Những tâm tình trong Tập San Giới Trẻ "Nhờ Mẹ đến với Chúa"
SỐNG ĐẠO LÀ TỬ ĐẠO
Tử đạo là người làm chứng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô trước mặt mọi người, và cảm nghiệm rằng Đức Giêsu yêu thương và đang hoạt động trong đời sống mình.
Tử đạo là chứng nhân về Đức Giêsu Kitô và Thánh Thần làm cho người ấy trung tín với Đức Giêsu cho đến chết.
Việc tử đạo là kết quả một đời sống chứng nhân bằng cách gắn bó hằng ngày với Chúa Kitô, rồi chóp đỉnh mới là sự chết vì yêu mến Đức Giêsu hơn chính mạng sống mình.
Tử đạo không thể là những người suốt cả đời sống xa Tin Mừng Chúa Giêsu, rồi lúc khó khăn cấm cách gồng mình lên giơ cổ cho người ta chém để làm anh hùng.
Như vậy, tất cả tín hữu đều là chứng nhân của Đức Giêsu Kitô.
Đức Giêsu nói: “Quả thật, quả thật ta bảo các ngươi, giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, nó mới sinh hoa lắm quả”. (Ga 12, 24)
Đức Giêsu là hạt lúa tinh tuyền được Cha ban cho thế gian để chết đi.
Đức Giêsu là vị tử đạo duy nhất và thứ nhất của nhân loại trước Thiên Chúa Cha. Và Ngài cũng là nhân chứng độc nhất vô song của Cha trước thế gian. Ngài nói: “Ai thấy Ta là thấy Cha” (Ga 14,9). Và Đức Giêsu cũng đã phải chết vì gọi Thiên Chúa là Cha (Mt 26,65; Mc14,63; Lc 22, 70 )
Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, nhờ Ngài những kẻ chết vì Danh Ngài cũng sẽ được sống lại vinh quang như Ngài.
Kẻ tin hôm nay đặt cuộc sống vui buồn sướng khổ hằng ngày của mình trong Đức Kitô, như hạt lúa gieo vào lòng đất thân yêu, để Đức Giêsu làm chủ đời mình, không để thế gian làm chủ, quyết tâm trung tín với Ngài đến cùng. Như vậy là kẻ ấy đang sống tinh thần tử đạo thật sự rồi.
Vậy tử đạo là gì ? Nếu không phải là cuộc sống chết đi từng ngày trong Đức Giêsu Kitô để sự sống Đức Kitô được tỏ hiện.
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô đã viết: “Trong mọi thời và khắp nơi, chúng tôi mang trong thân mình chúng tôi cuộc tử nạn của Đức Giêsu, ngõ hầu sự sống của Đức Giêsu cũng được tỏ hiện nơi mình chúng tôi” (2Cr 4, 10)
Đức Maria, Mẹ chúng ta. Mẹ không bị người ta giết vì đạo Chúa như các vị tử đạo, nhưng Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo vì suốt đời Mẹ đã luôn mang trong mình cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Suốt đời Mẹ là chứng nhân tuyệt hảo cho Đức Kitô trước mọi người.
Như vậy Tử đạo có phải là các anh hùng liệt sĩ như người ta vẫn phong tặng không ?
Các vị tử đạo không phải anh hùng như người ta phong cho các Ngài. Các Ngài còn vượt xa hơn nhiều anh hùng thế gian, là người chết vì tranh đấu cho lý tưởng mình theo. Cái chết ấy gây đau khổ cho chính bản thân họ, cho gia đình họ và còn gây hận thù giữa họ và những kẻ gây ra đau khổ chết chóc cho họ.
Các vị tử đạo là những người chết vì yêu mến Đức Giêsu. Sự chết của các Ngài là nguồn hoan lạc cho chính các Ngài, và là hạnh phúc cho gia đình và dân tộc các Ngài. Hơn thế nữa sự chết ấy lại còn sinh hoa trái cứu độ trên những kẻ giết các Ngài. Biết bao người ghét đạo đã được trở lại nhờ máu và lời cầu nguyện của các vị tử đạo.
Cái chết của Têphanô đã nảy sinh sự sống của Phaolô, vị Tông Đồ dân ngoại sau này. Trong lúc Têphanô bị ném đá vì danh Đức Giêsu, thì Phaolô cổ vũ và giữ áo choàng của những kẻ đi ném đá. Kinh Thánh nói: Saolô đã đồng tình vào việc giết ông (Cv 7,58; 8,1)
Mẫu gương của các tử đạo là gì?
Các vị tử đạo đã nhìn vào Đức Giêsu như mẫu gương duy nhất của mình. Đức Giêsu yêu Cha hơn mạng sống của mình, thì trong Đức Giêsu các vị tử đạo cũng yêu mến Thiên Chúa và anh em hơn mạng sống mình.
Khi cổ mang gông, tay bị xiềng đi ra nơi chịu chết, các vị tử đạo luôn cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa. Sự cầu nguyện này xuất phát từ ân huệ được chiêm ngắm sự cầu nguyện tạ ơn của Đức Giêsu khi Ngài đi vào cuộc tử nạn (Mt 26,30).
Lòng yêu thương tha thứ của các vị tử đạo đối với những kẻ đánh đập và giết chết mình cũng xuất phát từ trái tim Giêsu nơi thập giá đã xin Cha Ngài tha thứ cho những kẻ làm khốn Ngài (Lc 23,34)
Những sự lạ lùng và sức mạnh siêu vời của các vị tử đạo như trên, khác hẳn với anh hùng thế gian, do bởi đâu mà có được ?
Sức mạnh siêu vời ấy không tự nơi các vị tử đạo mà có được như vậy. Trước những hình khổ và roi đòn, các vị ấy cũng run rẩy sợ hãi như mọi người chúng ta, và các vị ấy cũng không thể tự mình vui vẻ chúc lành cho những kẻ đánh đập, chửi mắng mình.
Đức Thánh Cha Piô XII trong thông điệp nói về trái tim Đức Giêsu đã viết: “Chính tình yêu siêu nhiên của trái tim Đức Kitô và của Thần Khí Ngài mang cho các vị tử đạo lòng can đảm anh dũng đến chết trong máu đào”
Trong thư gửi giáo hữu Côrintô, Thánh Phaolô viết: “Sức mạnh ấy, kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong bình sành, lọ đất (bình sành là thân xác yếu đuối, dòn mỏng của con người). Ngõ hầu quyền lực siêu vời kia thực rõ là của Thiên Chúa chứ không phải xuất phát tự chúng tôi” (2Cr 4,7)
Suy niệm như vậy, ta thấy Đức Giêsu yêu mến các kẻ làm chứng nhân cho Ngài biết bao.
Tình yêu siêu nhiên mà các tử đạo chịu lấy nơi Đức Giêsu Kitô đủ mạnh hơn mọi đau khổ của thế gian, và cuối cùng thắng cả sự chết. Tình yêu ấy còn thấm vào lòng những kẻ làm sự dữ, đổi lòng độc ác của họ nên hiền lành, làm cho họ hồi tâm quay về đón nhận ơn cứu độ của Đức Giêsu.
Về phần mình, các vị tử đạo nhìn nhận sự yếu đuối của các ngài. Chính vì thế, các ngài đã liên lỉ cầu nguyện để được gắn bó với Đức Giêsu trên chặng đường hấp hối đau thương của mình, như Đức Giêsu đã liên kết với Cha nơi vườn cây dầu.
Các Thánh tử đạo Việt Nam là cha ông chúng ta. Các ngài là những công dân Việt Nam lương hảo, thuộc đủ mọi tầng lớp, đủ mọi lứa tuổi: già, trẻ, tráng niên, phụ nữ.
Các Thánh tử đạo Việt Nam cũng còn là các thừa sai ngoại quốc, mà lòng mến của Đức Giêsu đã thôi thúc các ngài dấn thân trên đất nước thân yêu của chúng ta. Máu của các ngài đã được thấm trong máu chiên con là Đức Giêsu Kitô, và đã thấm xuống lòng đất Việt Nam.
Như vậy hạt lúa tinh tuyền gieo vào lòng đất này không phải để nảy lên hận thù nhưng làm bừng lên tình yêu Đức Giêsu Kitô. Tình yêu ấy luôn ôm ấp tất cả dân tộc này vào trái tim cứu độ của Ngài.
Các Thánh tử đạo Việt Nam đã bị vua quan vu cáo cho đủ mọi thứ tội, bị đặt cho nhiều điều xấu xa theo lòng gian dối của họ. Tất cả những hành động ấy chỉ nhằm một mục đích là: tiêu diệt việc rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Nhưng trước bạo lực, các ngài đã yên lặng như con chiên bị dẫn đến lò sát, rồi theo Thầy mình đã lặng yên vâng ý Cha bước lên Thập Giá.
Thiên Chúa đã chúc phúc cho các Thánh Tử Đạo Việt Nam, như Kinh thánh nói: “Phúc cho các con khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Các con hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho các con ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12)
Đức Giêsu Kitô là Thầy và là bạn chí thiết của các vị tử đạo, Ngài đã bao trùm các vị đó bằng vinh quang của Thiên Chúa. Sách khải huyền đã diễn tả thế này: “ Các kẻ mặc áo dài trắng kia là ai vậy ? Họ từ đâu đến?”
Đó là những người từ cuộc quẫn bách lớn lao mà đến, họ đã giặt áo họ trắng tinh trong máu chiên con, vì lẽ ấy họ được ở trước ngai Thiên Chúa. Và Đấng ngự trên ngai căng trướng của Ngài trên họ, họ sẽ không còn phải đói hay khát nữa. Trên họ mặt trời và nóng bức hết thảy sẽ không giáng xuống. Vì chiên con sẽ chăn dắt họ, và sẽ đưa họ tới các nguồn mạch nước sự sống. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ (Khải huyền 7,13 - 17).
Chúng ta không mừng kính các Thánh tử đạo Việt Nam như những bậc anh hùng cái thế, cũng không chỉ cử hành linh đình bên ngoài như một ngày giỗ lớn lao. Nhưng tất cả chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương ban cho ông cha chúng ta được phúc thông phần vào việc khai sinh Hội Thánh Việt Nam bằng chính máu mình.
Trong Đức Giêsu, các Thánh tử đạo Việt Nam vẫn đang sống, đang liên kết với từng tín hữu làm chứng nhân trong cuộc sống trần thế hôm nay.
Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm chứng nhân cho Đức Kitô ngoài phố chợ cũng như trong gia đình, khi sản xuất cũng như chỗ buôn bán, trong xí nghiệp cũng như ở trong trường lớp, trong Thánh đường cũng như nơi giải trí. Tất cả mọi nơi, mọi lúc, chúng tôi mang trong thân mình cuộc khổ nạn của Đức Kitô, để ánh sáng tình yêu của Đức Giêsu luôn tỏ hiện bằng sự sống lương hảo, hiền từ, vui vẻ, dễ thương, thanh sạch, ngay ngắn, cởi mở đầy yêu thương và sẵn lòng tha thứ của chúng tôi, để cho những người đang ghét đạo Chúa, hoặc không biết Đức Giêsu, nhìn vào chúng tôi là những chứng nhân của Ngài, sẽ yêu mến Đức Giêsu và đón nhận Ngài vào cuộc đời mình.
Đừng để cuộc sống của chúng tôi làm cớ cho người ta ghét đạo và xa rời Đức Giêsu hơn nữa. Đừng để người đời mỉa mai: “Tin Đạo chứ không tin người có Đạo” hoặc: “Họ chỉ giữ Đạo mà không sống Đạo”.
Lạy Đức Giêsu Kitô là Đấng đã yêu mến các Thánh tử đạo, chúng con tin rằng chúng con cũng đang được yêu mến bằng chính trái tim mà Chúa đã yêu mến các vị tử đạo.
Xin cho chúng con được sống đời làm chứng nhân cho Chúa. Dù có phải thiệt thòi về của cải, dù có bị người ta ghét bỏ, hoặc có bị lao đao gian truân cơ cực tối ngày vì dám sống đạo, thì xin Thần Khí Chúa nâng đỡ con và làm cho lòng con được trung tín với tình yêu của Ngài cho đến chết và luôn xác tín rằng Sống Đạo chính là Tử Đạo.
Lm. Giuse Trần Đình Long, sss
------
Điểm Hẹn Tình Yêu
Chí Hoà tên gọi rất thân thương
Điểm Hẹn Tình Yêu của mọi nhà
Ai từng ghé bước dừng nơi ấy
Cũng muốn quay về lại chốn đây.
Vui trong ân tình lời cảm tạ
Dâng về Thiên Chúa suối tình yêu
Người người sánh bước nhịp chân đến
Hội tụ về đây mọi kiếp người.
Sớt chia tình người trong tình Chúa
Đâu còn phân cách già hay trẻ
Sang hèn sướng khổ cũng như nhau
Tất cả hoà chung lời khấn nguyện.
Chí Hòa điểm hẹn của tình yêu
Cho người lữ khách dừng bến đỗ
Giúp kẻ lầm đường biết hồi tâm
Cảm nghiệm sâu xa tình Chúa yêu.
Được biểu hiện qua những con người
Quên mình phục vụ chỉ vì yêu
Âm thầm bé nhỏ nhưng cao cả
Giêsu sống động chốn nơi này.
Ôi đẹp biết bao người mục tử
Dõi bước chân Thầy đến nơi đây
Quy tụ đoàn chiên về một mối
Cùng uống chung mạch suối tình yêu.
Dẫu đời còn trải bao gian khó
Có Chúa trong lòng thấy an tâm
Tin yêu phó thác nhịp chân bước
Ngước trông về Điểm Hẹn Tình Yêu.
Rosa Lima
-----
CHỨNG NHÂN TỪ CAO NGUYÊN
• Ngôn Ngữ Yêu Thương
Liên tiếp ba buổi chiều thứ năm, cộng đoàn cầu nguyện Chí Hoà vui mừng và xúc động khi chứng kiến anh chị em dân tộc K’Hor lên làm chứng cho Lòng Thương Xót của Chúa và Mẹ. Tình Yêu Giêsu đã quy tụ mọi người lại với nhau, không phân biệt tiếng nói hay màu da, người vùng cao hay người miền thấp. Đức tin làm cho mọi người đi chung một đường. Và cầu nguyện là thứ ngôn ngữ duy nhất – ngôn ngữ yêu thương - của tất cả những ai đang cậy trông tín thác vào Chúa. Chính vì thế mà lời cầu nguyện của cả cộng đoàn một lòng một ý với nhau rất là hiệu nghiệm. Ta cầu nguyện cho những anh chị em khác được ơn huệ, và ngược lại mình sẽ được Chúa dủ lòng thương ban ơn cần kíp nhờ anh chị em khác nguyện giúp cầu thay. Đặc biệt là vào giờ đỉnh cao ba giờ chiều, lời kinh trong chuỗi hạt thương xót “vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới” đã mang lại ơn phúc cho rất nhiều người. Đúng như lời Chúa phán qua thánh nữ Faustina: “Khi con lần chuỗi lòng thương xót là con đem nhân loại đến gần Cha hơn” (Nhật ký Lòng Thương Xót 929).
• Con Hoang Trở Về
Những ai cậy trông vào Chúa sẽ không phải thất vọng bao giờ. Từ buôn làng xa xôi trên cao nguyên Di Linh, một gia đình dân tộc vui mừng đem đứa con trai 17 tuổi của mình đến với cộng đoàn cầu nguyện Chí Hòa để làm chứng và tạ ơn Lòng Thương Xót của Chúa. Nghe lời bạn bè rủ rê, cậu ta bỏ nhà đi bụi. Cha mẹ rất đau khổ lo lắng kiếm tìm khắp nơi, nhưng vô vọng. Khi con người bó tay thì Chúa ra tay. Một người chị em khuyên gia đình này hãy đọc kinh cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa. Lạ lùng thay, chỉ vài ngày sau đó Chúa đã đưa người con hoang ấy trở về bình an. Cậu bẽn lẽn cùng với cha mẹ đứng lên tuyên xưng Lòng Thương Xót của Chúa đã cho gia đình được đoàn tụ.
Ở thôn 4 huyện Di Linh, nạn thanh thiếu niên hư hỏng, đi bụi đời làm cho nhiều gia đình buồn khổ. Thế nhưng khi họ chạy đến cậy trông vào Chúa thì đều được nhận lời. Những đứa con hoang đàng đó không những quay về nhìn nhận lỗi lầm của mình, mà mỗi chiều tối còn đọc kinh cầu nguyện chung với gia đình thôn xóm.
• Chữa Lành Bệnh Tật
Chúa chạnh lòng thương những ai lầm than vất vả, đau yếu bệnh tật. Cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ giáo xứ Chí Hòa hôm nay quá đỗi vui mừng ngợi khen Chúa vì một người thiếu nữ câm được khỏi. Gần 20 năm nay, em bị bệnh trầm cảm, không muốn mở miệng giao tiếp với ai, dần dần em không phát âm được nữa, chưa hề biết gọi tiếng mẹ, tiếng cha. Gia đình nghe lời khuyên của cộng đoàn cầu nguyện, chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ. Chính nhờ lòng tin và kiên trì cầu nguyện mà Chúa đã cho em dần dần nói được. Em cất tiếng nói lời tạ ơn Chúa và Đức Mẹ trước cộng đoàn mấy ngàn người. Hết sức kỳ diệu! Có những người khác được lành bệnh cũng nhờ cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa như chị Thủy, chị K’Liên và những anh em khác ở thôn 4 và thôn 6. Họ bệnh tật mấy năm liền, không ăn uống được, mất lòng trông cậy Chúa nên tinh thần sa sút tuyệt vọng. Được người quen mời đi cầu nguyện, phó thác vào Chúa. Lòng tin đã cho họ vực lại niềm hy vọng, tinh thần lạc quan. Nhờ đó họ thấy dần dần khỏe lại. Hiện giờ có thể đi làm, đi buôn bán lại được. Một người khác nữa đau ốm suốt 14 năm, tiêu tốn hết 10 cây vàng mà vẫn không khỏi. Nhưng khi biết cầu nguyện tín thác trọn vẹn cho Lòng Thương Xót Chúa, chị được chữa lành. Chúa đã cất đi những bệnh tật cho anh chị em dân tộc nhờ lòng tin đơn sơ chân thành của họ và lời cầu nguyện của cộng đoàn.
• Thoát Khỏi Ma Men
Ở vùng này có nhiều người chồng bị chứng nghiện rượu. Ngày ngày say xỉn đánh đập vợ con. Họ không chịu đi làm, kéo theo cuộc sống thiếu thốn, buồn chán lại rủ nhau đi nhậu. Cứ thế, một cái vòng luẩn quẩn không sao thoát ra được. Từ lâu ma men làm cho họ quên Chúa, quên Mẹ. Có người làm nô lệ cho rượu chè 40 năm nay, xem như hết hy vọng cứu chữa. Nhưng Lòng Thương Xót của Chúa không chịu thua sự cứng lòng của con người. Chúa đã chạnh lòng thương và mời gọi các anh đến với cộng đoàn cầu nguyện Chí Hoà để được giải thoát. Thâm chí trên chuyến đi cầu nguyện từ Di Linh đến Chí Hòa họ cũng say xỉn trên xe làm nhiều người sợ hãi. Vậy mà sau khi tham dự thánh lễ chiều hôm đó, Chúa đã cho anh quên được rượu. Tình yêu Đức Kitô đã chiếm đoạt lấy anh khiến cho anh không còn vương vấn gì đến hơi men nữa. Lạ lùng thay những việc tay Chúa làm! Từ hôm đó, cuộc sống gia đình êm ấm hạnh phúc, không còn đánh đập hành hạ vợ con vô cớ. Điều quan trọng hơn cả là qua biến cố đó, cả nhà anh đều tin tưởng tuyệt đối vào Tình Yêu và Quyền Năng của Thiên Chúa.
• Đánh Thức Niềm Tin
Vùng đất cao nguyên Di Linh là một trong những nơi được các Cha thừa sai thắp lên ánh sáng Tin Mừng hơn 80 năm trước, nhưng cuộc sống nhiều khó khăn vất vả cũng làm hao mòn đi lòng tin vào Thiên Chúa. Đời sống lặng lẽ khắc khổ khiến người ta không sẵn lòng giúp đỡ nhau, không dễ dàng gì để mượn nhau lon gạo hay cái cuốc. Họ đóng khung lại, không ai quan tâm đến ai, cứ sống co cụm như thế cho đến khi công cuộc rao truyền Lòng Thương Xót của Chúa dậy lên trong các thôn. Những chuyến công tác bác ái của cộng đòan cầu nguyện giáo xứ Chí Hòa và các cộng đoàn khác đã đánh thức niềm tin dường như bị bỏ quên của bà con nơi đây. Những người lớn tuổi nhận ra Lòng Thương Xót Chúa để chuỗi ngày còn lại trên trần gian được hạnh phúc và bình an trong Chúa. Những người trẻ biết bám víu vào Chúa để cuộc đời không lẻ loi, thất vọng. Làng xóm bây giờ biết sống yêu thương đùm bọc nhau. Chiều đến mọi người họp nhau ở nhà ông trùm để đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa, lần hạt Mân Côi với nhau. Lời kinh ngân vang hoà trộn trong cộng đoàn có cuộc sống mới thấm đượm tình yêu thương.
• Bột Đã Dậy Men
Men Tin Mừng đã dậy lên từ thôn xóm này đến các thôn làng khác. Niềm tin được đánh thức nơi những con chiên khô khan nguội lạnh từ lâu. Nhà thờ Di Linh không còn thưa thớt vắng lạnh nữa. Bà con kéo đến tham dự thánh lễ đông đảo và sốt sắng. Hạt giống của công cuộc truyền giáo gieo trồng hơn 80 năm trước, bây giờ được mùa trổ sinh hoa trái. Bàn tay dịu dàng của Mẹ đã dẫn dắt hơn 400 anh chị em dân tộc K’Hor đến với Chúa qua bí tích rửa tội trong ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi 7/10/2008. Dù ở tận trong những thôn xa xôi, cách nhà thờ vài chục cây số, nhưng chủ nhật nào anh chị em dân tộc cũng bầu đòan thê tử, tay bế tay bồng hành hương tiến về nhà Chúa để tham dự thánh lễ ngợi khen chúc tụng Chúa.
Ôi! Lạy Chúa Giêsu, con xin phó thác những anh chị em dân tộc của chúng con trong tình yêu của Chúa. Xin cho những chứng nhân từ cao nguyên bừng sáng lên giữa cuộc đời còn nhiều tăm tối này.
Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con xác tín vào Lời Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Nguời, còn những thứ khác Người sẽ thêm cho” Amen
Kim Yên
------
DẤU CHÂN TRÊN ĐỒNG THÁP
• Hành Quân Đêm
Chưa bao giờ Đội Quân Ao Xanh trải qua một “đêm hành quân” đáng nhớ như thế. Chuyến công tác cuối tháng Mân Côi là vùng sông nước Đồng Tháp Mười. Nơi chúng tôi đến là Cồn Én – như một ốc đảo nổi lên giữa mênh mông sông nước. Mùa nước nổi, hình dáng nó như nhỏ hơn vì sông nước cứ tha hồ ôm lấy vùng đất có cái tên dễ thương này. Sau nghi thức cầu nguyện dâng hoa nến kính Đức Mẹ bế mạc tháng Mân Côi, đoàn công tác xuất quân lúc 21 giờ. Sau gần 5 tiếng đồng hồ đường trường, xe chúng tôi có mặt ở huyện Thanh Bình lúc gần 2h sáng. Con đường nhỏ hơi xuống dốc, không trăng không đèn, dẫn ra bến đò chừng vài trăm mét, chúng tôi bốc dỡ hàng hóa từ đường lộ xuống đò. Dọc bên đường, đây đó những mái nhà đang say giấc nồng sau một ngày vất vả. Còn chúng tôi vẫn làm việc nhịp nhàng và nhanh chóng dưới sự điều khiển của người tu sĩ lãng tử – người chẳng biết ngại sương gió khổ cực bao giờ.
Chuyến đò xình xịch rẽ nước đưa chúng tôi sang bờ bên kia gọi là Cồn Én. Mọi thứ được chuyển lên bờ an toàn, mỗi người phải mang vác hàng hóa và được lệnh hành quân thẳng về phía trước để đến nhà thờ. Trời tối đen như mực, qua khỏi ngọn đèn leo lét của bến đò, những cánh chim xanh chìm trong màn đêm của vùng đất nổi. Cứ thế, kẻ vác người mang, gần 100 người lặng lẽ đi thành hàng một trên con đường nhỏ sình lầy trơn trợt gần 3 cây số hun hút tối om trước mặt. Đám ễnh ương ếch nhái hai bên bờ ao ruộng cất tiếng hợp xướng nhiều bè khác nhau, cổ võ cho những bàn chân còn lạ lẫm lần đầu tiên đặt chân đến vùng sông nước Đồng Tháp, nhờ vậy mà màn đêm bớt tĩnh mịch. Hơn bao giờ hết, đêm nay chúng tôi được sống trọn vẹn hơn cho đức tin của mình. Vì có ai biết đường đâu? Cứ thế mà đi, băng qua đêm tối và mệt nhọc để đến với những người anh chị em nghèo khó của mình trên con đường mang tên Giêsu, cho dù có lầy lội hơn thế.
• Điểm Hẹn Thầy
Nồi cháo cá lóc nóng hổi bốc hơi thơm ngon như liều thuốc bổ cho chúng tôi sau những giờ hành quân mệt rã rời. Thật cảm động vì cha sở cũng thức cả đêm để chờ đón, các bà các chị thì lo bếp núc, cơm cháo cho chúng tôi. Ráo mồ hôi, đỡ đói bụng thì chuông nhất lễ sáng chủ nhật cũng đổ hồi. Tiếng chuông vang vọng làm chúng tôi tỉnh ra sau một đêm thức trắng. Ai cũng cảm thấy vui vì sắp được tham dự thánh lễ ngay tại mảnh đất Cồn Én này, một nơi mà anh chị em tôn giáo bạn chiếm phần đông. Cuộc sống ở đây còn nhiều khó khăn. Cứ sáu tháng làm, sáu tháng ngồi chơi, mùa màng chẳng được mấy cho nên giới tre và người còn sức lao động hầu như không ở nhà mà bôn ba đi vùng khác để làm thuê kiếm sống. Quê nhà chỉ còn lại người già và trẻ em chăm nhau. Chính vì vậy mà đời sống đức tin cũng bị ảnh hưởng, nhiều người bỏ đạo, quên Chúa.
• Đức Tin Hành Động
Sau thánh lễ, tiếng còi triệu tập chúng tôi bắt tay vào việc trao tận tay bà con, không phân biệt lương giáo, những phần quà mà cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ giáo xứ Chí Hòa yêu thương chia sẻ. Sự hiện diện của Đội Quân Ao Xanh chuyên chở tấm lòng của cộng đoàn đến với Cồn Én hôm nay, không những hâm nóng lại đức tin của những con chiên khô khan nguội lạnh mà còn giới thiệu Lòng Thương Xót Chúa cho những anh chị em chưa nhận biết Chúa. Thông điệp Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót và yêu thương hết thảy mọi người được vang lên một cách sống động. Sân nhà Chúa hôm nay thật đông vui. Trong khi chờ đợi những anh chị em ngoại giáo đến đông đủ để nhận quà, bà con được thưởng thức những bài hát múa sống động vui tươi của Đội Quân Ao Xanh. Hình ảnh đẹp nhất là các em nhỏ nhìn các anh chị múa và làm theo y hệt. Cha mẹ các em nhìn con em mình mà nở nụ cười vui sướng. Những giây phút chia sẻ cơm áo thật vui và cảm động. Tất cả có 200 phần qua. Mỗi phần cho một gia đình khó khăn là 2 túi quần áo, 12 gói mì tôm, 1 kg đường, 1 gói bột ngọt, 1 gói bánh và 1 bao lì xì 100.000đ. Trái bong bóng to mầu sắc rực rỡ là món quà đặc biệt yêu thích của các thiếu nhi. Nhóm cắt tóc luôn tay làm việc để sửa sắc đẹp cho những mái đầu nhuốm mầu nắng bụi. Niềm vui lan tỏa và dành cho tất cả mọi người. Người lớn cũng vui, trẻ em lại càng vui hơn.
Lòng Thương Xót Chúa tuôn đổ đến đâu làm cho lòng người vui mừng và bình an đến không diễn tả được. Chúng tôi không thể ngờ được rằng không có đủ hình Chúa và Đức Mẹ để tặng cho bà con. Họ cứ tuôn đến và ao ước có tấm hình để như một cách đón rước Chúa và Mẹ về nhà mình. Đức tin lâu nay ngủ quên hôm nay như chợt tỉnh, để không những muốn xin ảnh Chúa cho nhà mình mà còn cho người khác trong xóm trong làng của mình nữa.
Điều bất ngờ làm cho niềm vui thêm trọn vẹn là buổi gặp gỡ thân mật với chính quyền địa phương nơi đây. Những lời hỏi thăm và chia sẻ về công tác bác ái xã hội làm cho họ thấy lạ lùng nhưng vui mừng phấn khởi. Đức tin hành động làm cho những người chưa biết Chúa thấy rõ hơn cách sống Tốt Đời Đẹp Đạo của những người Công Giáo!
Tạ ơn Chúa đã cho chúng con hoàn thành công việc phục vụ tốt đẹp để loan Tin Mừng Cứu Độ của Chúa trên vùng đất nổi xa xôi này. Nguyện xin Chúa gìn giữ và chúc lành cho anh chị em chúng con nơi đây.
• Cù Lao Giêng
Thay cho buổi tĩnh tâm cuối tháng tại nhà dòng, nhân dịp này cha linh hướng cho Đội Quân Ao Xanh được tĩnh tâm ở Cù Lao Giêng. Sau khi hoàn tất công việc, chúng tôi vượt sông Tiền đến với vùng được gọi là đất thánh nổi tiếng với ngôi thánh đường cổ xưa nhất Việt Nam. Khi họp nhau cầu nguyện trong ngôi nhà thờ của Dòng Phanxicô và nhà thờ Cù Lao Giêng, chúng tôi chỉ biết tạ ơn Chúa khi nhìn thấy nhà thờ lớn và đẹp như thế. Quả thật, lòng thương xót của Chúa trải dài qua bao thế hệ và không bao giờ thay đổi vì Người thành tín. Chúa không từ chối một ai và không bỏ rơi một mảnh đất nào. Ngôi thánh đường là niềm tự hào của người dân ở đây và cho cả chúng tôi nữa. Các cha người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1872, ròng rã 12 năm gian khổ để có được ngôi thánh đường cho cù lao xa xôi cách trở này. Trải qua hơn một thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng Chúa vẫn gìn giữ được nguyên vẹn.
• Đẹp Thay Những Bước Chân
Xúc động nhất là khi chúng tôi dừng chân viếng thăm khu đất thánh của các vị thừa sai yên nghỉ. Các ngài đã xa rời quê hương mình để dấn thân rao giảng Tin Mừng và phục vụ cho đến hơi thở cuối cùng trên quê hương Việt Nam vì yêu Chúa. Chưa hết, khi nói đến Cù Lao Giêng, biết bao thế hệ không thể không nhắc tới gương sống chứng nhân của hai vị thánh tử đạo là Lm. Phêrô Đoàn Công Quý và Emmanuel Lê Văn Phụng. Thánh Phụng được xem là gương mẫu cho giới gia trưởng khắp vùng sông nước này. Chúng tôi thắp nhang nguyện cầu ngay trên mộ phần của vị thánh tử đạo này. Chính nhờ công ơn của các ngài mà chúng tôi được diễm phúc làm con cái của Chúa, và hôm nay đây chúng tôi rất hạnh phúc được đặt chân đến miền đất thánh Cù lao Giêng này để được nhắc nhở tiếp nối bước chân các thánh trong cuộc sống hôm nay.
Giờ họp nhau cầu nguyện buổi chiều trong nhà nguyện để tạm biệt Cù Lao Giêng, chia tay Đồng Tháp Mười. Chúng tôi lên xe về đến thành phố lúc 9 giờ tối. Chuyến công tác kéo dài đúng 24 tiếng đồng hồ với nhiều ấn tượng. Chúng tôi mang theo những kỷ niệm của vùng sông nước miền tây, những con người chân chất đơn sơ, và trong tim mỗi người là quyết tâm làm chứng cho Tin Mừng của Chúa bằng cuộc sống phục vụ yêu thương trong đời sống thường ngày.
Trùng Dương
-----
TÂM SỰ MỘT NGƯỜI MẸ
Con xin tạ ơn Chúa, Mẹ Maria, thánh cả Giuse và toàn thể các Thánh. Hôm nay con vô cùng sung sướng viết thư này đến với Chúa.
Chúa ơi! Từ lâu, lâu lắm rồi, con vẫn biết và biết rất rõ Chúa yêu thương con. Chúa dành riêng cho con một tình yêu tuyệt vời mà trên thế gian này không ai có thể dành cho con được. Thế mà con đã vô tình than van rằng Chúa đã bỏ con. Bây giờ con thấy rõ không phải vậy. Con đã lầm khi than trách Chúa khi gặp những khó khăn thử thách. Chúa yêu thương con vô cùng. Chúa muốn con đến với Chúa trong giờ thương xót, và có lẽ Chúa muốn con phải làm chứng rằng con đã được Chúa thương yêu và ban cho muôn vàn ơn phúc mà đôi lúc con không nhận ra. Chúa đến với con cả những lúc con đang chìm ngập trong vũng tội. Chúa tha thứ và cứu con ra khỏi vòng tội lỗi. Con đã từng đứng hàng giờ khóc như mưa, khóc như một trẻ thơ, dưới chân Chúa và Mẹ. Tham dự thánh lễ Chúa Nhật nào con cũng khóc khi thấy người ta được rước Chúa mà con không dám lên vì con tội lỗi. Vậy đó, con tưởng rằng đời con là vực thẳm. Thế nhưng không phải vậy. Con chạy đến nhờ Mẹ đến với Chúa, và Chúa đã ra tay cứu con sau mười năm chìm ngập trong tội lỗi. Hôm nay con đã được xưng tội rước lễ. Chồng con đã theo đạo và rất ngoan đạo. Hôn nhân của vợ chồng con đã được hợp thức hóa. Tạ ơn Chúa!
Tưởng rằng đời con êm ả từ đây. Nhưng không phải vậy, sóng gió lại đến với con. Chúa ơi bây giờ vấn đề là các con của con. Chúng lớn lên và thật sự hư hỏng. Trước tiên là đứa con gái, rồi đến đứa con trai. Hoàn cảnh gia đình con thì quá khó khăn, nhưng các con của con lại mộng quá cao. Chúng không chấp nhận cảnh khó nghèo của gia đình. Con gái con đã lao vào cuộc sống ăn chơi đua đòi xa hoa. Con chỉ biết kêu xin lòng thương xót Chúa và Mẹ. Cuộc đời của con gái con chìm đắm trong tội lỗi suốt 6,7 năm trời. Con khóc lóc kêu van Mẹ, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa. Lời kêu cầu của người mẹ khốn khổ đã được nhận lời. Chúa và Mẹ đã cứu đứa con gái bồng bột đáng thương này.
Con tin chắc chắn 100/100 là Chúa đã cứu vớt con gái của con, vì hiện giờ tuần nào nó cũng đến với Lòng Thương Xót Chúa ở Chí Hoà. Con xin Chúa thánh hoá con gái của con. Dù tính nết có ương ngạnh, nhưng cháu vẫn còn có lòng yêu Chúa mến Mẹ, và biết thương người. Xin Chúa chạnh lòng thương cháu.
Con đến với giờ cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa ở Chí Hoà lần này là tuần thứ năm. Nhưng con đã được ơn ngay tuần thứ tư. Con đã được ơn rõ ràng, nhãn tiền mà con không ngờ. Con còn một con trai, ăn chơi xa đọa thâu đêm với bạn bè trong vũ trường, uống thuốc lắc, đập phá... Con đi lễ cầu nguyện và khóc lóc than van với Chúa và Mẹ gần hai năm nay, nhưng nó vẫn chứng nào tật ấy.
Con biết ở nhà thờ Chí Hoà chiều thứ năm nào cũng có giờ cầu nguyện lòng thương xót và thánh lễ xin ơn chữa lành. Lòng con muốn đi lắm, nhưng không có thời gian. Sự ao ước này đã được Chúa chấp nhận. Con đã sắp xếp công việc và quyết định thứ năm dẹp hết để đến với Chúa. Cậy nhờ vào lòng Thương Xót của Chúa, con lại có thêm một ơn vô cùng lớn lao mà con không bao giờ có được. Con cầu xin và viết trong lá thư “Nhờ Mẹ đến với Chúa”. Con viết: “Chúa ơi! Con ao ước cho con trai của con thứ năm nào cũng tới đây với Chúa...” Con vừa đưa thư cho Nhóm Phục Vụ, lòng buồn bã ngồi nghe cha giảng... Bỗng dưng con thấy có một bóng người thanh niên giống như con trai con, tay cầm ghế đang tìm chỗ ngồi. Vì ngồi xa quá, không dám chắc có phải là con trai của mình không, con hỏi lại con gái con đang ngồi cầu nguyện bên cạnh. Con gái con xác nhận: “Nó chứ còn ai nữa!”
Chúa ơi! Lúc đó con vô cùng mừng rỡ và khóc lên vì sung sướng. Đứa con trai hoang đàng đã đến với Chúa. Suốt tuần nay, buổi tối nào Chúa cũng giữ nó ở nhà không đi chơi nữa. Nó nói với con rằng: “Má ơi! Sao cứ tối về là mắt con không sao mở ra được. Con buồn ngủ lắm!” Thế là nó đi ngủ suốt đêm, không đi chơi như trước nữa. Trước kia mỗi khi nó ngủ, bạn bè điện thoại là nó đi liền. Từ khi đến với Chúa, buổi tối bạn bè có gọi điện rủ rê, nó cũng không nghe. Con hiểu rằng Chúa đã thương gia đình con. Chúa đã giải thoát nó khỏi vòng tội lỗi. Suốt tuần nay nó không hề lai vãng đến những điểm ăn chơi trước kia nữa. Và hôm nay tự động nó nói với con: “Má ơi! thứ năm con đến với Lòng Thương Xót Chúa ở Chí Hoà!”
Chúa ơi! Con cảm tạ Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa. Chúa yêu thương con vô ngần. Chúa lo liệu cho con tất cả, từ việc lớn đến việc nhỏ. Con đã được rất nhiều ơn Chúa. Thế mà có những lúc con than van trách thầm Chúa đã bỏ con. Con xin lỗi Chúa, và chân thành xin Chúa dủ lòng thương xót gia đình con cũng như các gia đình khác đang gặp biết bao gian truân thử thách.
Xin Chúa yêu thương tất cả mọi người như Chúa đã từng yêu thương con. Xin Chúa chúc lành và ban ơn khôn ngoan thánh thiện cho cha linh hướng, để cha dìu dắt cộng đoàn đến với Chúa và Mẹ ngày càng đông hơn.
Một chiều mưa
Mônica
------
ĐỨNG CỨNG LÒNG – NHƯNG HÃY TIN
Là người Công Giáo, nhiều lần nghe nói phép lạ xảy ra ở nơi này nơi kia, nhưng tôi cứng lòng như Tôma “không thấy, không tin”! Hơn nữa, tôi đang cầu xin mãi có một điều mà chưa được nên thấy nản lòng. Tôi tự nhủ: “Thời này làm gì có phép lạ ! Nếu có sao mình xin hoài một việc mà vẫn chưa được?” Vì vậy tôi cũng lơ là trong việc tôn kính Lòng Thương Xót Chúa. Tuy vẫn đi lễ, vẫn đọc kinh, nhưng đó chỉ là làm tròn bổn phận để khỏi “mang tội” mà thôi.
Thế nhưng một biến cố trọng đại xảy ra trong gia đình làm tôi thay đổi quan niệm lệch lạc trên. Vào chiều ngày thứ hai 18-8-2008, khi đang chuẩn bị đi làm thì ông anh ruột ở bệnh viện gọi điện về cho mẹ tôi. Tôi chưa biết chuyện gì xảy ra cho anh. Mẹ nói tôi lên bệnh viện gấp để gặp anh. Lúc tôi đến bệnh viện Thống Nhất, thấy anh vẫn còn tỉnh, nhưng bác sĩ trực cấp cứu nói phải cho anh nhập viện ngay vì tình hình sức khoẻ nguy cấp. Tôi nhắn tin cho cha Long xin cầu nguyện cho anh. Lúc ấy anh đã bắt đầu đi vào cõi chết mà tôi không biết. Khi lên phòng bệnh thì thấy trên người anh gắn đầy các dây để theo dõi điện tâm, tôi thấy bối rối lo sợ. Bác sĩ cho biết muốn cứu anh sống thì phải có 20 triệu để đặt ống nong mạch máu tim của anh ra. Sau khi gia đình đồng ý, bác sĩ đưa một viên thuốc cho anh uống và chuẩn bị phẫu thuật.
Khi tôi trở lên bệnh viện với mẹ thì thấy anh đã mê man, vẫn còn các dây nhợ lòng thòng và còn tăng cường thêm nhiều thứ khác nữa. Bác sĩ phụ trách điều trị ngỏ lời chia buồn với gia đình chúng tôi, cho biết về mặt tự nhiên thì 80% anh chết rồi, còn 20% là nhờ vào tâm linh thôi. Thật sự các bác sĩ đã bó tay, vì các mạch chủ đã tắc nghẽn hoàn toàn, máu không bơm về tim, như ruộng không có nước thì chết khô, còn tim của anh thì đã hoại tử 50% rồi. Họ khuyên gia đình lo liệu đưa anh về lo hậu sự, và nếu là người Công Giáo thì mời linh mục vào ngay để làm các nghi thức tôn giáo cuối cùng cho anh thanh thản ra đi. Ngay lúc đó tôi thấy bấn loạn hoang mang. Chẳng biết cầu cứu ai, tôi lại nhắn tin xin cha Long và cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ Chí Hoà cầu nguyện cho anh. Cha hứa cầu nguyện và khuyên tôi tin tưởng phó dâng anh cho Chúa. Tôi vào phòng bệnh và quì xuống đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa. Anh được lãnh các bí tích sau cùng. Lúc đó đã khuya lắm rồi. Nơi anh nằm là khu đặc biệt không cho thăm bệnh, thế nhưng các bác sĩ làm ngơ cho gia đình ở lại với anh trong bệnh viện, có nghĩa là họ biết anh sắp ra đi vĩnh viễn rồi nên thông cảm cho gia đình gặp mặt anh lần cuối.
Khi mọi người đã về hết, tôi ở lại quì xuống lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa như ở nhà thờ Chí Hoà vào mỗi chiều thứ năm hàng tuần. Sau đó mệt mỏi, tôi thiếp đi. Đêm hôm sau tôi cũng làm như vậy cho anh thông công… Lòng tin của tôi được thử thách mấy đêm liền như vậy. Có lúc đứng nhìn anh như chết lâm sàng, tôi cũng thấy hoang mang, thất vọng nhưng chưa tuyệt vọng. Tôi nhớ lời cha dặn: “An tâm. Tin tưởng. Phó thác anh cho Lòng Thương Xót của Chúa và Mẹ maria. Cha và cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho con và gia đình để ý Chúa thể hiện!”
Mấy ngày sau, các bác sĩ vào phòng lúc anh đang nhắm mắt chứ không ngủ. Họ hết sức ngạc nhiên, vì sau khi khám nghiệm thấy các mạch máu trong người anh thông mở ra rồi. Anh đã được hồi sinh. Chúa đã thương đáp cứu lòng cứng tin của tôi như Tôma ngày xưa. Tôi cũng muốn quỳ xuống thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa con. Lạy Thiên Chúa của con. Xin tha thứ cho sự cứng tin của con. Tạ ơn Chúa. Cảm ơn Đức Mẹ!”
Thật kỳ diệu. Anh bình phục nhanh chóng, không còn đeo các dây đo điện tim nữa và chờ được chuyển ra ngoài ở phòng hồi phục sức khoẻ. Không lâu sau anh được xuất viện về nhà. Và hiện tại anh đã đi làm được rồi.
Tôi gọi điện báo cho cha Long để xin cộng đoàn hiệp ý tạ ơn Chúa cho anh và gia đình tôi. Cha ngỏ ý mời anh em tôi lên làm chứng ở nhà thờ Chí Hoà trong buổi cầu nguyện chiều thứ năm 17-10-2008. Anh tôi trước kia cũng khô khan nguội lạnh như tôi. Cũng chỉ “giữ đạo” chứ chưa “sống đạo”, chưa cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Chúa trong cuộc đời. Nhưng sau biến cố được “cải tử hoàn sinh” này, anh được ơn ăn năn trở lại. Điều quan trọng nhất đối với anh không phải là ơn được chữa lành bệnh thân xác, nhưng chính yếu là ơn nhận ra sức mạnh của lời cầu nguyện, nhận ra quyền năng và Lòng Thương Xót của Chúa và lời chuyển cầu hiệu nghiệm của Mẹ Maria.
Ta ơn Chúa, cảm ơn Đức Mẹ. Alleluia !
Thanh Hiền (Nam Hoà)
----
ĐOÀN HÀNH HƯƠNG
Tôi ngồi bán hàng rong bên đường, mỗi trưa thứ năm, mới 12 giờ đã thấy người người đổ dồn về con đường Bành Văn Trân, kẻ che dù, người đội nón. Họ đi một nguời, hai người, ba người, rồi từng nhóm…cứ như thế. Họ rảo bước đi nhanh để tránh cái nắng oi bức gay gắt giữa trưa hè giờ ngọ. Họ đi đâu vào cái giờ này vậy? Tò mò tôi hỏi với một người vừa đi ngang gánh hàng rong của tôi:
- “Bà ơi! Bà đi đâu vậy?”
- “Đi lòng thương xót Chúa, cô ạ!”
- “Bạn ơi! Bạn đi đâu vào giờ trưa nắng thế?” Tôi hỏi một người trẻ khác
- “Mình đến với Điểm Hẹn Giêsu, mỗi chiều thứ năm có Lòng Thương Xót Chúa ở nhà thờ Chí Hoà!”
- “Ông ơi! Có phải ông cũng đi Lòng Thương Xót Chúa không?” Tôi hỏi một người đàn ông lớn tuổi
- “Ừ đúng rồi! Cô không đi à? Đi đi. Hay lắm!”
- “Mà sao ông đi sớm thế? Mới 12 giờ trưa mà?”
- “Không đi sớm sao được? Đi sớm mới có chỗ ngồi chứ !”
Và tôi lại hỏi thêm mấy người nữa. Người nào cũng trả lời như nhau: “Đi sớm để có chỗ ngồi chứ !” Tôi tự hỏi: “Tại sao họ lại tìm cho mình một chỗ ngồi an vị để yên tâm đọc kinh cầu nguyện? Động lực nào đã tác động trên họ khiến họ không quản giờ nghỉ trưa mà đến đây cầu nguyện? Phải chăng đó là niềm tin? Đúng! Chỉ có niềm tin họ mới làm được như vậy. Họ tin vào Chúa và tìm đến với Ngài để kín múc một nguồn trợ lực, hầu xoa dịu hoặc gánh đỡ những đau khổ lo toan vất vả trong cuộc sống.
Vì nặng nợ với gánh hàng rong, tôi chưa một lần được vào trong nhà thờ tham dự buổi cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa mỗi chiều thứ năm ở Chí Hoà. Nhưng tôi thấy rõ ràng hàng tuần họ đi đông lắm, càng ngày càng đông. Nhìn họ quỳ ngoài trời, dù mưa hay nắng, với tràng chuỗi trên tay vẫn sốt sắng cầu nguyện, rồi sau đó tham dự thánh lễ chia sẻ cho nhau những hồng ân Chúa ban qua những chứng nhân sống động, tôi thấy lòng tin của mình được tăng lên. Dù lòng đạo có lạnh lùng và “khô như ngói” cũng ấm lên và mềm ra trước lòng tin mãnh liệt của một cộng đoàn cả mấy ngàn người ý hợp tâm đầu thiết tha dâng lời kinh nguyện…
Những lời cầu xin có khi được Chúa nhận lời ngay. Có khi xin hoài mà vẫn chưa được như lòng sở nguyện. Nghèo vẫn nghèo. Đau ốm vẫn triền miên. Nhưng người ta không nản lòng, vì họ xác tín vào Lời Chúa: “Hãy xin thì sẽ được. Hãy tìm thì sẽ thấy. Hãy gõ sẽ mở cho.” Tôi thấy rõ ràng việc họ kéo đến đây cầu nguyện giữa trưa hè oi ả hay đi lúp xúp dưới cơn mưa dầm đã là MỘT ƠN HUỆ lớn lắm rồi. Cầu nguyện là MỘT ƠN. Đâu phải ai cũng cầu nguyện được?
Ơn đến đây cầu nguyện được Chúa ban qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria dưới nhiều hình thức khác nhau. Có những gia đình tình cờ biết đến Lòng Thuơng Xót Chúa qua cuốn tập san “Nhờ Mẹ đến với Chúa” được tặng cho mỗi thành viên tham dự vào mỗi chiều thứ năm đầu tháng. Có những người được bạn bè rủ đi, vì nể bạn mà đi. Nhưng khi đã tham dự một lần rồi thì bị cuốn hút vào lòng Chúa xót thương không muốn bỏ ngày nào nữa. Có những bạn trẻ vì gia đình nài ép quá, mới đi để chiều lòng cha mẹ. Thế rồi Chúa chiều lòng các bạn qua những ơn huệ tỏ tường, làm các bạn say mê Chúa như thần tượng của mình, không bỏ sót buổi cầu nguyện nào. Có những người bỏ đạo lâu năm, hoặc chưa có Đạo, gặp những thử thách nặng nề, không biết cầu cứu đâu nữa, chạy đến xin cha linh hướng và cộng đoàn hợp lòng cầu nguyện. Kiên trì trong lời cầu nguyện với lòng tín thác, họ đã vượt qua cơn thử thách. Rồi dần dần Chúa đã tác động lên họ. Bây giờ họ là những chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu đầy lòng xót thuơng.
Tôi đọc được những điều trên qua tập san “Nhờ Mẹ đến với Chúa”, hoặc qua những câu chuyện của những người chứng kiến kể cho nhau nghe. Rất tiếc vì phải lo toan chén cơm manh áo nên tôi không được tham dự những buổi cầu nguyện như thế, nhưng lòng tôi vẫn hướng về Chúa. Tôi hằng cầu mong Ngài dủ lòng xót thương cho tôi có điều kiện tham dự thường xuyên những buổi cầu nguyện chiều thứ năm ở nhà thờ Chí Hoà để lãnh nhận tình yêu bao la của lòng Chúa xót thương.
Rồi chiều đến, tôi đứng bên gánh hàng rong thấy họ lũ lượt ra về. Họ nhập vào từng tốp ba, bốn hay năm người, bước chân từ từ thong thả không vội vàng như lúc đi. Một đoàn người kéo dài suốt từ cổng nhà thờ Chí Hoà đến chỗ tôi ngồi bán hàng, rồi họ phân rẽ nhiều ngõ về nhà. Đặc biệt tôi nhận ra một điều khác với lúc họ đến là trên nét mặt họ tỏ lộ niềm hân hoan vui mừng trông thấy. Vừa đi họ vừa trò truyện râm ran. Họ kể lại cho nhau những câu chuyện dí dỏm trong bài giảng của cha linh hướng, hoặc trầm trồ về những người vừa lên làm chứng ở nhà thờ. Họ trao đổi những câu chuyện thường ngày, chuyện gia đình con cái, cơm áo gạo tiền… Có vẻ như họ là những người quen biết nhau từ lâu rồi, dù thực ra họ từ nhiều nơi quy tụ về, có những người đây là lần đầu họ gặp nhau. Cái gì đã dính kết họ lại như thế? Nếu không phải là chính tình yêu Giêsu, Đấng đã chết để quy tụ đoàn con cái tản mác khắp nơi về một mối. Đấng làm cho người xa xôi thành láng giềng bạn hữu, làm cho kẻ xa lạ thành bạn hữu anh em.
Bây giờ thì tôi đã hiểu được tại sao ngày càng có nhiều người đến với cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ xứ Chí Hoà. Một người chưa được đặt chân vào trong nhà thờ, chỉ nghe nhìn từ gánh hàng rong như tôi mà còn được tác động qua cách thể hiện lòng tin của những người đến tham dự như vậy thì tôi tin chắc rằng cả ngàn người đến đây không phải là những người mê tín, cả tin hay tò mò ham vui. Ít nhiều họ đã cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương trên cuộc đời của họ. Chính Chúa lôi kéo họ chứ không phải bất cứ ai khác. Đáp lại lời mời gọi yêu thương của Lòng Chúa Xót Thương, họ hân hoan tiến lên đền thánh như đoàn hành hương với lòng tin yêu phó thác cậy trông. Hình ảnh đoàn người hành hương kéo dài dọc con đường Bành Văn Trân đến nhà thờ Chí Hoà mỗi chiều thứ năm cứ đọng mãi trong tôi như một chứng nhân sống động cho Lòng Thương Xót Chúa giữa cuộc đời bon chen cơm áo gạo tiền…
Xin cho con được yêu mến Ngài mãi mãi…
Người Gánh Hàng Rong
một chiều mưa
-----
CHỨNG NHÂN LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA VÀ MẸ MARIA
1. “Cảm tạ Chúa vì mỗi chiều thứ năm đầu tháng con nhận được một món quà từ Cộng Đoàn Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa Chí Hoà. Đó là tập san “Nhờ Mẹ đến với Chúa”. Con đã thấy mọi người chuyền tay nhau món quà này như là hành trang thiêng liêng, đặc biệt trong những nhóm Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa hàng ngày. Tập san ghi lại những bài chia sẻ, những chứng nhân sống động, những chuyến công tác bác ái đi chia sẻ tình yêu Chúa cho những anh chị em vùng sâu, vùng xa... càng tạo nên niềm tin vững chắc cho mọi người. Con mong ước tập san này được phổ biến rộng rãi hơn để nhiều người cùng được đọc để cảm nghiệm tình yêu Chúa và sức mạnh kỳ diệu của lời cầu nguyện, vì chính con đã được hoàn thiện và biến đổi nhiều khi đọc tập san “Nhờ Mẹ đến với Chúa” này.” (Một độc gỉa trung thành của Tập San...)
2. “Con là H.T.Th., hiện đang ở giáo xứ Thạch Đà. Xin Chúa và Mẹ Maria dủ lòng thương xót con và gia đình. Con bị nghiện rượu nặng, một ngày con uống tới bảy cữ. Mỗi lần lên cơn là con run rẩy. Cái đầu của con bị tai nạn xe móp như trái su su, đau lắm không chịu nổi, con lại tìm đến rượu. Gia đình con cãi nhau như cơm bữa. Con trai lớn bị nghiện xì ke. Con thứ hai bỏ học vì bị ở lại lớp. Bản thân con không biết chữ, không biết đọc cũng không biết viết. Con có nghe cô em họ con nói về cha Long và nhà thờ Chí Hoà nên con có nhờ cô em họ của con viết dùm cho con. Con làm nghề phụ hồ, vợ con bán rau cải. Con muốn đi đến nhà thờ Chí Hoà để cầu khấn cùng Chúa và Mẹ, nhưng gia đình con có một chiếc xe thì vợ con đi rồi. Con không có xe đi, nhà thờ thì con không biết đường, cho nên con nhờ em con mang lời cầu khẩn của con đi dùm. Xin Mẹ nhận lời con cầu nguyện.”
3. “Lạy Chúa Giêsu, con ngợi khen Chúa đã ban cho con một người chồng khô khan về đạo, nhưng lại ướt át đào hoa về đời, hay nóng nảy và bực bội. Con cảm ơn Chúa vì cho con nhận biết đây là Thánh Giá của con. Xin cho con vui nhận cho đến khi nào Ngài gọi con về.” (Nguyễn Thị H. Biên Hoà)
4. “Con là Maria Phúc, bệnh nhân ung thư 9 năm đã di căn lên não. Bây giờ con rất bình an, và điều hạnh phúc nhất của con là tâm hồn bình an trong Chúa. Con tin rằng Chúa luôn ở bên con dù trong bất cứ hoàn cảnh nào…”
5. “Qua lời bầu cử của Mẹ, gia đình con có sự thay đổi. Chồng và hai đứa con của con hưởng ứng việc lần chuỗi Mân Côi trong tháng mười một cách sốt sắng và nhiệt tình. Điều này trước đây chưa bao giờ có. Mẹ ơi! Con vui mừng quá. Cảm ơn Mẹ.” (Châu Thanh V. Hốc Môn)
6. “Con cám ơn Mẹ Maria. Con ca ngợi và tôn vinh Chúa. Qua lời cầu khẩn của Mẹ, Chúa đã ban ơn cho mẹ ruột của con hết đau nhức, bớt vàng da. Mẹ con đã khoẻ nhiều.” (Nguyễn Thanh M. Long Khánh)
7. “Tạ ơn Chúa. Cảm ơn Mẹ. Chị Hằng đã bỏ Đạo Chúa, quy y theo Phật 42 năm. Con chạy đến Chí Hoà xin cha và cộng đoàn cầu nguyện. Thứ năm vừa rồi, chị đã được ơn trở lại với Chúa. Chị đã lãnh bí tích giao hoà sau 42 năm xa cách Chúa.” (Thảo,TPHCM)
8. “Con cầu xin Chúa cứu giúp đứa con gái 7 tuổi của con. Hiện nay cháu không biết đi, không biết nói, chậm phát triển. Con không phải là người có đạo, nhưng tấm lòng hướng về Đức Chúa. Con thành tâm khẩn cầu xin Chúa phù hộ, ban ơn cho con gái con được biết đi, biết nói bình thường như bao đứa trẻ khác. Mong Đức Chúa hãy thương xót và ban phước lành đến cho con gái tội nghiệp của con. Con vô cùng mang ơn Chúa.” (Kẻ Ngoại Đạo)
9. “Con là Rosa Nguyễn Thị Minh, 56 tuổi, giáo xứ Nhân Hòa. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ mà Chúa đã ban cho gia đình con những ơn đặc biệt ngoài sức tưởng tượng. Con gái của con 24 tuổi, bị bệnh 10 năm rồi. Con đưa cháu đi các nơi để chữa trị mà vẫn tiền mất tật mang. Cách nay một tháng, con đưa cháu đi chụp X quang. Bác sĩ cho biết là cháu bị thái hoá xương sống, xương trán, xương hàm và xương mũi bị vẹo vách ngăn nên rất khó thở. Cần phải có tám triệu để mổ thì mới dễ thở. Tiền bạc con đã cạn kiệt không có để mổ cho cháu. Con chỉ còn cách chạy đến nhà thờ Chí Hoà kêu cầu lòng thương xót Chúa và Đức Mẹ. Con tin rằng Chúa sẽ cứu cháu vào phút bù giờ cuối cùng. Chúa đã ra tay. Cháu đã mổ xong, đi chụp X quang lại thì bác sĩ cho kết quả là hết bị thoái hoá rồi. Cháu đã xuất viện, khoẻ mạnh. Con xin muôn đời cảm tạ Chúa, và khắc ghi trong lòng con đến hơi thở cuối cùng.”
10. “Tuy dù phải tiếp tục uống chén đắng, con cũng cố gắng. Nhưng xin Chúa luôn ở mãi với con, ban thêm nghị lực để con uống cạn chén đắng này. Kính lạy Thánh Thể nguồn hy vọng của chúng con trong mọi khổ đau và nghịch cảnh của cuộc sống. Kính lạy Thánh Thể, nguồn cậy trông của chúng con trong mọi phiền muộn, vì không một ai hiểu chúng con. Kính lạy Thánh Thể, con tín thác vào Chúa khi những gánh nặng vượt trên sức chịu đựng của con, khi thấy mọi cố gắng của con đã vô hiệu. Con tín thác vào Chúa.” (Nguyễn văn M. TPHCM)
-----
TÂM SỰ MỘT TÂN BINH
Liên tục gặp những khó khăn và bất hạnh trong cuộc sống, tôi tìm đến Lòng Thương Xót Chúa ở nhà thờ Chí Hoà. May mắn đó là buổi chiều thứ năm đầu tháng, tôi nhận được tập san “Nhờ Mẹ đến với Chúa”. Đọc được những hoạt động bác ái của Cộng Đoàn Lòng Thương Xót Chúa ghi lại trong tập san này, tôi háo hức muốn xin gia nhập vào Đội Quân Ao Xanh. Tôi được đón nhận như một “tân binh” với nhiều bỡ ngỡ...
Câu “tân binh” đó rất đúng với tôi trong nhiều lĩnh vực. Dù trước đó tôi cũng đã tham gia công tác ở một vài nhóm, nhưng tôi vẫn cảm thấy bỡ ngỡ, ngại ngùng trong cử chỉ cũng như ngôn từ của anh tân binh bước vào lãnh vực mới này. Tôi còn là “tân binh” trong cách sống đạo thời đại mới nữa. Vì trước đây tôi sống co cụm, suốt ngày chỉ nghĩ tới cơm, áo, gạo, tiền. Đôi khi còn quan niệm sống chết mặc bay, theo chủ nghĩa” MacKeNo” (Mặc Kệ Nó).
Thời gian trước đây, khi những tiện nghi vật chất tương đối đầy đủ và công việc ổn định, tôi cảm thấy tự mãn và thiết tưởng mãi mãi tồn tại. Nào ngờ sóng gió bất ngờ ập đến. Công việc làm ăn gần như bế tắc. Người chị qua đời. Tình hình kinh tế lạm phát khiến đất đai nhà cửa không ai mua. Muốn bán cũng không được. Thậm chí đi cầm cố tại ngân hàng cũng không xong. Việc định cư nước ngoài mà hồ sơ đã gần đủ bị ngưng lại. Những khó khăn, bất ổn liên tục xảy đến. Sức khỏe tôi bắt đầu giảm sút, gần như mất kháng thể, chỉ cần mắc vài giọt nước mưa là cảm cúm, sổ mũi. Thậm chí nhiều lần tưởng chừng mắc phải chứng bệnh thế kỷ.
Giữa những bế tắc hầu như không lối thoát, tôi đã nhận được nhiều lời khuyên và thấy được những gương tốt của những người thân, trong đó có người chị kế của tôi. Mặc dù nghèo và đơn độc, chị vẫn âm thầm và kiên nhẫn làm tròn bổn phận là mẹ là vợ. Chị siêng năng cầu nguyện, tham dự lễ và sống đạo thật tốt. Lòng thương xót Chúa và Đức Mẹ đã đến với chị và gia đình. Anh chồng đã quay trở về với gia đình. Người con trai lớn tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin ở Việt Nam, được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận đi du học để lấy bằng thạc sỹ. Cô con gái thứ hai sau khi tốt nghiệp đại học đã nhận dược việc làm. Niềm vui được nhân lên khi chị được mời làm nhân chứng Lòng Thương Xót Chúa tại nhà thờ Chí Hòa.
Trải qua những giây phút trống vắng, trầm cảm và khó khăn bộn bề, tôi bước đi khập khiễng trong trạng thái không định hướng. Đang khi cất bước chân hoang đàng, xa xa chợt nghe vọng lại bài thánh ca: “Con nay trở về, trở về vùng đất tái sinh. Con nay trở về, về đường chính lý quang minh…” Và tôi đã quyết định đứng dậy, mặc dù những bước đầu rất hụt hẫng và lo lắng. Tôi tìm đến nhà thờ Mai Khôi nơi có ca đoàn phụng vụ mà tôi rất thích. Đến nhà thờ Chí Hoà, nơi đang phát triển việc cầu nguyện lòng thương xót Chúa và Đức Mẹ.
Giờ đây ngồi nghĩ lại, tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự trùng hợp không tưởng khi đến hai thánh đường đều bổn mạng Mân Côi. Chắc hẳn Đức Mẹ Mân Côi đã ra tay cứu giúp và cầu bầu Lòng Thương Xót Chúa cho tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên được tháng mười Mân Côi hồng ân. Và tôi muốn thân thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.
Mong ước cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ ngày càng nhân rộng và phát triển để mọi người luôn biết chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa và Đức Me, luôn siêng năng lần chuỗi thương xót và thực hiện năm hòn sỏi theo lời chỉ dẫn của Đức Mẹ.
Thứ năm này cũng là ngày đầu tôi được mặc chiếc áo đồng phục của Đội Quân Mầu Xanh, màu hy vọng và phục vu. Tôi sẽ nhớ mãi những ngày còn là tân binh. Ngày của anh lính mới háo hức khi gia nhập Đội Quân Ao Xanh. Vẳng bên tai tôi lời hát của người linh mục lãng tử khi hướng dẫn những cánh chim xanh bay không mỏi mệt trong những chuyến công tác bác ái vùng sâu vùng xa: “Chiếc áo dù thơm của nàng hoa hậu, thua áo của tôi chỉ đượm hơi người. Mùi thơm của lúa mới, mùi thơm của nắng sớm, mùi thơm của mưa của nắng triền miên. Giờ đây mình dấn bước, vào đội quân phục vụ, khoác lên mình chiếc áo màu xanh!”
Dominic Nguyễn Chuẩn
-----
NỤ CƯỜI TRUYỀN GIÁO
(Theo điệu bài hát “Hy Vọng Đã Vươn Lên”)
1. Nụ cười nở trên môi
Gieo nguồn vui cho muôn người
Nụ cười nở trên môi
Đem tin mừng vào thế giới
Nụ cười vẫn trên môi
Se chặt giây tình thân ái
Nụ cười sáng trên môi
Như hiện thân. Của tình thương. Đang trào dâng.
2. Nụ cười nở trên môi
Khi hừng đông khi chiều tà
Nụ cười nở trên môi
Khi mưa về trời rét buốt
Nụ cười vẫn trên môi
Giữa trưa hè hun thiêu đốt
Nụ cười sáng trên môi
Quên mồ hôi.
Quên nghỉ ngơi. Chỉ vì ai ?
3. Nụ cười nở trên môi
Với người thân kẻ xa gần
Nụ cười nở trên môi
Trong nông trường, khu kinh tế
Nụ cười vẫn trên môi
Mang ủi an người đói rách
Nụ cười sáng trên môi
Không màng chi.
Đem hoà khí. Nuôi tình thân.
SỐNG ĐẠO LÀ TỬ ĐẠO
Tử đạo là người làm chứng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô trước mặt mọi người, và cảm nghiệm rằng Đức Giêsu yêu thương và đang hoạt động trong đời sống mình.
Tử đạo là chứng nhân về Đức Giêsu Kitô và Thánh Thần làm cho người ấy trung tín với Đức Giêsu cho đến chết.
Việc tử đạo là kết quả một đời sống chứng nhân bằng cách gắn bó hằng ngày với Chúa Kitô, rồi chóp đỉnh mới là sự chết vì yêu mến Đức Giêsu hơn chính mạng sống mình.
Tử đạo không thể là những người suốt cả đời sống xa Tin Mừng Chúa Giêsu, rồi lúc khó khăn cấm cách gồng mình lên giơ cổ cho người ta chém để làm anh hùng.
Như vậy, tất cả tín hữu đều là chứng nhân của Đức Giêsu Kitô.
Đức Giêsu nói: “Quả thật, quả thật ta bảo các ngươi, giả như hạt lúa gieo xuống đất không chết đi, thì nó trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, nó mới sinh hoa lắm quả”. (Ga 12, 24)
Đức Giêsu là hạt lúa tinh tuyền được Cha ban cho thế gian để chết đi.
Đức Giêsu là vị tử đạo duy nhất và thứ nhất của nhân loại trước Thiên Chúa Cha. Và Ngài cũng là nhân chứng độc nhất vô song của Cha trước thế gian. Ngài nói: “Ai thấy Ta là thấy Cha” (Ga 14,9). Và Đức Giêsu cũng đã phải chết vì gọi Thiên Chúa là Cha (Mt 26,65; Mc14,63; Lc 22, 70 )
Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, nhờ Ngài những kẻ chết vì Danh Ngài cũng sẽ được sống lại vinh quang như Ngài.
Kẻ tin hôm nay đặt cuộc sống vui buồn sướng khổ hằng ngày của mình trong Đức Kitô, như hạt lúa gieo vào lòng đất thân yêu, để Đức Giêsu làm chủ đời mình, không để thế gian làm chủ, quyết tâm trung tín với Ngài đến cùng. Như vậy là kẻ ấy đang sống tinh thần tử đạo thật sự rồi.
Vậy tử đạo là gì ? Nếu không phải là cuộc sống chết đi từng ngày trong Đức Giêsu Kitô để sự sống Đức Kitô được tỏ hiện.
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô đã viết: “Trong mọi thời và khắp nơi, chúng tôi mang trong thân mình chúng tôi cuộc tử nạn của Đức Giêsu, ngõ hầu sự sống của Đức Giêsu cũng được tỏ hiện nơi mình chúng tôi” (2Cr 4, 10)
Đức Maria, Mẹ chúng ta. Mẹ không bị người ta giết vì đạo Chúa như các vị tử đạo, nhưng Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo vì suốt đời Mẹ đã luôn mang trong mình cuộc tử nạn của Chúa Kitô. Suốt đời Mẹ là chứng nhân tuyệt hảo cho Đức Kitô trước mọi người.
Như vậy Tử đạo có phải là các anh hùng liệt sĩ như người ta vẫn phong tặng không ?
Các vị tử đạo không phải anh hùng như người ta phong cho các Ngài. Các Ngài còn vượt xa hơn nhiều anh hùng thế gian, là người chết vì tranh đấu cho lý tưởng mình theo. Cái chết ấy gây đau khổ cho chính bản thân họ, cho gia đình họ và còn gây hận thù giữa họ và những kẻ gây ra đau khổ chết chóc cho họ.
Các vị tử đạo là những người chết vì yêu mến Đức Giêsu. Sự chết của các Ngài là nguồn hoan lạc cho chính các Ngài, và là hạnh phúc cho gia đình và dân tộc các Ngài. Hơn thế nữa sự chết ấy lại còn sinh hoa trái cứu độ trên những kẻ giết các Ngài. Biết bao người ghét đạo đã được trở lại nhờ máu và lời cầu nguyện của các vị tử đạo.
Cái chết của Têphanô đã nảy sinh sự sống của Phaolô, vị Tông Đồ dân ngoại sau này. Trong lúc Têphanô bị ném đá vì danh Đức Giêsu, thì Phaolô cổ vũ và giữ áo choàng của những kẻ đi ném đá. Kinh Thánh nói: Saolô đã đồng tình vào việc giết ông (Cv 7,58; 8,1)
Mẫu gương của các tử đạo là gì?
Các vị tử đạo đã nhìn vào Đức Giêsu như mẫu gương duy nhất của mình. Đức Giêsu yêu Cha hơn mạng sống của mình, thì trong Đức Giêsu các vị tử đạo cũng yêu mến Thiên Chúa và anh em hơn mạng sống mình.
Khi cổ mang gông, tay bị xiềng đi ra nơi chịu chết, các vị tử đạo luôn cầu nguyện tạ ơn Thiên Chúa. Sự cầu nguyện này xuất phát từ ân huệ được chiêm ngắm sự cầu nguyện tạ ơn của Đức Giêsu khi Ngài đi vào cuộc tử nạn (Mt 26,30).
Lòng yêu thương tha thứ của các vị tử đạo đối với những kẻ đánh đập và giết chết mình cũng xuất phát từ trái tim Giêsu nơi thập giá đã xin Cha Ngài tha thứ cho những kẻ làm khốn Ngài (Lc 23,34)
Những sự lạ lùng và sức mạnh siêu vời của các vị tử đạo như trên, khác hẳn với anh hùng thế gian, do bởi đâu mà có được ?
Sức mạnh siêu vời ấy không tự nơi các vị tử đạo mà có được như vậy. Trước những hình khổ và roi đòn, các vị ấy cũng run rẩy sợ hãi như mọi người chúng ta, và các vị ấy cũng không thể tự mình vui vẻ chúc lành cho những kẻ đánh đập, chửi mắng mình.
Đức Thánh Cha Piô XII trong thông điệp nói về trái tim Đức Giêsu đã viết: “Chính tình yêu siêu nhiên của trái tim Đức Kitô và của Thần Khí Ngài mang cho các vị tử đạo lòng can đảm anh dũng đến chết trong máu đào”
Trong thư gửi giáo hữu Côrintô, Thánh Phaolô viết: “Sức mạnh ấy, kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong bình sành, lọ đất (bình sành là thân xác yếu đuối, dòn mỏng của con người). Ngõ hầu quyền lực siêu vời kia thực rõ là của Thiên Chúa chứ không phải xuất phát tự chúng tôi” (2Cr 4,7)
Suy niệm như vậy, ta thấy Đức Giêsu yêu mến các kẻ làm chứng nhân cho Ngài biết bao.
Tình yêu siêu nhiên mà các tử đạo chịu lấy nơi Đức Giêsu Kitô đủ mạnh hơn mọi đau khổ của thế gian, và cuối cùng thắng cả sự chết. Tình yêu ấy còn thấm vào lòng những kẻ làm sự dữ, đổi lòng độc ác của họ nên hiền lành, làm cho họ hồi tâm quay về đón nhận ơn cứu độ của Đức Giêsu.
Về phần mình, các vị tử đạo nhìn nhận sự yếu đuối của các ngài. Chính vì thế, các ngài đã liên lỉ cầu nguyện để được gắn bó với Đức Giêsu trên chặng đường hấp hối đau thương của mình, như Đức Giêsu đã liên kết với Cha nơi vườn cây dầu.
Các Thánh tử đạo Việt Nam là cha ông chúng ta. Các ngài là những công dân Việt Nam lương hảo, thuộc đủ mọi tầng lớp, đủ mọi lứa tuổi: già, trẻ, tráng niên, phụ nữ.
Các Thánh tử đạo Việt Nam cũng còn là các thừa sai ngoại quốc, mà lòng mến của Đức Giêsu đã thôi thúc các ngài dấn thân trên đất nước thân yêu của chúng ta. Máu của các ngài đã được thấm trong máu chiên con là Đức Giêsu Kitô, và đã thấm xuống lòng đất Việt Nam.
Như vậy hạt lúa tinh tuyền gieo vào lòng đất này không phải để nảy lên hận thù nhưng làm bừng lên tình yêu Đức Giêsu Kitô. Tình yêu ấy luôn ôm ấp tất cả dân tộc này vào trái tim cứu độ của Ngài.
Các Thánh tử đạo Việt Nam đã bị vua quan vu cáo cho đủ mọi thứ tội, bị đặt cho nhiều điều xấu xa theo lòng gian dối của họ. Tất cả những hành động ấy chỉ nhằm một mục đích là: tiêu diệt việc rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Nhưng trước bạo lực, các ngài đã yên lặng như con chiên bị dẫn đến lò sát, rồi theo Thầy mình đã lặng yên vâng ý Cha bước lên Thập Giá.
Thiên Chúa đã chúc phúc cho các Thánh Tử Đạo Việt Nam, như Kinh thánh nói: “Phúc cho các con khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Các con hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho các con ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5,11-12)
Đức Giêsu Kitô là Thầy và là bạn chí thiết của các vị tử đạo, Ngài đã bao trùm các vị đó bằng vinh quang của Thiên Chúa. Sách khải huyền đã diễn tả thế này: “ Các kẻ mặc áo dài trắng kia là ai vậy ? Họ từ đâu đến?”
Đó là những người từ cuộc quẫn bách lớn lao mà đến, họ đã giặt áo họ trắng tinh trong máu chiên con, vì lẽ ấy họ được ở trước ngai Thiên Chúa. Và Đấng ngự trên ngai căng trướng của Ngài trên họ, họ sẽ không còn phải đói hay khát nữa. Trên họ mặt trời và nóng bức hết thảy sẽ không giáng xuống. Vì chiên con sẽ chăn dắt họ, và sẽ đưa họ tới các nguồn mạch nước sự sống. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ (Khải huyền 7,13 - 17).
Chúng ta không mừng kính các Thánh tử đạo Việt Nam như những bậc anh hùng cái thế, cũng không chỉ cử hành linh đình bên ngoài như một ngày giỗ lớn lao. Nhưng tất cả chúng ta cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương ban cho ông cha chúng ta được phúc thông phần vào việc khai sinh Hội Thánh Việt Nam bằng chính máu mình.
Trong Đức Giêsu, các Thánh tử đạo Việt Nam vẫn đang sống, đang liên kết với từng tín hữu làm chứng nhân trong cuộc sống trần thế hôm nay.
Tất cả chúng ta đều được mời gọi làm chứng nhân cho Đức Kitô ngoài phố chợ cũng như trong gia đình, khi sản xuất cũng như chỗ buôn bán, trong xí nghiệp cũng như ở trong trường lớp, trong Thánh đường cũng như nơi giải trí. Tất cả mọi nơi, mọi lúc, chúng tôi mang trong thân mình cuộc khổ nạn của Đức Kitô, để ánh sáng tình yêu của Đức Giêsu luôn tỏ hiện bằng sự sống lương hảo, hiền từ, vui vẻ, dễ thương, thanh sạch, ngay ngắn, cởi mở đầy yêu thương và sẵn lòng tha thứ của chúng tôi, để cho những người đang ghét đạo Chúa, hoặc không biết Đức Giêsu, nhìn vào chúng tôi là những chứng nhân của Ngài, sẽ yêu mến Đức Giêsu và đón nhận Ngài vào cuộc đời mình.
Đừng để cuộc sống của chúng tôi làm cớ cho người ta ghét đạo và xa rời Đức Giêsu hơn nữa. Đừng để người đời mỉa mai: “Tin Đạo chứ không tin người có Đạo” hoặc: “Họ chỉ giữ Đạo mà không sống Đạo”.
Lạy Đức Giêsu Kitô là Đấng đã yêu mến các Thánh tử đạo, chúng con tin rằng chúng con cũng đang được yêu mến bằng chính trái tim mà Chúa đã yêu mến các vị tử đạo.
Xin cho chúng con được sống đời làm chứng nhân cho Chúa. Dù có phải thiệt thòi về của cải, dù có bị người ta ghét bỏ, hoặc có bị lao đao gian truân cơ cực tối ngày vì dám sống đạo, thì xin Thần Khí Chúa nâng đỡ con và làm cho lòng con được trung tín với tình yêu của Ngài cho đến chết và luôn xác tín rằng Sống Đạo chính là Tử Đạo.
Lm. Giuse Trần Đình Long, sss
------
Điểm Hẹn Tình Yêu
Chí Hoà tên gọi rất thân thương
Điểm Hẹn Tình Yêu của mọi nhà
Ai từng ghé bước dừng nơi ấy
Cũng muốn quay về lại chốn đây.
Vui trong ân tình lời cảm tạ
Dâng về Thiên Chúa suối tình yêu
Người người sánh bước nhịp chân đến
Hội tụ về đây mọi kiếp người.
Sớt chia tình người trong tình Chúa
Đâu còn phân cách già hay trẻ
Sang hèn sướng khổ cũng như nhau
Tất cả hoà chung lời khấn nguyện.
Chí Hòa điểm hẹn của tình yêu
Cho người lữ khách dừng bến đỗ
Giúp kẻ lầm đường biết hồi tâm
Cảm nghiệm sâu xa tình Chúa yêu.
Được biểu hiện qua những con người
Quên mình phục vụ chỉ vì yêu
Âm thầm bé nhỏ nhưng cao cả
Giêsu sống động chốn nơi này.
Ôi đẹp biết bao người mục tử
Dõi bước chân Thầy đến nơi đây
Quy tụ đoàn chiên về một mối
Cùng uống chung mạch suối tình yêu.
Dẫu đời còn trải bao gian khó
Có Chúa trong lòng thấy an tâm
Tin yêu phó thác nhịp chân bước
Ngước trông về Điểm Hẹn Tình Yêu.
Rosa Lima
-----
CHỨNG NHÂN TỪ CAO NGUYÊN
• Ngôn Ngữ Yêu Thương
Liên tiếp ba buổi chiều thứ năm, cộng đoàn cầu nguyện Chí Hoà vui mừng và xúc động khi chứng kiến anh chị em dân tộc K’Hor lên làm chứng cho Lòng Thương Xót của Chúa và Mẹ. Tình Yêu Giêsu đã quy tụ mọi người lại với nhau, không phân biệt tiếng nói hay màu da, người vùng cao hay người miền thấp. Đức tin làm cho mọi người đi chung một đường. Và cầu nguyện là thứ ngôn ngữ duy nhất – ngôn ngữ yêu thương - của tất cả những ai đang cậy trông tín thác vào Chúa. Chính vì thế mà lời cầu nguyện của cả cộng đoàn một lòng một ý với nhau rất là hiệu nghiệm. Ta cầu nguyện cho những anh chị em khác được ơn huệ, và ngược lại mình sẽ được Chúa dủ lòng thương ban ơn cần kíp nhờ anh chị em khác nguyện giúp cầu thay. Đặc biệt là vào giờ đỉnh cao ba giờ chiều, lời kinh trong chuỗi hạt thương xót “vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới” đã mang lại ơn phúc cho rất nhiều người. Đúng như lời Chúa phán qua thánh nữ Faustina: “Khi con lần chuỗi lòng thương xót là con đem nhân loại đến gần Cha hơn” (Nhật ký Lòng Thương Xót 929).
• Con Hoang Trở Về
Những ai cậy trông vào Chúa sẽ không phải thất vọng bao giờ. Từ buôn làng xa xôi trên cao nguyên Di Linh, một gia đình dân tộc vui mừng đem đứa con trai 17 tuổi của mình đến với cộng đoàn cầu nguyện Chí Hòa để làm chứng và tạ ơn Lòng Thương Xót của Chúa. Nghe lời bạn bè rủ rê, cậu ta bỏ nhà đi bụi. Cha mẹ rất đau khổ lo lắng kiếm tìm khắp nơi, nhưng vô vọng. Khi con người bó tay thì Chúa ra tay. Một người chị em khuyên gia đình này hãy đọc kinh cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa. Lạ lùng thay, chỉ vài ngày sau đó Chúa đã đưa người con hoang ấy trở về bình an. Cậu bẽn lẽn cùng với cha mẹ đứng lên tuyên xưng Lòng Thương Xót của Chúa đã cho gia đình được đoàn tụ.
Ở thôn 4 huyện Di Linh, nạn thanh thiếu niên hư hỏng, đi bụi đời làm cho nhiều gia đình buồn khổ. Thế nhưng khi họ chạy đến cậy trông vào Chúa thì đều được nhận lời. Những đứa con hoang đàng đó không những quay về nhìn nhận lỗi lầm của mình, mà mỗi chiều tối còn đọc kinh cầu nguyện chung với gia đình thôn xóm.
• Chữa Lành Bệnh Tật
Chúa chạnh lòng thương những ai lầm than vất vả, đau yếu bệnh tật. Cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ giáo xứ Chí Hòa hôm nay quá đỗi vui mừng ngợi khen Chúa vì một người thiếu nữ câm được khỏi. Gần 20 năm nay, em bị bệnh trầm cảm, không muốn mở miệng giao tiếp với ai, dần dần em không phát âm được nữa, chưa hề biết gọi tiếng mẹ, tiếng cha. Gia đình nghe lời khuyên của cộng đoàn cầu nguyện, chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ. Chính nhờ lòng tin và kiên trì cầu nguyện mà Chúa đã cho em dần dần nói được. Em cất tiếng nói lời tạ ơn Chúa và Đức Mẹ trước cộng đoàn mấy ngàn người. Hết sức kỳ diệu! Có những người khác được lành bệnh cũng nhờ cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa như chị Thủy, chị K’Liên và những anh em khác ở thôn 4 và thôn 6. Họ bệnh tật mấy năm liền, không ăn uống được, mất lòng trông cậy Chúa nên tinh thần sa sút tuyệt vọng. Được người quen mời đi cầu nguyện, phó thác vào Chúa. Lòng tin đã cho họ vực lại niềm hy vọng, tinh thần lạc quan. Nhờ đó họ thấy dần dần khỏe lại. Hiện giờ có thể đi làm, đi buôn bán lại được. Một người khác nữa đau ốm suốt 14 năm, tiêu tốn hết 10 cây vàng mà vẫn không khỏi. Nhưng khi biết cầu nguyện tín thác trọn vẹn cho Lòng Thương Xót Chúa, chị được chữa lành. Chúa đã cất đi những bệnh tật cho anh chị em dân tộc nhờ lòng tin đơn sơ chân thành của họ và lời cầu nguyện của cộng đoàn.
• Thoát Khỏi Ma Men
Ở vùng này có nhiều người chồng bị chứng nghiện rượu. Ngày ngày say xỉn đánh đập vợ con. Họ không chịu đi làm, kéo theo cuộc sống thiếu thốn, buồn chán lại rủ nhau đi nhậu. Cứ thế, một cái vòng luẩn quẩn không sao thoát ra được. Từ lâu ma men làm cho họ quên Chúa, quên Mẹ. Có người làm nô lệ cho rượu chè 40 năm nay, xem như hết hy vọng cứu chữa. Nhưng Lòng Thương Xót của Chúa không chịu thua sự cứng lòng của con người. Chúa đã chạnh lòng thương và mời gọi các anh đến với cộng đoàn cầu nguyện Chí Hoà để được giải thoát. Thâm chí trên chuyến đi cầu nguyện từ Di Linh đến Chí Hòa họ cũng say xỉn trên xe làm nhiều người sợ hãi. Vậy mà sau khi tham dự thánh lễ chiều hôm đó, Chúa đã cho anh quên được rượu. Tình yêu Đức Kitô đã chiếm đoạt lấy anh khiến cho anh không còn vương vấn gì đến hơi men nữa. Lạ lùng thay những việc tay Chúa làm! Từ hôm đó, cuộc sống gia đình êm ấm hạnh phúc, không còn đánh đập hành hạ vợ con vô cớ. Điều quan trọng hơn cả là qua biến cố đó, cả nhà anh đều tin tưởng tuyệt đối vào Tình Yêu và Quyền Năng của Thiên Chúa.
• Đánh Thức Niềm Tin
Vùng đất cao nguyên Di Linh là một trong những nơi được các Cha thừa sai thắp lên ánh sáng Tin Mừng hơn 80 năm trước, nhưng cuộc sống nhiều khó khăn vất vả cũng làm hao mòn đi lòng tin vào Thiên Chúa. Đời sống lặng lẽ khắc khổ khiến người ta không sẵn lòng giúp đỡ nhau, không dễ dàng gì để mượn nhau lon gạo hay cái cuốc. Họ đóng khung lại, không ai quan tâm đến ai, cứ sống co cụm như thế cho đến khi công cuộc rao truyền Lòng Thương Xót của Chúa dậy lên trong các thôn. Những chuyến công tác bác ái của cộng đòan cầu nguyện giáo xứ Chí Hòa và các cộng đoàn khác đã đánh thức niềm tin dường như bị bỏ quên của bà con nơi đây. Những người lớn tuổi nhận ra Lòng Thương Xót Chúa để chuỗi ngày còn lại trên trần gian được hạnh phúc và bình an trong Chúa. Những người trẻ biết bám víu vào Chúa để cuộc đời không lẻ loi, thất vọng. Làng xóm bây giờ biết sống yêu thương đùm bọc nhau. Chiều đến mọi người họp nhau ở nhà ông trùm để đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa, lần hạt Mân Côi với nhau. Lời kinh ngân vang hoà trộn trong cộng đoàn có cuộc sống mới thấm đượm tình yêu thương.
• Bột Đã Dậy Men
Men Tin Mừng đã dậy lên từ thôn xóm này đến các thôn làng khác. Niềm tin được đánh thức nơi những con chiên khô khan nguội lạnh từ lâu. Nhà thờ Di Linh không còn thưa thớt vắng lạnh nữa. Bà con kéo đến tham dự thánh lễ đông đảo và sốt sắng. Hạt giống của công cuộc truyền giáo gieo trồng hơn 80 năm trước, bây giờ được mùa trổ sinh hoa trái. Bàn tay dịu dàng của Mẹ đã dẫn dắt hơn 400 anh chị em dân tộc K’Hor đến với Chúa qua bí tích rửa tội trong ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi 7/10/2008. Dù ở tận trong những thôn xa xôi, cách nhà thờ vài chục cây số, nhưng chủ nhật nào anh chị em dân tộc cũng bầu đòan thê tử, tay bế tay bồng hành hương tiến về nhà Chúa để tham dự thánh lễ ngợi khen chúc tụng Chúa.
Ôi! Lạy Chúa Giêsu, con xin phó thác những anh chị em dân tộc của chúng con trong tình yêu của Chúa. Xin cho những chứng nhân từ cao nguyên bừng sáng lên giữa cuộc đời còn nhiều tăm tối này.
Lạy Mẹ Maria, xin cho chúng con xác tín vào Lời Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Nguời, còn những thứ khác Người sẽ thêm cho” Amen
Kim Yên
------
DẤU CHÂN TRÊN ĐỒNG THÁP
• Hành Quân Đêm
Chưa bao giờ Đội Quân Ao Xanh trải qua một “đêm hành quân” đáng nhớ như thế. Chuyến công tác cuối tháng Mân Côi là vùng sông nước Đồng Tháp Mười. Nơi chúng tôi đến là Cồn Én – như một ốc đảo nổi lên giữa mênh mông sông nước. Mùa nước nổi, hình dáng nó như nhỏ hơn vì sông nước cứ tha hồ ôm lấy vùng đất có cái tên dễ thương này. Sau nghi thức cầu nguyện dâng hoa nến kính Đức Mẹ bế mạc tháng Mân Côi, đoàn công tác xuất quân lúc 21 giờ. Sau gần 5 tiếng đồng hồ đường trường, xe chúng tôi có mặt ở huyện Thanh Bình lúc gần 2h sáng. Con đường nhỏ hơi xuống dốc, không trăng không đèn, dẫn ra bến đò chừng vài trăm mét, chúng tôi bốc dỡ hàng hóa từ đường lộ xuống đò. Dọc bên đường, đây đó những mái nhà đang say giấc nồng sau một ngày vất vả. Còn chúng tôi vẫn làm việc nhịp nhàng và nhanh chóng dưới sự điều khiển của người tu sĩ lãng tử – người chẳng biết ngại sương gió khổ cực bao giờ.
Chuyến đò xình xịch rẽ nước đưa chúng tôi sang bờ bên kia gọi là Cồn Én. Mọi thứ được chuyển lên bờ an toàn, mỗi người phải mang vác hàng hóa và được lệnh hành quân thẳng về phía trước để đến nhà thờ. Trời tối đen như mực, qua khỏi ngọn đèn leo lét của bến đò, những cánh chim xanh chìm trong màn đêm của vùng đất nổi. Cứ thế, kẻ vác người mang, gần 100 người lặng lẽ đi thành hàng một trên con đường nhỏ sình lầy trơn trợt gần 3 cây số hun hút tối om trước mặt. Đám ễnh ương ếch nhái hai bên bờ ao ruộng cất tiếng hợp xướng nhiều bè khác nhau, cổ võ cho những bàn chân còn lạ lẫm lần đầu tiên đặt chân đến vùng sông nước Đồng Tháp, nhờ vậy mà màn đêm bớt tĩnh mịch. Hơn bao giờ hết, đêm nay chúng tôi được sống trọn vẹn hơn cho đức tin của mình. Vì có ai biết đường đâu? Cứ thế mà đi, băng qua đêm tối và mệt nhọc để đến với những người anh chị em nghèo khó của mình trên con đường mang tên Giêsu, cho dù có lầy lội hơn thế.
• Điểm Hẹn Thầy
Nồi cháo cá lóc nóng hổi bốc hơi thơm ngon như liều thuốc bổ cho chúng tôi sau những giờ hành quân mệt rã rời. Thật cảm động vì cha sở cũng thức cả đêm để chờ đón, các bà các chị thì lo bếp núc, cơm cháo cho chúng tôi. Ráo mồ hôi, đỡ đói bụng thì chuông nhất lễ sáng chủ nhật cũng đổ hồi. Tiếng chuông vang vọng làm chúng tôi tỉnh ra sau một đêm thức trắng. Ai cũng cảm thấy vui vì sắp được tham dự thánh lễ ngay tại mảnh đất Cồn Én này, một nơi mà anh chị em tôn giáo bạn chiếm phần đông. Cuộc sống ở đây còn nhiều khó khăn. Cứ sáu tháng làm, sáu tháng ngồi chơi, mùa màng chẳng được mấy cho nên giới tre và người còn sức lao động hầu như không ở nhà mà bôn ba đi vùng khác để làm thuê kiếm sống. Quê nhà chỉ còn lại người già và trẻ em chăm nhau. Chính vì vậy mà đời sống đức tin cũng bị ảnh hưởng, nhiều người bỏ đạo, quên Chúa.
• Đức Tin Hành Động
Sau thánh lễ, tiếng còi triệu tập chúng tôi bắt tay vào việc trao tận tay bà con, không phân biệt lương giáo, những phần quà mà cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ giáo xứ Chí Hòa yêu thương chia sẻ. Sự hiện diện của Đội Quân Ao Xanh chuyên chở tấm lòng của cộng đoàn đến với Cồn Én hôm nay, không những hâm nóng lại đức tin của những con chiên khô khan nguội lạnh mà còn giới thiệu Lòng Thương Xót Chúa cho những anh chị em chưa nhận biết Chúa. Thông điệp Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót và yêu thương hết thảy mọi người được vang lên một cách sống động. Sân nhà Chúa hôm nay thật đông vui. Trong khi chờ đợi những anh chị em ngoại giáo đến đông đủ để nhận quà, bà con được thưởng thức những bài hát múa sống động vui tươi của Đội Quân Ao Xanh. Hình ảnh đẹp nhất là các em nhỏ nhìn các anh chị múa và làm theo y hệt. Cha mẹ các em nhìn con em mình mà nở nụ cười vui sướng. Những giây phút chia sẻ cơm áo thật vui và cảm động. Tất cả có 200 phần qua. Mỗi phần cho một gia đình khó khăn là 2 túi quần áo, 12 gói mì tôm, 1 kg đường, 1 gói bột ngọt, 1 gói bánh và 1 bao lì xì 100.000đ. Trái bong bóng to mầu sắc rực rỡ là món quà đặc biệt yêu thích của các thiếu nhi. Nhóm cắt tóc luôn tay làm việc để sửa sắc đẹp cho những mái đầu nhuốm mầu nắng bụi. Niềm vui lan tỏa và dành cho tất cả mọi người. Người lớn cũng vui, trẻ em lại càng vui hơn.
Lòng Thương Xót Chúa tuôn đổ đến đâu làm cho lòng người vui mừng và bình an đến không diễn tả được. Chúng tôi không thể ngờ được rằng không có đủ hình Chúa và Đức Mẹ để tặng cho bà con. Họ cứ tuôn đến và ao ước có tấm hình để như một cách đón rước Chúa và Mẹ về nhà mình. Đức tin lâu nay ngủ quên hôm nay như chợt tỉnh, để không những muốn xin ảnh Chúa cho nhà mình mà còn cho người khác trong xóm trong làng của mình nữa.
Điều bất ngờ làm cho niềm vui thêm trọn vẹn là buổi gặp gỡ thân mật với chính quyền địa phương nơi đây. Những lời hỏi thăm và chia sẻ về công tác bác ái xã hội làm cho họ thấy lạ lùng nhưng vui mừng phấn khởi. Đức tin hành động làm cho những người chưa biết Chúa thấy rõ hơn cách sống Tốt Đời Đẹp Đạo của những người Công Giáo!
Tạ ơn Chúa đã cho chúng con hoàn thành công việc phục vụ tốt đẹp để loan Tin Mừng Cứu Độ của Chúa trên vùng đất nổi xa xôi này. Nguyện xin Chúa gìn giữ và chúc lành cho anh chị em chúng con nơi đây.
• Cù Lao Giêng
Thay cho buổi tĩnh tâm cuối tháng tại nhà dòng, nhân dịp này cha linh hướng cho Đội Quân Ao Xanh được tĩnh tâm ở Cù Lao Giêng. Sau khi hoàn tất công việc, chúng tôi vượt sông Tiền đến với vùng được gọi là đất thánh nổi tiếng với ngôi thánh đường cổ xưa nhất Việt Nam. Khi họp nhau cầu nguyện trong ngôi nhà thờ của Dòng Phanxicô và nhà thờ Cù Lao Giêng, chúng tôi chỉ biết tạ ơn Chúa khi nhìn thấy nhà thờ lớn và đẹp như thế. Quả thật, lòng thương xót của Chúa trải dài qua bao thế hệ và không bao giờ thay đổi vì Người thành tín. Chúa không từ chối một ai và không bỏ rơi một mảnh đất nào. Ngôi thánh đường là niềm tự hào của người dân ở đây và cho cả chúng tôi nữa. Các cha người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1872, ròng rã 12 năm gian khổ để có được ngôi thánh đường cho cù lao xa xôi cách trở này. Trải qua hơn một thế kỷ với biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng Chúa vẫn gìn giữ được nguyên vẹn.
• Đẹp Thay Những Bước Chân
Xúc động nhất là khi chúng tôi dừng chân viếng thăm khu đất thánh của các vị thừa sai yên nghỉ. Các ngài đã xa rời quê hương mình để dấn thân rao giảng Tin Mừng và phục vụ cho đến hơi thở cuối cùng trên quê hương Việt Nam vì yêu Chúa. Chưa hết, khi nói đến Cù Lao Giêng, biết bao thế hệ không thể không nhắc tới gương sống chứng nhân của hai vị thánh tử đạo là Lm. Phêrô Đoàn Công Quý và Emmanuel Lê Văn Phụng. Thánh Phụng được xem là gương mẫu cho giới gia trưởng khắp vùng sông nước này. Chúng tôi thắp nhang nguyện cầu ngay trên mộ phần của vị thánh tử đạo này. Chính nhờ công ơn của các ngài mà chúng tôi được diễm phúc làm con cái của Chúa, và hôm nay đây chúng tôi rất hạnh phúc được đặt chân đến miền đất thánh Cù lao Giêng này để được nhắc nhở tiếp nối bước chân các thánh trong cuộc sống hôm nay.
Giờ họp nhau cầu nguyện buổi chiều trong nhà nguyện để tạm biệt Cù Lao Giêng, chia tay Đồng Tháp Mười. Chúng tôi lên xe về đến thành phố lúc 9 giờ tối. Chuyến công tác kéo dài đúng 24 tiếng đồng hồ với nhiều ấn tượng. Chúng tôi mang theo những kỷ niệm của vùng sông nước miền tây, những con người chân chất đơn sơ, và trong tim mỗi người là quyết tâm làm chứng cho Tin Mừng của Chúa bằng cuộc sống phục vụ yêu thương trong đời sống thường ngày.
Trùng Dương
-----
TÂM SỰ MỘT NGƯỜI MẸ
Con xin tạ ơn Chúa, Mẹ Maria, thánh cả Giuse và toàn thể các Thánh. Hôm nay con vô cùng sung sướng viết thư này đến với Chúa.
Chúa ơi! Từ lâu, lâu lắm rồi, con vẫn biết và biết rất rõ Chúa yêu thương con. Chúa dành riêng cho con một tình yêu tuyệt vời mà trên thế gian này không ai có thể dành cho con được. Thế mà con đã vô tình than van rằng Chúa đã bỏ con. Bây giờ con thấy rõ không phải vậy. Con đã lầm khi than trách Chúa khi gặp những khó khăn thử thách. Chúa yêu thương con vô cùng. Chúa muốn con đến với Chúa trong giờ thương xót, và có lẽ Chúa muốn con phải làm chứng rằng con đã được Chúa thương yêu và ban cho muôn vàn ơn phúc mà đôi lúc con không nhận ra. Chúa đến với con cả những lúc con đang chìm ngập trong vũng tội. Chúa tha thứ và cứu con ra khỏi vòng tội lỗi. Con đã từng đứng hàng giờ khóc như mưa, khóc như một trẻ thơ, dưới chân Chúa và Mẹ. Tham dự thánh lễ Chúa Nhật nào con cũng khóc khi thấy người ta được rước Chúa mà con không dám lên vì con tội lỗi. Vậy đó, con tưởng rằng đời con là vực thẳm. Thế nhưng không phải vậy. Con chạy đến nhờ Mẹ đến với Chúa, và Chúa đã ra tay cứu con sau mười năm chìm ngập trong tội lỗi. Hôm nay con đã được xưng tội rước lễ. Chồng con đã theo đạo và rất ngoan đạo. Hôn nhân của vợ chồng con đã được hợp thức hóa. Tạ ơn Chúa!
Tưởng rằng đời con êm ả từ đây. Nhưng không phải vậy, sóng gió lại đến với con. Chúa ơi bây giờ vấn đề là các con của con. Chúng lớn lên và thật sự hư hỏng. Trước tiên là đứa con gái, rồi đến đứa con trai. Hoàn cảnh gia đình con thì quá khó khăn, nhưng các con của con lại mộng quá cao. Chúng không chấp nhận cảnh khó nghèo của gia đình. Con gái con đã lao vào cuộc sống ăn chơi đua đòi xa hoa. Con chỉ biết kêu xin lòng thương xót Chúa và Mẹ. Cuộc đời của con gái con chìm đắm trong tội lỗi suốt 6,7 năm trời. Con khóc lóc kêu van Mẹ, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa. Lời kêu cầu của người mẹ khốn khổ đã được nhận lời. Chúa và Mẹ đã cứu đứa con gái bồng bột đáng thương này.
Con tin chắc chắn 100/100 là Chúa đã cứu vớt con gái của con, vì hiện giờ tuần nào nó cũng đến với Lòng Thương Xót Chúa ở Chí Hoà. Con xin Chúa thánh hoá con gái của con. Dù tính nết có ương ngạnh, nhưng cháu vẫn còn có lòng yêu Chúa mến Mẹ, và biết thương người. Xin Chúa chạnh lòng thương cháu.
Con đến với giờ cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa ở Chí Hoà lần này là tuần thứ năm. Nhưng con đã được ơn ngay tuần thứ tư. Con đã được ơn rõ ràng, nhãn tiền mà con không ngờ. Con còn một con trai, ăn chơi xa đọa thâu đêm với bạn bè trong vũ trường, uống thuốc lắc, đập phá... Con đi lễ cầu nguyện và khóc lóc than van với Chúa và Mẹ gần hai năm nay, nhưng nó vẫn chứng nào tật ấy.
Con biết ở nhà thờ Chí Hoà chiều thứ năm nào cũng có giờ cầu nguyện lòng thương xót và thánh lễ xin ơn chữa lành. Lòng con muốn đi lắm, nhưng không có thời gian. Sự ao ước này đã được Chúa chấp nhận. Con đã sắp xếp công việc và quyết định thứ năm dẹp hết để đến với Chúa. Cậy nhờ vào lòng Thương Xót của Chúa, con lại có thêm một ơn vô cùng lớn lao mà con không bao giờ có được. Con cầu xin và viết trong lá thư “Nhờ Mẹ đến với Chúa”. Con viết: “Chúa ơi! Con ao ước cho con trai của con thứ năm nào cũng tới đây với Chúa...” Con vừa đưa thư cho Nhóm Phục Vụ, lòng buồn bã ngồi nghe cha giảng... Bỗng dưng con thấy có một bóng người thanh niên giống như con trai con, tay cầm ghế đang tìm chỗ ngồi. Vì ngồi xa quá, không dám chắc có phải là con trai của mình không, con hỏi lại con gái con đang ngồi cầu nguyện bên cạnh. Con gái con xác nhận: “Nó chứ còn ai nữa!”
Chúa ơi! Lúc đó con vô cùng mừng rỡ và khóc lên vì sung sướng. Đứa con trai hoang đàng đã đến với Chúa. Suốt tuần nay, buổi tối nào Chúa cũng giữ nó ở nhà không đi chơi nữa. Nó nói với con rằng: “Má ơi! Sao cứ tối về là mắt con không sao mở ra được. Con buồn ngủ lắm!” Thế là nó đi ngủ suốt đêm, không đi chơi như trước nữa. Trước kia mỗi khi nó ngủ, bạn bè điện thoại là nó đi liền. Từ khi đến với Chúa, buổi tối bạn bè có gọi điện rủ rê, nó cũng không nghe. Con hiểu rằng Chúa đã thương gia đình con. Chúa đã giải thoát nó khỏi vòng tội lỗi. Suốt tuần nay nó không hề lai vãng đến những điểm ăn chơi trước kia nữa. Và hôm nay tự động nó nói với con: “Má ơi! thứ năm con đến với Lòng Thương Xót Chúa ở Chí Hoà!”
Chúa ơi! Con cảm tạ Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa. Chúa yêu thương con vô ngần. Chúa lo liệu cho con tất cả, từ việc lớn đến việc nhỏ. Con đã được rất nhiều ơn Chúa. Thế mà có những lúc con than van trách thầm Chúa đã bỏ con. Con xin lỗi Chúa, và chân thành xin Chúa dủ lòng thương xót gia đình con cũng như các gia đình khác đang gặp biết bao gian truân thử thách.
Xin Chúa yêu thương tất cả mọi người như Chúa đã từng yêu thương con. Xin Chúa chúc lành và ban ơn khôn ngoan thánh thiện cho cha linh hướng, để cha dìu dắt cộng đoàn đến với Chúa và Mẹ ngày càng đông hơn.
Một chiều mưa
Mônica
------
ĐỨNG CỨNG LÒNG – NHƯNG HÃY TIN
Là người Công Giáo, nhiều lần nghe nói phép lạ xảy ra ở nơi này nơi kia, nhưng tôi cứng lòng như Tôma “không thấy, không tin”! Hơn nữa, tôi đang cầu xin mãi có một điều mà chưa được nên thấy nản lòng. Tôi tự nhủ: “Thời này làm gì có phép lạ ! Nếu có sao mình xin hoài một việc mà vẫn chưa được?” Vì vậy tôi cũng lơ là trong việc tôn kính Lòng Thương Xót Chúa. Tuy vẫn đi lễ, vẫn đọc kinh, nhưng đó chỉ là làm tròn bổn phận để khỏi “mang tội” mà thôi.
Thế nhưng một biến cố trọng đại xảy ra trong gia đình làm tôi thay đổi quan niệm lệch lạc trên. Vào chiều ngày thứ hai 18-8-2008, khi đang chuẩn bị đi làm thì ông anh ruột ở bệnh viện gọi điện về cho mẹ tôi. Tôi chưa biết chuyện gì xảy ra cho anh. Mẹ nói tôi lên bệnh viện gấp để gặp anh. Lúc tôi đến bệnh viện Thống Nhất, thấy anh vẫn còn tỉnh, nhưng bác sĩ trực cấp cứu nói phải cho anh nhập viện ngay vì tình hình sức khoẻ nguy cấp. Tôi nhắn tin cho cha Long xin cầu nguyện cho anh. Lúc ấy anh đã bắt đầu đi vào cõi chết mà tôi không biết. Khi lên phòng bệnh thì thấy trên người anh gắn đầy các dây để theo dõi điện tâm, tôi thấy bối rối lo sợ. Bác sĩ cho biết muốn cứu anh sống thì phải có 20 triệu để đặt ống nong mạch máu tim của anh ra. Sau khi gia đình đồng ý, bác sĩ đưa một viên thuốc cho anh uống và chuẩn bị phẫu thuật.
Khi tôi trở lên bệnh viện với mẹ thì thấy anh đã mê man, vẫn còn các dây nhợ lòng thòng và còn tăng cường thêm nhiều thứ khác nữa. Bác sĩ phụ trách điều trị ngỏ lời chia buồn với gia đình chúng tôi, cho biết về mặt tự nhiên thì 80% anh chết rồi, còn 20% là nhờ vào tâm linh thôi. Thật sự các bác sĩ đã bó tay, vì các mạch chủ đã tắc nghẽn hoàn toàn, máu không bơm về tim, như ruộng không có nước thì chết khô, còn tim của anh thì đã hoại tử 50% rồi. Họ khuyên gia đình lo liệu đưa anh về lo hậu sự, và nếu là người Công Giáo thì mời linh mục vào ngay để làm các nghi thức tôn giáo cuối cùng cho anh thanh thản ra đi. Ngay lúc đó tôi thấy bấn loạn hoang mang. Chẳng biết cầu cứu ai, tôi lại nhắn tin xin cha Long và cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ Chí Hoà cầu nguyện cho anh. Cha hứa cầu nguyện và khuyên tôi tin tưởng phó dâng anh cho Chúa. Tôi vào phòng bệnh và quì xuống đọc kinh Lòng Thương Xót Chúa. Anh được lãnh các bí tích sau cùng. Lúc đó đã khuya lắm rồi. Nơi anh nằm là khu đặc biệt không cho thăm bệnh, thế nhưng các bác sĩ làm ngơ cho gia đình ở lại với anh trong bệnh viện, có nghĩa là họ biết anh sắp ra đi vĩnh viễn rồi nên thông cảm cho gia đình gặp mặt anh lần cuối.
Khi mọi người đã về hết, tôi ở lại quì xuống lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa như ở nhà thờ Chí Hoà vào mỗi chiều thứ năm hàng tuần. Sau đó mệt mỏi, tôi thiếp đi. Đêm hôm sau tôi cũng làm như vậy cho anh thông công… Lòng tin của tôi được thử thách mấy đêm liền như vậy. Có lúc đứng nhìn anh như chết lâm sàng, tôi cũng thấy hoang mang, thất vọng nhưng chưa tuyệt vọng. Tôi nhớ lời cha dặn: “An tâm. Tin tưởng. Phó thác anh cho Lòng Thương Xót của Chúa và Mẹ maria. Cha và cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện cho con và gia đình để ý Chúa thể hiện!”
Mấy ngày sau, các bác sĩ vào phòng lúc anh đang nhắm mắt chứ không ngủ. Họ hết sức ngạc nhiên, vì sau khi khám nghiệm thấy các mạch máu trong người anh thông mở ra rồi. Anh đã được hồi sinh. Chúa đã thương đáp cứu lòng cứng tin của tôi như Tôma ngày xưa. Tôi cũng muốn quỳ xuống thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa con. Lạy Thiên Chúa của con. Xin tha thứ cho sự cứng tin của con. Tạ ơn Chúa. Cảm ơn Đức Mẹ!”
Thật kỳ diệu. Anh bình phục nhanh chóng, không còn đeo các dây đo điện tim nữa và chờ được chuyển ra ngoài ở phòng hồi phục sức khoẻ. Không lâu sau anh được xuất viện về nhà. Và hiện tại anh đã đi làm được rồi.
Tôi gọi điện báo cho cha Long để xin cộng đoàn hiệp ý tạ ơn Chúa cho anh và gia đình tôi. Cha ngỏ ý mời anh em tôi lên làm chứng ở nhà thờ Chí Hoà trong buổi cầu nguyện chiều thứ năm 17-10-2008. Anh tôi trước kia cũng khô khan nguội lạnh như tôi. Cũng chỉ “giữ đạo” chứ chưa “sống đạo”, chưa cảm nghiệm được sự hiện diện sống động của Chúa trong cuộc đời. Nhưng sau biến cố được “cải tử hoàn sinh” này, anh được ơn ăn năn trở lại. Điều quan trọng nhất đối với anh không phải là ơn được chữa lành bệnh thân xác, nhưng chính yếu là ơn nhận ra sức mạnh của lời cầu nguyện, nhận ra quyền năng và Lòng Thương Xót của Chúa và lời chuyển cầu hiệu nghiệm của Mẹ Maria.
Ta ơn Chúa, cảm ơn Đức Mẹ. Alleluia !
Thanh Hiền (Nam Hoà)
----
ĐOÀN HÀNH HƯƠNG
Tôi ngồi bán hàng rong bên đường, mỗi trưa thứ năm, mới 12 giờ đã thấy người người đổ dồn về con đường Bành Văn Trân, kẻ che dù, người đội nón. Họ đi một nguời, hai người, ba người, rồi từng nhóm…cứ như thế. Họ rảo bước đi nhanh để tránh cái nắng oi bức gay gắt giữa trưa hè giờ ngọ. Họ đi đâu vào cái giờ này vậy? Tò mò tôi hỏi với một người vừa đi ngang gánh hàng rong của tôi:
- “Bà ơi! Bà đi đâu vậy?”
- “Đi lòng thương xót Chúa, cô ạ!”
- “Bạn ơi! Bạn đi đâu vào giờ trưa nắng thế?” Tôi hỏi một người trẻ khác
- “Mình đến với Điểm Hẹn Giêsu, mỗi chiều thứ năm có Lòng Thương Xót Chúa ở nhà thờ Chí Hoà!”
- “Ông ơi! Có phải ông cũng đi Lòng Thương Xót Chúa không?” Tôi hỏi một người đàn ông lớn tuổi
- “Ừ đúng rồi! Cô không đi à? Đi đi. Hay lắm!”
- “Mà sao ông đi sớm thế? Mới 12 giờ trưa mà?”
- “Không đi sớm sao được? Đi sớm mới có chỗ ngồi chứ !”
Và tôi lại hỏi thêm mấy người nữa. Người nào cũng trả lời như nhau: “Đi sớm để có chỗ ngồi chứ !” Tôi tự hỏi: “Tại sao họ lại tìm cho mình một chỗ ngồi an vị để yên tâm đọc kinh cầu nguyện? Động lực nào đã tác động trên họ khiến họ không quản giờ nghỉ trưa mà đến đây cầu nguyện? Phải chăng đó là niềm tin? Đúng! Chỉ có niềm tin họ mới làm được như vậy. Họ tin vào Chúa và tìm đến với Ngài để kín múc một nguồn trợ lực, hầu xoa dịu hoặc gánh đỡ những đau khổ lo toan vất vả trong cuộc sống.
Vì nặng nợ với gánh hàng rong, tôi chưa một lần được vào trong nhà thờ tham dự buổi cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa mỗi chiều thứ năm ở Chí Hoà. Nhưng tôi thấy rõ ràng hàng tuần họ đi đông lắm, càng ngày càng đông. Nhìn họ quỳ ngoài trời, dù mưa hay nắng, với tràng chuỗi trên tay vẫn sốt sắng cầu nguyện, rồi sau đó tham dự thánh lễ chia sẻ cho nhau những hồng ân Chúa ban qua những chứng nhân sống động, tôi thấy lòng tin của mình được tăng lên. Dù lòng đạo có lạnh lùng và “khô như ngói” cũng ấm lên và mềm ra trước lòng tin mãnh liệt của một cộng đoàn cả mấy ngàn người ý hợp tâm đầu thiết tha dâng lời kinh nguyện…
Những lời cầu xin có khi được Chúa nhận lời ngay. Có khi xin hoài mà vẫn chưa được như lòng sở nguyện. Nghèo vẫn nghèo. Đau ốm vẫn triền miên. Nhưng người ta không nản lòng, vì họ xác tín vào Lời Chúa: “Hãy xin thì sẽ được. Hãy tìm thì sẽ thấy. Hãy gõ sẽ mở cho.” Tôi thấy rõ ràng việc họ kéo đến đây cầu nguyện giữa trưa hè oi ả hay đi lúp xúp dưới cơn mưa dầm đã là MỘT ƠN HUỆ lớn lắm rồi. Cầu nguyện là MỘT ƠN. Đâu phải ai cũng cầu nguyện được?
Ơn đến đây cầu nguyện được Chúa ban qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria dưới nhiều hình thức khác nhau. Có những gia đình tình cờ biết đến Lòng Thuơng Xót Chúa qua cuốn tập san “Nhờ Mẹ đến với Chúa” được tặng cho mỗi thành viên tham dự vào mỗi chiều thứ năm đầu tháng. Có những người được bạn bè rủ đi, vì nể bạn mà đi. Nhưng khi đã tham dự một lần rồi thì bị cuốn hút vào lòng Chúa xót thương không muốn bỏ ngày nào nữa. Có những bạn trẻ vì gia đình nài ép quá, mới đi để chiều lòng cha mẹ. Thế rồi Chúa chiều lòng các bạn qua những ơn huệ tỏ tường, làm các bạn say mê Chúa như thần tượng của mình, không bỏ sót buổi cầu nguyện nào. Có những người bỏ đạo lâu năm, hoặc chưa có Đạo, gặp những thử thách nặng nề, không biết cầu cứu đâu nữa, chạy đến xin cha linh hướng và cộng đoàn hợp lòng cầu nguyện. Kiên trì trong lời cầu nguyện với lòng tín thác, họ đã vượt qua cơn thử thách. Rồi dần dần Chúa đã tác động lên họ. Bây giờ họ là những chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu đầy lòng xót thuơng.
Tôi đọc được những điều trên qua tập san “Nhờ Mẹ đến với Chúa”, hoặc qua những câu chuyện của những người chứng kiến kể cho nhau nghe. Rất tiếc vì phải lo toan chén cơm manh áo nên tôi không được tham dự những buổi cầu nguyện như thế, nhưng lòng tôi vẫn hướng về Chúa. Tôi hằng cầu mong Ngài dủ lòng xót thương cho tôi có điều kiện tham dự thường xuyên những buổi cầu nguyện chiều thứ năm ở nhà thờ Chí Hoà để lãnh nhận tình yêu bao la của lòng Chúa xót thương.
Rồi chiều đến, tôi đứng bên gánh hàng rong thấy họ lũ lượt ra về. Họ nhập vào từng tốp ba, bốn hay năm người, bước chân từ từ thong thả không vội vàng như lúc đi. Một đoàn người kéo dài suốt từ cổng nhà thờ Chí Hoà đến chỗ tôi ngồi bán hàng, rồi họ phân rẽ nhiều ngõ về nhà. Đặc biệt tôi nhận ra một điều khác với lúc họ đến là trên nét mặt họ tỏ lộ niềm hân hoan vui mừng trông thấy. Vừa đi họ vừa trò truyện râm ran. Họ kể lại cho nhau những câu chuyện dí dỏm trong bài giảng của cha linh hướng, hoặc trầm trồ về những người vừa lên làm chứng ở nhà thờ. Họ trao đổi những câu chuyện thường ngày, chuyện gia đình con cái, cơm áo gạo tiền… Có vẻ như họ là những người quen biết nhau từ lâu rồi, dù thực ra họ từ nhiều nơi quy tụ về, có những người đây là lần đầu họ gặp nhau. Cái gì đã dính kết họ lại như thế? Nếu không phải là chính tình yêu Giêsu, Đấng đã chết để quy tụ đoàn con cái tản mác khắp nơi về một mối. Đấng làm cho người xa xôi thành láng giềng bạn hữu, làm cho kẻ xa lạ thành bạn hữu anh em.
Bây giờ thì tôi đã hiểu được tại sao ngày càng có nhiều người đến với cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ xứ Chí Hoà. Một người chưa được đặt chân vào trong nhà thờ, chỉ nghe nhìn từ gánh hàng rong như tôi mà còn được tác động qua cách thể hiện lòng tin của những người đến tham dự như vậy thì tôi tin chắc rằng cả ngàn người đến đây không phải là những người mê tín, cả tin hay tò mò ham vui. Ít nhiều họ đã cảm nghiệm được lòng Chúa xót thương trên cuộc đời của họ. Chính Chúa lôi kéo họ chứ không phải bất cứ ai khác. Đáp lại lời mời gọi yêu thương của Lòng Chúa Xót Thương, họ hân hoan tiến lên đền thánh như đoàn hành hương với lòng tin yêu phó thác cậy trông. Hình ảnh đoàn người hành hương kéo dài dọc con đường Bành Văn Trân đến nhà thờ Chí Hoà mỗi chiều thứ năm cứ đọng mãi trong tôi như một chứng nhân sống động cho Lòng Thương Xót Chúa giữa cuộc đời bon chen cơm áo gạo tiền…
Xin cho con được yêu mến Ngài mãi mãi…
Người Gánh Hàng Rong
một chiều mưa
-----
CHỨNG NHÂN LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA VÀ MẸ MARIA
1. “Cảm tạ Chúa vì mỗi chiều thứ năm đầu tháng con nhận được một món quà từ Cộng Đoàn Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa Chí Hoà. Đó là tập san “Nhờ Mẹ đến với Chúa”. Con đã thấy mọi người chuyền tay nhau món quà này như là hành trang thiêng liêng, đặc biệt trong những nhóm Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa hàng ngày. Tập san ghi lại những bài chia sẻ, những chứng nhân sống động, những chuyến công tác bác ái đi chia sẻ tình yêu Chúa cho những anh chị em vùng sâu, vùng xa... càng tạo nên niềm tin vững chắc cho mọi người. Con mong ước tập san này được phổ biến rộng rãi hơn để nhiều người cùng được đọc để cảm nghiệm tình yêu Chúa và sức mạnh kỳ diệu của lời cầu nguyện, vì chính con đã được hoàn thiện và biến đổi nhiều khi đọc tập san “Nhờ Mẹ đến với Chúa” này.” (Một độc gỉa trung thành của Tập San...)
2. “Con là H.T.Th., hiện đang ở giáo xứ Thạch Đà. Xin Chúa và Mẹ Maria dủ lòng thương xót con và gia đình. Con bị nghiện rượu nặng, một ngày con uống tới bảy cữ. Mỗi lần lên cơn là con run rẩy. Cái đầu của con bị tai nạn xe móp như trái su su, đau lắm không chịu nổi, con lại tìm đến rượu. Gia đình con cãi nhau như cơm bữa. Con trai lớn bị nghiện xì ke. Con thứ hai bỏ học vì bị ở lại lớp. Bản thân con không biết chữ, không biết đọc cũng không biết viết. Con có nghe cô em họ con nói về cha Long và nhà thờ Chí Hoà nên con có nhờ cô em họ của con viết dùm cho con. Con làm nghề phụ hồ, vợ con bán rau cải. Con muốn đi đến nhà thờ Chí Hoà để cầu khấn cùng Chúa và Mẹ, nhưng gia đình con có một chiếc xe thì vợ con đi rồi. Con không có xe đi, nhà thờ thì con không biết đường, cho nên con nhờ em con mang lời cầu khẩn của con đi dùm. Xin Mẹ nhận lời con cầu nguyện.”
3. “Lạy Chúa Giêsu, con ngợi khen Chúa đã ban cho con một người chồng khô khan về đạo, nhưng lại ướt át đào hoa về đời, hay nóng nảy và bực bội. Con cảm ơn Chúa vì cho con nhận biết đây là Thánh Giá của con. Xin cho con vui nhận cho đến khi nào Ngài gọi con về.” (Nguyễn Thị H. Biên Hoà)
4. “Con là Maria Phúc, bệnh nhân ung thư 9 năm đã di căn lên não. Bây giờ con rất bình an, và điều hạnh phúc nhất của con là tâm hồn bình an trong Chúa. Con tin rằng Chúa luôn ở bên con dù trong bất cứ hoàn cảnh nào…”
5. “Qua lời bầu cử của Mẹ, gia đình con có sự thay đổi. Chồng và hai đứa con của con hưởng ứng việc lần chuỗi Mân Côi trong tháng mười một cách sốt sắng và nhiệt tình. Điều này trước đây chưa bao giờ có. Mẹ ơi! Con vui mừng quá. Cảm ơn Mẹ.” (Châu Thanh V. Hốc Môn)
6. “Con cám ơn Mẹ Maria. Con ca ngợi và tôn vinh Chúa. Qua lời cầu khẩn của Mẹ, Chúa đã ban ơn cho mẹ ruột của con hết đau nhức, bớt vàng da. Mẹ con đã khoẻ nhiều.” (Nguyễn Thanh M. Long Khánh)
7. “Tạ ơn Chúa. Cảm ơn Mẹ. Chị Hằng đã bỏ Đạo Chúa, quy y theo Phật 42 năm. Con chạy đến Chí Hoà xin cha và cộng đoàn cầu nguyện. Thứ năm vừa rồi, chị đã được ơn trở lại với Chúa. Chị đã lãnh bí tích giao hoà sau 42 năm xa cách Chúa.” (Thảo,TPHCM)
8. “Con cầu xin Chúa cứu giúp đứa con gái 7 tuổi của con. Hiện nay cháu không biết đi, không biết nói, chậm phát triển. Con không phải là người có đạo, nhưng tấm lòng hướng về Đức Chúa. Con thành tâm khẩn cầu xin Chúa phù hộ, ban ơn cho con gái con được biết đi, biết nói bình thường như bao đứa trẻ khác. Mong Đức Chúa hãy thương xót và ban phước lành đến cho con gái tội nghiệp của con. Con vô cùng mang ơn Chúa.” (Kẻ Ngoại Đạo)
9. “Con là Rosa Nguyễn Thị Minh, 56 tuổi, giáo xứ Nhân Hòa. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ mà Chúa đã ban cho gia đình con những ơn đặc biệt ngoài sức tưởng tượng. Con gái của con 24 tuổi, bị bệnh 10 năm rồi. Con đưa cháu đi các nơi để chữa trị mà vẫn tiền mất tật mang. Cách nay một tháng, con đưa cháu đi chụp X quang. Bác sĩ cho biết là cháu bị thái hoá xương sống, xương trán, xương hàm và xương mũi bị vẹo vách ngăn nên rất khó thở. Cần phải có tám triệu để mổ thì mới dễ thở. Tiền bạc con đã cạn kiệt không có để mổ cho cháu. Con chỉ còn cách chạy đến nhà thờ Chí Hoà kêu cầu lòng thương xót Chúa và Đức Mẹ. Con tin rằng Chúa sẽ cứu cháu vào phút bù giờ cuối cùng. Chúa đã ra tay. Cháu đã mổ xong, đi chụp X quang lại thì bác sĩ cho kết quả là hết bị thoái hoá rồi. Cháu đã xuất viện, khoẻ mạnh. Con xin muôn đời cảm tạ Chúa, và khắc ghi trong lòng con đến hơi thở cuối cùng.”
10. “Tuy dù phải tiếp tục uống chén đắng, con cũng cố gắng. Nhưng xin Chúa luôn ở mãi với con, ban thêm nghị lực để con uống cạn chén đắng này. Kính lạy Thánh Thể nguồn hy vọng của chúng con trong mọi khổ đau và nghịch cảnh của cuộc sống. Kính lạy Thánh Thể, nguồn cậy trông của chúng con trong mọi phiền muộn, vì không một ai hiểu chúng con. Kính lạy Thánh Thể, con tín thác vào Chúa khi những gánh nặng vượt trên sức chịu đựng của con, khi thấy mọi cố gắng của con đã vô hiệu. Con tín thác vào Chúa.” (Nguyễn văn M. TPHCM)
-----
TÂM SỰ MỘT TÂN BINH
Liên tục gặp những khó khăn và bất hạnh trong cuộc sống, tôi tìm đến Lòng Thương Xót Chúa ở nhà thờ Chí Hoà. May mắn đó là buổi chiều thứ năm đầu tháng, tôi nhận được tập san “Nhờ Mẹ đến với Chúa”. Đọc được những hoạt động bác ái của Cộng Đoàn Lòng Thương Xót Chúa ghi lại trong tập san này, tôi háo hức muốn xin gia nhập vào Đội Quân Ao Xanh. Tôi được đón nhận như một “tân binh” với nhiều bỡ ngỡ...
Câu “tân binh” đó rất đúng với tôi trong nhiều lĩnh vực. Dù trước đó tôi cũng đã tham gia công tác ở một vài nhóm, nhưng tôi vẫn cảm thấy bỡ ngỡ, ngại ngùng trong cử chỉ cũng như ngôn từ của anh tân binh bước vào lãnh vực mới này. Tôi còn là “tân binh” trong cách sống đạo thời đại mới nữa. Vì trước đây tôi sống co cụm, suốt ngày chỉ nghĩ tới cơm, áo, gạo, tiền. Đôi khi còn quan niệm sống chết mặc bay, theo chủ nghĩa” MacKeNo” (Mặc Kệ Nó).
Thời gian trước đây, khi những tiện nghi vật chất tương đối đầy đủ và công việc ổn định, tôi cảm thấy tự mãn và thiết tưởng mãi mãi tồn tại. Nào ngờ sóng gió bất ngờ ập đến. Công việc làm ăn gần như bế tắc. Người chị qua đời. Tình hình kinh tế lạm phát khiến đất đai nhà cửa không ai mua. Muốn bán cũng không được. Thậm chí đi cầm cố tại ngân hàng cũng không xong. Việc định cư nước ngoài mà hồ sơ đã gần đủ bị ngưng lại. Những khó khăn, bất ổn liên tục xảy đến. Sức khỏe tôi bắt đầu giảm sút, gần như mất kháng thể, chỉ cần mắc vài giọt nước mưa là cảm cúm, sổ mũi. Thậm chí nhiều lần tưởng chừng mắc phải chứng bệnh thế kỷ.
Giữa những bế tắc hầu như không lối thoát, tôi đã nhận được nhiều lời khuyên và thấy được những gương tốt của những người thân, trong đó có người chị kế của tôi. Mặc dù nghèo và đơn độc, chị vẫn âm thầm và kiên nhẫn làm tròn bổn phận là mẹ là vợ. Chị siêng năng cầu nguyện, tham dự lễ và sống đạo thật tốt. Lòng thương xót Chúa và Đức Mẹ đã đến với chị và gia đình. Anh chồng đã quay trở về với gia đình. Người con trai lớn tốt nghiệp cử nhân công nghệ thông tin ở Việt Nam, được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận đi du học để lấy bằng thạc sỹ. Cô con gái thứ hai sau khi tốt nghiệp đại học đã nhận dược việc làm. Niềm vui được nhân lên khi chị được mời làm nhân chứng Lòng Thương Xót Chúa tại nhà thờ Chí Hòa.
Trải qua những giây phút trống vắng, trầm cảm và khó khăn bộn bề, tôi bước đi khập khiễng trong trạng thái không định hướng. Đang khi cất bước chân hoang đàng, xa xa chợt nghe vọng lại bài thánh ca: “Con nay trở về, trở về vùng đất tái sinh. Con nay trở về, về đường chính lý quang minh…” Và tôi đã quyết định đứng dậy, mặc dù những bước đầu rất hụt hẫng và lo lắng. Tôi tìm đến nhà thờ Mai Khôi nơi có ca đoàn phụng vụ mà tôi rất thích. Đến nhà thờ Chí Hoà, nơi đang phát triển việc cầu nguyện lòng thương xót Chúa và Đức Mẹ.
Giờ đây ngồi nghĩ lại, tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự trùng hợp không tưởng khi đến hai thánh đường đều bổn mạng Mân Côi. Chắc hẳn Đức Mẹ Mân Côi đã ra tay cứu giúp và cầu bầu Lòng Thương Xót Chúa cho tôi. Tôi sẽ không bao giờ quên được tháng mười Mân Côi hồng ân. Và tôi muốn thân thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa”.
Mong ước cộng đoàn Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ ngày càng nhân rộng và phát triển để mọi người luôn biết chạy đến với Lòng Thương Xót Chúa và Đức Me, luôn siêng năng lần chuỗi thương xót và thực hiện năm hòn sỏi theo lời chỉ dẫn của Đức Mẹ.
Thứ năm này cũng là ngày đầu tôi được mặc chiếc áo đồng phục của Đội Quân Mầu Xanh, màu hy vọng và phục vu. Tôi sẽ nhớ mãi những ngày còn là tân binh. Ngày của anh lính mới háo hức khi gia nhập Đội Quân Ao Xanh. Vẳng bên tai tôi lời hát của người linh mục lãng tử khi hướng dẫn những cánh chim xanh bay không mỏi mệt trong những chuyến công tác bác ái vùng sâu vùng xa: “Chiếc áo dù thơm của nàng hoa hậu, thua áo của tôi chỉ đượm hơi người. Mùi thơm của lúa mới, mùi thơm của nắng sớm, mùi thơm của mưa của nắng triền miên. Giờ đây mình dấn bước, vào đội quân phục vụ, khoác lên mình chiếc áo màu xanh!”
Dominic Nguyễn Chuẩn
-----
NỤ CƯỜI TRUYỀN GIÁO
(Theo điệu bài hát “Hy Vọng Đã Vươn Lên”)
1. Nụ cười nở trên môi
Gieo nguồn vui cho muôn người
Nụ cười nở trên môi
Đem tin mừng vào thế giới
Nụ cười vẫn trên môi
Se chặt giây tình thân ái
Nụ cười sáng trên môi
Như hiện thân. Của tình thương. Đang trào dâng.
2. Nụ cười nở trên môi
Khi hừng đông khi chiều tà
Nụ cười nở trên môi
Khi mưa về trời rét buốt
Nụ cười vẫn trên môi
Giữa trưa hè hun thiêu đốt
Nụ cười sáng trên môi
Quên mồ hôi.
Quên nghỉ ngơi. Chỉ vì ai ?
3. Nụ cười nở trên môi
Với người thân kẻ xa gần
Nụ cười nở trên môi
Trong nông trường, khu kinh tế
Nụ cười vẫn trên môi
Mang ủi an người đói rách
Nụ cười sáng trên môi
Không màng chi.
Đem hoà khí. Nuôi tình thân.