Bên Trong Luỹ Tre Làng

Đọc bài bào “Ông ấy có còn xứng đáng…? ” đăng trên báo Tiền Phong số 79 (9.2008) mà bạn Tiền Phong post lên, tôi thấy tác giả là một con trâu mộng “cưa sừng làm nghé ” . Tuy nhiên, vì cố cưa, cưa mãi chưa hết, cho nên cái con trâu giả nghé này nó sường sượng, nó ngượng ngạo làm sao ấy.

Tôi nghĩ, nếu các em thiếu nhi mà lý luận được như thế, chắc đã tốt nghiệp mấy khoá lý luận chính trị của Đảng rồi. Và giả như các em lý luận được tới cỡ đó, cũng có nghĩa là các em không đón bắt thông tin một chiều, thì mừng cho tiền đồ của đất nước, mừng cho sự nghiệp giáo dục của đất nước chứ sao!

Câu hỏi của tác giả Tiền Phong khiến tôi liên tưởng đến câu truyện đại khái thế này:

Một sư phụ nọ truyền đạt cho đệ tử biết về cảnh giới bên ngoài. Ngày kia, chỉ vào hình các phụ nữ ông cắt nghĩa cho các đệ tử: “Đó là các con bò.

Thế rồi một ngày đẹp trời, sư phụ dắt đệ tử xuống núi. Rảo qua các thành thị, các đệ tử hết sức vui mừng vì được tiếp cận với thế giới tốt đẹp bên ngoài.

Chiều về, trong lúc nghỉ ở lưng chừng núi, sư phụ hỏi đệ tử, “Trong cuộc viễn du hôm nay, đệ tử thích điều gì nhất?” Đệ tử hết lòng vui vẻ và thành thật trả lời: “Trình sư phụ, con thích các con bò nhất.”

Thế đấy, giáo dục là một chuyện, chủ đích giáo dục là một chuyện, khuynh hướng tâm hồn con người lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Trong luỹ tre làng, có nhiều cái rất hay. Tỉ như tính cộng đồng tương thân tương trợ, tối lửa tắt đèn có nhau… Tuy nhiên, cũng không thiếu những chuyện xấu cần phải thay đổi. Tỉ như thói buôn “dưa lê”, nhàn công rỗi việc nói xấu người khác. Gì chứ thói quen nấu nướng “thêm mắm dặm muối” , lấy “thịt heo nấu giả cầy” , biến con công thành con quạ,… cũng được áp dụng trong cách thức nói về người khác với chủ đích hạ nhục ai đó.

Vấn đề là làm thế nào để nhân những hạt giống yêu thương, chân thật lên thật nhiều trong những thửa ruộng sau luỹ tre làng? Làm thế nào để giảm thiểu những hạt cỏ lùng nanh nọc, dối trá đến độ coi đó là cách thức ứng xử bình thường?

Nếu không gieo những hạt giống tốt, tính chân thật sẽ trở thành món hàng xa xỉ ở tít mù khơi. Nếu không làm được như thế, liệu con cháu chúng ta đốt đuốc đi tìm, có tìm được tính thật thà nơi bờ tre làng không?

Tác giả Tiền Phong cứ hỏi “Bạn nghĩ sao?”

Điều sau cùng tôi nghĩ là nhân loại đi tìm sự thật, cái tích cực chứ không ai tìm sự gian trá. Thế nên, việc đọc lại “Quan điểm của Hội Đồng Giám Mục” (25.9.2008 họp tại Xuân Lộc) là cách thức nhắc nhở chúng ta trong việc giáo dục con cháu trong gia đình. Đó sẽ là cách thức chúng ta loại trừ những hạt cỏ lùng gian trá, đồng thời trồng vào lòng con em chúng ta tính chân thật.

Mong sao khi ra khỏi luỹ tre làng, chúng sẽ không gục ngã trước những trận cuồng phong của bạo lực và gian trá. Mong sao chúng cũng biết tiếp nhận bầu không khí tốt lành của thế giới rộng lớn bên ngoài.

“Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến tình trạng này.” (I, Tình Hình)

“Kế đến, đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật. Trong thực tế, đã có những thông tin bị bóp méo hoặc cắt xén, như trong trường hợp tranh chấp đất đai tại Tòa Khâm sứ cũ. Vì thế, chúng tôi đề nghị những người làm công tác truyền thông đại chúng phải hết sức cẩn trọng khi đưa tin tức và hình ảnh, nhất là khi liên quan đến danh dự và uy tín của cá nhân cũng như tập thể. Nếu đã phổ biến những thông tin sai lạc thì cần phải cải chính. Chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.” (II, Quan Điểm).