“Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam,

Trời u ám, chiến tranh điêu tàn,

Mẹ hãy giơ tay ban phúc Bình An,

Cho Việt Nam qua phút nguy nan”...


Trong dịp Lễ kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tháng 6 năm 2008 vừa qua, trước Linh Ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp La Mã Bến Tre được rước về Đền Mẹ ở DCCT Sài-gòn, giữa bài giảng hành hương, tôi có sáng kiến bất ngờ vào phút chót, mời gọi các cha các thầy và hàng ngàn anh chị em Giáo Dân có mặt cùng hát lên bài hát tuyệt vời này. Ngay khoảnh khắc ấy, nhiều người có mặt đã giật mình cho là tôi bạo quá, liều quá, sợ tôi sẽ bị “người ta” chụp mũ kết tội xách động, lại nghĩ sẽ khó mà có người còn nhớ được bài hát cổ gần 40 năm để mà hưởng ứng, để cùng hát lên.

Không ngờ, quả thật không ngờ, bài hát chỉ vỏn vẹn có 4 câu ngắn ngủi ấy của cố nhạc sĩ Hải Linh, đã được cộng đoàn cất lên vang dội khắp Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn. Chỉ một số các bạn trẻ sinh sau biến cố 1975 là hơi bị ngẩn ngơ, nhưng đến lượt hát thứ hai thì cả họ nữa, cũng hòa được vào với các anh chị lớn, các cô bác đứng tuổi, các cụ già da mồi tóc bạc.

Đến lần hát thứ ba thì mọi người đã nước mắt giàn giụa, như thể nỗi đau lâu nay phải kềm hãm, gửi sâu tận đáy những nỗi niềm cơ cực tủi thân, bây giờ “được lời như cởi tấm lòng”, đã bật lên, đã òa vỡ, đã ứa tràn thành những đợt sóng cầu nguyện dâng lên Mẹ.

Vâng, cứ ngỡ bài hát sẽ không còn hợp thời, đã lui vào quá khứ thương đau của một Việt Nam tang tóc vì chiến tranh, điêu tàn vì ly tán chia cách đôi miền Bắc Nam. Thế nhưng...

Đêm thắp nến cầu nguyện thứ năm 28.8.2008 vừa qua, một lần nữa, tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn, tôi lại mời toàn thể Nhà Dòng cùng với hơn 3.000 anh chị em Giáo Dân cất lên bài hát bất hủ này. Mọi người lại khóc, tôi cũng vừa hát vừa nghẹn ngào.

Những ngày này, “chiến tranh” lại đang bùng phát tại Thái Hà, Hà Nội, sau biết bao ngày âm ỉ nơi đây cũng như ở hàng trăm nơi khác của quê hương Việt Nam. Chiến tranh không có bom đạn nhưng tàn bạo không kém vì người ta đã sử dụng hơi cay, dùi cui và roi điện để tấn công và trấn áp những người dân vô tội chỉ muốn cầu nguyện như là một phương cách để đòi thực thi Công Lý và Hòa Bình.

Mà trời ơi, người ta tự hào là đang xây dựng trong Hòa Bình và đạt được những thành tựu hy hữu, tốc độ tăng trưởng chóng mặt, thế nhưng cái giá phải trả là tham nhũng từ trên xuống dưới, ô nhiễm từ ngoài vào trong, còn lương tri con người thì bị thoái hóa trầm trọng, đặc biệt thể hiện qua hai ngành cần phải có lương tâm hơn hết là y tế và giáo dục.

Không còn chiến tranh ngoài mặt trận nhưng lại có khủng bố và giết hại đối với hàng triệu thai nhi bé bỏng mỗi năm. Không có người chết vì bom rơi đạn lạc nhưng số người chết vì tai nạn giao thông, lao động, và môi trường còn nhiều hơn gấp chục lần. Người ta xây dựng được bao nhiêu là cao ốc văn phòng, chung cư và sân golf nhưng lại tước đoạt vô vàn những mảnh ruộng, những khoảnh vườn, những ngôi nhà và ao cá của người dân nghèo ngoại thành và nông thôn.

Và trơ trẽn nhất, ngang ngược nhất là những hành xử đối với lãnh vực tín ngưỡng tôn giáo. Người ta ban hành những thứ luật để hợp pháp hóa những chuyện vi hiến trắng trợn ngay trước đó rồi bảo mọi người phải thượng tôn luật pháp. Bao nhiêu cơ sở đất đai sở hữu của các tôn giáo bị trưng dụng cho chuyện công ích cuối cùng lại xoay ra kinh doanh vũ trường, khách sạn, nhà hàng, thậm chí... mãi dâm công khai ! Nhà Thờ biến thành kho hợp tác xã. Cung Thánh thành piste nhảy đầm. Rồi “cứt trâu để lâu hóa bùn”, người ta đem chia năm xẻ bảy, bán chuyền tay nhau lấy tiền bỏ túi tham ô.

“Trời u ám, chiến tranh điêu tàn” thật sự rồi ! Dân oan kéo nhau từ miền quê rần rần lên thành phố, ra trung ương khiếu kiện đã bị trấn áp như thể họ là một bọn phản động. Giáo Dân dựng lều túc trực ngày đêm giữ đất bằng lời cầu nguyện thì bị vu khống là một bọn ăn cướp. Mấy bà dân tộc Mường đánh cồng khua chiêng để thay cho tiếng lương tâm đang bị bóp nghẹt thì lại bị lôi đi xềnh xệch, dí roi điện, đấm thẳng vào mặt đến đổ máu.

Vậy mà tất cả cái khối oan khiên ấy không đánh lại, không chửi lại, không xô xát. Cứ kiên trì bất bạo động, cứ nhẫn nại cầu nguyện. Họ có điên không chứ ? Người ta đang rình chờ mình hớ hênh, lọt vào cái bẫy khiêu khích hèn hạ là y như rằng có cớ để xảy ra một thứ “Thiên An Môn” như đã từng xảy ra cho các sinh viên bên Trung Quốc ngày 4.6.1989, bảy tám trăm bị chết và bảy tám ngàn bị thương. Thế mà đám đông quần chúng ở Việt Nam hôm nay lại “điên” thật ! Họ cứ cất cao lời hát Kinh Hòa Bình với Đấng họ tin là Thần Linh Thánh Ái.

Và bây giờ thì từ Miền Nam, ngược qua Miền Trung, vọng ra Miền Bắc, tôi tin chắc những người thiện chí, lòng đầy Bình An, sẽ lại có thêm một lời khẩn nguyện thiết tha với Người Mẹ thiêng liêng của mình, để hát chung với nhau trong nước mắt cậy trông và hy vọng:

“Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam,

Trời u ám, chiến tranh điêu tàn,

Mẹ hãy giơ tay ban phúc Bình An,

Cho Việt Nam qua phút nguy nan”...


thứ bảy 30.8.2008