Bắc Kinh (AsiaNews) – Bằng một điệp khúc đã được lặp đi lặp lại trong nhiều thập kỷ qua, hôm 19/12 Trung Quốc lại đề cập đến điều kiện tiên quyết cho bất kỳ cuộc đối thoại nào với Tòa Thánh: không can thiệp vào công việc nội bộ của nước này, thậm chí ngay cả khía cạnh tôn giáo (bao gồm cả việc bổ nhiệm các giám mục); cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Hai nguyên tắc này đã được Ông Đỗ Thanh Lâm (Du Qinglin), Phó Chủ tịch Chính Hiệp, Trưởng Ban công tác Mặt trận thống nhất của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhắc lại: "Vatican không được can thiệp vào nội bộ chính trị của Trung Quốc, bao gồm cả việc sử dụng tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước chúng tôi"; Vatican phải cắt đứt "cái gọi là quan hệ ngoại giao" với Đài Loan và công nhận chính quyền Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa là chính quyền hợp pháp duy nhất đại diện cho Trung Quốc; "chỉ trên cơ sở hai nguyên tắc cơ bản này mới có thể làm cho cả hai phía đối thoại mang tính xây dựng, khắc phục những khó khăn, thu hẹp các khác biệt và mang đến tiến bộ thực sự theo hướng cải thiện mối quan hệ".

Tuyên bố này đưa ra nhân dịp kỷ niệm 50 năm nhà cầm quyền Trung Quốc lập Giáo hội tự trị, có liên quan đến việc bổ nhiệm và tấn phong giám mục. Độc lập trong thực hiện việc bổ nhiệm và tấn phong giám mục bắt đầu từ năm 1958, do Mao Trạch Đông dựng nên nhằm tạo ra một Giáo Hội độc lập tách khỏi Rôma.

Khoảng 300 nhân vật, trong đó có 45 giám mục đã tham gia vào lễ kỷ niệm được tổ chức trong Đại hội đường Nhân dân ở Quảng trường Thiên An Môn. Hiện diện trong buổi lễ có Diệp Tiểu Văn (Ye Xiaowen), Vụ Trưởng Vụ Quản lý Nhà nước về Tôn giáo, và Tian Congming, người đứng đầu về người thiểu số và tôn giáo. Cũng có sự hiện hiện của giám mục yêu nước Mã Anh Lâm (Ma Yinglin) của Côn Minh, được tấn phong vào năm 2006 mà không có sự chấp thuận của Tòa Thánh. Giám Mục Mã, hiện là thư ký của Hội đồng Giám mục Trung Quốc, cũng đã phát biểu tại cuộc họp mặt. Theo nhận định của các quan sát viên, Giám Mục Mã Anh Lâm – người hiện đang trong tình trạng bị vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) - đang được chính quyền chuẩn bị đưa lên làm Chủ tịch của Hiệp hội Yêu nước, một cơ quan của nhà nước nhằm kiểm soát Giáo Hội, nhằm mục đích xây dựng một Giáo Hội độc lập với Tòa Thánh.

Trưởng ban họ Đỗ đã nhấn mạnh rằng 50 năm qua, các giám mục, linh mục và giáo dân "đã giương cao ngọn cờ yêu nước và yêu Giáo Hội" và rằng đảng "đã không thất vọng" về công việc của họ.

Ông Đỗ cũng nhắc lại rằng hơn 170 Giám mục đã được tấn phong trong những năm qua. Trong vài thập kỷ qua, nhiều người trong số họ, mặc dù họ đã được phong chức theo cơ chế "tự trị", đã bí mật thỉnh cầu sự phê chuẩn của Tòa Thánh; những người khác đã không chấp nhận sự tấn phong cho đến khi đã được sự công nhận từ Rôma. Bằng cách này, trong số khoảng 60 giám mục Giáo hội chính thức, đã có hơn 80% trong số họ hiệp thông với Đức Thánh Cha.

Trong suốt ba năm qua, đã có những dấu hiệu của sự đối thoại và gặp gỡ giữa các nhân vật của Tòa Thánh Vatican và Trung Quốc, dẫn đến hy vọng cho một kỷ nguyên mới trong quan hệ. Phát biểu theo đường lối cứng rắn của họ Đỗ và việc cử hành kỷ niệm 50 năm cho giám mục tự trị đã đe dọa dập tắt hy vọng này. Năm 2007, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố một bức thư gửi tới Giáo Hội Trung Quốc, trong đó ngài lặp lại rằng việc bổ nhiệm các giám mục là trách nhiệm của Tòa Thánh, và đó là một giá trị tôn giáo, hơn là giá trị về chính trị.

Theo nhận định của một số nhân vật Vatican, phát biểu của Đỗ Thanh Lâm "hoàn toàn là những khẩu hiệu cũ kỹ, và những điều kiện tiên quyết cũ kỹ" và chứng minh sự thiếu chuẩn bị của đảng để đối mặt với những vấn đề về tự do tôn giáo và việc tấn phong giám mục. Cho đến nay, chưa có phản hồi chính thức từ chính quyền Trung Quốc về bức thư của Đức Thánh Cha.