Cản trở cho Hòa bình Trung Đông chính là do 'sợ Hòa bình



Rôma, 1 tháng Tư, 2008 (Zenit.org): Thượng Phụ Giêrusalem, Tổng Giám Mục Michel Sabbah, vừa hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo Giáo Hội La-tinh tại Đất Thánh, một nhiệm vụ ngài đã đảm nhận suốt 20 năm qua, từ năm 1987. Trước khi về hưu, TGM Michel Sabbah dành cho báo chí một cuộc phỏng vấn về cuộc tranh chấp từng gây căng thẳng cho vùng đất này. Vị giáo phẩm, vốn xuất thân tại Nadarét cách nay 75 năm, cho rằng cản trở chính tiến đến hòa bình cho vùng đất được ngài mệnh danh là Lãnh Thổ Phục Sinh này chính là lòng người sợ hòa bình.

Hỏi: Thưa Đức Cha, nhân dịp Lễ Phục Sinh, ngài muốn nhắn gửi điều chi đối với người Do Thái và người Pa-lét-tin?

ĐTGM Sabbah: Đối với Kitô hữu, Phục Sinh là cử hành việc sống lại của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Điều này có nghĩa là (mừng) chiến thắng đối với sự chết và mọi sự ác.

Chủ tịch Palestine Abbas gặp Thượng phụ Michel Sabbah
Tại đây trong xứ sở này, tức xứ sở của Phục Sinh, lãnh thổ của Thiên Chúa, Đất Thánh, chúng ta lại vẫn tiếp tục sống giữa tâm điểm của tranh chấp, của trạng huống chết chóc và thù nghịch. Chúng tôi muốn nhắn gửi người Do Thái và người Pa-lét-tin điều này: “Cho đến lúc này, và gần như suốt 100 năm qua, các bạn đã bước đi trong các ngả đường bạo lực và mặc dù thế, sau 100 năm, các bạn vẫn chưa đạt được hòa bình hoặc an ninh. Các bạn hãy chọn những nẻo đường khác, các bạn hãy tìm kiếm những phương thức khác, những phương thức mà chắc chắn các bạn đã biết: thương thảo, đối thoại, hiểu biết các nhu cầu của người khác, đặt mình vào vị trí người khác để đạt tới một thỏa thuận mà các bạn tìm ra và đem lại cho từng bên mọi điều họ đáng được”.

Người Do Thái muốn có an ninh và hòa bình.; người Pa-lét-tin muốn có độc lập, và cả an ninh lẫn hòa bình nữa. Và cả hai đều có khả năng đạt tới những điều ấy. Ấy thế nhưng vẫn có chống đối chỉ vì những lý do ý thức hệ, những lý do chính trị của lòng sợ hòa bình. Theo thiển ý, trở ngại chính của hòa bình chính là lòng sợ hòa bình.

Ở Israel, hòa bình là điều rủi mà người Do Thái cho là quá sớm không nên tiến tới. Nó là một điều rủi vì đã để mình cho phép người Pa-lét-tin nên mạnh hơn, phát triển được các phương tiện đề kháng và bạo lực hơn. Đó là lý do tại sao người Do Thái sợ hòa bình.

Tôi khuyên họ không nên sợ như thế. Sợ sẽ không cho phép ai hay dân tộc nào sống cuộc sống họ cách trọn vẹn được. Đơn giản thôi, ta phải chấp nhận cái run rủi của hòa bình. Vì đó là cách duy nhất để đạt được an ninh thực sự và toàn diện. Các thế lực chính trị phải chọn lựa: hoặc là hòa bình, và họ sẽ được an ninh, hoặc không hóa bình và chủ nghĩa cực đoan sẽ lớn mạnh và bất an ninh sẽ gia tăng. Họ bắt buộc phải chọn lựa. Và chọn lựa hòa bình.

Bây giờ, chọn lựa hòa bình có thể là một điều rủi cho cuộc sống bản thân của người đứng đầu quốc gia ký kết thoả ước hòa bình. Nhưng nếu một nhà lãnh đạo chính trị có nhiệm vụ phải phục vụ nhân dân mình, chứ không phải để giữ chiếc ghế cho riêng mình, thì ông phải chấp nhận cái run rủi trong việc hiến thân cho nhân dân ấy.

Hỏi: Trong tư cách thượng phụ Latinh người Pa-lét-tin đầu tiên trong nhiều thế kỷ, ngài có lời giải thích nào khác đối với những gì đang diễn ra tại vùng này hay không?

ĐTGM Sabbah: Tôi chỉ có lời giải thích sau đây về các sự kiện đang xẩy ra. Người Do Thái có các nhu cầu riêng của họ mà người Pa-lét-tin cũng đang có những nhu cầu riêng của họ. Đối với tôi, trong cả hai trường hợp ấy, họ đều là những con người nhân bản có cùng những nhân phẩm, quyền lợi và bổn phận. Là một người Pa-lét-tin và là một Kitô hữu, (tôi nghĩ) mỗi người phải có được điều họ có quyền đòi hỏi: (Đối với) Israel, tư cách quốc gia của họ, nền an ninh và hòa bình của họ phải được nhìn nhận, không cần tới lính tráng và quân trừ bị để giết người và để bị người ta giết nữa. Đối với người Pa-lét-tin, cũng thế thôi. Đây là vấn đề tiến bước về hướng hòa bình, chấm dứt mọi điều liên hệ tới dân quân, tới các lực lượng quân sự không thường trực và mọi hình thức bạo lực ở cả hai phe.

Hỏi: Giờ đây lúc ngài sắp kết thúc sứ mệnh là Thượng Phụ La-tinh, liệu có hy vọng hòa bình gì chăng?

ĐTGM Sabbah: Luôn luôn có hy vọng, vì chúng ta vốn tin vào Thiên Chúa, và ở đây tại xứ sở này, tại toàn bộ Trung Đông này, mọi người, trước nhất và đầu hết, đều là người tôn giáo, đều là tín hữu, dù không phải ai ai cũng thực hành. Người Do Thái trước hết là người theo Do Thái Giáo, trước khi là người Do Thái, người Pa-lét-tin trước nhất là người Hồi Giáo rồi mới là người Pa-lét-tin. Kitô hữu trước nhất là Kitô hữu rồi mới là Pa-lét-tin. Chúng tôi tin vào Thiên Chúa. Chúng tôi hy vọng vì chúng tôi tin Thiên Chúa là Đấng tốt lành, Người đang chăm sóc chúng tôi, Người là Đấng Quan Phòng.

Hỏi: Ngài nói rằng muốn kiến tạo hòa bình, cần có lòng can đảm. Người Do Thái có phải là người cần can đảm hơn không?

ĐTGM Sabbah: Cả hai đều cần, nhưng quyết định lớn nhất nằm trong tay người Do Thái. Nếu người Do Thái chịu nói: “Chúng tôi đã quyết định thực hiện hòa bình” thì liền có hòa bình. Người Pa-lét-tin đang sẵn sàng. Thế giới Ả-rập đang sẵn sàng bình thường hóa các mối liên hệ với nhà nước Israel. Vì người Pa-lét-tin đã chọn hòa bình rồi. Họ đang tổ chức những cuộc thương thảo để đạt hòa bình. Israel cần phải quyết định. Hiện vẫn còn chống đối về một quyết định như thế.

Hỏi: ở Israel, liệu có một ý chí chính trị để thực hiện hòa bình chăng?

ĐTGM Sabbah: Không, không có. Hiện chưa có. Người Do Thái vẫn còn sợ hòa bình, vì họ vẫn còn nghĩ đó là điều rủi. Vì như thế là tự gieo mình vào nơi chưa biết và điều ấy tạo bất an ninh cho họ. Theo thiển ý, tương lai duy nhất của Israel hệ ở hòa bình. Bạo lực là mối đe dọa thường trực đối với nền an ninh của họ và đối với cả sự sinh tồn của họ nữa. Dân số Pa-lét-tin đang gia tăng. Hai mươi phần trăm dân Do Thái gốc Ả-rập với đầy đủ quyền công dân là người Pa-lét-tin. Ngày mai, 20% người Pa-lét-tin đó sẽ thành 40% hay 50% và đặc tính Do Thái của nhà nước sẽ mất đi, do đó, Israel như một quốc gia Do Thái sẽ không còn. Cho nên quyết định là ở họ, và sự cứu rỗi của họ chỉ có trong hòa bình. Cái rủi của chết chóc hay mất an ninh nơi họ không hệ ở hoà bình mà ở chỗ tiếp tục tình thế chiến tranh hiện nay.

Hỏi: Ngài có nghĩ diễn trình hòa bình Annapolis thực sự không đưa lại bất cứ hy vọng hòa bình nào?

ĐTGM Sabbah: Nó đưa lại chứ; cần phải nhìn nhận và chấp nhận diễn trình ấy. Hoa Kỳ muốn điều ấy. Tổng Thống Bush rất quyết tâm. Nhưng ta tự hỏi liệu Israel đã quyết tâm chưa. Người Pa-lét-tin đã sẵn sàng rồi.

Hỏi: Lúc gặp Olmert [Thủ Tướng Do Thái Ehud, trước Giáng Sinh], ngài có cảm tưởng là ông ta có ý chí chính trị không?

ĐTGM Sabbah: Ông Olmert quả có một ý chí chính trị thực sự. Ông ấy đã cương quyết thực hiện hòa bình, nhưng, như chính ông ta nói, ông ta đang gặp trở ngại. Nhiệm vụ của ông là thuyết phục phe chống đối ông ta, thì lúc ấy ta sẽ có hòa bình.

Hỏi: Đó là những trở ngại gì?

ĐTGM Sabbah: Phe cực hữu, hay những nhà cực đoan tôn giáo, tức chính đảng tôn giáo cho rằng toàn bộ lãnh thổ phải tiếp tục là của người Do Thái không để người Pa-lét-tin hưởng dù chỉ là một tấc đất. Mà chính đảng tôn giáo này có thực lực chính trị, họ có nhiều ghế trong Quốc Hội. Họ là phe chống đối mà ông Olmert phải xử lý.

Hỏi: Ngài nói rằng thế giới Ả-rập đã sẵn sàng bình thường hóa bang giao với Israel. Nhưng chúng ta không thể làm ngơ điều này, và Israel nữa cũng không làm ngơ nó, là Hamas vẫn tiếp tục từ khước không nhìn nhận Israel. Mặt khác, phe Hồi Giáo cực đoan đang lớn mạnh tại các nước Ả-rập.

ĐTGM Sabbah: Hamas đang hiện hữu. Hezbollah cũng đang hiện hữu. Họ đều là những mối đe dọa. Nhưng cái làm cho Hamas hiện hữu và lớn mạnh chính là cái tình trạng chiến tranh hiện nay trong đó đầy rẫy bất công, nghèo nàn và khốn khó và bao lâu tình trạng ấy còn, thì sẽ luôn có Hamas và các tuyên ngôn của nó và cái ý chí cương quyết hủy diệt Israel của nó. Nhưng khi có hòa bình nghiêm chỉnh và kéo dài, thì ảnh hưởng của Hamas và Hezbollah sẽ giảm và cuối cùng cái ý chí kia sẽ mất đi.

Về phía Pa-lét-tin, cũng như về phía Do Thái, luôn luôn có những người cực đoan, nhưng những nhóm đó sẽ trở thành thiểu số không gây ảnh hưởng gì tới tương lai của xứ sở. Cứ có hòa bình là con số cực đoan sẽ ít đi và người ta không còn cần đến họ nữa.

Hỏi: Ngài có nghĩ Israel sẽ nói chuyện với Hamas không? Liệu có đối thoại với Hamas từ phía Israel, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu không?

ĐTGM Sabbah: Israel, Liên Hiệp Âu Châu và cộng đồng quốc tế phải nói chuyện với Nhà Cầm Quyền Pa-lét-tin và nhìn nhận để Nhà Cầm Quyền Pa-lét-tin hòa giải với Hamas. Nhưng ngay lúc Hamas gia nhập chính phủ Pa-lét-tin, cộng đồng quốc tế lại tẩy chay mọi điều dính dáng tới Pa-lét-tin. Vấn đề là phải nhìn nhận rằng Nhà Cầm Quyền Pa-lét-tin có khả thể lập được liên minh một lần nữa, vì hòa bình không thể thực hiện được bởi chỉ một bên của dân Pa-lét-tin mà thôi.

Hiện có hơn một triệu dân tại Gaza. Cần phải để ý đến sự kiện ấy. Cho nên, hai nhóm phải thống nhất và trở thành một thực thể Pa-lét-tin duy nhất, cùng đại diện cho ý chí Pa-lét-tin để cộng đồng quốc tế và Israel có thể thực hiện các thỏa hiệp hòa bình. Nhưng bao lâu Hamas còn bị tẩy chay dù đã chịu tham gia chính phủ, thì đó là sự tẩy chay toàn bộ dân tộc Pa-lét-tin, và chúng ta vẫn luẩn quẩn trong đường hầm.

Hỏi: Khi ngài gặp Abu Mazen [Chủ Tịch Pa-lét-tin Mahmoud Abbas], ngài có khuyên ông ta tái tục đối thoại với Hamas hay không?

ĐTGM Sabbah: Có, tôi có khuyên như thế. Hai phe thuộc nhân dân Pa-lét-tin phải được đem trở lại với nhau một lần nữa. Liên minh này không chỉ tùy thuộc Abu Mazen, mà còn tùy thuộc cộng đồng quốc tế nữa. (Vì) một khi sự kết hợp này được thực hiện và vì Hamas có quyền tham dự chính phủ này, cộng đồng quốc tế dám lại tẩy chay một lần nữa.

Hỏi: Ngài có lời khuyên nào đối với cộng đồng quốc tế?

ĐTGM Sabbah: Hãy để người Pa-lét-tin được bình an, hãy để họ thống nhất và cùng nhau hành động. Và nếu Hamas có tham gia chính phủ, thì ý muốn của người Pa-lét-tin phải được kính trọng.

Hỏi: Ngài đã làm Thượng Phụ 20 năm qua. Đâu là lúc khó khăn nhất?

ĐTGM Sabbah: Lúc nào cũng khó khăn cả vì không lúc nào chúng tôi không sống trong cùng một cuộc tranh chấp hết. Mỗi ngày đều là lặp lại của ngày qua. Mỗi năm đều là lặp lại của năm trước: bạo lực và nạn nhân cho cả hai phía Pa-lét-tin và Do Thái.

Có những lúc ngưng chiến thật đó; (nên) chúng tôi đã có thể cử hành Năm Thánh 2000, được Đức Giáo Hoàng tới thăm. Đó là lúc ít khó khăn nhất. Ngoài ra, ở mọi thời điểm khác, chúng tôi đều phải kinh qua khó khăn và cuộc sống khó khăn ấy đã trở thành ơn gọi và thói quen hàng ngày của mình.

Hỏi: Trong thư mục vụ của ngài, ngài nói rằng ngài không có tiền bạc cũng chẳng có trương mục ngân hàng. Làm sao ngài sống đây?

ĐTGM Sabbah: Tôi sẽ sống ngay tại tòa thượng phụ. Tôi không có lương hay trương mục ngân hàng, nhưng cơ chế thượng phụ sẽ lo việc ấy cũng giống như đối với mọi linh mục khác của tòa thượng phụ. Chính tòa này chăm lo sức khỏe, miếng ăn miếng uống, nhà cửa v.v…cho các linh mục về hưu. Chúng tôi là thành phần của một cộng đoàn chưa bao giờ bỏ rơi bất cứ thành viên nào của mình.

Hỏi:Ngài có hối tiếc khi về hưu không?

ĐTGM Sabbah: Hối tiếc ấy hả? Nhưng phục vụ Thiên Chúa đâu phải là một việc làm! Chúng tôi sống một sứ mệnh. Một sứ mệnh đã được ủy thác cho chúng tôi. Khi sứ mệnh ấy đã hoàn thành, chúng tôi chỉ đơn giản trao nó vào tay Đấng đã ủy nhiệm nó cho chúng tôi. Giữa một nhà lãnh đạo tôn giáo và một nhà lãnh đạo chính trị, điểm khác nhau là ở chỗ đó.

Hỏi: Ngài là vị thượng phụ đầu tiên gốc Pa-lét-tin kể từ thời Thập Tự Chinh, liệu là một thượng phụ Pa-lét-tin có thay đổi được gì hay không?

ĐTGM Sabbah: Có thay đổi được một điều theo nghĩa Giáo Hội đã có được một mục tử do hàng giáo sĩ của mình lựa chọn. Có một thượng phụ Pa-lét-tin trong một giáo hội Pa-lét-tin chỉ là một sự kiện bình thường, chứ chả ngoại thường chi. Hiện nay đó là tình thế chung của mọi giáo hội trên thế giới. Các mục tử được hàng giáo sĩ và giáo dân của mình lựa chọn.

Điều thay đổi trong hoàn cảnh của chúng tôi, nghĩa là hoàn cảnh tranh chấp, là (tuy) người Pa-lét-tin ở một phía, người Do Thái ở phái khác, mà thực tế thì mọi người Pa-lét-tin, Kitô giáo và Hồi Giáo đều cảm thấy được nâng đỡ… thẩy đều cảm thấy rằng có một khuôn mặt mới nói thế cho họ, chia sẻ với họ và hành động cho hòa bình.

Nhưng luôn phải thận trọng. Vì nếu chúng ta nói với người Do Thái: “Các bạn có toàn quyền phục vụ và bảo vệ nhân dân các bạn”, (thì cũng phải) nói với người Pa-lét-tin: “Các bạn là người Pa-lét-tin, các bạn có toàn quyền phục vụ và bảo vệ nhân dân các bạn”. Một linh mục, một giám mục, bất kể là người Pa-lét-tin hay một sắc tộc nào khác, là để phục vụ mọi người.

Ngài không bị trói buộc vào dân mình, ngài có vì dân tộc mình thật đấy, nhưng đồng thời ngài cũng phục vụ mọi con người ngài sống với; mà ở đây, chúng tôi sống với hai dân tộc. Do đó, trách nhiệm giám mục và Kitô hữu của chúng tôi phải trải dài, bao trùm và bao hàm cả người Pa-lét-tin lẫn Do Thái. Giờ đây, người Pa-lét-tin là người bị áp chế, họ đang sống dưới sự chiếm đóng nên chúng tôi bảo họ: “Cuộc chiếm đóng này phải được kết liễu”. Trong khi với người Do Thái, chúng tôi bảo họ: “Các bạn là người chiếm đóng nên các bạn phải kết liễu sự chiếm đóng này”.

Hỏi: Giờ đây vai trò của ngài ra sao?

ĐTGM Sabbah: Giám mục có ba nhiệm vụ: thánh hóa, dạy dỗ và quản trị. Khi về hưu, chức năng quản trị sẽ trao cho người khác; hai chức năng kia thì vẫn còn; thánh hóa và dạy dỗ. Nên còn khá việc phải làm.

Hỏi: Liệu ngài có đem lại cho sứ mệnh của mình một vai trò chính trị nhiều hơn không?

ĐTGM Sabbah: Không nhiều chính trị hơn là Kitô hữu. Nhưng là một Kitô hữu sẵn sàng bước vào lãnh vực chính trị. Vì ở đây, chính trị là sinh hoạt nhân bản. Nó không phải thứ chính trị đảng phái tả hay hữu khuynh; nó là những mạng sống con người đang bị đe dọa. Dù đó là mạng sống Pa-lét-tin hay Do Thái. Nó tiếp tục là một cam kết đối với mọi con người nhân bản của xứ sở này, cả Do Thái lẫn Pa-lét-tin.