TỪ ỦY BAN “LUNG LẠC” ĐẾN “ĐÀN KÉT CÔNG GIÁO” – VÀI SUY TƯ

Ý nghĩa lớn của những cuộc cầu nguyện

Kể từ khi Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt kêu gọi giáo dân hợp ý cầu nguyện cho việc đòi lại Tòa Khâm sứ đến nay đã hơn 3 tháng. Ba tháng trong cuộc hành trình lịch sử của Giáo hội để đòi công lý và sự công bằng quả là ngắn ngủi. Ngắn ngủi vì chuyện đòi công lý, sự thật của Giáo hội Công giáo nói riêng, của dân tộc này nói chung, đã gần hai phần ba thế kỷ. Nhưng sự tiến bộ cứ nặng nề, chậm chạp và nhiều lúc không thèm biến chuyển bởi cơ chế độc tài Đảng trị một thời gian quá dài.

Nhưng ba tháng qua, đã là một khoảnh khắc đáng nhớ trong đời sống Giáo hội Việt Nam. Một khoảnh khắc lịch sử, khi những giáo dân chân yếu tay mềm dám đứng lên đòi quyền được sống bình đẳng, quyền có tiếng nói, quyền được tôn trọng. Những giáo dân không một tấc sắt trong tay biết đoàn kết đã làm chùn tay bạo quyền và làm kinh động cả thế giới hiện đại.

Đó là một việc có ý nghĩa lớn lao, lớn lao hơn tất cả những mục tiêu nhỏ nhoi là đòi lại một khu đất, một tài sản. Ý nghĩa đó không chỉ với người giáo dân Công giáo mà còn lớn lao với cả một dân tộc, một đất nước.

Thời phong kiến, tất cả mọi vật trên trời dưới đất, trong đất nước này, đều là của vua. Vua có đủ quyền hành xử, định đoạt tất cả, kể cả mạng sống của mình thì sự sợ hãi của người dân là đương nhiên Bởi họ không có quyền quyết định ngay chính sinh mệnh, tài sản của mình.

Thời Cộng sản, từ chỗ một Đảng khi sinh ra “Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ. Không quê hương sương gió tơi bời” – Tố Hữu – được đưa về Việt Nam, được nhân dân nuôi dưỡng bằng công sức của mình để Đảng lớn lên. Đến lúc Đảng đã trở thành cha mẹ của nhân dân tự khi nào không rõ. Từ chỗ người dân là người chủ nuôi nấng Đảng, Đảng đã thay ngôi đổi chủ trở thành người ban phát ơn huệ cho dân “Tình Đảng tình dân như tình mẫu tử” - lời bài hát. Câu cửa miệng “ơn Đảng, ơn chính phủ” đã trở thành một câu tụng niệm bắt buộc phải có trên đầu lưỡi mọi người dân.

Từ chỗ cả đất nước này, mấy chục dân tộc cùng nhau đoàn kết viết lên bao trang sử oai hùng chống ngoại xâm, nhất là bọn Đại hán phương bắc đã làm rạng danh non sông với tôn chỉ “Tổ quốc trên hết”. Đến nay, trên bất cứ bàn thờ nào của bất cứ một cuộc hội họp, một hội trường công cộng nào, cờ Tổ quốc chỉ ngang hàng cờ Đảng – Đảng đã to lớn ngang bằng Tổ quốc?

Nhưng Tổ quốc là khái niệm khá trừu tượng, còn Đảng là một thực thể cụ thể. Vì vậy để được yêu nước và tỏ lòng yêu nước người dân cũng cần được Đảng cho phép, những cuộc ngăn chặn vây ráp bắt bớ những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Trường Sa và Hoàng Sa vừa qua đã là một ví dụ hùng hồn.

Khi tất cả là của Đảng, từ cơm ăn, áo mặc, từ không khí mình hít thở đến tư tưởng của mình đều nhờ ơn Đảng, vị thế người dân được phân định bằng cơ chế xin – cho thì người dân chỉ là hạng nô lệ, phụ thuộc dù được rêu rao dưới những mỹ từ “dân chủ, dân quyền”. Thực chất là một hệ thống bảo đảm quyền lợi, quyền sinh sát cho một nhóm người không biết đang đại diện cho ai.

Để duy trì hệ thống thống trị đó, Đảng dùng phương thức lấy “chuyên chính vô sản – bạo lực cách mạng” làm phương thế xử sự, lấy học thuyết Mác – Lê nin vô thần làm nền tảng đường hướng cho cả xã hội, thì căn bệnh sợ hãi đã thấm vào máu thịt, nó như một thứ bệnh gia truyền qua nhiều đời.

Chính vì vậy, việc những người giáo dân đoàn kết đứng lên cùng nhau cầu nguyện, nói lên ý nguyện của mình khác ý Đảng, trái với những tiền lệ xưa nay trong xã hội Cộng sản, là điều thực sự có ý nghĩa lớn lao.

Để đối phó với những việc làm của người Công giáo, đã có nhiều con bài, nhiều mưu ma chước quỷ được tung ra, kể cả phương án dùng sức mạnh súng đạn. Nhưng tất cả không có ý nghĩa trước niềm tin đơn sơ và mộc mạc, nhiệt thành của người Công giáo Việt Nam vào Thiên Chúa, vào Giáo hội, trước sự đoàn kết hiệp thông của Giáo hội hoàn vũ, của lương tâm nhân loại bị đánh thức.

Và đến khi đó, những cò mồi, hệ thống tay sai được tận dụng triệt để. Nhất là những cò mồi trong cái gọi là “Ủy ban Đoàn kết Công giáo”? Giáo hội Phật giáo quốc doanh, Ban Tôn giáo…

Vài nét lịch sử

Theo nhiều tài liệu, Chủ tịch Hổ Chí Minh có chính sách đoàn kết lương giáo thời kỳ đầu cách mạng – Khi đó, Đảng chỉ là Đảng lao động, chính phủ tập hợp nhiều Đảng phái - đã tạo được sự thống nhất của đất nước trong thời kỳ chống thực dân Pháp. Kết quả khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 1945 bốn vị Giám mục Công giáo thừa nhận ông là chủ tịch chân chính của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Khi đó ông đã cử một người Công giáo là ông Nguyễn Mạnh Hà làm bộ trưởng Kinh tế đầu tiên. Tại buổi lễ tấn phong Giám mục Lê Hữu Từ và lễ thành lập Liên đoàn Công giáo vào tháng 10 năm 1945 tại Phát Diệm có sự hiện diện của ông Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Thậm chí Giám mục Lê Hữu Từ còn được cử làm cố vấn tối cao của Chính phủ.

Về chính sách, chính phủ Việt Minh đã ban hành những chỉ thị nghiêm ngặt, cấm đoán mọi hành động xúc phạm tôn giáo, nhất là việc phá huỷ nơi thờ cúng, người phạm tội có thể bị xử tử hình. Đây là một cố gắng thực sự nhằm hạn chế bất hoà đối với người Công giáo. Năm 1949, uỷ viên nội vụ Nam Bộ Ung Văn Khiêm nghiêm cấm "mọi hành động phẫn nộ hay khiêu khích đối với người Thiên chúa giáo". Không những không cấm đoán việc thờ Chúa, Việt Minh còn cho phép tổ chức những cuộc đại lễ nhân những ngày lễ đạo trọng đại. Mỗi năm vào dịp Nô-en, bao giờ Hồ Chí Minh cũng gửi thư chúc mừng đồng bào Công giáo.

Đó là những chính sách ban đầu của Đảng với người Công giáo, khi mà Đảng cần sự hợp tác để tiến hành cuộc cách mạng dân tộc thời kỳ đang non trẻ.

Nhưng những năm tháng mặn nồng chưa hiểu hết nhau ban đầu nhanh chóng qua đi, Khi Đảng đã cứng chân mạnh tay, những tổ chức Công giáo đều bị Đảng kiểm soát chặt chẽ nhất là khi đàn anh Cộng sản Trung Quốc ra đời. Đặc biệt từ 1953 trở đi, chủ trương tiến hành "đấu tranh giai cấp" và phát động cải cách ruộng đất trong những vùng kháng chiến kiểm soát (ở những nơi có nhiều giáo dân), Việt Minh lúc đó cũng không còn giấu giếm bản chất cộng sản của mình thì sự đối xử đã diễn ra với chiều hướng khác.

Đó cũng là cung cách xử sự của những kẻ từ ở độ đến tiến hành chiếm nhà.

Trước làn sóng ồ ạt của một cuộc “bỏ phiếu bằng chân” của cả triệu người Công giáo và cả không công giáo quyết tâm từ bỏ ruộng vườn, nhà cửa, quê hương chôn rau cắt rốn của mình để di cư vào nam. Nhà nước Việt Nam buộc có những động thái mới. Tháng 3 năm 1955, giữa lúc cuộc di cư ở miền Bắc đang ào ạt, Uỷ ban liên lạc Công giáo đã được thành lập dưới sự quản lý của Mặt trận Tổ quốc, một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản để nhằm “phổ biến chính sách của nhà nước trong đồng bào Công giáo, động viên đồng bào ủng hộ chế độ và tham gia các tổ chức quần chúng trong Mặt trận Tổ quốc” .

Ngay ngày hôm sau khi tổ chức này ra đời, Khâm mạng Toà thánh John Dooley và các Giám mục giáo tỉnh miền bắc, trong một lá thư đề ngày 12 tháng ba, đã lên án Uỷ ban này, coi đó là “một hiểm hoạ cho sự thống nhất của Giáo hội Việt Nam”. (Theo Trần Thị Liên- Vấn đề Công giáo miền bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ Ba Lan (1954-1956) tạp chí Thời Đại mới, Tháng 3/2005)

Với nhận thức sâu sắc về một nguy cơ, Giám mục Trịnh Như Khuê đã “treo chén” (không được phép thi hành sứ vụ linh mục) hai linh mục tham gia Ủy ban này như một cách thể hiện thái độ ngay từ những ngày đầu của Giáo hội Công giáo, không thể để một Giáo hội tự trị được manh nha thành lập.

Có lẽ với sự nhanh nhẹn mẫn cảm của những vị chủ chăn trác việt của Giáo hội những ngày tháng đó, dám chấp nhận đau đớn, khốn đốn mà Giáo hội Việt Nam đã tránh được những hậu quả đau lòng cho ngày nay.

Để đánh giá tác dụng thực chất của Ủy ban này, chỉ cần một câu của những người Công giáo gọi tên Ủy ban này là “Ủy ban Lung lạc Công giáo Việt Nam” và sau này là “Ủy ban Đàn két Công giáo” là đã nói lên tất cả.

Những người Công giáo tham gia ở đó gồm các linh mục, các trí thức, giáo dân... với những động cơ và hoàn cảnh khác nhau. Có những người do hoàn cảnh, có những kẻ do tinh thần, niềm tin, lòng yêu nước đơn sơ đặt nhầm chỗ, có những người chính bản thân mình được nổi tiếng, được bổng lộc.

Thậm chí, cũng không thiếu những vị mơ đến chức vụ như của Lưu Bách Niên – “Giáo hoàng đen” của Trung Quốc cộng sản hiện nay.

Nhưng tất cả mọi hoạt động của Ủy ban này, nhằm mục đích gì thì giáo dân và hàng giáo phẩm chân chính đã không lạ.

Nó đã có tác dụng gì với người Công giáo, với đất nước, với dân tộc, với chính Nhà nước đã tạo dựng nên và nuôi nó sống bấy lâu nay?

Những hoạt động, những tâm nguyện của giáo dân là chuyện xa lạ với cái Ủy ban này, điều này đã được kiểm chứng qua quá trình dài. Điển hình như vụ Tòa Khâm sứ, Hà Đông, Thái Hà vừa qua, những người trong hệ thống này chắc không bận đi nước ngoài tất cả, chưa thoát ly hoàn toàn với Giáo hội, với xã hội Việt Nam. Nhưng không một tiếng nói, không một từ ngữ nào được nhắc đến, dù họ có trong tay đến mấy tờ báo và hàng năm vẫn họp hành, ăn ngủ và lĩnh kinh phí đều đều.

Ngay một Giáo xứ tại Hà Nội, có một vị danh sách hoành tráng, trang trọng trong “Ủy ban đàn két Công giáo” kia, nhưng khi giáo dân nô nức đồng loạt ký đơn đề nghị xin lại Tòa Khâm sứ, đã phản đối rằng: “Không nên ký, vì làm thế thì phường, Nhà thờ sẽ mất thi đua”? Hỡi ôi, cái danh hão, cái hư vị vẫn còn nặng nề đến thế thì ai sẽ nhả ra? Và trong con mắt giáo dân, họ sẽ được “kính trọng” như thế nào?

Nhìn lại cả một quá trình hình thành và phát triển, dù có đầy rẫy những bản báo cáo hay ho trong những kỳ đại hội, dù nó được làm chủ hai tờ báo mang danh Công giáo Việt Nam, dù đã được tặng thưởng Huân chương Hổ Chí Minh thì cũng cần nói thật: Nó đã không có tác dụng cho người đã thành lập nên nó lẫn những người nó muốn tác động.

Tác dụng duy nhất, nếu có là ngân sách hàng năm có chỗ chi tiêu, những đồng tiền thuế của người dân có chỗ mà ném vào không ai được thắc mắc. Những linh mục, những tu sỹ, giáo dân sau những kỳ họp, có thể vênh vang trước những đấng bản quyền, trước những giáo dân khác, vì họ là những người “tiến bộ” được Nhà nước tin dùng? Thậm chí, nếu cuộc sống cá nhân của họ có những điều tai tiếng, không gương mẫu, thì đã có chỗ đã hoạt động, kẻo không có đường lùi.

Còn tác hại của nó? Có thể dẫn chứng rất nhiều tại đây, nhưng cái dễ nhìn thấy nhất là cái “Ủy ban đàn két này” đã làm hỏng tinh thần đoàn kết ngay của những người Công giáo. Giữa những người tham gia và những người không tham gia, giữa hàng giáo sĩ với nhau, và giữa giáo dân với hàng giáo sĩ.

Tất cả những sự mất đoàn kết đó, hậu quả không chỉ là người Công giáo phải chịu như ý muốn của một ai đó, mà là cả dân tộc này phải gánh chịu. Khi thiếu đoàn kết, sức mạnh dân tộc, nguyên khí đất nước đã hao mòn đi nghiêm trọng.

Thiết nghĩ đã đến lúc, cần đưa nó về vị trí của nó: Con số không.

Nhiều người Công giáo đã lầm tưởng vào một tương lai tốt đẹp cho mình khi nhiệt tình hăng hái vào Ủy ban này để được Đảng và Nhà nước trọng dụng. Hoặc như cái mốt một thời “ta cũng là cán bộ Nhà nước như ai” được ưu đãi có nhà, có xe… hoặc chiếm một vị trí quyền lực.

Nhưng tất cả đều sẽ là ảo tưởng. Khi chế độ Cộng sản hiện nguyên hình, tất cả họ chỉ là một thứ công dân hạng bét. Những đồng chí, những học trò của ông Hồ Chí Minh giai đoạn sau này, đã không còn có những chiêu như hồi cách mạng còn non trẻ.

Tất cả hệ thống công quyền song trùng, bùng nhùng chồng chéo hiện nay với hơn 6 triệu công chức, thử tìm xem một người Công giáo chân chính nào đã được tham gia hệ thống từ chức vụ Chủ tịch Huyện trở lên của hơn 500 huyện thị và 64 tỉnh, thành phố? Trong hệ thống lực lượng vũ trang với quân số không nhỏ so với số dân hiện nay, thử tìm có được một sĩ quan nào người Công giáo chân chính hay không?

Và ngay cả trường hợp được trọng dụng nếu có, để có chức có quyền, có những mối lợi trong hệ thống công quyền tham nhũng:

Những Hồ Tôn Hiến thời nay

Càng mê chức tước, càng dầy mưu gian

Giỏi tranh ghế, giỏi tranh bàn

Tham tiền, tham gái, tham ăn, tham nhà

Mưu đồ khi đã nghĩ ra

Đá vàng cũng quyết, phong ba cũng liều


(Lê Khả Sỹ - Gặp Nguyễn Du trong mộng)

Thì đó có là tiêu chí phấn đấu của những người Công giáo sống yêu thương và chia sẻ cho tha nhân, làm muối đất và ánh sáng?

Ngay cả những người mang danh Công giáo tham gia trên các diễn đàn Quốc hội, từ linh mục đến tu sĩ, giáo dân, đã có bao giờ trong lịch sử Quốc hội Việt Nam họ có được một tiếng nói để bênh vực quyền lợi của hơn 8 triệu giáo dân Công giáo? Hay cũng chỉ là những lời ngợi ca liên miên không dứt như một bài ca truyền thống, công việc của những con két thường làm?

Điều đó để nói lên rằng: Câu chuyện con chó và người thợ săn vẫn còn mang tính thời sự.

Thiết nghĩ đã đến lúc người Công giáo hãy nhận chân giá trị của mình, đừng ảo tưởng những điều không có thật bởi những ngôn từ bóng bẩy, lừa mị kia.

Và cũng qua đó, ta thấy rõ hơn những gì là gian trá, những gì là lương tâm và sự thật, điều cấp thiết cho Giáo hội và xã hội hiện nay để đi lên theo kịp thời đại.

Hà Nội, Ngày 12 tháng 3 năm 2007