THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS

350 năm xây dựng Giáo Hội Việt Nam (Bài 11)

Ðức Cha Lambert de la Motte đi kinh lý Ðịa phận Ðàng Ngoài

Cuối năm 1668, Ðức cha Lambert đã tính nhận lời mời của cha Antoine Hainques đi Ðàng Trong. Nhưng được tin phái đoàn thừa sai mới do cha Jacques de Bourges hướng dẫn vừa đến Tenasserim ngày 05/01/1669 và sắp đến Ayuthia, ngài liền hoãn việc đi Ðàng Trong, mà lên đường đi đón phái đoàn thừa sai mới này. Không kể cha Jacques de Bourges, người đã đến Ayuthia vào năm 1662 với Ðức cha Lambert và cha Deydier, rồi được gởi về Âu Châu lại vào năm 1663, đoàn thừa sai mới này khởi hành từ La Rochelle năm 1666 với 6 linh mục. Dọc đường, ba vị bị tử vong, còn lại ba vị là các cha Gabriel Bouchard, Guillaume Mahot và Claude Guiart, rồi thêm cha Pierre Brindeau đến từ Macao.

Từ ngày đến Ayuthia, trước những oán ghét, hiềm khích, tố cáo và vu oan của những người thuộc chế độ Bảo Trợ Bồ Ðào Nha, Ðức cha Lambert đã có ý nghĩ rời bỏ Ayuthia. Tĩnh tâm và cầu nguyện ba ngày, bàn thảo lợi hại. Cha Jacques de Bourges rất hiểu tâm sự của Ðức cha Lambert vào lúc này và biết rõ tại sao ngài muốn rời Ayuthia. Cha đã thuyết phục được Ðức cha Lambert ở lại Ayuthia vì sự hiện diện của Ðức cha ở đây rất là cần thiết. Ðức cha Lambert quyết định hoãn lại việc đi Ðàng Trong. Thay vào đó, Ðức cha sai cha Brindeau và cha Luca Bền đi Ðàng Trong. Còn đích thân mình, Ðức cha nghĩ đến chuyện kinh lý Ðàng Ngoài.

1. Quyết định đi kinh lý Ðàng Ngoài

Chúng ta nhớ lại rằng 1668 là năm mà bốn linh mục việt nam đầu tiên đã được phong chức. Tháng ba cho hai cha Giuse Trang và Luca Bền thuộc địa phận Ðàng Trong. Tháng sáu cho hai cha Bênêđictô Hiền và cha Gioan Huệ thuộc địa phận Ðàng Ngoài. Qua tin tức do hai cha Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ cho biết về tình hình phát triển của giáo phận Ðàng Ngoài, Ðức cha Lambert nghĩ rằng đây là thời gian thuận tiện để xem xét việc tổ chức giáo hội ở đây với những đơn vị căn bản của nó: giáo hạt và giáo xứ, hầu xây dựng một nền tảng vững chắc, hữu hiệu, thứ tự và an bình về tổ chức và nguyên tắc mục vụ. Nghĩ như vậy, Ðức cha quyết định đi kinh lý Ðàng Ngoài.

Ðược hai cha Jacques de Bourges và Gabriel Bouchard hộ tống, Ðức cha Lambert lấy tầu ngày 23/07/1669 đi Ðàng Ngoài. Ngày 30.8.1669, Đc Lambert đến Đàng Ngoài bằng tầu buôn của ông Junet người Pháp, gốc miền Bourguignon. Vào đến sông Hồng Hà, Ðức cha sai người báo tin cho cha Deydier. Hiểu rõ tình hình cấm đạo taị đây, và biết rằng mấy tháng trước đây, ngày 19.04.1669, tấu các cha Dòng Tên vào đến Phố Hiến đã bị lục xét, mà các sách vở, tượng ảnh và đồ thờ phượng đều bị tịch thu và thiêu hủy, cha Deydier liền sai cha Bênêdictô Hiền đến báo tin cho Ðức cha để đề phòng. Tầu sắp cặp bến, hai nhân viên thương chính lên tầu, cấm không được rỡ hàng trước khi quan đến khám xét. Ông Junot đã khôn khéo tiếp đãi hai nhân viên thương chính và đã kín đáo cho chuyển các đồ cấm sang thuyền cha Bênêđictô Hiền. Lúc tầu cập bến, các quan lên khám xét hàng hóa rất kỹ lưỡng, họ hỏi thuyền trưởng đến Bắc Việt để làm gì và trên thuyền có chở các đạo trưởng công giáo không ? Thuyền trưởng trả lời rằng theo tục lệ người Pháp, trên tầu luôn có một tuyên úy và ông giới thiệu với họ Ðức cha Lambert de la Motte, người duy nhất bận y phục giáo sĩ. Còn về lý do tại sao đến Bắc Việt thì thuyền trưởng nói rằng tầu này thuộc về một công ty pháp, mới lập, muốn vào Bắc Kỳ để xin lập một cửa hàng tại Phố Hiến.

Những lời khai này liền được báo về phủ Chúa. Chúa truyền không được làm khó dễ vị đạo trưởng Pháp quốc mới tới Bắc Việt này. Mọi khó khăn tưởng chừng đã được tiêu tan, ai ngờ lòng ghen tỵ, sợ bị người Pháp vào cạnh tranh, người Bồ Ðào Nha và Hòa Lan đã đi tố cáo đích danh Giám Mục Lambert và hai linh mục đồng hành, cha de Bourges và cha Bouchard. Một cuộc khám xét thứ hai do đó đã được thực hiện kỹ lưỡng hơn lần trước. May thay quan quân chẳng tìm thấy một đồ cấm kỵ nào. Dẫu vậy, các quan cũng nghi kỵ hơn và cho canh gác cẩn mật hơn quanh tầu.

Các giáo hữu địa phương khuyên đức cha nên xin bái yết và dâng quà cho nhà Chúa. Lại thêm giáo hữu, hoạn quan Tuyên can gián Chúa rằng giao thương với một nước to lớn bậc nhất như nước Pháp là điều rất ích lợi cho dất nước. Chúa liền truyền rằng đã vậy thì ban cho người Pháp được vào buôn bán ỏ nước ta. Ta sẽ ban cho họ nhiều đặc ân hơn người Hòa Lan và nếu họ muốn, ta sẽ ban cho họ một mảnh đất ở Phố Hiến để họ xây dựng thương điếm. Rồi Chúa truyền cho phép ban thuỷ thủ được phép xuống bộ. Chúa còn khoản đãi họ tiệc và mời họ tham dự buổi duyệt binh biểu diễn lực lượng quân đội và thực tập trận đồ tượng binh. Các thuỷ thủ nao nức đi xem duyệt binh. Còn Ðức Cha Lambert và hai thừa sai tháp tùng đi thăm cha Deydier và các thầy giảng.

2. Truyền chức linh mục cho 7 tân linh mục

Việc mở thương điếm Pháp tại Phố Hiến đã cho các thừa sai dịp được tự do đi lại nhiều hơn và thực hiện sứ mệnh mục vụ, dẫu kín đáo, một cách thuận tiện và yên ổn hơn. Cùng với ba linh mục thừa sai hiện diện, đức cha Lambert đã đồng ý để cha Jacques de Bourges ở lại Ðàng Ngoài, làm chủ thương điếm « Công Ty Ấn Ðộ » người pháp và cha Deydier là nhân viên. Bảo rằng Ðức cha Lambert đồng ý vì quyết định này, vì tình thế phải chấp nhận, nhưng hơi miễn cưỡng đối với ngài. Thứ nhất vì khi lấy quyết định đi Ðàng Ngoài, Ðức Cha Lamberet đã có ý định truyền chức giám mục cho cha Jacques de Bourges rồi gởi tân giám mục và cha Bouchard đi truyền giáo bên Trung Hoa. Thứ hai vì để hai cha Jacques de Bourges và François Deydier làm việc cho thương điếm, dẫu chỉ là bề ngoài che mắt, nhưng trái với nguyên tắc mà « Bản Chỉ Dẫn các thừa sai » của Cộng Ðồng Ayuthia 1663, đã cấm các thừa sai không được làm thương mại ». Nhưng đức cha Lambert đồng ý lấy quyết định này, vì ngài thấy bên Trung Hoa sự cấm đạo còn ngặt ngèo quá và ở địa phận Ðàng Ngoài, nếu chỉ có cha Deydier thì nặng nhọc quá.

Trong thương điếm được xây trên mảnh đất vua cấp cho, theo sự chuẩn bị trước của cha Deydier, vào tháng giêng năm 1670, Ðức cha Lambert de la Motte truyền các chức thánh và chức linh mục cho 4 thầy giảng hạng nhất và 3 thầy giảng hạng thứ. Ðó là bảy linh mục sau đây: Martinô MÁT 68 tuổi, Antôn QUẾ 56 tuổi, Philipphê NHÂN 52 tuổi, Simon KIÊN 60 tuổi, Giacôbê CHIÊU 46 tuổi, Lêông TRỤ 46 tuổi và Vitô TRI 30 tuổi. Lúc đầu, cha Deydier đã quyết định chỉ tuyển chọn những người già giặn, trên 40 tuổi. Nhưng đức độ và khả năng thông minh của thầy Vitô TRI đã khiến cha Deydier phải chước chuẩn luật ấy cho thầy. Tất cả 7 vị đều là những người đã dâng mình cho Chúa, phục vụ việc truyền giáo từ rất nhiều năm, đa số từ lúc thiếu thời. Tất cả đều đã chứng tỏ có lòng đạo đức vững chắc. Tất cả đều có bàn tay thánh hiến, vì tất cả đều đã dùng bàn tay mà ban phép Rửa Tội cho nhiều tín hữu. Bảy tân linh mục cho giáo phận Ðàng Ngoài. Ðó là công lao của cha Deydier. Từ ngày vào Ðàng Ngoài, ngài đã để công xem xét và huấn luyện họ để họ xứng đáng được lãnh nhận chức linh mục.

Cha Deydier còn trình lên Ðức cha Lambert de la Motte xin ngài ban các chức nhỏ cho 20 thầy giảng hạng thứ. Cha Deydier cũng trình diện và xin Ðức cha ban phép cắt tóc cho khoảng 20 chủng sinh trẻ hơn, những người này, dẫu họ còn trẻ, nhưng đã tỏ ra có ơn gọi làm linh mục.

Ðây là lễ truyền chức đầu tiên đã được củ hành trên đất nước Việt Nam. Nó đánh dấu một chặng đường vừa đi qua, chặng đường thành lập hàng giáo sĩ địa phương Việt Nam, với 9 linh mục và 40 giáo sĩ khác. Với số các thầy giảng và khoảng 100000 giáo dân đã được rửa tội, giáo hội Ðàng Ngoài cần làm gấp một việc quan trọng khác là xây dựng những nguyên tắc nền tảng và phác thảo một tổ chức hữu hiệu, nếu nó muốn kiên vững và phát triển trong tương lai. Ðức CHa Lambert đã nghĩ đến việc ấy và ngài quyết định triệu tập công đồng Việt Nam đầu tiên ở Ðàng Ngoài.

3. Họp Công Ðồng Phố Hiến, 14/02/1670

Công đồng cho Ðàng Ngoài là điều cần thiết lúc này vì lý do nội tại là xác định nguyên tắc và đặt để tổ chức đã vậy, mà còn càng cần vì lý do ngoại bộ, đó là sự cấm đạo ở Việt Nam do chính quyền địa phương áp đặt và sự cạnh tranh của các cha dòng Tên thuộc chế độ Bảo Trợ Bồ Ðào Nha.

Ngày 14 tháng 02 năm 1670, Ðức cha Lambert đã mở công Ðồng Phố Hiến, với sự tham dự của 12 linh mục: 3 cha thừa sai François Deydier, Jacques de Bourges và Gabriel Bouchard, 9 cha việt nam mới được phong chức, hai vào năm 1668, cha Gioan HUỆ và Bênêditô HIỀN, bảy vào năm 1570, cha Mactinô MÁT, cha Giacôbê CHIÊU, cha Philiphê NHÂN, cha Antôn QUẾ, cha Simon KIÊN, cha Lêông TRỤ và cha Vitô TRI.

Công Ðồng đã bàn thảo và lấy một số quyết nghi. Tất cả các quyết nghi này đã được ghi vào một thủ bản, như là một bản nội lệ cho hàng giáo sĩ, thừa sai cũng như bản quốc, làm việc cho giáo phận. Văn bản gốc của công đồng này gồm 34 điều, ký ngày 14.02.1670. Sau đó nó đã được gởi sang Tòa Thánh. Toà Thánh đã duyệt xét, bỏ đi khoản 27, còn lại 33 điều, trong đó điều cuối cùng đã được sửa đổi. Toà Thánh châu phê bản luật này do sắc lệnh « Apostolatus officium » (Sứ mệnh tông đồ), ký ngày 23.12.1673.

Về những quyết định liên quan đến việc tổ chức giáo hội địa phương, giáo phận Ðàng Ngoài được chia thành 9 hạt, mỗi hạt do một linh mục việt nam làm quản hạt, ở trong một nhà xứ cố định, có một thầy giảng chính phụ tá. Mỗi Cộng Ðoàn do một thừa hành điều hành, đảm trách tổ chức việc thờ phượng, chăm sóc cho phong cách của các giáo dân được tốt đẹp, rồi trình báo lên cha quản hạt, là người sẽ trình báo lên cho giám mục đại diện tông toà, hay cho các thừa sai đại diện ngài. Tất cả các của cải vật chất sẽ để chung trong một quỹ trung ương, đặt ở trung tâm địa hạt truyền giáo địa phận. Nhưng mỗi hạt cũng sẽ có một một ngân khoản riêng dành cho việc bác ái bố thí. Các việc chuyển trao tài chánh sẽ được ủy thác cho một hay hai vị lo việc thâu trao cho mỗi hạt, và do cha quản hạt kiểm soát. Còn ở trung ương thì ông Raphael de Rhodes đã được bổ nhiệm làm tổng quản tài chánh.

Về công tác mục vụ thì giám mục đại diện tông toà hay các cha thừa sai phải lo việc đào tạo các chủng sinh. Các linh mục địa phương có trách nhiệm tuyển chọn người trẻ làm chủng sinh và lo đào tạo cuộc sống đạo đức cho họ. Tất cả mọi linh mục, thừa sai hay địa phương đều thống nhất phải có một tác phong thích ứng với thiên chức của họ. Họ không được phép, trực tiếp hay gián tiếp, làm việc buôn bán, nếu không họ sẽ bị khai trừ. Họ cũng phải lo cho con chiên bổn đạo của mình có cách cư xử tốt, mà không cho phép làm những điều lạm dụng, do các cha dòng Tên đặt ra, nhất là trong việc cử hành các bí tích. Còn các tu sĩ, thì không ai được nại đến bất cứ một quyền hành nào, mà không có phép của giám mục đại diện tông tòa. Những điều bất đồng giữa các giáo dân thì cha quản hạt sẽ phân xử, và trong những việc quan trọng thì có thể đưa lên giám mục đại diện tông tòa, hay các thừa sai của ngài, đặc biệt là những việc liên hệ đến tín lý, đến bí tích, hay đến những « ka » lương tâm khó giải quyết. Hài cốt thánh Julien và thánh Milite, đã được Dức cha Lambert mang từ Roma tới thì được trưng bầy tại các nhà thờ Phục sinh và Giáng Sinh ở thủ đô Thăng Long. Còn việc thánh Giuse làm quan thầy cho cả xứ Ðàng Ngoài, đã được cha Ðắc Lộ chọn, thì tất cả đều đồng ý tái xác nhận.

Tất cả các quyết định này phản ánh rõ rệt những quyết định đã lấy ở Công Ðồng Ayuthia năm 1664, và được ấn hành trong « Chỉ dẫn thực hiện sứ mệnh truyền giáo, dành cho các thừa sai ở Trung Hoa, Bắc Việt, Nam Việt và Xiêm La, họp tại Juthia, thủ đô nước Xiêm ». Chúng cũng phản ánh sâu xa những nguyên tắc ghi trong bản « Chỉ thị gởi các Ðại Diện Tông Tòa đang chuẩn bị lên đường đi Trung Hoa, Bắc Việt và Nam Việt » do Thánh bộ Truyền Giáo soạn thảo và gởi cha các Ðức Cha Ðại Diện Tông Toà ngày 10.09.1659. Những quyết định này nói lên tài tổ chức của Ðức cha Lambert đã vậy. Nhưng cũng cho thấy rằng Ðức Cha Lambert đã vận dụng và đánh giá cao những kinh nghiệm thực tế của cha Deydier, của các thầy giảng và của cha Ðắc Lộ.

4. Lập Dòng Mến Thánh Giá

Gặp Ðức Cha Lambert de la Motte ở Marseille năm 1660 và cùng ngài khởi hành đi Viễn Ðông, cha chính Deydier là một trong những người chia sẻ đường tu đức của ngài nhiều nhất. Cha đã cùng Ðức Cha Lambert sống theo luật « Tu Hội Những người Yêu Mến Thánh Giá » ( La Congrégation des Amateurs de la Croix) mà Ðức Cha muốn lập cho toàn thể các thừa sai hải ngoại. Sau này, khi Ðức Cha Pallu lãnh sứ mệnh về Roma trình báo và thương thảo với Toà Thánh, dự án lập dòng này đã không được chấp nhận. Nhưng ý muốn lập một tu hội như vậy cũng cho thấy rõ đường tu đức mà Ðức Cha Lambert muốn đặt cho mình. Con đường tu đức này có ba chân kiềng: lòng yêu tha nhân, tinh thần kinh nguyện và đời sống khổ hạnh. Chính trên ba chân kiềng này mà Ðức Cha Lambert đã tạo được một kỳ công vừa độc đáo, vừa phong phú. Ðó là việc ngài lập tu hội dòng nữ Mến Thánh Giá (Les Amantes de la Croix), kết quả của một cuộc gặp gỡ, hay đúng hơn, một sự tổng hợp giữa một lý tưởng cao cả về đời sống tu trì mà Ðức Cha vẫn hằng hoài bão từ nhiều năm nay và một ý chí dấn thân triệt để của một nhóm phụ nữ Ðàng Ngoài, muốn dâng mình cho Chúa, mà chưa ai đã có thể gợi ra cho một mẫu mực.

Cha chính Deydier rất quan tâm đến đời sống đạo trong các cộng đoàn. Cha để ý đến nguồn năng lực truyền giáo của giới phụ nữ Việt Nam. Vào cuối năm 1669, đầu năm 1670, cha giới thiệu một nhóm khoảng 30 phụ nữ Việt Nam, trinh nữ có, góa phụ có, đã quen sống với một nếp sống khổ hạnh và muốn xin Ðức Cha một bản luật để sống chung thành cộng đoàn. Ðức cha thấy ngay đây là ý Chúa Quan Phòng nhiệm mầu xui khiến. Ðức cha liền biên cho họ một thơ luân lưu gởi các thiếu nữ đã làm lời khấn trinh khiết và đang sống chung từ nhiều năm nay, bày tỏ nỗi vui mừng và hứa bày cho họ một lối sồng làm đẹp lòng và vinh danh Chúa.

Ðức cha muốn áp dụng những nguyên tắc tu trì cao nhất lúc dó ở Âu Châu với ba đời sống chiêm niệm, thừa sai và khổ hạnh vào môi trường Việt Nam, mà giáo hội bị nhiều bắt bớ, cấm cản, và đặc biệt nhấn mạnh đến đường tu đức Thánh Gía của ngài. Ðức cha viết: Mục đích của dòng tu này là tuyên hứa đặc biệt suy gẫm mỗi ngày về những thương khó Chúa Giêsu Kytô đã chịu và coi đó như một phương tiện thích ứng nhất để hiểu biết Chúa hơn và yêu mến Chúa hơn.

Ngày thứ tư lễ tro, 19.02.1670, Ðức cha nhận lời khấn của 2 nữ tu Mến Thánh Giá đầu tiên. Ðó là chị Agnès và chị Phaolô tại Phố Hiến, trên một chiếc thuyền neo tại sông Hồng, đối diện với làng Bái Vàng. Hai tu viện Mến Thánh Giá đầu tiên đã được thành lập ở xứ Ðàng Ngoài, một ở Kiên Lao, tỉnh Nam Ðịnh, nay thuộc địa phận Bùi Chu, một ở Bái Vàng, tỉnh Hà Nam, nay thuộc địa phận Hà Nội.

Sau lễ khấn của hai chị, Ðức cha vội vã lên tầu về Ayuthia. Lợi dụng thời giờ rảnh rỗi trên tầu, Ðức Cha đã hoàn tất bản luật dòng Mến Thánh Giá và ký nhận ngày 26/02/1670. Ngài gởi bản luật dòng này cho hai chị Agnès và Phaolô, kèm theo một bức thơ, đặc biệt nhắn nhủ: « Mục tiêu chính yếu của đời sống tu trì của chị em chúng con là tiếp tục đời sống thương khó của Chúa Giêsu Kitô, là cầu xin với Người cho lương dân và cho người công giáo tội lỗi được ăn năn trở lại, bằng những lời kinh nguyện của chúng con, bằng những việc ăn chay hãm mình, và bằng nước mắt đổ ra của chúng con. Nhưng đặc biệt, chúng con phải chú trọng điều này, là phải làm những việc thánh thien đó, như là làm thay cho Chúa Giêsu Kitô ».

Từ cuối tháng 8/1671 đến tháng 3/1672, Ðức cha Lambert kinh lý Đàng Trong lần I và lập Hội Dòng Mến Thánh Giá ở An Chỉ, Quảng Ngãi.

Cuối tháng 3/1672, ngài trở về Thái Lan. Ngài đã thực hiện một số công việc quan trọng, trong đó có việc thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Juthia với bản luật như ở Việt Nam.

Dòng Mến Thánh Giá phát triển và tăng trưởng không ngừng. Nhưng lịch sử hình thành và phát triển của Hội Dòng cho thấy rằng các nữ tu Mến Thánh Gía Việt-nam đã trải qua một đêm dài khủng khiếp – từ những năm cuối thế kỷ 17 đến những năm đầu thế kỷ 20 – với biết bao thử thách nội bộ, như không được giáo quyền nhiều nơi công nhận và nâng đỡ và những thử thách khách quan, đó là các cuộc bách hại đạo đã làm đổ máu của biết bao nhiêu chị em Mến Thánh Giá.

Có thể nói, chỉ từ sau ngày Bộ Giáo Luật được ĐGH Bê-nê-đi-tô XV ban hành vào năm 1917, Dòng MTG Việt-nam mới bắt đầu có được một vị trí xứng hợp, khi các chị em được chính thức công nhận là nữ tu mặc dầu chỉ có lời khấn đơn và sống giữa lòng xã hội, vì trước đó họ chỉ được coi là những phụ nữ thuộc hội đạo đức mà thôi.

Rồi trải qua những cải tổ, cải cách – đặc biệt là cuộc cải tổ được Đức Cha Louis de Cooman (Hành) cho thực hiện với Hội Dòng MTG Phát-Diệm dẫn đến việc 61 chị em Mến Thánh Giá đầu tiên được tuyên khấn tạm, ngày 02/02/1925 với ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục; hay cuộc cải tổ do Đức Cha Phan-xi-cô Chaize (Thịnh) cho thực hiện với Hội Dòng MTG Hà-nội từ năm 1938, dẫn đến lớp khấn đầu tiên vào ngày 02/02/1941 – Dòng MTG Việt-nam dần dần đi vào nề nếp qui củ. Nhiều Hội Dòng MTG được chính thức thành lập trên cả 3 miền đất nước, nghĩa là qua những cuộc cải tổ để có nghi thức khấn tạm và vĩnh viễn cũng như có qui định về tu phục.

Thống kê năm 2003 cho thấy: 23 Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam, một Hội Dòng Mến Thánh Giá gốc Việt tại Hoa Kỳ, ba Hội Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan và một Hội Dòng Mến Thánh Giá Lào có tổng số thành viên khoảng 5.500 nữ tu, gồm các Tập Sinh và Khấn Sinh, trong đó số nữ tu người Việt nam chiếm đa số.

Hiện nay, trên toàn cõi Việt-nam, có 23 Hội Dòng, phục vụ trong 16 giáo phận. Các giáo phận không có Dòng MTG là Bắc-ninh, Lạng-sơn, Hải-phòng và Thái-bình trong Tổng giáo phận Hà-nội; Kon-tum, Đà-nẵng và Ban-mê-thuột trong Tổng giáo phận Huế; Long-xuyên và Phú-cường trong Tổng giáo phận Tp.HCM. Cuối năm 2004, tổng số Nữ tu khấn trọn là 3.092 chị và khấn tạm là 1.428 chị.

LỜI KÊT

Ðể kết luận bài biên khảo này, tôi tháy không gì đẹp bằng lặp lại lời của một linh mục việt nam, cha Nguyễn Hữu An, mới đây đã viết về Ðức Cha Lambert như sau: « Cùng với Đức Cha Francois Fallu, Đức Cha Lambert là một trong hai vị Giám Mục Đại Diện Tông Tòa đầu tiên sang truyền giáo tại Việt Nam, và coi sóc chương trình truyền giáo Viễn Đông vào thế kỷ 17. Ngài chính là người Cha tinh thần của Giáo Hội Việt Nam thời sơ khai, một vị thừa sai lỗi lạc với óc tổ chức kỳ tài và tầm nhìn hiểu rộng, với tinh thần hội nhập và thích ứng vào văn hóa địa phương. Ngài thực hiện ước vọng của cha Đắc Lộ, trong việc đào tạo các linh mục bản xứ làm nền tảng cho hàng Giáo Phẩm Việt Nam sau này. Ngài đã không bỏ lỡ cơ hội để quy tụ một nhóm trinh nữ đã bắt đầu sống đời độc thân vì Nước Trời, để lập nên tu hội nữ đầu tiên mang tên “Những người nữ yêu mến Thánh Giá”. Cùng với Giáo hội trải qua hơn ba thế kỷ với những thăng trầm và thử luyện, tu hội của “Những người nữ Yêu mến Thánh Giá” ngày nay chính là Dòng Mến Thánh Giá, một dòng tu mang bản chất Á Châu để phục vụ cho dân tộc và Giáo Hội Việt Nam do Đức Cha Lambert sáng lập.

Đức Cha Lambert de la Motte là một anh hùng, hay nói cách khác, một đấng thánh chưa được tôn phong. Ngài là vị đại ân nhân của dân tộc và Giáo Hội Việt Nam mà mới đây, trong kỳ họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từ ngày 5-9 tháng 9 năm 2005 tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, đã bàn về những bước tiến trong thủ tục xin phong Chân Phước cho ngài (1) ».

Paris, ngày 10 tháng 04 năm 2008

Ghi chú

(1) LM. Nguyễn Hữu An, HAI MƯƠI LĂM NĂM HỒNG ÂN: HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHAN THIẾT, trong VietCatholic News (Thứ Sáu 14/03/2008 11:19) http://vietcatholic.net/News/Html/53086.htm