Những vấn nạn về hôn nhân để di dân hay định cư



Câu hỏi 1: Con biết có một số người Công Giáo về VN làm thủ tục hôn nhân dân sự để mang người phối ngẫu chỉ trên giấy tờ nầy sang định cư. Nếu sau khi người kia đã sang định cư và họ thật sự yêu thương nhau và muốn cho tình yêu của họ được Thiên Chúa thánh hóa bằng Bí Tích Hôn nhân, họ sẽ phải làm gì? Nếu họ ly dị để đi đền một hôn nhân khác, thì họ phãi làm sao cho hợp luật đạo?

Trả lời: Theo Giáo Luật, Hôn nhân của hai người Công Giáo, hoặc chỉ có một người là Công Giáo và người kia là không Công Giáo, thì bị chi phối bởi Luật Thiên Chúa và Giáo Luật (GL.. 1059). Hôn nhân Công Giáo chỉ có giá trị khi được cử hành trước mặt Giám mục địa phương, hoặc là linh mục đại diện ngài (cha xứ hoặc cha phó của giáo xứ), hoặc là linh mục hay thầy sáu được sự ủy

quyền của Giám mục hoặc linh mục địa phương, với sự hiện diện của hai người làm chứng (Can 1108 §1). Trong trường hợp hai người phối ngẫu ở trong tình trạng nguy hiễm gần chềt, mà linh mục hay người đại diện giáo quyền không thể có mặt, thì họ được phép cử hành bí tích hôn phối trước mặt hai người nhân chứng (Can. 1116 §1).

Theo Giáo luật, tất cả mọi người đều được phép lập gia đình, ngoại trừ những người bị luật pháp nghiêm cấm (can. 1058). Như thế, khi hai người Công giao, hoặc một người Công Gíáo và một người không Công Giáo, không bị nghiêm cấm bởi luật pháp (luật đời củng như luật đạo), cử hành thủ tục hôn nhân trước Chính quyền địa phương, theo luật pháp của địa phương thì thủ tục hôn nhân này là thủ tục hôn nhân tự nhiên. Hôn nhân này có giá trị pháp lý dân sự, nhưng nó không có gía trị pháp lý trong Giáo hội. Như thế, trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội, họ vẫn chưa có thành hôn với nhau. Nhưng hôn nhân của họ là hôn nhân tự nhiên. Cũng theo Giáo Luật tất cả các hôn nhân cho dù là Công Giáo hay là hôn nhân tự nhiên đều có quyền được luật pháp bảo vệ, và trong trường hợp có sự nghi ngờ, tất cả các hôn nhân theo giáo luật hoặc theo luật tự nhiên, đều có gía tri trước pháp luật cho đến khi được chứng minh là vô hiệu (can. 1060).

Như thế, khi một người Vietnam đi về Việt Nam để làm hôn nhân trước chính quyền dân sự, thì hôn nhân của họ là hôn nhân theo luật tự nhiên. Ngay cả khi hôn nhân này được thực hiện để tiện cho việc di dân, trước mặt chính quyền, đó là môt hôn nhân hợp pháp. Khi một hôn nhân tự nhiên được cử hành theo đúng luật của chính quyền sở tại, hôn nhân này được luật pháp bảo vệ (GL. 1060). Nếu một người hay cả hai người là người Công Giáo, cho dù hôn nhân của họ không được Giáo hội công nhận, hôn nhân của họ cũng được luật pháp bảo vệ, cả luật đời cũng như luật đạo. Trước mặt chính quyền dân sự, nhửng người này đả có gia đình, và như thế tất cả chúng ta phải tôn trọng và bảo vệ phép hôn nhân tự nhiên này.

Khi hai người này đã sang định cư tại Canada, và họ do ơn Chúa soi sáng đã yêu thương nhau thực sự, thì họ nên vào trình bày sự việc với cha xứ sở tại và bắt đầu xúc tiến để học giáo lý hôn nhân và chuẩn bị để đi vào đời sống hôn nhân. Cha xứ sẻ điều tra để xem họ có được tự do hoàn toàn để được lảnh nhận bí tích hôn nhân không. Nếu họ được tự do, và không có bị ràng buộc gì cả về đạo và đời, thì tình yêu của họ sẻ được Giáo Hội nâng lên hàng bí tích. Họ không còn phải lo lắng về mặt chính quyền nửa, vì theo luật dân sự, họ đả là vợ chồng.

Nếu đây chỉ là sự sắp sếp hôn nhân để tiện cho việc di dân, thì khi họ đã sang đến và ổn định cuộc sống ở Canada, họ phải ra trước mặt chính quyền dân sự để làm giấy ly dị cho hợp pháp. Sau đó họ nên vào gặp cha xứ sở tại để trình bày sự việc. Cha xứ sẻ giới thiệu họ đến Toà Án Hôn Phối của địa phận họ đang ở để được xúc tiến giải gỡ cho vấn đề của họ để họ sau này được tự do kết hôn một người khác theo luật hội thánh.

Tòa Án Hôn Phối sẽ có mấy cách để giải tỏa khùc mắc cho họ. Nếu họ là người Công Giáo nhưng họ làm thủ tục hôn nhân trước mặt chính quyền dân sự, và hôn nhân này chưa được Giáo quyền chấp nhận vì hôn nhân của họ không theo đúng luật Giáo Hội (lack of canonical form). Để giải tỏa cái khúc mắc này, người đệ đơn cần cung cấp mấy người nhân chứng. Nhửng nhân chứng này phải hứa sẽ nói sự thật, và làm chứng rằng hôn nhân này chỉ cử hành trước mặt chính quyền dân sự thôi, và chưa được cử hành theo luật Giáo hội. Những nhân chứng này là những người thân thuộc với người đệ đơn: Cha, mẹ, anh chị em ruột, hoặc những người có quan hệ gần gũi với người đệ đơn.

Nếu hai người này là hai người không Công Giáo, hôn nhân của họ là hôn nhân tự nhiên và được cả luật đời cũng như luật đạo bảo vệ. Nếu một trong hai người này, khi họ đả ly dị theo luật đời xong rồi, mà muốn học đạo để được rửa tội và trở thành người Công Giáo, để lấy một người Công Giáo hay một người không Công Giáo, thì họ sẻ được hưởng đặc ân của đức tin (Privilege of the Faith). Hôn nhân cũ của họ sẻ được tháo gở để họ có thể lập một gia đình mới. Người đệ đơn này cũng phải cung cấp những nhân chứng gần gủi và thân thuộc với họ như đã nói ở trên.

Nếu một trong hai người này, khi đã ly dị theo luật dân sự xong, người này không muốn theo đạo, nhưng muốn lập gia đình với một người Công Giáo, thì người này được hưởng đặc quyền của đức tin. Đặc quyền này được ban ra để giúp cho người Công Giáo không gặp sự khó khăn trong việc lập gia đình. Với đặc quyền này, Giáo hội cũng hy vọng là sau này người không có đạo sẽ cảm nhận được ơn Chúa và ơn của Giáo hội mà trở lại đạo. Nhân chứng cũng phải được cung cấp đầy đủ như trên.

Dù sao chăng nữa, những người này nên gặp cha xứ để được giới thiệu lên Toà án Hôn Phối của Địa phận nơi họ đang cư trú để được hướng dẫn một cách cụ thể hơn. Mỗi trường hợp của mỗi người đều khác nhau, và có hoàn cảnh khác nhau, nên không thể trả lời một cách chung chung được.

Câu hỏi 2: Ở Canada có nhiều toà án hôn phối, và nhiều hôn phối đã được cử hành trong nhà thờ vẫn được tuyên bố không thành và người trong cuộc sau đó được quyền lấy người khác. Con về VN mới đây và cha xứ con bảo: “Bên Tây loạn hết rồi! Chúa bảo “sự gì Chúa đã liên kết không ai được tháo gỡ!” Cũng là Giáo Hội Công Giáo La Mã, nhưng sao VN không tháo gỡ, còn bên này lại cho phép tháo gỡ?”

Trả lời: Đây là một câu hỏi rất tốt, nhưng để có một câu trả lời rõ ràng, câu hỏi này cần phải được chia ra thành nhiều câu hỏi phụ để có thể giải thích. Như thế câu hỏi này sẽ được chia ra như sau:

- Bí tích hôn nhân được hiểu theo Giáo luật như thế nào?

- Những yếu tố cần thiết nào để cho một hợp đồng hôn nhân có giá trị, được nâng lên hàng bí tích và được Giáo Hội công nhận?

- Quyết định tuyên bố bí tích hôn nhân vô hiệu và chức năng và quyền hạn của tòa án hôn phối?

Khi người đọc hiểu rỏ về bí tích hôn nhân theo Giáo luật, và nhửng yếu tố cần thiết để cho một hợp đồng hôn nhân trở thành một bí tích của hội thánh, củng như nhửng sự hiểu biết về những năng quyền của tòa án hôn phối, thì người đọc sẻ hiểu tại sao toà án hôn phối của địa phận lại tuyên bố một hôn phối không thành sự. Một khi toà án đả tuyên bố một hôn nhân không thành sự, thì nhửng người trong cuộc “có thể” được tự do để lập gia đình, bởi vì tất cả mọi người đều được phép lập gia đình nếu họ không bị nghiêm cấm bởi luật pháp (GL. 1058).[i]

Trước hết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về bí tích hôn nhân theo sự hiểu biết của Giáo Luật. Khi nói về hôn nhân, theo bản chất tự nhiên của nó là một giao ước được ký kết giữa một người nam và một người nữ, với đầy đủ ý thức về trách nhiệm của mình, và được tự do hoàn toàn về tâm lý, tinh thần, và thể xác, nhằm mục đích sống yêu thương nâng đở trong tình yêu vợ chồng. Kế tiếp là việc sinh sản và giáo dục con cái trong trách nhiệm làm cha làm mẹ. Hôn nhân Công Giáo cũng không nằm ngoài ý tưởng đó. Chính Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,4-6).

Qua giao ước hôn phối, người nam và người nữ tạo nên với nhau một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống. Tự bản tính, giao ước hôn phối hướng về thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn phối giữa người đã chịu phép rửa tội lên hàng Bí Tích (GL. 1055 §1).[ii]

Qua Bí tích hôn nhân, hai người nam và nữ thề hứa trước bàn thời Chúa, với dự hiện diện và minh chứng của Linh mục cũng như những chứng nhân. Qua đó, Thiên Chúa ban ân sủng của Ngài cho đôi tân hôn. Vì thế, thông qua các Bí tích được cử hành trong Giáo hội Thiên Chúa hành động và ban ân sủng. Thiên Chúa ban cho đôi hôn nhân ơn tự nhiên và siêu nhiên để họ chu toàn bổn phận trách nhiệm vợ chồng, cha mẹ trong đấng bậc của họ. Nhờ dòng suối ân sủng ấy, đôi bạn được nâng đỡ trong nỗ lực thánh hóa bản thân qua lời cầu nguyện và tham dự vào các Bí tích khác của Giáo hội.

Trong thông điêp Về Sự Sống Con Người (Humane Vitae), Đức Thánh Cha Phaolô VI nhấn mạnh rằng: “Trong hôn nhân, vợ chồng dâng hiến thân xác cho nhau bằng một cử chỉ đặc biệt và giới hạn giữa hai người, để kết hợp với nhau nên một, với mục đích giúp nhau phát triển con người và cộng tác với Thiên Chúa để sinh sản và giáo dục những sự sống mới.” [iii]

Vậy có thể nói, Hôn nhân theo cái nhìn của Giáo Hội và Giáo Luật gồm có 2 mục đích chính: 1- Giúp nhau phát triển con người và cùng nhau hướng về thiện ích của đôi bạn. 2- Sinh sản và giáo dục con cái (can. 1055 §1).

Như thế khi hai người đả chịu phép rửa tội kết hôn với nhau, hôn ước của họ sẻ hửu hiệu và được nâng lên hàng bí tích (can. 1055 §2). Bí tích hôn nhân có hai đặc tính căn bản, đó là sự duy nhất và bất khả phân ly. Bởi vì đây là một bí tích, nên hai đặc tính này được kiện toàn đặc biệt trong hôn phối Kitô giáo (can. 1056).

1/ Duy nhất: Duy nhất hay còn gọi nhất phu nhất phụ là hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Người nam không thể là chồng của người nữ nào ngoài vợ mình; và người nữ cũng không thể là vợ của người nam nào ngoài chồng mình. Đây là nét đặc thù của Hôn nhân Công giáo: Đơn hôn là duy nhất, trung tín, không chia sẻ.

2/ Bất khả phân ly: Một khi đã thề hứa yêu thương nhau trước bàn thờ Thiên Chúa với tất cả tự do và tôn trọng qua Bí tích Hôn nhân, đôi tân hôn được liên kết và đòi hỏi sự trung thủy yêu thương nhau cho đến trọn đời. Từ đó, không ai có thể tháo gỡ giây hôn nhân đó, dù là quyền lực dân sự hay tôn giáo. Nói tóm lại, đặc tính Bất khả phân ly mang tính cách vĩnh viễn, không ly dị: “Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không thể phân ly” (Mt 19,4-6).

Bí tích hôn nhân, được hiểu theo Giáo luật, thì rất là thực tế. Qua bí tích này, hai người nam và nữ sẻ hổ trợ lẩn nhau trong cuộc sống hằng ngày. Họ là hai người bạn đường giúp đở nhau, dìu dắt nhau trên con đường thăng tiến và thánh thiện. Hai đặc tính căn bản này giúp cho đôi vợ chồng thăng tiến trong đời sống hôn nhân và làm nhân chứng cho Đức Kitô trong ơn gọi gia đình của mình.

Như thế qua hai điều khỏan của Giáo Luật, điều 1055 và 1056, bí tích hôn nhân Công Giáo cần phải hội đủ những yếu tố sau đây:

Giao ước hôn phối là một cuộc thông hiệp trọn cả cuộc sống giửa hai người nam và nử;

Giúp nhau phát triển con người và cùng nhau hướng về thiện ích của đôi bạn;

Sinh sản và giáo dục con cái;

Duy nhất;

Bất khả phân ly.

Năm yếu tố này không thể thiếu trong bí tích hôn nhân Công Giáo. Nếu một yếu tố này bị bỏ qua bất cứ vì lý do gì, thì đây không còn là hôn nhân Công Giáo, hay là một bí tích nữa. Hay nói một cách khác, nếu nhửng yếu tố này bị bỏ qua hoặc không được nhắc đến, thì hôn nhân này chỉ là một hôn nhân tự nhiên, hay là một hợp đồng có tính cách trao đổi thôi. Và khi hợp đồng này không còn có lợi cho một hoặc cho cả hai, họ có thể chấm dứt hợp đồng này.

Vì có giới hạn, nên bài viết này không thể trả lời quá dài. Đây chỉ là tóm gọn để trả lời câu hỏi thứ nhất: Hôn nhân Công Giáo theo hiểu biết của Giáo luật. Bài viết lần tới sẻ cố gắng trả lời câu hỏi thứ hai: Những yếu tố cần thiết nào để cho một hợp đồng hôn nhân có giá trị, được nâng lên hàng bí tích và được Giáo Hội công nhận? Còn câu hỏi cuối cùng sẻ được trả lời trong bài viết kế tiếp.

Rev. Joseph Thoại Lê, Vancouver Regional Tribunal

--------------------------------------------------------------------------------

[i] Các điều khoản của Giáo Luật được trích dẩn từ: Bản dịch việt ngữ của: Ðức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Ðức Vinh. Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia.

http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/giaoluat/giaoluat.htm.

[ii] Chữ viết tắt: “can” có nghỉa là Điều… của giáo luật.

[iii] Humanae Vitae 8, Thông điệp: “Về Sự Sống Con Người” của ĐTC Phaolô VI, ban hành ngày 25.7.1968.