HAI MƯƠI LĂM NĂM HỒNG ÂN: HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHAN THIẾT

“Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ Trên, đều tuôn xuống từ Cha, là Đấng dựng nên muôn tinh tú”. ( Gc 1, 17 )

Trong ba ngày 26, 27 và 28.2.2008, Hội Dòng Mến Thánh Gía Phan Thiết đã tổ chức tam nhật mừng 25 năm thành lập. Tạ ơn Chúa và tri ân các bậc tiền bối, các Giám Mục…đã làm nên khuôn mặt hội dòng hôm nay.

25 năm, một phần tư thế kỷ không dài lắm nhưng đủ để Tạ ơn và cảm nghiệm được kỳ công Tình yêu Thiên Chúa đã làm cho những con người tầm thường được Ngài chọn.

25 năm Thiên Chúa đã an bài - thanh luyện và bảo vệ để Hội Dòng tồn tại và phát triển.

25 năm là cột mốc thời gian tạm dừng để:

- Chiêm ngắm và Tạ ơn Thiên Chúa

- Tri ân các vị Chủ Chăn,

- Các Bề trên, các chị em đã ra đi trước, cùng dày công trong hy sinh gian khổ nhằm khai phá, dọn đường và tạo nên sự nghiệp cho Hội Dòng.

- Cám ơn Quý Ân nhân, Thân nhân đã góp thêm hơi ấm và sức sống qua nhiều đóng góp quảng đại về tinh thần lẫn vật chất.

Tất cả đều là hồng ân Chúa !

Hồng ân Chúa tác động trong mọi dự định,

Hồng ân Chúa hướng dẫn từng bước hình thành và phát triển.

Hồng ân dắt dìu quá khứ, phù trợ hiện tại và chúc lành cho định hướng tương lai.

Thánh lễ ngày 26/2/2008

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám mục Giáo phận Phan Thiết đồng tế với các Linh Mục trong và ngoài Giáo phận. Đông đảo các ân nhân cùng hiệp thông tạ ơn.

Hội dòng tạ ơn các bậc Tiền bối, các vị Chủ chăn, các vị Bề trên, các chị em nữ tu đi trước đã dày công khai phá thành lập.

Hội dòng tri ân Giáo phận mẹ Phan Thiết, đặc biệt là lòng biết ơn sâu xa đối với Đức cha Nicôlas Huỳnh Văn Nghi, người đã đưa Hội dòng hiện hữu trong Giáo phận Phan Thiết.

Thánh lễ ngày 27.2.2008

Đức cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám mục Giáo phận Huế, chủ tế thánh lễ tạ ơn.

Hội dòng tri ân Giáo phận Huế và Hội dòng Mến Thánh Gía Huế, là nguồn cội sinh ra Hội dòng.

Sự hiện diện đông đảo của các bậc phụ huynh tất cả các chị em trong Hội dòng. Qua đây, Hội dòng có dip bày tỏ lòng biết ơn các bậc cha mẹ, những thân nhân đã quãng đại, cộng tác với Hội dòng phát triển và cổ vũ ơn gợi.

Thánh lễ ngày 28.2.2008.

Trước thánh lễ có chương trình diễn nguyện gồm hai phần: “Nhạc khúc tri ân” và “Lời tạ ơn” trình bày khái quát lịch sử của Hội dòng; tưởng niệm Đấng Sáng Lập, nhớ về tu viện Mỹ Hương là tiền nhân của Hội dòng. Cũng trong dip này, Hội dòng đã triển lãm những hình ảnh sinh hoạt của Hội dòng.

Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám mục Giáo phận Nha Trang và Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Kontum, cùng đồng tế thánh lễ.

Hội dòng tri ân tất cả quý chị em MTG Việt Nam, tri ân tu sĩ nam nữ, các Giáo xứ, các Hội đồng Mục vụ đã hỗ trợ tinh thần, lẫn vật chất cho các nữ tu trong đời sống phục vụ tại các cộng đoàn xứ đạo.

Hạt Giống Tin Mừng của Đức Kitô cứ âm thầm phát triển khi đựơc gieo vào lòng đất.

Hạt Mầm Ơn Gọi của Hội Dòng MTGPT được gieo trồng và lớn lên từng ngày suốt một phần tư thế kỷ qua. 25 năm như một dấu ấn tình yêu thập giá Chúa Kitô.

Nhìn lại hành trình 25 năm Hội dòng đã đi qua với biết bao thăng trầm, thấy được Hồng Ân Quan Phòng, Tình Yêu Thiên Chúa luôn ấp ủ Hội Dòng để rồi biết cảm tạ tri ân.

Nhìn lại hành trình 25 năm, có đựơc thành quả hôm nay như những bó lúa nặng hạt để không bao giờ quên ơn những người đã gieo trong gian truân, trồng trong vất vả.

Nhìn lại hành trình 25 năm, Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết còn rất trẻ trong Đại Gia Đình Mến Thánh Giá Việt Nam. Cây Thập Giá Chúa Kitô trồng ở Việt nam đã nở thêm bông hoa thứ 23. Một bông hoa tươi nở khoe sắc trong vườn hoa Lâm Bích.

Nhìn lại hành trình 25 năm, như là một nhắc nhớ về cội nguồn “con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”. Nhờ đó mà mọi thành viên hội dòng luôn tâm niệm rằng“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

A. VỀ NGUỒN MTG

Đức Giáo Hoàng Alexandre VII (1655-1667), qua đoản sắc Super Cathedram được ấn ký ngày 09/9/1659, đã quyết định thiết lập hai giáo phận tại miền đất truyền giáo Việt-nam và đặt hai vị thừa sai thuộc Hội Truyền Giáo Paris (MEP) làm Đại diện Tông Toà. Hai giáo phận đầu tiên của giáo hội Việt-nam có tên là Đàng Trong và Đàng Ngoài, lần lượt từ sông Gianh trở xuống miền Nam và từ sông Gianh trở lên miền Bắc. Hai vị Đại diện Tông Toà là Đức Cha Phê-rô Lambert de la Motte coi sóc giáo phận Đàng Trong và Đức Cha Phan-xi-cô Pallu coi sóc giáo phận Đàng Ngoài. Nhưng vì Đức Cha Phan-xi-cô không hề đến được với giáo phận của mình, nên Đức Cha Phê-rô được coi là vị Giám mục tiên khởi của Giáo hội Việt-nam.

Đức Cha Phê-rô Ma-ri-a Lambert de la Motte được tấn phong ngày 11/6/1660 tại Paris và một tuần sau ngài lên đường sang Viễn Đông. Ngài đến Juthia (thủ đô nước Thái-lan thời bấy giờ) ngày 22/8/1662. Nhưng phải đến 7 năm sau, ngài mới có thể thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của ngài. Trong chuyến kinh lý đầu tiên đó, diễn ra từ 30/8/1669 đến 14/3/1970, ngài đến với giáo phận Đàng Ngoài và ngài đã thực hiện 3 công trình quan trọng: phong chức linh mục cho 7 thầy giảng (tháng 01/1670), triệu tập Công Đồng Dinh Hiến (ngày 14/02/1670) và chính thức thành lập Dòng Mến Thánh Giá Việt-nam (ngày Lễ Tro, 19/02/1670).

Ngày 19/02/2005, Dòng Mến Thánh Giá Việt-nam tròn 335 tuổi, một tuổi đời không nhỏ so với bề dày lịch sử Giáo hội Công giáo Việt-nam (472 năm, nếu tính từ khi vị thừa sai truyền thuyết I-ni-khu tới rao giảng Tin Mừng tại vùng Ninh-cường, Quần-anh, Trà-lũ, thuộc tỉnh Nam-định ngày nay, vào năm 1533; hoặc 390 năm nếu tính từ ngày đoàn thừa sai Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong, 18/01/1615). Nhưng lịch sử hình thành và phát triển của Hội Dòng cho ta thấy rằng các nữ tu MTG Việt-nam đã trải qua một đêm dài khủng khiếp – từ những năm cuối thế kỷ 17 đến những năm đầu thế kỷ 20 – với biết bao thử thách nội bộ (như không được giáo quyền nhiều nơi công nhận và nâng đỡ) và những thử thách khách quan (đó là các cuộc bách hại đạo đã làm đổ máu của biết bao nhiêu chị em MTG).

Có thể nói, chỉ từ sau ngày Bộ Giáo Luật được ĐGH Bê-nê-đi-tô XV ban hành vào năm 1917, Dòng MTG Việt-nam mới bắt đầu có được một vị trí xứng hợp, khi các chị em được chính thức công nhận là nữ tu mặc dầu chỉ có lời khấn đơn và sống giữa lòng xã hội, vì trước đó họ chỉ được coi là những phụ nữ thuộc hội đạo đức mà thôi.

Rồi trải qua những cải tổ, cải cách – đặc biệt là cuộc cải tổ được Đức Cha Louis de Cooman (Hành) cho thực hiện với Hội Dòng MTG Phát-diệm dẫn đến việc 61 chị em MTG đầu tiên được tuyên khấn tạm, ngày 02/02/1925 với ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục; hay cuộc cải tổ do Đức Cha Phan-xi-cô Chaize (Thịnh) cho thực hiện với Hội Dòng MTG Hà-nội từ năm 1938, dẫn đến lớp khấn đầu tiên vào ngày 02/02/1941 – Dòng MTG Việt-nam dần dần đi vào nề nếp qui củ. Nhiều Hội Dòng MTG được chính thức thành lập trên cả 3 miền đất nước, nghĩa là qua những cuộc cải tổ để có nghi thức khấn tạm và vĩnh viễn cũng như có qui định về tu phục.

Hiện nay, trên toàn cõi Việt-nam, có 23 Hội Dòng, phục vụ trong 16 giáo phận. Các giáo phận không có Dòng MTG là Bắc-ninh, Lạng-sơn, Hải-phòng và Thái-bình trong Tổng giáo phận Hà-nội; Kon-tum, Đà-nẵng và Ban-mê-thuột trong Tổng giáo phận Huế; Long-xuyên và Phú-cường trong Tổng giáo phận Tp.HCM. Cuối năm 2004, tổng số Nữ tu khấn trọn là 3.092 chị và khấn tạm là 1.428 chị.

Tuân Tử, một hiền triết Trung Hoa đã nói “ Nguồn trong, dòng nước trong”.

Dòng MTG VN phát xuất từ cội nguồn Tình Yêu Thập Giá Chúa Kitô. Đức Cha Phêrô Maria Lambert De La Motte đựơc Chúa sai đến như một thiên sứ, sáng lập dòng MTG VN.

1. Đức Cha Phêrô Maria Lambert De La Motte( 1624 – 1679)

-Đại Diện Tông Toà tiên khởi Miền Truyền Giáo Đàng Trong

-Giám Quản Tông Toà Miền Truyền Giáo Đàng Ngoài

-Đấng Sáng Lập Hội Dòng Mến Thánh Giá

Ngày 6.9.1659, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII ban hành sắc lệnh thiết lập hai giáo phận đầu tiên tại Việt Nam: Giáo phận Đàng Trong do Đức Cha Phêrô Maria Lambert De La Motte cai quản và giáo phận Đàng Ngoài do Đức Cha Francois Pallu điều hành.

Thành lập Dòng MTG

Từ thời các thừa sai Dòng Tên, Cha Marini đã nói đến một số thiếu nữ muốn sống đời tu trì, hiến dâng trọn đời cho Chúa và hoạt động truyền giáo. Các Cha đã không dám nhận họ để tổ chức thành một hội tu, như tổ chức các Thầy Giảng. Cha Chính Deydier cho thái độ đó là quá dè giữ. Cha để ý tới nguồn năng lực truyền giáo của giới phụ nữ Việt Nam. Vào tháng 3.1669, khi thăm xứ đạo Kẻ Mong, Ngài kể: Ở nhà xứ đó có ba thiếu nữ giữ mình trinh khiết, sống chung với nhau theo một vài luật lệ mà tôi đã đặt cho họ, với hy vọng: Thiên Chúa sẽ cho chúng tôi phương thế lập một nữ tu viện, để ba thiếu nữ đó, và rất nhiều người khác cùng chí hướng như thế, họ có thể đến với nhau. Trong cuộc kinh lý, cha Deydier giới thiệu nhóm thiếu nữ này với Đức Cha Lambert. Đức Cha không những phê chuẩn mà còn tự tay soạn thảo cho tổ chức này một bản luật đầy đủ hơn và công nhận là một Dòng Tu nữ trong địa phận Đàng Ngoài. Cùng với Cha Francois Deydier, Đức Cha Lambert de la Motte đã trở nên vị sáng lập Dòng Mến Thánh Giá ở Việt Nam.

Như các dòng nữ tu khác, các chị em dòng Mến Thánh Giã cũng khấn ba nhân đức: Khó nghèo, trinh khiết và vâng phục. Các chị cũng theo lối sống cộng đồng trong từ nhà, không quá mười chị, dưới quyền một Mẹ Bề Trên.

Bản luật của Đức Cha Lambert viết: Để tiến trên con đường trọn lành, các chị em hằng ngày sẽ nguyện ngắm về sự thương khó Chúa Giêsu, để mỗi ngày biết Chúa hơn mà yêu mến Chúa hơn. Các chị em sẽ hiến dâng lời cầu nguyện và việc đền tội, hãm mình cho công cuộc truyền giáo.

Dòng chị em Mến Thánh Giá là một dòng nữ tu truyền giáo. Bản luật đã kể ra những hoạt động truyền giáo thích hợp với giới phụ nữ và với tình trạng xã hội Việt Nam lúc đó.

Trước hết, các chị lo dạy kinh bổn cho các trẻ em và cho các thiếu nữ con nhà có đạo. Đồng thời cũng lo dạy kinh bổn cho các người nữ lương dân muốn trở lại đạo. Theo lối truyền giáo thịnh hành và rất thích hợp với xã hội Việt Nam lúc đó, các chị sẽ chăm sóc kẻ liệt lương giáo với mục đích cứu vớt linh hồn họ. Các chị lo tìm cách rửa tội cho các em nhỏ gia đình bên lương, lúc gần chết. Đi xa hơn nữa, bản luật còn muốn các chị cũng sẽ cố lôi cuốn những người nhà trò, con hát và những người nữ truỵ lạc ra khỏi đời sống tội lỗi của họ.

Ngày 19 tháng 2 năm 1670, Đức Cha nhận lời khấn của hai nữ tu tiên khởi: Anê và Paula tại phố Hiến. Theo cha H.ravier thì “nhà Mụ thứ nhất” ở xứ Kiên Lao, tỉnh Nam Định, Nhà thứ hai ở Bái Vàng, tỉnh Hà Nam, dưới quyền Bà Bề Trên Lina, bà là một goá phụ đạo đức đã 45 tuổi.

Hoàn tất luật dòng

Sau lễ khấn, ngày 19.2, Đức Cha vội vã theo tàu Junet, ngày 26.2.1670 chờ gió kéo buồn ra khơi. Tàu đến cửa sông Cái thì gặp trái gió, phải ngừng lại. Trở về bên Thái Lan có Đức Cha Lambert và Cha Gabriel Bouchard. Cha Jaacques de Bourges ở lại phụ Cha chính Dydier.

Lợi dụng thời gian chờ đợi, Đức Cha không những đã hoàn tất bản luật Dòng cho các chị em Mến Thánh Giá và ký nhận ngày 26.2.1670, mà ngài còn gởi kèm theo bản luật một bức thư cho hai chị em Anê và Paula: “Mục tiêu chính yếu của đờis ống tu trì của chị em chúng con là tiếp tục đời sống đau khỏ của Chúa Giêsu Kitô, là cầu xin với Người cho lương dân và cho người Công giáo tội lỗi ăn năn trở lại, bằng nhữn lời kinh nguyện của chúng con, bằng những việc làm ăn chay, hãm mình và bằng nước mắt đổ ra của chúng con. Nhưng đặc biệt, chúng con phải chú ý điều này, là phải làm những công việc thánh thiện đó như là làm thay cho Chúa Giêsu Kitô”.

Thân thế và sự nghiệp

Phêrô-Maria Lambert de la Motte sinh ngày 16/01/1624 tại Lisieux, nước Pháp, trong một gia đình quý tộc. Cha mẹ là ông Phêrô Lambert de la Motte và bà Catarina Heudey de Pommainville et de Bocquency. Gia đình có bảy người con, Phêrô-Maria Lambert là con cả. Tốt nghiệp trung học, Phêrô-Maria Lambert học luật và làm luật sư lúc 22 tuổi (1646).

Khi được ơn Chúa kêu gọi, Phêrô-Maria đã bỏ nghề luật sư và chọn đời sống giáo sĩ. Ngày 27/12/1655, thầy Phêrô-Maria Lambert thụ phong Linh mục tại Caen. Năm 1657, ngài gia nhập và cộng tác đắc lực cho chương trình Viễn Đông: điều khiển chương trình truyền giáo và thiết lập hàng Giáo sĩ địa phương. Ngài đã dâng cúng hết số tài sản còn lại của mình cho chương trình này.

Ngày 17/08/1658, ngài được Toà Thánh chọn làm Đại diện Tông toà cho miền truyền giáo Đàng Trong, và ngày 11/06/1660, ngài thụ phong Giám mục tại nguyện đường Dòng Thăm Viếng Paris.

Ngày 22/08/1662, ngài tới Juthia, Thái Lan. Điều ngài ưu tư và bận tâm hàng đầu là làm sao tìm ra đường hướng thích hợp trong công cuộc loan báo Tin Mừng tại Viễn Đông. Cuối năm 1664, ngài đề nghị và cùng với Đức Cha Francois Pallu triệu tập công đồng đị phương, gọi là Công đồng Juthia, gồm hai Giám mục và bốn Linh mục. Công đồng đã thảo luận và quyết định ba việc quan trọng: Lập Hội Tông Đồ, xây dựng một chủng viện chung cho cả vùng Viễn Đông và soạn thảo huấn thị gửi các thừa sai.

Huấn thị gửi các thừa sai là thành quả quan trọng nhất của Công đồng Juthi, gồm những điều chính yếu như sau:

- Các thừa sai phải cảnh giác đối với đời sống dễ dãi và nỗ lực nhiều trong đời sống cầu nguyện.

- Biết hội nhập văn hoá, nghĩa là tìm hiểu con người, phong tục tập quán địa phương, học ngôn ngữ và tránh những phương thế và thủ đoạn để tạo uy tín.

- Phải trình bày Lời Chúa với một khoa sư phạm thích hợp cho từng lứa tuổi và từng giai đoạn, nhất là tôn trọng các tôn giáo bạn.

- Trong việc tổ cức giáo xứ nên cử ra ông trùm, bà quản hoặc ông câu, ông biện để linh hoạt và điều hành cộng đoàn; cắt đặt một vài nữ hộ sinh để giúp rửa tội cho các trẻ em nguy tử, kể cả các con nhỏ của cha mẹ người ngoại giáo.

- Linh đạo đời sống thiêng liêng của các Linh mcụ địa phương phải tập trung vào mầu nhiệm Chúa Kitô chịu đóng đinh.

Huấn thị được Toà Thánh phê chuẩn năm 1669. Trong ba thế kỷ qua, văn kiện này được hàng giáo sĩ dùng làm kim chỉ nam cho đời sống và hoạt động của mình.

Sau Công đồng, Đức Cha Lambert bắt tay ngay vào việc lập chủng viện và Hiệp Hội Mến Thánh Giá, soạn thảo một bản quy luật cho họ. Trước đó, ngày 6/1/1665, ngài đã lập Hội Tông Đồ.

Từ ngày 30/8/1669 đến 14/3/1670, Đức Cha Lambert thay mặt Đức Cha Pallu kinh lý mục vụ miền truyền giáo Đàng Ngoài Việt Nam. Trong tháng 1/1670, ngài phong chức Linh mục cho 7 Thầy giảng Việt Nam và cũng ban chức cắt tóc và các chức nhỏ cho 48 thầy khác.

Ngày 14/2/1670, ngài triệu tập và chủ toạ Công đồng Phố Hiến, Đàng Ngoài Việt Nam, gồm chính ngài, ba Linh mục thừa sai Pháp và chín Linh mục Việt Nam. Nghị quyết của Công đồng gồm bốn mươi điều với những điểm chính:

- Ấn định vùng trách nhiệm cho mỗi Linh mục bản quốc.

- Xác định nhiệm vụ các thầy giảng.

- Thiết lập quỹ chung để trang trải các nhu cầu giáo xứ, giáo phận và giúp đỡ người nghèo.

- Khuyến khích các Linh mục bản xứ nuôi dạy các thiếu niên đạo đức để gửi vào chủng viện. Đây là khởi điểm của truyền thống linh tông tại Việt Nam.

- Kêu gọi các Linh mục quản xứ quan tâm đặc biệt đến các nữ tu Mến Thánh Giá.

- Kêu gọi các Linh mục quản xứ, các thầy giảng và các quý chức khuyến khích giáo dân tập suy gẫm; và giới thiệu những người thích hợp vào Hiệp Hội Mến Thánh Giá.

Công đồng Phố Hiến đã vận dụng tinh thần Công đồng Juthia vào thực tế của miền truyền giáo Đàng Ngoài và đã ảnh hưởng sâu sắc trên Giáo Hội Việt Nam từ hơn ba thế kỷ qua.

Tháng 8/1669, ngài chính thức thành lập Hội Dòng Nữ Mến Thánh Giá tại Bái Vàng - Hà Nam (nay thuộc Giáo phận Hà Nội) và Kiên Lao - Nam Định (nay thuộc Giáo phận Bùi Chu); trao cho các nữ tu này bản luật do ngài soạn thảo.

Lễ tro, ngày 19/2/1670, ngài đích thân nhận lời khấn của hai nữ tu tiên khởi Anê và Paula tại Phố Hiến, đó là ngày chính thức khai sinh Hội Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam.

Từ cuối tháng 8/1671 đến tháng 3/1672, ngài kinh ký Đàng Trong lần I và lập Hội Dòng Mến Thánh Giá ở An Chỉ (Quảng Ngãi).

Ngày 19/2/1672, ngài triệu tập Công đồng Hội An, Đàng Trong Việt Nam. Công đồng thông qua một nghị quyết gồm 10 điều liên quan tới việc công bố những sắc dụ của Toà Thánh về quyền bính các Đại Diện Tông Toà mà tất cả các tu sĩ, thầy giảng và giáo dân phải tùng phục. Công đồng xác định nhiệm vụ của các thầy giảng và ban quý chức torng giáo xứ, nhắc lại một vài quy tắc về đời sống hôn nhân, nhất là kêu gọi người tín hữu can đảm tuyên xưng đức tin ra bên ngoài chứ không chỉ giữ đạo trong lòng.

Cuối tháng 3/1672, ngài trở về Thái Lan. Ngài đã thực hiện một số công việc quan trọng:

- Thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Juthia với bản luật như ở Việt Nam.

- Cùng với Đức Cha Francois Pallu chọn Cha Laneau làm Giám mục Đại Diện Tông Toà kế vị Đức Cha Cotolendi. Cha Laneau được Đức Cha Lambert tấn phong Giám mục ngày 25/3/1674.

- Xây dựng trung tâm truyền giáo, nhà thờ và chủng viện: tất cả đều mang tước hiệu Thánh Giuse. Mối quan tâm hàng đầu của Đức Cha Lambert là đào tạo Linh mục tại chủng viện Thánh Giuse, nơi quy tụ đông đảo chủng sinh từ nhiều nước Á Châu.

Ngày 6/9/1675, ngài trở lại kinh ký Đàng Trong lần II.

Tháng 5/1676, ngài trở lại Thái Lan. Ngài nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, chăm sóc bệnh nhân và thăm viếng những người lao tù. Nhưng sức khoẻ ngài ngày một giảm sút vì bệnh đường ruột và sạn thận. Và ngày 15/6/1679, ngài đã an nghỉ trong Chúa.

Tên tuổi Đức Cha Lambert gắn liền với sự nghiệp là Đấng sáng lập Hàng Giáo Sĩ và Hội Dòng Nữ Mến Thánh Giá như hai cột trụ và công cuộc phúc âm hoá miền Viễn Đông.

Con người tinh thần

Đức Cha Lambert là một con người của Thiên Chúa và sống đức ái mục tử cách phong phú. Đặc biệt, ngài có tâm hồn chiêm ngưỡng sâu sắc, luôn quy hướng về Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh giữa những hoạt động truyền giáo đa dạng. “Hãy học hỏi Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh, đó là phương thế chắc chắn đem lại sự khôn ngoan và lòng yêu mến”. Và ngài đã chọn châm ngôn: “Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh phải là đối tượng duy nhất của lòng trí tôi”.

Lúc còn là một thiếu niên 9 tuổi tại Lisieux (năm 1633), khi suy niệm đoạn sách Gương Phước, quyển II, chương 11-12, bình giải câu Phúc Âm Lc 9,23, nói về sự vác Thập Giá mỗi ngày đi theo Chúa, ngài được ơn soi sáng để nhận thức rằng cần có một Hội Dòng gồm những người yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu. Vào tháng 8 năm 1662, lúc mới tới thủ đô Thái Lan trong tư cách Giám Mục Đại Diện Tông Toà của miền truyền giáo Đàng Trong Việt Nam, ngài tĩnh tâm 40 ngày liền và trải qua một kinh nghiệm thiêng liêng rất đặc biệt: Ngài muốn chứng tỏ một tình yêu phi thường dành cho Chúa Giêsu, muốn kết hiệp mật thiết với Người, dâng mình trọn vẹn cho Người và thông dự vào cuộc Thương Khó của Người.

Ơn soi sáng của kinh nghiệm Lisieux lại xuất hiện trong kinh nghiệm Juthia, Thái Lan, với một cường độ cao hơn, khẩn trương hơn, thúc đẩy ngài thành lập một Hội Dòng gồm những người yêu mến Thánh Giá.

Đức Cha Lambert đã lập Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế ở Juthia (1669-1670), Hội Dòng Mến Thánh Giá Đàng Ngoài Việt Nam (1670), Hội Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong Việt Nam (1671) và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan (1672).

Quả thật, Đức Cha Lambert đã được Chúa Thánh Thần chọn làm trung gian chuyển đạt ơn đoàn sủng cho Hội Dòng Mến Thánh Giá. Trong Luật tiên khởi Hội Dòng Nữ Mến Thánh Giá và bức Tâm Thư gửi cho hai nữ tu Anê và Paula, Bề trên hai tu viện Bái Vàng và Kiên Lao, ngài đã trình bày mục đích và sứ vụ của Hội Dòng:“Mục đích Hội Dòng Mến Thánh Giá là đạt tới sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Đức Giêsu Kitô, bằng việc chuyên chú suy niệm, tưởng nhớ và noi theo cuộc đời lữ thứ và hy sinh của Người”;

“Chị em Mến Thánh Giá được mời gọi thông dự vào tinh thần trung gian của Đức Giêsu Kitô và tiếp nối sứ mạng của Người, bằng việc chuyển cầu nơi nguyện đường và trong cuộc sống:

- Chị em tha thiết cầu xin ơn hoán cải cho lương dân và những tín hữu sống xa lìa Thiên Chúa, cùng xin Người tuôn đổ phúc lành trên xã hội, Giáo Hội địa phương cũng như toàn cầu.

- Chị em dấn thân phục vụ ưu tiên giới nữ, giới trẻ trong lãnh vực văn hoá, xã hội, y tế, luân lý và Đức tin”.

Như thế, không những việc sáng lập Hội Dòng Mến Thánh Giá xuất phát từ một kinh nghiệm thiêng liêng, mà cả mục đích và sứ mạng của Hội Dòng đều mang đậm nét một linh đạo, trong đó chiều kích chiêm ngưỡng là cơ bản và tất yếu dẫn tới sự dân thân tông đồ truyền giáo.

Đấng Sáng Lập đã sống đoàn sủng cách triệt để, và đề xướng ra lối sống cho con cái mình là các nữ tu Mến Thánh Giá.

Vì Thánh Giá trong mầu nhiệm Vượt Qua là đỉnh cao cuộc đời Chúa Cứu Thế và là trọng tâm của Phúc Âm, bao lâu Thánh Giá còn có ý nghĩa và giá trị đối với loài người, thì bấy lâu linh đạo Mến Thánh Giá, linh đạo xây trên tình yêu thực tiễn dành cho Thánh Giá Con Thiên Chúa, vẫn giữ nguyên vẹn ý nghĩa và giá trị, vẫn chứa đựng nguồn lực vô tận thúc đẩy Hội Dòng Mến Thánh Giá phát triển và tăng trưởng không ngừng. Thống kê năm 2003 cho thấy: 23 Hội Dòng Mến Thánh Giá tại Việt Nam, một Hội Dòng Mến Thánh Giá gốc Việt tại Hoa Kỳ, ba Hội Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan và một Hội Dòng Mến Thánh Giá Lào có tổng số thành viên khoảng 5.500 nữ tu, gồm các Tập Sinh và Khấn Sinh, trong đó số nữ tu người Việt chiếm 5.000.

Thật tuyệt vời! Đấng Sáng Lập đã có tầm nhìn chiến lược hợp lý và hữu hiệu, vì biết vận dụng nguồn nghị lực của trái tim và bàn tay của những phụ nữ tận hiến vào công cuộc xây dựng Nước Trời. Ngài là vị thừa sai vĩ đại và là một nhà tổ chức đời sống Giáo Hội tài ba.

Đức Cha Lambert de la Motte và Giáo Hội Việt Nam

Phúc Âm kể lại lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy thì bỗng dưng có người lên tiếng: “Phúc cho lòng dạ đã cưu mang thầy, và vú đã cho thầy bú!” Chúa Giêsu đáp “Những ai nghe lời Thiên Chúa và tuân giữ thì có phúc hơn” (LC 11: 27-28). Đức Mẹ Maria được chúc phúc không phải chỉ vì cưu mang Chúa Giêsu, nhưng còn vì Mẹ đã thực hành lời Chúa trong suốt cuộc đời. Trải qua bao thế hệ, lịch sử, Giáo hội đã tôn vinh nhiều vị thánh đã biết NGHE và biết SỐNG vì Lời Chúa. Họ là những anh hùng tạo nên thời thế.

Đức Cha Lambert de la Motte là một anh hùng, hay nói cách khác, một đấng thánh chưa được tôn phong. Ngài là vị đại ân nhân của dân tộc và Giáo Hội Việt Nam mà mới đây, trong kỳ họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từ ngày 5-9 tháng 9 năm 2005 tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, đã bàn về những bước tiến trong thủ tục xin phong Chân Phước cho ngài.

Cùng với Đức Cha Francois Fallu, Đức Cha Lambert là một trong hai vị Giám Mục Đại Diện Tông Tòa đầu tiên sang truyền giáo tại Việt Nam, và coi sóc chương trình truyền giáo Viễn Đông vào thế kỷ 17. Ngài chính là người Cha tinh thần của Giáo Hội Việt Nam thời sơ khai, một vị thừa sai lỗi lạc với óc tổ chức kỳ tài và tầm nhìn hiểu rộng, với tinh thần hội nhập và thích ứng vào văn hóa địa phương. Ngài tiếp tục ước vọng của cha Đắc Lộ, trong việc đào tạo các linh mục bản xứ làm nền tảng cho hàng Giáo Phẩm Việt Nam sau này. Ngài đã không bỏ lỡ cơ hội để quy tụ một nhóm trinh nữ đã bắt đầu sống đời độc thân vì Nước Trời, để lập nên tu hội nữ đầu tiên mang tên “Những người yêu Thánh Giá”. Cùng với Giáo hội trải qua hơn ba thế kỷ với những thăng trầm và thử luyện, tu hội của “Những người Yêu Thánh Giá” ngày nay chính là Dòng Mến Thánh Giá, một dòng tu mang bản chất Á Châu để phục vụ cho dân tộc và Giáo Hội Việt Nam do Đức Cha Lambert sáng lập.

B. VỀ NGUỒN MTG PHAN THIẾT

Mến Thánh Giá Phan Thiết xuất thân từ Tu viện Mến Thánh Giá Mỹ Hương (1780 – 1789) và Đấng sáng lập -Đức Cha Jean Labartette (Đức Cha An) (1744 – 1823).

I. Đức Cha Jean Labartette, Sáng Lập Tu Viện Mỹ Hương

Đức Cha Jean Labartette sinh ngày 31.1.1744, thuộc Giáo phận Bayonne (Pháp) Ngài gia nhập Hội Truyền Giáo Paris (MEP) và được cử đi truyền giáo tại Viễn Đông từ ngày 29.11.1772.

Vừa đến Huế, ngài được bổ nhiệm coi sóc Họ đạo Thợ Đúc. Theo dòng thời gian, ngài phục vụ nhiều nơi, quản xứ họ Dinh Cát, Di Loan, Cửa Tùng, Quảng Trị (1775 – 1776).

Trong thời gian các Nhà Tây Sơn, Nhà Nguyễn và Nhà Trịnh xung đột tranh chấp (1777), Vua quan Nhà Trịnh mời cha Jean Labartette vào cung để dạy về y khoa và hội hoạ, nhưng cha từ chối, cha chỉ muốn lo việc truyền giáo.

Ngài là cộng sự viên đắc lực của Đức Cha Béhaine (Bá Đa Lộc). Năm 1784 Đức Cha Béhaine đã phong ngài làm Giám mục phó. Năm 1793, Đức Cha lại phong ngài làm Giám mục hiệu hoà Véren. Ngài là vị Giám mục thứ 12 của Địa phận Đàng Trong Việt Nam.

Được hấp thụ nhiều năm trong Chủng viện Xuân Bích (Saint sulpice) ở Paris nên ngài hiểu rộng và có nhiều tài năng. Đức Cha Jean Labartette có ơn khôn ngoan đặc biệt, rất dịu dàng nhưng cương quyết. Ngài có lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Toà Giám mục của ngài đặt ở Trí Bửu, Quảng Trị.

Thời gian làm Giám mục Đàng Trong, ngài đã thành lập 15 Tu viện Mến Thánh Giá. Từ Đà Nẵng trở vào có 7 Tu viện: MTG Phú Thượng, Trà Kiều, Cù Và, Gò Thị, Gia Hựu, Làng Sông, Măng Lăng.

Tại Bình Trị Thiên có 8 Tu viện: Mỹ Hương, Kẻ Bàng, Trung Quán, Sáo Bùn, Di Loan, Bố Liêu, Nhu Lý và Phủ Cam. Mỗi Tu viện gồm 39 nữ tu, giữ luật thinh lặng cả tuần, trừ ngày thứ năm. Ngài hết lòng chăm sóc, dạy dỗ các nữ tu. Ngài đã soạn Hiến pháp Dòng Mến Thánh Giá và đã có lần xin Toà Thánh cho các nữ tu MTG có lời khấn (1808).

Ngài đã từng bị tróc nã và chịu gông cùm. Có lần người ta lầm tưởng ngài đang ở Thợ Đúc nên tìm bắt ngài, nhưng họ bắt được cha Emmanuel Triệu đang về quê thăm mẹ. Cha Emmanuel Triệu đã được hồng phúc Tử Đạo.

Đức Cha Labartette qua đời tại Trí Bửu ngày 6.8.1823.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH HỘI DÒNG

1. Tu viện Mỹ Hương- tiền thân MTGPT

Từ Tây Sơn cho đến Gia Long phục quốc, các cuộc bách hại Đạo gay gắt nên Đức Cha Jean Labartette và các cha Thừa sai Pháp phải xa kinh đô Huế. Các ngài hoạt động tại phía Bắc Quảng Trị và Quảng Bình. Trong thời gian này, với sự giúp đỡ của cha Doussain, Đức Cha Labartette đã lập tại Quảng Bình 4 Tu viện MTG: Mỹ Hương, Trung Quán, Sáo Bùn, Kẻ Bàng. (1789 – 1812):

Năm 1802 vua Gia Long trị vì, dân được bình yên, các Tu viện MTG nhờ đó cũng phát triển.

Bình an chẳng bao lâu, đạo Chúa bị bách hại khốc liệt dưới các triều vua kế vị Gia Long.

2. Sắc dụ cấm Đạo

Tháng 7.1860, Vua Tự Đức ra sắc dụ tìm bắt các nữ tu Mến Thánh Giá. Sắc dụ viết: “Bọn Công Giáo là bọn côn đồ, không thể nào mà đưa chúng về đường ngay nẻo chính được. Chúng dùng những đàn bà xấu nết mà chúng gọi là trinh nữ, là Bà Phước để giấu giếm các đồ thờ, để đưa thư từ, tin tức từ tỉnh này qua tỉnh khác. Vậy, trẫm truyền cấm đàn ông, đàn bà, con nít, không được ra khỏi làng mình; cấm ngặt không được cấp giấy thông hành cho bọn Công Giáo đi tỉnh này qua tỉnh khác. Chúng phải được ở tại làng để được kiểm soát và được cải tạo về chính lộ. Nếu còn bắt gặp đàn bà nào đi từ làng này qua làng khác thì lên án lưu đày và ở tớ trong các nhà quan”.

Sau sắc dụ này, các nữ tu đều bị giải tán. Mỗi Tu viện chỉ giữ lại một vài chị lớn tuổi. Các chị trở về gia đình nhưng nào có được yên thân. Họ thường bị lính làng doạ bắt tù, dụ dỗ kết bạn với người lương.

Cha Hoan - Thánh Tử Đạo

Trước tình cảnh chịu bách hại, việc tông đồ (rửa tội cho con trẻ) không thể tiếp tục vì không được ra khỏi làng. Đức Cha Bình (Sohier) truyền nhập hai Tu viện Sáo Bùn và Trung Quán vào Tu viện Mỹ Hương. Cha Thánh Hoan làm bề trên hai Tu viện Mỹ Hương và Kẻ Bàng. Cha hết lòng giúp hai Tu viện giữ luật Dòng và sống thánh thiện. Sau một lần thoát nạn vì bị tố giác khi đang hoạt động ở Mỹ Hương, cha lại bị bắt ở họ Sáo Bùn, và bị giam ở lao Đồng Hới. Các chị Mỹ Hương chăm lo thức ăn cho cha trong bốn tháng. Ngày 21.5.1861, cha được phước Tử Đạo và được an táng tại Tu viện Mỹ Hương. Sau này thi hài vị Tử đạo được đưa vào Huế.

Chiến lược “Phân sáp”

Ngày 5.8.1861, Vua Tự Đức ra sắc dụ “Phân sáp” truyền tất cả người Công Giáo phải khắc chữ “Tả đạo” vào má và phải phân tán vào làng người lương hoặc trại tập trung. Của cải, ruộng vườn, nhà cửa giao cho người lương quản lý. Người Công Giáo bị nhốt như trâu bò trong những chuồng lớn không mái lợp, không lá che chung quanh. Trời mưa thì nằm trên bùn, trời nắng thì ngủ trên đất khô, ban đầu có người canh gác như sau vì mệt nhọc, họ để cho người Công Giáo chết đói, chết khát và cho dân làng tự do đánh đập… (VNGS trang 321 – Phan Phát Huồn).

Năm 1862, Việt - Pháp - Tây Ban Nha ký hoà ước. Vua Tự Đức “Thu Sáp”. Giáo dân được trở về quê nhà.

Năm 1864, Đức Cha Bình đi qua Toà Thánh rồi qua Pháp để xin kinh phí về tái thiết các Tu viện. Lúc đó, toàn Giáo phận Huế có khoảng 350 nữ tu, sống trong 7 Tu viện: Kẻ Bàng, Mỹ Hương, Di Loan, Nhu Lý, Bố Liêu, Dương Sơn và Phủ Cam.

Tạ ơn Chúa vô vàn. Một chặng đường gian truân chịu bắt bớ nay Giáo Hội Việt Nam được an bình. Các thanh nữ có dịp xin vào tập tu trong các Tu viện Mến Thánh Giá. Các chị ở nhà tranh vách đất, làm ruộng, làm vườn, dệt cửi, bán thuốc tể. Cuộc sống bình dị luôn gắn với việc tông đồ như: dạy Giáo lý tân tòng, rửa tội trẻ em cận tử nhất sinh và nâng đỡ giúp cho các thiếu nữ truỵ lạc.

Phong trào Văn Thân

Năm 1885, phong trào Văn Thân bùng nổ nổi lên tàn sát nhiều tín đồ Công Giáo, đốt phá các cơ sở và tài sản của tôn giáo trong ba tỉnh Bình-Trị-Thiên. Các Tu viện Mến Thánh Giá cùng chung số phận.

Tu viện Mỹ Hương bị đốt thành tro bụi trong đêm hãi hùng 13.9.1885. May mắn có 50 nữ tu được cứu sống chạy về Sáo Bùn nhờ sự tiếp cứu của cha Héry (Cha Y).

Tháng 6.1886, Văn Thân đến tàn sát họ Sáo Bùn (Compte rendu de Huế 1886 tr. 103-105). Giáo dân và các nữ tu chạy tán loạn, bơ vơ, hết sức khổ sở. Trước tình cảnh này, Đức Cha Lộc (Gaspar) cho cất vài ngôi nhà tranh tại Kim Long và truyền cho các nữ tu Bố Liêu, Nhu Lý, Mỹ Hương về đó ở. Đức Cha truyền dạy cho cha Gioan (Gros Jean) ở trong chùa làng làm bề trên để lo cho các nữ tu Mến Thánh Giá. Người ta gọi đó là “Tu viện Mến Thánh giá lâm thời Kim Long” (Compte rendu de Huế 1914).

3. Tu viện Tam Toà

Sau cơn hoạn nạn Văn Thân (1885 – 1886), Đức Cha Louis Gaspar cử cha Bonnin (1841 – 1917) lập trại định cư gần cửa Đồng Hới - Quảng Bình cho giáo dân Sáo Bùn, Sao Cát trên và Sao Cát dưới sinh sống. Trại định cư này lấy tên Giáo xứ Tam Toà.

Cũng trong thời gian này (1888 – 1889) Đức Cha thành lập Tu viện Mến Thánh Giá tại Tam Toà gần nhà thờ lớn, và truyền cho các nữ tu Mỹ Hương rời Kim Long ra ở Tam Toà. Từ đó, Tu viện được các cha thừa sai lần lượt nhiệt thành chăm lo dạy dỗ. Cha Bonnin, cha Cadière, cha Darbon, cha Henry Huề, cha Morineau. Cơ sở cũng được xây cất thêm sáu ngôi nhà ngói đủchổ cho 40 nữ tu cư trú cùng một số tập sinh, thỉnh sinh và đệ tư. Ơn gọi ngày MTG ngày càng đông thêm.

Thời gian đầu, các chị chỉ biết đọc, biết viết tạm đủ để giúp dạy giáo lý cho dự tòng, thăm viếng và bán thuốc tể. Nhưng từ năm 1945 trở đi, nhờ các linh mục tích cực giúp đỡ, các chị đi học để có thể theo kịp đà tiến của xã hội.

Thị xã Đồng Hới, chạy dọc theo bờ sông Nhật Lệ, thời bấy giờ là nơi trú đóng của người Pháp, nên có đầy đủ các cơ sở lớn như nhà thờ, trường học, bệnh viện, phố chợ… dân cư tập trung đông đúc để sinh sống. Được giúp đỡ, khích lệ nâng cao văn hoá, các chị già chị trẻ đều cố công đèn sách, thi cử để lấy bằng sơ học, tiểu học, trung học…, và tham gia cả trong ngành y tế, phục vụ trong các trạm xá, bệnh viện. Các chị đã rửa tội được rất nhiều trẻ em yểu mệnh và giúp bệnh nhân dọn mình chết lành trong bệnh viện.

Tại các Giáo xứ, ngoài công tác mục vụ như dạy giáo lý, tập hát, thăm viếng… các chị còn điều hành và đứng lớp trường tiểu học tư thục nơi môi trường phục vụ. Trong khuôn viên Tu viện cũng có một trường tiểu học khá lớn.

Các chị đã phục vụ các họ đạo: Tam Toà, Trung Quán, Sao Cát, An Định, Đại Phong, Cửi, Hoà Luật Nam, và cô nhi viện tại Đồng Hới.

4. Tu viện Tam Toà di cư vào Nam

Tháng 7.1954, sau Hiệp định Genève (20.7.1954), Đức Cha J.B Urrtia Thi (1901 – 1979) Bề trên Địa phận đưa các chị vào Huế.

Như Thánh Cả Giuse bỏ lại tất cả cơ ngơi gầy dựng từ hai bàn tay trắng ở Ai Cập để trở về Nazareth theo Thánh Y Chúa, các chị đã bỏ lại tất cả cơ đồ gầy dựng trên 65 năm (1888 – 1954). Ra đi, mang theo nỗi âu lo sợ hãi. Phía trước là mịt mù như Giuse đưa Mẹ và Hài Nhi ra đi trong đêm tối sang Ai Cập. Chị em lên đường với tất cả niềm tin và phó thác nơi Thánh Cả. Một số chị em theo giáo dân Tam Toà, dưới sự hướng dẫn của cha Chánh xứ Simon Hoàng Văn Tâm, các cha phó F.x Trần Văn Cần và Jos. Đỗ Bá Ái theo đường biển vào Đà Nẵng. Một số khác lênh đênh trên những thuyền buồm thô sơ trôi vào Cửa Việt, tá túc ở Đông Hà. Mãi tới đầu tháng 9.1954 các chị mới họp mặt đông đủ tại Huế, tạm trú tại Tu viện Phú Cam đợi quyết định của Đức Cha.

5. Tu viện Thanh Tân

Giáo phận Huế thời bấy giờ có họ đạo Thanh Tân được thành lập vào cuối thế kỷ XIX, toạ lạc dưới chân núi, cách Huế chừng 20 km về phía Đông Nam. Trong giáo xứ có một cô nhi viện trực thuộc quyền Giáo phận. Thời đó cô nhi không còn bao nhiêu và cũng đã khôn lớn nên Đức Cha cho các chị về cư trú tại đó trong hai ngôi nhà cổ còn khá vững chắc. Chị em khăn gói lên đường đi về nhà mới.

Sau những ngày gian nan khốn khổ đầy hồi hộp lo âu, chị em được dừng chân trong không khí trong mát thanh bình của miền sơn cước. Tạ ơn Chúa! Một cuộc đời mới lại bắt đầu!

“Vạn sự khởi đầu nan” cần phải “có chí thì nên”. Chấp nhận vất vả khó nhọc, chị em khích lệ dìu dắt nhau vượt khó, tự tay xây dựng hạnh phúc đời dâng hiến trong môi trường mới nơi Tu viện “Tam Toà, Thanh Tân”.

Những ngày đầu ở Thanh Tân thật khốn khổ! Chưa quen thuỷ thổ, việc làm, lại thiếu ăn (có ngày đói quá ăn nhằm lá cây dại nằm ngơ ra cả nhà, trừ vài chị lớn không ăn) nhưng chị em vui vẻ thương yêu nhau. Bầu khí Tu viện luôn đầm ấm và lành thánh.

Chiến tranh tan tác đó đây, lại thêm cư trú nơi xa xôi hẻo lánh không phương tiện đi lại, chị em Tu viện Thanh Tân lo ngại không có tương lai. Nhưng Chúa thương lắm, dù ly loạn cực khổ vẫn còn có một số tập sinh - đệ tử quảng đại theo Chúa, không ngại khó khăn, không sợ lạc xa gia đình, trung kiên theo các chị lớn di cư vào Nam. Nhờ đó số sinh hoạt Tu viện, dù trong hoàn cảnh bất thuận vẫn được tiếp diễn đúng thời hạn.

Tháng 6.1955, bốn tập sinh dấn thân vào Lời Hứa Dòng trong Thánh lễ trang trọng thánh thiện tại nhà thờ giao xứ Thanh Tân. Sự kiện này đã thổi luồng sinh khí mới, mang lại niềm vui dào dạt cho giáo dân lần đầu trong đời được tham dự.

Chị em chia nhau từng nhóm tìm nơi phục vụ. Các linh mục quản xứ sẵn sàng tiếp nhận. Chỉ sau hai năm định cư tại Thanh Tân, Tu viện đã dấn thân phục vụ, hướng về truyền giáo.

- Một cộng đoàn với 10 nữ tu tại An Lỗ, giáo xứ Bồ Điền. Các chị vừa phục vụ giáo xứ vừa điều hành một trường tiểu học Tư Thục Tương Lai Bồ Điền. Cộng đoàn này cách Tu viện 8 km, gần với dân phố thị và cách Huế 12 km. Cộng đoàn được xem như trạm liên lạc giữa Tu viện với các cộng đoàn nhỏ khác (vì không có phương tiện lên Thanh Tân ngoài đi bộ và gồng gánh).

- Các cộng đoàn khác gồm có: Cây số 17, Phong Nguyên, Lai Hà, Đông Hồ, Bát Vọng, Ưu Thượng, Hoà Mỹ, Dòng Chúa Cứu Thế, Thiên Loại, Phú Bài, Loan Lý, An Hảo, Sao Cat, Sơn Công. Tất cả đều thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Đời sống phục vụ - hiến dâng vì Nước Trời của chị em trong các cộng đoàn đã khơi mở nhiều tâm hồn thiếu nữ muốn dâng mình cho Chúa trong đời tu. Chỉ ít năm sau, số đệ tử tăng nhanh. Vì thế năm 1960, Tu viện xây thêm một dãy nhà làm các lớp học cho đệ tử. Dù ở nơi thâm sơn cùng cốc nhưng đệ tử Thanh Tân được các cha chuyên trách giới trẻ của Giáo phận, đặc biệt cha Bính, cha Trung và các cha Dòng Chúa Cứu Thế tận tâm giúp đỡ tĩnh tâm, giảng dạy. Các cha thường xuyên thăm viếng uỷ lạo các em trung thành với ơn gọi.

6. Chuẩn bị nhân sự

Sinh sống ở vùng sâu vùng xa, tuổi trẻ khó có điều kiện học hành thi cử kịp thời. Các Bề trên đang lo âu thì Chúa Quan Phòng đã sắp xếp. Năm 1962, Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục, Tổng Giám mục Giáo phận Huế quyết định thi hành chương trình hiệp nhất và canh tân 6 Tu viện Mến Thánh Giá Huế. Vì từ khi được thành lập đến năm 1962, các Tu viện Mến Thánh Giá đều độc lập, tử quản.

- Chương trình quan trọng này được khởi sự bằng việc tuyển chọn mỗi Tu viện hai chị đi thụ huấn, làm tập sinh theo giáo luật dưới sự hướng dẫn của Dòng Đức Bà tại Couvent des oiseaux Đà Lạt. Tu viện Thanh Tân đã cử hai chị: chị Madeleine Thái và chị Matta Loan.

- Việc hiệp nhất tiếp theo là tập trung các đệ tử 6 Tu viện về Toà Khâm Mạng Huế để học tập. Thế là nỗi lo âu của các Bề trên Tu viện Thanh Tân được giải quyết tốt đẹp.

Cộng đoàn Vinh thanh

- Cũng trong thời gian này, hai chị Tu viện Thanh Tân được cử đi lập sở công nghiệp nước mắm tại Vinh Thanh, Bình Tuy.

7. Tu viện Xuân Long

Cuối năm 1963, giao thông từ Thanh Tân về An Lỗ rất khó khăn. Việc liên lạc các chị em tại các cộng đoàn và Tu viện Thanh Tân bị bế tắc trầm trọng. Lại một vấn đề lo âu trăn trở! Ngày đêm cầu nguyện tìm thánh ý Chúa.

Đến cuối năm 1964, sau khi đã sang được ngôi nhà hưu của cha Thọ trong giáo xứ Kim Long – Huế và được phép của Đức Giám mục Giáo phận, chị em lại một lần nữa khăn gói lên đường về nơi ở mới.

Và từ đó, một lần nữa, giấy khai sinh được làm lại với tên mới là Tu viện Mến Thánh Giá Xuân Long. Tại đây, chị em chen nhau trong một ngôi nhà nhỏ giữa khu vườn cây lộn xộn, thiếu người chăm sóc của Giáo phận. Chị em lúng túng và bất ổn, vì hấu hết các nữ tu đều có tuổi gần 70 trở lên và sức khoẻ không tốt. Chị Tu viện trưởng Cat. Hồ Thị Khánh phải xây vội một ngôi nhà cho các chị hưu dưỡng. Sau đó phải xây một ngôi nhà Nguyện cho chị em về bồi dưỡng và tĩnh tâm hàng tháng và dịp hè. Dần dần phòng cơm, nhà bếp cũng được cất lên khang trang sạch sẽ.

8. MTG Thừa sai - Huế

Ngày 7.6.1965, số chị em được tuyển đi thụ huấn theo giáo luật ở Đà Lạt Tuyên khấn Lần Đầu. Đây là ngày vui lớn, ngày chính thức khai sinh Dòng Mến Thánh Giá Thừa Sai - Huế. Cũng từ hôm nay, Tu viện Xuân Long và 5 Tu viện MTG trong Giáo phận đều trực thuộc ban điều hành mới của Dòng theo đường hướng canh tân hiệp nhất.

9. Cô nhi viện Trinh nữ – Bình Tuy, tiền thân của Nhà Mẹ

Năm 1967, tại Bình Tuy có nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngoài đường và nhiều cô nhi lạc mất cha mẹ do chiến tranh ở các vùng lân cận. Hai chị ở sở Nước Mắm Vinh Thanh đã nhận nuôi các em.

Thấy Dì – cháu chật vật trong ngôi nhà gỗ vừa hẹp vừa nặng mùi nước mắm, cha J.B Trần Ngọc Thuỷ đã biếu tặng ngôi nhà gỗ và phần thổ cư tại Tân Tạo để xây nhà cho cô nhi.

Cộng đoàn Tân Tạo

Thời điểm này, cộng đoàn An Lỗ, Bồ Điền ở Huế ngưng hoạt động vì chiến tranh, nên chị …. Viện trưởng cho phép Tu viện Tam Toà – Xuân Long tăng cường nhân sự vào Bình Tuy để vừa nuôi dưỡng cô nhi vừa điều hành trường Tiểu Học Tư Thục Tương Lai - Tân Tạo. Cơ sở này được xây dựng ngay trong khuôn viên cô nhi viện (Đây là tiền thân của Nhà Mẹ Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết 1983).

10. Biến cố Mậu Thân

Cuộc sống đang từng bước tăng triển tại Huế cũng như Bình Tuy, thì biến cố Mậu Thân bùng nổ. Tu viện Tam Toà – Xuân Long lại phải chạy loạn tránh bom đạn. Sau hơn một tháng, chị em lại trở về Xuân Long sinh hoạt như trước.

Năm sau (1969), vì nhu cầu trẻ em trong xứ và dân di cư tập trung về Xuân Long khá đông, các chị mở một trường Ký nhi viện ngay trong khuôn viên Tu viện, mang lại nhiều ảnh hưởng tốt trong xứ.

Sau biến cố Mậu Thân, thành phố Huế trở lại nhịp sống bình thường. Các Tu viện Mến Thánh Giá của Giáo phận tiếp tục hăng say thực hiện chương trình canh tân và hiệp nhất.

Cộng đoàn Võ Đắt

Hè 1971, theo lời mời nhiều lần của Đức Giám mục Nha Trang (Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận), chị Tổng viện trưởng đã cử bốn chị Xuân Long vào phục vụ tại giáo xứ Võ Đắt. Thế là Bình Tuy đã có 3 cộng đoàn: Võ Đắt, Tân Tạo, Vinh Thanh (Tất cả các chị đều thuộc Tu viện Tam Toà – Xuân Long).

11. Chiến tranh ly loạn

Tháng 3.1975, chiến tranh lại bùng nổ ở Quảng Trị, Thừa Thiên. Các chị em Mến Thánh Giá phải theo dòng người di tản tránh bom đạn vào Đà Nẵng, rồi đi dần vào Nam. Mọi người tán loạn, tuỳ tiện theo hoàn cảnh, không đi chung với nhau được.

Sau biến cố 30.4.1975, trong dòng người về lại quê cũ, một số đông chị em Mến Thánh Giá Huế đã dừng chân tại Cô Nhi Viện Trinh Nữ – Bình Tuy. Hầu hết các chị gốc Tam Toà – Xuân Long và một số chị thuộc các Tu viện khác đã xin ở lại Cô Nhi Viện vì nhà cửa ở Xuân Long đã bị hư hại nặng nề.

12. MTG Huế - Tân Tạo

Đã hết chiến tranh, hoà bình tái lập, tự do đã về với dân Việt. Cô nhi viện Bình Tuy là nơi ‘đất lành chim đậu”. Các chị bắt đầu một đời sống trong môi trường mới và xã hội mới.

Nhà nước tiếp quản các cô nhi viện. Một thời gian họ đã laị cơ sở cô nhi viện cho các nữ tu. Từ hai dãy lớp học của trường tiểu học và một nhà lầu một tầng, các chị sắp đặt thành cơ sở của một cộng đoàn lớn của Mến Thánh Giá Huế tại Bình Tuy để tiếp tục đời sống tu trì.

Từ đây, chị em chia nhau thành nhóm nhỏ đi tìm đất tốt để gieo hạt giống tin mừng. Những mãnh đất đầu tiên mà các nữ tu gieo hạt là các giáo xứ: Bồ Câu, Châu Thuỷ, Động Đền,Võ Đắt. Các cộng đoàn nhỏ luôn liên lạc với cộng đoàn lớn Tân Tạo. Cộng đoàn Tân Tạo liên lạc với Nhà Mẹ Huế. Nhà Mẹ Huế luôn quan tâm, khi có thể, đi kinh lý, thăm viếng các cộng đoàn ở Bình Tuy.

Phần chị em tại Bình Tuy, dù thiếu thốn, vất vả vật chất lẫn tinh thần, nhưng vẫn cố gắng trung thành với đời sống thánh hiến và sứ mạng làm chứng nhân Tin Mừng giữa môi trường sống trong xã hội mới. Cụ thể như nỗ lực khắc phục mọi khó khăn về thời gian và không gian để gieo trồng Lời Chúa ngay trên nông trường. Gốc mít, gốc xoài là điểm hẹn lý tưởng cho những tâm hồn khao khát Lời Hằng Sống. Nhát cuốc, đường cày là nhịp điệu cho ca khúc giáo lý. Nương rẫy là nơi nghỉ ngơi cho đoàn chiên bơ vơ lạc lõng. Cố gắng tuy nhỏ bé và thiếu quy mô nhưng thoả đáp phần nào nỗi khắc khoải của con cái Chúa trong hoàn cảnh không thuận lợi.

Ngoài công tác mục vụ, chị em đã nhanh chóng hội nhập với cuộc sống qua công việc tay chân vất vả. Nhờ chia sẻ với người lao động, chị em khám phá thêm ý nghĩa đời Dâng Hiế. Trở nên chứng nhân Tin Mừng chính là dấn thân xây dựng Nước Trời trong mọi hoàn cảnh với lòng khiêm tốn, phục vụ quên mình.

Chúa đã chuẩn bị cho một Hội Dòng Mới với nhân sự sẵn gồm có: Chị Tu viện trưởng Catherine Hồ Thị Khánh, chị Thư ký Madeleine Nguyễn Thị Thái; các chị lớn đã từng làm trưởng cộng đoàn và một số ít chị trẻ mới khấn. Sinh hoạt đời tu nơi đây, tuy chỉ là một cộng đoàn, nhưng đã trưởng thành về tổ chức cũng như đời sống thiêng liêng.

Cộng đoàn cũng được Cha Chính J.B Lê Xuân Hoa và Cha Phêrô Phạm Tiến Hành giúp đỡ. Hè 1976, vào ngày mồng 2.7, đã có lễ Khấn trọng tại nhà thờ Tân Tạo do Đức Cha Nicolas chủ tế. Thời gian tạm trú, mỗi dịp khấn, chị em tuyên thệ trong tay chị Tổng ở Huế vào hoặc là uỷ nhiệm cho chị Tu viện trưởng Catherine Khánh.

Với sự ưng thuận của Hội Đồng Dòng ở Huế, cộng đoàn được chính thức mở tập viện và cử hành Tu nghị bầu nhiệm chị Cat. Khánh là Tu viện Trưởng và chị Mad. Thái là thư ký.

Đời sống hiền hoà, chân chất, nhiệt htành lo việc Chúa và hoà đồng của chị em đã thu hút được nhiều ơn gọi.

Với sức vóc lớn nhanh của một thiếu nữ, Cộng đoàn MTG tại Tân Tạo có khả năng để tự lập một gia đình mới.

III. ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN

1. Gia nhập Giáo Phận Phan Thiết

Nhận thấy việc liên lạc với Nhà Mẹ Huế quá xa xôi, nhiều khó khăn, Đức Cố Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền đã viết thư cho Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi, Giám mục Giáo phận Phan Thiết để xin cho số nữ tu Mến Thánh Giá Huế tại Bình Tuy được làm con cái của Giáo phận Phan Thiết.

Sau khi bàn với Cha Chính Giáo phận (Đức Ông G.B Lê Xuân Hoa), Đức Cha Nicolas chấp nhận yêu cầu của Đức Cha Philipphê.

Năm 1983, nhân dịp đi Rôma, Đức Cha Nicolas đến thăm Bộ Truyền Giáo để trình bày về cộng đoàn nữ tu trên và nguyện vọng của Đức Cha Philipphê.

Toà thánh đã chấp thuận, Đức Cha Nicolas nhận Quyết Định số 5105/83 ngày 29.10.1983 của Thánh Bộ Phúc Âm Hoá Các Dân Tộc, về việc: chấp thuận theo yêu cầu của Đức Giám mục Phan thiết nhận chị em Tu viện Mến Thánh Giá Thừa sai Huế, Bình Tuy sống vĩnh viễn và phục vụ suốt đời tại Giáo phận. Đây chính là sinh nhật của Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết.

Cây thập giá trồng ở VN đã nở thêm bông hoa thứ 23. Đại Gia Đình Mến Thánh Giá Việt Nam đón nhận thêm người em thứ 23.

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, với lòng tri ân Đức Cố Philipphê, Đức Giám mục Nicolas, Hội Dòng MTG Huế, các Bậc Tổ Tiên, các Cha và quý vị ân nhân… cộng đoàn Nữ tu Mến Thánh Giá Huế tại Hàm Tân hân hoan đón nhận hồng ân làm con Giáo phận Phan Thiết, trở nên HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ PHAN THIẾT.

2. Ngày Ghi nhớ

Ngày 17 tháng 4 năm 1984 Đức Giám mục Phan Thiết ra Quyết định số 17 thiết lập theo Giáo Luật Tu viện Mến Thánh Giá Phan Thiết. Từ ngày đó, Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết được Đức Cha và các Cha trong Giáo phận quan tâm ưu ái, chan hoà khích lệ. Niềm lưu luyến tình Huế đã phôi phai dần, phần lớn trái tim giờ đây dành cho Phan Thiết thân yêu.

3. Cha Tuyên Uý

Với tình thương mục tử, Đức Cha chỉ định cha Phêrô Phạm Tiến Hành chính thức làm Tuyên Uý của Hội Dòng. Đức Ông JB Lê Xuân Hoa, cũng đồng hành với Cha Tuyên Uý giúp đỡ rất nhiều cho chị em.

Cha Tuyên Uý lên chương trình Tu đức cho Hội Dòng và chương trình học Thần học cho các chị trẻ, các đệ tử. Cộng tác với cha có Cha Clément Dòng Châu Thuỷ, cha quản xứ Bồ Câu Trắng (Đức Cha Phaolô sau này).

Dù phải giảng dạy và nghỉ trưa trong một căn phòng, nhưng các cha giáo sư không quản ngại, vẫn đều đặn tận tình dạy dỗ, khai thông đời sống tu trì cho con cái trong hoàn cảnh khó khăn.

4. Tổng Tu Nghị thứ 3 tại Hàm Tân – tháng 3.1985

Chị Tu viện trưởng Catarina Hồ Thị Khánh, một vị Bề trên khả kính khả ái, đã lèo lái con thuyền Hội Dòng vượt qua bao sóng gió suốt một chặng đường dài. Nhiều lần tái nhiệm nhưng chị em vẫn ước ao được chị cầm lái con thuyền.

Tháng 3.1985, như mẹ hiền an tâm vì con cái đã yên bề nơi ăn chốn ở, chị đệ đơn xin nghỉ hưu vì sức khoẻ. Tổng Tu Nghị được cử hành vào ngày 17.3.1985 và chị Anê Nguyễn Thị Quý đã được cử lên thay chị Catarina Hồ Thị Khánh.

Chị Tổng Anê Quý,trẻ tuổi, tinh thần mới, giao tiếp rộng, năng nổ đã đẩy mạnh sức sống Hội Dòng vươn lên. Chị sắp xếp, tu sửa, nới rộng các phòng dãy nhà trệt bên trái nhà lầu để phòng cơm, nhà bếp được thông thoáng hơn. Chị thay đổi phòng Nhà Nguyện rộng rãi hơn và đã khá đông người trong Tu viện.

5. Nâng cao văn hoá

Tái nhiệm vào ngày 18.3.1989, chị Tổng Anê Quý lưu tâm đến việc nâng cao văn hoá, mở rộng kiến thức cho chị em trẻ. Chị khích lệ và tạo điều kiện cho chị em học Bổ túc tại Hàm Tân và sau đó tại Thành phố Hồ Chí Minh, bất kể điều kiện tạm trú và đời sống không dễ! Mỗi khi có cơ hội học hỏi chị sẵn sàng cho các chị em tham dự, dù phải đi vào Sài Gòn… Đây là thời gian bộ mặt Hội Dòng chuyển đổi khởi sắc từ từ.

6. Đồng hành truyền giáo với giáo phận

Dạy Giáo lý cho thiếu nhi, người lớn, dự tòng, phục vụ Phòng Thánh, giúp ca đoàn, các hội đoàn, thăm viếng và trao Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, mở lớp xoá mù chữ tại gia đình cho trẻ thất học để các em có thể học Giáo lý… là những công tác chị em đã từng quen thuộc và sẵn sàng thực hiện trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Với tinh thần phục vụ sẵn có, ngoài các cộng đoàn do thời cuộc tạo nên, chị em sẵn sàng lên đường góp mặt tại các giáo xứ mới khi có sự chỉ đạo của Đức Cha và yêu cầu của các Cha quản xứ. Khởi đầu chiến dịch Lên Đường với cộng đoàn Tinh Hoa, Cù Mi, Vinh Tân…

Theo dòng thời gian, các chị không còn làm nông nghiệp nữa. Các chị làm việc trong các lãnh vực: giáo dục, y tế, xã hội…

7. Thử nghiệm Hiến Chương mới

Vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, luồng gió Chúa Thánh Linh thổi mạnh trên Tổng Giáo phận Thành phố Sài gòn, nhiều sinh hoạt tôn giáo khởi phát, trong đó có chương trình trở về nguồn và làm Hiến Chương mới của Đại Gia Đình Mến Thánh Giá Việt Nam. Với tâm thức cầu tiến, chị em Mến Thánh Giá Phan Thiết hăng hái học tập, tham khảo dự thảo Hiến Chương mới để canh tân đời sống tu trì.

Ngày 14.9.1991, Đức Giám mục Giáo phận Nicolas cho phép thử nghiệm Dự thảo Hiến Chương trong vòng chín năm.

8. Tổng tu nghị lần 5

Ngày 14.9.1991, chị Mad. Nguyễn Thị Thái đã được bầu làm Tổng phụ trách trong Tổng Tu Nghị lần thứ 5 tại Hàm Tân.

Với tài đức và nhiều kinh nghiệm, Chị tổng đã phát triển Nhà dòng nhiều mặt, đặc biệt là giúp các cộng đoàn thiết lập các Nhà trẻ – Mẫu giáo.

Hàng năm, Hội Dòng chọn một số chị em đi học nghiệp vụ ở Sài Gòn cũng như tại địa phương để việc giáo dục được thức thời và đạt kết quả cao.

Nhu cầu phục vụ bệnh nhân cũng được quan tâm nhiều vào lúc này. Số chị em được gởi theo học trường Trung cấp y tế.

9. Xây Nhà Nguyện

Năm 1994, nhân sự tăng lên nhanh. Các phòng ốc cần thiết đều chật chội và xuống cấp, Hội đồng Dòng quyết định xây thêm nhà.

Được sự chấp thuận của Đức Cha, đầu năm 1994, chị Tổng Phụ Trách Mad. Nguyễn Thị Thái đệ đơn xin phép nhà nước xây Nhà Nguyện. Tưởng phải đợt ít nhất một năm sau mới hy vọng nghĩ đến việc tiến hành, nhưng ngày 15.9.1994, Đức Cha Nicolas đã chủ sự Lễ đặt viên đá Nhà Nguyện cho Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết. Thánh lễ long trọng với sự hiện diện của rất nhiều các Cha trong Giáo phận, và giáo dân Tân Tạo cùng các xứ lân cận đến chung lời cầu nguyện cho công trình xây dựng Nhà Nguyện.

Ngày 8.6.1995, Hội Dòng MTG Phan Thiết hân hoan khánh thành Nhà Nguyện.

10. Xây Nhà Hưu

Đã đến lúc phải có nơi nghỉ ngơi yên tĩnh cho các chị lão thành, vì thế trong thời gian làm Nhà Nguyện, Chị Tổng Mad đã cho tiến hành xây nhà hưu luôn thể. Ngôi nhà được hoàn thành ngày 8.12.1995.

11. Mở rộng kiến thức

Ý thức rằng nâng cao hiểu biết là điều kiện thiết yếu để phục vụ có hiệu quả. Hằng năm, Hội Dòng dành riêng tuyển chọn một ít chị em tiến lên Đại học, ngành nghề và học Thần học Liên Dòng.

Vì ở xa trung tâm văn hoá đạo đời, nên hầu hết chị em khấn trẻ phải thiếu thốn về mặt thần học cơ bản. Để giải quyết vấn đề khẩn thiết này, hè 2000, Chị Phó Tổng phụ trách Anna Nguyễn Thị Tứ, Trưởng ban huấn luyện của Hội Dòng đã tổ chức khoá bồi dưỡng thần học hè tại Nhà Mẹ trong 6 năm. Nhờ đó, tất cả các chị khấn trẻ đều được học đầy đủ.

12. Phê chuẩn Hiến Chương

Sau 9 năm thử nghiệm, ngày 14.9.2000, Đức Giám mục Nicolas đã phê chuẩn Hiến Chương mới cho Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết.

13. Xây nhà: “Tập Viện”

Các chị khấn, tập sinh, đệ tử mỗi ngày một đông và ở chung trong một nhà nên việc huấn luyện gặp nhiều khó khăn. Vì thế, vào những năm cuối nhiệm kì thứ 2, Chị Tổng phụ trách Mad. Thái đã tiến hành xây Tập viện.

Đầu niên khoá 2000 – 2001, các tập sinh hân hoan đi về “Nhà của mình”.

14. Xây nhà học viện và đệ tử

Ngôi nhà lầu một tầng không đủ vào đâu cho các chị khấn cũng như đệ tử mỗi khi tập trung về bồi dưỡng học tập. Vì thế, sau khi tái cử nhiệm kì thứ 3, mặc dầu vai đã nặng nề vì trách nhiệm,, Chị Tổng phụ trách Mad. Thái với sự khích lệ của chị em lại khởi công xây thêm ngôi nhà lầu một tầng đối diện với nhà hưu cho các chị học viện và đệ tử.

Niên khoá 2002, chị em lớn nhỏ vui mừng có ngôi nhà mới.

Từ đây, phòng ốc cần thiết đã tạm đủ cho chị em, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, hàng năm, thay nhau theo phiên, theo lớp về Nhà Mẹ họp mặt, bồi dưỡng đời sống đức tin và tu trì để có thể sống đời dâng hiến thánh thiện và phục vụ hiệu quả hơn.

15. Xây nhà lưu xá nữ sinh Trung học.

Từ nhu cầu các em nữ sinh từ các vùng sâu vùng xa về Thị xã học tập, các bậc phụ huynh không an tâm khi gởi con gái mình ở trọ bên ngoài. Năm 2004, Hội dòng đã xây dựng dãy nhà lưu xá khang trang gồm 1 trệt 2 lầu. Mỗi năm đón nhận 150 học sinh từ các miền quê nghèo xa xôi đến trọ học.Vừa góp phần giáo dục thanh thiếu nữ vừa khơi dậy những mầm non Ơn gọi từ đây.

IV. ĐỒNG HÀNH TRUYỀN GIÁO CÙNG GIÁO PHẬN

1. Đống hành truyền giáo

Dòng MTGVN “là dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Đông, có lời khấn, sống thành cộng đoàn theo một bản luật, trực thuộc đấng bản quyền sở tại và hướng về việc truyền giáo... (x.Niên Giám GHCGVN 2004, trang 388-391).

Dòng MTGPT luoân luoân thể hiện ước vọng của Đấng Sáng Lập là: “Cộng tác với Đấng bản quyền sở tại để rao truyền và làm chứng nhân cho Chúa Giêsu Chịu-Đóng-Đinh”. Ơn gọi đó gắn liền người Nữ Tu Mến Thánh Giá với Giáo Phận và Giáo xứ, nơi chị em đang sống và phục vụ. Đặt chân đến bất cứ miền đất nào, chị em luôn kiếm kế để tồn tại và duy trì đời sống cộng đoàn theo tinh thần Đấng Sáng Lập. Với thời gian, các Nữ tu đã mở rộng ra nhiều lãnh vực để đáp ứng những nhu cầu cần thiết của xã hội và Giáo Hội về mục vụ, văn hóa, các hoạt động xã hội và lãnh vực lãnh vực y tế.

Phát xuất từ kinh nghiệm thiêng liêng về Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh, lòng yêu mến Thánh Giá Chúa Giêsu đã trở thành một động lực chi phối mọi sinh hoạt từ nội tâm đến Giáo Hội và xã hội của Đức Cha. Ngài đã được Chúa Thánh Thần chọn làm trung gian chuyển đạt ơn Đoàn sủng cho Dòng Mến Thánh Giá, một Linh Đạo tập trung vào Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh để hy sinh phục vụ anh chị em đồng loại.

Với xác tín “Đức Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”, các Nữ tu đã dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, dấn thân vào các cứ điểm truyền giáo ở mọi miền đất nước để tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Chúa Kitô.

Ngay những ngày đầu khi mới thành lập, các Nữ tu hoàn toàn không có tu phục, ăn mặc giống như những người miền quê chất phác. Các chị không chỉ giúp Cha xứ trong việc mục vụ, dạy giáo lý, nhưng còn là những bạn thân của các tín hữu vì đã đồng hành với họ trong các công việc hằng ngày với đủ ngành nghề. Bên cạnh đó, các Nữ tu còn đóng vai những thầy thuốc và chăm sóc những người ốm đau. Vì thế mà người ta thường gọi các chị bằng một cái tên tuy mộc mạc nhưng rất thân thương “Bà-Phước”.

Trung thành với tâm nguyện của Đức Cha Lambert, các Nữ Tu đến với những phụ nữ lỡ lầm để an ủi và giúp họ phục hồi nhân phẩm, trở về với cuộc sống bình thường. Các chị đặc biệt để ý đến việc thăng tiến phụ nữ, một điều chưa hề có trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Các Nữ Tu Mến Thánh Giá thuộc nhóm phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam biết chữ Quốc Ngữ, đã giúp cho nhiều thế hệ tại miền quê biết đọc, biết viết, góp phần rất lớn trong việc tạo nên những nhân tài cho dân tộc và Giáo Hội sau này ( Phạm Đình Khiêm, sđđ, tr. 40-41;TĐCG số 33 tr. 108).

Tinh thần của Đức Cha Lambert đã theo những dấu chân truyền giáo của chị em Mến Thánh Giá vào khắp nẻo đường quê hương và thấm sâu vào tâm hồn dân Việt. Đời sống Tông đồ của chị em được đặt nền tảng trên tinh thần cầu nguyện và sự hy sinh khổ chế, để cho dù đến bất cứ phương trời nào, sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, chị em luôn theo gương Chúa Kitô Chịu-Đóng-Đinh và Phục-Sinh, dấn thân phục vụ Giáo hội địa phương với niềm xác tín rằng tình yêu dành cho Chúa Kitô trên Thánh Giá sẽ luôn luôn dẫn đến Vinh Quang. Per Crucem ad Lucem.

V. HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI

Hành trình 25 năm với bao thăng trầm của Hội Dòng luôn gắn liền với những sự kiện lịch sử Dân tộc, lịch sử Giáo hội Việt nam.

Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết nay đã trưởng thành mọi mặt. Nhân sự: 123 khấn trọn. 115 khấn tạm. 50 tập sinh, 37 tiền tập, thanh tuyển 96, dự tu 96. Hội Dòng dấn thân phục vụ trong 46 cộng đoàn phục vụ trong giáo phận và 10 cộng đoàn phục vụ ngoài giáo phận.

Trong lời cám ơn, Chị Anna Nguyễn Thị Tứ đã bày tỏ tâm tình:

Mừng Ngân Khánh Thành Lập Hội Dòng ( 1983 – 2008),chúng con đong đầy niềm tri ân cảm tạ.

- Tạ ơn Thiên Chúa đã đưa chúng con vào hiện hữu.

- Tạ ơn Thiên Chúa đã yêu thương gìn giữ đến hôm nay và mãi mãi về sau.

- Tri ân Đức Cha Lambert de la Motte, Đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá, đã mở đường cho chúng con sống đời Dâng Hiến.

- Tri ân Các Đấng Chủ chăn đã tận tình vượt khó trong cơn bắt đạo và chiến tranh để đưa lối tìm đường cho chúng con được tiếp tục sống đời tận hiến.

- Tri ân Đức cố Tổng Giám Mục Phêrô Ngô Đình Thục đã khởi đầu lộ trình về miền đất Bình Tuy cho chúng con.

- Tri ân Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã tuyển chọn chị em Mến thánh Giá Huế dấn thân truyền giáo vùng sâu vùng xa của Bình Tuy.

- Tri ân Đức Cố Tổng Giám Mục Philipphê Nguyễn Kim Điền và Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế, đã quảng đại hy sinh để chúng con có điều kiện tự lập và trưởng thành, làm tăng thêm vẻ đẹp phong nhiêu sẵn có cho cây đại thụ Mến Thánh Giá.

- Tri ân Cha cố Gioan Baotixita Trần Ngọc Thủy và Cha Giuse Đặng Đình Hoàng.

- Tạ ơn Giáo Phận Phan Thiết đã đón nhận chúng con làm con Giáo phận. Tình thương của Đức Cha Nicolas, Đức Cha Phaolô, Đức Ông, quý Cha Hạt, quý Cha Tuyên úy, Quý Cha Giáo, Quý Cha và Quý cộng đoàn Giáo dân trong và ngoài Giáo phận đã nâng đỡ, khích lệ, giúp chúng con có được ngày hôm nay.

- Đặc biệt chúng con ghi đậm công ơn sinh thành dưỡng dục của Đức Cha Nicolas. Đức Cha đã chắt chiu từng mảnh vật chất trong thời buổi chật vật cho chúng con có cửa nhà thông thoáng: dạy bảo từ cách sống đến công việc truyền giáo kiến hiệu. Từng bước, Đức Cha đã đồng hành và giúp chúng con vưon lên. Tình thương hiền phụ của Đức Cha là một phần nhựa sống nuôi dưỡng cuộc đời chúng con. Chúng con nguyện đền đáp công ơn Đức Cha bằng quyết tâm sống đời sống Dâng Hiến mỗi ngày mỗi thánh thiện hơn.

- Tri ân Linh Mục Stan. Nguyễn Văn Ngọc và Linh Mục Matheu Lê Văn Thành đã viết tặng chúng con tập Lược sử Dòng Mến Thánh Mỹ Hương - Tam Toà - Đồng Hới.

- Xin tri ân Đan viện Châu Thuỷ, Quý Anh Em Dòng Tên Việt Nam, Quý Vị An Nhân xa gần đã bằng cách này cách khác, giúp đỡ bước tiến của Hôi Dòng chúng con.

- Ghi nhớ công ơn Các Chị Bề Trên Tổng Quyền còn sống cũng như đã qua đời, các chị là những Hiền Mẫu đức độ đã đem hết tâm huyết chăm lo cho con cái, chèo chống con thuyền Hội Dòng vượt qua mọi sóng gió cũng như trong thanh bình, quyết tâm bảo trì và phát huy di sản truyền thống cao quý của Hội Dòng.

- Và cũng trong tâm tình ghi nhớ, chúng con xin tri ân Cha Cố vấn Phi Khanh Vương Đình Khởi, tất cả quý chị Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam. Trên hành trình cuộc sống, được có Cha và Quý Chị đồng hành, đó là niềm hạnh phúc lớn lao.

Cùng với Đại Gia Đình Mến Thánh Giá, chúng con nguyện cầu xin Chúa ban cho Đức Cha Lambert de la Motte vinh dự được Giáo Hội công nhận là gương thánh thiện cho các chủ chăn và đoàn chiên, để tôn vinh Tình Thương và Quyền Năng của Chúa giữa các dân tộc Á Châu.

Tất cả đều là hồng ân Thiên Chúa.

Nguyện Danh Chúa được cả sáng khắp nơi.

Nguyện xin Chúa trả công bội hậu cho Tất cả Quý Vị đã đang và sẽ tận tinh giúp đỡ chúng con.

Nguyện xin ngọn gió Thánh Linh tiếp tục đưa dìu con thuyền Hội Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết về bến Bình An.