đang yêu và đã yêu thương. Thánh Gioan đã đóng khung suốt cuộc đời Chúa Giêsu trong tác động yêu thương. Nhưng Ngài còn xác định thêm: “cho đến cùng, đến dấu chỉ tận cùng”, tới điểm cùng cực không còn có thể hơn yêu hơn được nữa”.
“Ðó chính là cái chết của Chúa Giêsu. Trên thánh giá, Thánh Gioan đã đặt lên môi miệng Chúa Giêsu lời này: “Mọi sự đã hoàn tất”. Lời này như vậy nghĩa là gì? Lời này muốn nói lên rằng “ta đã yêu đến tận cùng”. Có nghĩa là, ta đã mặc khải mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa. Ta đã mạc khải cho con người biết Chúa là ai. Lậy Cha, con đã bộc lộ mầu nhiệm của Cha, con đã kể cho nhân loại về tình yêu của Cha qua chính cuộc đời của con. Và cây thánh giá vẫn còn gào thét chân lý ấy mãi cho nhân loại và cho những người đã đóng đinh con vì tội lỗi của họ, con vẫn còn nói rằng: “Cha yêu con”.
“Ðây là gương mặt của Thiên Chúa. Và Mẹ Maria đã bị cuốn hút vào trong tác động tình yêu này. Mẹ hiện diện ở đó, bên cạnh Chúa Giêsu, để mẹ Maria trao ban con của Ngài. Chính vào lúc Mẹ trao ban con mình, Mẹ hoàn toàn hòa nhập vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, của Thiên Chúa Tình Yêu.
“Quả vậy, Mẹ đã thụ thai một lần nữa. Trước khi hấp hối, Chúa Giêsu đã trối trăng: “Thưa Bà, đây là con Bà”. Nói một cách khác: “Thưa Mẹ, vào chính lúc mà Mẹ hiến dâng cuộc sống của Mẹ với con, Mẹ đã thụ thai một cách lạ lùng phong phú, một tình mẫu tử bao la: Mẹ trở nên Mẹ các tín hữu. Vậy, thưa Mẹ, Mẹ đừng nghĩ đến con nữa. Một hãy nhớ đến họ. Ðây là con của Mẹ. Với thánh Gioan, Chúa nói: “Gioan, đây là Mẹ con: con hãy nhận lấy hồng ân này. Chính cha đây, vào chính lúc Cha sinh thì, Cha đã ban tặng tất cả cho thế gian, Cha cũng đã ban tặng thế gian tình mẫu tử của Mẹ cha, để Mẹ trở nên dấu chỉ và bài ca của tình yêu Thiên Chúa”.
Ðức Cha kết luận: “Chính vì thế, yêu Mẹ Maria không gì khác hơn là đón nhận hồng ân của Chúa Giêsu Ðấng đã chịu chết, và Mẹ Maria chắc chắn không bao giờ để chúng ta xa Chúa Giêsu…”
“Mẹ Maria không bao giờ là bức tường ngăn trở chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Mẹ luôn là bàn tay hiền mẫu dắt dìu chúng ta vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, bởi vì hơn ai hết Mẹ là người có kinh nghiệm nhiều nhất trong lãnh vực này”.