PARAGUAY: SỐNG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO
Phương tiện truyền thông
Chúng ta đã bước qua thế kỷ XXI và ngày nay chỉ cần một cú click chuột là có thể biết được mọi thông tin toàn cầu qua mạng lưới Internet. Ấy vậy mà còn có nhiều nơi trên thế giới, người ta không hề biết cái máy vi tính nhỏ to như thế nào chứ chưa nói đến chuyện sử dụng Internet. Cụ thể là những vùng nông thôn của những người thổ dân thuộc các xứ truyền giáo xa xôi vùng Nam Mỹ thì chiếc máy vi tính hay Internet có lẽ là một thứ xa xỉ phẩm rất xa lạ với người dân ở đây. Bởi thế, nếu gia đình nào có người thân qua đời mà con cháu họ làm việc ở xa thì khó bề liên lạc. Hệ thống bưu điện thì cũng làm việc chậm chạp. Những người thân của tôi muốn gởi quà cho tôi thường thì phải mất hơn 1 tháng mới đến nơi. Đường xá và phương tiện di chuyển còn nhiều trở ngại. Vì thế, việc tụ tập các tín hữu đến tham dự cầu nguyện chung hay tham dự thánh lễ quả thực là khó khăn.
Bởi đó, khi các nhà truyền giáo đến, điều trước tiên là phải cộng tác với các chính quyền sở tại để xây cho được một đài phát thanh của vùng đó và thuê nhân viên làm việc để thông báo tin tức cho mọi người biết. Người dân ở đây nghèo nhưng nhà nào cũng có được cái radio cũ kỹ và họ có thói quen nghe tin tức trong ngày qua đài phát thanh địa phương. Mỗi khi có thánh lễ hay có chương trình gì của từng vùng, chỉ cần báo cho nhân viên của trạm phát và anh ta sẽ loan báo cho mọi người biết. Mục vụ giới trẻ hay mục vụ thiếu nhi cũng nhờ vào kênh truyền thanh này. Nếu không nhờ vào đài truyền thanh, thì có lẽ các nhà truyền giáo và các viên chức nhà nước sẽ bó tay vì nếu đi thông báo từ làng này đến làng nọ phải mất mấy ngày do đường xá xa xôi hiểm trở và chưa chắc gặp được mọi người để thông tin.
Do đó, khi tôi muốn xem tin tức hay liên lạc cho những người thân qua Internet, tôi phải sắp xếp một ngày nào đó để lên tỉnh hay về Nhà Dòng chính, nơi có dịch vụ Internet để cập nhập tin tức và xem tình chiến sự trên thế giới xảy ra như thế nào. Nghĩ lại mà thấy thương cho các nhà truyền giáo đàn anh đi trước đã hy sinh quá nhiều. Các ngài chẳng có được một ngày sung sướng và cũng chẳng biết truyền thông, truyền thanh là gì cả, chỉ biết cặm cụi làm việc và sống chết với công việc vì Chúa và vì tha nhân. Tôi được nghe câu chuyện thương tâm của 2 nhà truyền giáo cùng Dòng, một vị là người Phi-luật-tân và vị kia là người Ba-lan đã từng làm việc ở giáo xứ hiện tôi đang phục vụ trong những ngày tháng khá khó khăn. Các cha đã lặn lội trên từng cây số bằng ngựa, rồi sau đó bằng chiếc mô-tô cũ kỹ kèm theo bình xăng phụ đi đến các họ đạo xa hằng trăm cây số để dạy giáo lý và cử hành các bí tích. Cả hai vị đều bị tử nạn khi trên đường về giáo xứ vì bị xe chở gỗ cán chết. Ngày các vị qua đời cũng chẳng thể nào thông báo cho những người thân vì lúc ấy phương tiện thông tin không phải như bây giờ. Thật tội nghiệp cho các vị. Nghĩ về họ làm lòng mình cũng sờ sợ vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai cho mình.
Cách đây hai tháng nhà Dòng có giao cho chiếc xe tải nhỏ ọp ẹp để đi mục vụ, nhưng vì xe quá cũ nên hay bị hư và uống xăng quá nhiều nên tôi không có đủ tiền để đổ nhiên liệu, đành giao lại cho Nhà Dòng để bán. Hiện nay tôi phải đi mục vụ bằng mô-tô và dĩ nhiên hiểm nguy luôn rình rập và không biết chuyện gì xảy ra ngày mai khi mà đường xá gập ghềnh, tai nạn xe cộ, nạn cướp bóc và bạo lực xảy ra hàng ngày. Thôi thì cứ phó thác cho Chúa lo liệu vì sống chết là chuyện của Chúa mà.
Cuộc sống của người dân xứ truyền giáo
Khi còn ở Việt Nam, có lần tôi ghé thăm vùng truyền giáo của Dòng tại thị trấn Phước Dân thuộc tỉnh Ninh Thuận, tôi thấy người dân ở vùng này sống rất thiên nhiên khi người và gia súc cùng tắm chung trên bờ kênh mà hiện nay nhà nước đã xây xi măng hẳn hoi. Ở vùng truyền giáo hiện nay tôi sống cũng vậy. Có những ngôi làng của người thổ dân họ sống rất thiên nhiên khi bò, ngựa, chó, gà và người sống chung với nhau. Ăn uống, giặt giũ hay tắm rửa cho người và gia súc cũng một trật bên bờ sông nhỏ bé và hôi hám ấy. Nhìn những con người đơn sơ và nghèo khổ đó mà trong lòng nhói đau. Có những lúc tôi cầu nguyện và thử hỏi Chúa: “Lạy Chúa, tại sao Chúa chẳng công bằng tý nào khi để cho những người giàu có, thông minh và xinh đẹp được sống ở những nơi sung sướng, đầy đủ tiện nghi trong khi lại để những người nghèo, thất học và xấu xí phải sống ở những nơi ổ chuột hay những vùng xa xôi hẻo lánh và khổ sở như vậy?” Dường như tôi thấy Chúa mỉm cười và trả lời với tôi khá hài hước: “Bởi vì Ta muốn các con, những tu sĩ, những nhà truyền giáo như con có công ăn việc làm sau bao năm đèn sách chứ không thì thất nghiệp mất con à!”. Tôi ngơ ngác rồi cũng bật cười và giật mình thức giấc vì biết mình đang mơ. Chúa mà cũng biết hài hước huống chi là người thường.
Sống ở những vùng khó khăn và thiếu thốn tôi mới cảm nhận và xót thương những người dân nghèo. Ở đây đang là mùa lạnh và thời tiết thường thay đổi thất thường. Có lúc nhiệt độ xuống 0 độ C trong vài ngày và sau đó nhiệt độ lại tăng lên 22 độ C. Mùa lạnh thì chẳng có máy sưởi và mùa nóng chẳng có máy lạnh. Những người thổ dân chỉ biết ngồi bên bếp lửa hồng và uống trà Mate để cho giảm cái lạnh. Các linh mục dẫu sao cũng là con cưng của Chúa nên được ăn no mặc ấm hơn họ. Có những lúc tôi ngồi trò chuyện bên họ với chiếc áo ấm dày cộm, chiếc khăn choàng cổ và chiếc mũ len bảo vệ cái đầu và đôi tai cho bớt lạnh mà tự nhiên mình thấy xa cách với họ nhiều quá vì họ chẳng có gì cả. Sung suớng như vậy mà nhiều khi tôi vẫn còn than thân trách phận và có lúc còn có những phản ứng tiêu cực về sứ mạng mình đang phục vụ.
Cách đối xử của người dân ở đây phải nói thật là khá thờ ơ. Tại Việt Nam hay ở các giáo xứ có người Việt ở nước ngoài, thường thì miếng gì ngon nhất hay quà gì đẹp nhất người ta đều để giành cho linh mục. Ở xứ Paraguay này thì không hề có chuyện đó. Họ chỉ cần linh mục dâng lễ và cử hành các bí tích, xong rồi thì coi như hết bổn phận. Tôi đã từng đi dâng lễ bổn mạng ở các giáo họ xa hàng trăm cây số đường rừng, có những lúc rất đói và mệt. Sau thánh lễ, người ta tổ chức ăn uống và nhảy múa và giao cho linh mục phần lễ vật gồm củ khoai mì, chuối, bắp sống và một ít trái cây trong vườn của họ, rồi họ phát thức ăn cho mọi người, và nếu còn dư thì mới là phần của linh mục. Thứa ăn cũng chẳng có gì ngon cả, chỉ toàn là khoai mì luộc, bánh bao Paraguay, thịt bò nướng và nước lạnh pha với bột phẩm ngọt. Trẻ em tham dự thánh lễ rất đông để nhận phần ăn. Chẳng lẽ mình lại giành phần ăn với trẻ con! Thôi thì cố mà ăn những gì họ cho để lấp cơn đói. Có lần hai vị điều hành trong giáo họ ở xa đến thăm giáo xứ, tôi vội chạy đi mua được một con gà nướng để đãi khách. Trong khi tôi đang chế biến thêm thức ăn thì hai vị khách ấy đã ăn gần hết con gà mà tôi vừa mua. Họ chỉ để giành cho tôi cái đầu gà và tôi cũng chỉ biết chửi thầm và cười trừ cho qua chuyện. Văn hóa của họ là thế đó chứ không phải họ xem thường linh mục đâu! Tôi muốn viết lên những dòng tâm sự này để mọi người biết và cầu nguyện thêm cho các nhà truyền giáo để các ngài biết đón nhận tất cả những vui buồn và sống trọn vẹn lý tưởng của sứ vụ truyền giáo.
Paraguay 9/6/2008
Phương tiện truyền thông
Chúng ta đã bước qua thế kỷ XXI và ngày nay chỉ cần một cú click chuột là có thể biết được mọi thông tin toàn cầu qua mạng lưới Internet. Ấy vậy mà còn có nhiều nơi trên thế giới, người ta không hề biết cái máy vi tính nhỏ to như thế nào chứ chưa nói đến chuyện sử dụng Internet. Cụ thể là những vùng nông thôn của những người thổ dân thuộc các xứ truyền giáo xa xôi vùng Nam Mỹ thì chiếc máy vi tính hay Internet có lẽ là một thứ xa xỉ phẩm rất xa lạ với người dân ở đây. Bởi thế, nếu gia đình nào có người thân qua đời mà con cháu họ làm việc ở xa thì khó bề liên lạc. Hệ thống bưu điện thì cũng làm việc chậm chạp. Những người thân của tôi muốn gởi quà cho tôi thường thì phải mất hơn 1 tháng mới đến nơi. Đường xá và phương tiện di chuyển còn nhiều trở ngại. Vì thế, việc tụ tập các tín hữu đến tham dự cầu nguyện chung hay tham dự thánh lễ quả thực là khó khăn.
Bởi đó, khi các nhà truyền giáo đến, điều trước tiên là phải cộng tác với các chính quyền sở tại để xây cho được một đài phát thanh của vùng đó và thuê nhân viên làm việc để thông báo tin tức cho mọi người biết. Người dân ở đây nghèo nhưng nhà nào cũng có được cái radio cũ kỹ và họ có thói quen nghe tin tức trong ngày qua đài phát thanh địa phương. Mỗi khi có thánh lễ hay có chương trình gì của từng vùng, chỉ cần báo cho nhân viên của trạm phát và anh ta sẽ loan báo cho mọi người biết. Mục vụ giới trẻ hay mục vụ thiếu nhi cũng nhờ vào kênh truyền thanh này. Nếu không nhờ vào đài truyền thanh, thì có lẽ các nhà truyền giáo và các viên chức nhà nước sẽ bó tay vì nếu đi thông báo từ làng này đến làng nọ phải mất mấy ngày do đường xá xa xôi hiểm trở và chưa chắc gặp được mọi người để thông tin.
Do đó, khi tôi muốn xem tin tức hay liên lạc cho những người thân qua Internet, tôi phải sắp xếp một ngày nào đó để lên tỉnh hay về Nhà Dòng chính, nơi có dịch vụ Internet để cập nhập tin tức và xem tình chiến sự trên thế giới xảy ra như thế nào. Nghĩ lại mà thấy thương cho các nhà truyền giáo đàn anh đi trước đã hy sinh quá nhiều. Các ngài chẳng có được một ngày sung sướng và cũng chẳng biết truyền thông, truyền thanh là gì cả, chỉ biết cặm cụi làm việc và sống chết với công việc vì Chúa và vì tha nhân. Tôi được nghe câu chuyện thương tâm của 2 nhà truyền giáo cùng Dòng, một vị là người Phi-luật-tân và vị kia là người Ba-lan đã từng làm việc ở giáo xứ hiện tôi đang phục vụ trong những ngày tháng khá khó khăn. Các cha đã lặn lội trên từng cây số bằng ngựa, rồi sau đó bằng chiếc mô-tô cũ kỹ kèm theo bình xăng phụ đi đến các họ đạo xa hằng trăm cây số để dạy giáo lý và cử hành các bí tích. Cả hai vị đều bị tử nạn khi trên đường về giáo xứ vì bị xe chở gỗ cán chết. Ngày các vị qua đời cũng chẳng thể nào thông báo cho những người thân vì lúc ấy phương tiện thông tin không phải như bây giờ. Thật tội nghiệp cho các vị. Nghĩ về họ làm lòng mình cũng sờ sợ vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai cho mình.
Cách đây hai tháng nhà Dòng có giao cho chiếc xe tải nhỏ ọp ẹp để đi mục vụ, nhưng vì xe quá cũ nên hay bị hư và uống xăng quá nhiều nên tôi không có đủ tiền để đổ nhiên liệu, đành giao lại cho Nhà Dòng để bán. Hiện nay tôi phải đi mục vụ bằng mô-tô và dĩ nhiên hiểm nguy luôn rình rập và không biết chuyện gì xảy ra ngày mai khi mà đường xá gập ghềnh, tai nạn xe cộ, nạn cướp bóc và bạo lực xảy ra hàng ngày. Thôi thì cứ phó thác cho Chúa lo liệu vì sống chết là chuyện của Chúa mà.
Cuộc sống của người dân xứ truyền giáo
Khi còn ở Việt Nam, có lần tôi ghé thăm vùng truyền giáo của Dòng tại thị trấn Phước Dân thuộc tỉnh Ninh Thuận, tôi thấy người dân ở vùng này sống rất thiên nhiên khi người và gia súc cùng tắm chung trên bờ kênh mà hiện nay nhà nước đã xây xi măng hẳn hoi. Ở vùng truyền giáo hiện nay tôi sống cũng vậy. Có những ngôi làng của người thổ dân họ sống rất thiên nhiên khi bò, ngựa, chó, gà và người sống chung với nhau. Ăn uống, giặt giũ hay tắm rửa cho người và gia súc cũng một trật bên bờ sông nhỏ bé và hôi hám ấy. Nhìn những con người đơn sơ và nghèo khổ đó mà trong lòng nhói đau. Có những lúc tôi cầu nguyện và thử hỏi Chúa: “Lạy Chúa, tại sao Chúa chẳng công bằng tý nào khi để cho những người giàu có, thông minh và xinh đẹp được sống ở những nơi sung sướng, đầy đủ tiện nghi trong khi lại để những người nghèo, thất học và xấu xí phải sống ở những nơi ổ chuột hay những vùng xa xôi hẻo lánh và khổ sở như vậy?” Dường như tôi thấy Chúa mỉm cười và trả lời với tôi khá hài hước: “Bởi vì Ta muốn các con, những tu sĩ, những nhà truyền giáo như con có công ăn việc làm sau bao năm đèn sách chứ không thì thất nghiệp mất con à!”. Tôi ngơ ngác rồi cũng bật cười và giật mình thức giấc vì biết mình đang mơ. Chúa mà cũng biết hài hước huống chi là người thường.
Sống ở những vùng khó khăn và thiếu thốn tôi mới cảm nhận và xót thương những người dân nghèo. Ở đây đang là mùa lạnh và thời tiết thường thay đổi thất thường. Có lúc nhiệt độ xuống 0 độ C trong vài ngày và sau đó nhiệt độ lại tăng lên 22 độ C. Mùa lạnh thì chẳng có máy sưởi và mùa nóng chẳng có máy lạnh. Những người thổ dân chỉ biết ngồi bên bếp lửa hồng và uống trà Mate để cho giảm cái lạnh. Các linh mục dẫu sao cũng là con cưng của Chúa nên được ăn no mặc ấm hơn họ. Có những lúc tôi ngồi trò chuyện bên họ với chiếc áo ấm dày cộm, chiếc khăn choàng cổ và chiếc mũ len bảo vệ cái đầu và đôi tai cho bớt lạnh mà tự nhiên mình thấy xa cách với họ nhiều quá vì họ chẳng có gì cả. Sung suớng như vậy mà nhiều khi tôi vẫn còn than thân trách phận và có lúc còn có những phản ứng tiêu cực về sứ mạng mình đang phục vụ.
Cách đối xử của người dân ở đây phải nói thật là khá thờ ơ. Tại Việt Nam hay ở các giáo xứ có người Việt ở nước ngoài, thường thì miếng gì ngon nhất hay quà gì đẹp nhất người ta đều để giành cho linh mục. Ở xứ Paraguay này thì không hề có chuyện đó. Họ chỉ cần linh mục dâng lễ và cử hành các bí tích, xong rồi thì coi như hết bổn phận. Tôi đã từng đi dâng lễ bổn mạng ở các giáo họ xa hàng trăm cây số đường rừng, có những lúc rất đói và mệt. Sau thánh lễ, người ta tổ chức ăn uống và nhảy múa và giao cho linh mục phần lễ vật gồm củ khoai mì, chuối, bắp sống và một ít trái cây trong vườn của họ, rồi họ phát thức ăn cho mọi người, và nếu còn dư thì mới là phần của linh mục. Thứa ăn cũng chẳng có gì ngon cả, chỉ toàn là khoai mì luộc, bánh bao Paraguay, thịt bò nướng và nước lạnh pha với bột phẩm ngọt. Trẻ em tham dự thánh lễ rất đông để nhận phần ăn. Chẳng lẽ mình lại giành phần ăn với trẻ con! Thôi thì cố mà ăn những gì họ cho để lấp cơn đói. Có lần hai vị điều hành trong giáo họ ở xa đến thăm giáo xứ, tôi vội chạy đi mua được một con gà nướng để đãi khách. Trong khi tôi đang chế biến thêm thức ăn thì hai vị khách ấy đã ăn gần hết con gà mà tôi vừa mua. Họ chỉ để giành cho tôi cái đầu gà và tôi cũng chỉ biết chửi thầm và cười trừ cho qua chuyện. Văn hóa của họ là thế đó chứ không phải họ xem thường linh mục đâu! Tôi muốn viết lên những dòng tâm sự này để mọi người biết và cầu nguyện thêm cho các nhà truyền giáo để các ngài biết đón nhận tất cả những vui buồn và sống trọn vẹn lý tưởng của sứ vụ truyền giáo.
Paraguay 9/6/2008