Madrid - Khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI bắt đầu triều đại Giáo Hoàng của mình, đã có những đồn thổi cho rằng ngài, người đã ký Tuyên Ngôn Domius Iesus ngày 6/8/2000, và Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ đặt nhiều ưu tiên vào lãnh vực Kitô Học. Cụ thể, vào tính duy nhất của ơn Cứu Độ từ Chúa Kitô và qua trung gian Giáo Hội Công Giáo. Đức Thánh Cha và Bộ Giáo Lý Đức Tin sẽ có những nỗ lực mãnh liệt chống lại trào lưu tôn giáo tương đối trong đó Chúa Kitô được xem như một trong số rất nhiều những nhân vật mang lại “giải thoát” cho thế giới; và Giáo Hội Công Giáo cũng chỉ là một trong nhiều con đường dẫn đến “sự giải thoát”.

Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy khó đánh giá tầm mức những nỗ lực như thế từ phía Đức Thánh Cha và Bộ Giáo Lý Đức Tin vì Tòa Thánh chưa có một kỷ luật nào liên quan đến vấn đề này. Cho đến nay, các quyết định kỷ luật đều đến từ các Hội Đồng Giám Mục.

Vụ gần đây nhất là vụ Cha Phêrô Phan Đình Cho do ủy ban Tín Lý của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đưa ra liên quan đến cuốn Being Religious Interreligously xuất bản năm 2004.

Mới đây nhất, Comisión Episcopal para la Doctrina de la Fe (Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin) Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha vừa đưa ra những lời phê bình hai Thần Học Gia thường viết về chủ nghĩa đa nguyên tôn giáo và Kitô học là cha José María Vigil, người Tây Ban Nha nhưng đang sống ở Panama, và cha José Antonio Pagola, người đã làm cha tổng đại diện giáo phận San Sebastián của Tây Ban Nha trong 22 năm qua.

Trung tuần tháng Giêng, các Giám Mục Tây Ban Nha đã chỉ trích cuốn Theology of Religious Pluralism (Thần Học về Đa Nguyên Tôn Giáo) do cha Vigil viết chung với Đức Giám Mục Pedro Casaldaliga của Ba Tây, xuất bản năm 2005.

Các Đức Giám Mục phàn nàn rằng trong cuốn sách này, cha Vigil đã đệ lộ rõ ngài là một triết gia duy lý khước từ khả năng sự can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người, gạt ra ngoài lề những truyền thống trong việc đọc và diễn giải Thánh Kinh, phủ nhận huấn quyền là người diễn dịch chân thật Lời Chúa..

Theo các Đức Giám Mục Tây Ban Nha, cha Vigil đã đưa ra những kết luận tương tự như những gì đã bị lên án trong trường hợp của cha Jacques Dupuis (Dòng Tên, người Bỉ) và cha Roger Haight (Dòng Tên, người Mỹ).

Trong khi các Đức Giám Mục Tây Ban Nha đồng thanh lên án cuốn Theology of Religious Pluralism của cha Vigil; cuốn Jesus: A Historical Approximation (Chúa Giêsu: Một Tiếp Cận Lịch Sử) của cha José Antonio Pagola ít bị lên án hơn. Cuốn sách này được xuất bản năm 2007 và đã được tái bản đến lần thứ 8 chỉ trong chưa đầy một năm.

Đức Cha Demetrio Fernández González của giáo phận Tarazona nhận định rằng “Chúa Giêsu của cha Pagola không phải là Chúa Giêsu của Giáo Hội” và trong tay cha Pagola, “Chúa Giêsu là một con người ngoại thường nhưng không cùng bản thể với Chúa Cha”.

Cha José Rico Pavés, thư ký Comisión Episcopal para la Doctrina de la Fe chỉ trích rằng cuốn sách của cha Pagola chứa đựng những hoài nghi liên quan đến những trình thuật về cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu, diễn dịch lời Chúa mang đầy tính đấu tranh giai cấp, bỏ qua chiều kích tội riêng từng người và ơn cứu độ.

Những lời phê phán cha Pagola chưa được Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha chính thức thông qua.