BẮC THANG LÊN HỎI ÔNG TRỜI

Đứa bạn hớn hở báo tin:

- Bác ơi, Quang bên Úc nó đi tu rồi.

Mẹ tôi không lộ chút ngạc nhiên, chỉ lắc đầu rồi nói:

- Thằng Quang mà tu với hành cái gì.

Người bạn share nhà mướn với tôi sau chuyến đi và ghé thăm gia đình tôi ở Vietnam về ‘méc’ với tôi như rứa. Tới hôm nay tui cũng tò mò muốn biết tại sao mẹ tui lại có phản ứng như vậy. Chắc tại mẹ tui cho tui là dân dốt đặc cán mai? Lý do này cũng không phải là quá đáng, vì thủa bé còn ngồi mài đít ở nhà trường, tôi vốn nổi tiếng đội sổ về học vấn. Cuối năm tổng kết lên lớp được là nhờ đậu vớt. Chỉ vào mùa ‘cứu xét’ của nhà trường tui lại siêng năng lần hạt đột xuất. Như Phêrô năm xưa, “Chúa ơi cứu con với!” Nghĩ lại mà thấy tội nghiệp cho người chị lớn mỗi khi đại diện đi họp phụ huynh học sinh. Chắc chị tui nhiều phen phải độn thổ vì cái ngu si sẵn tính trời của thằng em trai, thông minh đột xuất, ngu si trường kỳ. Hoặc cũng có thể mẹ tui phản ứng như vậy vì cho tui là cái thằng nghịch ngợm phá phách kinh niên, chẳng làm nên trò trống gì. Ừa, thì lý do nào tui thấy cũng không phải là sai. Chỉ tiếc là giờ đây mẹ tui đã hoá ra người thiên cổ rồi, tui không còn dịp để cùng mẹ ‘tra cứu’ lý do nào là đúng, mà cũng có thể đúng cả hai!

Nói chuyện lý do đi tu thì ôi thôi có đủ trăm ngàn. Tui vẫn thường được nghe các bậc đàn anh tâm sự lý do đi tu của họ, nào là lúc còn bé được (hay bị) bố mẹ đem con bỏ chủng viện, nào là thấy ông cha oai quá, mình cũng đi tu làm ông cha cho nó oắch với người ta, nào là thấy ông cha xứ ăn ngon mặc đẹp, mình cũng muốn làm cha cho giống ổng… Còn tui thì hổng mê ăn ngon mặc đẹp, tui chỉ mê chơi thôi. Tui đi tu vì lý do ban đầu là ham chơi. Tui chọn dòng truyền giáo vì nghĩ rằng đi truyền giáo chắc cũng giống như được đi chơi vậy mà. Chỉ đơn giản vậy, ai không tin mặc kệ! Lần đầu tiên gặp vị linh mục già phụ trách ơn gọi phỏng vấn, “Thế sau này nếu nhà dòng muốn gởi anh đi các xứ truyền giáo, anh có sẵn sàng không?” Thằng tui tự nghĩ, đúng là hỏi lãng xẹt. Không cho tui đi, thì tui vào đây mần chi! Hình như cái tính ham chơi của tui đến ngày hôm nay ‘cốt khỉ vẫn hườm cốt khỉ’. Chúa gọi muôn người bằng muôn kiểu mà. Đố ai biết được ý Trời.

Khi nghe tin thằng tui khăn gói quả mướp vào nhà dòng, cái đám bạn học cùng lớp cũng nhao nhao lên, đặc biệt là cô bạn bắc kỳ rón vốn xưa nay vẫn khắc khẩu với tui. Cô bạn trợn mắt, trề môi dài thòng tuyên bố một câu xanh rờn:

- Ối xời! Lão Quang mà đi tu làm cha được thì tớ đây đi tu chắc cũng phải làm tới chức mẹ bề trên chứ không chơi.

Còn chưa tha, cô bạn xí xọn:

- Chắc là một hôm tối trời, ông Trời đi nhậu về, ổng xỉn quắc cần câu không còn biết gì, lão Quang đến năn nỉ, ổng nhìn gà hoá cuốc nên ổng nhận đại đó mà. Đúng là Chúa đã lầm khi gọi ổng theo thôi.

Thế là cái đám nga mi lăn ra cười rặc rặc chọc quê tui. Nhưng tui cũng đâu dễ thua:

- Nè, mấy bà đừng tưởng cái thời buổi trai thừa gái thiếu, biển động mắm lên giá rồi mấy bà muốn nói gì thì nói nghen. Ông Trời từ bi hỉ xả rộng lượng, ổng đổ ơn mưa móc từ trời, không dè rớt trúng tui chứ bộ. Mấy bà đừng coi thường tui chứ. Biết đâu, có ngày ông Trời đổ ơn rớt trúng mấy bà, mấy bà đi tu rồi cũng làm tới chức mẹ bề trên không chừng đó nghen. Nhưng mấy bà tu dòng nào thì làm ơn cho tui biết với để tui còn biết đường mà tránh thổ địa vùng đó.

Cô bạn bắc kỳ lườm mắt nguýt xéo thấy mà ớn xương sống:

- Hừ, ông có thói ăn nói không những kỳ thị phái tính mà còn kỳ cục nữa.

Rồi dòng đời cứ thế lặng lẽ mà trôi qua. Ngày tui lum khum bước lên bàn thờ Chúa cũng đến. Nói theo ngôn ngữ nhà đạo, tui được đặt tay tấn phong rồi từ đó thiên hạ gọi tui là ông cha. Đố ai biết được ý trời! Những ngày sau đó, tui vẫn thấy đời mình cũng chẳng có chi là biến chuyển lớn lao mới lạ, vẫn ăn ngũ khẩn trương, làm việc bình thường, đi chơi điều đặn. Cũng vẫn một ngày như mọi ngày, tuy có hơi bận rộn lên một tí xíu. Làm cha rồi mà, phải lâu lâu bận rộn một chút chứ. Tui vẫn tâm niệm một điều: Dịp chơi mà hổng chơi thì nó sẽ mất, công việc hổng làm thì nó vẫn còn trơ trơ ra đó, có mất đi mô mà sợ. Hi hi! Xin quí vị đọc xong, niệm tình bỏ qua, đọc cho vui chứ đừng bắt chước thằng tui, tui hổng chịu trách nhiệm đâu nghen.

Tuy nhiên tui có một trải nghiệm hết sức cảm động và sâu sắc về chức linh mục của mình với mẹ tui. Số là sau lễ truyền chức, tui được phép về thăm gia đình ở quê nhà. Thời tiết mùa hè trung phần Vietnam thật là oi bức khó chịu, tui đi đâu cũng độc một cái áo thun và quần short cho mát mẻ. Với mẹ tui, một ông cha ăn mặc như thế lang thang đầu đường xó chợ thật là chướng tai gai mắt. Mẹ tui âm thầm rù rì với mấy đứa em gái trong nhà, giọng hoài nghi:

- Tao nghi thằng Quang là cha dỏm. Tao chưa thấy cha nào mà ăn mặc như hắn bao giờ. Không biết hắn có phải là cha thật không? Tao nghi quá.

Mẹ tui lúc đó đã già yếu, chỉ suốt ngày quanh quẩn trong nhà, không thể tự mình đi nhà thờ dự lễ như thói quên thường nhật năm xưa. Tui thỉnh thoảng dâng lễ tại nhà cho mẹ và gia đình. Có một lần sau thánh lễ, mẹ khều tay người chị lớn thì thầm:

- Thằng Quang dâng Lễ sao mà lạ lạ, không biết hắn có phải là cha thật không vậy?

Trong những giây phút cuối cùng trước khi rời gia đình ra sân bay rời Vietnam, tui vẫn nhớ một cử chỉ hết sức cảm động của mẹ. Mẹ tui run rẩy yếu ớt, đôi bàn tay già nua nhăn nheo của mẹ nắm lấy đôi tay của tui một cách trân trọng như đang ôm lấy một bảo vật quí giá. Mẹ hôn bàn tay của tui một cách cung kính. Tui chỉ thấy cử chỉ đó ở mẹ tui mỗi khi người cầm lấy cổ tràng hạt chuẩn bị đọc kinh. Tui bỡ ngỡ, ngạc nhiên, bối rối, sượng sùng vội vã rút tay ra. Kỳ quá đi! Mẹ tui thì vẫn tự nhiên và trân trọng. Sự việc xảy ra nhanh quá, tui không bắt kịp ý nghĩa. Đôi bàn tay già nua, lam lũ một đời vất vả nuôi chồng con lại trân trọng ôm lấy và hôn đôi bàn tay xưa nay ăn trắng mặc trơn của tui. Lẽ ra tui phải là người trân trọng hôn đôi bàn tay mẹ già mới là phải đạo. Một thoáng ngỡ ngàng bối rối.

Ngồi chờ dài cổ ở sân bay, tui mới có dịp suy nghĩ để rồi chợt ngộ ra ý nghĩa về hành động đột ngột vừa qua của mẹ. Thông minh đột xuất, ngu si trường kỳ là vậy. À, thì ra đôi tay của tôi là đôi tay đã được xức dầu thánh hiến. Tôi nghe các cụ ngày trước có thói quen hôn đôi bàn tay các tân chức linh mục như một biểu lộ của sự cung kính và trân trọng đối với đôi bàn tay đã được thánh hiến. Tôi nhớ câu chuyện Đức giáo hoàng John XXIII, lúc mới nhận chức giám mục, về thăm mẹ, mẹ ngài cung kính hôn chiếc nhẫn giám mục. Vị giáo hoàng tương lai vội quỳ xuống hôn chiếc nhẫn cưới trên tay người mẹ mà thưa rằng nếu không có chiếc nhẫn cưới trên tay người mẹ, thì đã không có chiếc nhẫn giám mục của ngài. Mỗi khi nhớ đến chuyện này, tui cũng tự nhắc nhở mình phải cố gắng hơn, sống xứng đáng hơn, biết trân quí những gì là quí giá là đẹp nơi mình cũng như ở nơi người khác.

Đời người là một chuỗi thời gian liên lỉ cố gắng phấn đấu với chính mình. “Một ngày kia đến bờ” cái còn lại không phải là những thành quả nhưng chỉ là một tấm lòng. Trịnh Công Sơn nói một câu rất đơn giản nhưng tôi lấy làm rất tâm đắc, “Sống trên đời này, cần có một tấm lòng.” Hay như một bạn trẻ nào đó đã viết, “Trăm năm trước ta chưa có, trăm năm sau ta có cũng như không, cuộc đời sắc sắc không không, trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi.” Đó là tấm lòng của một người mẹ, người cha, của người anh người chị, tấm lòng của những người đã yêu đã thương ta, của những người đã hy sinh để cho ta được sống.

Một kỷ niệm cảm động khác trong đời linh mục của tôi là được chính tay thi hành các bí tích sau cùng trong những ngày tháng cuối đời của người mẹ. Đứa con linh mục ‘dỏm’ xức dầu và dâng lễ sau cùng cho mẹ. Tuy đau đớn thân xác tột cùng, mẹ tôi thấy tinh thần được an ủi lắm. Người thanh thản ra đi vào cõi vĩnh hằng. “Mẹ già như trái chín cây, gió lay mẹ rụng con đành mồ côi.”

Nhìn lại cuộc đời sống đạo của mẹ tôi cũng như của biết bao nhiêu triệu triệu con người Việt khác thật là đơn sơ bình dị. Tôi thấy sao mà thương mến và cảm phục tấm lòng đơn sơ nhưng trung tín faithfulness của họ. Họ không phải là những con người tài ba xuất chúng, càng không phải là những ‘đỉnh cao trí tuệ của loài người’. Họ chỉ có tấm lòng. Ở con người của họ, có cái gì đó tuy bình dị nhưng lại bao la, tuy đơn sơ mộc mạc nhưng lại chân tình. Nếu phải dung chỉ một từ ngữ nào đó để gói ghém con người và cuộc đời của họ, tôi không nghĩ ra được chữ nào hơn là faithfulness, lòng trung tín. Tôi ước mơ chớ gì giữa cuộc sống ba đào này, mình sống được cuộc sống của một con người trung tín. Một ngày nào đó, khi mọi sự chỉ còn là phù vân cát bụi, tôi được nghe tiếng nói, “Hởi kẻ đầy tớ trung tín và khôn ngoan, hãy vào mà hưởng phước mà chủ ngươi đã dọn sẵn cho ngươi.” (Lk 12:35-48)

Thỉnh thoảng tôi thích coi lại bộ film cowboy ‘the good the bad and the ugly’ (thằng tốt, thằng xấu và thằng tồi). Mấy anh chàng cao bồi coi oắch lắm, cỡi ngựa bắn súng ì xèo loạn xạ, coi vui mắt ơi là vui. Rốt cuộc, thằng tốt chiến thắng, đánh bại hai thằng xấu và thằng tồi. Ừ, mà hình như trong tôi cũng có một lúc ba thằng: Tốt, Xấu, Tồi. Ba thằng này cũng thường xuyên oắnh lộn ì xèo dường như bất phân thằng bại trong tôi, làm thằng tôi cũng nhiều phen khổ sở với tụi nó. Cuộc nội chiến tương tàn này coi mòi kéo dài tới ngày tôi trút hơi tàn cũng chẳng phải chơi! Cũng mong sao thằng Tốt trong tôi sẽ lãnh cup chiến thắng, đánh bại hai thằng kia. Con người là một tổng hợp trắng đen, vàng thau lẫn lộn của the good the bad and the ugly. “Tôi nay trọ ở trần gian trăm năm về chốn xa xăm cuối trời” (Bùi Giáng), thằng good trong tôi ơi good luck mày nhé. khi nào về đến cái chốn xa xăm cuối trời đó, hy vọng mày lãnh cup chiến thắng nhé.

Sau hơn bốn mươi năm cuộc đời, cứ cho là tui đã đi hơn nữa đời người rồi. Suy tới nghĩ luôn, nghiệm xuôi gẫm ngược, tui xin ‘túm lại’ một điều như vậy: Ở đời muôn sự là hồng ân. Khi chào đời, con người vốn trơ trụi, đến khi lìa đời thì cũng trụi trơ, chẳng mang theo được sự gì. Ơn trời tuôn đổ xuống dạt dào như nắng như mưa, không chê kẻ sang người hèn, không phân biệt kẻ xấu người tốt. Ơn trời ban phát một cách rộng rãi phong phú, phần tui chỉ biết ngã tay đón nhận với tấm lòng khiêm tốn. Cho nên tui vẫn hằng tâm niệm một điều, mọi sự tui có được trên cõi đời này đều là do hồng ân, bởi ơn trời. Không phải vì mình xứng đáng, mà là vì ông Trời rộng rãi và rộng lượng vô biên. Ông Trời ban phát rộng rãi, tôi khiêm nhường ngã tay đón nhận. Chỉ biết vậy thôi. Còn chuyện tại sao ông Trời gọi tôi thì cứ “bắc thang lên hỏi ông Trời, lỡ kêu phải ổng (tui đó) bây giờ làm sao?”. Làm sao thì biết làm sao, đố ai biết được ý Trời mà lị.

Thôi, viết lách dài dòng, không khéo có người lại cho tôi nói dài, nói dai rồi đâm ra nói dại chỉ làm độc giả đọc mệt óc và mỏi mắt. Tui xin được hạ màn là vừa. Tui xin được phép ‘chôm ý’ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để gói ghém lòng mình: Dù đến dù đi, tôi cũng xin tạ ơn Trời, tạ ơn đời, tạ ơn người, tạ ơn ai đã cho tui niềm vui cuộc sống làm người, mà đặc biệt là làm con Chúa.

Cô bắc kỳ rón kia ơi, xin dừng cười tui nữa nhé, tui là con Chúa, con trời, ông trời con, thiên tử đó. Oắch không! Ừa rán đi Tám, Tám là thằng tui đó. Ai ‘théc méc’ gì thì cứ bắc thang mà lên hỏi ông Trời.

quangdphan@yahoo.com