Nhóm Lefèbre và Việc Rút Lại Vạ Tuyệt Thông
Ngày 21 tháng 1 năm 2009 vừa qua, Bộ Giám Mục của Tòa Thánh đã chính thức ban hành sắc lệnh rút lại vạ tuyệt thông năm 1988 chống lại các giám mục của nhóm Marcel Lefèbre. Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, coi việc này như một tin vui nhất của Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Sự Hợp Nhất Kitô Giáo.
Tưởng cũng nên nhắc lại: Đức Cha Marcel Lefèbre, qua đời năm 1991, đã sáng lập ra Hội Thánh Piô X, một nhóm theo chủ nghĩa truyền thống, vào năm 1969. Người cầm đầu nhóm này hiện là Đức Cha Bernard Fellay, một trong bốn giám mục do Đức Cha Lefèbre chủ phong năm 1988. Chính việc chủ phong mà không có phép của Tòa Thánh này đã buộc Bộ Giám Mục của Tòa Thánh, chiếu theo giáo luật hiện hành, ra vạ tuyệt thông cho những người liên hệ.
Cha Lombardi cho rằng việc rút lại vạ tuyệt thông này là “một tin vĩ đại hy vọng trở thành nguồn vui cho toàn thể Giáo Hội. Việc rút lại vạ tuyệt thông khỏi bốn vị giám mục của Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X thực sự là một bước nền tảng trong việc thực hiện sự hoà giả dứt khoát với phong trào từng được bắt đầu và lãnh đạo bởi Đức Cha Lefèbre”.
Cố gắng của Giáo Hội
Khi suy tư về sắc lệnh này, Cha Lombardi cũng nhắc đến quan điểm của Đức Bênêđíctô XVI trong bức thư đính kèm tự sắc "Summorum Pontificum" ban hành năm 2007. Đức Thánh Cha viết rằng nhìn vào lịch sử các cuộc chia rẽ trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, người ta thấy điều này: các nhà lãnh đạo của Giáo Hội thường làm rất nhiều để ngăn chặn việc làm cho các chia rẽ ấy thành chai cứng hơn. Bức thư của Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh tới bổn phận của mọi người phải hết sức cố gắng giúp những ai thực tâm muốn hợp nhất tiếp tục ở lại trong hợp nhất hay vươn tới được sự hợp nhất ấy. Ta hãy mở rộng tâm hồn và dành chỗ trong tâm hồn ấy cho bất cứ điều gì đức tin cho phép bước vào.
Sắc lệnh của Bộ Giám Mục cho rằng chính các giám mục của Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X đã thỉnh cầu việc rút lại vạ tuyệt thông, và hy vọng rằng việc rút lại vạ tuyệt thông này sẽ dẫn đến việc hiệp thông toàn diện với Giáo Hội.
Ý muốn của Đức Giáo Hoàng
Đối với Cha Lombardi, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI luôn tha thiết với sự hiệp thông trên. Khi còn là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đích thân tham dự nhiều cuộc thảo luận với Đức Cha Lefèbre, người sau cùng đã chống lại một thỏa hiệp với Tòa Thánh và tự ý chủ phong các giám mục của nhóm mình, do đó đã phá bỏ sự hợp nhất trong Giáo Hội. Theo Cha Lombardi, lúc ấy, Đức Hồng Y Ratzinger đã ráng làm hết những gì có thể làm được để phục vụ chính nghĩa hợp nhất của Giáo Hội. Trong tình huống ấy, Ủy Ban Ecclesia Dei do Đức Gioan Phaolô II thiết lập đã phải âm thầm làm việc để giữ cho các kênh đối thoại luôn được mở ra và để cho các cộng đoàn có liên hệ với phong trào của Đức Cha Lefèbre, bằng nhiều cách, có cơ hội trở về hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Dù sao, đối với Cha Lombardi, Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X với bốn vị giám mục vẫn là cộng đoàn quan trọng nhất cần phải tái lập sự hiệp thông. Cha cũng nhấn mạnh rằng chính Đức Bênêđíctô XVI đã cổ vũ mục tiêu này không những với tự sắc "Summorum Pontificum," là tự sắc làm dễ dàng việc cử hành Thánh Lễ theo nghi thức từng có trước các thay đổi phụng vụ do Vatican II đem lại. Ngay lúc còn đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngài còn ký một văn kiện làm sáng tỏ một số điểm tranh luận về học lý giáo hội học của Công Đồng. Ngoài ra, trong tư cách Giáo Hoàng, ngài cũng đã nhiều lần lên tiếng nói về chiều hướng giải thích đúng đắn chính Công Đồng nữa, coi nó như một tiếp diễn truyền thống, chứ không bước khỏi truyền thống ấy. Cha Lombardi cho rằng: tất cả các điều ấy đã tạo ra bầu không khí thuận lợi giúp các giám mục của Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X yêu cầu việc bãi bỏ vạ tuyệt thông, và điều đó minh nhiên nói lên ý muốn được thuộc về Giáo Hội Công Giáo La Mã và vững tin vào quyền tối thượng của Thánh Phêrô.
Tìm sự hiệp thông trọn vẹn
Phát ngôn viên Tòa Thánh cũng ghi nhận ngày đặc biệt được dùng để công bố việc rút lại vạ tuyệt thông này. Đó chính là đêm trước lễ kỷ niệm năm thứ 50 ngày công bố triệu tập Công Đồng Vatican II, rõ ràng cho thấy biến cố nền tảng này là một dịp hiệp thông chứ không thể nào coi nó như một dịp để căng thẳng, kình chống. Tuy nhiên, Cha cũng phải nhìn nhận rằng còn lâu sự hiệp thông trọn vẹn giữa Hội Thánh Piô X và Tòa Thánh mới đạt được. “Bản văn của sắc lệnh cho thấy ta vẫn còn đang trên đường tiến tới việc hiệp thông trọn vẹn mà Đức Thánh Cha mong muốn sớm thể hiện. Thí dụ, các khía cạnh về tư thế (status) của Huynh Đoàn và các linh mục khác thuộc Huynh Đoàn này vẫn chưa được xác định trong sắc lệnh công bố vào hôm nay. Nhưng lời cầu nguyện của Giáo Hội luôn hoàn toàn nhất trí với lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng xin cho mọi khó khăn chóng được vượt qua và chúng ta có khả năng đề cập tới việc hiệp thông theo nghĩa trọn vẹn của nó và không một chút chao đảo”.
Sắc Lệnh
Sau đây là nguyên văn Sắc lệnh của Bộ Giám Mục:
“Với văn thư ngày 15 tháng 12 năm 2008 kính gửi Đức Hồng Y Darío Castrillón Hoyos, chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng Ecclesia Dei, Đức Cha Bernard Fellay, nhân danh mình và nhân danh các vị giám mục khác được tấn phong ngày 30 tháng 6 năm 1988, một lần nữa đã thỉnh cầu việc rút lại vạ tuyệt thông latae sententiae (1) được chính thức công bố bằng sắc lệnh của Thánh Bộ Các Giám Mục này vào ngày 1 tháng 7 năm 1988.
Trong văn thư vừa nhắc tới, ngoài những việc khác, Đức Cha Fellay khẳng định rằng: ‘Chúng con luôn quyết chí sốt sắng làm người Công Giáo và tiếp tục làm người Công Giáo và mang trọn sức lực mình mà phục vụ Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tức Giáo Hội Công Giáo La Mã. Chúng con nhìn nhận mọi giáo huấn của Giáo Hội bằng một tinh thần con thảo. Chúng con vững tin vào quyền tối thượng của Thánh Phêrô và vào các đặc quyền của Ngài và vì thế, tình huống hiện nay khiến chúng con rất đau lòng’.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, với tâm tình nhậy cảm của một người cha đối với sự bất an thiêng liêng do các vị liên hệ bày tỏ vì vạ tuyệt thông này, và hằng tin tưởng đối với lòng cam kết do các vị nói lên trong thư trên không ngại bất cứ cố gắng nào để đi xa hơn trong các thương thảo cần thiết với các thẩm quyền của Tòa Thánh về các vấn đề chưa được giải quyết, và nhờ thế sẽ mau chóng tiến tới việc giải quyết trọn vẹn và thỏa đáng các vấn để đã có từ đầu, nên đã quyết định xem sét lại tình huống giáo luật của các giám mục Bernard Fellay, Bernard Tissier de Mallerais, Richard Williamson và Alfonso de Galarreta, xẩy ra trước đây với việc thụ phong chức giám mục của họ.
Với cử chỉ này, mong sao củng cố được các mối liên hệ tin tưởng hỗ tương, [và] tăng cường cũng như ổn định hơn nữa mối liên hệ của Huynh Đoàn Thánh Piô X với Tông Tòa. Ơn bình an vào lúc kết thúc các cử hành Giáng Sinh này cũng nhằm mục tiêu làm dấu chỉ cho việc thăng tiến sự hợp nhất của Giáo Hội Phổ Quát trong đức ái, và với phương thế ấy, đạt tới chỗ loại bỏ được gương mù chia rẽ.
Ước mong rằng bước tiến này được tiếp nối bằng việc lo lắng thể hiện việc hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội của Hội Thánh Piô X, qua đó làm chứng được lòng trung thành chân thực và việc chân nhận huấn quyền cũng như thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng, với bằng chứng hợp nhất hữu hình.
Chiếu theo các năng quyền đã từng minh nhiên được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI ban cấp cho tôi, và chiếu theo sắc lệnh này, tôi cất khỏi các giám mục Bernard Fellay, Bernard Tissier de Mallerais, Richard Williamson và Alfonso de Galarreta án phạt vạ tuyệt thông latae sententiae do Thánh Bộ này công bố ngày 1 tháng 7 năm 1988, và tuyên bố vô hiệu từ ngày hôm nay tất cả mọi hiệu quả do sắc lệnh trên công bố hồi đó.
Rome, Thánh Bộ Giám Mục
Ngày 21 tháng 1 năm 2009
Hồng Y Giovanni Battista Re
Bộ Trưởng Thánh Bộ Giám Mục
Phản Ứng của Nhóm Lefèbre
Đáp ứng sắc lệnh trên đây của Bộ Giám Mục, Đức Cha Bernard Fellay, hiện đứng đầu Nhóm Lefèbre, đã công bố một bản tuyên bố như sau:
Vạ tuyệt thông các giám mục được Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefèbre tấn phong ngày 30 tháng 6 năm 1988, từng được Thánh Bộ Giám Mục công bố qua sắc lệnh ngày 1 tháng 7 năm 1988, mà chúng tôi luôn thách thức, đã được rút lại bằng một sắc lệnh khác do Đức Bênêđíctô XVI ra lệnh và được cùng một Thánh Bộ ấy ban hành ngày 21 tháng 1 năm 2009.
Chúng tôi xin bày tỏ lòng tri ân con thảo đối với Đức Thánh Cha vì nghĩa cử này, một nghĩa cử sẽ mang lợi lại không những cho Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X mà còn cho toàn thể Giáo Hội nữa. Hội của chúng tôi mong muốn luôn có khả năng hơn nữa trong việc trợ giúp Đức Giáo Hoàng giải quyết cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu hiện đang lay động thế giới Công Giáo này, cuộc khủng hoảng mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là tình trạng “âm thầm bỏ đạo”
Ngoài lòng biết ơn của chúng tôi đối với Đức Thánh Cha cũng như mọi nhân vật từng giúp ngài thực hiện hành động đầy can đảm này, chúng tôi cũng vui mừng vì sắc lệnh ngày 21 tháng 1 coi “những cuộc nói chuyện” với Tòa Thánh là cần thiết, những cuộc nói chuyện sẽ giúp Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X giải thích được các lý do học thuyết nền tảng mà mình tin vốn nằm ở gốc rễ các khó khăn hiện nay của Giáo Hội.
Trong bầu không khí mới mẻ này, chúng tôi vững vàng hy vọng sẽ sớm đạt được sự nhìn nhận các quyền của Truyền Thống Công Giáo.
Menzingen, ngày 24 tháng 1 năm 2009
Bernard Fellay
(1) tiền kết, tự động
Ngày 21 tháng 1 năm 2009 vừa qua, Bộ Giám Mục của Tòa Thánh đã chính thức ban hành sắc lệnh rút lại vạ tuyệt thông năm 1988 chống lại các giám mục của nhóm Marcel Lefèbre. Phát ngôn viên Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi, coi việc này như một tin vui nhất của Tuần Lễ Cầu Nguyện Cho Sự Hợp Nhất Kitô Giáo.
Tưởng cũng nên nhắc lại: Đức Cha Marcel Lefèbre, qua đời năm 1991, đã sáng lập ra Hội Thánh Piô X, một nhóm theo chủ nghĩa truyền thống, vào năm 1969. Người cầm đầu nhóm này hiện là Đức Cha Bernard Fellay, một trong bốn giám mục do Đức Cha Lefèbre chủ phong năm 1988. Chính việc chủ phong mà không có phép của Tòa Thánh này đã buộc Bộ Giám Mục của Tòa Thánh, chiếu theo giáo luật hiện hành, ra vạ tuyệt thông cho những người liên hệ.
Cha Lombardi cho rằng việc rút lại vạ tuyệt thông này là “một tin vĩ đại hy vọng trở thành nguồn vui cho toàn thể Giáo Hội. Việc rút lại vạ tuyệt thông khỏi bốn vị giám mục của Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X thực sự là một bước nền tảng trong việc thực hiện sự hoà giả dứt khoát với phong trào từng được bắt đầu và lãnh đạo bởi Đức Cha Lefèbre”.
Cố gắng của Giáo Hội
Khi suy tư về sắc lệnh này, Cha Lombardi cũng nhắc đến quan điểm của Đức Bênêđíctô XVI trong bức thư đính kèm tự sắc "Summorum Pontificum" ban hành năm 2007. Đức Thánh Cha viết rằng nhìn vào lịch sử các cuộc chia rẽ trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, người ta thấy điều này: các nhà lãnh đạo của Giáo Hội thường làm rất nhiều để ngăn chặn việc làm cho các chia rẽ ấy thành chai cứng hơn. Bức thư của Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh tới bổn phận của mọi người phải hết sức cố gắng giúp những ai thực tâm muốn hợp nhất tiếp tục ở lại trong hợp nhất hay vươn tới được sự hợp nhất ấy. Ta hãy mở rộng tâm hồn và dành chỗ trong tâm hồn ấy cho bất cứ điều gì đức tin cho phép bước vào.
Sắc lệnh của Bộ Giám Mục cho rằng chính các giám mục của Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X đã thỉnh cầu việc rút lại vạ tuyệt thông, và hy vọng rằng việc rút lại vạ tuyệt thông này sẽ dẫn đến việc hiệp thông toàn diện với Giáo Hội.
Ý muốn của Đức Giáo Hoàng
Đối với Cha Lombardi, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI luôn tha thiết với sự hiệp thông trên. Khi còn là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đích thân tham dự nhiều cuộc thảo luận với Đức Cha Lefèbre, người sau cùng đã chống lại một thỏa hiệp với Tòa Thánh và tự ý chủ phong các giám mục của nhóm mình, do đó đã phá bỏ sự hợp nhất trong Giáo Hội. Theo Cha Lombardi, lúc ấy, Đức Hồng Y Ratzinger đã ráng làm hết những gì có thể làm được để phục vụ chính nghĩa hợp nhất của Giáo Hội. Trong tình huống ấy, Ủy Ban Ecclesia Dei do Đức Gioan Phaolô II thiết lập đã phải âm thầm làm việc để giữ cho các kênh đối thoại luôn được mở ra và để cho các cộng đoàn có liên hệ với phong trào của Đức Cha Lefèbre, bằng nhiều cách, có cơ hội trở về hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Dù sao, đối với Cha Lombardi, Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X với bốn vị giám mục vẫn là cộng đoàn quan trọng nhất cần phải tái lập sự hiệp thông. Cha cũng nhấn mạnh rằng chính Đức Bênêđíctô XVI đã cổ vũ mục tiêu này không những với tự sắc "Summorum Pontificum," là tự sắc làm dễ dàng việc cử hành Thánh Lễ theo nghi thức từng có trước các thay đổi phụng vụ do Vatican II đem lại. Ngay lúc còn đứng đầu Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngài còn ký một văn kiện làm sáng tỏ một số điểm tranh luận về học lý giáo hội học của Công Đồng. Ngoài ra, trong tư cách Giáo Hoàng, ngài cũng đã nhiều lần lên tiếng nói về chiều hướng giải thích đúng đắn chính Công Đồng nữa, coi nó như một tiếp diễn truyền thống, chứ không bước khỏi truyền thống ấy. Cha Lombardi cho rằng: tất cả các điều ấy đã tạo ra bầu không khí thuận lợi giúp các giám mục của Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X yêu cầu việc bãi bỏ vạ tuyệt thông, và điều đó minh nhiên nói lên ý muốn được thuộc về Giáo Hội Công Giáo La Mã và vững tin vào quyền tối thượng của Thánh Phêrô.
Tìm sự hiệp thông trọn vẹn
Phát ngôn viên Tòa Thánh cũng ghi nhận ngày đặc biệt được dùng để công bố việc rút lại vạ tuyệt thông này. Đó chính là đêm trước lễ kỷ niệm năm thứ 50 ngày công bố triệu tập Công Đồng Vatican II, rõ ràng cho thấy biến cố nền tảng này là một dịp hiệp thông chứ không thể nào coi nó như một dịp để căng thẳng, kình chống. Tuy nhiên, Cha cũng phải nhìn nhận rằng còn lâu sự hiệp thông trọn vẹn giữa Hội Thánh Piô X và Tòa Thánh mới đạt được. “Bản văn của sắc lệnh cho thấy ta vẫn còn đang trên đường tiến tới việc hiệp thông trọn vẹn mà Đức Thánh Cha mong muốn sớm thể hiện. Thí dụ, các khía cạnh về tư thế (status) của Huynh Đoàn và các linh mục khác thuộc Huynh Đoàn này vẫn chưa được xác định trong sắc lệnh công bố vào hôm nay. Nhưng lời cầu nguyện của Giáo Hội luôn hoàn toàn nhất trí với lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng xin cho mọi khó khăn chóng được vượt qua và chúng ta có khả năng đề cập tới việc hiệp thông theo nghĩa trọn vẹn của nó và không một chút chao đảo”.
Sắc Lệnh
Sau đây là nguyên văn Sắc lệnh của Bộ Giám Mục:
“Với văn thư ngày 15 tháng 12 năm 2008 kính gửi Đức Hồng Y Darío Castrillón Hoyos, chủ tịch Ủy Ban Giáo Hoàng Ecclesia Dei, Đức Cha Bernard Fellay, nhân danh mình và nhân danh các vị giám mục khác được tấn phong ngày 30 tháng 6 năm 1988, một lần nữa đã thỉnh cầu việc rút lại vạ tuyệt thông latae sententiae (1) được chính thức công bố bằng sắc lệnh của Thánh Bộ Các Giám Mục này vào ngày 1 tháng 7 năm 1988.
Trong văn thư vừa nhắc tới, ngoài những việc khác, Đức Cha Fellay khẳng định rằng: ‘Chúng con luôn quyết chí sốt sắng làm người Công Giáo và tiếp tục làm người Công Giáo và mang trọn sức lực mình mà phục vụ Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tức Giáo Hội Công Giáo La Mã. Chúng con nhìn nhận mọi giáo huấn của Giáo Hội bằng một tinh thần con thảo. Chúng con vững tin vào quyền tối thượng của Thánh Phêrô và vào các đặc quyền của Ngài và vì thế, tình huống hiện nay khiến chúng con rất đau lòng’.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI, với tâm tình nhậy cảm của một người cha đối với sự bất an thiêng liêng do các vị liên hệ bày tỏ vì vạ tuyệt thông này, và hằng tin tưởng đối với lòng cam kết do các vị nói lên trong thư trên không ngại bất cứ cố gắng nào để đi xa hơn trong các thương thảo cần thiết với các thẩm quyền của Tòa Thánh về các vấn đề chưa được giải quyết, và nhờ thế sẽ mau chóng tiến tới việc giải quyết trọn vẹn và thỏa đáng các vấn để đã có từ đầu, nên đã quyết định xem sét lại tình huống giáo luật của các giám mục Bernard Fellay, Bernard Tissier de Mallerais, Richard Williamson và Alfonso de Galarreta, xẩy ra trước đây với việc thụ phong chức giám mục của họ.
Với cử chỉ này, mong sao củng cố được các mối liên hệ tin tưởng hỗ tương, [và] tăng cường cũng như ổn định hơn nữa mối liên hệ của Huynh Đoàn Thánh Piô X với Tông Tòa. Ơn bình an vào lúc kết thúc các cử hành Giáng Sinh này cũng nhằm mục tiêu làm dấu chỉ cho việc thăng tiến sự hợp nhất của Giáo Hội Phổ Quát trong đức ái, và với phương thế ấy, đạt tới chỗ loại bỏ được gương mù chia rẽ.
Ước mong rằng bước tiến này được tiếp nối bằng việc lo lắng thể hiện việc hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội của Hội Thánh Piô X, qua đó làm chứng được lòng trung thành chân thực và việc chân nhận huấn quyền cũng như thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng, với bằng chứng hợp nhất hữu hình.
Chiếu theo các năng quyền đã từng minh nhiên được Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI ban cấp cho tôi, và chiếu theo sắc lệnh này, tôi cất khỏi các giám mục Bernard Fellay, Bernard Tissier de Mallerais, Richard Williamson và Alfonso de Galarreta án phạt vạ tuyệt thông latae sententiae do Thánh Bộ này công bố ngày 1 tháng 7 năm 1988, và tuyên bố vô hiệu từ ngày hôm nay tất cả mọi hiệu quả do sắc lệnh trên công bố hồi đó.
Rome, Thánh Bộ Giám Mục
Ngày 21 tháng 1 năm 2009
Hồng Y Giovanni Battista Re
Bộ Trưởng Thánh Bộ Giám Mục
Phản Ứng của Nhóm Lefèbre
Đáp ứng sắc lệnh trên đây của Bộ Giám Mục, Đức Cha Bernard Fellay, hiện đứng đầu Nhóm Lefèbre, đã công bố một bản tuyên bố như sau:
Vạ tuyệt thông các giám mục được Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefèbre tấn phong ngày 30 tháng 6 năm 1988, từng được Thánh Bộ Giám Mục công bố qua sắc lệnh ngày 1 tháng 7 năm 1988, mà chúng tôi luôn thách thức, đã được rút lại bằng một sắc lệnh khác do Đức Bênêđíctô XVI ra lệnh và được cùng một Thánh Bộ ấy ban hành ngày 21 tháng 1 năm 2009.
Chúng tôi xin bày tỏ lòng tri ân con thảo đối với Đức Thánh Cha vì nghĩa cử này, một nghĩa cử sẽ mang lợi lại không những cho Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X mà còn cho toàn thể Giáo Hội nữa. Hội của chúng tôi mong muốn luôn có khả năng hơn nữa trong việc trợ giúp Đức Giáo Hoàng giải quyết cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu hiện đang lay động thế giới Công Giáo này, cuộc khủng hoảng mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi là tình trạng “âm thầm bỏ đạo”
Ngoài lòng biết ơn của chúng tôi đối với Đức Thánh Cha cũng như mọi nhân vật từng giúp ngài thực hiện hành động đầy can đảm này, chúng tôi cũng vui mừng vì sắc lệnh ngày 21 tháng 1 coi “những cuộc nói chuyện” với Tòa Thánh là cần thiết, những cuộc nói chuyện sẽ giúp Huynh Đoàn Linh Mục Thánh Piô X giải thích được các lý do học thuyết nền tảng mà mình tin vốn nằm ở gốc rễ các khó khăn hiện nay của Giáo Hội.
Trong bầu không khí mới mẻ này, chúng tôi vững vàng hy vọng sẽ sớm đạt được sự nhìn nhận các quyền của Truyền Thống Công Giáo.
Menzingen, ngày 24 tháng 1 năm 2009
Bernard Fellay
(1) tiền kết, tự động