SAIGÒN - Vào những ngày đầu tháng 8, các bạn trẻ của nhóm Bông Hồng Xanh lại tiếp tục chương trình giúp đỡ học sinh nghèo qua việc thực hiện chuyến đi phát học bổng và đồ dùng học tập tại Kênh 1, Tân Hiệp, Kiên Giang.

Xem hình ảnh chuyến đi này ở đây

Ngôi nhà thờ dơn sơ nghèo nàn
Là người có trách nhiệm chính trong công việc, tôi xin phép được giới thiệu hành trình của các bạn trong chuyến đi qua tư liệu mà các bạn tường thuật lại.

Được một vị ân nhân trợ giúp, chúng tôi đã lên kế hoạch ngay từ giữa tháng bảy. Vì nơi đây cách thành phố đến hơn hai trăm cây số nên tôi phải nhờ đến họ hàng thân thuộc cho các bạn trú ngụ một hai ngày.

Cảnh thôn quê vùng Rạch Giá xanh mát, rộng rãi với những con kênh chạy dọc, chia vùng đất thịt màu mỡ thành những phần ruộng mênh mông, tạo cảm giác thú vị cho người dân thành thị nếu đến thăm nơi này. Rồi cảnh cắt lúa, phơi lúa chạy mưa, đi bắt cua, bắt cá ở sông cũng rất ngoạn mục nữa.

Năm ngoái có hai bà trong họ đạo Chúa Kitô Vua đã tình nguyện giúp chúng tôi truy tìm và dẫn đến tận nhà các em học sinh nghèo, hoàn cảnh đặc biệt. Làm công tác xã hội ở vùng xa phải có cộng tác viên nhiệt tình, sốt sắng thì công việc mới hiệu quả, đi sát thực tế hơn. Hai bà nhiệt tình đến nỗi năm nay, dù tôi không cùng đi với các bạn nhưng vẫn thực hiện được lời hứa trợ giúp các em năm ngoái. Tuyệt vời là thế!

Hai bà hăng hái, thương người. Năm ngoái, một bà thổ lộ với tôi rằng vì cả hai người đều có hai cô con gái đang dự tu trên Sài Gòn, nên cố làm việc lành phúc đức để con được làm “bà sơ”. Thậm chí một bà còn ăn chay, kiêng thịt hằng ngày để tỏ lòng yêu mến Chúa. Nhìn bà ấy xanh mướt, tôi ái ngại:

- Chị phải ăn đủ chất đạm của thịt cá sữa trứng thì lúc cầu nguyện nhìn Chúa mới…đắm đuối; thiếu chất bổ mà nhìn Chúa mờ mờ trên thánh giá sẽ nguy hiểm lắm đó!

Tuy nói như vậy, nhưng tôi vẫn không hiểu vì sao nhiều vị chân tu ăn chay trường mà khuôn mặt vẫn trắng sáng. Tôi nghĩ rằng, về mặt siêu nhiên, người nào ít phạm tội và có những ý nghĩ ngay lành thì vẻ mặt toát lên sự thánh thiện, đẹp tự nhiên; nhưng nhìn thực tế thì ăn uống thiếu chất dinh dưỡng thì sinh ra vô vàn giống bệnh.

Hai mươi em học sinh được tập trung tại một ngôi nhà tranh vách đất. Mỗi em được một phong bì tiền như nhau nhưng hoàn cảnh của chúng lại rất khác nhau: có em thì bố bỏ đi, mẹ buồn không thiết làm ăn, con cái thì trông cầm chừng; có em thì cha mẹ lên thành phố làm ăn, để mấy đứa con cho bà ngoại; còn ba anh em nhà kia thì đứa lớn bị bệnh về máu không được ra nắng, đứa thứ hai thì thần kinh không ổn, còn đứa thứ ba bị cái nhọt ở đỉnh đầu là được đi học đàng hoàng; một em khác gia đình có hai công đất, phải bán đi một công vì bố bị bệnh…còn lại là những em bố mẹ đi làm mướn vì không có đất.

Năm nay, các bạn không trao sách Giáo khoa vì sợ có sự thay đổi, và các em có thể cho nhau những cuốn sách cũ.

Các em vui vẻ nhận học bổng
Khi các em học sinh tung tăng ra về trên con đường quê thì các bạn trẻ điện thoại hỏi tôi nên giúp như thế nào về một trường hợp đặc biệt.

Đó là có một gia đình kia, bà mẹ thường đi mót lúa, chồng mới chết, sống cùng ba đứa con nhỏ trên một cái ghe vá chằng vá đụp ở ven sông. Hai bà cộng tác viên kể rằng:

“Ông chồng trước đây đi cắt lúa mướn, sau bị bệnh thì đạp xe đi bán vé số khắp vùng. Ba đứa con từng được gửi vào trại mồ côi nhưng chúng cứ khóc đòi về nên ông và vợ nuôi chúng một cách quá khó khăn. Vì ông mới trở lại đạo nên được giáo họ chú ý trợ giúp gạo, tiền, mắm muối. Ba đứa con học ở trường công lập nhưng buổi trưa về ăn cơm ở trường của các sơ dòng Mến Thánh Giá, tối về lại ngủ trên cái ghe ven sông ấy với bố mẹ.

Cách đây một tháng ông ấy vào bệnh viện, không có tiền, chúng tôi đi quyên góp được hai triệu đồng (hơn 100 usd) để thuốc thang. Khi ông ấy chết, chúng tôi cùng hai thanh niên nữa đưa xác về. Vì sống trên ghe nên quan tài của ông phải để nhờ ở trụ sở ấp, một căn phòng nhỏ mà người ta thường hội họp và đi bỏ phiếu.”

Nhìn vào tấm hình chụp cái ghe, tôi hiểu cuộc sống của gia đình đó thế nào. Tôi nhờ các bạn mua tập cho các cháu, gửi lại tiền đóng học phí rồi đưa cho mẹ cháu ít tiền để làm vốn, mua bán gì đó. Có ai khổ hơn như thế không nhỉ! Thế mà người vợ vẫn đến nhà thờ đi lễ bình thường, tôi nghĩ, đó là một chiến sĩ kiên cường của niềm tin vì khi người ta khổ quá mức chịu đựng thì thượng đế làm gì còn tồn tại trong trái tim?

Tôi thấy lòng buồn buồn vì đã không được xuống miền này, bước lên cái ghe rách mướp ấy mà chia sẻ nỗi đau với người phụ nữ vừa mất chồng lại túng cực. Tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu nói: “Đàn ông sống một mình không tốt”, còn tôi lại nghĩ: “Đàn bà sống một mình rất dễ thương!!”, vì nhiều người lập gia đình sao mà khổ đến thế! Nhưng gia đình lại là đơn vị hình thành nên xã hội cơ chứ!

Các em học sinh được sống trên một mảnh đất nhiều màu xanh, những trái chanh dây thơm ngan ngát tự nhiên, những trái dâu tây xanh nhàn nhạt dễ thương, lúa vàng ươm dưới nắng trưa và màu của râu bắp nâu nâu như tóc đứa trẻ…thế mà cảnh đời nhiều em sao lại xám xịt như cơn mây đen kéo mưa về?

Chuyến đi kết thúc, không sôi nổi không ồn ào và không có cả lời hứa của tôi nữa.

Nhưng khi tôi viết bài này thì bà cộng tác viên lại thông tin có một chuyện đáng buồn xảy ra: gần một trăm gia đình ở kênh zérô và lác đác ở kênh 1 đang chao đảo vì bị lừa gạt. Một người đàn ông chuyên đáo nợ ngân hàng, gọi nhiều người gửi tiền cho ông ta để lấy tiền lời nhiều hơn, nay ông ta trốn biệt với mấy chục tỉ đồng của bà con nông dân. Nhiều người xỉu lên xỉu xuống; thế là lại có những thảm cảnh của gia đình nơi miền đất lành nhiều cây xanh này.

Còn một chuyến đi Nam Cát Tiên do một linh mục trợ giúp và một chuyến khác do anh chị Phước Vũ ủng hộ. Tôi thấy vui vui trong lòng vì sự trưởng thành của các bạn trẻ trong nhóm.

Ngoài ra Nhóm Bông Hồng Xanh cũng đã làm danh sách tường trình với Cha Giám Đốc VietCatholic về danh sách Ân Nhân và công tác xã hội của Nhóm để qúi vị ân nhân thêm lời cầu nguyện và ủng hộ tinh thần. Sau đây là một số qúi ân nhân đạ giúp chúng tôi để chúng tôi có cơ hội làm tử thiện bác ái đến với các học sinh nghèo:

  • Lm Paul Phạm Văn Tuấn (300 Euro) giúp cho học sinh nghèo ở Cần Giờ
  • Anh Tuấn Lê (100 Euro) giúp cho học sinh nghèo ở Cần Giờ
  • Cô Nguyễn Thị Hường (100 CAD) giúp cho học sinh nghèo ở Cần Giờ
  • Anh chị Tùng Goodyear(4.500.000 VND) giúp cho học sinh nghèo ở Tân Hiệp, Kiên Giang
  • Cha Joseph Long(350 USD) giúp cho học sinh nghèo ở Nam Cát Tiên, Đồng Nai
  • Chị Thu Trang (USA) (100 USA) giúp cho 3 học sinh ở Đồng Nai và Tân Bình
  • Anh chị Phước Vũ (300 USD) giúp cho học sinh nghèo ở Long An và Đồng Tháp
Xin chân thành cám ơn tất cả qúi vị ân nhân.

Maria Vũ Loan email: yeutrebuidoi@yahoo.com