Nội dung các bài suy niệm Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân soạn cho buổi đi đàng thánh giá, do Đức Thánh Cha Biển Đức XVI chủ sự tại hí trường Colosseo ở Roma tối Thứ Sáu Tuần Thánh.

Lúc 9 giờ 15 phút tối ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 21-3-2008 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hí trường Colosseo ở Roma, với sự tham dự của hàng chục ngàn tín hữu. Các bài suy niệm đã do Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, dòng Don Bosco, Giám Mục Hồng Kông soạn. Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn nội dung 9 Chặng đầu tiên.

Trong phần giới thiệu các bài suy niệm Đức Hồng Y Trần Nhật quân khẳng định rằng qua việc mời ngài viết các bài suy niệm cho buổi đi đàng Thánh Giá này Đức Thánh Cha muốn bầy tỏ sự chú ý tới đại lục Á châu và lôi cuốn các tín hữu Trung Quốc vào trong việc thực hành long trọng lòng đạo đức Kitô này. Đức Thánh Cha cũng muốn Đức Hồng Y đem đến Colosseo tiếng nói của các anh chị em sống ở xa xôi ấy.

Nhân vật chính của Chặng Đàng Thánh Giá là Chúa Giêsu, nhưng đàng sau Chúa có biết bao nhiêu người của qúa khứ và hiện tại và chúng ta tất cả. Chúng ta hãy để cho các anh chị em xa xôi ấy hiện diện trong tinh thần giữa chúng ta. Chắc chắn họ đã sống cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trên thân xác họ hơn chúng ta rất nhiều. Trong thịt xác họ Chúa Giêsu lại bị bắt giữ, vu khống, tra tấn, chế nhạo, kéo đi, bị đè bẹp dưới sức nặng của thập giá và bị đóng đinh trên cây gỗ như một tội nhân.... Khi viết các bài suy niệm này tôi kinh hoàng khám phá ra rằng tôi đã không có tinh thần Kitô đủ. Tôi đã phải thanh tẩy mình khỏi các tâm tình ít bác ái đối với những người đã làm cho Chúa Giêsu đau khổ và đối với những người đang làm cho các anh chị em của chúng ta đau khổ trong thế giới ngày nay.

Đàng Thánh Giá bắt đầu bên trong hí trường Colosseo. Đức Hồng Y Camillo Ruini Giám quản Roma đã cầm Thánh Giá ở chặng thứ I. Hai chặng tiếp theo do một nữ tu Burkina Faso; tiếp đến là một gia đình thuộc giáo phận Roma. Hai chặng 6,7 do một chị ngồi trên xe lăn, có y tá đi kèm. Sau đó là đến phiên các tu sĩ Phanxicô Quản Thủ Thánh Địa; rồi một thiếu nữ Trung Hoa. Đức Thánh Cha cầm Thánh Giá trong ba chặng cuối cùng. Các người trẻ cầm đuốc đi hai bên Thánh Giá thuộc hai giáo xứ Roma là Đức Bà Cả và thánh Saturnino tử đạo.

Người hướng dẫn đã mở đầu buổi đi đàng Thánh Giá với các lời như sau: ”Lậy Chúa Giêsu Cứu Thế, hôm nay chúng con tụ họp nhau nơi đây trong giờ này và tại đây, nơi cách đây bao thế kỷ, giữa tiếng gầm vang của sư tử đói và tiếng la hét của đám đông vui chơi, các tôi tớ nam nữ Chúa đã để cho mình bị cắn xé và đánh đập cho tới chết vì trung thành với Danh Chúa. Hôm nay được Vị đại diện Chúa trên trần gian hướng dẫn, chúng con cũng đến đây để bầy tỏ với Chúa lòng biết ơn của Giáo Hội vì ơn cứu độ do Chúa thực hiện qua cuộc Khổ Nạn của Chúa.

Dọc dài các thế kỷ đã có nhiều hí trường Colosseo, rải rác tại nhiều nơi trên thế giới này, nơi các anh chị em chúng con tiếp tục cuộc Khổ Nạn của Chúa và cả ngày nay nữa vẫn còn bị bách hại gắt gao. Cùng với Chúa và các anh chị em bị bách hại trên toàn thế giới, chúng con xúc động bắt đầu con đường khổ đau, mà xưa kia Chúa đã bước đi với biết bao nhiêu tình yêu thương”.

Chặng thứ I Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Cây Dầu.

Chúa Giêsu cảm thấy âu lo sợ hãi và buồn sầu cho tới chết được. Người chọn ba người bạn đồng hành, nhưng họ lại ngủ vùi. Và Chúa bất đầu cầu nguyện một mình: ”Xin cho giờ này xa Con, xin cho chén đắng này xa Con... Nhưng lậy Cha xin theo ý Cha”.

Chúa Giêsu đến trần gian để làm theo ý muốn của Thiên Chúa Cha, nhưng chưa bao giờ như trong lúc ấy Người nếm được cái cay đắng sâu thẳm của tội lỗi và cảm thấy lạc lõng. Trong thư gửi tín hữu công giáo Trung Quốc Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhắc lại thị kiến trong sách Khải Huyền của thánh Gioan khóc trước cuốn sách bị đóng ấn kín mít của lịch sử nhân loại, của ”mầu nhiệm sự gian tà”. Chỉ Chiên Con bị sát tế mới có khả năng lấy đi dấu ấn đó.

Trong biết bao phần của thế giới Hiền Thê của Chúa Kitô đang phải trải qua giờ phút đen tối của bách hại, như vào thời hoàng hậu Esther, bị quan Amman đe dọa, như ”Người Phụ Nữ trong sách Khải Huyền, bị con rồng đe dọa. Chúng ta hãy tỉnh thức và đồng hành với Hiền Thê của Chúa Kitô trong lời cầu nguyện.

Lậy Chúa Giêsu là Thiên Chúa Toàn Năng, Chúa đã nhận lấy sự yếu hèn vì tội lỗi chúng con. Chúa quen với tiếng kêu của những người bị bách hại, vang vọng cuộc hấp hối của Chúa. Họ hỏi: Tại sao có cuộc bách hại này? Tại sao có nỗi hổ nhục này? Tại sao có tình trạng nô lệ kéo dài này? Các lời Thánh Vịnh trở lại trong trí chúng con: ”Lậy Chúa xin tỉnh giấc! Ngài cứ ngủ được sao? Xin chỗi dậy đi nào, đừng đuổi xua mãi mãi! Sao Ngài còn ẩn mặt, quên rằng chúng con bị khổ cực đọa đầy? Mạng sống chúng con chôn vùi trong cát bụi, tấm thân này nằm bẹp dưới bùn đen. Dám xin Ngài đứng lên phù giúp, lấy tình thương cứu chuộc dân Ngài” (Tv 44, 24-26).

Không, lậy Chúa, Chúa đã không dùng Thánh vịnh này trong vườn Gietsemani nhưng đã nói: ”Xin cho ý Cha được trọn”. Chúa đã có thể huy động 12 cơ binh nhưng Chúa đã không làm. Lậy Chúa, khổ đau khiến chúng con sợ hãi. Chước cám dỗ theo các phương tiện dễ dàng thành công hơn trở lại. Xin làm cho chúng con đừng sợ hãi nỗi sợ hãi, nhưng tin tưởng nơi Chúa.

Chặng thứ hai Chúa Giêsu bị Giuđa phản bội và bị các môn đệ bỏ rơi.

Phản bội và bỏ rơi từ phía những người mà Ngài đã chọn làm tông đồ, mà Ngài đã tín thác các bí mật của Nước Trời, mà Ngài đã tin cậy! Như thế là hoàn toàn thất bại. Đau đớn và nhục nhã biết chừng nào! Nhưng tất cả những điều đó xảy ra như hoàn thành điều các ngôn sứ đã báo trước. Nếu không thì làm sao Ngài đã có thể biết được cái xấu xa của tội lỗi, là sự phản bội tình yêu?

Sự phản bội gây kinh ngạc, nhất là cả khi nó liên quan tới các chủ chăn. Làm sao các vị lại đã có thể làm điều đó cho Chúa? Tinh thần thì mạnh mẽ, nhưng xác thịt thì yếu đuối! Các cám dỗ, đe dọa và tống tiền bẻ gẫy các ý chí. Gây gương mù gương xấu biết bao nhiêu! Khổ đau biết bao cho con tim của Chúa!

Chúng ta đừng coi đó là gương mù gương xấu! Các bội phản đã không bao giờ thiếu trong các cuộc bách hại. Và sau đó đã thường có các cuộc trở lại. Nơi người thanh niên bỏ cả áo mà trốn trần truồng (x. Mc 14,51-52) nhiều nhà chú giải uy tín đã trông thấy gương mặt của thánh sử Marco tương lai.

Lậy Chúa, ai trốn chạy cuộc Khổ Nạn của Chúa thì không còn phẩm giá nữa. Xin thương xót chúng con. Chúng con tự lột trần truồng trước Tôn Nhan Chúa. Chúng con cho Chúa xem thấy các vết thương xấu hổ nhất của chúng con. Lậy Chúa Giêsu, bỏ Chúa là bỏ mặt trời. Khi muốn bỏ mặt trời là chúng con rơi vào bóng tối và lạnh lẽo.

Lậy Cha, chúng con đã xa rời Nhà Cha. Chúng con không đáng được Cha tiếp nhận nữa. Nhưng Cha đã ra lệnh tắm rửa cho chúng con, mặc áo, mang giầy và xỏ nhẫn vào tay chúng con.

Chặng thứ ba Chúa Giêsu bị Hội đồng do thái kết án.

Hội Đồng do thái là tòa án cao nhất của dân Chúa. Giờ đây tòa án đó kết tội Chúa Kitô Con Thiên Chúa được chúc phúc, và cho rằng Người đáng chết. Đấng Vô Tội bị kết án, vì ”đã nói phạm thượng”, các thẩm phán tuyên bố và xé áo mình ra. Nhưng qua thánh sử chúng ta biết rằng họ làm như vậy vì ghen tương và thù ghét Ngài.

Nhưng thánh Gioan nói rằng vị thượng tế đã nói nhân danh Thiên Chúa: chỉ khi để cho cho Người Con vô tội bị kết án, Thiên Chúa Cha mới có thể cứu rỗi các người anh em tội lỗi của Chúa.

Qua các thế kỷ, đã có hàng hàng lớp lớp những người vô tội bị kết án khổ đau kinh khủng. Một vài người kêu lên vô tội, nhưng chính những người vô tội đó đền bù tội lỗi của thế giới trong sự hiệp thông với Chúa Kitô, Đấng Vô Tội.

Lậy Chúa Giêsu, Chúa không lo cho thấy sự vô tội của Chúa, vì Chúa chỉ muốn trao ban trở lại cho con người công lý, mà vì tội lỗi nó đã đánh mất. Chúng con tất cả đều đã là bạn hữu của Chúa, mà không có cách thay đổi điều kiện của chúng con. Chúa đã để cho mình bị kết án để trao ban ơn tha thứ cho chúng con. Lậy Chúa Cứu Thế xin đừng để cho chúng con bị kết án trong ngày sau hết.

Chặng thứ bốn Phêrô chối Chúa Giêsu.

”Cả khi có phải chết với Thầy, con cũng sẽ không chối bỏ Thầy” (Mt 14,31). Phêrô đã thành thật khi nói lên điều này, nhưng ông không biết mình, không biết sự yếu đuối của mình. Ông quảng đại, nhưng ông đã quên phải cần đến sự quảng đại của Thầy. Ông đã yêu sách chết cho Chúa Giêsu, trong khi Chúa Giêsu phải chết cho ông để cứu ông.

Khi làm cho Phêrô trở thanh ”đá tảng” để xây dựng Giáo Hội trên đó, Chúa Kitô lôi cuốn vị tông đồ vào trong sáng kiến cứu độ của Người. Phêrô đơn sơ tin rằng có thể làm cái gì cho Thầy, trong khi mọi sự đều được Người ban cho ông một cách nhưng không, kể cả sự tha thứ sau khi ông chối bỏ Người. Chúa Giêsu không thu hồi sự lựa chọn Phêrô như là nền tảng của Giáo Hội Người. Sau khi hối hận Phêrô đã có khả năng củng cố các anh em mình.

Lậy Chúa, khi Phêrô nói dưới sự mạc khải của Thiên Chúa Cha, ông nhận biết Chúa là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Trái lại khi ông tin tưởng nơi lý trí và thiện chí của mình, thì ông trở thành chướng ngại cho sứ mệnh của Chúa. Tính tự cao khiến cho ông chối Chúa là Thầy, trong khi sự sám hối khiêm hạ tái xác nhận ông là đá tảng trên đó Chúa xây dựng Giáo Hội Chúa.

Sự lựa chọn giao phó việc tiếp nối công trình cứu độ của Chúa cho những người yếu đuối và dễ mang thương tích biểu lộ sự khôn ngoan và quyền năng của Chúa.

Lậy Chúa, xin che chở những người Chúa đã chọn, để cho các cửa hỏa ngục không bao giờ thắng được các tôi tớ Chúa. Xin Chúa cũng đoái nhìn tất cả chúng con như đã nhìn Phêrô trong đêm đó sau khi gà gáy.

Chặng thứ năm Chúa Giêsu bị quan Philatô xử án.

Quan Philato xem ra quyền năng, có quyền sinh tử trên Chúa Giêsu. Ông thích châm biếm ”Vua dân Do thái”, nhưng thực ra ông là người yếu đuối, hèn hạ và nô lệ. Ông sợ hoàng đế Tiberio, ông sợ dân chúng, ông sợ các tư tế, mà ông khinh rẻ trong lòng. Ông biết Chúa Giêsu vô tội, nhưng vẫn cho đóng đinh Người.

Trong manh ý giải cứu Chúa Giêsu, ông cũng ban tự do cho một vụ giết người nguy hiểm. Ông tìm rửa tay vấy đầy máu vô tôi một cách vô ích. Quan Philato là hình ảnh của tất cả những người nắm giữ quyền bính như dụng cụ và không đếm xỉa gì đến công lý.

Lậy Chúa Giêsu, với sự can đảm tuyên bố Chúa là Vua, Chúa đã tìm thức tỉnh quan Philatô lắng nghe tiếng lương tâm của ông. Xin soi sáng lương tâm của biết bao nhiêu người nắm giữ quyền bính, để họ công nhận sự vô tội của các người theo Chúa. Xin cho họ có can đảm tôn trọng tự do tôn giáo.

Chước cám dỗ nịnh bợ kẻ cầm quyền và ức hiếp người yếu đuối là điều rất thịnh hành. Và những kẻ quyền thế là những người được chỉ định nắm giữ quyền bính, kiểm soát thương mại và các phương tiện truyền thông, nhưng cũng có những người để cho những kẻ quyền thế dễ dàng lèo lái họ để đàn áp những người yếu đuối. Làm sao họ lại có thể la lên ”Đóng đinh nó vào thập giá”, những người đã biết Chúa như là người bạn có lòng xót thương đã chỉ làm điều thiện cho tất cả mọi người?

Chặng thứ sáu Chúa Giêsu bị đánh đòn và đội mạo gai.

Đánh đòn là một hình phạt thông dụng thời đó. Chiếc roi kinh khủng của người Roma móc ra từng mảnh thịt. Và mạo gai không chỉ gây đau đớn cực độ mà cũng cùng với các khạc nhổ và đánh tát cũng là sự nhạo cười chức vương giả của Người Tù Thiên Chúa nữa.

Các tra tấn kinh khủng tiếp tục phát xuất từ sự ác độc của trái tim con người - và các tra tấn tâm thần cũng hành hạ con người không kém các tra tấn thể lý - và thường khi các nạn nhân lại trở thành người tra tấn. Biết bao nhiêu đau khổ đó lại vô nghĩa hay sao?

Không, lậy Chúa Giêsu, là Đấng tiếp tục quy tụ và thánh hóa tất cả mọi khổ đau: khổ đau của những người bệnh tật, của những người đang chết vì kiệt lực, của tất cả mọi người bị kỳ thị; nhưng những khổ đau rạng ngời giữa tất cả mọi khổ đau là những khổ đau vì Danh Chúa.

Vì các khổ đau của các vị tử đạo xin Chúa chúc lành cho Giáo Hội Chúa; xin cho máu họ trở thành hạt giống của các Kitô hữu mới. Chúng con vững tin rằng các khổ đau của họ, cả khi bây giờ xem ra là sự thất bại hoàn toàn, sẽ đem lại chiến thắng đích thật cho Giáo Hội Chúa. Lậy Chúa, xin ban lòng kiên trì cho các anh chị em của chúng con bị bách hại!

Chặng thứ bẩy Chúa Giêsu vác thánh gía.

Thập giá, biểu tượng cao cả của Kitô giáo, từ dụng cụ gia hình hổ nhục đã trở thành hiệu kỳ vinh quang.

Có những người vô thần can đảm sẵn sàng hy sinh chính mình vì cách mạng: họ sẵn sàng ôm lấy thập giá, nhưng không có Chúa Giêsu. Giữa các Kitô hữu có những người ”vô thấn” thực tiễn, muốn Chúa Giêsu, nhưng không muốn thập giá. Nhưng không có Chúa Giêsu thì không thể chiu đựng được thập giá và không có thập giá thì không thể yêu sách ở với Chúa Giêsu.

Chúng ta hãy ôm lấy thập giá và hãy ôm lấy Chúa Giêsu, và với Chúa Giêsu chúng ta hãy ôm lấy tất cả các anh chị em đang khổ đau và bị bách hại!

Ôi! lậy Thiên Chúa Cứu Độ, Chúa đã hăng say ôm lấy thập giá mà từ lâu Chúa đã ước ao! Nó đè nặng trên đôi vai Chúa, nhưng được đỡ nâng bởi một con tim tràn đầy tình yêu thương.

Các vị thánh lớn đã hiểu sâu xa giá trị cứu rỗi của thập giá đến độ kêu lên: ”Hoặc là đau khổ hay là chết”. Xin cho chúng con ít nhất biết tiếp nhận lời Chúa mời gọi vác thập giá theo sau Chúa. Chúa đã chuẩn bị một thập giá vừa với từng người trong chúng con. Chúng con có trước mắt hình ảnh của Đức Gioan Phaolo II, leo lên ”Núi thập giá” bên Lituania. Mỗi một thập giá trên đó đều có một lịch sử cần kể lại, lịch sử của khổ đau và của vui sướng, của nhục nhã và chiến thắng, của cái chết và sự phục sinh.

Chặng thứ 8 ông Simon thành Cirene vác đỡ thập giá Chúa.

Ông Simon thành Cirene từ ngoài đồng về. Ông đụng phải đoàn tử tội và bị bắt ép cùng vác thập giá với Chúa Giêsu.

Sau đó ông chấp nhận việc phục vụ ấy, và tỏ ra hạnh phúc giúp được Người Bị Kết Án đáng thương ấy và trở thành một trong các môn đệ trong Giáo Hội thời khai sinh. Dĩ nhiên ông là đối tượng của sự khâm phục và đến như ghen tương vì số phận đặc biệt đã làm vơi nhẹ các khổ đau của Chúa Giêsu.

Lậy Chúa Giêsu thương mến, chắc chắn Chúa đã biểu lộ cho ông Cireneo lòng biết ơn đối với sự trợ giúp của ông, trong khi thập giá thực ra là của ông và của từng người trong chúng con. Như thế, lậy Chúa Giêsu, Chúa biết ơn chúng con mỗi khi chúng con giúp các anh chị em vác thập giá, trong khi chúng con chỉ làm bổn phận của mình để đền bù tội lỗi của chúng con.

Lậy Chúa Giêsu, chính Chúa khởi đầu vòng cảm thương này. Chúa vác thập giá của chúng con, để chúng con có khả năng giúp Chúa nơi các anh chị em Chúa vác thập giá của họ.

Lậy Chúa như là chi thể Thân Mình Chúa, chúng con giúp nhau vác thập gia và chúng con khâm phục đạo binh mênh mông các người Cirenei, tuy chưa có lòng tin, nhưng đã quảng đại làm vơi nhẹ các khổ đau của Chúa nơi các anh chị em Chúa.

Khi chúng con trợ giúp các anh chị em của Giáo Hội bị bách hại, xin cho chúng con nhớ rằng thực ra chúng con được họ trợ giúp nhiều hơn.

Chặng thứ 9 Chúa Giêsu gặp gỡ các phụ nữ thành Giêrusalem.

Các phụ nữ, các bà mẹ kín múc từ tình yêu thương một khả năng mênh mông giúp chịu đựng khổ đau. Các bà đau khổ vì chồng, vì con. Chúng ta hãy nghĩ tới các bà mẹ của biết bao nhiêu người trẻ bị bách hại và nhốt tù vì Chúa Kitô. Biết bao nhiêu đêm dài các bà phải thao thức và rơi lệ! Chúng ta hãy nghĩ tới các bà mẹ, liều chịu bắt bớ và bách hại đã kiên trì cầu nguyện trong gia đình, bằng cách vun trồng trong con tim niềm hy vọng có những ngày tươi sáng hơn.

Lậy Chúa Giêsu, mặc dù các khổ đau, như Chúa đã lo lắng ngỏ lời với các phụ nữ trên Con Đường Thập Giá, ngày nay xin cũng hãy cho biết bao nhiêu phụ nữ khổ đau được nghe tiếng Chúa ủi an. Chúa đã khuyến khích các bà đừng khóc thương Chúa, nhưng hãy khóc thương các bà và con cái các bà.

Khi khóc Chúa, họ khóc các khổ đau đem lại ơn cứu độ cho nhân loại và như thế các khổ đau đó là lý do của niềm vui. Điều họ phải khóc, trái lại, là các khổ đau do tội lỗi gây ra, khiến cho các bà và con cái các bà và chúng ta tất cả như củi khô đáng ném vào lửa.

Lậy Chúa, Chúa đã sai Mẹ Chúa đến lập lại với chúng con cùng sứ điệp đó tại Lộ Đức và Fatima: “Các con hãy sám hối và cầu nguyện để ngăn chặn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa”. Xin cho chúng con sau cùng biết đón nhận lời kêu mời khẩn thiết ấy với con tim chân thành.

Tiếp Chặng thứ 10 đến Chặng thứ 14