VATICAN CITY (Zenit.org).- Người phát ngôn của Tòa thánh Vatican gọi quyết tâm du hành tới Giêrusalem của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI là một “quyết định can đảm”.

Linh mục Federico Lombardi, giám đốc văn phòng Báo chí Tòa thánh, trong phiên chót chương trình truyền hình "Octava Dies" của Đài Vatican, đã phân tích quyết định đi thăm viếng vùng Đất Thánh sắp tới của Đức giáo hoàng.

Theo các nguồn tin từ Roma và Giêrusalem, Đức giáo hoàng sẽ du hành tới Jordan, Israel và lãnh địa Palestine vào tuần lễ thứ hai của tháng 5 sắp tới.

Chính Đức giáo hoàng Bênêđictô, trong một buổi triều yết của Hội nghị Chủ tịch các Tổ chức người Mỹ gốc Do thái, cũng đã đích thân loan báo rằng ngài đang chuẩn bị cho cuộc hành trình này.

Cha Lombardi nói: “Đó là một tin mừng. Mọi người Do thái cũng như tín hữu Kitô giáo đều ao ước được tới Giêrusalem. Người Do thái thời xưa đến thành thánh vừa đi vừa ca hát, còn Chúa Giêsu quyết tâm đi đến Giêrusalem để hoàn thành ý muốn của Chúa Cha.”

Cha giải thích rằng khi viếng thăm Thánh địa, người hành hương thăm viếng “nơi thánh thiêng nhất, nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người, đánh dấu lịch sử ơn cứu độ của chúng ta.”

“Đức giáo hoàng cũng có niềm ao ước như thế. Mặc dầu trước đây ngài đã tới đó rồi, nhưng ngài cảm thấy tầm quan trọng trong việc trở lại nơi này với cương vị thủ lãnh của một cộng đồng tín hữu, những người có thể hành hương, trong sự hiệp nhất tinh thần cùng với ngài và qua ngài, đến những nơi là căn cội niềm tin của họ.”

“Chẳng phài ngẫu nhiên mà Đức giáo hoàng Phaolô VI đã tới vùng Đất Thánh trước khi bắt đầu một loạt những cuộc tông du quốc tế, và Gioan Phaolô II đã noi theo bước chân đó, cung hiến những dấu hiệu hoà giải và ước vọng hòa bình không ai quên lãng được. Bây giờ thì đến lượt Bênêđictô. Đây là một quyết định can trường.”

Cha Lombardi giải thích rằng hiện nay “có tình trạng chính trị bất ổn, nhiều sự chia rẽ nội bộ giữa các phe phái. Tiếp tục có các mối căng thẳng trong vùng đất tràn đầy xung đột này, và mới đây nhất, là hiện trường của một cuộc chiến tranh đã tàn phá Giải Gaza và làm cho dân chúng vùng này bị thương tổn nặng nề.”

“Tiến trình hòa bình khó đạt được tiến bộ quyết định nào. Bóng tối hoặc thiếu tin tưởng thường trở lại làm đen tối cuộc đối thoại khởi đầu tốt đẹp giữa thế giới Do thái và Giáo hội Công giáo.”

“Nhưng dù sao đi nữa cũng cần phải đi tới. Quả thực, có lẽ vì tất cả những lý do đó mà phải cấp bách đi tới. Để cầu nguyện ở những nơi chốn hiểm nghèo nhất trong cuộc đối đầu giữa hận thù và yêu thương: Nơi xét theo quan điểm của con người, thấy dường như không thể có được hòa giải.

“Để nhắc nhở cho chúng ta rằng tên gọi của Giêrusalem là “thị trấn hòa bình”, nơi gặp gỡ của các dân tộc nhân danh một đấng Thiên Chúa cứu độ, ban an bình và yêu thương cho hết cả mọi người.”