Chúa Nhật XI năm A

"GIÁO HỘI-NGÔI NHÀ NÂNG ĐỠ CHO NHỮNG AI KHỔ ĐAU"

(Cha Raniero Cantalamessa, OFM, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng)

Tin Mừng Chúa Nhật XI năm A, giới thiệu nhóm Mười Hai: "tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô …". Ở đây vai trò nổi bật của Phêrô. Tin Mừng không liệt kê, thứ nhất Phêrô, thứ hai Andrê, thứ ba Giacôbê. Phêrô được nêu lên trước tiên theo ý nghĩa là người đứng đầu, là xướng ngôn viên và đại diện cho cả nhóm mười hai. Chúa Giêsu, sau này cũng trong Tin Mừng Matthêu, khẳng định rõ ràng hơn khi Ngài nói: "anh là Phêrô, nghĩa là Đá, trên đá này thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy".

Tuy nhiên, động lực thúc đẩy Chúa Giêsu chọn gọi và sai nhóm mười hai đi rao giảng là điều đáng quan tâm. Tin Mừng thuật lại như sau: "Đức Giêsu thấy đám đông, Người chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt". Chúa Giêsu thấy đoàn người đông đảo và chạnh lòng thương: đó chính là động lực thúc đẩy Ngài chọn gọi và sai họ nhóm mười hai đi rao giảng.

Điều này cho thấy Giáo Hội không hiện hữu cho chính mình, cho nhu cầu và ơn cứu độ của chính mình; mà hiện hữu vì tha nhân, cho thế giới, cho con người, nhất là những ai đau khổ và lầm than. Công Đồng Vatican II đã dành riêng hiến chế Gaudium et spes (Vui Mừng và Hy Vọng) để trình bày Giáo Hội là ánh sáng cho muôn dân. "Niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và đau khổ của nhân loại hôm nay, của người nghèo, nhất là những ai khổ đau, chính là niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và đau khổ của các môn đệ Chúa Kitô, và tất cả đều tìm thấy nơi con tim của Giáo Hội".

"Thấy đám đông, Người chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn". Các mục tử thời đại này, từ ĐTC cho đến các cha xứ, phải hiện lên ánh sáng này tiếp tục chăn dắt đoàn chiên như Chúa Kitô chạnh lòng thương đoàn chiên mình. ĐHY FX Văn Thuận, người đã trải qua 13 năm trong tù ở Việt Nam, trong bài giảng phòng cho ĐTC và giáo triều Roma đã nhấn mạnh rằng: "Tôi ước mơ rằng có một Cửa Thánh luôn luôn mở rộng, đầy lòng thương xót, ôm lấy toàn thể đau khổ của nhân loại; một Giáo Hội luôn bảo vệ, an ủi và hướng dẫn mọi dân tộc hướng về Chúa Cha, Đấng yêu thương họ".

Giáo Hội phải tiếp tục sứ mệnh của Thầy mình: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng". Đó chính là dung mạo của Giáo Hội: hoà giải và tha thứ. Cha Thánh Pio V gọi bệnh viện ngài thánh lập ở S. Giovanni Rotondo (Italia) là "ngôi nhà nâng đỡ những ai khổ đau". Giáo Hội cũng phải trở thành niềm an ủi và là ngôi nhà nâng đỡ những ai đau khổ.

"Anh em đã được cho không thì anh em cũng phải cho không như vậy".

Hồng Ân tóm dịch