Chúa Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp

(Roma 8:26-27)

Từ Chúa Nhật Thứ XIV Mùa Thường Niên năm nay, Hội Thánh đã dùng Chương 8 của Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Rôma mà nhắc nhở chúng ta rằng, tuy đã trở thành con cái Thiên Chúa, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng bởi khuynh hướng thiên về tội lỗi bởi tội Ađam gây ra. Vì thế trong con người chúng ta luôn có sự giằng co giữa xác thịt và tinh thần. Nếu sống theo xác thịt thì chúng ta sẽ chết. Nếu sống theo tinh thần, tức là theo Chúa Thánh Thần, thì chúng ta sẽ trở thành con cái Thiên Chúa và được đồng thừa tự với Đức Kitô miễn là chúng ta bằng lòng chịu đau khổ với Người.

Tuần trước Thánh Phaolô cho chúng ta thấy một niềm hy vọng để vui lòng chịu đau khổ là những đau khổ đời này không thể so sánh với những vinh quang mà Thiên Chúa dành cho những ai yêu mến Ngài. Muốn được như thế chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi và sống trung tín đến cùng. Tuần này Thánh Phaolô nhắc cho chúng ta vai trò của Chúa Thánh Thần trong cầu nguyện, vì chỉ nhờ cầu nguyện mà chúng ta mới có thể đi đến cùng và đạt được niềm hy vọng đang đón chờ chúng ta.

26 - Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp

Trong bài Thánh Thư hôm nay, Thánh Phaolô lại nhắc cho chúng ta rằng đừng cậy vào sức mình. Muốn bền vững đến cùng chúng ta cần sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần vì chúng ta rất yếu đuối.

Muốn Chúa Thánh Thần giúp đỡ thì chúng ta cần cầu nguyện. Mà chính trong việc cầu nguyện nhiều khi chúng ta cũng không biết phải cầu nguyện ra sao. Khi nghe Thánh Phaolô nói rằng “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp”, tôi mới tự xét mình và thấy ngài nói rất đúng. Nhiều khi mình đọc kinh một cách máy móc thay vì cầu nguyện. Nhiều khi mình đến với Chúa để xin xỏ nhiều hơn là cầu nguyện. Nhiều lần thay vì cầu nguyện thì tôi đã đặt điều kiện với Chúa “Nếu Chúa cho con cái này cái nọ thì con sẽ làm việc này việc kia cho Chúa”. Mà còn có lần tôi đến để “trách” Chúa. Tại sao thế? Tại vì tôi đã cầu nguyện theo ý riêng của mình, theo sự yếu đuối của mình. Khi tôi dựa vào tình cảm, nhu cầu và dự tính của mình mà không dựa vào Tình yêu và Thánh Ý của Thiên Chúa để cầu nguyện là tôi đã “không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp”. Đôi khi cầu nguyện như thế còn có hại cho tôi, bởi vì những gì tôi muốn chưa chắc đã tốt cho tôi, mà nếu không nhận được chúng thì tôi đâm ra mất niềm tin và trách móc Thiên Chúa.

Chính vì chúng ta yếu đuối mà Chúa Thánh Thần đến giúp chúng ta. Thật ra nếu chúng ta sống trong ân sủng thì Chúa Thánh Thần cũng đang âm thầm sống và hoạt động trong chúng ta, miễn là chúng ta biết phó thác cho Ngài. Ngài sẽ lẳng lặng cầu bầu cùng Chúa Cha cho chúng ta, và Chúa Cha cũng nhận ra lời cầu nguyện này của Chúa Thánh Thần.

Sự yếu đuối của chúng ta chính là cánh cửa mở ra để ân sủng của Chúa Thánh Thần có thể vào mà hoạt động trong chúng ta. Khi nhìn nhận mình yếu đuối và để Chúa Thánh Thần toàn quyền hoạt động trong mình, thì Ngài sẽ biến những yếu đuối của chúng ta thành mạnh mẽ. Ý thức được điều đó, nên Thánh Phaolô đã viết, “tôi rất hân hoan hãnh diện về những yếu đuối của tôi, để quyền năng của Ðức Kitô được ở trong tôi. Vì thế tôi chấp nhận sự yếu đuối, nhục nhã, khổ cực, ngược đãi, khốn cùng vì Ðức Kitô. Bởi khi tôi yếu đuối là lúc tôi mạnh mẽ” (2 Cor 12:9-10).

nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả.

Cầu nguyện không cần phải phát ra bằng lời nói. Khi Chúa Thánh Thần giúp chúng ta cầu nguyện, Ngài đến với chúng ta trong tình trạng yếu đuối của chúng ta. Ngài tự đồng hóa với chúng ta, cho nên Ngài cũng rên siết với chúng ta “bằng những tiếng than khôn tả”. Rên siết là dấu chỉ của đau khổ, của chịu đựng, của đợi chờ. Như thế trong cầu nguyện, chính Chúa Thánh Thần đồng hành với chúng ta và cùng chia sẻ những đau khổ của chúng ta, để giúp chúng ta cầu nguyện theo Thánh Ý Chúa Cha trong khi đợi chờ ngày vinh quang mà Chúa đã hứa. Nhìn nhận sự yếu đuối của mình là bước đầu của việc cầu nguyện trong Chúa Thánh Thần và Ngài sẽ biến những lời cầu nguyện trong đau khổ và rên siết của chúng ta thành hy lễ đẹp lòng Thiên Chúa.

27. Đấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.

Đấng Thấu Suốt Tâm Hồn là từ trong Cựu Ước để nói về Thiên Chúa (1 Sam 16:7; 1 Vua 8:39; Tv 7:11; 17:3; 139:1-4). Nhưng ý định của con người thường thì không được hoàn toàn ngay lành, tốt xấu lẫn lộn như lúa mì và cỏ lùng mọc chung. Chỉ có Thiên Chúa mới biết rõ chúng ta nghĩ gì khi chúng ta cầu nguyện, hay làm việc lành với mục đích gì. Thánh Vịnh 139 viết “Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139:2-4). Khi ý thức được điều này, chúng ta mới tìm cách thanh lọc tư tưởng để nó trở nên ngay lành hơn trước mặt Thiên Chúa.

Chúa Thánh Thần can thiệp tận cung lòng con người, là nơi chúng ta không thể che dấu được một điều gì, cho nên Ngài thấy rõ sự yếu hèn, cũng như phẩm giá của chúng ta. Vì thế khi cầu bầu cho chúng ta, Chúa Thánh Thần biết điều gì tốt cho chúng ta để cầu xin cùng Chúa Cha thay cho chúng ta. Thiên Chúa nhận ra sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần trong cầu nguyện.

Đồng thời vai trò của Chúa Thánh Thần cũng là giúp chúng ta phân biệt được đâu là ý riêng của mình và đâu là Thánh Ý Chúa để chúng ta có thể điều chỉnh lại tâm hồn mình trong khi cầu nguyện. Nhờ đó chúng ta có thể nhận ra Thánh Ý Chúa và biết “Xin Vâng.” Khi ấy lời cầu nguyện của chúng ta sẽ xứng hợp và đáng được Thiên Chúa nhậm lời.

Lạy Chúa đã bao lần con đến cùng Chúa với một tâm hồn ích kỷ. Trong khi cầu nguyện con chỉ biết xin Chúa làm theo ý con mà không biết lắng nghe Lời Chúa để biết ý Chúa mà tuân hành. Xin dạy cho con biết khiêm nhường và ý thức được rằng Chúa luôn thấu suốt lòng con, để con hợp tác với Chúa Thánh Thần mà làm theo Thánh Ý Chúa trong mọi giây phút của đời con. Như thế con để Chúa Thánh Thần biến đời con thành đời cầu nguyện đẹp lòng Chúa. Lạy Mẹ là Đấng luôn luôn biết cầu nguyện bằng một tiếng “Xin Vâng”, xin giúp con biết noi gương Mẹ luôn làm theo Thánh Ý Chúa. Lạy Thánh Phaolô, xin cầu bầu cho con để con biết sống trong Chúa như ngài đã sống. Amen.